101 Cách Viết Thư Tình Tán Lớp Trưởng

Chương 5: Thư viện



Cầm tờ giấy to đùng có đúng một chữ "Phiền", Diệp mất gần một phút mới nhớ ra lần trước mình có ghi một câu là "Nếu cậu thấy phiền thì......" gì gì đó.

Ồ, vừa lạnh lùng vừa chảnh chó.

Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền của thành phố Hạ Long tỉnh Quảng Ninh có tổng cộng ba dãy nhà. Dãy A gần cổng trường nhất, toàn bộ phòng của dãy A là lớp học. Đối diện dãy A là dãy B, dãy này thì chỉ có tầng ba và tầng bốn là lớp học, còn lại tầng một tầng hai sẽ bao gồm phòng thí nghiệm, thư viện, phòng y tế, kho đựng dụng cụ thể dục hoặc cơ sở vật chất gì đấy. Trong đó thì thư viện chiếm hết nửa cái tầng một, sách đều được chắt lọc từ các đợt quyên góp sách giấy của học sinh, còn trường chỉ phải bỏ tiền ra mua kệ thôi. Ngoài ra còn có một dãy hành chính, nằm ở vị trí vuông góc với hai dãy còn lại tạo thành hình chữ U, là văn phòng của các thầy cô, bao gồm phòng nghỉ, nơi họp hành, tổ chức hội nghị các thứ.

Lớp 12A5 của Diệp ở tầng hai dãy A, ra lan can hành lang đứng là có thể nhìn thấy thư viện ở tầng một dãy B đối diện. Lần trước đi lấy thư nó đã rất lo lắng bị nhìn thấy, thầm nghĩ mình chọn chỗ trao đổi thư chẳng hợp lí tí nào. Nhưng cũng không còn cách nào khác bởi chỉ có giấu ở chỗ này mới an toàn và sạch sẽ nhất thôi.

Thật ra học sinh cấp ba cũng chẳng có mấy đứa đọc mấy cái loại sách trong thư viện. Nó cũng vậy, nó mà chịu đọc thì đã không gặp nhiều vấn đề khi viết dăm ba cái dòng thư như thế. Nhưng từ lúc phát hiện trong thư viện có cái ghế sofa nằm rất êm, thi thoảng nó cũng mang truyện tranh thuê bên ngoài vào đây nằm đọc giờ giải lao. Thủ thư là cô giáo đứng tuổi sắp về hưu, thi thoảng có lớp cần dạy bù thì cô khoá cửa thư viện lên đứng lớp cho đám học sinh mới một phen trầm trồ luôn. Người đọc nhiều sách mà, kiến thức uyên thâm lắm. Diệp đến đây thường xuyên quá, cô Nhàn thủ thư cũng dần quen mặt nó. Dù sao thì cũng chẳng có mấy học sinh lui tới nên cô Nhàn cũng không thấy phiền, chứ nếu mà đông quá thì chưa biết được.

Hôm nay tiết học thể dục được thầy cho nghỉ sớm, đám con trai học hăng hái vã mồ hôi như tắm chạy ra canteen mua nước uống, còn nó ôm truyện tranh vào thư viện nằm đọc như thường lệ. Một tuần có khoảng hai buổi nó vào thư viện nằm chơi như vậy.

Tạm thời nó chưa có ý định viết thư cho Đăng vì nó đang cảm thấy bí, bí nội dung, bí từ. Một phần cũng do nó đang dùng kế tung hoả mù, kiểu như vẫn ra vào thư viện bình thường nhưng không có thư thủng gì hết, để Đăng không nghi ngờ nó rồi dần dần quên nó đi, chứ nó thấy mỗi lần nhận thư Đăng ngoài dò xét cả lớp một lượt thì dò xét nó hai lượt, trông sợ lắm.

Diệp ôm cuốn One Punch Man tập 18 đọc quên trời đất, thấy thời gian cũng trôi qua được một lúc nên ngửa đầu nhìn đồng hồ dán ngay trước cửa ra vào. Bởi vì xung quanh đều là kệ sách cao tới nóc nên đồng hồ không có chỗ nào khác để treo ngoài phía trên cửa ra vào cả.

Ai dè nó còn chưa nhìn thấy đồng hồ đã thấy cái khuôn mặt làm nó thấp thỏm mấy hôm doạ cho sợ, lăn từ trên sofa xuống đất.

"Sao mày lại ở đây vậy Đăng?" Diệp ai oán hỏi, tay bám ghế để đứng dậy, phủi phủi bụi đất bám trên đồng phục.

"Sao tao lại không được ở đây?" Đăng hỏi ngược lại.

Diệp ngồi lại ghế sofa, tỏ vẻ ghét bỏ nói: "Thế mày làm gì thì làm đi, tao không hỏi nữa."

Im lặng.

Nó đang ngồi ghế nên tầm mắt vừa hay dừng ở chân Đăng. Nó thấy đầu gối cậu ta cử động một chút, nhưng chân không bước tới, cuối cùng lại đứng im. Tay Đăng bám ở cửa.

Diệp nghiên cứu ra được sự do dự của Đăng, não đột nhiên thông minh ra một tí: Thư viện là nơi trao đổi thư!

Nó cúi đầu giấu tầm mắt nhìn về phía cuốn Không gia đình trong góc. Nhưng mà nó đã viết thư đâu? Với lại lần trước Đăng cũng kêu phiền, nếu đã phiền thì chắc gì cậu ta đã đến đây để lấy thư? Nhưng chốt lại vẫn là: làm gì có thư đâu mà lấy?

Đăng ho khan một tiếng: "Tao vừa đi canteen, tiện đường. Tiết sau có Địa Lý nên qua mượn quyển Atlas."

Đăng nói xong liền đi vào trong lấy quyển Atlas rồi nhanh chóng đi ra. Lời Đăng nói hợp tình hợp lý không chịu được, khiến nó không thể tìm ra sơ hở, ngoại trừ việc Diệp không biết hôm nay Đăng có mang Atlas đi học.