Lời Mị Hoặc

Chương 3: "Đó là cái mác mang tên 'kẻ khác loài'."



Chuyện tôi chỉ thích con trai đã được xác định từ thời cấp ba, quá trình xác định vô cùng đơn giản và nhanh gọn — Tôi nhận ra mình thích xem bọn con trai chạy hùng hục qua lại trên sân bóng hơn là nhìn mấy bạn nữ mặc váy ngắn nhảy aerobic.

Vào khoảnh khắc ấy tôi đã biết mình là gay.

Chấp nhận mình khác biệt là việc rất dễ, cái khó là làm người khác cũng chấp nhận theo.

Năm lớp mười một có một bạn nữ tỏ tình với tôi, trước đây tôi toàn từ chối thẳng, thế nhưng tự dưng lần đó tôi lại thấy rất phiền.

Thật phiền phức khi cứ phải vất vả ngụy trang bản thân thành một loại người khác.

"Tôi thích con trai." Vì vậy, để khổ trước sướng sau, tôi đã nói toạc xu hướng tính dục của mình ra.

Chuyện này nhanh chóng lan ra khắp trường, thậm chí đến thầy hiệu trưởng cũng phải sốc. Đối phương mời Bách Tề Phong lên, xum xoe cười nói rằng có thể là do tôi muốn thu hút sự chú ý của người lớn nên mới ăn nói bừa bãi như vây, trẻ con mười sáu, mười báy tuổi là nổi loạn nhất, nếu có thời gian, vẫn mong Bách Tề Phong có thể đưa tôi về rồi cố gắng giao lưu, kiên nhẫn lắng nghe tâm tư của con trẻ.

Khi ấy chức vị của Bách Tề Phong vẫn chưa cao như bây giờ, thế nhưng ông ta vẫn được coi là một nhân vật có tiếng ở Hải thành. Do thằng con không biết nhục rêu rao khắp nơi rằng mình là gay, bị nhà trường mời phụ huynh lên nên ông ta gần như mất hết mặt mũi, không đợi nổi đến chỗ không người, ông ta sầm mặt, vả tôi một cái ngay trong văn phòng.

Ông ta sôi máu thật, bàn tay tát vào mặt tôi không hề giảm lực. Tôi bị vả cho lệch mặt, tai ù đi, má nóng bừng, khóe miệng bập vào răng nên rách toạc cả ra.

"Cái loại bôi tro trát trấu!" Lão chỉ vào tôi, "Rốt cuộc mẹ mày dạy mày kiểu gì thế hả? À? Bà ta chỉ lo việc xuất gia tín Phật, vứt mày cho bà ngoại chứ không quan tâm mày tẹo nào đúng không?"

Tôi lau vệt máu bên môi, im lặng nghe ông ta chửi rủa.

"Sớm biết mày sẽ trở nên thế này, hồi ấy tao không nên để mày lại cho mẹ mày mới phải!"

Hiệu trưởng vội vàng khuyên can: "Cục trưởng Bách nguôi giận, có chuyện gì thì bình tĩnh nói, thằng bé còn nhỏ, chưa hiểu chuyện, ông đừng đánh."

Tôi bình thản, nhìn chằm chằm vào Bách Tề Phong ở phía đối diện, nói từng câu từng chữ đâm trúng tim đen: "Lúc ông với mẹ tôi ly hôn, khi ấy tôi còn nhỏ tuổi chứ không bị mất trí nhớ. Xưa nay ông chưa từng giành quyền nuôi tôi thì nói để lại với không để lại cái gì? Mẹ tôi đi tu là nhờ ơn ai hả? Còn không phải do ông à."

Tôi đích thân tham gia vào phần sau câu chuyện của Giang Tuyết Hàn với Bách Tề Phong nên vẫn có chút ấn tượng, phần trước hoàn toàn là nghe từ bà ngoại tôi kể.

Nói một cách đơn giản, đây là một câu chuyện cũ rích về một cô tiểu thư và một gã phượng hoàng nam.

Cô tiểu thư si tình, bất chấp gia đình phản đối, kiên quyết cưới tên phượng hoàng nam tay trắng. Hồi đầu khi cần sự giúp đỡ của nhà bố mẹ vợ, gã phượng hoàng vẫn tốt về mọi mặt, nghe lời vợ răm rắp, về sau tự bươn lên, trèo lên cành cao hơn thì gã đá cô tiểu thư.

Cô tiểu thư cố gắng níu kéo nhưng đều vô dụng, biết gã phượng hoàng nam chẳng những trèo cành cao, trở thành tên ở rể mà còn bí mật có con với "cành cao", bà thoái chí, vứt con cho người mẹ già, tự nhìn thấu hồng trần, xuất gia làm ni cô.

Theo lời bà cụ, hồi đó Bách Tề Phong ở bên mẹ tôi chẳng qua là vì nhắm trúng gia thế của mẹ tôi. Gà đàn ông này chỉ lợi dụng mẹ tôi chứ không hề có chút tình cảm thật lòng nào.

"Mày còn dám cãi nữa? Rốt cuộc bây giờ ai là người đang làm mất mặt hả? Chuyện giữa tao với mẹ mày mà thằng ranh con mày xía vào được à?" Bách Tề Phong bị tôi làm cho bẽ mặt trước mặt người ngoài thì càng điên tiết hơn, nói rồi lão toan vượt qua thầy hiệu trưởng để đánh tôi.

"Đừng đánh đừng đánh, mọi người bình tĩnh lại chút!" Thầy hiệu trưởng chắn giữa tôi và Bách Tề Phong, trên vầng trán nửa hói của ông đã rịn ra một lớp mồ hôi mỏng.

Tôi giật giật khóe miệng, cười khẩy nói: "Vậy giờ tôi bằng lòng đi theo ông, ông đưa tôi về nhà đi."

Bách Tề Phong khựng lại, vẻ lúng túng rõ mồn một lóe lên trong mắt.

Cả hai chúng tôi đều biết ông ta không thể đưa tôi về nhà, vợ ông ta không đồng ý, bố vợ ông ta lại càng không cho.

Giằng co một lúc thì ông ta buông tay, chỉnh lại vạt áo, dời mắt đi trước.

"Mày nói thì dễ, bố mà đưa mày về nhà thì một mình bà ngoại mày phải làm sao?"

Đến nước này rồi mà ông ta vẫn già mồm tỏ vẻ như không phải không muốn đưa tôi về nhà mà chẳng qua ông ta chỉ không đành lòng nhìn cảnh bà ngoại tôi cô đơn, bơ vơ một mình mà thôi.

Phải nói rằng ông ta thực sự biết cách đắp nặn mình thành một thằng đàn ông vô tội.

Hôm đó Bách Tề Phong chở tôi về nhà, suốt đường không nói câu nào, khi đến cổng khu dân cư, tôi mở cửa bước xuống xe thì ông ta bỗng gọi giật tôi lại từ phía sau.

Ông ta hỏi có phải tôi làm vậy là vì tôi hận ông ta, cố ý trả thù ông ta, khiến ông ta tuyệt hậu hay không.

(*) Có một điều đặc biệt ở đây là chữ "Dận" trong tên Bách Dận mang nghĩa nối dõi, đời sau.

Ông ta và người vợ thứ hai có với nhau một đứa con gái, nhưng nó không mang họ của ông ta.

Dường như những gã đàn ông như Bách Tề Phong luôn có một nỗi ám ảnh lạ lùng với việc con cái đặt tên theo họ bố. Cho dù dòng máu của ông ta có chảy trong cơ thể, thế nhưng chỉ cần không mang họ ông ta mà mang họ mẹ thì đó cũng là "con nhà khác".

Người như vậy mà nghe nói vì hồi đó mẹ tôi ngưỡng mộ phong thái ôn tồn lễ độ của ông ta nên mới yêu ông ta, đúng là điên rồ mà.

"Không, tôi không cố tình trả thù ông..." Tôi đẩy cửa xuống xe, nhưng không lập tức đóng cửa lại mà một tay giữ cửa, một tay đặt trên nóc xe, hơi cúi người nhìn người đàn ông trong xe, mỉm cười nói, "Đoạn tử tuyệt tôn là phúc báo của ông."

(*) Phúc báo là quả báo tốt đẹp xuất phát từ một hành vi lương thiện trong quá khứ. Bách Dận nói với ý mỉa mai.

Mặt mày Bách Tề Phong vừa khởi sắc đã đen như cái đít nồi, cơ khóe mắt giật đùng đùng: "Mày..."

Không đợi ông ta chửi, tôi đã đóng sầm cửa xe rồi quay người chạy đi.

Trong chuyện come out này, tôi đã làm rất tốt trong việc thừa hưởng cái nết hãm tài "chỉ cần mình vui thì không quan tâm người ta sống hay chết" của Bách Tề Phong. Nhà họ Nghiêm, bà ngoại tôi, thậm chí cả Giang Tuyết Hàn đang tu trong chùa Kích Trúc, tôi đều đối xử bình đẳng, chủ động thông báo cho họ biết xu hướng tính dục của mình.

Mẹ của Nghiêm Sơ Văn, Trần Uyển, tôi gọi bà là dì Uyển, là bạn thân lâu năm của mẹ tôi. Giang Tuyết Hàn bị gã tồi phụ lòng thì nản lòng đi tu, dì Uyển khuyên có, mắng có nhưng đều chẳng thấm vào đâu, vì vậy mà bà cảm thấy thương hại cho đứa trẻ không được cha mẹ yêu thương là tôi, bà thường mời tôi tham gia các hoạt động gia đình, cho tôi sự chăm sóc của một người mẹ.

Dì Uyển luôn khoan dung với đứa con riêng là tôi này. Vì vậy mặc dù gia đình nhà họ có sốc, thế nhưng dưới sự kiểm soát của dì Uyển, họ cũng chấp nhận dễ dàng.

Bà ngoại tôi có xuất thân hiển hách, từ trẻ đã được tiếp thu nền giáo dục của phương Tây, điều tiếc nuối duy nhất đời bà là đã sinh ra một đứa con lụy tình như mẹ tôi. Dù tư tưởng cởi mở nhưng bà vẫn bị tôi làm cho khiếp sợ. Tuy nhiên bà không chửi tôi mà chỉ cảm thấy tất cả là do lỗi của người lớn. Bà khóc to một trận, sau khi luân phiên lôi hai người Bách Tề Phong và Giang Tuyết Hàn ra chửi rồi chiến tranh lạnh với tôi một tuần thì cũng dần nguôi ngoai.

Giang Tuyết Hàn vẫn đóng chặt cổng chùa, chuyên tâm tu hành, không biết có nhận được lời nhắn của tôi không.

Sau khi come out, cuộc sống của tôi cũng không có gì khác biệt. Tôi vốn không để tâm đến việc liệu mình có phải gay hay không, thế nên chuyện bị để ý tôi lại càng chẳng thèm quan tâm. Nếu đã không thèm quan tâm, vậy tự nhiên nó sẽ không làm tổn thương được tôi. Hơn nữa, áp lực học năm lớp mười một càng ngày càng tăng, tôi tập trung ôn thi nên căn bản không có thời gian để nghĩ đến nó. Thái độ lạnh nhạt và nỗi đau do việc come out mang lại cứ thế lướt qua tôi một cách âm thầm.

Hạ qua đông đến, tôi và Nghiêm Sơn Văn cùng thi đỗ vào chung một trường, có điều nó học viện luật còn tôi học bên viện nghệ thuật. Tòa kí túc của hai viện không nằm cạnh nhau nhưng cách cũng không quá xa, băng qua một con đường là đến.

Tôi vẫn nhớ lúc đó là tuần thứ hai sau khi năm nhất nhập học, mọi thứ đã đi vào quỹ đạo, tôi nghĩ lâu lắm rồi mình chưa gặp Nghiêm Sơ Văn nên đã nhắn tin cho nó rồi đến kí túc xá gọi nó đi ăn.

Tôi và Nghiêm Sơ Văn là bạn nối khố, quan hệ vẫn luôn thân thiết, chỉ khi lên lớp mười hai việc học nặng nên mới lỡ mất một năm không liên lạc.

Trên hành lang tối om, cửa phòng kí túc của đám Nghiêm Sơ Văn hé mở, trong phòng yên tĩnh, không nghe thấy chút động tĩnh nào.

Trước đó tôi có nghe Nghiêm Sơ Văn kể rằng nó được phân vào phòng hai người, chỉ có một roommate, cậu kia không phải người thích nói chuyện. Tôi vô thức cho rằng đối phương là phiên bản 2.0 của Nghiêm Sơ Văn — đeo kính, thân hình gầy gò, lịch thiệp nhã nhặn, mở mồm ra là bàn về nghiên cứu học thuật.

Nào ngờ đối phương không đeo kính cũng không gầy yếu, thậm chí... chẳng có chỗ nào giống với mọt sách.

Mặc dù thời tiết vào tháng chín không còn nóng nực và đã mát mẻ hơn, thế nhưng thủ đô vẫn giữ lại chút hanh khô của mùa hè. Cậu trai da trắng bóc, tóc đen như mực, dung mạo rực rỡ, mặc một chiếc áo sơ mi trắng cài khuy đến nút trên cùng, khuôn mặt cao ngạo toát lên vẻ cấm dục không cho người ta đến gần.

Mặc kín vậy mà không nóng ư?

Vừa nghĩ thế, nghe thấy tiếng động, người nọ đặt cuốn sách đang giơ ở đằng trước ngực xuống, đánh mắt nhìn sang.

"... Tìm ai?" Cậu ta quay mặt ra, tôi mới thấy rõ trên dái tai trái của cậu ta còn đeo một chiếc khuyên ngọc lưu ly.

"Tôi tìm Nghiêm Sơ Văn, tôi là bạn của cậu ấy." Tôi nhìn lướt qua căn phòng nhưng không thấy bóng dáng Nghiêm Sơ Văn đâu. Tôi bước vào phòng kí túc, nở một nụ cười thân thiện với chàng trai, "Cậu là?"

Nghe tôi bảo là bạn của Nghiêm Sơ Văn, biểu cảm trên gương mặt đối phương giãn ra: "Cậu ấy đi lấy nước, tôi là bạn cùng phòng của cậu ấy..." Cậu ta tạm dừng, "Cậu có thể gọi tôi là Ma Xuyên."

Về sau tôi mới biết, hồi đầu gặp tôi cậu ta cảnh giác như vậy là vì cậu ta coi tôi như những người tìm đủ mọi cớ để đến quấy rầy cậu ta trong khoa bọn họ.

Trên đời không có bức tường nào là không thể xuyên thủng, tuy chưa từng chủ động đề cập đến, thế nhưng chuyện cậu ta là ngôn quan đời tiếp theo của tộc Tằng Lộc vẫn được lan truyền một cách nhanh chóng. Cộng thêm ngoại hình này của cậu ta, kể từ lúc khai giảng đến giờ, thỉnh thoảng lại có người đột nhiên gõ cửa phòng kí túc của họ, hoặc là hỏi xin thông tin liên lạc của cậu ta, hoặc là coi cậu ta như một bậc thầy đối nhân xử thế để tâm sự chuyện hy vọng tương lai, không chỉ vậy, thậm chí còn có người muốn trực tiếp coi cậu ta là đối tượng nghiên cứu, một tư liệu sống.

Cậu ta thấy phiền hay không tôi không biết, nhưng chắc chắn Nghiêm Sơ Văn bị ảnh hưởng nặng bởi hành động đó. Vì vậy đồng chí Tiểu Nghiêm đã khiếu nại lên trưởng khoa, bày tỏ rằng việc nghỉ ngơi của bản thân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, quyền riêng tư của đồng bào dân tộc thiểu số cũng không được đảm bảo, yêu cầu trưởng khoa ra đưa ra lời giải thích.

Trưởng khoa rất chú trọng việc này, ngay trong hôm ấy đã tổ chức họp với giảng viên chủ nhiệm các lớp, sau đó, hai người mới được thanh tĩnh trở lại.

"Tôi tên Bách Dận." Tôi giơ tay, hỏi một câu mà đa số mọi người sẽ hỏi khi gặp cậu ta lần đầu, "Cậu là con lai à?"

Khỏi phải nói, chỉ riêng phần xương lông mày vùng chữ T xuất sắc kia thôi đã chẳng phải thứ mà người Hạ bình thường có được rồi.

Cậu ta nhìn tay tôi chằm chặp một hồi, không trả lời cũng không cử động.

Tôi nhìn theo ánh mắt cậu ta, phản ứng lại, ngửa lòng bàn tay lên rồi nói: "À, đây không phải vết thương, đấy là vết sẹo do tôi bị ngã lúc bé."

Trên tay phải của tôi có một vết sẹo dọc màu đỏ tươi kéo dài từ gốc bàn tay co đến lòng bàn tay. Tôi đã quên chi tiết cụ thể, nhưng hình như là do hồi bốn, năm tuổi tôi bị ngã, sau khi lành, nhìn kĩ lại thì thấy nó giống như một vết thương mới.

"Không, tôi là người tộc Tằng Lộc." Cậu thanh niên nói rồi đưa tay ra, bàn tay mang theo nhiệt độ man mát, nắm nhẹ lấy rồi thả ra luôn.

Tôi hiểu ngay: "Thảo nào."

Sau đó, tôi ngồi ngược trên ghế của Nghiêm Sơ Văn đợi nó quay về, Ma Xuyên ngồi về chỗ đọc sách tiếp, căn phòng lại chìm vào yên tĩnh.

Nghiêm Sơ Văn nói không sai, cậu bạn cùng phòng này của nó đúng là không thích nói chuyện thật.

Tôi buồn chán nghịch điện thoại, thỉnh thoảng lại lia mắt nhìn bóng lưng của cậu thanh niên ở phía đối diện.

Tộc Tằng Lộc... có phải cái tộc ở Sơn Nam kia không nhỉ? Hình như tôi từng đến đó với Nghiêm Sơ Văn và những người khác. Trong ấn tượng của tôi, đó là nơi vừa xa xôi vừa lạc hậu, lại còn đặc biệt man rợ nữa, không ngờ lại có một sinh viên đại học sinh ra ở nơi như vậy...

Một đôi mắt vừa bi thương, vừa tàn nhẫn hiện lên trong tâm trí tôi. Nhiều năm trôi qua như thế, tôi đã quên mất gương mặt của cậu thiếu niên năm ấy từ lâu, chỉ nhớ rằng đó là một khuôn mặt rất xinh đẹp. Tôi nhìn đăm đăm vào bả vai rộng lớn cùng chiếc cổ trắng ngần lộ ra vì cúi đầu đọc sách của Ma Xuyên, thầm nghĩ, chắc cũng đẹp giống người trước mặt.

Đột nhiên điện thoại khẽ reo chuông, nhạc chuông kéo suy nghĩ của tôi trở về với thực tại.

"Alo?"

Đầu máy bên kia truyền đến một giọng nam dễ thương: "Anh đang ở đâu thế? Em tan học rồi, buổi trưa chúng mình đi ăn chung nha?"

"Đang ở phòng kí túc xá của bạn anh, anh hẹn lát đi ăn với nó rồi." Tôi ngẩng đầu nhìn Ma Xuyên, thấy cậu ta vẫn tập trung đọc sách, không bị tôi ảnh hưởng thì cũng không chủ động né tránh.

"Bạn nào? Trường mình à?"

Tôi "ừm" khẽ.

"Thế em cũng đến nhé?" Đối phương dè dặt thăm dò.

Tôi thì không có ý kiến, nhưng vẫn phải hỏi Nghiêm Sơ Văn trước đã: "Để anh hỏi, lát nhắn em sau."

"Vâng ạ!" Cậu ấy đè thấp giọng, kêu "à nè" một tiếng, "Yêu anh~"

Thành thật mà nói thì tôi đã quên tên và ngoại hình của đối phương từ lâu, chỉ nhớ hình như đó là một người có gương mặt baby, quen trong đợt học quân sự sinh viên năm nhất, cậu ấy đánh bạo đến bắt chuyện, hỏi tôi có độc thân không, có muốn quen thử không.

Khi ấy đúng lúc tôi bị Bách Tề Phong làm cho phát phiền, tâm lý nổi loạn nên đã đồng ý ngay lập tức. Thế nhưng mối tình này chỉ tồn tại ngắn ngủi, hẹn hò chưa được ba tháng đã chia tay. Cậu ấy ngỏ lời chia tay, bảo tôi không cho cậu ấy cảm giác an toàn.

Sau khi cúp máy, trong phòng chỉ còn lại tiếng lật sách khẽ khàng.

Trong lòng nảy ra ý nghĩ, tôi tì vào lưng ghế, ma xui quỷ khiến hỏi: "Ma Xuyên, cậu muốn đi ăn với bọn tôi không?"

Đằng nào thêm một người là thêm, thêm hai người cũng là thêm.

Tiếng lật giấy đột ngột dừng lại, Ma Xuyên hơi quay đầu, khuôn mặt lộ vẻ kinh ngạc. Nhưng chẳng mấy chốc, vẻ ngạc nhiên kia đã biến mất, thay vào đó là nụ cười lịch sự nhưng xa cách.

"Cảm ơn, nhưng không được rồi, các cậu đi ăn đi."

Tôi sợ Ma Xuyên nghĩ mình đang khách sáo với cậu ta nên thuyết phục thêm hai câu: "Đi chung đi, chỉ ăn cơm bình thường thôi."

"Thật sự không cần đâu."

Thấy cậu ta không muốn thật, tôi cũng chỉ đành từ bỏ: "Ừ, thế lần sau có cơ hội thì ăn chung nhé."

Vừa dứt lời thì Nghiêm Sơ Văn xách ấm nước đi vào.

"Mày tới sớm thế? Vừa xong tao còn định gọi điện thoại cho mày." Nó đặt ấm nước xuống bệ cửa sổ, nói, "Đến quán đối diện đường Tây Môn ăn đi, thịt ba chỉ xào ở quán đó ngon phết."

Tôi đứng dậy: "Có phiền không nếu lát nữa có thêm người?"

"Ai?"

"Bạn trai."

Nghiêm Sơ Văn hoảng hồn: "Vừa khai giảng được hai tuần mà mày đã có bạn trai rồi á?"

Tôi nhướn mày: "Sao? Trường mình có quy định sinh viên năm nhất không được yêu đương à?"

"Không, chỉ là tốc độ thoát FA của mày nhanh quá thôi." Nghiêm Sơ Văn áy náy bảo, "Tao cũng chưa chuẩn bị gì... Mày phải báo sớm một ngày chứ? Tao còn đi mua quà gặp mặt."

Tôi bước lên, kẹp cổ Nghiêm Sơ Văn, cười đáp: "Tùy tiện ăn bữa cơm thôi mà, mày phèn thế, lại còn quà gặp mặt nữa, có cần gửi thiệp mời cho mày trước không?"

Nó đỡ cặp kính bị lệch, nói: "Thế là tốt nhất."

Hai đứa bọn tôi vừa cười nói vừa đi ra ngoài, khi sắp ra đến cửa, như nghĩ đến điều gì, Nghiêm Sơ Văn đột ngột dừng lại.

"Ma Xuyên, cậu muốn đi ăn với bọn tôi không?"

"Tao..." Tôi đang định bảo nãy mình vừa mời cậu ta rồi, thế nhưng vừa dời tầm mắt sang thì đụng ngay phải ánh nhìn lạnh lùng của thiếu niên.

Ma Xuyên và tôi bất ngờ chạm mắt nhau, khả năng chưa đầy một giây đối phương đã rời mắt đi, thế nhưng tôi vẫn thấy được điều gì đó quen thuộc trong mắt cậu ta.

Khác với ánh mắt quan sát vô thưởng vô phạt lúc ban đầu, đây là cái nhìn soi xét tinh vi mang theo tiêu chuẩn nghiêm khắc chỉ có bản thân cậu ta mới hiểu, chỉ trong nháy mắt, cậu ta đã phân loại và dán mác lên cho tôi.

"Không được." Cậu ta cười nói với Nghiêm Sơ Văn, "Không thích hợp."

Đó là cái mác mang tên "kẻ khác loài".