Lời Mị Hoặc

Chương 1: "Không phải thần linh không được chạm"



Chiếc xe chồm chồm xóc nẩy, tôi ngủ mơ mơ màng màng. Tôi như mơ như tỉnh, suy nghĩ nhảy múa trong đủ loại cảnh tượng kì quái lạ lùng, chốc trước còn đang ngồi trên tàu lượn siêu tốc ở công viên giải trí, chốc sau đã đặt chân lên bề mặt mặt trăng.

Chốc nữa, trong cái nóng lạnh đan xen, tôi đứng trước cửa chùa, ngước lên ba chữ "Chùa Kích Trúc" đẹp đẽ trên tấm bảng ở trên đầu, bên tai là tiếng nói chuyện râm ran của các ni cô trong chùa.

Những giọng nói đó có già có trẻ, thanh điệu có chậm có nhanh, nhưng tất cả đều khô khan lạnh nhạt, lặp đi lặp lại duy nhất một câu nói: "Huyền Đàn sư thái không gặp khách, mời thí chủ về cho."

Hương Nghiêm đánh tre ngộ đạo, dẹp bỏ mọi tà kiến, do đó mới có tên là "Chùa Kích Trúc".

Năm tôi tám tuổi, Giang Tuyết Hàn nhìn thấu hồng trần, xuất gia làm ni cô, bà không còn là một người mẹ, một người phụ nữ nữa mà chỉ là một vị tu sĩ bình thường trong chùa Kích Trúc.

Trong lòng tôi đã hết hy vọng từ lâu, tôi lạnh tanh quay người lại, chớp mắt đã quay về kỳ nghỉ đông năm mười một tuổi.

Kỳ nghỉ đông năm ấy, tôi theo bố con Nghiêm Sơ Văn lặn lội đường xa, đi qua nhiều vùng, mất trọn hai ngày mới tới một nơi có tên Thố Nham Tung nằm dưới chân núi tuyết Thương Lan.

Ở đó ánh nắng chan hòa, bầu trời trong xanh, tường nhà trắng như bôi sữa, mọi người ai cũng mặc bộ trường bào kì dị khác hẳn so với người Hạ, đã vậy còn nói chuyện bằng thứ ngôn ngữ xa lạ mà tôi không hiểu.

Bố Nghiêm Sơ Văn là giáo sư của Đại học Dân tộc, người vẫn luôn tận tâm tân sức với việc nghiên cứu văn hóa dân gian.

Năm đó ông dẫn học sinh vượt xa ngàn dặm đến Thố Nham Tung làm khảo sát, được viên thống đốc chào đón nồng nhiệt, không chỉ đích thân đón tiếp, thống đốc còn bố trí người chuyên trách đưa chúng tôi đến một vài ngôi làng tộc Tằng Lộc nằm dưới sự quản lý của Thố Nham Tung để tham quan du lịch.

Đối với đoàn khảo sát, đây là cơ hội hiếm có để được tìm hiểu rõ hơn về nhóm người dân tộc thiểu số Tằng Lộc này, hiển nhiên là họ rất quý trọng nó. Cả nhóm tụm vào một chỗ, thảo luận về bức tranh dán tường trên cửa nhà người ta suốt một hồi lâu. Truyện Huyền Huyễn

Nghiêm Sơ Văn được lắng nghe quan sát từ nhỏ nên cũng thích những thứ này, nó nghe đến là say sưa thích thú. Riêng tôi thì chẳng biết gì về văn hóa dân gian, nghe mà nhức cả đầu, thấy không ai chú ý đề mình, tôi quyết định chuồn khỏi đội, đi lang thang trong làng.

Người dẫn chúng tôi đi tham quan đang sống ở ngôi làng kia, người đó sổ ra thứ tiếng Hạ dở tệ, nói cho chúng tôi biết ngôi làng có tên là "Bằng Cát", nghĩa là "nơi gần bầu trời nhất", là ngôi làng Tằng Lộc lớn nhất ở Thố Nham Tung. Nơi cao nhất của ngôi làng với kiến trúc tường trắng ngói vàng chính là "Đền Lộc Vương" của họ, các vị "ngôn quan" phụng dưỡng thần linh sống ở đó qua nhiều đời.

Giáo sư Nghiêm rất có hứng thú với ngôn quan, ông hy vọng có thể gặp người nọ để thực hiện một cuộc phỏng vấn ngắn. Nhưng hướng dẫn viên lại là một người Tằng Lộc ngoan đạo, người đó sẵn sàng đưa chúng tôi đi tham quan làng nhưng không dám tùy tiện dẫn người ngoài đến làm phiền sự thanh tịnh của ngôn quan. Giáo sư Nghiêm hỏi dò mấy lần nhưng đều nhận được câu trả lời giống nhau, cuối cùng đành bỏ cuộc trong tiếc nuối.

Hồi bé tôi khá ngang ngược, càng không cho đi, tôi lại càng muốn đi. Lượn lờ một lúc, thoắt cái tôi đã leo lên chặng bậc thang dài đằng đằng kia.

Toàn bộ ngôi làng được xây dựng trên núi, theo độ dốc hướng lên, trên đỉnh núi chỉ có duy nhất một công trình, đó chính là nơi ngôi đền tọa lạc.

Cổng đền mở toang, trong sân yên tĩnh, ngay cả một bóng người cũng chẳng thấy đâu, tôi do dự, sau đó nhấc chân bước vào đền.

Tôi tò mò nhìn khắp bốn phía rồi dạo quanh tòa kiến trúc đồ sộ, trong đầu đang phân biệt sự khác nhau giữa nó và chùa Kích Trúc thì bỗng nghe thấy tiếng quật nặng nề loáng thoáng bên tai.

"Bốp! Bốp!"

Âm thanh này rất kỳ lạ, tôi lẳng lặng lần theo tiếng động đi ra sân sau tìm. Vừa rẽ qua khúc ngoặt, tôi liền thấy hai bóng người đang một đứng một quỳ dưới gốc bách lớn ở đằng sân sau.

Người đàn ông đứng đó trông tầm hơn bốn mươi tuổi, ông mặc một bộ trường bào trắng, hai má gầy hóp lại, vẻ mặt hầm hầm phẫn nộ. Ông ta giơ cao cây roi mây thô dài trong tay, sau đó quất từng cú xuống tấm lưng cậu thiếu niên đang quỳ.

Cậu thiếu niên trạc tuổi tôi, nước da trắng ngần như tuyết, nhan sắc diễm lệ không giống người Hạ. Giữa mùa đông giá rét mà cậu ta chỉ mặc độc mỗi chiếc áo mỏng, cậu ta nhắm nghiền hai mắt, cắn răng chịu đựng trận đòn liên miên không ngớt, dù thái dương và chóp mũi đã đổ mồ hôi nhưng cậu ta vẫn không kêu than tiếng nào.

Mà cậu ta càng quật cường thì sắc mặt người đàn ông trung niên lại càng đanh lại. Ông ta hằn học chửi gì đó rồi lại quất xuống một roi thật nặng.

Cậu trai chúi xuống, hai tay chống đất, suýt nữa thì bị đánh cho ngã rạp xuống đất.

Một đứa trẻ sinh trưởng ở thành phố được tiếp thu nền giáo dục của thời đại mới, hành động theo tư tưởng bình đẳng tự do như tôi đã bao giờ chứng kiến cảnh tượng này? Tôi không kìm được mà hít vào một hơi, lùi giật ra sau một bước.

Cũng vào lúc này, cậu trai kia như cảm nhận được điều gì đó, đột nhiên ngước mắt lên nhìn về phía tôi.

Ánh mắt ấy có vẻ đau đớn khó nhịn nhưng lại cũng hung ác không gì sánh bằng. Cậu ta như một con sói non vô tình bị sập bẫy, tuy rơi vào thế bất lợi, thương tích nặng nề nhưng vẫn phải nhe nanh múa vuốt, tuyệt đối không cho phép kẻ khác được coi thường mình.

Tôi và đôi ngươi đen huyền ấy nhìn thẳng vào nhau, nháy mắt, tôi từ từ tỉnh dậy.

Xung quanh đâu còn là ngôi đền Tằng Lộc trang nghiêm thần bí? Rõ ràng là con xe bán tải cà tàng của Nghiêm Sơ Văn.

Đúng lúc tôi vẫn đang lờ đờ thì Nghiêm Sơ Văn chạy xe qua một cái ổ voi, chiếc xe bán tải nẩy lên, dù đã thắt seatbelt thì mông cũng rời khỏi ghế mất khoảng hai giây.

Bảo sao mơ thấy tàu lượn siêu tốc...

Lúc này tôi đã hoàn toàn tỉnh táo, lặng lẽ nắm chắc lấy tay vịn phía trên.

"Chẳng phải xàm chứ... giờ tao mà bật bản DJ siêu phẩm nào, mày có tin chẳng cần đứng dậy hai đứa mình cũng quẩy được theo nhạc đến hết bài không?" Tôi nhìn giờ, Nghiêm Sơ Văn bảo đi từ sân bay Sơn Nam đến Bằng Cát phải mất hai tiếng đồng hồ, mà giờ mới đi được nửa chặng, tôi không kìm được hỏi, "Chặng tiếp vẫn đi đường này à?"

Nghiêm Sơ Văn dành chút thời gian liếc sang tôi một cái: "Dậy rồi à? Chỗ nhỏ chỉ thế này thôi, chắc chắn không so được với Hải thành, nhưng thế này cũng đã là tốt lắm rồi. Mày nhớ lần bọn mình đến đây hồi còn nhỏ không? Tình trạng đường xá thậm chí còn tệ hơn, xe van xóc nguyên ngày, cả nửa xe bị ói."

Tôi nhìn rặng núi đá vàng xám nằm hai bên đường ở phía ngoài cửa sổ, trả lời bằng giọng ngái ngủ: "Quên rồi."

Nghiêm Sơ Văn cười cười rồi nói tiếp: "Trước tao bảo mày đến thì lúc mày kêu đau đầu, lúc lại kêu sắp ra nước ngoài. Tao còn tưởng hồi nhỏ đi xóc quá nên mày bị ám ảnh tâm lý, không thích chỗ này chứ, không ngờ mày lại đột ngột nói đến là đến như vậy."

Tôi im lặng suốt hồi lâu, không tiện nói cho nó biết nguyên nhân thật sự. Tôi chỉ bảo lâu lắm không được nghỉ ngơi nên tôi muốn dành cho bản thân một kỳ nghỉ dài hạn.

Nghiêm Sơ Văn là đứa mà đến tài khoản Weibo còn chẳng có chứ đừng nói gì là lướt video ngắn. Vì vậy nó dễ dàng tin tôi, không hỏi thêm bất kì câu hỏi nào nữa.

(*) Video ngắn là những video có độ dài ngắn, thường chứa nội dung giải trí, hài hước, nhảy múa, nhạc, và các hoạt động thú vị khác trên Douyin, Kuaishou, Bilibili, vv

Có rất ít chuyến bay từ Hải thành đến Sơn Nam, vì đặt vé gấp quá nên tôi chỉ book được chuyến lúc chín giờ sáng. Chuông báo sáu giờ mà tôi nhây nhớt đến tận sáu rưỡi mới chịu dậy, tôi rót cho mình một cốc Americano không đường rồi kéo vali ra sân bay. Sau đó ở trên máy bay, tôi bị cơn buồn ngủ nặng nề và lượng caffein trong máu đánh giáp công, tôi trằn trọc, cứ ngủ rồi lại tỉnh, không sao yên giấc nổi.

Đánh vật mãi cũng đến được Bằng Cát, Nghiêm Sơ Văn đỗ chiếc bán tải bên ngoài Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian, tôi xách vali của mình, chỉ muốn nhanh nhanh lên phòng nằm vật xuống ngủ. Khốn nỗi Nghiêm Sơ Văn nhiệt tình quá, bắt đầu từ tấm biển "Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian Tằng Lộc" ở cổng, đi đến đâu nó giải thích đến đó, tôi nghe mà mặt tái mét, đầu óc càng choáng váng hơn.

"Giờ ở đây có mỗi tao với một đứa đàn em, bọn tao thuê một thím trong làng nấu cơm ba bữa một ngày. Nơi này nhỏ, vật tư thiếu thốn, thức ăn cũng đơn giản, mày thông cảm nhé..."

(*) Đàn em của Nghiêm Sơ Văn là nữ.

Tường bao quanh sân là các khối đá xám xây chồng lên nhau, chỉ cao chừng một mét, trong góc có giàn leo để cây tử đằng to khỏe bò lên, tiếc là giờ đang đúng độ giữa đông, cây cối đã ngủ đông từ lâu nên chỉ thấy mỗi cành khô chứ không thấy lá.

Con cún lông vàng đang nằm sấp trong sân là do Quách Xu, đàn em của Nghiêm Sơ Văn ôm về. Cô ấy đến thăm nhà của người dân trong làng đúng lúc con chó mà nhà đó nuôi đẻ được một bầy cún con, con nào con nấy cũng núc ních đáng yêu. Dân làng thấy cô ấy thích thì nằng nặc tặng cô một con.

"Nó tên là Hai Đồng."

Nghiêm Sơ Văn chỉ vào con cún tai cụp lười biếng dưới ánh mặt trời, nói, "Ban đầu không phải tên này đâu, về sau khi nó lên ba tháng tuổi, có hôm nhân lúc bọn tao không chú ý, nó nhảy phốc lên bàn rồi nuốt luôn hai đồng xu Quách Xu để trên đấy, hại bọn tao phải kiểm tra phân của nó suốt hai ngày liền để xem nó có thải dị vật ra không. Từ đấy bọn tao đổi tên nó thành 'Hai Đồng' coi như bài học."

Vừa giới thiệu, Nghiêm Sơ Văn vừa dẫn tôi lên tầng hai, nó mở căn phòng nằm phía cuối ra bảo tôi đi vào.

"Mày nghỉ ngơi trước đi." Nghiêm Giơ Văn giơ tay nhìn đồng hồ rồi hỏi, "Lát muốn ra ngoài đi dạo không?"

Tôi vừa định từ chối khéo thì nghe nó nói tiếp: "Đền thờ cách đây không xa, nếu mày muốn đi thì chúng ta có thể đến đó."

Tôi mím môi, nuốt ngược lí do đã nghĩ xong trở lại.

"Ok, đợi tao năm phút."

Tôi cấp tốc rửa mặt bằng nước lạnh, nhìn gương rồi hất ngược tóc ra sau. Sửa soạn xong xuôi, tôi nhập hội với Nghiêm Sơ Văn ở dưới tầng rồi cùng đi bộ lên ngôi đền trên đỉnh núi.

Bằng Cát nằm trong núi sâu, lại còn là khu vực có độ cao chênh hẳn so với mực nước biển nên rét hơn nhiều so với Hải thành. Tuy đã quấn khăn quàng cổ và mặc áo phao dày cộp, thế nhưng phần da lộ ra bên ngoài vẫn đau nhức vì lạnh.

"Mày đến đúng lúc thật, qua mấy ngày nữa là đến Lễ Đông Phong, đây là lễ hội lớn thứ hai ở đây sau Lễ Lộc Vương đản sinh. Lễ hội cầu nguyện cho năm sau được mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Khi ấy trước đền sẽ có cháo thí, máy có thể đến chung vui."

"Ăn rồi có kéo dài được tuổi thọ hay tiêu trừ bách bệnh không?" Khói trắng tràn ra từ kẽ răng, tôi lạnh đến nỗi không nói năng lưu loát được.

"Không được, chỉ ăn lấy may thôi." Nghiêm Sơ Văn cười khẽ.

Hồi xưa giao thông ở Thố Nham Tung bất tiện, nghèo nàn bế tắc, trong châu có rất ít người Hạ, mấy năm gần đây, khi chính phủ đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng đường xá, nối mạng, phát triển du lịch, tuy người Hạ chạy tới đây vào mùa đông vẫn ít nhưng đã không còn khiến người Tằng Lộc kinh ngạc nhìn liếc nữa.

Hai cô gái trẻ mặc phục sức Tằng Lộc đen, đeo đủ loại trang sức chuỗi cườm trên ngực đi ngang qua chúng tôi. Hình như có quen biết với Nghiêm Sơ Văn nên khi đi ngang qua, họ còn mỉm cười gật đầu với nó.

Mùa đông rét mướt mà họ chỉ đội mỗi chiếc khăn trùm dày màu đen ở trên đầu, hai bên trái phải có thêm hai dải khăn dài quấn quanh cổ trông như khăn choàng hất rủ sau lưng, khi di chuyển, chiếc chuông bạc buộc ở góc khăn phát ra âm thanh đinh đang nho nhỏ.

"Chỉ vào những dịp trang trọng người Tằng Lộc mới mặc áo choàng đen hoặc đỏ sẫm. Cái họ trùm trên đầu là khăn nỉ, dùng để giữ ấm che nắng, chỉ đội vào mùa đông." Nghiêm Sơ Văn chủ động giải thích cho tôi, "Loại áo choàng này được điểm sắc với những sọc màu nhỏ mảnh ở trên tay áo, vạt áo và gấu áo, chín màu tượng trưng cho chín màu của Cửu Sắc Lộc."

"Thắt lưng tách biệt với quần áo, có thể kết hợp ngẫu nhiên. Tao từng thấy một chiếc thắt lưng thổ cẩm được khảm mã não, sáp ong và san hô, lúc cầm lên tao không dám nhìn gần, sợ thở mạnh làm nó bị xước."

Giống như nhiều tộc người thiểu số khác, tộc Tằng Lộc cũng có tín ngưỡng của riêng mình. Họ tôn thờ Sơn thần của núi tuyết Thương Lan, Cửu Sắc Lộc có khả năng cứu rỗi bá tánh trong cơn khốn cùng.

Tôi ngẩng đầu nhìn thẳng về phía trước, dưới ánh mặt trời, mái vàng của đền Lộc Vương trông vô cùng rực rỡ.

"Họ ăn mặc trang trọng như vậy là vì muốn đến đền à?"

Nghiêm Sơ Văn gật đầu đáp: "Đa số là thế."

Tôi cúi đầu nhìn qua tổng thể trang phục kết hợp giữa áo phao và quần jeans của mình, nghĩ bụng mình quá xuề xòa.

Từ Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian lên đền tuy chỉ vài trăm mét nhưng lại có cả nghìn bậc thang. Vì đã mệt lại chưa quen với chênh lệch độ cao nên tôi cứ đi rồi lại dừng lại, đến khi lên đỉnh núi, tim tôi đập nhanh đến nỗi như sắp nhảy ra khỏi cổ họng.

"Không sao chứ?" Nghiêm Sơ Văn trông yếu ớt nhưng thể lực lại đáng kinh ngạc. Lúc này nó tĩnh tâm bình thản, trông như vẫn có thể tham gia ngay tiếp một cuộc chạy marathon.

Tôi chống gối nghỉ một lúc, nới nhẹ khăn quàng cổ ra.

"Không sao, dù gì... hai năm nay tao đi bộ với leo núi cũng nhiều."

"Còn hơi xa." Nghiêm Sơ Văn nhìn lên ngôi đền, nói bằng giọng ngậm ngùi xúc động, "Loáng cái đã bao nhiêu năm kể từ lúc chúng ta tốt nghiệp đại học, Bách Dận, mày biết chưa nhỉ, giờ ngôn quan của Tằng Lộc là Ma Xuyên đấy."

Tôi khựng lại, giữ nguyên ở tư thế chống gối nhìn nó, không lên tiếng, chờ nó nói hết.

"Ma Xuyên là tên tục của cậu ấy, giờ chúng ta không được gọi nữa mà phải gọi cậu ấy là 'Tần Già' giống như những người khác, mày nhớ đấy." Nghiêm Sơ Văn nghiêm túc dặn dò.

Ca Lăng Tần Già, tương truyền là Diệu Âm Điểu của Phật Quốc, tiếng hót trong trẻo tuyệt vời, không ai sánh được. Mà ở tộc Tằng Lộc, Diệu Âm Điểu này đã trở thành chim truyền âm, được giao cho chức trách của "ngôn quan", phải phụng dưỡng thần linh suốt đời, truyền đạt lời cầu nguyện đến Sơn thần thay người trong tộc.

Tôi giật giật khóe môi, đứng thẳng dậy đáp: "Nhớ rồi."

Chúng tôi cùng nhau đi vào, vừa lia mắt cái đã trông thấy một cặp nam nữ đứng dưới bậc tam cấp trước chính điện. Họ hẳn là một đôi vợ chồng trẻ, cả hai mặc áo choàng đỏ sẫm giống hai cô gái bãn nãy, một người đang ôm đứa trẻ quấn tã trên tay.

Khi người mẹ giơ đứa trẻ lên rồi cẩn thận cho trao người đứng trên thềm, tầm mắt tôi cũng theo đó mà di chuyển theo.

Trường bào xẻ hai tà màu trắng bạc, dải khăn thêu họa tiết giọt mưa chín màu trên vai khẽ đung đưa theo gió, vướng vào góc khăn nỉ rủ đằng sau lưng khiến chiếc chuông phát ra tiếng lanh lảnh vui tai. Có lẽ do dùng chất liệu khác nên tôi cảm thấy tiếng chuông này nghe trong trẻo hơn một chút so với tiếng chuông của hai cô gái Tằng Lộc lúc nãy.

Áo bào trắng tinh tươm không tì vết, thậm chí còn hơi chói mắt khi nhìn lâu dưới ánh mặt trời. Người nọ duỗi đôi tay hoàn mỹ giống như bộ bào trắng ra ôm lấy đứa bé, khuôn mặt bị tấm khăn nỉ che kín cúi xuống, thì thầm với đứa trẻ trong lòng một lúc rồi chầm chậm cúi người, hôn lên trán đứa trẻ.

"Đang ban phước cho trẻ sơ sinh." Nghiêm Sơ Văn toan đi về phía trước nhưng bị tôi túm chặt lại, chỉ đứng yên chờ đợi ở đằng xa.

Không lâu sau, người đàn ông mặc áo bào trắng trả đứa bé lại cho người mẹ, nháng thấy hai đứa tôi đang đứng nép một bên qua khóe mắt, cậu ta quay đầu sang nhìn.

Suốt nhiều năm qua, vì lý do công việc mà tôi đã tham gia không ít các sự kiện thời trang và bữa tiệc của người nổi tiếng. Tôi từng gặp rất nhiều người có vẻ ngoài nổi trội, trong đó không thiếu những người đẹp nóng bỏng bậc nhất của làng giải trí, nhưng tất cả đều không thể gây rung động bằng khuôn mặt ngay trước mắt này.

Bất cứ ai nhìn thấy gương mặt phía dưới tấm khăn nỉ cũng sẽ kinh ngạc thốt lên trước vẻ đẹp mĩ lệ của đối phương.

Một phần của vẻ đẹp vượt giới tính này đến từ ngoại hình của cậu ta, một phần nữa đến từ nét "thần tính" vi diệu trên người cậu ta."

Đáng nhẽ da trắng tông lạnh kết hợp với đường nét ngũ quan kiều diễm tuyệt đỉnh thì phải trông lẳng lơ và quyến rũ hơn, thế nhưng nét đẹp này lại bị khí chất cấm dục, thận trọng của cậu ta trung hòa thành vẻ thánh khiết không thể khinh nhờn, giống như một đóa... mẫu đơn nở bung trên núi tuyết. Không phải thần linh thì không được chạm, không phải thánh nhân chớ tới gần.

Nhìn thấy Nghiêm Sơ Văn, vẻ mặt "mẫu đơn núi tuyết" không có gì thay đổi, nhưng khi ánh mắt chuyển hướng đến tôi, cậu ta chững lại một chút, cau mày khẽ gần như không thể nhận ra.

Vật đổi sao dời, thời thế biến chuyển. Sau bảy năm dạo quanh thế giới và trở về, mọi thứ đều thay đổi, nhưng điều duy nhất chưa từng biến hóa, dường như chỉ có sự chán ghét mà vị thần tử của tộc Tằng Lộc này dành cho tôi.

"Hi! Lâu rồi không gặp." Tôi vẫy tay, chào hỏi cậu ta một cách tự nhiên.

Cậu ta không đáp lại, hờ hững thu lại tầm mắt rồi mỉm cười nói gì đó với tộc nhân trước mặt, sau khi hai vợ chồng quay người rời đi, cậu ta mới bước xuống bậc, đi về phía tôi và Nghiêm Sơ Văn.



Tác giả có lời muốn nói: Hương Nghiêm đánh tre là một điển tích Phật giáo kể về câu chuyện của thiền sư Trí Nhàn của chùa Hương Nghiêm chợt ngộ đạo sau khi lượm hòn đá ném vào cây tre.