Cô Thành Bế

Chương 102: Màn Hương



Lúc ta xuất cung trở về, sắc trời đã tối, cửa cung sắp đóng, tuyệt đại đa số quan viên đều đã rời cung, trên đường người thưa thớt, chỉ có một vị văn thần mặc sắc phục tứ phẩm cưỡi thớt ngựa còm nhom đi ra cửa cung đằng trước ta.

Quan viên trong kinh tan triều về nhà thường có gia nô chờ ngoài cửa cung, thấy chủ nhân ra thì lên đón, sau đó tiền hô hậu ủng trở về phủ. Quan tứ phẩm cấp bậc không thấp, song nghênh đón vị văn thần kia ngoài cửa lại chỉ có một nam bộc tuổi ngoài năm mươi, đợi y ra ngoài cung rồi lập tức rảo bước tới dắt ngựa cho chủ, miệng không ngừng gọi y “tú tài”.

Phàm là người có một quan nửa chức thường đều thích nghe người ta gọi mình bằng quan hàm, có rất nhiều người còn cố ý gọi tôn giả cao hơn một cấp quan hàm để cầu lấy lòng. Mà vị lão bộc này lại gọi chủ nhân làm quan tứ phẩm của mình là “tú tài”, ngoài việc có thể nhìn ra y đã hầu hạ chủ nhân mình nhiều năm ra thì cũng có thể đoán được rằng chủ nhân y nhất định rất khiêm tốn, không ham hư vinh, thế nên mới cho người hầu trong nhà gọi mình bằng xưng hô trước khi ra làm quan.

Ta dắt ngựa đi phía sau họ, dọc theo đường Chu Tước đi một quãng rất dài, điều này giúp ta có đủ thời gian quan sát bóng lưng y. Tác phong y ắt rất dung dị, không nặng hưởng lạc, cương yên lắp trên ngựa y cũ kĩ, thậm chí còn có chỗ hỏng hóc, ngựa cũng vừa già vừa gầy, chỉ mới bước đi chầm chậm thôi chứ chẳng phải chạy mà đã mệt rũ một bước ba phì phò, sau cùng bốn chân gập lại, quỳ xuống đất.

Chuyện xảy ra quá đột ngột, làm vị quan kia không kịp đề phòng, ngã lăn từ trên lưng ngựa xuống. Tay đầy tớ kinh hãi, vội vàng ra sức dìu đỡ, ta cũng lập tức xuống ngựa chạy tới, hiệp lực cùng tay đầy tớ đỡ vị quan kia dậy.

Thể trạng y gầy đét, xem chừng tuổi hơn bốn mươi, đứng vững rồi lập tức xoay người xá ta: “Đa tạ, đa tạ!”

Sau đó, y ngẩng đầu lên, mỉm cười thân thiện với ta. Vừa đối mặt, ánh mắt ta tức khắc chạm đến một gương mặt lắng đọng rất sâu trong trí nhớ, trong cơn khiếp sợ, ta nhất thời quên mất đáp lễ y.

Dẫu chuyện đã cách ngày nay hơn mười năm, so với dung nhan hồi còn trẻ, trên mặt y chồng thêm một lớp vết tích năm tháng, song cũng chẳng gây trở ngại cho ta trong việc nhận ra y, vị ân nhân thuở thiếu thời của ta về sau đã trở thành vị đại phu dẫn đầu ngôn quan nghiêm khắc chỉ trích ta – Tư Mã Quang.

Mà y thì dường như chưa nhận ra ta ngay, vẫn đang cười hòa ái với ta. Dầu gì cũng cách biệt mười mấy năm, từ thiếu niên nhỏ gầy ban đầu, ta đã biến thành một người trưởng thành ba mươi tuổi.

“Tôi đã nói với tú tài bao lần rồi, con ngựa nó bị bệnh phổi, nên bán đi đổi sang thớt khác tốt hơn, ngài cứ không nghe, còn cưỡi mãi. Xem xem, bây giờ chẳng phải là đã xảy ra chuyện rồi đấy sao?” Tay đầy tớ vừa phủi bụi bặm dính trên y phục y, vừa càm ràm, “Nhất định không được cưỡi con ngựa này nữa, lát để tôi đi tìm một lái buôn, bán ngựa đi. Tú tài mà còn không chịu, tôi sẽ mách với phu nhân chuyện này…”

Tư Mã Quang cười lắc đầu: “Ôi, được rồi, anh muốn bán ngựa ta cũng không cản, có điều, trước khi bán anh nhất định phải nói rõ với người mua là con ngựa này bị bệnh phổi đấy.”

Tay đầy tớ thở dài: “Nói rõ ra rồi còn ai chịu mua chứ?”

Tư Mã Quang nói: “Bán không được thì thôi, cùng lắm nuôi ở nhà đến khi nó hết thọ. Nói chung, qua lại với người ta thì phải thành thật, nhất định không được làm chuyện dối lừa.”

Tay đầy tớ thở vắn than dài, cũng không nói thêm nữa, quay sang hết vỗ lại kéo con ngựa mới giục được nó một lần nữa đứng lên. Ta thấy con ngựa kia ốm yếu vậy, tất không tiện cưỡi tiếp, bèn dắt ngựa mình qua, mời y cưỡi thớt ngựa này. Loading...

Tay đầy tớ mừng húm, cảm ơn ta trước, Tư Mã Quang thì lại không chịu nhận, nói: “Trung quý nhân xuất cung giờ này tất là người thân mang công vụ, phải đi xa, ta há có thể mượn ngựa của cậu mà để cậu đi bộ.”

Ta lắc đầu: “Tôi làm việc trong nhà quốc thích, hôm nay không phải xuất hành.”

“Trung quý nhân nhậm chức ở đâu? Có thể nói cho ta biết tôn tính đại danh chăng?” Tư Mã Quang chợt hỏi, lại bắt đầu tủm tỉm nhìn ta.

Ta cứng họng, khó lòng trả lời câu hỏi của y. Thấy ta im lặng, y cũng hơi nghi ngờ, nụ cười phai nhạt, bắt đầu cau mày quan sát diện mạo ta.

“Trước kia hai ta từng gặp mặt?” Đại khái là cảm giác được điều gì, y hỏi ta.

Ta có thể có lựa chọn khác, tỷ như nói dóc lấp liếm cho qua, song đến cùng ta vẫn không làm vậy. Ta cụp mi xá dài, chân thành hành lễ với y, sau đó nói với y: “Cầm ngọc tước chớ nên vung vẩy, trong lễ nghi dẫu nghe là vậy; mây ráng chiều chóng tản dễ tan, sự đã rồi khoan thứ đi thôi.”

Y nín thở đứng đó, không khí chung quanh như đông đặc, làm ta cảm nhận được độ ấm trong mắt y dần tản đi, cuối cùng, y nặng nề phất tay áo, cùng lúc khi luồng khí xoay chuyển như một cái bạt tay sắc bén quất lên má ta, y quay phắt người, rảo bước rời khỏi nơi này.

Buổi tối hôm ấy, công chúa phái người truyền ta tới gặp nàng, nói có chuyện quan trọng muốn bàn bạc với ta, liên quan đến hôn sự của Gia Khánh Tử.

Ta hơi lưỡng lự. Hiện giờ tuy mỗi ngày ta đều trông nom nàng, song cũng một mực duy trì một khoảng cách với nàng, sau bữa tối tuyệt đối không nán lại trong gác ngủ của nàng, mọi tiếp xúc thân mật đều không tái diễn, vấn đề có đi bây giờ hay không khiến ta phải suy xét khá nhiều.

Trước hôm nay, ta chắc chắn sẽ không tiếp nhận lời mời như vậy, song nhớ đến chuyện trong ngày, ta bỗng có quyết định mới, bèn lĩnh mệnh đứng dậy, nhận lời hẹn của nàng.

Công chúa ở tại gác ngủ xây sâu trong rừng trúc trong khuôn viên vườn phò mã, kiến trúc chủ yếu làm bằng trúc, hiện giờ đã vào đông, trong phòng vốn rất lạnh, song bởi kiến tạo theo thiết kế của Thôi Bạch, trên sàn phòng đục một cái hố đặt lò sưởi, lửa than vùi bên dưới, có lối dẫn khói, bên trên đậy hai lớp sàn đá hoa cương và gỗ hoa lê, trong phòng lại dùng trướng giấy hoa mai ngăn ra một gian gác ấm, thế nên bên trong ấm như giữa xuân, hoàn toàn không có hơi khói lò lửa.

Ta đi vào, thấy công chúa ngồi trên sập thấp trong gác ấm, trước mặt đặt một lồng ủ đường kính hai thước làm bằng chỉ bạc kết dải, trong lồng ủ có một lư hương lò Việt tạo hình vịt men xanh trắng, trong lư đốt hương, khay mâm đặt bên dưới lư vịt có nước nóng. Hơi nước và khói hương hòa quyện vào nhau ám lên quần áo, có thể dính áo không tan, lưu hương rất lâu, mà lúc này, công chúa đang tựa nghiêng lên lồng ủ, tay áo trải rộng phủ lên chỉ bạc, để khói hương len lỏi từng thớ vải.

Một tay nàng vuốt ve lồng ủ, một tay chống má như đăm chiêu điều gì. Thấy ta đi vào, con ngươi nàng lóe sáng, lập tức chống người dậy cười gọi ta: “Hoài Cát, mau tới đây!”

Đợi ta hành lễ xong tiến lại, nàng vẫy tay bảo tất cả thị nữ lui ra. Điều này làm ta hơi bất an, lùi về sau một bước, khom người hỏi nàng: “Công chúa triệu thần tới là để bàn bạc hôn sự của Gia Khánh Tử ạ?”

“Không phải.” Nàng trả lời thẳng thừng, “Hôn sự của em ấy đã sắp xếp xong xuôi rồi, không cần phải bàn bạc thêm nữa.”

Ta cau mày: “Vậy sao công chúa…”

Khóe miệng nàng khẽ nhếch, đắc ý cười: “Nếu không nói vậy, sao huynh chịu tới đây.”

Ta không biết làm sao, hỏi: “Vậy công chúa cho gọi thần tới lúc này là vì chuyện gì?”

“Muốn nói chuyện với huynh thôi.” Nàng đáp rồi cười ngoắc tay với ta, chỉ vào chỗ trống bên mình trên sập thấp, “Nào, lại đây ngồi đi.”

Ta xua tay xin miễn: “Thần không thể cùng ngồi với công chúa.”

Nàng dứt khoát nhảy xuống sập thấp, qua kéo mạnh ta ngồi xuống sập, tiếp đó ra chiều tức giận: “Ta nói được là được!”

Ta cụp mắt, không nói gì cũng không nhìn nàng.

Nàng khôi phục vẻ mặt tươi tỉnh, mỉm cười ngồi xuống kề bên ta, nói bên ta: “Hôm nay ta vừa điều ra một loại hợp hương, làm từ ba loại hương tô hợp, úc kim và đô lương, thử đi thử lại, điều chỉnh tỷ lệ mãi mới ra được mùi hương tốt nhất, huynh mau ngửi xem có được không.”

Nàng nhả khí như lan, hơi thở như tơ nhện bám theo tiếng rủ rỉ phất qua tai ta, ta bắt đầu run lên nhè nhẹ. Mà chẳng đợi ta trả lời, nàng đã giơ tay lại gần ta, để ta ngửi được hương thơm trong ống tay áo nàng.

Hương thơm ấy dồi dào kín đáo, lại êm ái kiều diễm cơ hồ mập mờ, làm ta hoài nghi liệu có đúng là công hiệu đạt được từ ba hương liệu kia không.

Xuyên qua ống tay áo nàng, có thể nhìn thấy ống tay áo đơn mềm mại tựa khói mây bên trong, theo thế tay nàng lên xuống, đoạn tay áo ấy rút xuống như nước, để lộ ra một khoảng cùi chỏ của nàng, láng bóng mịn màng như gậy như ý tạc từ ngọc, lại mang mùi thơm ấm nóng.

Tâm thần ta ngơ ngẩn, trái tim không an phận nảy lên thình thịch, như muốn ôm nàng, chạm môi lên làn da dưới ống tay áo nàng, thăm dò bí ẩn nằm sâu dưới lớp hương kiều diễm kia ngay bây giờ.

Phản ứng ngây ngẩn của ta nằm trong dự liệu của nàng. Nàng vẫn cười như cũ, sóng mắt lúng liếng long lanh, hạ tay áo xuống, không truy hỏi ta hiệu quả của hợp hương nữa, nàng từ từ ôm lấy ta, cổ hơi cúi, một bên má áp nhẹ lên ngực ta, nhắm mắt, lắng nghe nhịp đập tim ta như trước đây vậy.

Giai nhân đã tặng hương tô hợp, cớ sao còn đòi gấm uyên ương (*)… Ta dần nếm ra vị đắng, gian nan tìm về lý trí trong chốn màn hương đang lặng lẽ ấm lên này, duy trì tư thế ban đầu, không mảy may chạm vào nàng. Sự tỉnh táo vào thời khắc này đã biến ngàn vạn tơ tình gợi ra trước đó hóa thành lưỡi kiếm xuyên tim. Nàng cười yêu kiều, yên bình tựa vào ngực ta mà lại chẳng biết trong lòng ta, máu đã chảy thành sông.

(*) Bài “Nghĩ tứ sầu thi” kỳ 3 của nhà thơ Phó Huyền đời Tấn.

Phát hiện ra người ta cứng đờ, nàng nghi hoặc mở mắt, săm soi ta một lúc, bỗng nở nụ cười duyên, giơ một bàn tay lên, ngón tay làm tư thế leo trèo, bắt đầu từ ngực ta, men theo vạt áo trèo lên vai, lại lướt qua cổ và cằm ta, cuối cùng, đầu ngón tay chạm lên môi ta, từ từ chậm rãi, mềm nhẹ vuốt ve nơi đó.

Ánh mắt nàng mơ màng, môi thơm hé mở, trong nụ cười ngậm hờ e ấp cất giấu mệnh lệnh không cần nói truyền, song lần này, ta không cúi đầu nghe lệnh nữa.

Thình lình đẩy nàng ra, ta rảo bước lùi về sau trước ánh mắt giật nảy của nàng, điều chỉnh hô hấp, thu lại tâm thần, sau đó khom người với nàng, ôn hòa nói: “Công chúa, thần không để ý đến hương liệu đã lâu, không dám tùy tiện bình luận về hương phẩm của công chúa. Gần đây nghe nói phò mã mua được vài miếng thủy trầm thượng đẳng của Chân Tịch (*), công chúa không bằng mời cậu ấy tới cùng phẩm định chế phẩm chưng được đi thôi.”

(*) Là nước Chân Lạp cổ ở khu vực phía nam Việt Nam và một phần Thái Lan, Lào, Campuchia hiện giờ.

Công chúa kinh ngạc nhìn ta hồi lâu, trong mắt dần dâng lửa giận.

“Huynh nhắc tới Lý Vĩ làm gì?” Nàng hỏi thẳng ta, “Chuyện này liên quan gì tới hắn!”

Thấy ta không trả lời, nàng nổi đóa, phẫn nộ nói: “Sao gần đây huynh kỳ lạ vậy, thường xuyên nhắc đến Lý Vĩ với ta, nói hay nói tốt cho hắn, muốn ta thường xuyên gặp hắn? Còn huynh thì ngày ngày né tránh ta, làm ta muốn gặp huynh cũng phải mượn cớ lừa huynh tới!”

Ta tận lực giải thích với nàng bằng giọng bình tĩnh: “Phò mã và công chúa là phu thê, đương nhiên nên gặp nhau thường xuyên, còn thần chẳng qua chỉ là nô bộc của công chúa, nếu công chúa không có việc gì phân phó thần làm thì xin công chúa hãy cho phép thần trộm làm biếng ở nơi khác.”

“Sao huynh lại nói những lời như vậy? Ta đối đãi với huynh thế nào, huynh biết rất rõ, việc gì phải tự hạ nhục mình?” Công chúa vừa bực bội vừa cay đắng, giọng hơi nghẹn ngào. Dằn ưu phiền xuống, nàng lại hỏi: “Là cha và nương nương muốn huynh cách xa ta ra phải không? Khuyên ta thích Lý Vĩ cũng là họ dạy?”

Ta lắc đầu.

“Vậy tức là mẹ con Lý Vĩ ép huynh?” Công chúa hỏi tiếp, suy đoán này thổi bùng lửa giận trong nàng, “Thấy không làm gì được ta nên họ xuống tay với huynh, ép huynh rời khỏi ta?”

“Không,” Ta phủ nhận, “Sau khi thần trở lại, họ đối xử với thần rất tốt, chưa từng bức bách.”

“Không bức bách, vậy tức là huynh bị họ mua chuộc?” Nàng ôm hận cười lạnh, “Bảo sao trong dạ yến hôm ấy huynh lại chọn uống với Lý Vĩ, ‘Giao du với bạn nói lời đáng tin’, hắn rót thuốc lú gì cho huynh, bắt huynh cam kết thế nào với hắn?”

Ta chỉ lắc đầu. Muốn giải thích nội dung cuộc trò chuyện dài hơi với Lý Vĩ đêm đó là việc rất khó khăn, huống chi đó chắc chắn là điều công chúa của bây giờ không cách nào hiểu và chấp nhận được.

Công chúa mắt rớm lệ nhìn ta chòng chọc, không đợi được câu trả lời làm rõ của ta, nàng lại tự đưa ra kết luận: “Ta biết rồi, ban đầu Lý Vĩ thỉnh cầu cha triệu huynh về là có điều kiện, huynh phải lạnh nhạt với ta, xa cách ta.”

Ta một lần nữa bác bỏ: “Công chúa đừng đổ tội lên đầu đô úy, tất thảy đều không liên quan đến cậu ấy, là thần tự biết mình thấp kém hèn mọn, không dám đón nhận tình cảm của công chúa.”

“Là vậy thật ư?” Công chúa cụp mắt, hai giọt lệ trong suốt rơi xuống, nàng nghẹn ngào thì thào: “Trong tòa hoàng thành đóng kín này, ta là công chúa, huynh là nội thần. Nhưng trong lòng ta, huynh chưa từng thấp kém hơn ta… Huynh là huynh trưởng của ta, là thầy ta, là bạn ta, là người duy nhất ta có thể dựa vào trong cuộc sống vô vị của ta bây giờ. Huynh có biết vì sao ta lại tuyệt vọng đến điên loạn trong những ngày tháng huynh bị trục xuất không? Bởi huynh rời đi đã khiến ta ý thức được, hóa ra mọi vui sướng của ta sau khi hạ giáng đều do huynh dành tặng.”

Mối tình bị ta giam cầm đang nỉ non khóc ròng cùng nàng, ta bi thương nghiêng đầu, không đối mặt với đôi mắt đẫm lệ của nàng, sợ rằng phòng tuyến vất vả mãi mới dựng lên được sẽ lại lần nữa vỡ đê.

Nàng lấy tay bưng miệng kìm tiếng khóc thảm thiết, song bờ vai mảnh khảnh vẫn đang không ngừng run run. Lát sau, nàng thoáng dừng khóc, lại yên lặng nhìn ta chăm chú, nói: “Vậy huynh thì sao? Ta vẫn nhớ, huynh từng nói, huynh rất sợ sẽ có một ngày không nhìn thấy ta nữa, bởi ta sẽ mang đi tất thảy vui sướng của huynh. Nếu thế, sao huynh còn phải trốn tránh ta, đẩy một nam nhân ta chán ghét cho ta?”

Ta trầm mặc không đáp. Nàng tiếp tục truy hỏi: “Tại sao huynh không muốn tiếp tục vui vẻ ở bên ta? Tại sao chúng ta không thể thân mật khăng khít như trong quá khứ nữa?”

Sự thinh lặng dài lâu của ta không đổi được cái buông tay của nàng, nàng giữ vững kiên trì như đối đầu chờ đợi câu trả lời của ta. Ta chẳng thể tránh né, hơn nữa, cũng biết không thể trì hoãn thời gian thêm nữa, vì vậy, rốt cuộc ta cũng xoay người, bước từng bước tới trước mặt nàng, tiến lên đón lấy ánh mắt sáng quắc của nàng, cùng nàng nhìn nhau một lát rồi cúi nhẹ đầu, chạm trán mình lên trán nàng.

“Công chúa,” Trong khoảng cách thân mật khăng khít này, ta khẽ giọng nói với nàng bằng giọng điệu như thủ thỉ, “Được thôi, bây giờ, hãy để thần nói cho người biết tại sao.”