Xế chiều, Lý Vĩ quay lại thăm công chúa, công chúa đang lấy chiếc lư hương bằng vàng tạo hình con vịt đặt trong màn thêu ra đổi hương đốt buổi tối, hắn vào rồi cũng chẳng buồn liếc hắn lấy một cái. Lý Vĩ kính cẩn vấn an nàng, cũng chỉ nghe Hàn thị bên cạnh thay mặt công chúa đáp lời, còn công chúa thì cụp mắt lạnh mặt, một mực im lặng làm việc của mình.
Nàng nhàn nhã cầm que cời khều tàn hương trong lư, bảo Gia Khánh tử gắp một bánh hương thanh mát nung đỏ bỏ vào lư, nàng khẽ gạt tàn hương đậy lại, dùng que cời chọc ra vài lỗ khí, hơ tay lên trên thử nhiệt độ, thấy hỏa hậu thích hợp rồi mới đậy miếng đệm vân mẫu lên, tiếp đó nhặt chiếc thìa hương chạm khắc bằng bạc lên, chuẩn bị thêm hương liệu vào trong.
Công chúa thực hiện loạt động tác này đến là trôi chảy thanh thoát, bàn tay nàng rất đẹp, nước da láng bóng như ngọc, ngón tay thon dài, cử động lên xuống nom tựa hai đóa mộc lan bồng bềnh bay bổng. Lý Vĩ nhìn mà ngơ ngẩn, nhất thời quên cả tiếp lời trò chuyện cùng Hàn thị.
Sau, công chúa đại khái cũng để ý đến hắn thất thần, sóng mắt lướt qua mặt hắn một thoáng ngắn ngủi, không khỏi ánh lên tia sáng có phần lạnh nhạt. Nàng chợt quay sang ta, thìa bạc chỉ vào hộp đựng hương, nhoẻn cười yêu kiều: “Hoài Cát, huynh nói xem đêm nay ta nên dùng hương gì? Trầm hương tẩm hoa hay là giáng chân hương (*) hoa quế?”
(*) Một loại thực vật gỗ thơm có mùi như xạ hương, có ở phía nam Trung Quốc, các nước Đông Nam Á và Ấn Độ.
Đó là một câu hỏi mờ ám. Lư hương vịt vàng là món đồ đặt trong trướng màn hương khuê, hai loại hương phẩm nàng hỏi cũng thường được gọi là “hương trong màn”. Loading...
Nàng cố ý.
Quả nhiên, con ngươi Lý Vĩ hệt như bánh hương đột ngột cháy hết, trong mắt chỉ còn dư lại tro tàn. Hắn không lên tiếng, nhưng hai bàn tay đặt trên đầu gối thì chậm rãi siết lấy vạt áo, gân xanh trên mu bàn tay cũng lồi lên.
Ta không muốn hợp mưu với công chúa thực thi cú trả đũa này, bèn cung kính lễ độ khom người với nàng, nói một lời nói dối thiện ý: “Thần chưa từng ngửi thử những hương phẩm này, không cách nào đưa ra đề nghị hữu ích cho công chúa được. Hay là công chúa hỏi mấy vị cô nương đi.”
Công chúa nhếch miệng cười, cũng không hỏi người khác mà trực tiếp lấy một thìa giáng chân hương hoa quế thêm vào.
Lý Vĩ đứng ngồi không yên, miễn cưỡng tán gẫu hai câu với Hàn thị rồi đứng dậy cáo từ. Ta đinh tiễn hắn ra cửa, hắn lạnh lùng ngăn ta: “Không dám làm phiền Lương tiên sinh.” Sau đó rảo bước, nhanh chóng ra ngoài.
Kể từ đó, số lần hắn tới chỗ công chúa giảm đi rất nhiều, càng thêm chuyên tâm nghiên cứu thư họa, không tiếc tiền sưu tầm tác phẩm, ngày đêm vẽ trúc thủy mặc trong thư phòng, có ra ngoài cũng không ngoài qua lại cùng các danh gia thư họa và nhà sưu tầm, hoặc là đến mảnh đất hắn mua bên cạnh Nghi Xuân Uyển giám sát đốc công – Xem ra, hắn quả thực muốn xây một lâm viên xa hoa lộng lẫy.
Công chúa rất hài lòng với hiện trạng phò mã bắt đầu xa lánh mình, đồng thời tìm được thú vui mới – không ngừng bảo ta mua thêm quần áo mới, tìm kiếm lĩnh Ngô gấm Thục la Việt đẹp đẽ nhất về, sai người may thành kiểu áo bào dáng rộng đai lỏng của văn nhân nho sĩ thịnh hành nhất kinh đô, bắt ta mặc trọn ngày trong phủ, mà phục sức nội thần lại bị nàng hạ lệnh cấm, không phải vào cung thì không cho ta mặc.
Có lần, nàng đi chùa Tướng Quốc dâng hương cũng bảo ta mặc áo bào văn sĩ đi theo, khi ấy chùa Tướng Quốc mới đổi trụ trì, không quen biết chúng ta, lúc ra cửa nghênh đón, vừa thấy ta xuống ngựa bên cạnh xe công chúa đã lập tức qua thi lễ rồi gọi ta là “đô úy”, nội nhân theo hầu xung quanh công chúa nghe thế phì cười, song cũng không nói toạc, cuối cùng vẫn là ta nói rõ thân phận mình với trụ trì. Ông nghe xong quýnh lên, gấp gáp xin lỗi ta và công chúa. Công chúa không chút giận bực, trái lại còn có vẻ rất thích hiểu lầm như vậy.
Dương phu nhân hiển nhiên không vừa mắt, thường xuyên buông lời châm chọc, công chúa cũng chuyện ta ta làm, kiên trì bảo ta ăn vận theo ý nàng. Mà điều ta có thể làm cũng chỉ là cố hết sức giữ một khoảng cách nhất định với công chúa, không một mình một chỗ với nàng nữa, dẫu có ngâm thơ vẽ tranh trong thư phòng ban ngày cũng mở rộng cửa hoặc để ít nhất hai thị nữ hầu hạ gần bên.
Ắt hẳn Dương phu nhân đã sắp xếp người thăm dò tình hình ở chung của ta và công chúa, cũng không tìm được chuôi thóp nào đủ lớn để bắt, song trước sau trong lòng bà ta vẫn tồn bất mãn với công chúa, mỗi bận có nữ quyến tôn thất ngoại thích đến nhà bái phỏng, bà ta đều phàn nàn với họ rằng công chúa không tôn trọng phò mã, vô lễ với mình, chẳng ra dáng con dâu chút nào. Cũng có người kể lại những chuyện này cho ta nghe, làm ta hơi lo lắng: Nếu lời oán thán của Dương thị truyền tới tai các sĩ phu, chỉ sợ họ sẽ phê bình công chúa “lâng láo”.
Tháng Giêng năm Gia Hựu thứ năm, kim thượng phong hoàng nữ thứ chín làm Phúc An công chúa, hoàng nữ thứ mười làm Khánh Thọ công chúa. Kể từ khi hai vị nương tử Đổng, Chu hạ sinh công chúa vào năm ngoái, kim thượng có xu thế chuyên sủng hai người, hai người một lần nữa lần lượt mang thai, giữa tháng Ba, Đổng quý nhân Thu Hòa lại sinh cho kim thượng hoàng nữ thứ mười một.
Tuy một lần nữa mất đi hi vọng có hoàng tự, song kim thượng vẫn ban thưởng dày hậu cho mẹ con Thu Hòa, lại muốn thăng Thu Hòa làm mỹ nhân. Thu Hòa ra sức từ chối, dưới sự kiên trì của kim thượng, sau cùng cô nói: “Nếu bệ hạ nhất định muốn gia ân thì ban ân điển dành cho thiếp chuyển sang cho cha thiếp đi.” Vì vậy, kim thượng nghe theo lời cầu thỉnh của cô, thăng bậc quan của phụ thân Thu Hoà lên một cấp.
Ba ngày sau khi thập nhất công chúa ra đời, công chúa và Dương phu nhân vào cung chúc tụng. Khi ấy hoàng hậu đang ở gác Thu Hòa, đích thân bế thập nhất công chúa, chan chứa yêu thượng nhẹ nhàng vỗ về, gọi bé gái còn chưa được đặt tên này là “Chúa Chúa” (*) bằng giọng rất đỗi cưng chiều. Công chúa gặp cô em gái nhỏ này cũng rất thích, đứng bên cạnh chơi đùa với em một lúc thấy chưa đủ, lại giành thập thất công chúa từ lòng hoàng hậu ra, tự mình ôm lấy, đi tới bên Thu Hòa cười nói: “Cửu muội muội trông giống cha mà thập nhất muội thì lại y như đúc từ cùng một khuôn với nương tử ra vậy.”
(*) Tức công chúa, ở đây vì thập nhất công chúa chưa có tên nên hoàng hậu gọi vậy như một biệt danh gọi yêu.
Thu Hòa chỉ cười tĩnh lặng, nhỏ nhẹ đáp: “Trẻ con mới sinh đứa nào mà chẳng nhăn nhúm, nhìn ra được gì đâu… Nếu giống tôi thì lại không hay rồi…”
Hoàng hậu thấy công chúa có hứng với muội muội, bèn bảo Dương phu nhân cùng mình ra sảnh ngoài tán gẫu. Ta sợ Dương phu nhân phàn nàn về công chúa trước mặt hoàng hậu, bèn theo ra, đứng hầu một bên.
Hoàng hậu hỏi thăm Dương phu nhân đôi câu rồi hỏi sang tình hình chung đụng giữa công chúa và phò mã gần đây. Dương phu nhân tức khắc thở vắn than dài: “Vẫn như cũ thôi, chỉ sợ tương lai quan gia có đến hoàng tử thứ mười rồi cũng chưa chắc đã được thấy đứa cháu ngoại nào! Tại thằng con hiền lành dút dát của thiếp cả, chẳng biết nói lấy câu nào bùi tai, cũng không biết chọn áo gấm đẹp mà mặc, làm công chúa nhìn mà chướng mắt.” Nói đoạn cố ý vô tình liếc về phía ta, cười nhạt: “Thiếp còn đang khuyên phò mã có rảnh rỗi thì đi lĩnh giáo Lương tiên sinh nhiều nhiều chút, xin Lương tiên sinh dạy cho phải ăn nói hành sự, bận áo đội mũ thế nào để công chúa cũng thấy mình là cười.”
Hoàng hậu nghe ra bà ta ý tại ngôn ngoại, bèn nhìn sang ta. Ta khom lưng đáp lại bà, lại nói với Dương phu nhân: “Hoài Cát không dám. Phò mã dung mạo trang trọng, phục sức hợp thời, Hoài Cát há có thể xằng bậy ý kiến.”
Dương phu nhân cười ha hả, nói: “Lương tiên sinh khiêm nhường quá rồi. Ngoại hình cậu sáng láng, xiêm áo cũng gọn gàng, nào thư nào họa, nào thi nào từ, không món nào không biết, phò mã có quất chết mấy thớt thiên lý mã cũng chẳng đuổi kịp được cậu.” Nói xong, bà ta quay sang hoàng hậu, tiếp: “Lương tiên sinh biết nhiều thứ lắm, chắc hẳn có vài tuyệt kỹ người khác không có, công chúa thích vô cùng nên thường mời cậu ấy vào gác luận bàn. Lương tiên sinh hầu hạ công chúa cũng tận tâm, từ sáng đến tối, cả ngày bầu bạn bên nhau, nói đùa câu này chứ, người không biết thấy họ như vậy đều chỉ trỏ sau lưng, còn tưởng Lương tiên sinh là phò mã kia!”
Bà ta nói là “đùa” nhưng ánh mắt sắc lạnh, tuyệt không có vẻ gì là bông lơn. Hoàng hậu tất nhiên hiểu được toàn bộ, trầm ngâm một thoáng, bà ngước mắt, khẽ mỉm cười với Dương phu nhân: “Quốc cữu phu nhân quả nhiên là quý nhân nhiều tiếp xúc với thế gian, kiến thức chẳng như bọn khất cái tầm thường, nghe dăm lời ngông cuồng quàng xiên cũng chỉ cười cười cho qua. Nhớ năm xưa ta dẫn theo nhũ mẫu vào cung, nhũ mẫu thấy nội thần trong cung có thể tha hồ ra vào khuê các, thậm chí còn hầu hạ các nương nương rửa mặt chải đầu thay y phục, dìu trái đỡ phải, không khỏi cả kinh thất sắc, nói đàn ông sao có thể làm việc này. Chương Huệ thái hậu nghe thấy lập tức mắng bà ấy: ‘Nội thần trung quan không phải đàn ông, không khác thị nữ phục dịch buồng phòng nhà hào phú bao nhiêu, chỉ duy sức lực tư duy là hơn phụ nữ thông thường, dễ sai sử hơn mà thôi. Chúng tịnh thân từ nhỏ, lại được dạy dỗ nghiêm ngặt trong cung, hành đức không thiếu sót, hoàn toàn không có khả năng dâm loạn cung đình, ra vào khuê các thì có gì mà không được? Các ngươi cứ đối xử với chúng nó như con gái là được, đừng có giật mình kinh hãi như thế, bằng không, người biết sẽ nói ngươi lễ nghĩa nghiêm, phòng ngừa ngặt, người không biết chỉ e sẽ châm biếm ngươi không phóng khoáng, sai bảo không quen hạng tôi tớ giá trên trời này.’ Nhũ mẫu ta nghe xong xấu hổ vô cùng, sau đó cũng thành quen. Người ngoài cung gặp nội thần hẳn không nhiều, ngẫu nhiên trông thấy Hoài Cát còn tưởng nó là đàn ông, thế nên mới có mấy lời không đứng đắn truyền đến tai quốc cữu phu nhân. Cũng may quốc cữu phu nhân ra vào cung cấm hai mươi năm, kiến thức vốn ngang bằng cung quyến, tất nhiên hiểu rõ nội tình bên trong, sẽ không để bụng lời ong tiếng ve kiểu này, chẳng vì thế mà sinh lòng bực bội. Có một mẹ chồng thấu tình đạt lý như thế, công chúa quả là may mắn.”