Long Thần Khí

Chương 10: Tập luyện dược





Đại Hùng lật quyển dược kinh trong tay. Thứ này là ngày đó nữ cường đạo đưa cho sau khi hắn tặng nàng hai trăm lượng vàng. Dược kinh này Đại Hùng cũng không muốn nhận. Dược kinh phổ thông ở Hương Bình chỉ bán giá hai lượng vàng. Huống chi cuốn sách này còn là kỉ vật đối với cô nương nọ. Nhưng cô nương đó thể hiện sự kiên quyết đến khó tin, ép hắn phải cầm lấy, xem như một tín vật, nói rằng sau này sẽ tìm lại hắn để chuộc. Đại Hùng cũng đành phải ậm ừ rồi cất vào túi.



Hai trăm lượng vàng, không phải Đại Hùng không xót, nhưng để kết giao với một cường giả Hổ Cấp thì xem như không đắt. Đại Hùng tính như một khoản đầu tư lâu dài. Hắn có ý tiêu dao thiên hạ, thêm một bằng hữu mạnh mẽ, thêm một phần an toàn. Bởi vì tính toán đối phương còn nhỏ đã là Hổ Cấp, sau này tiềm năng có thể tiến lên Sư Cấp, thậm chí Long Cấp. Lại thêm vị sư phụ nàng ở sau lưng. Hai trăm lượng vàng đối với tiên sư Sư Cấp trở lên chỉ cần đi săn ma thú vài lần là có. Đại Hùng cũng không thể bỏ giá thấp hơn được.



Nữ cường đạo tên gọi Giáng My, hơn Đại Hùng một tuổi, tên đẹp, ngoại hình càng đẹp, bản tính thanh thuần, đáng yêu. Tính cách nàng nhút nhát như vậy, Đại Hùng nhiều lúc muốn hồ nghi kẻ mới chặn đường hắn là một người khác.



Từ nhỏ nữ cường đạo đã theo sư phụ tu luyện. Cha mẹ là ai, nàng không biết, mà sư phụ nàng cũng chưa từng nhắc tới việc đó. Từ nhỏ đến lớn, nàng chỉ quanh quẩn sống trong động phủ trên núi Yên Châu. Cứ ba tháng một lần, sư phụ nàng lại xuất sơn ra ngoài vài ngày làm một số sự tình. Nàng ở trong động phủ tu luyện với số linh thạch sư phụ để lại. Thức ăn nàng trồng trọt, săn bắn trên núi, cũng đủ sống qua ngày.



Sư phụ nàng là một nữ tán tu, cũng không phải giàu có gì. Bởi vì tu tiên đạo, thứ cần dùng nhiều là linh thạch, không phải loại tiền tệ thông dụng. Kim ngân chỉ có các thế gia buôn bán là dùng nhiều, bởi vì khách của họ có không ít phàm nhân. Còn người tu tiên thông thường đều nguyện đem vàng đi mua linh thạch cả. Cho nên sư phụ đi lần này, sau khi dùng hết linh thạch trong động, nàng cũng chỉ tìm ra vài chục lượng vàng làm lộ phí xuống núi.



Mấy chục lượng vàng đủ để nàng ăn tiêu cả năm, không ngờ xuống núi không bao lâu lại bị người ta gạt, nói biết chỗ sư phụ lưu trú, lấy hết tiền của nàng trốn mất. Nàng chỉ nhớ mang máng sư phụ nói có ghé qua tỉnh Hương Bình nên rong ruổi tới đây. Tìm mãi không thấy, lại đói quá, nàng giả làm cường đạo, rồi gặp ngay Đại Hùng là mục tiêu đầu tiên...



Đại Hùng và Giáng My, hai người đều tuổi trẻ nên nói chuyện cũng khá thuận ý, trong lòng sinh ra ít nhiều thiện cảm. Một cô gái đẹp, lại ngây thơ dịu dàng, rất dễ khiến người khác sinh lòng quý mến.



Buồn cười là Đại Hùng tu cấp kém, nhưng kiến thức giang hồ phong phú hơn, hắn đành chỉ dẫn Giáng My cách hành xử khi bôn tẩu một phen. Nếu để nàng ngờ nghệch mãi, không khéo lại mất toi số tiền mới có.



Trò chuyện hết một canh giờ, tận lúc trời ngả bóng, hai người mới hẹn gặp ở Yên Châu năm sau rồi lưu luyến chia tay.



Đại Hùng về đến Long Tinh Thành, tốn một phen giải thích khô cả miệng với cha mẹ về khoản tiền kếch sù. Nghe đến chuyện mãng xà tinh hung bạo, mẹ hắn không ngừng cảm tạ Thánh Tổ, Thánh Mẫu đã phù hộ con trai. Bởi vì sự việc cổ miếu, cổ trận không đơn giản, mọi người nhất trí giấu kín chuyện này. Mẹ hắn sợ hãi, còn không dám đem lụa đi may áo mới ngay, nói để dành tới Tết cho người ta khỏi nghi ngại.




Đêm khuya ở vùng quê, tiếng ếch nhái à uôm không dứt. Đại Hùng khó ngủ, trở dậy châm nến đọc cuốn dược kinh mà Giáng My đưa.



Dưới hầm cổ miếu, hắn từng thu được một mớ kinh văn. Hắn biết những thứ này toàn thứ cao cấp. Nếu học được sẽ có lợi rất lớn, nhưng lúc này, bản thân hắn chưa đủ khả năng sử dụng. Hắn định bụng học luyện dược từ cuốn sách của Giáng My làm cơ sở, sau đó sẽ luyện lên cuốn cổ dược kinh trong đám kinh văn. Số tiền bán nanh xà tinh, hắn đưa cha mẹ phần lớn nhưng vẫn giữ lại vài trăm lạng vàng, tạm thời có thể mua ít dược tài tập chế thuốc.



Hôm sau Đại Hùng ngủ nướng tới gần trưa. Đêm qua hắn thức khuya mệt mỏi, gần sáng ngủ một giấc say đến quên trời đất. Cha mẹ hắn sớm đã đi ngân hàng trong thành gửi bạc. Ở nhà ngoài hắn chẳng còn ai.



Đại Hùng vặn vẹo làm mấy động tác cho giãn khớp xương, rồi đọc lại những dược tài cần cho loại thuốc chế đầu tiên: Phong Cốt hoàn. Đây là loại thuốc trị bệnh phong thấp, yêu cầu cũng không cao. Chỉ cần phối bốn loại dược thảo lại, xay nhuyễn vắt lấy nước, nước cốt đổ thêm rượu nếp, đem cô lại thành cao, rồi lại đem cao đó nặn thành viên, lăn trong bột sao khô của bã dược thảo, cuối cùng đem tất cả luyện qua lần nữa sẽ có được sản phẩm cuối cùng.



Sở dĩ Đại Hùng chọn loại thuốc này để tập vì nó dễ luyện nhất dược kinh. Ngoài ra, thời tiết đang cuối thu, gió chướng nổi lên nhiều, những người lớn tuổi thường bị đau nhức xương. Làm ít thuốc trị phong thấp gửi tặng ông ngoại cũng tốt.



Ở trong thôn duy nhất có y sư Tùy Tiện. Vị y sư này cũng kiêm luôn cả việc chế thuốc nên mọi người thường gọi là Tùy Tiện dược sư. Tùy Tiện dược sư - cái tên gợi lên rất nhiều hình ảnh của một lang băm nhưng vị dược sư cũng không thèm đổi. Lão tuân thủ nghiêm khắc các quy tắc truyền thống – tên cha mẹ đặt cho không thể đổi được. Nghe đâu vị dược sư này là người con út trong một gia đình có mười ba đứa con...



Thôn Nam Long của Đại Hùng cũng không tính là lớn. Mọi người đều quen biết nhau. Tùy Tiện dược sư ở gần đầu thôn, Đại Hùng đã đi ngang nhiều lần.



Lúc này hắn tìm tới, Tùy Tiện dược sư còn đang chế thuốc trong dược phòng. Bên ngoài quầy là một tiểu đồng đứng bán thay.



- Tiểu Quang, bán cho ta Hy Thiêm năm cân, Ngưu Tất hai cân, Thổ Phục Linh hai cân, Lá Lốt một cân (1).



- Mấy loại này... hình như để chế thuốc phong thấp mà. Huynh lấy loại khô hay loại tươi?



- Loại tươi.



- Loại khô cùng lượng chế được 100 viên. Loại tươi chỉ chế được 30 viên.



- Không sao, cứ lấy loại tươi cho ta.



Tiểu đồng đi ra sân sau lấy mấy bó dược thảo, quay lại đặt lên bàn.



- Thuốc này chế không dễ . Sao huynh không mua luôn thuốc của sư phụ ta cho nhanh?



- He he, ngứa tay, muốn thử làm dược sư chơi thôi.



- Tất cả chín lượng.



Tiểu đồng ái ngại nhìn Đại Hùng:




- Chế thuốc cực lắm đó. Đệ bị sư phụ bắt canh lò hoài, mệt muốn chết. Huynh chơi vài bữa là chán thôi. Tốn nhiều tiền như vậy...



Đại Hùng cười cười không đáp, lẳng lặng ôm mấy bó thảo dược đi ra. Tiểu Quang không biết nghĩ gì, lại nói với theo.



- Khi sao thuốc (2) nhớ dùng than, đừng dùng củi.



Đại Hùng đi chưa được bao xa, một lão già quần áo xốc xếch, tóc tai bù xù từ trong phòng bước ra quầy. Nhìn theo bóng Đại Hùng, lão già hất hàm hỏi tiểu đồng:



- Nó đến mua gì thế?



- Mấy thảo dược chế thuốc phong thấp, sư phụ.



- Chế thuốc ? Ta nghe nó hỏi mua loại tươi.



- Dạ.



Tùy Tiện liếc liếc ra xa một cái, rồi đưa tay cốc đầu Tiểu Quang.



- Cái thằng ngốc này, còn chỉ nó cách sao dược thảo. Ngươi muốn có người cạnh tranh ta đấy phỏng?



Tiểu Quang xoa chỗ đau, im re không dám nói gì. Tùy Tiện dược sư cũng chẳng quản nó, xoay người bước lại vào trong, lẩm bẩm.



- Muốn làm dược sư à? Chẳng dễ ăn như ngươi tưởng đâu.



.........



Đại Hùng xoay cối đến mỏi tay. Mười cân thảo dược xay nhuyễn cũng không phải nhanh gì.



Kì thật, hắn không hề biết cuốn dược kinh Giáng My đưa cho hắn khác biệt rất nhiều so với các bản dược kinh bán ngoài cửa hiệu. Vì để dễ bảo quản, đa số dược kinh đều khuyên người ta phơi khô thảo dược, khi chế chỉ việc đem ra nghiền. Còn dược kinh của Giáng My lại dạy hắn xay nhuyễn thảo dược tươi. Đây là kinh nghiệm đúc kết sau nhiều năm chế đan của sư phụ Giáng My. Cấp độ của sư phụ nàng đã chế đến linh đan cấp năm dành cho tiên sư. Những đúc kết tìm được hơn xa so với mấy cuốn kinh dạy chế phàm dược ngoài thị trường.



Vị luyện dược cao thủ đó nhận thấy nếu phơi khô thảo dược theo cách thông thường, linh lực trong thảo dược cũng sẽ từ từ tán đi hai phần trong lúc phơi. Quá trình phơi nếu để ý không kỹ, không khí ẩm nhiều, sẽ dễ làm thảo dược sinh mốc, hoặc bị rữa lõi. Đem loại thảo dược này đi chế thuốc, chất lượng liền giảm xuống một nửa. Nếu muốn tránh việc này, chỉ có cách chế thuốc khi còn tươi. Muốn làm khô thảo dược, cũng phải sấy trong một thiết bị làm bằng kim thiết đặc chế. Còn lúc luyện dược, đương nhiên nên dùng đan đỉnh.



Đại Hùng khi đọc những ghi chú đó cảm thấy rất tâm đắc. Những chi tiết tưởng chừng nhỏ nhặt lại có ảnh hưởng lớn đến chất lượng thuốc thành phẩm. Sau này hắn muốn luyện tới những đan dược cao cấp trong cổ kinh, một phần mười dược tính chênh lệch cũng có tác dụng rất lớn. Do đó, hắn quyết định dùng cách luyện dược cực khổ mà sư phụ Giáng My đã chỉ ra.



Sau khi vắt kiệt nước cốt từ đống bã dược thảo, Đại Hùng cẩn thận đổ từng muôi dịch xanh vào siêu sành, thêm một lượng rượu theo tỉ lệ chỉ dẫn, đặt lên bếp lửa. Chờ siêu nước này vơi đi một phần, hắn lại thêm dược thủy và rượu vào.



Dược thủy cạn cũng không nhanh. Đại Hùng tranh thủ ngồi sao đống bã dược thảo trên một lò khác bằng nồi gang. Nhớ lời Tiểu Quang dặn, hắn thay củi bằng than hoa. Lửa lò vì vậy mà đều hơn. Đám bã khô dần đổi thành một vốc bột mịn ánh lên màu xanh nhạt, nhìn rất bắt mắt.




Ròng rã một ngày trời, siêu dược thủy mới gần cạn. Đại Hùng đứng bên siêu thuốc, đôi đũa ngoáy luôn tay để dịch thủy đang cô lại khỏi bị rắn, tránh cho lớp dịch dưới đáy siêu cháy mất. Hết thêm gần một canh giờ, dược dịch mới đạt độ dẻo thích hợp.



Vì dùng dược dịch cô đặc, thể tích dược cao trong siêu hơn hẳn bột do dược thảo khô nghiền ra. Đại Hùng dùng dược cao nặn được đến 40 viên hoàn. Theo Tiểu Quang, số lượng thuốc có thể chế ra chỉ khoảng 30 viên là vừa. Nhưng nếu khống chế ở mức 30 viên, Đại Hùng cảm giác viên hoàn thành phẩm cuối cùng sẽ khá to. Vậy nên hắn canh theo kích cỡ viên hoàn phổ thông mà làm. “Cùng lắm tác dụng giảm một chút, vậy dặn ông ngoại ngày uống ba lần đổi thành ngày uống bốn lần không phải được sao.”



Đại Hùng đem số dược hoàn này lăn trong lớp bột đã sao khô cho đến khi chẳng còn mấy tí bột sót lại, lúc này 40 viên đan thể tích to lên bằng ngón út.



Cuối cùng là phần quan trọng nhất: hợp đan.



Nhân đan dược là nơi chứa dược lực tinh túy của viên đan. Để bảo vệ dược lực của đan, tốt nhất phải dùng chế phẩm từ chính thân dược thảo bao lại, đó là bột bã sao khô. Nhưng lớp bột này mới chỉ dính lên nhân đan bởi tính dẻo của dược cao. Nếu để qua một thời gian, nhân đan sẽ khô dần, bột ngoài bong tróc, dược lực trong đan dược sẽ thất thoát. Hợp đan là quá trình luyện đan trong lửa để lớp bột phủ ngoài liên kết chặt chẽ với nhau, che chắn tốt nhân đan bên trong.



Hợp đan đối với dược phẩm phổ thông có nhiều cách. Một số dược sư dùng cách sao qua đan dược lần nữa bằng chảo gang. Cách này dễ làm, nhưng trong quá trình đảo đan khi sao sẽ làm vỡ không ít lớp bột bọc ngoài. Đan dược cuối cùng sẽ khó bảo quản lâu quá một tháng.



Một số dược sư khác khắc phục việc này bằng cách pha thêm gạo nếp giã nhuyễn vào bột bã, sau đó bọc lấy nhân đan chứ không lăn nhân đan. Sản phẩm đương nhiên chóng hoàn thành, nhưng thời gian bảo quản càng thảm hại hơn, chỉ được một tuần. Cho dù gạo nếp bị sao khô không mốc nhanh, lũ kiến cũng sẽ tìm đến. Xem xem, ngươi chế đan dược cho người hay cho kiến đây?



Còn dùng đan đỉnh, chất lượng đan là khá nhất. Nhưng đan đỉnh không hề rẻ. Đan đỉnh phải chế bằng tinh cương chịu nổi nhiệt trên 500 độ. Đan đỉnh cao cấp sẽ được khắc phù văn để bảo vệ đan, khống chế linh khí trong đan không hư thoát. Mà đan đỉnh của các luyện dược tiên gia thì bằng hỏa ngọc, có thêm phù văn khống hỏa cùng cửa rót linh lực nữa.



Một đan đỉnh tốt, so với bảo kiếm giá đắt hơn mấy lần, cũng chưa chắc đã có để mua. Còn đan đỉnh phổ thông “nhái” bằng đất nung, bằng đồng, vậy thì chỉ hơn dùng chảo gang không bao nhiêu. Tùy Tiện dược sư đúng là đang dùng một cái đan đỉnh kiểu như vậy.



Đại Hùng hiển nhiên không có đan đỉnh. May mắn thay, dược kinh có ghi chép về thời kỳ sư phụ Giáng My còn ở giai vị Hùng Cấp. Tán nhân Hùng Cấp, đến tiền mua linh thảo còn hạn chế, nói gì đến mua đan đỉnh. Vì vậy bà ta đã nghiên cứu cách thức luyện đan trực tiếp trên ngọn lửa một thời gian dài. Cách luyện này dĩ nhiên khó khăn hơn dùng đỉnh rất nhiều, chủ yếu ở khâu khống hỏa. Tuy rằng bà ta đã vận dụng thành công, so với dùng đỉnh hiệu suất vẫn còn kém hơn ba phần. Sau này bà dành đủ linh thạch mua một cái đỉnh tốt, cách luyện đan này liền trực tiếp bị bỏ qua.



Phương pháp luyện đan đó tưởng như thất truyền, cuối cùng lại được Đại Hùng lục ra áp dụng. Hoàn cảnh hắn có phần còn ác liệt hơn sư phụ Giáng My. Bà ta có thể vận linh hỏa, còn hắn chỉ có lửa thường. Linh hỏa tùy theo linh lực không chế của tiên sư mà tăng giảm nhiệt độ. Với lửa thường, nếu dùng củi đốt thì rút củi ra, nhưng củi cho nhiệt độ không đều, mà dùng than, ngược lại, lại quá đều, tới mức muốn giảm nhiệt xuống thì không biết làm sao.



Đại Hùng vò đầu bứt tai, đi đi lại lại trong bếp. Chợt nhìn thấy ống thổi lửa, mắt hắn sáng lên.



Chính thế. Lò than khi muốn tăng nhiệt, có thể thổi hơi để lửa bốc mạnh hơn. Vậy thì khi cần giảm nhiệt, chỉ cần hạn chế lượng khí vào lò, hay nói cách khác, là hạn chế độ mở cửa lò.



Tìm ra được cách, Đại Hùng vội vã chuẩn bị lò than, một mảnh ván nhỏ làm tấm đậy cửa lò, một vỉ sắt nướng thịt nhỏ để kẹp đan và một cái quạt mo(2). Sau khi xung quanh đã đầy đủ dụng cụ, hắn hăng hái nhóm lò lên.



- Đan dược – ta tới đây !!!