Mật Mã Da Vinci

Chương 34



Di chuyển trong khoang chứa đồ sáng lờ mờ của chiếc xe tải bọc thép chẳng khác nào bị chở đi trong một xà lim biệt giam vậy. Langdon cố chống lại nỗi lo sợ quá quen thuộc thường ám ảnh ông khi bị hãm trong khoảng kín hẹp. Vernet đã nói rằng ông ta sẽ đưa chúng ta ra ngoài thành phố tới một khoảng cách an toàn. Ở chỗ nào? Bao xa?

Chân Langdon đã tê cứng vì phải ngồi xếp bằng trên cái sàn kim loại, và ông bèn đổi tư thế, nhăn mặt khi cảm thấy máu đang dồn xuống phần dưới cơ thể. Ông vẫn ôm khư khư cái kho báu kì dị mà họ đã lấy ra được từ ngân hàng.

"Tôi nghĩ chúng ta đang đi trên đường cao tốc", Sophie thì thào.

Langdon cũng cảm thấy thế. Sau quãng dừng lại căng thẳng ở đầu bờ dốc vào ngân hàng, chiếc xe tải tiếp tục đi, ngoằn ngoèo sang trái sang phải một vài phút, và giờ đây xe đang lao đi với vận tốc tối đa. Phía dưới họ, những chiếc lốp chống đạn chạy ro ro trên mặt đường phẳng lì. Cố tập trung chú ý vào chiếc hộp gỗ hồng mộc trong tay mình, Langdon đặt cái bọc quý giá xuống sàn, giở chiếc áo bọc ngoài, lôi chiếc hộp ra và kéo về phía mình. Sophie thay đổi tư thế để ngồi bên cạnh ông.

Langdon bỗng cảm thấy họ như hai đứa trẻ chụm đầu trên một món quà Giáng sinh.

Tương phản với màu thẫm của chiếc hộp gỗ hồng mộc, bông hoa hồng khảm trên đó được gia công bằng một loại gỗ có màu nhạt, có lẽ là màu tro, ánh lên dưới ngọn đèn điện mờ. Hoa Hồng. Bao đạo quân và tôn giáo cũng như hội kín đã được xây dựng trên biểu tượng này. Những thành viên Thập Tự Hồng. Những Hiệp sĩ Thập Tự Hồng. (1)

"Tiếp tục đi", Sophie nói. "Mở ra".

Langdon thở thật sâu. Với tay đến nắp hộp, một lần nữa ông lại lén đưa mắt nhìn hình khảm khắc tinh vi ấy một cách ngưỡng mộ, rồi sau đó mới tháo chiếc móc gài, mở nắp, để lộ vật ở bên trong ấp nhiều hoang tưởng về cái họ có thể tìm thấy trong chiếc hộp này, nhưng rõ ràng ông đã lầm mọi bề.

Nằm gọn êm ấm bên trong chiếc hộp lót dày dặn một lớp lụa màu đỏ tắm, là một vật mà Langdon lúc đầu không hiểu là cái gì.

Gia công từ cẩm thạch trắng mài bóng, vật hình trụ đó có kích thước ang áng một cái hộp đựng bóng quần vợt. Nhưng hình trụ này còn phức tạp hơn nhiều so với một trụ đá đơn giản, dường như nó được ghép lại từ rất nhiều mảnh. Năm chiếc đĩa cẩm thạch to bằng chiếc bánh cam vòng được xếp chồng và gắn vào nhau trong một khung đồng tinh xảo. Trông nó giống như một loại kính vạn hoa nhiều ống ngắm. Mỗi đầu của trụ có gắn một nắp cũng bằng cẩm thạch khiến ta không thể nhìn thấu bên trong. Nghe thấy tiếng chất lỏng bên trong!

Langdon cho rằng hình trụ này rỗng.

Tuy cấu trúc của ống này thật khó hiểu nhưng chính những nét khắc xung quanh ống mới là điều thu hút sự chú ý đặc biệt của Langdon. Mỗi một chiếc trong số năm chiếc đĩa dều được khắc lên cùng một loạt chữ cái y hệt nhau - toàn bộ bảng chữ cái ống hình trụ có khắc chữ ấy khiến Langdon nhớ tới một thứ đồ chơi hồi nhỏ - một chiếc gậy được luồn qua những chiếc ống có viết các chữ cái, nó có thể quay quanh trục là chiếc gậy kia để đánh vần những từ khác nhau.

"Kì dị không?", Sophie thì thầm.

Langdon ngước nhìn: "Tôi chịu không hiểu. Nó là cái quái quỉ gì?".

Một ánh lấp lánh trong mắt Sophie: "Ông tôi thường hay tỉ mẩn làm những thứ thế này, coi như một thú vui. Danh hoạ Leonardo da Vinci đã phát minh ra những thứ này".

Ngay cả trong ánh điện mờ tối, Sophie vẫn thấy Langdon rất ngạc nhiên.

"Da Vinci ư?". Ông lẩm bẩm rồi lời nhìn vào chiếc ống đó.

"Đúng thế. Người ta gọi đó là một hộp mật mã. Theo ông tôi, những bản phác hoạ đều xuất xứ từ một trong những nhật ký bí mật của Da Vinci".

"Hộp mật mã ấy để làm gì?".

Bằng vào các sự kiện diễn ra tối nay, Sophie biết rằng câu trả lời có thể chứa đựng những hàm ý thú vị: "Đó chính là két ngầm", cô trả lời, "dành cho việc cất giữ những thông tin tuyệt mật".

Langdon giương to mắt hơn.

Sophie giải thích rằng tạo ra những mô hình theo phát minh của Da Vinci là một trong những thú tiêu khiển mà ông cô yêu thích nhất. Là một nghệ nhân tài năng đã miệt mài hàng giờ trong xưởng gỗ và kim loại của mình, Jacques Saunière khoái bắt chước các nghệ nhân bậc thày như Fabergé, và một người khác, ít tính nghệ thuật hơn nhưng lại thực tế hơn nhiều, đó là Da Vinci.

Chỉ cần liếc sơ qua nhật kí của Da Vinci cũng thấy rõ tại sao danh họa này lại nổi tiếng ngang nhau về cái tật thiếu sự hoàn tất cũng như về tài năng kiệt xuất. Da Vinci đã phác ra những dự thảo cho hàng trăm phát minh mà ông chưa bao giờ hoàn tất. Một trong số những thú tiêu khiển ưa thích của Jacques Saunière là thực hiện những sáng kiến đột xuất còn mơ hồ của Da Vinci - những kiểu đồng hồ, những ống dẫn nước, những hộp mật mã và thậm chí cả mô hình một hiệp sĩ Pháp thời Trung cổ có đầy đủ khớp nối, mà giờ đây vẫn kiêu hãnh đứng trên bàn làm việc trong văn phòng của ông. Được Da Vinci thiết kế vào năm 1495 như là kết quả tự nhiên của thời kì đầu ông nghiên cứu khoa giải phẫu học và động lực học, cơ chế bên trong của rôbốt - hiệp sĩ này có những dây chằng và khớp nối chính xác được thiết kế để có thể đứng dậy từ tư thế ngồi, vẫy tay và cử động đầu thông qua một chiếc cổ rất linh hoạt cũng như đóng, mở được làm rất chính xác về mặt giải phẫu học.

Sophie vẫn luôn đinh ninh rằng chàng hiệp sĩ mặc áo giáp ấy là đồ vật đẹp nhất mà ông cô từng làm… cho tới khi cô trông thấy hộp mật mã trong chiếc hộp gỗ hồng mộc này.

"Ông đã làm cho tôi một trong những thứ này khi tôi còn nhỏ xíu", Sophie kể lại. "Nhưng tôi chưa bao giờ thấy một đồ vật nào to và công phu đến thế này".

Từ nãy, mắt Langdon vẫn không rời khỏi chiếc hộp: "Tôi chưa bao giờ nghe thấy người ta nói đến một hộp mật mã".

Sophie chẳng lấy làm ngạc nhiên. Hầu hết những phát minh chưa thực hiện của Da Vinci chưa hề được nghiên cứu, thậm chí chưa có ai đặt tên cho chúng. Cái từ hộp mật mã này có thể là một sự sáng tạo của ông cô thôi, một tiêu đề thích hợp cho cái khí cụ đã sử dụng khoa học mật mã để bảo vệ những thông tin được viết trên những cuộn giấy hay những văn bản chép tay thời cổ.

Sophie biết Da Vinci là người viên phong trong lĩnh vực mật mã, mặc dù hiếm khi ông được công nhận là thế. Những giảng viên trong trường đại học của Sophie trong khi thuyết trình về các phương pháp lưu giữ thông tin qua mật mã trên máy tính đã hết lời ngợi ca những mật mã gia thời nay như Zimmerman và Schneier mà chẳng hề nhắc đến một điều là từ mấy thế kỉ trước, Leonardo đã phát minh ra một trong số nguyên lí sơ đẳng đầu tiên của việc sử dụng mật mã cùng với chìa khoá mở mã.

Tất nhiên, ông của Sophie là người đầu tiên nói cho cô biết về điều ấy khi chiếc xe tải bọc thép gầm rú trên đường cao tốc, Sophie giải thích cho Langdon rằng hộp mật mã là giải pháp của Da Vinci cho tình thế nan giải khi phải gửi những thông điệp bí mật đến những nơi xa. Trong một thời đại không có điện thoại cũng chẳng có thư điện tử, bất kì ai muốn truyền thông tin riêng của mình đến một người nào khác ở nơi xa cũng chỉ có một cách là viết lên mặt giấy rồi giao phó cho một người mang thư đi. Nếu chẳng may người mang thư ấy ngờ là trong thư có những thông tin quý giá, anh ta có thể bán đứng nó cho kẻ thù để kiếm được nhiều tiền hơn là đưa nó đến đúng địa chỉ.

Nhiều bộ óc lớn trong lịch sử đã phát minh ra các phương pháp sử dụng mật mã để giải quyết những thách thức trong việc bảo vệ dữ liệu: "Julius Caesar phát minh ra cách viết mật mã được gọi là hộp Caesar; Mary, Nữ hoàng Xcốtlen đã tạo ra mật mã thay thế và gửi đi những thông cáo bí mật từ nhà tù; và nhà khoa học xuất sắc người Arập Abu Yusuf Ismail al-Kindi đã bảo vệ được những bí mật của mình bằng một mật mã thay thế tài tình sử dụng nhiều chữ cái khác nhau.

Tuy nhiên Da Vinci lại né tránh toán và mật mã học, để tìm một giải pháp cơ học. Hộp mật mã. Một thứ "côngtennơ" xách tay có thể đảm bảo an toàn cho những lá thư, những tấm bản đồ biểu đồ, hay bất kì thứ gì khác. Một khi thông tin được khoá bên trong hộp mật mã thì chỉ những ai biết chính xác mật khẩu mới có thể truy nhập được.

"Chúng ta cần phải có một mật khẩu", Sophie nói, chỉ tay vào những đĩa có khắc chữ cái. "Hộp mật mã vận hành rất giống loại khoá chữ dùng cho xe đạp. Nếu ta xoay các vòng số vào đúng vị trí, khoá sẽ tuột ra. Hộp mật mã này có năm đĩa khắc chữ cái. Khi ta xoay chúng vào đúng trình tự, các lẫy khoá bên trong sẽ thẳng hàng, và toàn bộ hình trụ sẽ rời ra".

"Thế còn bên trong?".

"Một khi hình trụ này rời ra, ta sẽ thấy một khoang rỗng ở giữa, khoang này có thể chứa một cuộn giấy, trên đó có ghi lại những thông tin ta muốn giữ bí mật".

Langdon có vẻ không tin: "Cô nói ông cô đã từng làm cho cô những thứ như thế này khi cô còn nhỏ?".

"Vâng, một vài thứ nhỏ hơn thế này. Hai lần vào dịp sinh nhật tôi, ông đã cho tôi một hộp mật mã và một câu đố. Lời giải cho câu đố đó chính là chìa khoá để mở hộp mật mã, và do đoán ra lời giải, tôi đã mở được hộp và tìm thấy thiếp chúc mừng sinh nhật của mình".

"Mất quá nhiều công để được một tấm thiếp".

"Không, tấm thiếp bao giờ cũng có một câu đố khác hoặc một đầu mối khác. Ông tôi bao giở cũng thích những cuộc săn lùng kho báu công phu diễn ra xung quanh căn nhà của chúng tôi một loạt các đầu mối dần dần đưa tôi đến với một món quà thực sự. Mỗi một cuộc săn lùng kho báu lại là một trắc nghiệm về tính cách và trình độ của tôi, để chắc chắn răng tôi xứng đáng được những phần thưởng đó. Và những trắc nghiệm ấy chưa bao giờ đơn giản cả".

Langdon lại đưa mắl nhìn cái hộp một lần nữa, trông ông vẫn còn đầy vẻ hoài nghi: "Nhưng tại sao không cậy cho nó rời ra hoặc đập tan nó ra? Chất kim loại này nom có vẻ mảnh và cẩm thạch là một loại đá mềm mà".

Sophie mỉm cười: "Bởi vì Da Vinci rất tinh ranh nên đã phòng ngừa điều đó. Ông đã thiết kế hộp mật mã sao cho nếu có ai cố cưỡng mở nó bằng mọi cách, thông tin bên trong hình trụ này sẽ tự huỷ. Anh xem đây". Sophie với tay vào trong hộp và thận trọng nhấc chiếc ống hình trụ lên. "Bất kì thông tin gì cần đưa vào đây thoạt tiên phải được viết trên một cuộn giấy papyrus (giấy làm từ cây sậy) rồi sau đó mới được nhét vào trong ống".

"Không phải giấy bằng da cừu à?".

Sophie lắc đầu: "papyrus". Tôi biết giấy làm bằng da cừu bền hơn và phổ biến hơn trong thời kì đó. Nhưng bắt buộc phải dùng giấy papyrus. Càng mỏng càng tốt".

"Tôi hiểu rồi".

"Trước khi giấy papyrus được nhét vào trong phần rỗng của hình trụ, nó được cuộn quanh một lọ thuỷ tinh dễ vỡ". Cô khẽ chạm vào hộp mật mã và chất lỏng trong đó kêu ùng ục. "Lọ đựng chất lỏng".

"Chất lỏng gì?".

Sophie mỉm cười: "Dấm".

Langdon do dự một lúc rồi gật đầu: "Tài thật đấy".

Đám và giấy papyrus. Sophie nghĩ bụng. Nếu một người nào đó cố mở cho kì được hộp mật mã, lọ thuỷ tinh kia sẽ vỡ và dấm sẽ nhanh chóng hoà tan giấy papyrus. Đến lúc đó, kẻ nào lôi được cuộn giấy ghi lời nhắn bí mật, thì nó chỉ còn là một cục bột giấy nhão vô nghĩa mà thôi.

"Như anh thấy đấy", Sophie nói với Langdon, "cách duy nhất có thể truy nhập thông tin ở bên trong là biết chính xác mật khẩu gồm năm chữ cái. Với năm số mà có cả thảy hai mươi sáu chữ cái, thế là có tới hai mươi sáu lũy thừa năm sự hoán đổi. Cô ước lượng khả năng hoán vị. "Áng chừng mười hai triệu khả năng".

"Nếu đúng vậy!", Langdon nói, trông có vẻ như trong đầu ông cũng có khoảng mười hai triệu câu hỏi đang quay cuồng.

Vậy cô nghĩ thông tin gì có thể ở bên trong đây?".

"Dù nó là gì thì hiển nhiên là ông tôi rất muốn giữ nó trong bí mật", cô dừng lại, đóng nắp hộp và nhìn bông hồng năm cánh trên đó. Có đìều gì đó đang làm cô băn khoăn. "Vừa nãy anh nói hoa hồng là biểu tượng của Chén Thánh?".

"Chính xác. Trong hệ biểu tượng của Tu viện Sion, hoa hồng và Chén Thánh là đồng nghĩa".

Sophie nhăn trán: "Thật kì lạ, bởi ông tôi bao giờ cũng bảo hoa hồng có nghĩa là bí mật. Ở nhà tôi, ông thường treo lên cửa phòng làm việc một bóng hoa hồng mỗi khi ông có một cú điện thoại riêng mà ông không muốn để tôi quấy rầy. Ông cũng. khuyến khích tôi làm như thế". Cưng à, ông nói, thay vì khóa trái cửa mỗi khi cần riêng tư, chúng ta có thể treo một bông hoa hồng trước cửa - la fleur des sccret (2). Như vậy ta học cách tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau. Treo một bông hoa hồng là một phong tục của người La Mã Cổ đại.

"Sub rosa - Dưới một bông hoa hồng", Langdon lẩm bẩm. Người La Mã đã treo một bông hoa hồng trước những cuộc họp để ám chỉ rằng cuộc họp này là bí mật. Những người tham dự buộc phải hiểu rằng bất kì điều gì được nói dưới bông hoa hồng - sub rosa đều phải được giữ bí mật".

Langdon giải thích sơ qua rằng hàm nghĩa bí mật của hoa hồng không phải là lí do duy nhất khiến Tu viện Sion lựa chọn nó làm biểu tượng cho Chén Thánh. Rosa rugosa, một trong những loại hoa hồng cổ xưa nhất có năm cánh với sự đối xứng ngũ giác, giống như ngôi sao Kim chỉ đường, đem lại cho Hoa Hồng những liên hệ hình tượng với tính nữ. Thêm vào đó, Hoa Hồng lại gắn bó khăng khít với khái niệm "đúng hướng" và chỉ đường. La bàn Hoa Hồng làm hoa tiêu cho các lữ khách cũng như những Đường Hoa Hồng, những đường kinh tuyến trên các bản đồ vậy. Vì lí do đó, Hoa Hồng được coi là biểu tượng cho Chén Thánh ở nhiều cấp độ - bí mật, tính nữ, và dẫn dắt - đó là chiếc chén nữ tính và ngôi sao chỉ đường dẫn đến sự thật bí mật.

Khi giải thích xong, vẻ mặt Langdon bỗng như rúm lại.

"Robert? Anh vẫn ổn đấy chứ?".

Mắt Langdon dán chặt vào chiếc hộp bằng gỗ hồng mộc.

"Dưới… Hoa hồng", ông nghẹn lại, một vẻ hoang mang dễ sợ bao trùm khắp khuôn mặt, "không thể thế được".

"Cái gì vậy?".

Langdon từ từ ngước lên: "Ẩn sau dấu hiệu Hoa Hồng", ông thì thào, "hộp mật mã này…tôi nghĩ tôi biết nó là gì rồi".

Chú thích:

(1) The Rosicrucians, thành viên của một dòng tu phụng thờ truyên thuyết huyền bí tương truyền do Rosenkreuz sáng lập năm 1484, sau này, vào thế kỷ 17 và 18, chuyển hóa thành nhiều hội kín.

(2) Tiếng Pháp trong nguyên bản: loài hoa tượng trưng cho những bí mật.

Robert Langdon hầu như không tin vào giả thuyết của chính mình, nhưng bằng vào người đã giao lại cho họ cái trụ đá cùng cách thức ông ấy chuyển giao nó cho họ, và giờ đây, bằng vào bông hồng khảm trên chiếc hộp, Langdon chỉ có thể rút ra duy nhất một kết luận.

Mình đang cầm viên đá đỉnh vòm của Ti viện Sion.

Truyền thuyết là rất cụ thể.

Viên đá đỉnh vòm là một viên đá được mã hoá bằng dấu hiệu Hoa Hồng.

"Robert à?" Sophie quan sát ông. "Có chuyện gì vậy?".

Langdon cần một chút thời gian để tập hợp những suy nghĩ của mình. "Ông cô có bao giờ nói với cô về một cái gì gọi là la clef de voyute (1) không?".

"Có nghĩa là chìa khoá vào hầm két?". Sophie dịch câu hỏi của Langdon.

"Không, đó là dịch theo nghĩa đen. Clef de voyute là một thuật ngữ kiến trúc thông dụng. Voyte ở đây không chỉ hầm cất giữ đồ quý giá ở ngân hàng, mà chỉ cái vòm của một cửa tò vò. Thí dụ như trần vòm".

"Nhưng trần nhà xây hình vòm thì làm gì có chìa khoá?".

"Trên thực tế, chúng lại có đấy. Mọi cửa tò vò bằng đá đều cần có một hòn đá hình chữ V ở phần chóp để gắn kết các mảnh vào với nhau và gánh toàn bộ sức nặng. Theo nghĩa kiến trúc, hòn đá này chính là chìa khoá của vòm. Trong tiếng Anh chúng tôi gọi nó là keystone". Langdon quan sát Sophie chờ một ánh mắl lóe lên chứng tỏ cô nhận ra một đlều gì.

Sophie nhún vai, liếc xuống hộp mật mã: "Nhưng hiển nhiên đây không phải là viên đá đỉnh vòm".

Langdon không biết nên bắt đầu từ đâu. Đá đỉnh vòm, với tư cách là một chi tiết kĩ thuật nề để xây dựng cửa tò vò bằng đá, xưa vốn là một trong số những bí quyết được giữ kín nhất của hội Tam Điểm. Cấp Vòm Hoàng gia. Kiến trúc. Đá đỉnh vòm. Tất cả những thứ này đễu liên quan với nhau. Bí quyết về cách dùng một hòn đá đỉnh vòm chêm vào để xây cửa vòm, là một phần của sự thông thái đã khiến cho những thành viên của hội Tam Điểm trở nên những nghệ nhân giàu có đến thế, và đó là một bí quyết mà họ giữ gìn rất cẩn mật. Xưa nay, đá đỉnh vòm vẫn có truyền thống bí mật. Tuy nhiên, cái trụ bằng đá trong chiếc hộp gỗ hồng này hiển nhiên là một cái gì khác hẳn.

Viên đá đỉnh vòm của Tu viện Sion - nếu quả thực đó là cái mà họ đang nắm giữ - hoàn toàn không phải là cái mà Langdon đã hình dung.

"Viên đá đỉnh vòm của Tu viện không thuộc về chuyên môn của tôi". Langdon thừa nhận. "Mối quan tâm của tôi đối với Chén Thánh chủ yếu là về mặt kí tượng học, cho nên tôi có khuynh hướng không đếm xỉa đến việc có quá nhiều truyền thuyết về việc làm thế nào để thực sự tìm ra Chén Thánh".

Sophie nhướn mày: "Tìm ra Chén Thánh?".

Langdon gật đầu một cách không thoải mái, rồi cẩn trọng nói tiếp: "Sophie này, theo các truyền thuyết kể về Tu viện Sion, viên đá đỉnh vòm là một tấm bản đồ được mã hoá… một tấm bản đồ tiết lộ nơi cất giấu Chén Thánh".

Mặt Sophie thất thần: "Và anh nghĩ đây chính là viên đá đỉnh vòm ấy sao?".

Langdon cũng chẳng biết phải nói gì nữa. Ngay cả với ông, điều đó nghe cũng khó tin, vậy mà viên đá đỉnh vòm lại là kết luận lôgic duy nhất mà ông có thể rút ra. Một hòn đá mã hoá được giấu bên dưới dấu hiệu Hoa Hồng.

Ý tưởng cho rằng hộp mật mã là sáng kiến của danh hoạ Leonardo Da Vinci - Cựu Đại Sư của Tu viện Sion - là một dấu hiệu dầy cám dỗ khác nói lên rằng đây quả thật là viên đá đỉnh vòm của Tu viện Sion. Một thiết kế của cựu Đai sư được thực hiện bởi một thành viên khác của Tu viện Sion. Mối quan hệ này hiển nhiên đến mức khó có thể gạt bỏ.

Trong suốt thập kỉ cuối cùng của thế kỉ này, các sử gia vẫn đang cố tìm kiếm viên đá đỉnh vòm của Tu viện Sion tại rất nhiều nhà thờ ở Pháp. Những người tìm kiếm Chén Thánh, vốn quen thuộc với lối nói nước đôi lập lờ trong lịch sử của Tu viện Sion, đã đi đến kết luận rằng la clef de voyte là một viên đá đỉnh vòm theo nghĩa đen - một bộ phận chêm trong kiến trúc - một viên đá được khắc chạm và mã hoá, được gắn vào cửa vòm trong một nhà thờ nào đó. Dưới kí hiệu Hoa Hồng. Trong kiến trúc, không hề thiếu hoa hồng. Cửa sổ hoa hồng. Phù điêu hoa hồng. Và tất nhiên, vô số những ngũ diệp hoa - những hình trang trí hoa năm cánh thường thấy rất nhiều trên chóp các cửa tò vò, ngay trên viên đá đỉnh vòm. Chỗ cất giấu xem ra đơn gián một cách ma quái. Bản đồ dẫn đến Chén Thánh được ghép vào tận phía trên cao cửa vòm của một nhà thờ nào đó, như cười nhạo những con chiên mù lòa đi ngay bên dưới nó.

"Hộp mật mã này không thể là viên đá đỉnh vòm được". Sophie tranh cãi. "Nó đâu có lâu đời đến thế. Tôi dám chắc rằng ông tôi đã làm ra nó. Nó không thể là một phần trong bất cứ truyền thuyết cổ nào về Chén Thánh".

"Trong thực tế", Langdon đáp, cảm thấy một niềm phấn khích rạo rực trong người, "người ta tin rằng Tu viện Sion đã làm ra viên đá đỉnh vòm vào khoảng hai thập kỉ trở lại đây".

Mắt Sophie loé lên sự hoài nghi: "Nhưng nếu hộp mật mã này lại tiết lộ nơi cất giữ Chén Thánh tại sao ông tôi lại giao nó lại cho tôi? Tôi chẳng biết làm thế nào để mở nó và làm gì với nó. Thậm chí tôi còn chẳng biết Chén Thánh là cái gì nữa!".

Langdon ngạc nhiên nhận ra rằng Sophie nói đúng. Ông chưa có dịp giải thích cho cô về bản chất thực sự của Chén Thánh. Chuyện ấy để sau hẵng hay. Lúc này, họ phải tập trung vào viên đá đỉnh vòm đã.

Nếu đây đúng là cái…

Trên nền tiếng bánh xe chống đạn lăn ro ro bên dưới họ, Langdon giải thích nhanh cho Sophie mọi thứ mà ông đã nghe được về viên đá đỉnh vòm. Người ta cho rằng, trong suốt nhiều thế kỉ, bí mật lớn nhất của Tu viện Sion - nơi giấu Chén Thánh chưa bao giờ được viết ra trên giấy trắng mực đen. Vì sự an toàn, nó chỉ được truyền miệng cho mỗi pháp quan (2) mới thụ chức của hội kín này trong một nghi lễ bí mật. Tuy nhiên vào một thời điểm nào đó trong thế kỉ qua, đã nổi lên những lời xì xào rằng chính sách của Tu viện Sion đã thay đổi. Có lẽ điều này là do giờ đây người ta có thể nghe trộm thông qua các thiết bị điện tử hiện đại. Nhưng Tu viện Sion đã thề sẽ không bao giờ nói ra nơi cất giấu Chén Thánh linh thiêng.

"Nhưng vậy thì họ truyền lại bí mật về Chén Thánh như thế nào?". Sophie hỏi.

"Đó chính là lúc viên đá đỉnh vòm nhập cuộc", Langdon giải thích. "Khi một trong bốn thành viên lãnh đạo cao nhất qua đời, ba người còn lại sẽ lựa chọn tử các cấp dưới một ứng cử viên để đưa lên chức pháp quan. Trước khi nói cho pháp quan mới biết nơi cất giữ Chén Thánh, họ kiểm tra ứng cử viên, để qua đó ông này có thể chứng tỏ mình có xứng đáng hay không".

Sophie có vẻ vẫn chưa thoả mãn với điều này, và Langdon chợt nhớ là cô đã kể chuyện dạo xưa ông Saunière thường bày đặt để cô săn lùng kho báu như thế nào - preuves de merite(3). Phải thừa nhận là viên đá đỉnh vòm cũng là một khái niệm tương tự. Vậy thì những cuộc sát hạch như thế này cực kì phổ biến trong những hội kín. Hội kín được biết đến nhiều nhất là hội Tam Điểm. Trong hội này, các thành viên muốn thăng cấp phải chứng tỏ mình có khả năng giữ bí mật, phải biết hành lễ và qua những trắc nghiệm chứng tỏ giá trị của mình trong vòng nhiều năm. Nhiệm vụ khó dần lên cho đến khi đạt tới đỉnh điểm là được lên cấp ba mươi hai trong hội Tam Điểm.

"Vậy viên đá đỉnh vòm này là một preuve de mérite", Sophie nói. "Nếu pháp quan kế nhiệm trong Tu viện Sion có thể mở được nó, ông ta sẽ chứng tỏ mình xứng đáng được nắm thông tin mà nó tàng chứa".

Langdon gật đầu: "Tôi quên mất là cô rất có kinh nghiệm trong loại trò chơi này".

"Không chỉ với ông tôi đâu. Trong mật mã học, cái đó được gọi là "ngôn ngữ tự cho phép". Có nghĩa là nếu anh đủ thông minh để đọc được mật mã đó, thì anh được phép biết người ta đang nói gì".

Langdon đắn đo một thoáng: "Sophie này, cô có nhận thấy rằng nếu đây quả thực viên đá đỉnh vòm thì việc ông cô được nắm giữ nó hàm nghĩa rằng ông là người có quyền lực đặc biệt trong Tu viện Sion. Hẳn ông phải là một trong bốn thành viên cao nhất của tổ chức này".

Sophie thở dài: "Ông tôi là một thành viên có nhiều quyền lực trong một hội kín. Tôi dám chắc điều ấy. Tôi chỉ có thể cho rằng đó là Tu viện Sion".

Langdon bắt cá hai tay: "Cô đã biết ông có chân trong một hội kín?".

"Tôi đã thấy một vài điều không nên thấy mười năm trước đây. Tôi và ông tôi đã không nói chuyện với nhau kể từ đó", cô dừng lại. "Ông tôi không chỉ là một thành viên hàng đầu mà còn… Tôi tin rằng ông chính là người đứng đầu tổ chức này".

Langdon không sao tin được vào điều Sophie vừa nói: "Đại Sư? Nhưng làm sao cô có thể biết được điều ấy!".

"Tôi không muốn nhắc đến chuyện này", Sophie ngảnh đi, vẻ mặt vừa kiên quyết vừa đau đớn ngang nhau.

Langdon ngồi lặng đi ngỡ ngàng. Jacques Saunière là Đại sư. Dù có gây dư vang đáng kinh ngạc nếu đúng là thế, Langdon vẫn có cái cảm giác kì lạ rằng điều đó gần như hoàn toàn có lí. Xét cho cùng, các Đại Sư trước đây của Tu viện Sion cũng là những nhân vật xuất chúng có tâm hồn thẩm mĩ. Bằng chứng về sự việc đó đã được phát lộ tại Thư viện Quốc gia ở Paris cách đây mấy năm trong những tài liệu nay được gọi là Les Dossiers Secrets (4).

Mỗi một sử gia nghiên cứu về Tu viện Sion và cả những người say mê Chén Thánh đều đã đọc Dossiers. Được vào phiếu số 4lm và 249, Les Dossiers Secrets đã được nhiều chuyên gia chứng thực và hồ sơ này xác nhận rành rành những gì các sử gia đã ngờ ngợ trong một thời gian dài: các Đại Sư của Tu viện Sion bao gồm Leonardo Da Vinci, Botticelli, Sir Isaac Newton, Victor Hugo, và gần đây là Jean Cocteau, nghệ sĩ trứ danh của Paris.

Thế thì tại sao lại không cử Jacques Saunière?

Sự nghi ngờ của Langdon càng tăng lên khi ông nhận ra rằng mình đã bị hoạch định để gặp Sophie đêm nay. Đại sư của Tu viện Sion đã sắp đặt một cuộc gặp gỡ với mình. Để làm gì? Để bàn chuyện phiếm về nghệ thuật ư? Điều đó đột nhiên có vẻ vô lí. Xét cho cùng, nếu linh cảm của Langdon là đúng, thì Đại Sư của Tu viện Sion vừa chuyển giao viên đá đỉnh vòm huyền thoại của tổ chức này cho cô cháu gái và lệnh cho cô tìm gặp Langdon.

Thật khó tin!

Trí tưởng tượng của Langdon không thể nghĩ ra được bất kì một hoàn cảnh nào khả dĩ giải thích được ứng xử của Saunière.

Ngay cả nếu Saunière sợ là bản thân mình sẽ chết, thì vẫn còn ba pháp quan kia nắm giữ được bí mật và do đó, đảm bảo được an toàn cho Tu viện Sion. Vậy thì tại sao Saunière lại liều lĩnh trao cho cô cháu gái viên đá đỉnh vòm, nhất là khi hai ông cháu đang bất hòa với nhau? Và tại sao lại kéo Langdon, một người hoàn toàn xa lạ, vào cuộc?

Một mảnh của trò chơi chắp hình này bị thiếu, Langdon nghĩ bụng.

Rõ ràng câu trả lời chưa đến ngay được. Tiếng động cơ chậm lại khiến cả hai người phải ngước lên. Bánh xe nghiến trên sỏi lạo xạo Tại sao chưa chi ông ta đã dùng lại? Langdon tự hỏi.

Vernet đã hứa sẽ đưa họ đến một nơi an toàn cách xa thành phố cơ mà. Chiếc xe tải giảm tốc độ đến gần như bò qua đoạn đường gồ ghề. Sophie nhìn Langdon lo lắng, đóng vội chiếc hộp lại và cài móc vào. Langdon lại đậy chiếc áo khoác của mình lên.

Khi chiếc xe tải dừng lại, máy vẫn để chạy không trong khi khoá ở cửa sau xe bắt đầu xoay. Khi cửa mở toang ra, Langdon ngạc nhiên thấy họ đang đậu xe ở một khu rừng cách xa đường quốc lộ. Vernet hiện ra trước mặt hai người, một vẻ căng thẳng trong mắt, một khẩu súng lục trong tay.

"Tôi xin lỗi về điều này", ông nói. "Thực sự tôi không còn lựa chọn nào khác".

Chú thích:

(1) Tiếng Pháp trong nguyên bản: viên đá đỉnh vòm.

(2) Xem chú thích ở chương 1.

(3) Tiếng Pháp trong nguyên bản: trắc nghiệm để chứng tỏ giá trị hay sự xuất sắc

(4) Những Hồ sơ bí mật.

---------------------------------------------------------------
— QUẢNG CÁO —