Một Đời Không Quên

Chương 21




Tôi cũng chỉ ở lại với mẹ được mấy ngày, đợt này chị Hoài sắp sinh em bé, hơn nữa cũng gần đến lễ kỷ niệm thành lập trường nên tôi không ở nhà lâu được.
Hôm tôi leo lên xe chú Hùng trợn mắt nhìn một lúc rồi hỏi:
-Mày ở đâu ra đây vậy?
Tôi cười:
-Cháu lại bỏ nhà đi, dọc đường chú nhớ để ý kẻo bọn bắt cóc nó bắt mất cháu nhé.
Chú hất cằm ra hiệu cho tôi ngồi xuống ghế đầu tiên ngay gần ghế lái:
-Mấy năm rồi mày vẫn cứ ngơ ngơ như thế. Về mấy bữa rồi?
-Cháu mới về chú ạ, mà hôm đó cô Lâm nói chú đang đi đâu ấy, nên cháu phải đón xe khác, bộ chú có người yêu hay sao mà đợt này đi lên Đà Lạt suốt vậy?
Chú nhăn mặt nạt tôi:
-Mày cứ nghe bà Lâm nói luyên thuyên.
-Cô Lâm chẳng nói đúng còn gì, chú lớn tuổi rồi đâu cứ thể lang bạt mãi thế? Cũng phải tìm người ở bên bầu bạn chứ?
Chú cười khà khà:
-Biết rồi, mới năm nào còn nhỏ xíu ôm theo cái cặp bỏ nhà đi thế mà giờ đã lên mặt dạy đời tao rồi đấy.
-Cháu có dạy đời chú đâu, mấy cái này mỗi lần gặp cô Lâm cháu nghe suốt.
Dừng một lát chú nói tiếp:
-Bà ấy ít tuổi hơn tao, cũng quá lứa lỡ thì nên mãi tới giờ vẫn cô quạnh. Để bữa nào rỗi việc tao dẫn xuống đây chơi mấy ngày.
-Yêu vào rồi có khác, dạo này chú nói chuyện cứ bị văn vở kiểu gì ấy.
Chuyến xe hôm đó không buồn hiu hắt như mấy năm về trước, tôi tỉ tê kể cho chú mấy chuyện cỏn con từ ngày xưa, chú kể cho tôi nghe về người phụ nữ chú gặp được trong những lần lang bạt. Chú nói con người ai rồi chẳng tìm được một người để yêu thương, sớm một chút hay muộn một chút không quan trọng, quan trọng là tìm được đúng người, tôi mừng cho chú, có lẽ chú đã tìm được đúng người cho đời chú vì khi nhắc về người đó ánh mắt chú không che giấu niềm hạnh phúc ngập tràn.
Lúc xuống bến tôi định gọi cho chồng mình ra đón nhưng lại sợ anh còn bận nên tự mình đón xe về nhà.
Vừa bước vào cổng, cảnh tượng trước mắt làm tôi đứng sững lại, phải nói sao nhỉ, lòng tôi dậy sóng dù trước mắt là một khung cảnh bình yên đến lạ lùng, sự bình yên đó chợt dấy lên trong tôi vài xúc cảm, có lẽ đã đến lúc tôi nên rời đi, bây giờ tôi mới biết hóa ra nuối tiếc nhất của đời người không phải là không có được, mà là biết một ngày nào đó mình sẽ mất đi thứ mình tưởng chừng đã có trong tay, như tôi lúc này.
Lúc đó tôi nghĩ rốt cuộc thì đến cuối cùng tôi cũng chỉ mong người đàn ông tôi yêu có được những phút giây yên bình bên gia đình như thế này mà thôi.
Tôi hít một hơi sâu rồi im lặng đứng nhìn mấy giây, tâm trạng thực sự hỗn độn và phức tạp.
Người con gái đó vô tình nhìn thấy tôi nhưng nhanh thôi đã quay sang cười với mẹ chồng tôi:
-Cháu thích hoa cẩm tú cầu này lắm bác ạ, cứ tưởng chỉ có ở Đà Lạt mới trồng được loại hoa này cơ, không ngờ anh Thành nói chỉ cần chăm sóc đúng cách thì trồng ở chỗ mình hoa cũng nở rất đẹp, sau này vườn nhà mình có cả hai loài hoa cháu yêu thích.
Mẹ chồng tôi đang cùng Trang ngồi thư thả uống trà, bên cạnh là một người đàn ông đang hì hục trồng mấy cây hoa cẩm tú cầu trong vườn nhà.
Tôi bước thêm mấy bước về phía mẹ chồng, lúc tới gần mới để ý hình như nét mặt mẹ thoáng vẻ đăm chiêu, thấy tôi mẹ giật mình ngạc nhiên:
-Sao về mà không báo thằng Thành ra đón?
Tôi cười, dù nụ cười hiu hắt nhưng cũng là cười:
-Con sợ anh ấy bận mẹ ạ, hơn nữa từ bến xe về đây cũng gần, con tự về được.
Mẹ chồng tôi không hài lòng:
-Vợ chồng với nhau, bận mấy thì bận cũng phải đưa đón chứ.
Người đàn ông đó ngẩng đầu lên nhìn tôi, cũng ngạc nhiên không kém mẹ chồng, ánh mắt thất thần hốt hoảng, cơ mặt anh bỗng chốc cứng lại như có trăm nghìn lời muốn nói nhưng cuối cùng chỉ lặng lẽ nhìn tôi. Tim tôi như bị một dòng thác lũ tuôn vào lạnh thấu tâm can, xúc cảm đớn đau lan đến từng thớ thịt.
Người đàn ông đó, hôm nay anh không mặc áo vest, cũng chẳng mang dày da bóng lộn, anh mặc một bộ đồ bảo hộ rộng thùng thình dính nhiều đất cát, xung quanh là cuốc, xẻng, và cả điện thoại đang mở video hướng dẫn cách chăm sóc để trồng cẩm tú cầu cho người con gái anh yêu.
Mẹ chồng nhìn tôi một lát rồi dặn:
-Bên nhà bác Minh mới gửi thiệp mời sang, hai ngày nữa là tới lễ kỉ niệm ngày thành lập trường, hôm đó bố cũng có thiệp mời nên đi cùng bố đi.
Tôi gật đầu trả lời mẹ chồng rồi xin phép trở về phòng mình, lúc đi ngang nhà xe thấy trong đó có một chiếc xe tay ga màu vàng nhạt, hôm tôi về quê thì chưa thấy, chẳng biết nó ở đó tự bao giờ.
Hôm đi tới trường biểu diễn tôi đã gọi cho chị Hân, Hân la lên thất thanh trong điện thoại:
-Mày bị ấm đầu à? Hay có bị gì không để tao sang chở đi bệnh viện ?
-Chị cứ bị điên, em chị được mời biểu diễn nhân dịp kỷ niệm thành lập trường đấy nhá.
-Thề ?
-Em cần gì phải thề với chị, chốc nữa em đi rồi chụp mấy tấm hình gửi cho chị nhé.
Hân lắp bắp :
-Nhưng… nhưng mày làm gì mà người ta cho mày đàn ? Mày xem sao chứ dạo này tivi đưa tin nhiều vụ lừa đảo lắm đó.
Tôi không nhịn cười nổi, biết tính Hân đa nghi nhưng cũng không ngờ là đa nghi tới thế nên phải quay thiệp mời cho Hân xem, thấy trên đó viết tên tôi thật mới thôi suy diễn, giọng gần như trở về trạng thái bình thường cảm thán :
-Tính ra giờ tao mới biết tao với mày cũng chỉ là người dưng thôi, ai đời chị em thân thiết bao lâu mà chưa hề được nghe mày đàn lần nào, chưa hề nhá.
Tôi xuống giọng nài nỉ :
-Thôi thôi, em khoe cho oách thế thôi chứ cũng vì nhà anh Trường quen biết nên mới tạo điều kiện như vậy, mà em cũng run lắm chị ạ, kiểu vừa mừng vừa lo ấy.
-Lo quái gì, mày cứ theo tâm trạng của mày mà đàn, tâm trạng như thế nào thì đàn thế ấy, khi vô nốt rồi thì mọi thứ xung quanh đều trở nên vô hình, chỉ còn mình ta với ta thôi.
Tôi gật gù ngồi nghe, sau cùng mới hỏi :
-Chị cũng từng đi học đàn hả ?
-Đâu, thì tao cứ nói thế.
Tôi đúng cạn lời với Hân, lặng một lát Hân nói tiếp:
-Thế mai biểu diễn xong rồi phải khao cái gì ngon ngon nhé.
Tôi bỉu môi:
-Cuối cùng cũng chỉ có thế là nhanh, vâng, mai em về bên đó rồi nấu ăn luôn.
Ngày trước thì tiệc tùng lễ lạt gì chúng tôi cũng tụ tập lại nhà cô Hân nấu ăn, mà cũng chẳng phải nấu gì cầu kì, chỉ vài món đơn giản thường ngày rồi trải bạt ra sân, có thế thôi mà có hôm ngồi mãi tới tận khuya mới tàn tiệc. Hôm nay tôi cũng định như thế nhưng không ngờ Hân lại cản:
-Không, để hôm sau đi, mai đi chỗ khác. Mai tao dẫn anh bác sĩ trưởng khoa ra mắt mày với thằng Nguyên trước, nếu hai đứa mày duyệt thì tao mới dẫn về ra mắt mẹ tao.
-Hứ. Mấy lần nghe kể là em biết có đong đưa nhau rồi, bày đặt.
-Ừ, thế nhá, mai gặp.
Lúc vừa cúp điện thoại xong thì mẹ chồng tôi bước vào, thấy tôi vẫn chưa sửa soạn gì bà tỏ ý không hài lòng:
-Mãi tới bây giờ mà chưa lo chuẩn bị nữa, sao cứ lề mề thế?
Tôi cười:
-Vậy mẹ đợi con một lát con thay bộ áo dài xong mẹ xem có được mẹ nhé.
-Ừ, nhanh lên, ba đang đợi.
Tôi vào nhà tắm thay áo dài rồi xoay mấy vòng trước mẹ:
-Đẹp không mẹ?
-…
-Không đẹp hả mẹ, bộ này tự tay con may ấy, hồi con chưa về nhà mình đâu, giờ hình như con mập hơn ngày đó nên mặc không đẹp nữa hả mẹ?
Mẹ chồng tôi chỉ đứng chắm chú nhìn hồi lâu rồi mới gật đầu:
-Đẹp, nhưng đơn giản quá. Mấy sợi dây chuyền hôm cưới đâu sao không lấy đeo vào?
Tôi không giám chê đồ mẹ chồng tặng nhưng rõ ràng chúng không hợp với tôi nên chỉ đành chống chế:
-Con còn cất trong tủ hết, tại con thấy đi tới trường thì cũng nên đơn giản, thanh lịch một chút hơn mẹ ạ.
Tôi tưởng nói thế rồi mẹ chồng sẽ đồng ý không ngờ mẹ lại cương quyết:
-Đi lấy ra đây.
Mẹ cầm lấy cái hộp trên tay rồi lựa thêm ít trang sức đeo lên cho tôi, vừa đeo mẹ vừa nói:
-Tới trường thì tới trường, hôm nay có nhiều quan khách là các cấp lãnh đạo, huống hồ còn có cả bố chồng mình nữa thì phải chú ý chứ.
Số trang sức này thật sự không hợp với tôi thật, tôi đã thấy chúng không hợp với mình ngay từ ngày cưới thế nhưng hình như hôm nay lúc mẹ đeo vào cho tôi thì chúng không lạnh lẽo như ngày hôm ấy.
Hôm đó, lần đầu tiên tôi được mặc áo dài, được ngồi trên một sân khấu lớn, phía dưới là nhiều học trò, thầy cô, và nhiều vị quan khách. Hân nói đúng, mặc dù hơi lủng cũng nhưng rõ ràng Hân nói đúng, lúc đó tôi chỉ là mình tôi, chỉ còn một tâm hồn thênh thang hòa cùng tiếng nhạc, thênh thang mãi, mênh mông mãi, tới cả đáy lòng cũng rung lên vài xúc cảm. Phía dưới là ai tôi không nhìn thấy nữa, chỉ còn mình tôi lả lướt trên từng dây đàn, mãi tới khi nghe tiếng vỗ tay dưới sân khấu dội về mới biết hình như mình đã làm được, khoảng khắc đó đã thực sự ghi dấu mãi trong tim.
Xong buổi biểu diễn tôi thay đồ rồi đi về phía bố chồng, thấy tôi bố cười hỏi :
-Xong rồi hả con ?
Tôi đáp lời :
-Con chào bố. Lát nữa con xin phép đi với bạn, bố cứ về trước đi ạ.
-Ừ, thế con cứ đi đi, bố cũng đi cùng với mấy bác đây.
Rồi bố quay sang giới thiệu tôi cho mấy bác đang đứng nói chuyện cùng bố :
-Con dâu tôi, con dâu tôi, vợ thằng Thành.
Đi ra gần tới cổng thì tôi thấy Nguyên đang đứng ở đó, Nguyên nhìn tôi một chút rồi nói :
-Đẹp lắm, lần đầu tiên thấy Nghi mặc áo dài, cũng là lần đầu tiên thấy Nghi mặc đầm, đẹp lắm.
Lúc nãy đàn xong tôi vào phòng thay đồ thay ra chiếc đầm màu xanh nhạt, thấy Nguyên khen tôi cười :
-Đầm này lâu rồi mà chả có dịp gì để mặc, hôm nay đi gặp anh bác sĩ của chị Hân mới đưa ra mặc thử đây, mà chị Hân đâu ?
-Chị Hân đi cùng với bạn, để Nguyên chở Nghi tới chỗ nhà hàng, lúc nãy bảo vệ không cho vào nên Nguyên gửi xe ở đằng kia, mình đi bộ một đoạn nữa thì tới.
Chúng tôi cùng nhau rảo bước trên con đường hai bên trồng đầy hoa phượng, hệt như ngày trước hai đứa cũng hay lang thang cùng nhau mỗi buổi tan trường, lâu lắm rồi mới được nói chuyện thoải mái với Nguyên thế này, hình như giữa chúng tôi không còn không khí ngượng ngùng xa lạ như những ngày đầu nữa, phải rồi, Nguyên là người suốt đời tôi trân quí, là người đồng hành cũng tôi qua những tháng năm tăm tối nhất của cuộc đời, lúc đó tôi nghĩ chỉ mong suốt đời này chúng tôi mãi mãi là bạn của nhau.
Nguyên nhìn tôi gật gù :
-Ngày trước Nghi ốm như cái cây, nhiều lúc cứ nghĩ mặc áo dài vào trông như thế nào, nhanh thật nhỉ, mới đó mà đã mấy năm rồi còn gì.
Tôi cười đánh vào vai Nguyên :
-Ngày trước khác, bao nhiêu lâu rồi mà không mập lên tí nào thì ăn làm gì nữa cho tốn cơm ?
Chúng tôi vừa đi vừa vui vẻ kể cho nhau nghe vài câu chuyện xưa cũ, có những chuyện tưởng đã trôi vào dĩ vãng, những chuyện tưởng chừng đã bị thời gian xóa mờ hóa ra không phải, chúng tôi đều nhớ, chỉ vì cuộc sống bộn bề nên không còn ai nhắc nhở nữa thôi.
Tôi cứ đi về phía trước cùng Nguyên không một lần ngoái đầu lại thế nên tôi đã không biết được rằng phía sau tôi có một người đàn ông đang đứng, trong dòng người vội vã tấp nập đi về trên phố có một người đàn ông cô độc đứng ôm bó hoa hồng nhung dõi mắt nhìn theo từng bước chân xa dần của tôi.