Ma Xuyên đưa cho tôi một bộ quần áo bình thường, trên vải có mùi gỗ rất thơm như thể vừa được lấy ra từ trong hộp gỗ long não.
Vì cậu ta cao hơn tôi, ống quần dài hơn cả đoạn nên tôi đành phải xắn lên một ít. Tương tự, cái áo len cũng rộng thùng thình, cổ áo hơi to nhưng cũng may là bên ngoài còn có áo khoác che lại.
Ngoài quần áo, cậu ta còn mang cho tôi một chiếc khăn và một đôi tất, cả hai đều mới tinh, thậm chí còn chưa tháo bọc.
Ngoài quần lót ra, những thứ có thể cung cấp cậu ta đều cung cấp, suy nghĩ thật sự rất chu đáo.
Thay đồ xong, tôi cho quần áo bẩn vào túi rồi rời khỏi phòng tắm trong cái lạnh buốt giá.
Bữa ăn hàng ngày của Tần Già là các món chay do dân làng dưới núi thay phiên nhau chuẩn bị, khi Lê Ương về sẽ có thêm một phần cơm canh, bốn người ăn thì đồ ăn chỉ tạm đủ, còn cơm thì hơi thiếu. Nghiêm Sơ Văn dứt khoát nấu thêm cơm rồi đấu thêm hai bát cơm được mang đến vào cùng, làm món cơm rang trứng nấm truffle thơm phức.
Thường ngày Ma Xuyên toàn ăn cơm một mình trên chính điện, còn Lê Ương ăn ở nhà nhỏ, hôm nay đông người nên quyết định ăn ở nhà nhỏ luôn.
Đồ đạc trang trí trong nhà nhỏ mang đậm các nét đặc trưng của dân tộc Tằng Lộc, ghế sô pha rộng rãi hình chữ "L" trải kín chăn lông cừu màu sắc sặc sỡ, bàn trà liền với lò sưởi, một ống khói dẫn thẳng lên mái nhà. Trên bức tường cạnh cầu thang treo ảnh và bài vị của các ngôn quan tiền nhiệm, ở dưới thắp đèn bơ, thờ cúng hoa quả quanh năm.
"Nhìn bát mình đi, đừng nhìn ta." Chúng tôi đang ngồi quây bên bàn trà ăn cơm thì Ma Xuyên đột nhiên lên tiếng.
Mọi người trên bàn đồng thời dừng đũa, nhìn về phía cậu ta, tôi vô thức nhướn mày, đang định vặc lại rằng ai nhìn cậu ta thì nghe thấy Lê Ương ở bên cạnh bảo: "Con chỉ vui thôi, hôm nay Tần Già ăn rất nhiều."
Người khác mùa hè mới chán ăn, sao mùa đông vẫn có người ăn không vào nhỉ?
Nhõng nhà nhõng nhẽo, khó nuôi hơn cả cá koi trong ao của Bách Tề Phong.
"Mỗi lần đi biển Ba Từ về, Tần Gia đều bị chán ăn mất mấy ngày. Thật ra con cũng phụ giúp được, nhưng chẳng bao giờ Tần Già đưa con đi." Ma Xuyên chưa kịp nói gì mà Lê Ương đã nhanh nhảu trả lời thay, khuôn mặt nhỏ nhắn bạnh ra, trông già dặn lạ thường.
"Biển Ba Từ?" Nghiêm Sơ Văn đẩy kính lên bằng ngón trỏ, "Có ai qua đời à?"
Nét mặt Ma Xuyên vẫn như thường, nuốt hết thức ăn trong miệng mới đáp: "Ăn cơm không nói mấy chuyện này." Cậu ta gắp một miếng khoai tây cho Lê Ương, điềm đạm nói, "Khi nào cho con đi được thì sẽ cho con đi, nhưng không phải bây giờ."
Lê Ương bĩu môi, trông có vẻ không phục lắm, nhưng nói chung thằng bé cũng không dám ngỗ ngược với Ma Xuyên trước mặt mọi người, nó chỉ nhỏ giọng đáp "vâng" một tiếng rồi ngoan ngoãn vùi đầu ăn cơm.
Cơm nước xong xuôi, tôi thu dọn bát đũa giúp Nghiêm Sơ Văn, nhân lúc trong bếp chỉ có hai người, tôi đưa ra thắc mắc mà suốt từ nãy mình đã giữ trong lòng.
"Biển Ba Từ sao thế? Cậu ta đi có một lần mà đến tới mức chẳng tha thiết ăn cơm gì luôn ư?"
Nghiêm Sơ Văn ngớ người mất một lúc mới ngỡ ra "cậu ta" mà tôi đang nhắc đến là ai, vừa cất cái bát trong tay vào tủ, nó vừa nói: "Ở tộc Tằng Lộc, nếu không phải đi chăn thả, phần lớn họ chỉ ra biển Ba Từ khi người thân mất. Còn Tần Già, bất cứ khi nào có người qua đời, cậu ấy đều phải ra biển Ba Từ để chủ trì tang lễ..."
Biển Ba Từ là hồ thánh của tộc Tằng Lộc, người Tằng Lộc coi nước là sự tồn tại thuần khiết nhất giữa đất trời, sau khi chết đi, con người hòa vào nước, hóa thành nước, quay về với thiên nhiên, được coi như một loại công đức và cũng là một kiểu luân hồi sinh mệnh."
"Phương thức mai táng bằng thủy táng này không chỉ có mỗi ở tộc Tằng Lộc mà nó còn được áp dụng ở các dân tộc và vùng quốc gia khác. Thông thường sẽ có người hộ tang chuyên trách xử lý thi hài, đặt người chết vào nước cho trôi đi hoặc dùng dao, rìu chặt rời xác rồi ném từng phần xuống nước." Khi nói những điều này, trông Nghiêm Sơ Văn như chỉ đang nói cơm tối hôm nay có hơi mặn, nét mặt thản nhiên, bình thường như không, "Cách thủy táng của tộc Tằng Lộc là cách đằng sau."
Trước khi kịp phản ứng, đại não tôi đã bắt đầu tưởng tượng một cách mất kiểm soát trước ý thức, ngay sau đó, toàn bộ tóc gáy dựng đứng cả lên.
Tôi chỉ nghĩ "máu thịt xương tủy của người chết" mà Niết Bằng nói là một kiểu... diễn đạt phóng đại, không ngờ nó thật sự là máu thịt xương tủy, gồm cả da gân các kiểu.
Nghiêm Sơ Văn nói, có những nhà kĩ tính, xương cốt còn phải nghiền nát ra, đôi khi máu loãng sẽ rỉ ra khỏi túi, thấm xuống đáy thuyền, nhuộm bẩn áo choàng và ủng của Tần Già.
Thứ mùi đó không nhạt đi qua các năm, có chà giặt thế nào cũng không sạch, mùa đông còn đỡ, chứ mùa hè thì thật sự không chịu nổi.
Nghiêm Sơ Văn còn nói, thổi tù là một cách tiễn biệt với linh hồn của người đã khuất, đồng thời cũng là cách để nói cho lũ cá dưới nước biết: Họ đã dọn cơm. Những con cá đó sẽ kết bè kéo phái đến bâu quanh thân thuyền, tranh giành rượt đuổi. Những gợn sóng đỏ ở giữa hồ sẽ từ từ lan rộng, chỉ sau mười mấy phút, mọi thứ sẽ êm ả trở lại, người trên bờ hoàn toàn không biết gì về điều này.
"Dù biết những người đã khuất này đã có chốn về tốt hơn, thế nhưng nghi lễ đẫm máu như vậy thật sự không phải nói quen là có thể quen được. Ây da, sao tự dưng tao lại đau bụng thế nhờ? Tao đi vệ sinh đây, mày về trước đi, không phải đợi tao đâu." Vừa nói, Nghiêm Sơ Văn vừa ôm bụng chạy ra khỏi phòng bếp.
Bất ngờ được phổ cập kiến thức kinh dị như vậy nên tôi thấy hơi khó tiêu, sau khi ra khỏi phòng bếp, tôi không quay về nhà nhỏ nữa mà châm một điếu thuốc, chậm rãi đến chỗ cây bách lớn trong góc đền.
Tuy là mùa đông, nhưng giờ đang giữa trưa, ánh nắng chan hòa nên ngoài trời cũng không lạnh.
Thảo nào cậu ta không cho Lê Ương giúp đỡ, quả thật chẳng hay ho gì khi để trẻ con can dự vào chuyện này.
Cậu ta che chở cho Lê Ương giống như một người cha thật sự đang bảo vệ cho sự trong sáng, hồn nhiên của con nhỏ, để thằng bé không phải tiếp xúc quá sớm với những thứ đen tối này, phải chăng cũng là một cách... bù đắp cho tuổi thơ của bản thân?
Tôi ngước nhìn cây đại thụ cành lá xum xuê, ký ức quay lại năm mình mười một tuổi.
Kỳ nghỉ đông năm đó, tôi theo cha con Nghiêm Sơ Văn đến làng Bằng Cát, sau khi chứng kiến cảnh bạo hành trong đền, tôi sợ đến mức chạy tuốt về đội mà không dám quay lại nhìn. Ai ngờ về đến nơi thì hay tin giáo sư Nghiêm thấy phong tục văn hóa ở Bằng Cát rất đáng để khai thác nên quyết định ở lại thêm một hôm.
Buổi tối tôi nằm trên giường, trằn trọc mãi vẫn không ngủ được, trong đầu cứ hiện lên cảnh tượng mình nhìn thấy lúc ban ngày — người đàn ông nổi cơn thịnh nộ, cậu thiếu niên bị đánh, và cả... ánh mắt quật cường khi cậu ta ngẩng đầu lên nhìn sang.
Năm mười một tuổi nghĩ gì, có đôi khi trưởng thành nhìn lại, chính tôi cũng không hiểu nổi mình. Dù sao cũng đã sang ngày mới, trời vừa hửng sáng, nhân lúc người khác chưa tỉnh, tôi lén mặc quần áo rồi lại lên đền một mình.
Cổng đền mở mà cửa chính điện cũng mở toang, thế nhưng bên trong lại im lìm, không có lấy một tiếng động. Tôi vòng qua chính điện, đi thẳng ra sau, rất nhanh đã đến chỗ cây bách kia.
Đương nhiên, không thể nào mà cậu trai vẫn còn ở đó được, cả dưới đất lẫn trên cây đều không có lấy một dấu vết, như thể cảnh tượng ngày hôm qua mà tôi nhìn thấy chỉ là ảo giác.
Tôi sút viên sỏi dưới đất đánh "phiu" một tiếng, đập vào cánh cửa của kho củi bên cạnh.
Bản thân kho củi kia đã lụp xụp tồi tàn, tường ngoài mọc đầy rêu xanh, cửa thì lung lay chực đổ, phía dưới vỡ cả một mảng to.
Tôi bước tới, cúi xuống định nhặt viên sỏi lên, đầu ngón tay vừa chạm vào sỏi thì từ bên trong cửa bất ngờ thò ra một cái tay, túm chặt lấy cổ tay tôi.
Bàn tay kia trắng nõn, tạo ra vẻ đẹp hư ảo trong bóng tối, đã thế còn chẳng có chút ấm nào.
Khi quá kinh hãi, con người căn bản không kêu nổi thành tiếng, tôi trợn trừng mắt, cuống quýt hất cái tay kia ra, ngã bệt mông xuống cũng không gây ra tiếng động.
Lúc ấy tôi mới mười một tuổi, thậm chí còn chưa phải một người theo chủ nghĩa duy vật kiên định, tôi chỉ nghĩ mình gặp phải ma giữa ban ngày nên nuốt khan, sau đó vừa lăn vừa bò để trốn.
"Đừng đi!"
Tôi bò được nửa đường thì giật mình.
Sao con ma này... lại nói tiếng phổ thông nhỉ?
Tôi vừa sợ vừa nghi quay lại nhìn, cái tay ở cửa đã biến mất: "Cậu là người hay ma?"
Cánh cửa rung lên hai phát, một đoạn vạt áo thò ra ở bên dưới, hình như có người đang ngồi tựa vào cửa.
"Người." Cậu bé đằng sau cánh cửa nói.
Vừa nghe bảo là người, tôi liền thở phào một hơi nhẹ nhõm rồi mệt mỏi ngồi phịch xuống đất, không kìm nổi mà trách cứ: "Sao cậu lại cố tình trốn trong đó để hù người ta?"
"Tôi bị nhốt không ra được chứ không phải là cố tình trốn trong này để hù dọa cậu."
Nghe cậu ta nói vậy, lúc này tôi mới nhận ra trên cửa có một cái ổ khóa to.
Rốt cuộc đây là nơi quái nào mà lại vừa đánh đập, vừa giam nhốt người ta, có còn pháp luật không thế?
Tôi nhìn quanh bốn phía, phát hiện ra cục đá to bằng cỡ nắm đấm nằm dưới đất cách đây không xa.
"Đợi nhé, tôi sẽ cứu cậu ra." Tôi giơ cục đá lên định phá ổ khóa, nhưng vừa nâng lên, người bên trong đã ngăn tôi lại.
"Không, không cần cứu tôi, là ba... ba tôi nhốt tôi lại."
Tôi ôm cục đá, cau mày hỏi: "Sao ba cậu lại nhốt cậu?"
Giọng nói phía sau cửa im bặt, một lúc sau mới lên tiếng: "Ông ấy nghĩ tôi đã làm sai."
Cứ tưởng là vụ án bắt cóc nào ở vùng núi sâu, nhưng nếu là chuyện riêng trong nhà thì tốt hơn hết là không can thiệp.
Tôi quẳng cục đá đi rồi ngồi xổm xuống, nói chuyện với người bên trong qua tấm ván cửa: "Cậu làm gì sai?"
Lần này, đối phương im lặng lâu hơn.
Thấy mãi mà cậu ta chẳng trả lời, tôi vừa định bảo thôi thì giọng nói trầm khàn của thiếu niên vọng ra từ bên trong: "Chị tôi... bị một gã xấu xa bắt nạt. Tôi muốn tìm ra gã đó giúp chị, ra mặt bảo vệ chị ấy, nhưng từ nhỏ tôi đã được ẵm đến cho người ba nuôi hiện tại, ông ấy nghĩ tôi nên cắt đứt với những liên hệ trong quá khứ, không nên coi chị gái là người thân nữa."
Rắc rối thật ấy. Tôi ngẫm một hồi, cố gắng sắp xếp cho rõ mối quan hệ của họ.
"Ba cậu là ba cậu, cậu là cậu, dựa vào đâu mà ông ta đòi can dự vào cuộc sống của cậu? Đi trên đường gặp một cô gái không quen biết bị ức hiếp thì cậu cũng có thể ra mặt giúp cô ấy, sao đổi sang chị gái lại không giúp được?"
Khi đó Bách Tề Phong đã ly hôn với mẹ tôi, đứa con gái sinh ra từ cuộc hôn nhân thứ hai cũng đã biết đi biết nhảy luôn chân, trong lòng tôi tràn đầy oán hận với ông ta, vai trò "người cha" này với tôi thậm chí còn chẳng quan trọng bằng con chó nhà Nghiêm Sơ Văn nuôi.
"Đừng nghe ba cậu, cậu thích thế nào thì làm thế ấy. Thằng sống chó sẽ bị người đời trừng phạt, cậu không sai." Tôi nói chắc nịch.
(*) Bắt nguồn từ câu "Công khai làm ác sẽ bị người đời trừng phạt; lén lút làm ác sẽ bị quỷ thần trừng phạt" của Trang Tử.
"... Cậu là người đầu tiên nói với tôi như vậy." Cậu ta nói như đang cảm thán, lại như là đã nghĩ thông suốt.
Cánh cửa lay lay, một chốc sau, lại có một cánh tay thò ra tiếp từ dưới cánh cửa. Điểm khác biệt là lần này cậu ta đang nắm chặt một vật màu vàng sáng lấp lánh trong tay.
"Cậu làm giúp tôi một việc được không? Cậu đưa chiếc vòng cổ này cho chị gái tôi giùm tôi với, cậu bảo chị ấy bán vòng cổ lấy tiền rồi kêu chị ấy đừng lo, cho dù không ai giúp đỡ chị thì tôi vẫn sẽ giúp." Trong ngữ khí của thiếu niên không hề có một chút chần chừ do dự nào.
Hoan hỉ giúp đỡ người khác là một đức tính tốt, chưa kể lúc đó tôi đã đoán ra được tên nhóc phía sau cửa là cậu thiếu niên hôm trước bị đánh dưới gốc cây.
Tôi nhận lấy chiếc vòng cổ trong tay cậu ta, ngắm nghía, đó là sợi dây chuyền làm bằng vàng ròng, mặt dây là chiếc hộp vàng hình lục giác, to bằng nửa bàn tay, khảm đầy đá ngọc lam và san hô.
Từ khi còn trẻ, bà ngoại tôi đã thích sưu tầm đủ loại trang sức đá quý, bà đổi vòng cổ và khuyên tai mỗi ngày, có thể đeo trong hai tháng mà không bị trùng, Tôi nhớ trong bộ sưu tập của bà cũng có một chiếc vòng cổ thế này, chiếc hộp vàng chạm rỗng có thể mở ra được, bên trong là một mảnh giấy nhỏ in đầy kinh văn, ngoại bảo đó là bùa hộ mệnh, bà phải chi ra một số tiền lớn mới xin được nó, rất quý báu.
Tôi lượng ang áng chiếc vòng cổ trên tay, nó nặng hơn chiếc vòng của bà ngoại một chút nên chắc cũng đắt hơn.
"Chị cậu sống ở đâu?" Tôi hỏi.
Đối phương cân nhắc lời nói, sau đó chỉ cho tôi đường đến nhà chị gái bằng cách đơn giản và dễ nhớ nhớ.
Tôi học thuộc lòng, cất chiếc vòng cổ vào túi.
"Cậu cứ thế mà tin tưởng tôi ư? Nhỡ tôi cầm đồ chạy mất thì sao?"
Trên cánh cửa gỗ tàn tạ chắp vá vài khe hở lớn nhỏ, tôi thử dòm qua khe để nhìn người trong kho chứa củi, nhưng chỉ có thể nhìn thấy một khoảng tối om.
"Sơn thần dẫn cậu tới đây nhất định là có lý do của Người." Thiếu niên nói.
Tôi bĩu môi, không kìm được là lẩm bẩm trong lòng: Liên quan đếch gì tới Sơn thần? Đây tự tới đấy!
"Thế tôi đi đây, chờ tin tốt của tôi nhé." Nói xong, tôi đứng dậy, phủi đất trên ống quần, sau đó quay người, lại lén lút rời đi theo con đường cũ.