Nghe tôi hỏi, thầy Trứ lại một lần nữa giải thích:
– Nếu coi theo ngày sanh của cô thì quẻ ra như vậy, cô hỏi tôi tại sao thì tôi cũng không biết tại sao để nói cho cô hiểu.
– Nhưng… có phải là con đã chết rồi đúng không thầy? Có phải là con đã chết rồi không?
Thầy Trứ khẽ gật đầu:
– Có thể coi là như vậy.
Tôi đờ đẫn ngã người ra sau, hai mắt nhắm kịt lại, sóng mũi bắt đầu thấy cay cay rồi. Tôi thiệt không dám tin là tôi đã chết, tôi cứ như thế… không lời từ biệt với cha mẹ của mình một mình lặng lẽ đi sang thế giới này mà ở. Thì ra, thì ra giấc mơ lần đó là sự thật, ba tôi ngồi khóc bên chính ngôi mộ của tôi… ông khóc thương cho đứa con gái yểu mệnh của mình.
Không phải là tôi không tin vào điềm báo trong giấc mơ nhưng bản thân tôi luôn luôn hy vọng là sẽ có một kỳ tích xuất hiện. Út Quân nói thầy Trứ có thể có cách giúp tôi trở về… bây giờ chắc là không thể trở về được nữa rồi. Ở thế giới của tôi, tôi đã chết, vậy thì dù cho có 100 thầy Trứ cùng xuất hiện cũng không có cách nào giúp được tôi cả…
– Út Quân…
Cậu Cả xoa xoa tóc tôi, cậu kêu tên tôi rất khẽ, dù tôi không mở mắt ra nhìn nhưng tôi cũng biết được là cậu đang muốn an ủi tôi. Tôi không trả lời cũng không nói năng gì với ai, ngồi thêm một lát nữa tôi cũng xin phép đi về nhà. Cậu Cả không có ý giữ tôi lại, thầy Trứ thì kêu tôi về nhà suy nghĩ bình ổn tâm trạng lại rồi hãy tới gặp ông.
– Mọi chuyện đều là có lý do của nó, không tự dưng mà cô lại tới được đây. Tôi không giúp được cho cô trở về nhưng có thể giúp được cô chuyện ở thời này. Thôi, cô về nghỉ ngơi đi, khi nào nghĩ thông suốt rồi hãy tới tìm tôi.
Nghe thầy Trứ dặn dò, tôi “dạ” một tiếng rồi đi theo người của cậu Cả về lại nhà cha má Út Quân. Lúc tôi về, mọi người trong nhà cũng biết vì lúc nãy tôi đi tôi có vào thưa với má Út Quân một tiếng rồi mới đi. Lại sợ cha má Út Quân suy nghĩ nhiều nên lúc tôi về tôi liền vờ cười nói vui vẻ như là không có chuyện gì xảy ra. Về phòng riêng của mình, tôi ngã xuống giường rồi cắn vào gối mà khóc một trận cho thỏa lòng. Chắc trên đời này chẳng có nỗi sợ nào đáng sợ hơn chuyện bản thân mình biết được là mình đã chết. Nước mắt rơi lã chã trên mặt, tôi uất nghẹn nấc lên từng tiếng bi thương:
– Mẹ ơi… ba ơi… bà ơi… con nhớ mọi người nhiều lắm!
________________
Một tuần sau đó, tôi ở suốt trong phòng, đến cả tắm gội tôi cũng nhờ má Út Quân đem nước vào phòng cho tôi tắm. Tôi không bước ra ngoài một bước, dù cho cậu Cả có cho người sang đón tôi tôi cũng từ chối không chịu đi. Bên phía cậu Hai cũng chạy sang mấy lần nhưng tôi quyết không mở cửa là không mở cửa. Thấy tôi cứ ở suốt trong phòng, má Út Quân cũng đâm ra hoảng loạn nhưng lúc ấy tâm trạng tôi không được tốt, vẫn chưa chấp nhận được sự thật nên tôi không muốn ra ngoài gặp ai cả.
Hơn một tuần tự nhốt mình, cuối cùng thì tôi cũng suy nghĩ được thông suốt, bây giờ tôi có ở đây rầu rĩ khóc lóc thì cũng không làm tôi sống lại được, ba mẹ ruột của tôi chắc chắn sẽ rất đau lòng khi thấy đứa con gái mạnh mẽ của họ đột nhiên lại yếu đuối ủy mị tới như vậy. Chưa nói đến chuyện tôi giờ đây đã là Út Quân, ngoài sống với ký ức của riêng bản thân mình, tôi còn phải sống cho cuộc đời của Út Quân. Tôi đã hứa với cô ấy sẽ chăm sóc cho cha má của cô ấy, tôi… không thể nuốt lời được. Số mệnh đã như vậy, có oán trách, có cưỡng cầu, có đau thương cũng không thay đổi được chuyện gì…
Ngoài cửa, có tiếng gõ nhè nhẹ vang lên:
– Út Quân ơi… con ngủ hay thức vậy con?
Nghe giọng của má Út Quân, tôi liền trả lời:
– Con thức… có chuyện chi không má?
– Ờ má có nấu canh cho con, con mở cửa ra lấy vô ăn nghen con, ăn nóng cho ngon, để nguội tanh lung lắm đa.
– Dạ.
Tôi bước xuống giường, chân xỏ đôi guốc mộc rồi đi lộc cộc ra ngoài mở cửa cho bà. Thấy tôi chịu mở cửa, má Út Quân mừng dữ lắm, bà lật đật đem canh vô trong phòng cho tôi, bà nói:
– Gì thì gì cũng phải ăn cho có sức nghen con, nhìn con càng ngày càng ốm yếu xanh xao tiều tụy… má chịu không có nổi. Ăn đi con, ăn miếng rồi uống thuốc cho má vui.
Tôi mỉm cười, tay bưng bát canh hầm ăn hết sạch, vừa ăn hai má con vừa nói luyên thuyên đủ chuyện trên trời dưới đất. Buồn thì cũng phải sống, sống phần cho mình, sống luôn cả phần của người khao khát được sống.
Nói chuyện một hồi, má Út Quân chợt móc trong túi áo bà ba ra một mảnh giấy, bà nhanh nhảu nói:
– Chút nữa là má quên, ban nãy… người bên nhà cậu Cả đem cái này qua rồi biểu đưa cho con. Đâu, con coi coi là cái gì, coi cậu Cả có sai biểu hay quở mắng cái gì không con.
Tôi đặt bát canh xuống bàn rồi nhanh tay mở bức thơ ra coi, coi xong, tôi xếp bức thơ lại ngay ngắn, trên môi là nụ cười của sự thông suốt. Phải, thầy Trứ nói chẳng sai, tôi nên chấp nhận số mệnh và phải sống thật vui vẻ cuộc đời của Út Quân… bởi vì được sống đã là chuyện may mắn nhiều lắm rồi!
……………….
Sáng sớm ngày mồng 1, tôi đem theo hai bài vị bằng gỗ tới một ngôi chùa gần nhà rồi gửi hai bài vị cúng bái ở đó. Sau khi bày tỏ ý nguyện gửi gắm cho sư cô xong, tôi mới tự mình ra bờ sông cạnh chùa để thả bầy cá phóng sanh rồi lại tự tay đốt xuống cho Út Quân tiền vàng với giấy áo. Vừa đốt tôi vừa khấn, khấn vong hồn Út Quân phù hộ cho tôi mau mau tìm ra được hung thủ đã gϊếŧ cô ấy. Mặc dù tôi chỉ là người thế thân của cô ấy nhưng khi biết cô ấy bị gϊếŧ hại, sự oán hận trong lòng tôi cũng không thua kém cô ấy một chút nào. Chỉ hy vọng tôi có thể bình an mà bắt được hung thủ báo thù cho oan hồn đáng thương của Út Quân.
Xong xuôi hết mọi thứ, tôi quay lại vào chùa, lúc này sư cô cũng vừa đặt vào bàn vong hai bình hoa cúc vàng rực rỡ, thấy tôi đi tới, sư cô vui vẻ nói:
– Xong hết rồi đó thí chủ, bây giờ nữ thí chủ thắp nhang cho người thân được rồi đó.
Tôi chấp hai tay trước ngực rồi cúi đầu cảm tạ sư cô, đốt bó nhang nhỏ, tôi thành kính nhìn lên hai bài vị rồi thầm khấn trong lòng mình.
– Út Quân, tôi không thể làm cho cô một bàn vong đường hoàng như người khác được, mong cô đừng trách cứ tôi mà tội nghiệp. Hôm nay tôi đem cô tới đây, trước là muốn vong hồn cô không còn vất vưởng nơi đáy sông lạnh lẽo nữa, sau là muốn cô được cúng kiếng hưởng hương nhang hoa mà yên lòng. Cô có linh thiêng thì phù hộ độ trì cho tôi ở đây mau chóng tìm ra hung thủ đã gϊếŧ hại cô, tôi hứa với cô… tôi sẽ không để kẻ đó được yên thân đâu.
Dừng một chút, tôi lại nói tiếp:
– Út Quân, thân xác này của cô… kiếp này xin cho tôi mượn… tôi nhứt định không ngược đãi thể xác này… sẽ không làm cô phiền lòng… Thanh Vy tôi xin hứa!
Nói rồi tôi cắm nửa bó nhang trên tay vào lư hương, tay chắp lạy ba lạy tỏ lòng thành kính vô độ dành cho “Út Quân”. Lúc này, tôi mới quay sang bài vị thứ hai đặt ngay bên cạnh bài vị không tên của Út Quân, mi mắt tôi đỏ hoen, giọng nghẹn ngào nói lời từ biệt:
– Thanh Vy… kiếp này vất vả rồi… mình sẽ luôn nhớ về cậu… luôn luôn nhớ!
Cắm hết nhang vào lư, tôi cúi người ba quỳ chín lạy hai bài vị trên bàn. Nước mắt ứa ra, tôi thương xót quỳ lạy vong hồn của Út Quân cũng là xót xa quỳ lạy cho số kiếp của chính mình. Tôi lau vội nước mắt, vừa lau vừa nghẹn ngào nói:
– Kiếp này coi như hết duyên, chỉ biết đem hết lòng thành đặt vào bài vị gỗ.
Bước ra khỏi cổng chùa, một cơn gió mát bỗng dưng từ đâu thổi đến, nó giúp xoa dịu lấy tâm hồn đang yếu đuối của tôi. Hít một hơi đầy hương vị của lúa non vừa chớm, tôi khẽ cười, nụ cười của sự hài lòng nhẹ nhõm…
Nếu ý trời đã là như vậy, tôi nhất định không phụ lòng người đã sắp đặt. Không cần biết là nhân duyên hay là oán duyên, tôi cứ một đường phía trước mà đi tới. Nếu là nghiệp, tôi xin trả đủ… không một lời từ than…
Hít một hơi thật sâu, kể từ bây giờ trở đi, Út Quân là tôi… tôi chính là Út Quân!
_______________
Trưa hôm đó, tôi ghé ngang nhà cậu Cả, bây giờ tôi tự do rồi, không còn ở nhà hội đồng Trầm nữa nên chuyện tôi muốn đi đâu làm gì cũng không ai quản nhiều tới. Người làm chắc là biết mặt tôi nên vừa thấy tôi đã mở cổng cho tôi vào ngay không đợi tôi báo. Lúc tôi vào trong, tôi thấy cậu Cả cùng với thầy Trứ vừa bước từ trong bước ra, mặt cậu Cả có hơi thất thần, bọng mắt thâm quầng có hơi ủ dột. Thấy tôi tới, cậu Cả liền nở nụ cười, cậu chỉ tay bảo tôi ngồi vào ghế:
– Ngồi xuống đi, giờ này đứng nắng em sang đây làm chi?
Tôi cúi đầu chào thầy Trứ trước rồi mới đi tới gần cậu Cả, chưa kịp tới gần cậu thì cậu đã đẩy tôi ra xa, cậu cau mày quát nhẹ:
– Em đi tới ghế ngồi đi, lại gần tôi làm gì… đi ra đi.
Tôi nhìn cậu bằng ánh mắt lo lắng, tôi gấp gáp hỏi:
– Sao vậy cậu? Bộ cậu bị bệnh ở đâu hả? Hay là cậu bị thương?
Cậu Cả liếc mắt:
– Tôi làm gì bị thương ở đâu, có em bị thương mà giấu không nói thì có.
Tôi bĩu môi:
– Em có giấu đâu, tại cậu không hỏi thì có.
– Em còn nói nữa, bị đánh tơi tả mà vẫn giấu cậu Phú, em nghĩ em giấu vậy là anh hùng lắm hay sao?
Nhắc tới chuyện này, tôi tự dưng thấy cay cú chị Oanh, mà tính tôi thì cay cú là phải nói, không nói để tức phát ách lên khó chịu lắm.
– Em không có giấu, có người biết mà không muốn nói giúp em chớ em đâu có điên mà giấu.
Cậu Cả cau mày nhìn tôi, dường như là hiểu được ý tôi nói, cậu Cả liền hỏi lại:
– Ý em nói là…
Tôi nhún vai:
– Y như cậu nghĩ, không tin cậu có thể hỏi bé Nhỏ, em không biết em giấu chuyện em bị đánh để làm gì luôn á. Bộ cậu nghĩ em là kiểu người cam chịu số phận hả cậu… dễ gì.
Cậu Cả không trả lời, mắt cậu nhìn về một hướng mà trông thì có vẻ như là đang trầm ngâm suy nghĩ cái gì đó nghiêm trọng lắm. Chắc là cậu Cả đang cảm thấy kinh ngạc lung lắm đa, mà cũng phải thôi, tới tôi tôi còn kinh ngạc nữa mà. Ai nghĩ là chị Oanh lại là người hai mặt thảo mai như vậy đâu, tôi đó giờ chỉ nghĩ là chị ấy thích thầm cậu Cả thôi chứ không nghĩ chị ấy cũng là loại người bỏ đá xuống giếng.
Cậu Cả thở dài, giọng có hơi bất đắc dĩ:
– Thục Oanh… tôi nghĩ không phải loại người như vậy đâu.
Tôi không tức giận trước câu bênh vực của cậu Cả dành cho Thục Oanh nhưng tôi cũng không đồng tình trước câu nói này của cậu. Tôi phản bác:
– Chị ấy không phải loại người như vậy với cậu chứ không phải là với em. Con người em rõ ràng, em thích cậu, chị ấy cũng thích cậu, em thì thấy không quan trọng lắm chuyện hai người cùng thích một người nhưng người khác không nghĩ giống em. Em nói trước, cậu nghĩ sao thì kệ cậu, em chỉ đánh giá dựa vào sự thật mà thôi, không thiên vị ân tình.
Tôi nói rồi đi tới ghế ngồi xuống, thầy Trứ lúc này đang uống nước trà nhâm nhi nhìn hai bọn tôi. Biết là thầy Trứ đang nhìn nhưng tôi cũng mặc kệ, tôi nói có cái gì sai đâu mà sợ thầy ấy nghe được cơ chứ.
Cậu Cả phẩy tay một cái, cậu nhẹ nhàng nói:
– Tôi biết rồi, tôi đã nói gì đâu mà em làm một tràng như sớ Táo Quân vậy hả? Ngồi đó chơi đi, tôi đi tắm rồi ra. Cấm… cấm chạy vào nhìn trộm… tôi móc mắt em ra.
Tôi bĩu môi lèm bèm:
– Ai mà thèm… ba cái đồ quỷ đó ai mà thèm.
Nói thì nói vậy chứ cậu Cả vừa đi vào trong tôi đã nhón mông muốn chạy vào rình rồi. Đây nhé, tôi không phải rình cậu tắm đâu, tôi chỉ là muốn coi thử cậu có bị thương hay không thôi. Con người tôi đàng hoàng, ai nói tôi mê trai tôi đấm phát chết tươi…
– Cô ngồi yên đi, cậu ấy tắm rồi ra…
Nghe giọng nửa đùa nửa thật của thầy Trứ, tôi giật mình ngồi ngay xuống. Có hơi quê độ một chút, tôi liền cúi đầu cắn hạt dưa chứ cũng không dám ngước mặt lên nhìn thầy. Gì chứ mặt đối mặt với thầy Trứ, tôi lo lắng cho trái tim bé bỏng này của tôi dữ lắm.
Im lặng đâu mấy phút, thầy Trứ lại đột nhiên hỏi tôi:
– Một lát nữa cô để lại ngày giờ mất của cô, tôi giúp cô làm một cái lễ cầu siêu. Mặc dù hồn cô thì đang ở đây nhưng thân xác cô thì đã chết, cũng nên làm một cái lễ cúng tạ lỗi với thân xác cha sanh mẹ đẻ cho cô.
Tôi khẽ ngước mắt lên nhìn thầy, đầu gật gật, tôi lí nhí trả lời:
– Dạ… khi nào thì làm lễ hả thầy?
– Ngày mai đi, tôi còn phải chuẩn bị vài món cho cô, cũng không phải là cúng vong cầu siêu bình thường… nên cẩn thận một chút.
– Dạ vậy mai con sang đây sớm nhưng mà thầy Trứ… con có chuyện này… muốn nhờ thầy…
– Cứ nói.
– Thầy giúp con cúng cầu siêu cho vong hồn của Út Quân luôn… được không thầy?
Thầy Trứ gật đầu không do dự:
– Được.
Được thầy Trứ nhận lời, tôi coi như cũng thấy an ủi thay cho Út Quân. Tội nghiệp cho cô ấy, chết rồi mà vẫn không được cúng kiếng làm ma chay như bao người… đúng là số phận trái ngoe oan nghiệt mà.
Đợi cậu Cả tắm ra, tôi lại đòi cậu dọn cơm cho ăn, sáng giờ đi sớm nên chưa ăn uống gì hết, bụng đói meo. Cậu Cả đúng thiệt là sức khỏe không tốt, cậu ăn cũng không nhiều, tôi hỏi thì cậu không chịu nói, cậu cứ nói là cậu bình thường.
Ăn xong, cậu với thầy Trứ lại giấu giếm làm chuyện gì đó mà không muốn cho tôi biết nên cậu Cả cứ đuổi tôi về không cho tôi ở lại chơi. Hết cách, chủ nhà đã đuổi thì tôi cũng không thể mặt dày lì lợm ngồi ở đó mãi được. Xách cái mông đi về mà lòng tôi lo lắng cho cậu Cả quá đi thôi, không biết là cậu đang có chuyện gì nữa, cứ giấu giấu giếm giếm bực mình ghê.
Qua đò rồi đi xe ngựa về nhà, tôi lần nào cũng đi ngang nhà hội đồng Trầm nhưng không một lần nào nán lại. Bởi tôi không muốn hướng về đây nữa, nơi vừa có kỷ niệm cũng vừa có sự uất hận không giấu được thành lời.
Xe ngựa vừa về đến trước cổng nhà, tôi đã thấy một chiếc xe ngựa khác đậu sẵn. Ngó sơ qua cũng biết là xe ngựa của ai rồi, xe này chắc chắn là xe của nhà hội đồng, không biết lần này lại là ai tới nữa đây.
Chưa kịp bước vào trong, tôi đã thấy cậu Ngọc đứng đợi sẵn, thấy mặt tôi, cậu đi nhanh tới, không nói không rằng cậu nắm chặt lấy cổ tay tôi, giận dữ quát:
– Em vừa đi đâu về?
Tôi có chút giật mình cũng có chút bực tức, tôi ngập ngừng trả lời:
Cậu Ngọc dường như giận quá nên mất khôn, cậu buộc miệng:
– Thục… mà chuyện đó quan trọng gì, em chỉ cần nói là em có hay là không thôi. Nói!
Mẹ kiếp, lại là Thục Oanh à? Bộ chị ta cho người theo dõi tôi hay sao vậy? Lắm mồm lắm miệng thật ấy.
Tôi giận đùng đùng, tôi có làm gì sai quấy đâu, cậu Ngọc lấy tư cách gì mà kiếm chuyện với tôi vậy hả?
– Cậu buông tay ra, mắc mớ gì em phải nói cho cậu biết. Em đi đâu làm gì có liên quan tới cậu nữa đâu.
– Ai nói không liên quan tới tôi?
– Vậy thì liên quan cái gì? Em sợ nhà của cậu lắm rồi, cậu tha cho em đi.
Cậu Ngọc cười đểu, cậu gằn từng chữ:
– Sợ hả? Để tôi nói cho em nghe, tôi tới đây là để đem em về, trong tuần này… tôi sang hỏi cưới em… em là vợ của tôi… đừng mong chạy tới chỗ của cậu Út.
Hỏi cưới? Đùa… vẫn còn muốn hỏi cưới tôi nữa hay sao?
Tôi gông cổ lên cãi lại:
– Thầy Trầm không ưa em, cậu còn muốn hỏi cưới cái gì? Em không thích cậu, cậu buông tay ra.
Cậu Ngọc giận tới đỏ mắt, cậu đẩy tôi ngã ra đất, cậu quát ầm lên:
– Thích hay không thích thì em cũng phải gả cho tôi, cha má em đặt đâu em phải ngồi đó… em có quyền gì mà cãi lại với tôi. Hả? Hỗn xược!
Gì cơ? Gì mà cha má đặt đâu tôi ngồi đó… chuyện… chuyện này là sao?