Cuộc Sống Hạnh Phúc Ở Nông Trường

Chương 35: Thời Gian Trôi Nhanh Như Một Lần Chớp Mắt



Chuyện chia phần diễn ra khá suông sẻ. Theo ý của Hứa Lâm thì hắn chỉ cần một con heo to là được rồi. Nhưng Lý Cường không đồng ý.

Ở đây có tổng cộng năm con heo lớn, mỗi con tầm 150 cân. Còn hai con heo nhỏ tổng 50 cân. 800 cân mà chia cho bốn thì trung bình mỗi người được tận 200 cân thịt.

Hơn nữa, súng đạn là của Hứa Lâm nên Lý Cường chia cho hắn 1,5 con heo lớn và một con heo nhỏ.

Hứa Lâm thấy Lý Cường phóng khoáng như vậy mà Mạc Lệ Quyên và Mạc Đình Sơn đều cười tủm tỉm, không ai tỏ vẻ khó chịu, hắn đành nhận lấy. Trong lòng đối với gia đình này càng thân cận hơn.

Hạ qua thu đến, đông lại sang.

Thời gian như dòng nước dịu dàng trôi, êm đềm và lặng lẽ. Vậy mà đã đến hè năm 1960 rồi.

Những năm này, gia đình Lý Cường chăm chỉ làm lụng, kể cả đồng ruộng của nông trường hay không gian đều được chăm sóc kỹ lưỡng.

Không gian sau khi được thăng lên cấp 2, số mẫu ruộng cũng từ hai mà tăng thành bốn. Dù vậy, bọn họ chẳng hề lười biếng mà siêng năng canh tác, một năm trồng trọt bốn vụ mùa. Chẳng những vậy, vụ mùa nào Mạc Lệ Quyên cũng nuôi cá đan xen với việc trồng lúa khiến thu hoạch rất khả quan.

Từ lần đầu cùng Hứa Lâm đi săn thành công, thỉnh thoảng anh ta mang súng đạn đến tìm, bọn họ lại có được thu nhập thêm. Tất nhiên, việc này diễn ra một cách bí mật vì từ năm 1958, quốc gia ban hành chính sách mới, tất cả tài nguyên như thú rừng hay cá trong sông đều bị quy về tài sản chung, người dân không được tự tiện săn bắt.

Cũng từ đây, nhà nước nghiêm khắc khống chế lượng tiêu thụ hàng hoá, việc bôn bán bị cấm tuyệt đối, nếu muốn mua hàng thì phải đến cửa hàng Bách Hoá hoặc Cung Tiêu Xã, còn muốn bán thì phải đến điểm thu mua.

Bây giờ, mua bất kì thứ gì cũng phải có phiếu kèm theo mới mua được. Ví dụ như mua một cân gạo thì ngoài tiền gạo ra còn phải có phiếu gạo một cân. Những ai ở trong thành phố thì còn đỡ, như dân quê mỗi năm chỉ có thu hoạch xong mới được phát một ít phiếu, khiến cho vật tư trở nên vô cùng thiếu thốn.

Hơn nữa, lúc này, ngoài nông trường Bản Á ra thì tất cả đã chuyển sang chế độ cùng làm cùng ăn, ruộng đồng bị quy vào tài sản chung, người nông dân lao động trồng trọt tập thể, sau đó tuỳ thuộc vào hiệu quả lao động mỗi ngày mà được lượng công điểm phù hợp, sau đó lấy công điểm đổi lương thực. Việc này dẫn đến nhiều người không làm nhưng cũng có ăn khiến nhiều người sinh ra tính ỷ lại lười biếng, thành quả đạt được giảm sút đáng kể. Lại thêm nhiều chỗ thay nhau thi đua, không đủ sản lượng thì báo khống số lượng, khiến người dân nộp thuế rồi chẳng còn lại bao nhiêu.

Trong nhất thời, nông trường Bản Á trở thành thiên đường lí tưởng của mọi nhà. Mấy năm nay nông trường cũng lục tục nhận thêm thật nhiều hộ dân, đất canh tác cũng được Trần Thái Học phân phối gần hết. Khu của gia đình Mạc Lệ Quyên cũng vậy. Sau khi Hứa Lâm phân gia thì dọn lại cách vách với nhà ông Thụ bà Mai, cách nhà Lý Cường chỉ có một phần đất. Chỗ đất này Mạc Lệ Quyên đã giành chỗ cho người khác, cô cũng nói với Trần Thái Học, ông ấy không do dự mà đồng ý.

Mạc Lệ Quyên biết rằng năm 1960 đến năm 1963 sẽ có một trận nạn đói xảy ra trên khắp đất nước. Nên mấy năm nay cô chăm chỉ tích góp lương thực.

Bởi vậy, bây giờ trong kho hàng của không gian Gieo Trồng đã bốn ngàn cân gạo trắng, hai ngàn cân khoai lang, hai ngàn cân rau lang ngâm, một trăm cân cá chép tươi, hai trăm cân khô cá chép, hai trăm cân thịt heo xông khói, một trăm cân khô thịt heo, 100 con thỏ, một ngàn cân thịt heo tươi, 5000 trứng gà và 200 con gà...Đây là những thứ mà Mạc Lệ Quyên cố ý chừa lại không bán để gia đình vượt qua nạn đói. Từ khi không gian thăng cấp, diện tích kho hàng cũng được tăng lên gấp hai, tuy vậy vẫn bị chứa đầy, không còn chỗ trống. Mỗi lần gia đình Mạc Lệ Quyên ra vào kho hàng nhìn thấy chúng đều cảm thấy cuộc sống này quá hạnh phúc.

Ngày này, trời sắp tối mà thời tiết vẫn còn nóng hổi. Lý Cường đạp xe từ bên ngoài về. Mồ hôi đổ đầy cơ thể của anh. Áo đã ướt một mảng lớn.

Lúc này, Mạc Lệ Quyên đang sửa sang lại chồng gà. Thiếu nữ khi xưa chỉ mới mười ba tuổi, nay đã lớn phổng phao, sang năm thì đã thành niên rồi. Cô thấy chồng về thì dừng tay, rửa sạch rồi mang bình nước cho anh. Lý Cường nhận lấy và uống một hơi dài. Nước đậu xanh hoà lẫn với một it vị ngọt của đường khiến cơn khát dần tan đi.

"Có chuyện gì vậy anh?"

"Mấy tháng nay không có một cơn mưa nào nên bác nông trường trưởng sợ xảy ra hạn hán. Bác ấy mở họp yêu cầu mọi người siêng năng tưới nước cho hoa màu vào bình minh và hoàng hôn, hơn nữa kêu gọi nhà nào chưa đào giếng thì tranh thủ mà đào." Vừa nói, anh vừa cởi đi chiếc sơ mi đang mặc.

Mạc Lệ Quyên thầm nghĩ quả nhiên người làm tới chức nông trường trưởng thì không phải kẻ đơn giản. Đúng là sắp có hạn hán thật đấy.