Dứt lời, bà ta lập tức đi luôn. Tào Hạc Minh đang dìu bà ta ngây người ra, ngay cả Lý Thắng Bân cũng thế.
Chuyện mà Hoắc Khải nói ra chính là vấn đề mà người ta không thích nhất trong một gia tộc lớn, cũng chẳng có mấy ai trong gia tộc cảm thấy chuyện này có gì không ổn.
Một người vì mọi người, bọn họ đã quen với phong cách làm việc ấy rồi.
Chắc hẳn bà cụ cũng là người như thế, ấy vậy mà bây giờ bà ta lại bảo Hoắc Khải thử thay đổi điều đó.
Câu nói này là thật lòng sao?
Hay chỉ là thuận miệng nói ra?
Bất kể là thế nào thì cũng khiến người ta vô cùng ngạc nhiên.
Bởi vì cho dù là nói dối thì cũng đồng nghĩa với việc bà cụ chịu nhún nhường trước Hoắc Khải.
Bà cụ đã từng được đánh giá là chuyên quyền độc đoán, thế mà lại chịu nhượng bộ trước một người thuộc thế hệ sau, thật sự là khiến người ta ngạc nhiên tột độ.
Hoắc Khải không cảm thấy quá mức kinh ngạc, anh chỉ cảm thấy có lẽ mình đã xem thường bà cụ rồi.
Không phải bà ta không biết tiến lùi đúng lúc, cũng không phải bà ta cứ khăng khăng không chịu thay đổi, thế nhưng đôi khi bị người ta tung hô quá đà, không có đường để hạ mình xuống, muốn thay đổi cũng không được.
Nhất định phải xuất hiện một người có tư cách thách thức uy quyền của bà ta thì bà ta mới có thể nương theo đó mà tiến hành thay đổi.
Vừa đi vừa nghĩ, chẳng bao lâu sau bọn họ đã tới cửa phòng họp.
Trong phòng họp rộng lớn vang lên những tiếng xì xào. Vào thời khắc quan trong như thế này, gần như những nhân vật nắm quyền của các chi thứ đều có mặt đầy đủ.
Sự xuất hiện của bà cụ khiến căn phòng yên tĩnh hơn một chút. Nhưng khi nhìn thấy Hoắc Khải, những tiếng bàn tán lại vang lên.
Rất nhiều người mới nhìn thấy Hoắc Khải lần đầu, bọn họ đều cảm thấy tò mò về đứa con hoang có thân phận đặc biệt này, và hơn hết còn có cả địch ý.
Nếu không có Hoắc Khải, cổ phần của dòng gia chủ sẽ bị các chi thứ chia nhau, sự tồn tại của anh không chỉ làm ảnh hưởng tới lợi ích của hàng ngàn người, mà còn ảnh hưởng tới lợi ích của số người lên đến sáu con số trong nhà họ Lý.
Nhiều người như thế này, chỉ tính riêng những ánh mắt đang nhìn chằm chằm kia cũng đủ để khiến một người bình thường sợ mất hồn mất vía rồi.
Nếu để Ninh Thần tới đây thì e là cô còn khó mà thở nổi ấy chứ.
Nhưng Hoắc Khải thì không như thế, anh tỏ ra rất bình tĩnh, thong dong.
Những ánh nhìn và những lời bàn tán của người nhà họ Lý chẳng hề mang tới bất cứ áp lực gì cho anh.
Bởi vì anh đã sớm quen với bầu không khí như thế này rồi.
Áp lực ở nhà họ Hoắc năm đó lớn hơn bây giờ nhiều, anh không những không gục ngã, mà còn dần bước lên vị trí cao nhất trong gia tộc, đến tận khi không còn một ai dám thách thức quyền uy của anh nữa.
Bà cụ chậm rãi bước tới thẳng tới vị trí trên cùng rồi xoay người lại. Bà ta không ngồi xuống ngay, mà là vẫy tay với Hoắc Khải, ra hiệu cho anh tới bên cạnh mình.
Đợi đến khi Hoắc Khải tới trước mặt, Tào Hạc Minh mới mang ghế tới, đặt ngang hàng với ghế của bà cụ.
“Ngồi đi”, bà cụ nói xong rồi mới ngồi xuống.
Ánh mắt của mọi người đổ dồn vào chiếc ghế ấy.
Ở vị trí trên cùng của phòng họp luôn chỉ có một chiếc ghế, tượng trưng cho quyền lực và địa vị tối cao của gia chủ.
Vậy mà bây giờ bà cụ lại sai người đặt thêm một chiếc ghế ở bên cạnh, hành động này chứng tỏ điều gì?
Cảm giác như nhiếp chính vương thời cổ đại vậy.
Nhà họ Lý sắp có hai người nắm quyền rồi sao?
Vô số người muốn ngồi vào chiếc ghế ấy, đồng thời cũng có vô số người tăm tia người đang ngồi trên chiếc ghế ấy.
Đây là một cách để thử thách định lực của Hoắc Khải.
May mà Hoắc Khải đã trải nghiệm nhiều cuộc thử thách thế này rồi, anh bình tĩnh bước tới, xoay người ngồi xuống ghế.
Bà cụ âm thầm gật đầu, Hoắc Khải dám ngồi cạnh bà ta, bất kể là bởi vì anh bạo dạn hay ngốc nghếch thì ít nhất cũng đều chứng minh được rằng anh có thể chịu được áp lực này.
Đối với người sắp kế thừa cổ phần của chi chính, khả năng chịu áp lực có liên quan trực tiếp tới kết quả.
Ngay khi Hoắc Khải vừa ngồi xuống, có người lập tức vỗ bàn đứng lên, nổi giận nói: “Xấc xược, sao cậu dám ngồi ngang hàng với bà cụ, không biết tôn ti trật tự gì hết, xuống ngay cho tôi!”
Người vừa lên tiếng là ông cả của chi thứ ba, tên là Lý Chính Thụy.
Chi thứ ba có địa vị rất cao ở nhà họ Lý, từ đời ông nội của bọn họ đã nắm giữ hầu hết quyền hành. Tính đến thời nay đã có bao nhân tài xuất hiện, trong số các dự án của nhà họ Lý, chi thứ ba chiếm một phần ba.
Vậy nên bọn họ cũng có tiếng nói hơn các chi khác, gần bằng với chí chính thuộc dòng gia chủ.
Bà cụ liếc nhìn Lý Chính Thụy nhưng không lên tiếng. Lý Thắng Bân đứng bật dậy, trầm giọng nói: “Lý Chính Thụy, đây là phòng họp của gia tộc, không phải cái vườn nhà ông, bà cụ còn ở đây, ông quát tháo như thế thì còn ra thể thống gì nữa!”
“Ái chà, phó chủ tịch ra dáng cấp trên quá đi mất, không cho người khác lên tiếng luôn cơ à?”, một người khác đứng lên. Ông ta là ông ba của chi thứ hai, tên là Lý Tinh Thanh. Lúc còn nhỏ ông ta thường xuyên đánh nhau với Lý Thắng Bân, khi đó dòng gia chủ vẫn chưa suy tàn, số người đông đảo, Lý Tinh Thanh thường xuyên bị người lớn trách móc vì chuyện này.
Đánh nhau với ai chẳng được, sao nhất định phải đánh với người của dòng gia chủ, thế chẳng phải là chuốc khổ vào người sao.
Sau này lớn lên, dòng gia chủ dần lụi bại, những người có thể thừa kế cổ phần đều qua đời. Lý Tinh Thanh là kẻ hẹp hòi, tất nhiên ông ta sẽ không bỏ qua cơ hội tốt để gây hấn với Lý Thắng Bân như vậy.
Cứ rảnh đời là ông ta lại gây sự với Lý Thắng Bân.
Bây giờ Lý Thắng Bân vừa lên tiếng là ông ta lập tức đứng lên chặn họng.
“Tôi cảm thấy nhà họ Lý chúng ta đồ sộ thế này thì phải có quy củ. Một thằng con hoang mà cũng được ngồi ngang hàng với bà cụ, vậy là đang nói thằng con hoang này có thân phận cao quý ở dòng chính gia chủ, hay là nói bà cụ…”
Lý Tinh Thanh không nói hết câu, nhưng không cần nói cũng biết ý của ông ta là gì.
Bà cụ để một đứa con hoang ngồi cạnh mình, chẳng phải là đang đặt mình vào địa vị ngang hàng với đứa con hoang ấy sao?
Đương nhiên, nói như vậy thật sự rất khó nghe, Lý Tinh Thanh cũng không dám nói ra. Dù thế nào thì bà cụ cũng là người nắm quyền trong gia tộc mà.
Ông ta có tài giỏi đến đâu thì bà cụ cũng hoàn toàn có thể dồn ông ta vào chỗ chết.
Tất cả mọi người đều hiểu ý của ông ta, không ít người bật cười khúc khích.
Lý Thắng Bân tái xanh cả mặt, ông ta chỉ vào Lý Tinh Thanh nói: “Ông nói linh tinh cái gì thế hả, lời như thế mà cũng dám nói ra! Dám bất kính với bà cụ, ông muốn chết hay sao!”
“Ơ hay, tôi bất kính với bà cụ bao giờ? Tôi chỉ đang hỏi một thằng con hoang có tư cách gì để ngồi ngang hàng với bà cụ thôi mà?”, Lý Tinh Thanh nói.
“Ông!”
Lý Thắng Bân còn muốn nói gì nữa, nhưng đột nhiên ông ta nghe thấy tiếng cây gậy giáng xuống đất.
Ông ta im bặt đi, xoay người hất mặt sang một bên. Cùng lúc đó, bà cụ đưa cây gậy của mình cho Hoắc Khải, nói: “Đi, thay tôi đánh nó ba gậy, để cho nó khôn ra”.
Gậy của bà cụ chẳng khác nào Thượng Phương Bảo Kiếm thời cổ đại, nhìn thấy kiếm cũng như nhìn thấy hoàng thượng.
Bà ta bảo Hoắc Khải cầm gậy đánh người, nói theo ý tốt thì là để Hoắc Khải lập uy, nhưng xét theo chiều hướng xấu thì lại là đẩy Hoắc Khải vào một tình thế bế tắc hơn.
Nếu đánh thật, sau này chắc chắn chi thứ sẽ coi anh là cái gai trong mắt, hận không thể ăn thịt, nóc xương, uống máu anh.
Ngay cả Lý Thắng Bân cũng cảm thấy không ổn. Ông ta mấp máy bờ môi, muốn khuyên ngăn nhưng bà cụ lại liếc mắt nhìn ông ta, nét cảnh cáo trong mắt khiến Lý Thắng Bân rụt cổ lại, không dám nói gì cả.
Hoắc Khải vẫn nhận lấy gậy.
Anh đứng lên nhìn bà cụ, hỏi: “Đánh thật hả?”
“Đương nhiên rồi”, bà cụ nói.
Hoắc Khải ồ lên một tiếng, cầm gậy đi về phía Lý Tinh Thanh.
Đằng sau Lý Tinh Thanh là con cái của ông ta. Một người đàn ông trông có vẻ lớn tuổi hơn Hoắc Khải đứng phắt dậy, gằn giọng quát lớn: “Mày dám!”
Lý Tinh Thanh xua tay, ý bảo hắn ta ngồi xuống, sau đó trợn mắt nhìn Hoắc Khải nói: “Để nó đánh! Tôi cũng muốn xem thử thằng con hoang này có tài cán gì!”
Hoắc Khải đi tới trước mặt ông ta. Nghe thấy câu này, anh bèn nói: “Tôi cũng không có tài cán gì cho cam, nhưng ông thì ngược lại đấy, trông có vẻ như ông rất muốn ăn đòn thì phải!”
“Thằng ranh, mày lặp lại lần nữa xem nào? Có tin là tao sẽ xé toang miệng mày ra không hả?”
“Mẹ kiếp, một thằng con hoang mà cũng ngang tàng như thế, đánh nó!”
Mấy người trẻ tuổi gào ầm lên, định tiến lên đánh Hoắc Khải.
“Cái đám hỗn hào! Đứa nào dám đánh thử xem!”, bà cụ bỗng quát lớn tiếng.
Vẻ mặt của bà ta chỉ toàn sự phẫn nộ, trên mái đầu bạc trắng có vài sợi tóc bay phất phơ, đủ để thấy bà ta đang kích động đến mức nào.
Uy vọng của bà cụ vẫn đủ dùng, bà ta cất tiếng mắng là không ai dám đứng ra nữa.
“Đánh cho tôi!”, bà cụ hô lên với Hoắc Khải.
Hoắc Khải giơ cây gậy lên, nói với Lý Tinh Thanh: “Ông cũng nghe thấy rồi đấy, chính bà cụ đã bảo tôi đánh!”
“Cậu dám đánh tôi thử xem!”, Lý Tinh Thanh lạnh lùng nhìn anh.
Ông cả của chi thứ hai là Lý Hưng Thịnh cũng tiếp lời: “Ông ấy phải chịu mấy gậy thì cậu sẽ phải nhận lại gấp trăm lần đấy, đừng tưởng rằng bà cụ có thể bảo vệ được cậu!”
Gần như tất cả mọi người đều đổ dồn ánh mắt về phía Hoắc Khải, chờ đợi hành động tiếp theo của anh.
Chỉ một cây gậy thôi, nhưng đã dồn Hoắc Khải vào tình thế nước sôi lửa bỏng.