Đợi Gió Đông Thổi Về Phương Bắc

Chương 6: Đông Âm Hoài Niệm



Tiết trời dần se sắt lạnh. Mùa đông ở Tịch Quốc không có tuyết rơi, vào mỗi sớm bình minh chỉ có những tầng sương mù buông mình như dãy lụa. Tô Thống mặc y phục trắng khói nho nhã ngồi trên gốc cây già, vụng về đi từng mũi khâu qua tấm lông thú. Một chiếc lá úa vàng khẽ vương lại trên vai chàng thiếu niên.

"Huynh đang làm gì đấy?" Mục Ý chậm chạp tới gần, chân váy màu xanh nhạt bị vô số giọt sương li ti trong bãi cỏ thấm ướt. Khuôn mặt nàng vẫn còn che kín vải.

Tô Thống ngẩng đầu, ánh sáng yếu ớt trên vòm cây rơi lên nếp mi y:

"Sao cô nương lại ra đây?"

Tô Thống vội vàng dìu nàng ngồi xuống.

"Ở mãi trong phòng cảm thấy rất ngột ngạt, ra ngoài hít thở không khí sẽ thoải mái hơn." Nàng cười đáp.

"Mặt cô thế nào rồi." Y ân cần hỏi.

Tâm trạng Mục Ý tràn đầy vui vẻ và mong đợi:

"Dược tiên sinh nói vết thương hồi phục rất nhanh, vài hôm nữa là có thể tháo băng rồi."

"Vậy tốt quá. Vừa hay chiếc áo lông thú này cũng sắp hoàn thành." Tô Thống gật gù, ánh mắt càng thêm hoan hỉ.

Thấy y đặt nhiều tâm tư và tỉ mỉ vào nó, nàng thuận miệng hỏi:

"Cái này là...?"

Y hòa nhã giải thích:

"Chứng hàn của Dược lão hễ đến mùa đông sẽ nghiêm trọng hơn, đặc biệt sợ lạnh. Ta muốn tặng cho ông ấy một chiếc áo choàng đủ dày dặn để giữ ấm."

Dù quen biết chưa lâu, nhưng thời gian ngắn ngủi tiếp xúc Mục Ý cũng ít nhiều cảm nhận được mối quan hệ giữa họ trên cả thân thiết:

"Huynh có lòng như vậy, Dược tiên sinh nhất định sẽ rất vui."

Ánh mắt nàng vô thức rơi xuống tấm lông thú:

"Nhưng mà tay áo và thân áo huynh khâu dính liền với nhau thì làm sao mặc được."

Tô Thống giật mình lật đật kiểm tra.

Không những thế, đường mũi kim lên xuống trông khá rối mắt, chỉ lộ rất to. Hai ống tay áo bị may liền với thân, chừa duy nhất phần cổ áo cho đầu chui qua. Nếu mặc vào chẳng khác gì trùm một cái bao bằng lông thú cả. Tròng mắt y co rúm lại vì xấu hổ, ngượng nghịu cười.

Mục Ý chìa tay ra, dịu dàng bảo:

"Không sao. Ta giúp huynh."

Tô Thống đưa áo lông thú cho nàng:

"Ngại quá, làm phiền Mục cô nương." Sau vài thao tác đơn giản và nhanh chóng nàng đã sửa lại những đường cơ bản.

Quà biếu tặng phải do chính người có lòng đích thân hoàn thành thì mới trọn vẹn ý nghĩa, Mục Ý nào dám giành công, nên đã trả nó lại cho y:

"Tiếp theo huynh có thể tự khâu rồi."

Nàng nhiệt tình hướng dẫn cách may, ân cần quan sát từng mũi kim của Tô Thống. Còn đặc biệt giúp y thực hiện kỹ thuật giấu chỉ khâu, phương pháp này là mẫu thân nàng lúc sinh thời đã tận tâm dạy bảo.

Áo choàng hoàn thành hơn một nửa từ tấm lông thú Tô Thống săn được ở trong rừng. Y cẩn thận ướm lên người, dùng mắt thường đo đạc thử, rất vừa vặn. Mục Ý ngắm từ đầu đến chân Tô Thống, mỉm cười nói:

"Vóc dáng của huynh và Dược tiên sinh gần giống nhau."

Trước giờ y không quen những việc may vá đòi hỏi tính nhẫn nại và khéo léo. Nhưng chẳng hiểu vì sao lần này y lại vô cùng kiên trì. Tô Thống chỉ biết đột nhiên bản thân muốn làm chút việc nhỏ cho Dược Đức, nào nghĩ ngợi nhiều hay toan tính gì.

Qua mấy hôm nữa bọn họ sẽ rời khỏi đây, nơi đã chứng kiến bi kịch và sóng gió trong đời ba con người bất hạnh. Lắm lúc bị nỗi tuyệt vọng nhấn chìm quá lâu, Tô Thống từng chán ghét đáy vực này tới cùng cực. Nhưng nay sắp thoát được rồi, y lại bỗng cảm giác quyến luyến kỳ lạ.

Tô Thống dán mắt vào chiếc áo, chuyện xưa như tái hiện trong đầu:

"Ta nhớ có một lần, ta nghịch ngợm tham ăn đã cãi lời Dược lão cố trèo lên cây hái quả dại. Kết quả bị nhện độc cắn."

Y thoáng ngước nhìn nàng, nụ cười áy náy lẫn hoài niệm nở rộ trên khuôn mặt tuấn tú:

"Sau hôm đó, ta sốt cao liên tục ba ngày không thuyên giảm, khắp người lúc lạnh lúc nóng rất khó chịu."

Mục Ý chăm chú ngồi nghe. Y phóng tầm mắt về phía xa xăm, giọng trầm ấm:

"Là Dược lão đã luôn túc trực đun nước, sắc thuốc. Chăm sóc chẳng quản đêm ngày mà không hề trách mắng."



Y hít một hơi thật đầy, khóe môi mỏng hơi cong, như âm thầm đẩy lùi cơn xúc động đang cuộn trào ở lồng ngực:

"Khi tỉnh giấc, ta nhìn thấy ông ấy đã ngủ gật vì mệt nhoài, lấy đôi tay làm gối, bên cạnh là ánh đèn leo lét hắt vào vách nhà tranh."

Tô Thống bỗng dừng lại, nghĩ ngợi:

"Khoảnh khắc ấy ta mới biết, hóa ra trên thế gian này vẫn còn có một người quan tâm tới an toàn, sống chết của ta." Giọng y đầy trân trọng.

Mục Ý ngưỡng mộ tình cảm giữa họ, tiếp lời:

"Dược tiên sinh đối với huynh thật tốt."

Nàng hiểu y như người bị bóng đen nuốt chửng, có đôi mắt nhưng vẫn chẳng thấy lối đi. Thứ giết chết niềm tin và sự dũng cảm đối mặt trong y bấy giờ không phải hành động tàn nhẫn của đích mẫu, mà là sự thờ ơ của Tô Thiệu. Khiến y khẳng định bản thân đã hoàn toàn bị người thân vứt bỏ. Có lẽ Tô Thống khi đó đã tự dằn vặt rất nhiều, y làm gì sai? Gây lỗi lầm gì mà phải chịu sự chán ghét, cay nghiệt. Những người tưởng chừng là máu mủ liền tâm lại vô tình với y như thế.

"Ta vẫn luôn có một mong muốn."Tô Thống khẽ thở dài, mân mê bề mặt lông thú mềm mượt của chiếc áo choàng.

Giọng y trầm xuống:

"Đưa Dược Đức ra ngoài, cho ông ấy cuộc sống tốt nhất."

Nàng an ủi:

"Sau này còn rất nhiều cơ hội, ta tin huynh sẽ làm được."

Tô Thống thinh lặng ngắm xung quanh một vòng, từng ký ức yên bình hiện lên như chiếc gương quá khứ. Kia là con sông mỗi ngày y giặt giũ, Dược Đức ở phía sau luyên thuyên những chuyện dưới đất, trên trời. Về nơi ông đã từng đi qua, xinh đẹp, mỹ lệ như tiên cảnh. Kia là bàn gỗ dưới góc cây Thanh Lương Trà, hai bên kỳ nghệ bất phân thắng bại. Dược Đức dựa vào bản lĩnh chơi cờ như cầm binh bày trận, nhưng lại vô số lần chịu ấm ức bởi những trò gian lận, ngang ngược của tiểu tử như y. Kia là gian bếp chiều chiều tỏa khói, lần đầu y đích thân trổ tài lại vô ý làm cháy nửa mái nhà tranh, hại Dược Đức phải cùng y mất hơn hai ngày sửa chữa. Ngẩn ngơ nhớ lại, Tô Thống chợt phì cười.

Mục Ý hái chiếc lá đặt lên giữa môi, thổi một khúc du dương trầm bổng. Âm thanh vừa triền miên vừa cao trong vang khắp núi rừng, đánh thức ngũ quan và tâm tình vạn vật. Tiếng nhạc của nàng như thấy dòng suối mát chảy nhanh về hạ nguồn, như thấy chim bay về tổ, như thấy hoa nở rợp chân đồi và gió lộng trên thảo nguyên xanh mướt. Khiến người ta phút chốc tạm gác lại hận thù, khổ ải, khao khát cuộc sống bình dị giản đơn.

Tô Thống ngẩn ra nhìn nàng. Tròng mắt nữ nhân xanh biếc như làn thu thủy, cánh môi hoa đào hồng nhạt dịu dàng. Từ nơi sâu thẳm nhất trong trái tim y chợt thấp thoáng dáng hình của một người phụ nữ, hư ảo, mơ hồ nhưng lại khiến lòng dạ Tô Thống nôn nao, thương nhớ.

"Cô cũng biết khúc nhạc này?" Y ngạc nhiên hỏi.

Mục Ý kết thúc điệu Đông Âm, buông chiếc lá xuống:

"Là khúc nhạc mang phong vị thảo nguyên bình thường. Ta học được trong lần cùng phụ thân đến huyện Mộc Chi, Đan Quốc."

Vì đâu nét mặt tươi sáng của Tô Thống héo dần, y cặm cụi thực hiện những mũi kim cuối cùng trên chiếc áo choàng lông, chẳng nói năn gì nữa. Mục Ý không dám làm phiền, mặc sự tĩnh lặng cứ vậy trôi qua.

Căn nhà tranh vốn dĩ êm đềm, đôi khi hơi tẻ nhạt. Từ lúc có nàng mọi thứ rộn ràng thấy rõ. Dược Đức thường đứng ở xa xa, nhìn trộm dáng vẻ sầu não muộn phiền của Tô Thống bỗng trở nên vui vẻ, hoạt bát hơn trước. Không ít lần ông đã cười thầm.

Những ngày còn lại dưới vực Vô Vọng, Mục Ý theo Dược Đức và Tô Thống vào rừng hái thuốc. Phụ giúp việc vặt như nấu cơm, giặt giũ, may vá thêu thùa. Tay chân nàng dẫu có chút vụng về, nhưng bản thân Mục Ý siêng năng và chịu khó. Dược tiên sinh dạy nàng cách bắt mạch, tặng nàng vài quyển y thư cũ mà ông đã đọc qua. Mục Ý tỏ ra vô cùng hứng thú.

Những ngày gần đây Dược Đức hay gọi Tô Thống ra sân rèn luyện thể lực. Ông đích thân giám sát, dạy bảo cho y chút bản lĩnh phòng vệ. Tô Thống chịu khổ chưa lâu đã than ê ẩm khắp người. Mỗi lần y có ý định lười biếng ông ấy sẽ dùng roi vụt vào chân y để trừng phạt. Đứng ở luống rau sau nhà nàng vẫn nghe rõ tiếng la hét hoảng sợ của Tô Thống.

Ban đêm nhiệt độ giảm xuống rất nhanh, họ quây quần bên đống lửa bập bùng. Nàng chịu lạnh kém, liên tục vò đôi tay ngọc vào nhau trên than hồng, sống lưng vẫn cảm giác rét run mỗi khi gió đông ùa tới. Biết Dược Đức có thói quen uống trà, vài hôm trước Mục Ý đã hái một ít hoa cúc phơi khô. Tiện thể đi sâu vào rừng vặt quả thạch lựu mang về, đặc biệt chuẩn bị một bình rượu lựu đỏ.

Mục Ý nâng chung nhỏ trong tay, kính trọng mời:

"Dược tiên sinh, đa tạ ơn cứu mạng và những gì ngài đã giúp đỡ cho tiểu nữ."

Dược Đức đón lấy chung rượu, khiêm tốn nói:

"Lão phu nào có thể thấy người chết mà không cứu."

Ông thoáng nhìn Tô Thống đang châm thêm củi vào đống lửa:

"Huống hồ từ nay về sau tên tiểu tử thối này phải làm phiền Mục cô nương rồi."

Tô Thống chợt có linh cảm kỳ lạ:

"Ông sao thế? Bỗng nhiên nói mấy câu giống như chúng ta sắp phải cách biệt vậy?"

Dược Đức chỉ cười bỏ qua nét mày nhăn nhó của y, uống cạn chung rượu.

"Sau khi rời khỏi đây ông định sẽ làm gì?" Y hỏi Dược tiên sinh.

Ông ngẫm nghĩ rồi bảo:

"Ta không còn nhà để về, cũng chẳng còn người thân để tìm kiếm. Ước mơ to lớn nhất trong đời là được đi nhìn ngắm khắp thế gian, tiếp tục sống những ngày tháng tự do tự tại."

"Ta đi cùng ông." Tô Thống đột nhiên lên tiếng. Cái vẻ ngây thơ và tươi tắn của y khiến lòng Dược Đức hỗn loạn cảm xúc.

"Nhưng mà."



Tô Thống ngập ngừng:

"Ông phải đợi ta làm xong một việc. Sau khi tìm gặp người đó ta sẽ cùng ông đi du ngoạn khắp thế gian."

Thái độ y nghiêm túc và chắc chắn.

Tròng mắt đen sâu của Dược Đức khẽ run rẩy, rất nhanh sau đó bị giấu nhẹm bằng một cái chớp mi. Ông quay sang nơi khác, cười:

"Lời hứa của một tên nhãi con không đáng tin chút nào."

Bởi trong sâu thẳm tâm can, Dược Đức thừa hiểu chấp niệm về người mà y muốn tìm còn quan trọng hơn cả sinh mạng.

Tô Thống đứng bật dậy phản ứng mạnh mẽ:

"Ai nói thế? Ta nhất định sẽ đưa ông đi những nơi mà ông muốn đi, đến những nơi mà ông muốn đến."

"Được rồi."

Dược Đức xua tay qua loa:

"Làm được thì mới tin."

Y tức tối vì Dược tiên sinh tỏ ra hời hợt, "xí" tiếng rất nhỏ rồi lại ngồi xuống bên cạnh. Rót một chung rượu thật đầy, hậm hực dốc cạn.

"Phải rồi."

Mục Ý có việc muốn hỏi:

"Dược tiên sinh, nếu ta đoán không lầm thì ông là người Đan Quốc?"

Dược Đức ngạc nhiên nhìn nàng, nhưng chẳng hề phủ nhận:

"Phải."

Mục Ý lựa lời:

"Vậy nguyên nhân vì sao ông lại rơi xuống đây?"

"Vô tình ngã xuống." Ông đặt chung rượu lên bàn tre, thản nhiên trả lời. Nhẹ nhàng kéo chiếc áo choàng lông Tô Thống tặng che đi đôi chân không còn lành lặn.

Dược Đức cho nàng đáp án chẳng rõ ràng, càng khơi gợi sự tò mò của nàng:

"Quê nhà ông ở đâu trên lãnh thổ Đan Quốc?"

Ông thâm trầm nhìn nàng khá lâu:

"Cô nương hỏi chuyện này để làm gì?"

Mục Ý vô thức se chặt góc y phục, ngậm ngùi nói:

"Không giấu gì ông. Năm năm trước mẫu thân ta tử trận trong lần tham gia chiến trường ở huyện Mộc Chi, Đan Quốc. Khi đi có dẫn theo một thiếu niên 17 tuổi tên Mục Quý. Đến nay vẫn bặt vô âm tín."

"Người ấy và cô có quan hệ gì?" Dược Đức hỏi.

"Huynh ấy là ca ca ruột thịt của ta." Hai mắt nàng đỏ hoe.

Dược tiên sinh thương cảm:

"Ta rời quê hương đến nay đã rất nhiều năm, những thứ xưa cũ không còn nhớ nổi nữa."

Ông xoay bánh xe lăn vào trong phòng riêng, rất nhanh sau đó quay lại với một mảnh ngọc bội. Dược Đức đưa nó cho nàng:

"Trùng hợp ta cũng có quen một người bạn ở Mộc Chi, hắn tên Quảng Phúc. Nếu cô may mắn gặp được hãy đưa thứ này cho ông ấy. Nói Mục cô nương là bằng hữu của ta, nhất định ông ấy sẽ vui vẻ giúp đỡ."

Mục Ý cảm kích vô bờ lẫn vui mừng:

"Đa tạ Dược tiên sinh, ta nợ ông quá nhiều rồi."

Dược Đức xua tay:

"Đừng nghĩ thế. Nếu người rơi xuống vực hôm đó không phải cô mà là bất kỳ ai khác lão phu cũng không thể ngoảnh mặt làm ngơ."

Tô Thống dùng một chiếc gậy tre khều từ trong tro nóng ra những củ khoai lang đã nướng chín. Hương ngọt ngào phả vào không khí thơm lừng. Y cẩn thận bóc vỏ đưa đến cho nàng và Dược Đức. Dù không phải là lần đầu tiên được ăn món này, nhưng hôm nay nếm lại thấy mùi vị đặc biệt ngon hơn. Giữa tiết trời lạnh giá uống chung rượu thạch lựu đỏ, ăn khoai lang nóng hổi bên ngọn lửa hồng, mọi thứ từ con người cho tới cảnh vật vốn cô quạnh dưới đáy vực tối tăm như đồng loạt được sưởi ấm.