Cô Thành Bế

Chương 99: Dạ Yến



Đại khái là vì có mặt công chúa nên chư nam khách đều có phần giữ kẽ, không túy ý nói cười, thỏa thuê hết ý như lúc ở trong vườn nữa, chúc rượu nhau cũng đặc biệt khách khí, công chúa trong rèm lại chẳng nói một lời, thỉnh thoảng bầu không khí lại lạnh xuống, mọi người đành làm bộ tập trung xem ca xướng hát múa, nghĩ chắc hai bên đều sẽ cảm thấy vô vị, ta bèn đề nghị chủ khách chơi ngọc chúc tửu lệnh làm vui, lập tức được mọi người hưởng ứng. Thôi Bạch đếm số người đang ngồi, cười nói: “Hành tửu lệnh phải càng đông mới càng vui, nam khách chúng tôi bên này chỉ có năm người, còn cần chọn một vị ngọc chúc lục sự, thế là lại bớt mất một người rồi, không bằng công chúa cũng tham gia đi thôi. Công chúa không cần phải ra khỏi rèm, chỉ cần thỉnh ngọc chúc lục sự đưa truyền lúc rút ngọc chúc là được.”

Lý Vĩ lộ vẻ khó xử, trộm liếc ra sau rèm che, mà nơi đó bóng ảnh đong đưa, có tiếng khuyên trâm va chạm nhau khe khẽ và tiếng con gái rì rầm nói chuyện, lát sau, Gia Khánh Tử từ trong rèm đi ra, nói với Thôi Bạch: “Công chúa nói hành tửu lệnh cũng chẳng phải không thể. Nếu thế, mời Lương tiên sinh làm ngọc chúc lục sự đi vậy.”

Ngọc chúc là dụng cụ đựng thẻ tửu lệnh khi hành tửu lệnh, hình dáng như ống thăm, bên trong đựng một số thẻ tửu lệnh, do “ngọc chúc lục sự” được chọn quản lý, lúc chủ khách hành lệnh sẽ đặt thẻ tửu lệnh tới trước mặt người rút thẻ được chọn theo kết quả tung xúc xắc để người đó rút, lại căn cứ theo câu khắc trên thẻ quyết định xem ai uống rượu, uống bao nhiêu, và một vài phương thức thưởng phạt giải trí. Trong những bữa tụ tập tại tư gia thế này, ngọc chúc lục sự thường do nam khách thiện tửu lệnh và tinh thông âm luật đảm nhiệm, lúc này lại phải gánh cả nhiệm vụ vào trong rèm liên lạc cùng công chúa, thế nên công chúa chỉ định ta làm.

Ta đứng dậy lĩnh mệnh, nhận lấy bộ ngọc chúc Luận ngữ thị nữ đưa tới, đặt hộp xúc xắc tới trước mặt Lý Vĩ, mời hắn lắc trước. Lý Vĩ lắc lắc, mở ra thấy được bốn chấm, đếm theo thứ tự, người rút thẻ tửu lệnh chính là Âu Dương Tu. Trong ngọc chúc có hơn mười thẻ tửu lệnh, tất thảy đều mang hình dáng dài hẹp, chuôi hình bầu dục, bằng bạc mạ vàng, mặt trên khắc lời lệnh theo thể chữ khải, nửa câu đầu là lời trong “Luận ngữ”, nửa câu sau là nội dung hành lệnh. Âu Dương Tu rút một thẻ trong ống ngọc trúc ta trình lên, ta nhận lấy, cao giọng đọc thành tiếng: “Tử tại nước Tề nghe nhạc Thiều, ba tháng không biết mùi thịt (*), kính chủ nhân năm phần.”

(*) Trích từ Luận ngữ, cả câu Hán Việt: “Tử tại Tề văn Thiều, tam nguyệt bất tri nhục vị, viết: Bất đồ vi nhạc chi chí ư tư dã”, dịch nghĩa: “Khổng Tử ở nước Tề nghe nhạc Thiều, ba tháng không biết mùi thịt, bảo: Không ngờ nhạc tác động tới ta được như vậy.”; Thiều là tên khúc nhạc của vua Thuấn nhà Ngu.

Âu Dương Tu mỉm cười với Lý Vĩ, nâng chén, Lý Vĩ cũng lập tức nâng chén, uống năm phần. Sau đó, Âu Dương Tu nhận lấy xúc xắc định lắc tiếp, lại thấy Thất lang khoát tay, nói: “Công chúa cũng là chủ nhân nơi đây, cớ sao nội hàn chỉ kính đô úy mà không kính công chúa?”

Âu Dương Tu cười to: “Nói có lý, là ta sơ xuất rồi.” bèn nâng ly đứng dậy chúc rượu công chúa.
Loading...


Thị nữ sau rèm che rót rượu đầy chén cho công chúa, lúc công chúa sắp uống, chén rượu lại bị Gia Khánh Tử cản lại. Ngay sau đó, Gia Khánh Tử hiện thân ra ngoài rèm, nói với mọi người: “Công chúa ốm bệnh mới khỏi, lại vốn chẳng giỏi uống rượu xưa nay, không bằng để công chúa hành, nhưng rượu thì hãy để tôi thay mặt công chúa uống.”

Sức khỏe công chúa hôm nay quả thật rất yếu, vốn ta cũng chẳng muốn để nàng uống nhiều, bèn biết thời biết thế nói được, Lý Vĩ hùa theo, mọi người cũng không tiện phản đối, năm phần rượu Âu Dương Tu kính công chúa liền do Gia Khánh Tử uống thay.

Tiếp đó, Âu Dương Tu lắc xúc xắc, lần này đếm tới công chúa, công chúa rút ra xem, thấy viết: “Có bạn từ xa đến chơi, lại chẳng vui ư, kính khách năm phần.” Nàng không nhịn được cười rộ, cũng không hạ giọng mà nói thẳng, “Thẻ này sao mà hợp tình hợp thế quá!” bèn lệnh ta tuyên đọc, lại bảo Gia Khánh Tử kính chúng tân khách năm phần.

Mọi người lập tức đứng dậy, khom người với công chúa rồi uống năm phần, Gia Khánh Tử cũng uống đáp lại họ một lượt.

Tình hình sau đó khá kỳ quặc, trừ một lần ta bị Thất lang rút trúng “Hỏi một biết mười, chúc ngọc chúc lục sự năm phân ra” thì mấy vòng còn lại người uống rượu cơ hồ đều là chủ nhân, những thẻ ấy đều kiểu “Chúc chủ nhân năm phần”, “Kính chủ nhân mười phần”. Có một lần, Thôi Bạch rút được “Quân tử không trọng ắt không uy (*), chúc người quan cao mười phần”, bèn chúc Âu Dương Tu uống rượu, Âu Dương Tu lại nói mình nào cao quý bằng công chúa, trước mặt con gái hoàng đế, bề tôi sao dám xưng quan cao, liền từ chối không uống, bảo Thôi Bạch quay sang chúc công chúa. Cuối cùng lại là Gia Khánh Tử uống chén ấy thay công chúa.

(*) Cả câu Hán Việt: “Quân tử bất trọng tắc bất uy, học tắc bất cố”, dịch nghĩa: “Quân tử không trang trọng thì không có uy nghiêm, kể cả có học kiến thức cũng không vững chắc”.

Tửu lượng của Gia Khánh Tử vốn không cao, chén rượu dùng trong bữa tiệc lần này lại là ly ốc sứ trắng, sức chứa không nhỏ, được mấy chén vào bụng, mặt nó đã ửng màu đào, ngà ngà chuếnh choáng. Thôi Bạch để ý đến, liếc nó mấy lần, mắt lộ vẻ thương tiếc. Sau, đến lượt gã rút thẻ, gã xem thử, cũng không đợi đưa cho ta tuyên đọc đã nhanh chóng bỏ lại thẻ vào ống, tự mình cất giọng: “Chuyện mình chẳng mong chớ đẩy sang người, thôi!” Song Âu Dương Tu ngồi cạnh lại lắc đầu cười bảo: “Thẻ Thôi tiên sinh rút được không phải thẻ này đâu.” Sau đó đưa tay rút thẻ Thôi Bạch vừa bỏ vào ống ra, chìa cho mọi người xem, “Phải là thẻ này mới đúng. Trên đầu thẻ này hơi sứt, mới rồi ta cũng từng rút trúng nên vẫn nhớ.”

co-thanh-be-99-0Ly ốc

Ta nhận lấy xem, quả nhiên lại là thẻ “Tử tại nước Tề nghe nhạc Thiều, ba tháng không biết mùi thịt, kính chủ nhân năm phần”. Những người xem còn lại biết được, cũng đều cười rộ, nói ăn gian tại chỗ, nên phạt. Thất lang tủm tỉm ngó Thôi Bạch: “Hóa ra Tử Tây huynh cũng là người thương hương tiếc ngọc.”

Thôi Bạch cười không đáp, chỉ nói với ta: “Được, phạt thế nào, mời ngọc chúc lục sự hạ lệnh, nhưng thẻ mới rồi xin chớ đếm số.”

Ta lập tức ưng thuận đề nghị của gã, mỉm cười nói: “Vậy mời Tử Tây hiến nghệ chúc rượu cho chủ khách, không giới hạn trong hát khúc diễn trò, miễn thú vị là được.”

Thôi Bạch gật đầu, đứng dậy lấy từ trong tay áo ra một món đồ, nói với mọi người: “Tôi cũng đoán được buổi tiệc hôm nay không thể thiếu hành tửu lệnh nên mang cái này đến, mong thu được một tiếng cười của chư vị.”

Gã chầm chậm gảy sợi, mở món đồ kia ra. Đó là một con rối nho nhỏ bằng gỗ sơn màu trang trí, áo bào tay rộng, ăn mặc kiểu thư sinh, mỗi khớp xương đều có thể hoạt động, đầu và tay chân buộc sợi tơ, đầu dây còn lại nối với tay cầm hình vuông, hai tay Thôi Bạch lên xuống, chuyển động tay cầm, rối gỗ bên dưới cũng theo đó khoa tay múa chân, động tác rất ư linh hoạt.

Trước lúc biểu diễn, Thôi Bạch hỏi ta: “Hoài Cát có thể góp cho tôi một khúc ‘Điều tiếu’ ca múa chăng?”

Ta nhận lời, sai người lấy sáo tới, đứng một bên, đưa sáo tới bên miệng, bắt đầu đệm nhạc cho gã.

Thôi Bạch đi ra giữa sảnh, một bên nhấc dây điều khiển con rối, một bên hát theo tiếng sáo: “Lầu gác lung linh ráng mây vờn, nước thu ngăn trở người mơn mởn. Sông nước mênh mông trời vời vợi, trăng sáng tỏ lòng người xa xôi…”

Con rối gỗ vung tay áo uyển chuyển nhảy múa, tư thái có hồn, hệt như một người có sinh mệnh, người xem không khỏi nín thở chăm chú nhìn, cũng chăm chú nghe tiếng hát trầm lắng ngân nga trong dịu dàng lại có mấy phần thê lương của Thôi Bạch: “Ngàn xa, sông Sở loá, trăng sáng lầu cao tựa la đà. Điện đài giếng cội màu thu nhuộm, Vu Sơn đếm đoạn mười ba. Da tuyết mặt hoa dường na ná, gác son mây tía giấu tiên nga.”

Người nghe chăm chú nhất là Gia Khánh Tử, Thôi Bạch hát xong, mọi người vỗ tay reo hò mà nó vẫn chưa hồi thần, hãy còn ngơ ngẩn nhìn con rối đăm đăm, mãi đến khi công chúa gọi liền ba tiếng, nó mới như tỉnh cơn chiêm bao, vội vã vào rèm hỏi công chúa có gì phân phó.

Công chúa bảo Gia Khánh Tử đi lấy con rối của Thôi Bạch cho nàng xem, Thôi Bạch vui vẻ dâng lên, công chúa ngắm nghía tỉ mỉ rồi thở dài: “Con rối bình thường ta hay thấy đều là kiểu đầu to người nhỏ, hiếm thấy kiểu tỷ lệ vừa vặn như của Thôi tiên sinh, y như người thật vậy.”

Thôi Bạch thưa: “Thường ngày tôi cũng hay vẽ nhân vật Phật Đạo, thế nên có chút hiểu biết về xương cốt thân hình người. Con rối này vốn làm giải buồn trong lúc rỗi rảnh, bất tri bất giác phỏng theo tỷ lệ người thật, thành ra lại mất vẻ khả ái ngộ nghĩnh của con rối bình thường. Công chúa thích hãy cứ giữ lấy, lần tới có đẽo gọt mài giũa, tôi sẽ làm lại một con đẹp hơn cho công chúa.”

Công chúa hí hửng nhận lấy con rối, lại bảo Gia Khánh Tử kính Thôi Bạch một chén, Thôi Bạch mỉm cười khom người nói: “Nhã ý của công chúa, Thôi Bạch tất nhiên chẳng dám chối từ, sẽ uống đủ mười phần, nhưng vị cô nương này hôm nay đã uống nhiều lắm rồi, không bằng đổi cho cô ấy ly ốc trắng sang chén lá chuối, để cô ấy uống một phần là được.”

Chén lá chuối là loại cốc đựng rượu có sức chứa nhỏ nhất. Công chúa nghe theo lời thỉnh cầu của gã, sai người đổi ly ốc trắng của Gia Khánh Tử đi. Gia Khánh Tử uống xong, nhìn Thôi Bạch vô cùng cảm kích, chạm trúng ánh mắt tủm tỉm của gã, nó lập tức bối rối, mặt đã sẵn đỏ ửng lại bồi thêm một tầng sắc son.

Sau đó mọi người cụng ly đổi chén, tiếp tục hành tửu lệnh. Giữa chừng có một ca cơ tên Tiểu Bình ôm tỳ bà ra tấu khúc hầu rượu, lập tức khiến Thất lang chú ý, khi Tiểu Bình gảy đàn, ánh mắt chàng sẽ khóa lấy người cô, không mảy may di dời. Tiểu Bình tình cờ trông thấy chàng giữa lúc nghiêng mặt, thần sắc cũng lộ vẻ khác thường, tựa hồ hai người quen biết nhau.

Tiểu Bình tấu hết một khúc, Thất lang dứt khoát gọi cô lại bên mình, hai người nhỏ giọng thầm thì, Tiểu Bình nói đến chỗ xúc động, không khỏi rơi lệ, Thất lang lập tức nâng tay áo lau nước mắt cho cô, nhìn cô đăm đăm, ánh mắt dịu dàng, như coi tất thảy người xung quanh đều là không khí.

Sau đó, Lý Vĩ rút được một thẻ: “Ta chưa từng thấy kẻ nào hiếu đức như háo sắc, ai nhiều lời với nữ tử uống mười phần.” Ta vừa đọc lời lệnh, trong sảnh lập tức rộn tiếng cười, mọi người đều dời ánh mắt ngập ý hài hước nhìn về phía Thất lang.

Thất lang cũng không biện giải, một tay bưng lấy chén rượu đầy trước mặt, ngẩng đầu một hơi cạn sạch. Chúng nam khách cười khen hay, Gia Khánh Tử lại đi ra truyền chỉ thị của công chúa: “Háo sắc không phải chuyện tốt, uống rượu thôi không đủ, phải phạt.”

Mấy người không liên can đương nhiên sôi nổi hùa theo, mà Thất lang cũng sảng khoái nhận lời, trực tiếp nói với ta: “Nên phạt thế nào, mời lục sự nói rõ.”

Ta mỉm cười: “Mới rồi Thôi Tử Tây đã hát một bài, hay là lang quân ngẫu hứng điền từ theo điệu khúc tôi tấu, cũng hát một bài trợ hứng đi.”

Thất lang đồng ý, ta bèn một lần nữa nâng sáo ngọc lên, thổi một bài “Giá cô thiên”. Thất lang trầm ngâm nghe khúc, ta mới tấu hết một vòng, chàng đã có dự tính trong lòng, cất tiếng trong trẻo hát theo điệu khúc ta tấu lại: “Tay vén ân cần chúc ngọc chung, năm ấy má ửng say chén nồng. Múa nghiêng dương liễu trăng lầu rọi, ca dứt đào hoa gió quạt ngừng. Rồi từ bấy, nhớ tương phùng, mấy bận say giấc chung cơn mộng. Đêm nay nến bạc soi cho tỏ, vẫn ngỡ gặp nhau chốn mơ mòng.”