Người Trong Bao

Chương 23: Đánh Cược



MỘT ĐÊM MÙA THU tối mịt. Lão chủ nhà băng đi đi lại lại trong căn phòng làm việc của mình và nhớ lại mười lăm năm trước, cũng vào mùa thu, lão đã tổ chức một buổi dạ tiệc. Trong buổi dạ tiệc ấy đã có nhiều vị thức giả tham dự và mọi người đã nói nhiều chuyện thú vị với nhau. Nhân đấy, họ bàn với nhau cả về án tử hình. Phần lớn các vị khách, trong đó có không ít nhà học giả, nhà báo, đều có một thái độ phủ định đối với loại án tử hình. Họ cho rằng phương thức trừng trị ấy là lỗi thời, phi đạo lý, không phù hợp với các quốc gia theo Kytô giáo. Theo ý kiến của một số người trong bọn họ thì trong mọi trường hợp đều nên thay thế án tử hình bằng án tù chung thân.

- Tôi không đồng ý với các ông, - ông chủ nhà băng và là chủ bữa tiệc nói. - Tôi chưa từng bị án tử hình hoặc án tù chung thân nhưng nếu có thể nói theo a priori(1) thì theo tôi, án tử hình hợp đạo lý hơn, nhân đạo hơn sự tù đày. Án tử hình kết liễu đời người trong chốc lát còn án tù chung thân thì giết dần giết mòn con người ta. Tên đao phủ nào có tính người hơn? Tên đao phủ giết con người trong vài phút đồng hồ hay là tên tiêu hủy dần cuộc sống con người trong vòng hàng chục năm trời?

- Cả hai cái đó đều vô đạo lý, - có một vị khách nào lên tiếng như vậy, - bởi vì cả hai cách đều có chung một mục đích tiêu hủy cuộc sống. Nhà nước không phải là Thượng đế. Nó không có quyền cướp đi cái mà nếu có muốn nó cũng không thể trả lại được.

Trong đám khách có một vị luật gia trẻ tuổi chừng hai mươi lăm. Khi người ta hỏi ý kiến anh thì anh đáp:

- Cả án tử hình lẫn án tù chung thân đều vô đạo lý, nhưng nếu tôi phải lựa chọn giữa án tử hình và án tù chung thân thì tất nhiên là tôi sẽ chọn án thứ hai. Sống dù khổ thế nào đi nữa cũng còn hơn là không sống gì cả.

Một cuộc tranh luận sôi nổi nổ ra. Lão chủ nhà băng hồi ấy còn trẻ, tính tình còn bồng bột, không kìm được mình nữa, bỗng đấm mạnh xuống bàn và quay về phía nhà luật gia trẻ tuổi mà gào to:

- Anh chỉ nói dóc thôi! Tôi sẵn sàng đánh cược hai triệu đồng rằng anh không thể ngồi nổi trong tù dù chỉ năm năm!

- Nếu ông nói điều đó một cách nghiêm chỉnh, - vị luật gia trả lời, - thì tôi sẵn sàng đánh cược với ông rằng tôi có thể ngồi tù được không phải năm năm mà là mười lăm năm liền!

- Mười lăm năm ư? Được rồ! - ông chủ nhà băng kêu lên. - Thưa các ngài, tôi dám đặt hai triệu đồng đấy!

- Tôi rất sẵn lòng! Ông hãy đặt hai triệu bạc, còn tôi đặt cả tự do của tôi! - vị luật gia nói.

Và cái trò đánh cược kỳ quặc, vô nghĩa đó đã được ghi nhận hẳn hoi. Lão chủ nhà băng dạo ấy còn được trọng vọng, chiều chuộng, còn nhẹ dạ nông nổi, giàu đến nỗi không đếm xỉa gì đến vốn liếng hàng triệu của mình, ông ta tỏ ra rất hoan hỷ khi đánh cược như vậy. Trong bữa ăn, ông ta nói giễu với nhà luật gia rằng:

- Này anh bạn trẻ ạ, anh phải tỉnh ngộ lại đi thôi, bây giờ chưa muộn đâu. Đối với tôi hai triệu chẳng có nghĩa lý gì cả, nhưng anh thì lại mạo hiểm phung phí đi ba bốn năm đẹp nhất của đời mình. Tôi nói ba bốn năm vì anh sẽ không thể ngồi tù lâu hơn. Anh cũng không nên quên rằng ngồi tù một cách tự nguyện còn khổ hơn ngồi tù cưỡng bức rất nhiều. Cái ý nghĩ rằng vào bất cứ phút nào anh cũng đều có quyền trở lại tự do sẽ đầu độc tất cả thời gian anh tồn tại trong nhà giam. Tôi thương hại anh quá!

Và lúc này, lão chủ nhà băng vừa đi đi lại lại trong phòng vừa nhớ lại tất cả và tự hỏi mình:

- Cái trò đánh cược ấy là để làm gì vậy? Có gì lợi lộc khi anh chàng luật gia kia phải chịu mười lăm năm mất tự do còn mình thì phải chịu mất đi hai triệu đồng? Liệu điều đó có thể chứng minh cho mọi người rằng, án tử hình tồi tệ hơn hay tốt đẹp hơn án tù chung thân? Không, không có gì như vậy cả. Thật là ngu xuẩn và vô nghĩa. Về phía mình đó là cái thú kỳ quặc của một kẻ no nê thừa thãi, còn về phía anh chàng luật gia - đó chỉ là một sự ham muốn tiền bạc thường tình...

Tiếp đó lão chủ nhà băng nhớ lại những gì xảy ra sau bữa tiệc tối hôm đó. Hai bên đánh cược đã thỏa thuận với nhau rằng anh luật gia sẽ phải ngồi tù ở một trong những ngôi nhà xây trong vườn của chủ nhà băng dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt. Họ cũng đã thỏa thuận rằng trong vòng mười lăm năm liền anh luật gia sẽ không được quyền bước ra khỏi ngưỡng cửa của căn nhà đó, không được nhìn thấy bất cứ ai, không được nghe giọng người nói, không được nhận thư từ và báo chí. Anh ta chỉ được có một loại nhạc cụ, được đọc sách, viết thư, uống rượu mùi và hút thuốc lá. Theo điều kiện đã thỏa thuận, thì anh ta sẽ chỉ có thể liên hệ với thế giới bên ngoài một cách lặng lẽ, thông qua chiếc cửa sổ nhỏ mà người ta đục ra để làm việc đó. Tất cả gì anh muốn: sách vở, bản nhạc, rượu và vân vân anh đều có thể có, nếu viết thư trước và được cái đó chỉ qua cửa sổ. Biên bản đánh cược cũng đã quy định trước tất cả các chi tiết sao cho anh luật gia chỉ được ngồi tù một mình và bắt buộc anh ta phải ngồi tù đúng mười lăm năm, kể từ 12 giờ ngày 14 tháng Mười một năm 1870 cho đến 12 giờ ngày 14 tháng Mười một năm 1885. Bất cứ một hành động nào từ phía anh luật gia vi phạm các quy ước kể trên cho dù chỉ còn hai phút nữa là hết hạn tù cũng sẽ làm cho lão chủ nhà băng không phải giả số tiền hai triệu đồng.

Vào năm đầu tiên, căn cứ theo những bức thư ngắn ngủi, anh luật gia tỏ ra rất đau khổ vì chịu cảnh cô đơn, buồn tẻ. Cả ngày và đêm, lúc nào cũng nghe thấy tiếng đàn dương cầm từ trong ngôi nhà ấy vọng ra. Anh ta từ chối không uống rượu và hút thuốc lá. Anh ta viết rằng, rượu kích thích những thèm muốn, mà thèm muốn là kẻ thù trước tiên của người bị tù; hơn nữa không có gì tẻ hơn là uống rượu ngon mà không được nhìn thấy ai cả. Còn thuốc lá thì đầu độc không khí trong buồng. Vào năm đầu tiên, anh luật gia yêu cầu gửi vào những cuốn sách phần lớn có nội dung tiêu khiển, các tiểu thuyết kể lại những chuyện tình rắc rối, những truyện điều tra các vụ án, truyện viễn tưởng hoang đường, hài kịch...

Vào năm thứ hai, người ta không còn nghe thấy tiếng đàn trong ngôi nhà đó nữa, và anh luật gia viết thư ra đề nghị gửi vào rặt các loại sách của các tác giả cổ điển. Vào năm thứ năm, người ta lại nghe thấy tiếng đàn, và kẻ ngồi tù đó xin đưa vào một ít rượu mùi. Những người theo dõi anh ta qua cửa sổ nói rằng suốt cả năm đó anh ta chỉ ăn, uống rượu và nằm dài trên giường, nhiều lúc ngáp dài và cáu kỉnh nói một mình. Anh ta không đọc sách nữa. Thỉnh thoảng vào lúc đêm khuya, anh ta ngồi viết những gì không rõ, viết rất lâu rồi gần sáng thì xé vụn tất cả những gì đã viết. Nhiều lần người ta nghe thấy anh ta khóc.

Từ nửa sau của năm thứ sáu, kẻ ngồi tù quay sang miệt mài học các ngoại ngữ, nghiên cứu triết học và lịch sử. Anh ta say sưa nghiên cứu các bộ môn khoa học đó đến mức khó nhọc lắm lão chủ nhà băng mới kịp đặt mua được các sách cho anh ta. Trong vòng bốn năm trời theo yêu cầu của anh ta, anh chủ nhà băng đã phải đặt mua tới gần sáu trăm tập sách. Trong thời kỳ này, có lần, anh chủ nhà băng nhận được một bức thư của kẻ bị ngồi tù như sau: “Ông quản ngục thân mến của tôi! Tôi viết cho ông những dòng này bằng sáu thứ tiếng. Ông hãy đưa cho các bậc học giả xem giùm thư xem. Nếu họ không phát hiện ra một lỗi nào thì tôi xin ông cho người bắn vài phát súng chỉ thiên trong vườn. Tiếng súng đó sẽ báo cho biết rằng những cố gắng của tôi đã không vô ích. Những bậc thiên tài ở tất cả các thời đại và ở mọi nước đều nói nhiều thứ tiếng khác nhau nhưng trong trái tim của họ thì đều cùng ấp ủ một ngọn lửa như nhau. Ồ, nếu ông biết rằng, giờ đây tâm hồn tôi đã được hưởng một hạnh phúc phi thường như thế nào khi tôi đã hiểu các bậc thiên tài!” Ý muốn của kẻ ngồi tù đã được đáp lại. Lão chủ nhà băng đã sai người bắn hai phát súng chỉ thiên trong vườn.

Từ năm thứ mười một trở đi, anh luật gia ngồi yên sau bàn và chỉ đọc có một cuốn Kinh thánh. Lão chủ nhà băng rất lạ rằng kẻ ngồi tù kia đã từng đọc sáu trăm tập sách cao siêu trong vòng bốn năm trời lại mất đến gần một năm để đọc một cuốn sách không dày và chẳng có gì khó hiểu. Tiếp sau cuốn Kinh thánh là cuốn lịch sử các tôn giáo và cuốn sách về thần học.

Hai năm cuối cùng, kẻ ngồi tù đọc rất nhiều sách không theo một sự lựa chọn nào cả. Khi thì anh ta đọc những sách về khoa học tự nhiên, khi thì đề nghị gửi vào tác phẩm của Bairơn(2) hay là của Sếchxpia(3). Anh ta gửi ra những bức thư trong đó cùng một lúc anh ta yêu cầu cho xem cả sách về hóa học, sách giáo khoa về y học, cả tiểu thuyết hoặc là một cuốn khảo luận nào đó về triết học hay về thần học. Cách đọc của anh ta gây ấn tượng giống như anh ta đang bơi ngoài biển rộng giữa những mảnh vỡ của một con tàu bị đắm và để mong tự cứu mình, anh ta cố bám lấy hết mảnh ván này sang mảnh ván khác!



II.

LÃO CHỦ NHÀ BĂNG nhớ lại tất cả và nghĩ rằng: “Ngày mai, vào lúc 12 giờ anh ta sẽ được tự do. Theo điều kiện đã thỏa thuận, ta sẽ phải trả cho anh ta hai triệu đồng. Nếu ta phải trả số tiền đó thì thật là cả một thảm họa: ta sẽ phá sản hoàn toàn...”

Mười lăm năm trước đây, lão chủ nhà băng không thèm biết đích xác mình có bao nhiêu triệu đồng, còn bây giờ thì lão ta không dám tự hỏi mình xem tiền của còn lại của lão nhiều hơn hay các khoản nợ nhiều hơn? Sự đầu cơ chứng khoán cờ bạc, tính nông nổi, sự đam mê vào các cuộc buôn lậu phiêu lưu mà về già lão vẫn chưa thoát khỏi được đã dần dần làm cơ nghiệp của lão suy sụp; và từ một kẻ giàu có đầy kiêu hãnh, tự phụ, không hề biết sợ điều gì, lão đã biến thành một viên chủ nhà băng cỡ trung bình mà mỗi lần giá bạc lên xuống đều thấy hồi hộp lo lắng.

- Thật là một trò đánh cược chó chết! - lão làu bàu nói, hai tay túm lấy đầu mình một cách tuyệt vọng. - Sao anh ta lại không chết quách đi nhỉ? Anh ta mới bốn mươi tuổi. Anh ta sẽ lấy của ta số vốn liếng cuối cùng, rồi cưới vợ, hưởng mọi thú vui trên đời, anh ta sẽ dùng số tiền ấy mà kinh doanh, còn ta thì sẽ như một tên ăn mày mà nhìn anh ta với vẻ thèm thuồng và ngày nào cũng sẽ nghe thấy anh ta nói đi nói lại một câu: “Đời tôi có được hạnh phúc thế này là nhờ ông, cho phép tôi được hân hạnh giúp đỡ ông!” Không, thế này thì không thể chịu được! Lối thoát duy nhất cho ta khỏi cảnh phá sản và nhục nhã này - là cái chết của anh ta!

Đồng hồ điểm ba giờ đêm. Lão chủ nhà băng lắng tai nghe ngóng: trong nhà mọi người đều đã ngủ, chỉ có tiếng những hàng cây lạnh lẽo khẽ lao xao trong vườn. Lão cố hết sức nhẹ nhàng lấy ra khỏi tủ két sắt chiếc chìa khóa cánh cửa đã mười lăm năm nay không mở ra, rồi lão mặc áo bành tô vào và bước ra.

Trong vườn vừa tối vừa lạnh. Mưa rơi. Gió ẩm ướt rít lên qua khắp khu vườn làm cây cối ngả nghiêng. Lão chủ nhà băng căng mắt ra nhìn mà không thấy đường, không thấy các pho tượng trắng đặt trong khu vườn, không thấy nhà cửa, cây cối. Đi gần đến chỗ có ngôi nhà giam, lão cất tiếng gọi người gác hai lần. Không có tiếng trả lời. Chắc là người gác đã đi trú mưa và bây giờ chắc đang ngủ ở một nơi nào trong bếp hay là trong nhà kính ươm cây.

“Nếu ta có gan thực hiện được ý đồ của ta, - lão già nghĩ, - thì kẻ bị nghi ngờ trước tiên là tên gác”.

Trong bóng tối lão sờ soạng mấy bậc tam cấp và tấm cửa rồi mò vào gian ngoài của ngôi nhà, sau đó lại men theo tường mà lần vào hành lang. Lão bật diêm lên, không có một ai. Có một chiếc giường không chăn đệm nằm chỏng chơ, phía góc nhà bóng một chiếc lò gang mờ mờ hiện ra. Dấu niêm phong dán ngoài cửa buồng giam viên luật gia vẫn còn nguyên.

Khi que diêm tắt, lão già hồi hộp run lên và ghé nhìn qua ô cửa nhỏ?

Trong buồng giam, một ngọn nến leo lét cháy. Kẻ bị tù thì ngồi sau bàn. Chỉ trông thấy lưng anh ta, trông thấy hai tay và mái tóc. Trên mặt bàn, trên hai chiếc ghế bành, trên tấm thảm gần bàn những cuốn sách đang đọc dở nằm ngổn ngang.

Năm phút trôi qua rồi mà kẻ bị tù vẫn ngồi yên không nhúc nhích. Mười lăm năm cầm cố đã dạy cho anh ta cách ngồi bất động như thế. Lão chủ nhà băng gõ gõ vào cửa sổ mà anh ta vẫn không hề cựa quậy tỏ ra là nghe thấy tiếng động. Đến lúc ấy lão già mới thận trọng bóc tờ giấy niêm phong ra và đặt chìa vào ổ khóa. Chiếc ổ khóa đã gỉ kêu rin rít và chiếc cánh cửa ken két mở ra. Lão chủ nhà băng tưởng rằng liền ngay đó, lão sẽ nghe thấy tiếng kêu kinh ngạc và tiếng chân người bước ra, nhưng chừng ba phút đã trôi qua rồi mà phía bên trong buồng vẫn im ắng như trước. Lão quyết định đi hẳn và trong buồng.

Ngồi sát bên bàn là một kẻ hoàn toàn bất động, không giống người bình thường chút nào. Đó là một bộ xương bọc da, mái tóc quăn như tóc đàn bà, bộ râu dày. Nước da mặt vàng ệch hơi giống màu đất thó, hai má trũng sâu, lưng gầy nhỏ mà dài, còn cánh tay đang đỡ mái đầu bù xù kia thì khô đét đến mức chỉ nhìn thôi cũng thấy rờn rợn. Mái tóc anh ta đã lốm đốm những khoảnh màu muối tiêu, và nhìn lên khuôn mặt gầy rộc bơ phờ đó, không một ai có thể tin rằng anh ta mới bốn mươi tuổi. Anh ta đang ngủ... Đầu anh ta cúi ngã trên mặt bàn đặt một tờ giấy có những chữ.

“Thật là một kẻ đáng thương! - lão chủ nhà băng nghĩ. - Anh ta đang ngủ và chắc là đang nằm mơ thấy bạc triệu. Chỉ cần ta bế xốc kẻ dở sống dở chết này đặt lên giường, khẽ chẹn cái gối lên mặt thì dù có điều tra xét nghiệm kỹ lưỡng đến thế nào đi nữa cũng không thể phát hiện được rằng kẻ đó đã bị chết một cách trái tự nhiên. Nhưng mà khoan, hãy thử đọc xem anh ta viết cái gì vậy...”

Lão chủ nhà băng cầm tờ giấy lên và đọc thấy như sau:

“Ngày mai vào lúc 12 giờ, tôi sẽ được tự do và được quyền giao thiệp với mọi người. Nhưng trước khi rời khỏi căn buồng này và nhìn thấy mặt trời, tôi thấy cần phải nói với ông mấy lời. Tôi thề với lương tâm, thề với Thượng đế đang nhìn thấy tôi rằng, đến lúc này tôi đã coi thường hết thảy, cả quyền tự do, cả cuộc sống, cả sức khỏe của tôi, tất cả những gì mà các cuốn sách ông gửi cho tôi gọi là lạc thú ở đời.

Mười lăm năm qua tôi đã miệt mài tìm hiểu cuộc đời trên trái đất này. Quả tình là tôi không nhìn thấy đất, thấy người nhưng qua các cuốn sách ông gửi vào, tôi đã được uống rượu thơm, được hát, được ruổi rong trong các khu rừng mà đuổi bắt hươu nai và lợn rừng, đã được yêu những người đàn bà... Những người đẹp nhẹ như một áng mây được bàn tay kỳ diệu của các nhà thơ thiên tài sáng tạo ra đêm đêm vẫn đến thăm tôi và thì thầm vào tai tôi những câu chuyện thần thoại lạ lùng làm đầu óc tôi mê say. Qua các cuốn sách ông gửi vào, tôi đã trèo lên đỉnh núi Enbôrux, đỉnh Môngbơlăng cao chót vót, và nhìn thấy từ đấy cảnh mặt trời lên buổi sáng và chiều chiều tỏa ánh vàng rực lên khắp bầu trời, đỉnh núi, đại dương; tôi nhìn thấy từ đấy những ánh chớp lòe lên rạn nứt trong mây; tôi nhìn thấy những dải rừng xanh, những cánh đồng, dòng sông, những chiếc hồ và những thành phố; tôi nghe thấy tiếng hát của nữ thần biển cả mặt người mình chim, nghe thấy tiếng sáo mục đồng trên thảo nguyên; tôi chạm tay vào các đôi cánh của các con quỷ tuyệt đẹp bay đến với tôi để chuyện trò về Thượng đế... Qua các cuốn sách ông gửi, tôi đã lao mình xuống những vực thẳm, đã sáng tạo ra những điều kỳ lạ, đã chém giết, đốt cháy các thành phố, đã truyền bá những đạo giáo mới và chiếm đoạt các vương quốc bao la...

Các cuốn sách ông gửi đã đem lại sự hiểu biết uyên thâm cho tôi. Tất cả những gì trí tuệ không biết mệt mỏi của nhân loại đã tạo ra qua hàng bao thế kỷ đã chứa đựng vào trong sọ não bé nhỏ của tôi. Tôi biết rằng, tôi uyên bác hơn tất cả các người.

Tôi coi khinh các cuốn sách của ông, coi khinh sự uyên bác, coi khinh tất cả mọi lạc thú trên đời. Tất cả đều nhỏ nhen, vô nghĩa, mau chóng phai tàn, tất cả đều hư vô, đánh lừa thị giác như một ảo ảnh. Dù cho các người có kiêu hãnh, thông thái và đẹp đẽ đến đâu rồi cái chết cũng sẽ xóa sạch các người khỏi mặt đất như những con chuột cống, và cả con cháu của các người, cả lịch sử và sự bất tử của các thiên tài cũng sẽ bị đóng băng khô lạnh hoặc là bị thiêu cháy cùng với quả đất này.

Các người đã mất trí và đang đi theo con đường sai lạc. Các người nhầm tưởng sự giả dối là sự thật, nhầm tưởng cái xấu xa là cái đẹp. Các người sẽ ngạc nhiên sửng sốt nếu vì một lý do nào đấy các cây táo, cây cam không cho ta quả chín mà lại mọc ra những con ếch, con tắc kè hoặc là hoa hồng lại tỏa ra mùi mồ hôi của con ngựa; còn tôi thì kinh ngạc thấy các người đã đánh đổi bầu trời lấy mặt đất. Tôi không muốn hiểu các người nữa.

Để chỉ rõ cho ông thấy một cách cụ thể sự khinh bỉ của tôi đối với những gì các người đang dựa vào mà sống, tôi tuyên bố từ chối không nhận số tiền hai triệu đồng mà ngày xưa tôi đã từng mơ tưởng đến như mơ tưởng một thiên đường và bây giờ thì tôi khinh bỉ. Để tước đoạt quyền lấy số tiền đó, tôi sẽ ra khỏi nơi đây năm giờ trước thời hạn đã định và bằng cách ấy tôi sẽ vi phạm điều giao ước với ông...”

Đọc xong bức thư, lão chủ nhà băng đặt tờ giấy xuống bàn và hôn lên đầu con người lạ lùng, lão ta khóc và bước ra khỏi ngôi nhà. Chưa từng bao giờ, ngay cả sau khi bị thua đầu cơ chứng khoán, lão lại tự cảm thấy khinh bỉ con người mình như lúc này. Trở về buồng mình, lão nằm xuống giường, nhưng rất lâu sau, lão cũng không thể nào ngủ được vì hồi hộp xúc động đến rơi nước mắt...

Sáng ngày hôm sau, mấy người gác nhà giam hớt hải chạy lên báo rằng họ đã nhìn thấy kẻ ở trong ngôi nhà giữa vườn ấy đã chui qua cửa sổ trườn ra ngoài, đi về phía cổng rồi sau đó lẩn mất đi đâu không biết. Cùng với mấy người làm công, lão chủ nhà băng đã xuống ngôi nhà đó và lập biên bản xác nhận kẻ bị giam đã bỏ trốn. Để tránh những sự bàn luận lôi thôi, lão thu lấy bức thư khước từ số tiền đánh cược, trở lên nhà và bỏ vào tủ két của mình mà khóa lại.

__________

1. Phỏng đoán (tiếng La Tinh).

2. Bairơn Gioócgiơ Nôn Gorđôn (1788-1824) - nhà thơ lãng mạn vĩ đại người Anh.

3. Sếchxpia Ulyam (1564-1616) - nhà viết kịch và nhà thơ vĩ đại người Anh.