Xương bàn tay bên dưới to lớn, bề da lạnh như ngọc thạch, ngoài ra cũng chẳng hề mềm mại như trong tưởng tượng.
"Cảm ơn." Sau một lúc im lặng ngắn ngủi, đầu tiên Ma Xuyên cảm ơn tôi, sau đó cậu ta giơ tay, thoát khỏi sự kìm giữ của tôi.
Lòng bàn tay trống rỗng, tôi nắm tay lại rồi đút vào trong túi.
Cả phòng im thít, bầu không khí đột nhiên trở lạnh.
"Tôi lên chính điện đằng trước, Sơ Văn quay lại thì bảo cậu ấy đến đó tìm tôi." Dứt lời, Ma Xuyên đứng dậy đi ra cửa, trong tay vẫn cầm dải tua bối vân kia.
"Lúc nhìn lên trời cậu nghĩ gì vậy?" Tôi giương giọng, gọi cậu ta từ phía sau.
Cậu ta dừng lại trước cửa, hai tay giấu dưới ống tay áo, một đoạn tua rua màu nâu hạt dẻ thò ra ngoài cổ tay áo, đung đưa nhẹ nhàng giữa không trung.
"Mình còn phải sống trong những ngày như này bao lâu nữa? Những tháng ngày cố hữu, không nhìn thấy điểm cuối này bao giờ mới kết thúc?" Cậu ta không nói nên tôi trả lời thay, "Tôi đoán vậy, không biết có đúng hay không."
Cậu ta nhắm mắt, giọng điệu vô cùng nhẫn nại nhưng lại thất bại trong việc kiềm chế sự khó chịu: "Lần trước cũng vậy, lần này cũng thế. Rốt cuộc cậu muốn nhận được câu trả lời gì từ tôi?" Cậu ta quay người lại, ánh mắt lạnh như băng, dải tua trong tay đung đưa dữ dội hơn, "Phải, tôi sống rất đau khổ, ngày nào tôi cũng hối hận vì lựa chọn trước kia của mình. Cậu muốn nghe tôi nói như này à?"
Thái độ nhàn nhã như đang xem kịch của tôi khiến cậu ta nổi giận, chiếc mặt nạ của thánh nhân đã hoàn toàn vỡ vụn, cậu ta để lộ ra bản chất thật sự thuộc về Ma Xuyên.
"Vậy cậu hối hận ư?" Tôi nhìn thẳng vào cậu ta mà chẳng hề sợ hãi.
Khóe miệng cậu ta mím chặt, mặt không hề có biểu cảm gì: "Không, tôi chưa bao giờ hối hận khi quay lại đây. Cậu tin hay không thì tùy."
Tôi cười: "Tôi tin hay không thì có gì quan trọng? Bản thân cậu tin là được."
Thật ra chính tôi cũng không biết mình muốn câu trả lời thế nào. Tôi chỉ thấy dáng vẻ giả vờ giả vịt của cậu ta rất đáng ghét, đáng ghét đến mức tôi buộc phải khiến cậu ta lộ ra bản chất thật, không duy trì được bộ mặt thánh nhân nữa mới vừa.
Một cơn gió mạnh thổi qua khung cửa sổ, bản lề rỉ sét phát ra tiếng kin kít chói tai như thể có ai đang bật cười.
Ma Xuyên nhìn tôi chằm chặp, vẻ mặt bình tĩnh nhưng giọng điệu lại toát ra sự hung hăng khó nén: "Tôi như nào thì liên quan gì đến cậu? Chúng ta vốn là hai loại người khác hẳn nhau, xuất thân khác, dân tộc khác, nghề nghiệp khác, tương lai... cũng định trước là khác nhau... Cậu ghét cuộc sống của tôi, tôi cũng ghét cuộc sống của cậu, chúng ta như nhau cả thôi."
Ha, cuối cùng cậu ta cũng nói thật, cuối cùng cậu ta cũng nói là ghét tôi rồi.
Nhưng dựa vào đâu mà cậu ta ghét tôi? Tôi làm gì cậu ta mà cậu ta cứ ghét mãi thế chứ?
Trong lòng càng cáu, tôi càng cười vô tư: "Còn một điều mà cậu chưa nói đấy, chúng ta là hai loại người hoàn toàn khác nhau..." Tôi chỉ vào cậu ta, "Cậu là thần quan Tằng Lộc không nhiễm tục dục." Sau đó đổi hướng chỉ vào mình, "Còn tôi là thằng gay bẩn thỉu dơ dáy."
Tôi vừa nói dứt từ cuối, cậu ta đã chán ghét quay người bỏ đi, buông lời cộc cằn thẳng thừng chưa từng thấy: "Biết thì cút mau đi."
Cậu ta đi ra thì Nghiêm Sơ Văn bước vào, hai người suýt va vào nhau ở cửa. Nếu là ngày trước thì dù thế nào cậu ta cũng sẽ dừng lại chào hỏi, nhưng lúc này cậu ta cũng chẳng thèm nhìn Nghiêm Sơ Văn một cái mà lướt thẳng qua luôn.
"Ô? Sao..." Nghiêm Sơ Văn chỉ vào bóng lưng rời xa của Ma Xuyên, ánh mắt vô cùng nghi hoặc, "Sao thế? Mày lại trêu chọc cậu ấy à? Lâu lắm rồi không thấy cậu ấy thế này."
"Chắc hốc nhiều quá không tiêu hóa được." Tôi nhấp một ngụm trà sữa trong cốc, đồng thời đứng dậy rồi dằn mạnh cái cốc xuống bàn.
"Mày về à?" Nghiêm Sơ Văn hỏi.
"Ờ, về đây." Đẳng nào ở lại cũng không được chào đón, chẳng thà về vẽ còn hơn.
"Thế để tao tiễn mày, tao chơi cờ với Ma Xuyên một lúc rồi về, tối tao nấu cơm." Nó đi theo tôi ra cổng đền, dặn dò từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ như bà mẹ già, "Đống quần áo kia của mày không giặt máy được, mày bỏ vào chậu nước, ngâm mười phút cho bùn ra thì vắt kiệt mang ra sân phơi, rõ chưa?"
Tôi: "Chưa rõ, hay lát mày nhắn tin cho tao."
Có lẽ do từ nhỏ dì Uyển đã ân cần dạy bảo Nghiêm Sơ Văn để nó chăm sóc tôi cẩn thận, dần dần hình thành nên cho nó cái tính thích quán xuyến mọi chuyện cho tôi, đôi khi tôi thậm chí còn thấy như mình có ba người mẹ — một là Giang Tuyết Hàn, một là dì Uyển, còn một là nó.
Đương nhiên Nghiêm Sơ Văn nghe ra được là tôi đang đùa với nó, nhưng nó vẫn chỉ ngón trỏ vào tôi, cười đánh giá: "Thằng quỷ."
Ra đến cổng, tôi xua tay bảo nó không phải tiễn nữa, nó vẫy tay tạm biệt tôi, dặn tôi xuống bậc thang phải cẩn thận.
"Bách Dận, có phải mày..."
Nghe tiếng, tôi ngoái đầu nhìn ra sau, nét mặt Nghiêm Sơ Văn hiện lên vẻ bối rối như có điều gì khó nói lắm.
"Thôi, chẳng có gì đâu." Cuối cùng nó vẫn nuốt ngược lời vào trong.
Kỳ cục.
Thấy nó không nói gì, tôi lại vẫy tay, thọc tay vào túi đi xuống chân núi.
Mấy ngày sau, tôi đóng đô trong viện nghiên cứu để hoàn thiệt nốt "Chiếc Lông Vũ Của Thần", các chi tiết tỉ mẩn, chính xác đến hình dạng của từng viên đá quý cùng với phương pháp nạm phù hợp, thành phẩm cuối cùng khiến tôi khá hài lòng.
Nhìn từ phía chính diện, trông chiếc vòng cổ giống như một con chim thần đang xòe lông trong gió, phần đầu và đuôi của chiếc cánh dài lộng lẫy chạm vào nhau tạo thành một vòng tròn. Mỗi chiếc lông vũ dù dài hay ngắn đều được khảm bằng những viên ruby, sapphire, kim cương và xà cừ khác nhau, viên đá ở chính giữa là một viên ruby Huyết Bồ Câu không nung nhiệt bất quy tắc nặng 20 carat và được mài nhẵn bóng.
Khi tôi gửi nó cho Hoàng Phủ Nhu, cô ấy tỏ ra vô cùng phấn khích rồi nức nở khen đây là tác phẩm vô song, có một không hai trên thế giới. Tôi thấy cô ấy nói hơi cường điệu hóa quá, nhưng không thể phủ nhận rằng nó rất bùi tai.
"Vậy tôi sẽ gửi nó cho cô Cốc ngay để xác nhận xem cô ấy có muốn sửa chỗ nào không."
Sửa ư?
Từ này giống như một chiếc gai nhỏ mềm dẻo đâm vào ngực tôi, không đau, không chảy máu, chỉ khó chịu.
Đôi cánh trưởng thành phải như thế này, thêm bớt một nét gì cũng là vẽ rắn thêm chân, đây là tác phẩm tôi cảm thấy hài lòng nhất sau "Nước Chảy Rừng Thông", tôi không cho phép bất cứ ai được phá hỏng sự "hoàn hảo" của nó.
"Không, tôi sẽ thiết kế một chiếc vòng cổ khác cho cô Cốc, tôi muốn giữ 'Chiếc Lông Vũ Của Thần' cho riêng mình." Chỉ trong chớp mắt, tôi đã đưa ra quyết định.
Bỗng dưng Hoàng Phủ Nhu im thít, một lúc sau cô ấy mới thăm dò hỏi: "Giữ cho mình là... mang đi bán đấu giá à?"
Đồ trang sức được mang đi bán đấu giá thường không phải thương phẩm mà là tác phẩm nghệ thuật. "Chiếc Cánh Của Thần" thích hợp đấy, nhưng mà... tôi không nỡ.
Tôi không nỡ để nó xa mình, đến tay một người chủ xa lạ rồi bị người không phù hợp đeo lên.
Vì vậy tôi phủ quyết lại lần nữa: "Không. Tôi muốn giữ nó cho riêng mình, có thể cho mượn, cho trưng bày, nhưng mà không bán."
Thái độ hưng phấn lúc trước đã bay sạch bách không còn gì, Hoàng Phủ Nhu thẫn thờ hỏi: "Lại một 'Nước Chảy Rừng Thông' nữa ư? Được mượn, được trưng bày nhưng không được bán, cũng không được đeo."
Vốn dĩ tôi còn chưa nghĩ đến vế cuối cùng, được cô ấy nhắc nhở, tôi nhớ lại cái chết bi thảm của "Nước Chảy Rừng Thông", bỗng thấy rất cần bổ sung thêm.
"Đúng vậy, không được đeo. Trước khi chủ nhân thực sự của nó xuất hiện, ai cũng không xứng đáng được đeo." Tôi nói.
Hoàng Phủ Nhu hít một hơi thật sâu, khi lên tiếng lần nữa, trong giọng nói đã lộ rõ vẻ tức giận: "Bách Dận, cậu có biết chiếc dây chuyền do cậu thiết kế này, chỉ tính riêng đống đá nạm lên nó thôi đã phải tốn bao nhiêu tiền rồi không? Nhà họ Cốc có tiền, có quyền lực, họ gọi điện một cái là có người đưa ruby Huyết Bồ Câu không nung nhiệt 20 carat đến cửa ngay, cậu thì sao? Cậu đi đâu tìm? Viên đá mấy chục triệu lận, cho dù có tìm được thì cậu lấy gì mà mua?"
"Đây không phải vấn đề." Nếu giữ cho riêng mình, tôi hoàn toàn có thể thay thế viên đá chính ruby kia bằng loại đá khác, ví dụ như spinel, được mệnh danh là loại đá mô phỏng giống nhất của ruby.
Hoảng Phủ Nhu càng suy sụp hơn: "Đã có một chiếc vòng cổ hoàn hảo rồi, tôi chẳng hiểu tại sao cậu lại phải bỏ gần tìm xa như thế? Cô Cốc đánh giá cao cậu nên mới cho một nhà thiết kế trẻ như cậu cơ hội, nếu làm tốt, cậu có thể thâm nhập vào tầng lớp của họ, về sau giá trị bản thân sẽ lên như diều gặp gió!"
(*) Bỏ gần tìm xa: ý chỉ đi đường vòng vo hoặc đi tìm cái viển vông, không thực tế.
Nghe vậy, tôi thấy hơi bực bội. Trước đây tôi hợp tác với Hoàng Phủ Nhu là vì coi trọng khả năng xã giao xuất sắc cùng với tinh thần theo đuổi lợi ích mãnh liệt của cô ấy, không ngờ hiện tại nó lại trở thành điểm bất đồng giữa hai chúng tôi.
"Tôi cống hiến thiết kế của mình, họ thích thì mua, không thích thì không mua, tôi chỉ cần một mối quan hệ cung cầu bình thường, tôi không muốn nịnh bợ bất kì ai cả."
Hoàng Phủ Nhu thở dài vào điện thoại: "Cậu là nghệ sĩ, nhưng tôi chỉ là một kẻ tầm thường thôi."
Cuối cùng, cuộc gọi kết thúc trong không khí chẳng mấy vui vẻ, không ai thuyết phục được ai.
Trong lòng phiền muộn, tôi mặc thêm áo khoác rồi đi ra ngoài, không lái xe mà chỉ đi lang thang trong làng.
Loanh quanh hơn nửa tiếng đồng hồ, bỗng dưng tôi nghe thấy tiếng tranh cãi phát ra từ trong một ngôi nhà ven bên đường, tính tò mò thôi thúc tôi qua hóng, không ngờ lại gặp được người quen ở cổng.
Côn Hoành Đồ ngắt cọng rơm trong tay, ngồi trên bậc cửa cùng một cô bé tầm mười tuổi, mặt mũi hai người trông na ná, ngay đến biểu cảm cũng rất giống nhau — lộ ra mùi vị của sự căm thù cay đắng.
"Hey!" Tôi bước thẳng vào.
Côn Hoành Đổ ngẩng đầu nhìn rồi vội vàng đứng dậy: "Anh à, sao anh lại đến đây thế? Anh tìm Tần Gia ư?"
Ma Xuyên cũng ở đây à?
Tôi ngạc nhiên nhìn ra căn nhà phía sau cậu, tiếng cãi vã bên trong vẫn tiếp tục.
"Không, chỉ đi ngang qua thôi. Ai đang cãi nhau thế?"
"Chú hai em với trưởng làng ạ." Côn Hoành Đồ ngoái đầu nhìn cô bé đang ngồi trên bậc thềm với vẻ mặt bất lực, kể cho tôi nghe lý do hai người trong nhà cãi nhau.
Hóa ra hộ gia đình này là nhà chú hai của Côn Hoành Đồ, cô bé đang ngồi thờ thẫn trên bậc kia là em họ cậu, năm nay mười ba tuổi, độ tuổi đáng ra đang phải học cấp hai, tuy nhiên chú hai cậu lại cho rằng việc cho con gái đi học là vô ích, năm sau sẽ gả cô bé đi lấy chồng. Niết Bằng và bí thư chi bộ làng đến khuyên mấy lần cũng vô dụng, hôm nay đặc biệt mời Ma Xuyên đến thuyết khách để người cha hồ đồ từ bỏ suy nghĩ, cho cô bé đi học trở lại.
Nghe thế, tôi cau mày: "Cấp hai vẫn đang thuộc giai đoạn giáo dục bắt buộc, ông ta có biết giáo dục bắt buộc là gì không thế? 'Đây là nghĩa vụ của mọi công dân' đó."
Côn Hoành Đồ gật đầu: "Trưởng làng cũng nói thế, ảnh bảo chú hai em làm trái pháp luật, vi phạm luật giáo dục, sau đó... trong nhà nhao nhao cả lên."
Cô bé cũng nghe thấy cuộc trò chuyện giữa chúng tôi, chẳng biết có phải do động chạm gì đến chuyện buồn hay không mà em nó đưa tay lên lau mắt.
Biết sớm thì tôi đã cầm theo ít kẹo ra ngoài rồi.
Tôi tiến đến trước mặt cô bé, ngồi xổm xuống, hỏi: "Em gái, em tên gì?"
Cô bé sợ sệt nhìn tôi: "Xuân Na ạ."
"Xuân Na, em muốn đi học tiếp không?"
"Muốn ạ, em muốn đi học, muốn thi đại học, muốn ngắm nhìn thế giới bên ngoài." Vừa nói, hốc mắt của bé vừa đỏ lên, nước mắt rơi xuống theo gò má, "Em không muốn lấy chồng, em thậm chí... thậm chí còn chẳng quen người đàn ông kia."
Trong lúc ngơ ngẩn, hình ảnh của Xuân Na như trùng khít với hình ảnh của cậu thiếu niên trong ký ức tôi kia. Thứ xiềng xích nặng nề mang tên "nhà" đã khóa chặt khả năng bay lên trời cao của cô bé. Nỗi khốn khổ vì vô vọng trong việc đi học hôm nay của cô bé cũng giống như cây roi mà năm đó lão ngôn quan đã quất vào lưng Ma Xuyên, đó đều là những lời nguyền rủa mang danh "vì lợi ích của con" do người chí thân ban tặng.
"Muốn thì phải kiên trì, không được bỏ cuộc. Mỗi người chúng ta sinh ra đều có quyền tự do, chỉ cần không vi phạm đạo đức pháp luật thì có thể làm bất kì điều gì bản thân muốn. Hồi trước bố anh cũng không thích việc anh đang làm hiện tại, ông ta nghĩ nó không đứng đắn, cũng chẳng có tương lai, bảo anh rằng nếu không nghe lời ông ta thì sớm muộn gì cũng ăn trái đắng. Anh không nghe ông ta, em xem, chẳng phải bây giờ anh vẫn tốt đấy ư?" Tôi lấy mình ra làm ví dụ để động viên cô bé.
"Nhưng ba em rất hung dữ." Xuân Na lo lắng cậy móng tay.
(*) Gốc 阿爸, tiếng địa phương.
"Vậy để người hung dữ hơn trừng trị ông ta đi." Tôi nói đùa, "Không sao đâu, nhất định bác Niết Bằng của em sẽ cho em đi học lại. Niết Bằng không được thì có Tần Già, Tần Già không được... thì còn anh này!"
Xuân Na mở to mắt nhìn tôi, cô bé không nói gì nhưng lại như đã nói lên tất cả.
Tôi siết nắm đấm, cười bảo: "Tuy anh không cao to cường tráng như người quê em, nhưng anh mà điên lên thì chẳng ai gàn nổi đâu."
Nếu kỷ lục nổi điên lần mới nhất là "Nước Chảy Rừng Thông", vậy thì lần trước đó chính là khi Bách Tề Phong giới thiệu đối tượng xem mắt cho tôi.
Một năm trước, ông ta đột nhiên gọi điện thoại cho tôi rồi bảo muốn giới thiệu cho tôi một cô gái. Bố của cô gái kia tự tìm đến, ông ta không bận tâm việc tôi thích đàn ông hay phụ nữ, tôi mà có thích người ngoài hành tinh thì cũng chẳng sao, đẻ con ống nghiệm là được.
Tôi không nổi điên trong điện thoại mà dập ngay máy, ra cửa hàng tạp hóa mua một cái loa phóng thanh rồi xuống tầng hầm khu chung cư chỗ họ ở, cho phát đi phát lại: "Tôi là con trai của Bách Tề Phong ở tầng bốn, tôi là gay. Đừng giới thiệu con gái nhà mình hay con gái nhà khác cho tôi, ông bà không sợ gặp báo ứng nhưng tôi thì sợ bị tổn hao âm đức lắm!" Chập đấy tôi chọc Bách Tề Phong điên đến mức ông ta suýt lái xe tông chết tôi.
Có điều sau đó, ông ta không bao giờ đề cập đến những chuyện như xem mắt, kết hôn nữa.
Qua đó có thể thấy rằng, mọi người ai cũng hãi mấy thằng điên, cứ nổi điên lên là chuyện gì cũng dễ thương lượng.