Lời Mị Hoặc

Chương 12: "Không cảm ơn à?"



Theo địa chỉ mà cậu trai đưa, tôi đi đến một khoảng sân nhỏ tồi tàn nghèo túng. Phía sau hàng rào ọp ẹp có mà như không là hai gian nhà gạch một lớn một nhỏ thấp tẹt. Bên ngoài sáng sủa nhưng trong nhà lại tối tăm lạnh lẽo.

"Chị Bạch Trân ơi?" Tôi đứng ngoài cửa, gọi vọng vào căn nhà tối om, nhưng tiếng đáp lại lại đến từ đằng sau gian nhà nhỏ hơn.

Ống khói trên mái nhà bốc lượn lờ khói trắng, chắc là phòng bếp. Lúc tôi qua đó, người bên trong cũng vừa lúc đi ra.

Chẳng biết đối phương đã tròn hai mươi tuổi hay chưa mà trông vô cùng xinh đẹp, đường nét khuôn mặt sắc sảo, lông mi rậm, trên đôi vai gầy còn buộc một cái địu vải, một cậu nhóc tầm một tuổi đang nằm sấp trên vai chị ngủ ngon lành.

Hình như chị ấy đang nấu cơm, trên tay cầm một cái thìa dài, trông thấy tôi, chị ngạc nhiên dừng bước: "Em... em tìm chị à?"

Tiếng Hạ của chị ấy ổn một cách bất ngờ, thậm chí còn tốt hơn cả hướng dẫn viên của chúng tôi.

"Em trai chị bảo em tới." Tôi lấy chiếc vòng cổ ở trong túi ra, ngẫm ngợi một chút rồi lại rút thêm hai trăm tệ duy nhất mà mình có ra gộp cùng.

Bản thân chị gái này trông đã giống trẻ con rồi mà còn phải đèo bòng thêm một đứa trẻ, sống trong căn nhà tưởng chừng như có thể sụp đổ bất cứ lúc nào này, thật sự rất đáng thương.

"Em trai ư?" Chị thẩn thơ lặp lại, nét mặt rất lạ lùng, giống như đang kinh hãi, lại như đang thấy xa lạ với xưng hô này.

"Cậu ấy dặn chị bán cái vòng cổ lấy tiền, hai trăm này cũng là cậu ấy cho chị. Cậu ấy còn bảo em nhắn với chị rằng chị đừng lo, cho dù không ai giúp chị thì cậu ấy cũng vẫn sẽ giúp."

Tôi còn chưa nói xong mà nước mắt chị đã chảy giàn giụa. Chị ấy rất đẹp, ngay cả khi khóc cũng mang theo cảm giác tan vỡ rung động lòng người.

Vừa khóc, chị vừa đẩy chiếc vòng cổ với tiền trong tay, cố trả chúng lại cho tôi: "Chị không thể... không thể xin đồ của em ấy được, em ấy sẽ bị Tần Già phạt mất..."

Lúc ấy tôi không biết "Tần Già" là cách gọi tôn kính mà họ dành cho ngôn quan, chỉ nghĩ cha nuôi của thiếu niên tên là Tần Già.

"Bị phạt rồi, chị đừng để bị phạt vô ích." Tôi né trái né phải, lùi từng bước về sau, "Đồ đã mang đến, lời cũng đã nói rồi, vậy em đi nhé ạ!" Dứt lời, tôi quay người, chạy ào ra khỏi sân nhanh như chớp, Bạch Trân ở đằng sau vẫn gọi không ngừng.

Để tránh cho việc nhóm giáo sư Nghiêm thức dậy không tìm thấy, tôi đã quay về nơi tá túc trước.

"Mày đi đâu thế Bách Dận? Tao đang tìm mày đấy!" Thấy tôi bước vào, Nghiêm Sơ Văn cầm đũa, giơ bánh bao lên đón.

"Ra ngoài đi dạo." Tôi không nói nhiều mà ngồi thẳng xuống bàn, bốc bánh bao trên đĩa lên nhét vào miệng.

Bánh bao nhân rau vẫn rất ngon.

"Ăn từ từ thôi." Giáo sư Nghiêm đặt cốc sữa nóng đến trước mặt tôi, nói, "Lát bọn chú định đi thăm đền Lộc Vương, Sơ Văn cũng đi cùng bọn chú, con đi không? Nếu con không đi thì ở lại đây chờ bọn chú về nhé."

"Chẳng phải không cho lên ư? Sao lại được đi thế ạ?"

Giáo sư Nghiêm cười hì hì: "Tạo quan hệ tí."

Thời buổi này đúng là chỗ nào cũng phải có quan hệ.

Tôi gật đầu, tỏ ý muốn đi cùng họ.

Ăn sáng xong, tôi thấy trên đĩa còn nhiều bánh bao nên bọc vào khăn giấy, lén nhét vào trong túi.

Hướng dẫn viên hôm trước dẫn chúng tôi đi tham quan làng lại tiếp dẫn chúng tôi lên đền Lộc Vương, cả nhóm leo lên đỉnh núi, người đàn ông đứng ở cổng đón chúng tôi mặc đồ trắng toát, gương mặt gầy gò, đúng là người đàn ông trung niên hôm qua đánh người.

Vừa mở miệng, hướng dẫn viên đã gọi ông là "Tần Già", thái độ vô cùng cung kính, ban đầu tôi vẫn chưa chắc lắm, thế nhưng điều này hoàn toàn chứng thực cho thân phận ông ta là cha nuôi của cậu thiếu niên.

Nhóm giáo sư Nghiêm đang bận nói chuyện với người đàn ông trung niên, ngay cả Nghiêm Sơ Văn cũng mong ngóng đi theo vào trong đền, xung quanh không ai nhìn nên tôi lẻn đến kho chứa củi một mình.

Dưới bóng cây, gian chứa củi với bức tường ngoài phủ đầy dây leo khô héo trông vừa tiêu điều vừa tan hoang. Chưa kể đến tấm ván cửa lung lay chực đổ, chỉ riêng bức tường thôi, tôi cảm thấy chỉ cần một sút là nó đã có thể vỡ tan tành.

"Cho này." Tôi đặt cái bánh bao ở chỗ dưới cửa.

Mất một lúc lâu sau, cái bánh bao còn ấm mới được lấy đi, lại qua thêm một chốc nữa, bên trong vọng ra thỏ thẻ một tiếng "cảm ơn".

"Tôi chuyển cả lời nhắn với đồ rồi, cậu yên tâm đi."

Tôi có thể nghe thoáng thấy cậu trai phía trong cửa thở hắt ra một hơi dài như trút bỏ được gánh nặng nào đó ở bên trong lòng.

"Cảm ơn." Cậu ta cảm ơn tôi lần nữa, giọng rõ ràng và kiên định hơn.

Tôi bất giác nhoẻn cười, nạy nạy viên sỏi dưới chân, đáp: "Chuyện nhỏ ấy mà."

Sau đó, một cuộc trò chuyện xàm xí bắt đầu.

"Sao tiếng Hạ của cậu tốt thế."

"Trường dạy."

"Ba cậu thường xuyên đánh cậu à?"

"Khi làm sai sẽ đánh."

"Cậu nhận ra cái người hôm qua là tôi à?"

"Ừ, nhận ra từ cái nhìn đầu tiên."

"Đủ ăn không? Không đủ thì tôi lấy thêm cho cậu ít bánh quy."

"Đủ rồi, không cần..."

Chuyện trò mãi một hồi cũng đã gần đến trưa, tiếng người vọng tới từ cổng đền, cuối cùng nhóm giáo sư Nghiêm cũng phải đi.

Tôi sục sạo túi quần, lấy ra một viên kẹo bơ cứng, nắm trong tay, luồn vào từ dưới cửa.

"Cho cậu kẹo này. Ăn nhiều kẹo tâm trạng sẽ khá hơn, vết thương cũng không còn đau nữa." Nói rồi, tôi xòe lòng bàn tay ra, đợi cậu ta lấy kẹo.

Giống như loài động vật vừa thận trọng lại vừa nhạy cảm, đầu ngón tay lành lạnh chạm vào lòng bàn tay, cậu ta không lấy kẹo ngay lập tức mà lần chần hai giây rồi mới dè dặt cầm kẹo đi.

"Lòng bàn tay cậu..."

Ngón tay cái ấn ấn lòng bàn tay hơi ngứa, tôi nhìn vết sẹo đỏ ở lòng bàn tay, giải thích: "Hồi bé bị ngã, vết thương lành rồi nhưng sẹo không hết. Sợ à, tưởng tôi bị cắt rách tay chứ gì?"

Tôi đứng dậy, phóng mắt ra xa: "Được rồi, tôi đi đây, tạm biệt!"

"Tên cậu là gì?" Cậu trai gọi giật tôi lại.

Lưỡng lự một lát, tôi dùng mạch não mà hiện tại tôi hoàn toàn không hiểu, cười tươi rói đáp: "Gọi tôi là 'Lôi Phong' là được."

Cậu trai ở phía sau cửa im lặng không nói gì, không hiểu là do bị tôi làm cho sửng sốt hay là vốn không biết Lôi Phong là ai.

Chiều đó tôi rời khỏi Bằng Cát, theo nhóm giáo sư Nghiêm đến khảo sát ngôi làng tiếp theo.

Đây chỉ là một chuyện ngoài lề trong cuộc đời tôi, trong những năm sau đó, dù rất hiếm khi nhưng thật ra tôi vẫn nhớ đến cậu thiếu niên người Tằng Lộc kia. Nhưng thứ nhất là tôi và cậu ta chỉ mới gặp nhau một lần, thứ hai là Bằng Cát cách thủ đô cả ngàn dặm, ai mà ngờ được rằng cậu ta lại thi vào cùng một trường và tôi, đã thế còn trở thành bạn cùng phòng của Nghiêm Sơ Văn nữa?

Tôi nhớ khi mình biết chuyện Ma Xuyên là ngôn quan đời kế tiếp của tộc Tằng Lộc từ chỗ Nghiêm Sơ Văn, đã vậy cậu ta còn có khả năng là "cô bé Lọ Lem" bị nhốt trong kho củi vào nhiều năm trước, lúc đó đã là kỳ nghỉ đông đại học năm nhất.

Trong kỳ nghỉ, tôi được dì Uyển mời đến nhà ăn cơm, đang dùng bữa, giáo sư Nghiêm đột nhiên hỏi Nghiêm Sơ Văn xem tiểu ngôn quan trong lớp nó thế nào.

"Tiểu ngôn quan?" Tôi vô cùng tò mò về cách gọi đặc biệt này nên hỏi Nghiêm Sơ Văn, "Ai thế?"

"Ma Xuyên ấy, bạn cùng phòng tao, cậu ấy là ngôn quan đời kế tiếp của tộc Tằng Lộc. Mày biết ngôn quan không? Hồi bé chúng ta từng đến một ngôi làng tên là Bằng Cát, trong làng có một ngôi đền, người đàn ông mặc đồ trắng trong đền chính là ngôn quan của tộc Tằng Lộc."

Tôi nhớ lại, mày nhíu chặt hơn: "Có phải tiểu ngôn quan là... con trai của người đàn ông mặc đồ trắng không?"

"Con nuôi." Giáo sư Nghiêm tiếp lời, phổ biến cho tôi nguồn gốc của "ngôn quan".

Tôi đã quên phần nào câu chuyện dài kia, đại khái là Cửu Sắc Lộc cứu tổ tiên của người Tằng Lộc bị lạc trong núi rừng rồi đưa họ đến Thố Nham Tung hiện tại để họ có thể nghỉ ngơi lấy sức, an cư lạc nghiệp.

Biết ơn ân tình của Cửu Sắc Lộc, người Tằng Lộc đã lập đền thờ và thờ cúng nó từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Nhưng ngôn ngữ của thần quá khó với người phàm, người Tằng Lộc không thể hiểu ý Sơn thần một cách thấu triệt. Vì vậy, để bảo vệ Thố Nham Tung tốt hơn, Cửu Sắc Lộc đã chọn ra trong tộc Tằng Lộc một người lắng nghe mình, giao cho đối phương chức trách ban thần dụ, khả năng trừ tai ban phước, người này chính là "ngôn quan".

Ngôn quan các đời được chọn ra theo khuôn mẫu cố định, đời trước qua đời, đời sau sẽ lên kế nhiệm, sau đó lại chọn ra con nuôi của mình trong số những đứa trẻ dưới ba tuổi trong cả tộc, nuôi nó khôn lớn rồi lặp lại chu kỳ.

"Con sao thế Tiểu Dận? Đau bụng à?" Dì Uyển lo lắng sờ trán tôi, "Sao sắc mặt tệ thế?"

Tôi cười đến là méo xệch: "Không sao ạ, tự dưng con cắn phải lưỡi thôi."

Hồi đó, do một số chuyện mà quan hệ giữa tôi và Ma Xuyên ngày càng xấu đi, tôi đã rút khỏi câu lạc bộ cung săn. Đột nhiên biết chuyện Ma Xuyên và thiếu niên kia là cùng một người, toàn thân tôi cứ thấy nhộn nhạo bất ổn.

Sao có thể là cùng một người cơ chứ?

Một người thế này? Một người thế kia?? Chẳng lẽ do bị ông bố nuôi bất thường nuôi sai cách nên cuối cùng cậu ta đã trở thành kiểu người mà bản thân ghét nhất ư?!

Bàng hoàng thì bàng hoàng, nhưng tôi không có ý định nhận thân với cậu ta, tôi thấy nếu cả hai đã đường ai nấy đi rồi thì cứ duy trì trạng thái như bây giờ là tốt nhất. Còn việc cậu ta có nhận ra tôi hay không hay đã nhận ra tôi chưa, tất cả đều không liên quan đến tôi, tôi cũng chán chẳng buồn nghĩ đến.

Sau đó, những lúc đến tìm Nghiêm Sơ Văn chơi tôi đều cố gắng hết sức để tránh chạm mặt với Ma Xuyên, hoặc là đến phòng kí túc xá của họ khi cậu ta ra ngoài, hoặc là gọi thẳng Nghiêm Sơ Văn ra ngoài.

Cứ tưởng không học cùng khoa, tôi còn rời khỏi câu lạc bộ cung săn nữa nên lần này cả hai thật sự không còn giao du gì với nhau.

Kết quả, không thể nào mà ngờ nổi... nghiệt duyên giữa tôi và cậu ta lại giống như định luật Murphy, càng chối bỏ thì lại càng dính chặt.

Hút thuốc xong, tôi đứng ngoài nhà nhỏ, do dự một lúc rồi mới đẩy nhẹ cửa vào.

Ma Xuyên ngồi trên sô pha, đang xách cái ấm đồng để trên bếp rót trà vào cốc. Tôi quét mắt nhìn hết tầng một nhưng không thấy bóng dáng Lê Ương.

"Lê Ương đâu?" Tôi ngồi xuống đối diện với Ma Xuyên.

"Lên tầng làm bài tập rồi." Cậu ta đưa cốc trà sữa được rót đầy cho tôi rồi tự mình rót thêm một cốc khác.

Trà sữa không thêm đường, tuy nhạt nhưng sự kết hợp giữa vị trà và vị sữa rất tuyệt nên không bị khó uống.

"Đúng rồi, hôm ở biển Ba Từ tôi nhặt được cái này..." Tôi lấy dải tua bối vân đã được sửa xong ra từ túi áo khoác, chìa tay đưa ra.

Ma Xuyên bất ngờ, đặt chiếc ấm đồng xuống, nhìn tôi rồi lại nhìn dải tua, ngón tay mơn trớn phần tua rủ xuống rồi rút nó ra khỏi tay tôi từng chút một.

"Tôi còn tưởng không tìm được chứ."

Trong căn phòng ấm áp, ngoại trừ tiếng va chạm khẽ khàng vào nhau của hạt gỗ đàn hương trên dải tua thì chỉ còn tiếng củi cháy lách tách trong lò sưởi.

Tôi xòe tay ra để cậu ta lấy dải tua đi, nhưng vào một giây cuối cùng, tôi lại không kìm nổi nỗi kích động trong lòng, với theo nắm lấy bàn tay cậu ta sắp thu về.

"Không cảm ơn à?" Tôi khàn giọng hỏi.