Người Trong Bao

Chương 27: Iônứts



KHI KHÁCH ĐẾN TỈNH LỴ X. than rằng cuộc sống ở đấy buồn tẻ, đơn điệu thì, như để thanh minh, dân địa phương đã nói rằng ngược lại ở X. rất vui, có thư viện, có nhà hát, câu lạc bộ, có dạ hội khiêu vũ, và nhất là có những gia đình dễ chịu, thú vị, thông minh để có thể làm quen. Và người ta thường nhắc đến gia đình Turkin như một gia đình có học thức và tài năng nhất.

Gia đình này sống trong ngôi nhà riêng trên đường phố chính, gần nhà quan tổng đốc. Chủ nhân Turkin, Ivan Pêtơrơvíts, một người to béo, có mái tóc đen khá đẹp, để râu quai nón, vẫn thường tự mình tổ chức những buổi diễn kịch nghiệp dư nhằm mục đích từ thiện. Ông thường sắm vai các vị tướng già và thường có kiểu ho rất buồn cười. Ông biết nhiều chuyện tiếu lâm, nhiều tục ngữ, câu đố, rất thích nói đùa, chơi chữ; nhìn vẻ mặt ông không thể hiểu được rằng ông đang nói đùa hay nói thật. Vợ ông là bà Vêra Iôxipốpna, một người mảnh khảnh, gương mặt ưa nhìn, đeo pince-nez(1), có viết truyện, tiểu thuyết và thường thích thú đem ra đọc cho khách nghe. Con gái ông là Êkatêrina Ivanốpna, một cô gái trẻ biết chơi đàn dương cầm. Nói tóm lại, mỗi thành viên trong gia đình đều có một tài năng nào đó. Gia đình Turkin thường tiếp đón khách rất hồ hởi và vui vẻ giới thiệu tài năng của mình với khách một cách giản dị thật lòng. Ngôi nhà xây bằng đá của họ rất rộng rãi, về mùa hè mát lạnh, nửa số cửa sổ hướng ra khu vườn rợp bóng cây cao, nơi về mùa xuân họa mi tới hót. Khi có khách ngồi trên nhà thì dưới bếp có tiếng dao thớt lách cách, mùi hành phi tỏa ra ngoài sân thơm phức - và lần nào cũng vậy cái đó hứa hẹn một bữa ăn tối ngon lành, thịnh soạn.

Và mọi người cũng đã nói với bác sĩ Xtarxép, Đơmitơri Iônứts, khi anh vừa được bổ về làm việc ở Đialigiơ cách X. chín vécxta, rằng đối với một người trí thức như anh thì việc làm quen với gia đình Turkin là cần thiết. Có lần vào mùa đông, người ta đã giới thiệu anh với Ivan Pêtơrơvíts ở ngoài phố; họ nói chuyện với nhau về thời tiết, về nhà hát, về dịch tả, sau đó thì Ivan Pêtơrơvíts mời bác sĩ đến nhà mình chơi. Đến mùa xuân, vào một ngày lễ, sau khi tiếp bệnh nhân, Xtarxép lên đường vào thành phố để giải trí chút ít, vừa nhân thể mua sắm vài thứ lặt vặt. Anh đi bộ lững thững (anh không có ngựa riêng) vừa đi vừa khe khẽ hát:

Thuở anh chửa từng uống lệ tự chén đời(2)...

Anh ăn trưa ở ngoài phố, dạo chơi trong công viên, rồi sau đó bỗng dưng anh nhớ tới lời mời của Ivan Pêtơrơvíts, anh quyết định ghé thăm gia đình Turkin xem họ là những người như thế nào.

- Xin chào bác sĩ, - Ivan Pêtơrơvíts nói khi đón anh ngoài thềm. - Rất, rất vinh hạnh được đón vị khách quý thế này. Nào, xin anh vào cho tôi giới thiệu với bà xã nhà tôi. Vêra ạ, tôi đã nói với anh ấy, - ông giới thiệu bác sĩ với vợ, - tôi đã nói với anh ấy rằng anh không được quyền ngồi ru rú nơi bệnh viện của mình, anh cần phải hiến những giờ phút nghỉ ngơi của mình cho xã hội. Có phải thế không hở mình?

- Mời anh ngồi xuống đây, - bà Vêra Iôxipốpna vừa nói vừa thân mật kéo khách ngồi xuống bên cạnh mình. - Anh có thể tán tỉnh tôi nữa đấy. Nhà tôi hay ghen lắm, như Ôtenlô(3) ấy, nhưng chúng ta sẽ xử sự sao cho ông ta không nhận thấy điều gì cả.

- Mình chỉ nói đùa thôi nào... - Ivan Pêtơrơvíts nhẹ nhàng lẩm bẩm rồi hôn lên trán vợ. - Anh đến đúng lúc lắm, - ông lại nói với khách, - bà xã nhà tôi vừa viết xong một cuốn tiểu thuyết khá dài, hôm nay bà sẽ đọc cho mọi người nghe.

- Gianchích, - Vêra Iôxipốpna nói với chồng, - dites que l’on nous donne du thé(4).

Chủ nhân giới thiệu tiếp Xtarxép với Êkatêrina Ivanốpna, một cô gái mười tám tuổi, rất giống mẹ, cũng mảnh khảnh và có gương mặt ưa nhìn như thế. Gương mặt này còn nhiều nét trẻ thơ, thân hình mảnh mai, mềm mại; ngực nàng trinh trắng, đầy đặn, khỏe mạnh, xinh xắn gợi nhớ đến mùa xuân, một mùa xuân thực sự. Sau đó mọi người ngồi uống nước chè với mật ong, mứt, kẹo và thứ bánh bích quy thượng hảo hạng vừa ngậm vào miệng đã tan mịn ra. Gần về tối, khách đến đông dần, người nào Ivan Pêtơrơvíts cũng hồ hởi nói, đôi mắt sáng lên: “Xin chào quý khách”.

Sau đó mọi người ngồi trong phòng khách với vẻ mặt thật là nghiêm trang, và Vêra Iôxipốpna bắt đầu đọc tiểu thuyết của mình. Bà mở đầu bằng câu: “Trời lạnh buốt...” Cửa sổ phòng khách mở toang, có thể nghe thấy tiếng dao thớt lách cách trong bếp, mùi hành phi thơm phức bay lên... Ngồi trong những chiếc ghế bành êm, sâu thật là bình thản, trong phòng khách khi trời vừa tối ánh đèn tỏa ra thật là dịu nhẹ; và lúc này, vào một tối mùa hè, khi tiếng cười nói lao xao từ ngoài phố vọng vào, hoa đinh hương ngoài sân đưa mùi thơm ngào ngạt, thật là khó hiểu khi phải nghe đọc “trời lạnh buốt và mặt trời đang lan tỏa những tia nắng yếu ớt lên cánh đồng phủ đầy tuyết trắng và người bộ hành đơn độc lang thang trên đường”. Vêra Iôxipốpna đọc tiểu thuyết kể về một nữ bá tước trẻ tuổi cho xây dựng ở làng mình nhiều trường học, bệnh viện, thư viện, đem lòng say mê một chàng họa sĩ lang thang, - bà ta đọc tiểu thuyết viết về những gì không tồn tại trong cuộc đời, tuy vậy ngồi nghe câu chuyện đó cũng thú vị, dễ chịu, trong đầu nảy ra toàn những ý nghĩ tốt đẹp, bình yên, - vì thế cũng chẳng có ai muốn đứng dậy...

- Không đến nỗi nào... - Ivan Pêtơrơvíts khẽ nói.

Một vị khách vừa nghe vừa lơ đãng nghe đến một nơi nào xa, thật xa, đáp lại rất khẽ:

- Vâng... đúng thế...

Một giờ, rồi hai giờ trôi qua. Từ công viên thành phố gần đây vọng lại tiếng dàn nhạc và dàn đồng ca. Khi Vêra Iôxipốpna gấp cuốn vở của mình lại thì mọi người im lặng chừng năm phút và lắng nghe bài “Lusinnuska”(5) mà dàn đồng ca đang hát. Bài hát này đã nói tới những gì không có trong tiểu thuyết vừa đọc, những gì tồn tại trong cuộc đời.

- Bà đã cho đăng những tác phẩm của mình trên tạp chí rồi chứ? - bác sĩ Xtarxép hỏi Vêra Iôxipốpna.

- Không anh ạ, - bà trả lời, - tôi chẳng in ở đâu cả. Viết ra rồi cho vào tủ cất đi thôi. Cho in làm gì hở anh? - bà giải thích. - Chúng tôi đủ tiền tiêu rồi mà.

Và không hiểu vì sao mọi người đều thở dài.

- Bây giờ đến lượt con chơi bản đàn nào đi Kôchích, - Ivan Pêtơrơvíts nói với con gái.

Người ta mở nắp đàn, giở bản nhạc để sẵn trên giá. Êkatêrina Ivanốpna ngồi xuống, hai tay gõ mạnh xuống phím đàn; sau đó nàng lại đập mạnh xuống phím đàn lần nữa, lần nữa, rồi lần nữa; ngực và vai nàng rung rung, nàng cố sức gõ đi gõ lại vào một chỗ tưởng chừng như sẽ chỉ ngừng gõ khi phím đàn bên trong bị đứt. Cả phòng khách vang rền tiếng đàn; sàn nhà, trần, bàn ghế dường như rung lên... Êkatêrina Ivanốpna chơi một đoạn nhạc khó, hấp dẫn người nghe chính là ở mức độ khó biểu diễn của nó tuy vừa dài vừa đơn điệu. Xtarxép vừa nghe vừa tưởng tượng ra cảnh nhiều hòn đá từ trên núi cao không ngừng theo nhau ào ào lăn xuống và anh chỉ muốn những hòn đá đó lập tức không lăn được nữa. Cũng vào lúc ấy, anh cảm thấy rất thích Êkatêrina Ivanốpna mặt ửng đỏ vì căng thẳng, trông khỏe khoắn, đầy sinh khí, món tóc xoăn lòa xòa xuống trán. Sau cả mùa đông sống ở Đialigiơ bên cạnh những bệnh nhân và nông dân, thì bây giờ ngồi trong phòng khách, nhìn cô gái trẻ, kiều diễm và chắc là trong trắng này chơi bản đàn ồn ào, chẳng lấy gì làm du dương nhưng vẫn có vẻ cao siêu, - điều đó đối với Xtarxép quả là thú vị, quả là mới mẻ...

- Kôchích, hôm nay con chơi hay hơn hẳn mọi ngày, - Ivan Pêtơrơvíts rưng rưng nước mắt nói khi con gái kết thúc bản nhạc và đứng lên. - Ông Đênix hãy chết đi, về sau ông không thể chơi hay hơn hôm nay được đâu(6)...

Mọi người xúm quanh nàng chúc mừng, biểu lộ sự kinh ngạc, cam đoan rằng lâu lắm rồi họ chưa được nghe bản nhạc nào như thế; nàng im lặng nghe, khẽ mỉm cười, toàn thân nàng lộ rõ vẻ hân hoan của người vừa ghi một chiến công.

- Tuyệt diệu! Tuyệt vời!

- Tuyệt thật! - Xtarxép cũng nói khi bị cuốn vào không khí say mê chung quanh. - Chị học nhạc ở đâu thế? - anh hỏi Êkatêrina Ivanốpna. - Ở nhạc viện à?

- Không, tôi đang sửa soạn thi vào nhạc viện, tôi chỉ học ở đây thôi, học bà Daplốpxkaia.

- Chị học xong trường trung học ở đây rồi chứ?

- Không đâu! - bà Vêra Iôxipốpna trả lời thay cho con. - Chúng tôi mời thầy về nhà dạy; đi học ở trường, các anh thấy đấy, có thể bị những ảnh hưởng xấu; chừng nào con gái còn đang lớn thì nhất thiết và phải chịu ảnh hưởng của một mình người mẹ thôi.

- Mặc dù vậy, con sẽ lên học ở nhạc viện, - Êkatêrina Ivanốpna nói.

- Không đâu, Kôchích ạ, con phải thương mẹ chứ. Kôchích không bao giờ làm cho bố mẹ nó buồn phải không?

- Không, con sẽ đi! Con phải đi! - Êkatêrina Ivanốpna nói, vừa có vẻ đùa vừa có vẻ nhõng nhẽo, chân giậm xuống sàn nhà.

Đến lúc ăn tối, Ivan Pêtơrơvíts mới có dịp trổ tài. Đôi mắt sáng lên như cười giễu, ông lần lượt kể các chuyện tiếu lâm, chơi chữ, ra những câu đố vui rồi tự mình giải đáp; lúc nào ông cũng nói bằng thứ ngôn ngữ độc đáo, lập dị, hình thành qua vô số lần chơi chữ và rõ ràng là từ lâu đã trở thành thói quen của ông.

Nhưng thế vẫn chưa hết. Khi các vị khách, vừa thỏa mãn vừa no nê, đang đứng đông đúc ngoài hành lang để lấy bành tô và can của mình thì thằng ở Páplusa - hay như ở đây vẫn thường gọi là Pava - một đứa bé chừng mười bốn tuổi, tóc cắt ngắn, đôi má phúng phính cứ chạy lăng xăng quanh bọn họ.

- Nào, Pava, biểu diễn thử xem nào! - Ivan Pêtơrơvíts nói với thằng bé.

Pava đứng nghiêm lại, tay giơ cao và kêu lên bằng một giọng bi thảm:

- Hỡi cô gái bất hạnh, hãy chết đi cho rồi.

Và mọi người cười phá lên.

“Buồn cười thật”, - Xtarxép nghĩ thầm khi đi ra khỏi nhà.

Anh còn ghé vào một quán ăn uống ít bia, sau đó đi bộ về nhà mình ở Đialigiơ. Dọc đường, anh vừa đi vừa hát nghêu ngao:

Giọng nói của em với anh vừa dịu dàng vừa mệt mỏi(7)...

Đi hơn mười vécxta rồi, mà khi lên giường nằm ngủ, anh vẫn không hề cảm thấy mệt mỏi chút nào, ngược lại anh có cảm tưởng rằng mình có thể sẵn sàng đi thêm một quãng đường dài gấp đôi thế.

“Không đến nỗi nào...” - anh nhớ lại khi đã bắt đầu buồn ngủ, rồi chợt cười thành tiếng.

II.

XTARXÉP CỨ ĐỊNH đến nhà Turkin chơi, nhưng công việc ở bệnh viện bận đến nỗi anh không biết đi vào lúc nào. Thế là hơn một năm nữa trôi qua anh sống đơn độc, cặm cụi làm việc; nhưng rồi có lần anh nhận được một bức thư với phong bì màu xanh từ thành phố gửi tới...

Từ lâu, Vêra Iôxipốpna đã bị bệnh đau đầu, thời gian gần đây khi ngày nào Kôchích cũng dọa đi lên nhạc viện học thì những cơn đau có phần hay lặp lại hơn. Các bác sĩ trong thành phố đều đã đến nhà Turkin và bây giờ đến lượt cả bác sĩ ở Đialigiơ. Vêra Iôxipốpna viết cho anh một lá thư lời lẽ đầy xúc động, yêu cầu anh lên thăm và chữa bệnh cho bà. Xtarxép đã đến và từ sau lần đó anh thường đến nhà Turkin luôn luôn... Quả thật là anh cũng đã chữa được ít nhiều cho Vêra Iôxipốpna, và bà đã nói với khách khứa rằng Xtarxép là một bác sĩ tài giỏi khác thường. Nhưng anh đã đến thăm gia đình Turkin không phải chỉ vì chứng bệnh đau đầu của bà chủ nữa...

Vào ngày nghỉ, Êkatêrina Ivanốpna đã kết thúc những bài tập dương cầm dài lê thê đầy mệt nhọc. Mọi người ngồi rất lâu trong phòng ăn và uống trà, còn Ivan Pêtơrơvíts thì lại kể những chuyện buồn cười. Bỗng có tiếng chuông gọi cửa; chủ nhà phải đi ra phía cửa ra vào để đón một vị khách nào đó; Xtarxép lợi dụng phút lộn xộn đó thì thầm nói với Êkatêrina Ivanốpna, giọng đầy xúc động:

- Tôi van cô, đừng làm tôi phải khổ nữa, đi ra vườn với tôi một lát đi!

Nàng nhún vai tỏ vẻ ngạc nhiên không hiểu anh cần gì ở nàng, nhưng rồi nàng vẫn đứng dậy và bước ra ngoài.

- Ngày nào cô cũng ngồi chơi đàn dương cầm ba bốn giờ, - Xtarxép vừa đi theo sau nàng vừa nói, - sau đó cô lại ngồi bên cạnh mẹ, nên tôi chẳng có lúc nào nói chuyện được với cô cả. Cho tôi được gần bên cô dù chỉ 15 phút, tôi van cô.

Mùa thu đang dần đến, khu vườn cây cổ thụ vắng vẻ, buồn buồn, những chiếc lá khô màu sẫm nằm trên con đường giữa hai hàng cây. Hoàng hôn đã buông xuống.

- Tôi không được gặp cô cả một tuần rồi, - Xtarxép nói tiếp, - nếu cô biết được rằng đó là một đau khổ như thế nào với tôi! Cô ngồi xuống đây đi. Cô nghe tôi nói nhé.

Hai người đều thích ngồi ở một chiếc ghế đặt dưới tán cây phong lâu năm xòe rộng. Và bây giờ họ lại ngồi chỗ đó.

- Anh cần gì kia? - Êkatêrina Ivanốpna hỏi với giọng khô khan như đang bàn chuyện công việc.

- Tôi không được nhìn cô cả một tuần lễ, tôi không được nghe cô nói suốt một thời gian lâu như vậy. Tôi thèm được nghe giọng nói của cô. Cô hãy nói đi.

Vẻ tươi mát của nàng, cặp mắt và đôi má ngây thơ đã làm anh ngây ngất say mê. Đến chiếc áo nàng mặc anh cũng cảm thấy có cái gì hết sức dịu dàng xúc động, vừa giản dị vừa kiều diễm thơ ngây. Cũng lúc ấy, mặc dù trông nàng còn thơ trẻ, anh cảm thấy nàng rất thông minh, so với lứa tuổi mình thì nàng hiểu biết rất nhiều. Anh có thể nói đủ thứ chuyện với nàng, về văn học, về nghệ thuật, về mọi việc, có thể than phiền với nàng về cuộc đời, về người này người nọ, tuy đôi lần khi anh đang nói chuyện nghiêm trang thì nàng bất chợt cười phá lên không đúng chỗ hay chạy luôn vào nhà. Giống như các cô gái khác ở thành phố X., nàng đọc rất nhiều (nói chung thì ở X. người ta rất ít đọc sách; tại thư viện địa phương, người ta vẫn thường nói rằng nếu không có các thiếu nữ và các chàng Do Thái trẻ tuổi thì đến phải đóng cửa thư viện); điều này làm Xtarxép rất thích, lần nào anh cũng xúc động hỏi nàng xem mấy ngày vừa qua nàng đã đọc sách gì và anh say sưa nghe nàng kể lại những gì nàng đã đọc.

- Tuần vừa rồi cô đọc gì vậy, khi chúng ta không gặp nhau? - anh hỏi. - Cô nói đi.

- Tôi đọc Pixemxki(8).

- Cụ thể là cuốn nào?

- Cuốn “Một nghìn người”, - Kôchích trả lời. - À mà người ta gọi Pixemxki buồn cười lắm cơ: Alếchxây Phêôphilắctứts!

- Cô đi đâu vậy? - Xtarxép hoảng hốt nói, khi thấy nàng vụt đứng dậy và đi về phía nhà. - tôi cần nói chuyện với cô, tôi cần nói hết mọi điều... Xin cô dừng lại đây dù chỉ năm phút nữa thôi! Tôi van cô!

Nàng dừng lại như muốn nói điều gì, sau đó vụng về dúi vào tay anh một mảnh giấy rồi chạy vào nhà, tiếp đó lại ngồi xuống chơi đàn.

“Hôm nay, vào mười một giờ đêm, - Xtarxép đọc, - anh hãy đến bên đài tưởng niệm Đêmétti ngoài nghĩa trang”.

“Điều này thật chẳng hợp lý chút nào, - anh nghĩ, sau khi tỉnh táo trở lại. - Sao lại ở ngoài nghĩa trang? Để làm gì kia chứ?”

Có thể thấy rõ là Kôchích đã giở trò tinh nghịch. Quả thật là có ai lại có thể nghiêm chỉnh định giờ hẹn gặp vào ban đêm mà lại ở một nơi rất xa ngoài thành phố, trong một nghĩa trang khi hoàn toàn có thể gặp nhau ở ngoài phố, tại công viên? Và liệu điều này có thích hợp với anh không, khi một bác sĩ thông minh, một người đàng hoàng như anh lại phải lòng một cô gái, nhận thư từ, loanh quanh đứng chờ ngoài nghĩa trang, phạm những điều ngu xuẩn mà bây giờ ngay cả bọn học sinh cũng chế giễu? Chuyện tình này rồi sẽ đi tới đâu? Bạn bè sẽ nói thế nào, khi biết chuyện này? Xtarxép đã nghĩ như vậy khi đi đi lại lại bên những chiếc bàn kê trong câu lạc bộ, thế rồi vào mười giờ rưỡi đêm anh bất chợt quyết định đi ra nghĩa địa.

Anh đã có một cỗ xe song mã riêng và người đánh xe tên là Pantêlâymôn mặc chiếc gilê bằng nhung. Trăng tỏa sáng. Chung quanh vắng lặng và ấm áp, nhưng mà ấm áp theo kiểu mùa thu. Ở vùng ven nội gần một khoảnh rừng nghe có tiếng chó tru. Xtarxép cho dừng xe ở một ngõ hẻm cuối thành phố rồi một mình đi bộ ra nghĩa trang. “Tính nết ai thì cũng có những điểm dị kỳ, - anh nghĩ. - Kôchích cũng là người kỳ dị, biết đâu nàng có thể không đùa mà sẽ đi ra đấy thật”, - anh ấp ủ chút hi vọng mong manh trống rỗng ấy, và điều đó làm anh say sưa.

Anh đi qua một quãng đường đồng chừng nửa vécxta. Từ xa nghĩa trang hiện lên thành một dải đen sẫm trông như một cánh rừng hay một khu vườn lớn. Hàng rào xung quanh xây bằng đá trắng. Rồi cánh cổng. Dưới ánh trăng có thể đọc được dòng chữ kẻ trên cổng nghĩa trang: “Sẽ điểm cái giờ ở nơi ấy...(9)” Bước qua cổng, Xtarxép trước tiên nhìn thấy những chiếc thánh giá màu trắng và những bức tượng ở hai bên con đường rộng có trồng cây; anh nhìn thấy bóng của những bức tượng, thánh giá và của những cây dương trên mặt đất. Khắp cả nghĩa trang là những hình bóng chỗ đen chỗ trắng, hàng cây lặng yên như đang ngủ nghiêng cành bên những ngôi mộ trắng. Có cảm giác rằng ở đây hãy còn sáng hơn ngoài cánh đồng; những lá cây phong trông như bàn chân thú hiện lên rõ mồn một trên nền đường rải cát vàng, trên những tấm bia; có thể đọc được những hàng chữ ghi trên bia. Thoạt tiên Xtarxép thấy bàng hoàng trước những gì anh đang thấy lần đầu trong đời và chắc là chẳng còn dịp nào thấy lại nữa: trước mắt anh là một thế giới không giống bất kỳ ở đâu khác, một thế giới đẹp đẽ mềm mại với ánh trăng bàng bạc, dường như đây là quê hương của nó, nơi không có sự sống nhưng trong từng cây dương màu sẫm tối kia, trong từng ngôi mộ đều toát ra vẻ gì huyền bí hứa hẹn một cuộc sống kỳ diệu, êm đềm, vĩnh viễn. Có chút gì bình yên, buồn buồn, độ lượng tỏa ra từ những tấm bia mộ, những vòng hoa đã héo cùng với mùi hương của những chiếc lá mùa thu.

Chung quanh vắng lặng; những vì sao trên trời cao hiền hòa lấp lánh; tiếng bước chân Xtarxép tản ra nghe rõ mồn một và lạ lẫm. Chỉ đến khi chuông nhà thờ đổ hồi và anh hình dung mình là một người đã chết, bị chôn vùi ở đây vĩnh viễn, thì anh mới có cảm giác rằng có ai đang nhìn anh; trong chốc lát anh nghĩ rằng đấy không phải là im lặng, bình yên mà là một nỗi buồn da diết của hư vô, một niềm tuyệt vọng đau đớn...

Đài tưởng niệm Đêmétti, xây như một nguyện đường có hình thiên thần ở phía trên; trước đây một lần có đoàn ca kịch Ý qua thành phố X. này, một nữ nghệ sĩ đã chết ở đây; người ta an táng nàng và dựng lên đài tưởng niệm này. Trong thành phố không còn ai nhớ đến nàng nữa, nhưng cây đèn thờ đặt trước lối vào lung linh phản chiếu ánh trăng trông như đang cháy sáng.

Một bóng người. Có ai lại đến đây vào lúc nửa đêm? Nhưng Xtarxép vẫn chờ đợi, dường như ánh trăng đã làm lòng anh thêm rạo rực, anh tưởng tượng ra mình sẽ được ôm, được hôn nàng như thế nào. Anh ngồi cạnh đài tưởng niệm độ chừng nửa giờ, sau đó anh đi dạo theo những con đường sát hàng rào, tay cầm mũ, vừa đợi chờ vừa nghĩ rằng nơi đây, dưới lớp đất sâu, đã chôn vùi bao nhiêu các bà, các cô, những người lúc sinh thời đã thật là đẹp xinh, kiều diễm, những người đã từng yêu, từng dịu dàng, say đắm trong đêm. Thế rồi tạo hóa thật khéo trêu tức con người, thật đáng tiếc phải nhận ra điều đó. Xtarxép nghĩ vậy, và cùng lúc ấy anh muốn gào lên rằng anh đang khao khát, đang chờ đón tình yêu dù bất kể thế nào; trước mắt anh không phải là những phiến đá hoa cương trắng toát nữa mà là những thân hình đẹp lồ lộ, anh thấy những bóng người đang xấu hổ nấp trong tán cây sẫm tối, anh cảm thấy hơi thở ấm áp, và tâm trạng dày vò ấy mỗi lúc một thêm nặng nề...

Mặt trăng bỗng khuất sau mây, tất cả chung quanh tối sẫm hệt như tấm màn đã hạ. Một lúc sau Xtarxép mới tìm được cổng ra, trời tối quá, như trong đêm mùa thu, sau đó anh còn phải đi quẩn quanh chừng một giờ rưỡi nữa để tìm đến ngõ hẻm, nơi anh cho xe ngựa đỗ lại.

- Ta mệt quá, đứng không vững nữa, - anh nói với Pantêlâymôn.Ngồi lên xe, ngả người thoải mái, anh nghĩ: “Ồ, kể ra cũng không nên phát phì!”



III.

TỐI HÔM SAU anh đến nhà Turkin để ngỏ lời cầu hôn. Nhưng chuyện đó xem ra không thích hợp lắm vì lúc ấy một người thợ uốn tóc đang sửa mái tóc cho Êkaterina Ivanốpna trong phòng của nàng. Nàng đang sửa soạn đi dự vũ hội.

Anh đành phải ngồi rất lâu trong phòng ăn và uống trà. Thấy khách có vẻ chán chường, ưu tư, Ivan Pêtơrơvíts rút trong túi áo gilê một mảnh giấy rồi đọc to bức thư nghe rất buồn cười của một quản gia người Đức, bức thư nói rằng trong trang ấp các khóa cửa đều bị hỏng, tức tường bị đổ(10).

“Của hồi môn họ cho cô ấy chắc cũng khá đấy”, - Xtarxép vừa nghĩ vừa lơ đãng nghe ông già đọc thư.

Sau một đêm mất ngủ, anh ở trong tâm trạng thảng thốt, hệt như toàn thân anh chứa những gì dịu ngọt, đê mê; lòng anh thấy mơ màng nhưng ấm áp, vui vui, đồng thời trong tâm trí anh hiện ra một ý nghĩ lạnh lùng, nặng nề:

“Dừng lại thôi, khi còn chưa muộn! Liệu nàng có xứng đôi với anh không? Nàng được chiều chuộng, tính tình đỏng đảnh, ngủ đến 2 giờ trưa mới dậy, còn anh chỉ là con một người tu sĩ, một bác sĩ ăn lương nhà nước ở hội đồng tự quản...”

“Thế thì sao? - anh nghĩ. - Cứ cho là thế đã sao”.

“Thêm nữa, nếu anh lấy cô ta, - ý nghĩ lạnh lùng kia lại suy đoán tiếp, - thì bố mẹ cô ấy sẽ bắt anh bỏ nghề ở Đialigiơ để sống nơi thành phố”.

“Thế thì sao? - anh nghĩ. - Thì cứ sống ở thành phố đã sao. Cô ta sẽ có của hồi môn, rồi mình lo liệu được tất...”

Cuối cùng Êkatêrina Ivanốpna bước vào phòng ăn, mặc áo dài vũ hội hở vai. Trông nàng thật đẹp và thanh khiết. Xtarxép nhìn ngắm nàng say sưa, ngây ngất đến nỗi không nói được một lời nào, chỉ biết nhìn nàng và mỉm cười.

Nàng chào mọi người để đi dự vũ hội. Chẳng còn lý do gì để ở lại đấy, Xtarxép đứng dậy nói rằng đã đến lúc anh phải về nhà, ở đó bệnh nhân đang đợi anh.

- Thôi được rồi, - Ivan Pêtơrơvíts nói, - anh về đi, nhân tiện anh đưa Kôchích đến câu lạc bộ nhé!

Ngoài sân mưa lất phất rơi, trời tối đen như mực, chỉ nhờ nghe tiếng ho húng hắng của lão Pantêlâymôn mới đoán được ngựa đứng ở đâu. Mui xe được kéo lên.

Ivan Pêtơrơvíts đỡ con gái ngồi lên xe và nói:

- Thôi đi đi! Chào tạm biệt!...

Xe ngựa chạy ra khỏi sân.

- Hôm qua tôi có ra nghĩa địa đấy, - Xtarxép bắt đầu nói. - Cô đã không độ lượng, từ tâm với tôi...

- Anh ra nghĩa địa ư?

- Vâng tôi đã ra đấy và chờ cô đến gần hai giờ đêm. Tôi đã đau khổ...

- Anh cứ việc đau khổ đi, nếu anh không hiểu được những chuyện đùa.

Êkatêrina Ivanốpna cảm thấy mãn nguyện rằng đã ranh mãnh trêu đùa người yêu mình, đã được yêu say đắm đến thế. Nàng cười phá lên nhưng bất thần nàng sợ hãi kêu lên vì đúng vào lúc ấy ngựa chạy quặt vào cổng câu lạc bộ và chiếc xe bị nghiêng sang một bên. Xtarxép ôm ngang lưng Êkatêrina Ivanốpna; còn nàng thì hoảng sợ áp sát vào anh. Không kìm mình được, Xtarxép nồng nàn hôn lên môi, lên cằm và ghì chặt lấy nàng.

- Thôi đủ rồi, - nàng nói khô khan.

Và chỉ thoáng sau nàng đã không còn trên xe. Người cảnh sát đứng gần lối vào sáng ánh đèn của câu lạc bộ cất giọng ghê tởm quát lão Pantêlâymôn:

- Ê, thằng chết tiệt kia, sao lại đỗ xe đây hở? Đánh xe đi ngay!

Xtarxép trở về nhà, nhưng ít lúc sau lại quay lại. Anh mặc bộ cánh đuôi tôm mượn của người khác, thắt chiếc cà vạt màu trắng cứng mà vẫn cộm lên và lúc nào như cũng muốn tuột ra khỏi cổ áo. Đến nửa đêm, anh ngồi trong phòng khách câu lạc bộ và say sưa nói với Êkatêrina Ivanốpna:

- Ô, những người chưa từng yêu biết thật là ít. Tôi có cảm tưởng rằng chưa ai mô tả đúng tình yêu, và kể cũng khó mà mô tả được tình cảm dịu dàng, sung sướng, đau khổ ấy. Nếu có ai dù chỉ một lần nếm trải cảm giác đó thì người ấy sẽ không lấy lời nói mà diễn tả lại. Việc gì phải mào đầu, phải diễn tả? Việc gì phải nói những lời mỹ miều? Tình yêu của tôi là không cùng... Tôi xin cô, tôi van cô, - cuối cùng Xtarxép mới thốt lên, - tôi ao ước cô thành vợ tôi.

- Anh Đơmitơri Iônứts ạ, - Êkatêrina Ivanốpna nghĩ một lát rồi nói với vẻ rất nghiêm trang. - Anh Đơmitơri Iônứts, tôi rất biết ơn anh về tình cảm tốt đẹp ấy, tôi kính trọng anh, nhưng... - nàng đứng dậy và nói tiếp, - nhưng, anh thứ lỗi cho, tôi không thể làm vợ anh được. Chúng ta sẽ nói chuyện nghiêm chỉnh với nhau. Anh Đơmitơri Iônứts ạ, anh biết đấy, tôi yêu nghệ thuật hơn mọi thứ trên đời này, tôi yêu, tôi sùng bái âm nhạc đến mất trí, tôi muốn hiến cả đời mình cho âm nhạc. Tôi muốn trở thành nghệ sĩ, tôi thèm được có vinh quang thành tích, thèm được tự do, còn anh thì lại muốn tôi tiếp tục sống trong thành phố này, tiếp tục cuộc sống trống rỗng, vô bổ này, cuộc sống mà tôi đã không thể nào chịu nổi. Làm vợ ư? Ồ không, xin lỗi anh! Con người cần phải hướng tới một cái đích cao cả, xán lạn, thế mà cuộc sống gia đình thì lại có thể trói buộc tôi suốt đời. Anh Đơmitơri Iônứts ạ (nàng hơi mỉm cười khi nói cái tên ấy vì chợt nhớ đến tên “Alếchxây Phêôphilắctứts”), anh Đơmitơri Iônứts ạ, anh là một người phúc hậu, cao thượng, thông minh, anh tốt đẹp hơn tất cả mọi người... - nước mắt rưng rưng trong khóe mắt nàng, - tự đáy lòng, tôi rất thông cảm với anh, nhưng... nhưng anh hãy biết cho rằng...

Để khỏi khóc òa, nàng quay mặt lại và bỏ ra khỏi phòng khách.

Tim Xtarxép không còn hồi hộp đập nữa, rời khỏi câu lạc bộ, việc đầu tiên anh làm là giật chiếc cà vạt cứng ra khỏi cổ áo và hít thở một hơi dài. Anh cảm thấy hơi ngượng ngùng, lòng tự ái của anh bị xúc phạm, anh không ngờ lại bị từ chối như vậy, không thể tin được rằng tất cả ước mơ, khổ đau và hi vọng của anh lại dẫn anh đến một kết cục ngu xuẩn như vậy, hệt như trong một vở kịch nhỏ trên sân khấu nghiệp dư. Anh thấy thương cho tình cảm của mình, tình yêu của mình, thương đến mức tưởng như có thể òa lên khóc hay lấy hết sức mà cầm ô đập vào cái lưng to bè bè của lão Pantêlâymôn.

Ba ngày liền anh không làm được việc gì, không ăn, không ngủ, nhưng đến khi nghe nói rằng Êkatêrina Ivanốpna đã lên Maxcơva để thi vào nhạc viện thì anh thấy yên lòng trở lại và lại bắt đầu sống như xưa.

Sau này thỉnh thoảng mỗi khi chợt nhớ lại lúc thơ thẩn trong nghĩa địa hay lúc đi khắp thành phố để kiếm một cái áo đuôi tôm, Xtarxép uể oải vươn mình và nói:

- Thế mà cũng lắm điều phiền toái!



IV.

BỐN NĂM TRÔI QUA. Ở thành phố, Xtarxép đã khám bệnh cho nhiều người. Sáng sáng anh vội vã tiếp bệnh nhân ở Đialigiơ, sau đó anh đi tới các bệnh nhân trên thành phố, không phải bằng xe song mã mà bằng xe tam mã có chuông rung và đến khuya mới về lại nhà. Người anh béo ra, phát phì lên, không còn thích đi bộ vì bị khó thở. Cả Pantêlâymôn cũng phát phì, lão càng to ngang ra thì lại càng thở dài thườn thượt hơn và than vãn cho số phận cay đắng của mình: lão phát khổ phát sở lên vì suốt ngày phải đánh xe đi!

Xtarxép đến nhiều nhà khác nhau, gặp đủ hạng người, nhưng anh chẳng gần gũi với ai cả. Đám người phàm tục mà anh tiếp xúc chỉ làm anh khó chịu qua những câu chuyện của họ, qua lối nghĩ về cuộc sống hay chỉ vì hình dáng của họ. Kinh nghiệm dần dà dạy anh rằng, khi anh đánh bài hay ăn điểm tâm với một kẻ phàm tục thì hắn tỏ ra là một người ôn hòa, khoan dung thậm chí cũng không đến nỗi đần; nhưng chỉ cần chuyển sang nói với hắn về một cái gì đó không ăn được như về chính trị hay khoa học chẳng hạn thì lập tức hắn bị bí và tuôn ra một thứ ngu si và độc ác đến mức chỉ còn biết khoát tay mà tránh xa. Khi Xtarxép thử bắt chuyện với một kẻ phàm tục thậm chí mang danh là cấp tiến chẳng hạn như về điều rằng nhân loại, nhờ trời, đang tiến lên phía trước và tương lai sẽ không cần phải có chứng minh thư, không có các án tử hình, thì kẻ phàm tục liếc nhìn anh với vẻ hoài nghi và hỏi: “Thế nghĩa là đến lúc ấy, người ta có thể cắt cổ bất kỳ ai ngoài phố à?” Khi bạn bè tụ tập ăn tối hay uống trà và Xtarxép nói rằng cần phải lao động, không thể sống mà không lao động thì mọi người lầm tưởng đó là lời trách móc; họ nổi cáu và hăng hái cãi lại. Tuy thế bọn họ quả thực đều không làm gì, không làm một chút gì, không quan tâm đến một việc gì, và không sao có thể nghĩ được điều gì để nói chuyện với bọn họ. Xtarxép thường tránh bắt chuyện, anh chỉ ăn và đánh bài. Nếu tình cờ ghé vào nhà nào đang có lễ lạt và được mời ăn, thì Xtarxép ngồi xuống lặng lẽ ăn, mắt nhìn xuống đĩa. Tất cả những gì người ta nói với nhau vào lúc ấy đều tẻ nhạt, vô nghĩa, ngu xuẩn; điều đó làm anh cảm thấy khó chịu, bực bội, nhưng anh chỉ im lặng. Vì anh hay nghiêm nghị ngồi im mà nhìn xuống đĩa thức ăn nên người ta gọi anh là “người Ba Lan khó đăm đăm”, mặc dù anh chẳng bao giờ là người Ba Lan cả.

Anh tránh xem các trò giải trí như hòa nhạc, sân khấu, nhưng tối nào cũng đánh bài rất say sưa đến chừng ba giờ đêm. Còn có một thú vui nữa mà anh thấy quen dần ấy là cứ tối tối rút từ các túi ra những tờ giấy bạc kiếm được do đi khám bệnh. Có khi anh đếm được chừng bảy mươi rúp giấy bạc nhét khắp các túi, những tờ giấy bạc màu vàng, màu xanh tỏa đủ thứ mùi - mùi nước hoa, mùi giấm, mùi trầm hương hay dầu cá... Khi gom góp được vài trăm rúp, anh đem gửi vào tài khoản vãng lai của Hội tương trợ tín dụng.

Trong vòng bốn năm từ sau khi Êkatêrina Ivanốpna đi khỏi, anh đến thăm nhà Turkin chỉ có hai lần, theo lời mời của Vêra Iôxipốpna - bà vẫn tiếp tục phải chữa bệnh đau đầu. Hè nào Êkatêrina Ivanốpna cũng về thăm bố mẹ, nhưng anh không có dịp nào gặp nàng.

Thế rồi bốn năm đã trôi qua. Vào một buổi sáng im lặng, ấm áp, người ta đem đến bệnh viện cho anh một bức thư. Vêra Iôxipốpna viết cho Đơmitơri Iônứts rằng bà ta rất nhớ anh, mong anh thế nào cũng ghé thăm làm khuây khỏa nỗi khổ của bà rồi nói thêm hôm nay là ngày sinh nhật của bà. Phía dưới thấy dòng chữ đề thêm: “Tôi cũng tán thành lời yêu cầu của mẹ. K.”.

Xtarxép nghĩ ngợi một lát rồi buổi tối lên xe đi đến nhà Turkin.

- A, xin chào anh! - Ivan Pêtơrơvíts đón anh, nheo mắt cười. - Xin chào anh.

Vêra Iôxipốpna già đi nhiều, tóc bạc trắng. Bà bắt tay Xtarxép, thở dài đầy kiểu cách rồi nói:

- Bác sĩ chẳng ngó ngàng gì đến tôi cả, chẳng chịu đến nhà tôi, với anh tôi đã quá già rồi mà. Nhưng đấy anh xem, có người khác trẻ hơn tôi đã về đấy, nó chắc sẽ may mắn hơn tôi.

Còn Kôchích thì sao? Cô gầy đi, nước da nhợt nhạt, trông đẹp hơn, thon thả cân đối hơn. Nhưng đó không phải là Kôchích năm xưa nữa mà chỉ là Êkatêrina Ivanốpna; không còn đâu vẻ tươi mát, ngây thơ năm nào nữa. Trong ánh mắt, trong từng cử chỉ chứa đựng một điều gì mới mẻ - e ngại và như có lỗi, hệt như ở đây, trong nhà của gia đình Turkin nàng cảm thấy mình là người xa lạ.

- Bao xuân qua đông lại rồi anh nhỉ! - nàng vừa nói vừa đưa tay ra cho Xtarxép, có thể thấy rõ rằng tim nàng đang đập hồi hộp; nàng chăm chăm nhìn anh với vẻ hiếu kỳ rồi nói tiếp - Anh béo ra nhiều quá. Anh rám nắng và trông oai vệ lắm, nhưng nói chung là anh cũng ít thay đổi thôi.

Đến bây giờ anh vẫn thấy thích nàng, rất thích nữa là đằng khác, nhưng trong con người nàng còn thiếu một chút gì hay thừa một cái gì đó, tự anh không thể nói được rành rẽ đó là điều gì; có cái gì đấy ngăn cản anh xúc động như trước kia. Anh không thích vẻ nhợt nhạt của nàng, không thích cách nói mới, nụ cười uể oải, giọng nói; lát sau, anh cũng cảm thấy không ưa bộ xiêm áo nàng mặc, chiếc ghế bành nàng ngồi, không thích cái gì đó trong quá khứ, khi mà suýt nữa thì anh đã lấy được nàng. Anh nhớ lại tình yêu của mình, nhớ lại những ước mơ và hy vọng từng xúc động lòng anh bốn năm về trước, và anh cảm thấy lúng túng.

Mọi người uống trà, ăn bánh ngọt. Sau đó bà Vêra Iôxipốpna lại đọc tiểu thuyết của mình; bà ta đọc lên những điều chẳng bao giờ có trong cuộc đời, còn Xtarxép thì ngồi nghe, đưa mắt nhìn mái đầu bạc trắng khá đẹp của bà và chờ xem lúc nào thì bà thôi đọc.

“Kẻ bất tài, - anh nghĩ, - không phải là người không biết viết truyện mà là người viết xong truyện rồi lại không biết giấu nó”.

- Không đến nỗi nào, - Ivan Pêtơrơvíts nói.

Sau đó Êkatêrina Ivanốpna chơi đàn dương cầm hồi lâu, tiếng đàn nghe ầm ĩ; và khi nàng kết thúc, mọi người lại cảm ơn, bày tỏ với nàng sự thán phục hồi lâu.

“Cũng may mà dạo ấy mình không lấy cô ta”, - Xtarxép nghĩ thầm.

Nàng nhìn anh với vẻ như chờ đợi anh mời nàng đi vào vườn chơi, nhưng anh lặng thinh.

- Nào, chúng ta nói chuyện với nhau đi chứ, - nàng vừa tiến gần lại chỗ anh, vừa nói - Anh sống thế nào? Anh có chuyện gì mới không? Suốt thời gian qua, lúc nào tôi cũng nghĩ tới anh, - nàng nói tiếp, giọng xúc động, - tôi đã định gửi thư cho anh, định tự mình đến Đialigiơ thăm anh, tôi đã quyết định đi rồi thì liền đó tôi lại phân vân không biết bây giờ anh đối với tôi thế nào, nên lại thôi. Hôm nay tôi hết sức xúc động đợi anh đến. Chúng ta vào vườn dạo chơi đi.

Họ vào vườn và ngồi xuống chiếc ghế dưới cây phong già như bốn năm về trước. Trời rất tối.

- Độ này anh sống thế nào? - Êkatêrina Ivanốpna hỏi.

- Không đến nỗi nào, sống thế nào xong thôi, - Xtarxép đáp.

Và anh không thể nghĩ thêm điều gì để nói. Cả hai cùng im lặng.

- Tôi thì hồi hộp, - Êkatêrina Ivanốpna nói, lòng bàn tay che lên mặt, - mà anh thì dửng dưng như không. Về đến nhà, tôi cảm thấy thật là nhẹ nhõm, tôi sung sướng được gặp lại mọi người, và vẫn còn bàng hoàng mãi không thôi. Biết bao nhiêu là kỷ niệm. Tôi tưởng rằng chúng ta sẽ nói chuyện với nhau không phút giây nào ngừng đến sáng.

Lúc này anh mới nhìn kỹ gương mặt nàng với đôi mắt sáng; ở đây, trong bóng tối, nàng trông trẻ hơn lúc ngồi trong phòng, thậm chí, dường như vẻ thơ ngây ngày xưa lại trở lại với nàng. Và quả thực là nàng cũng đã nhìn anh với vẻ hiếu kỳ hệt như cố thấy rõ và nhận biết con người trước đây đã yêu nàng nồng nàn đến thế, dịu dàng và bất hạnh đến thế; ánh mắt nàng lộ rõ lòng biết ơn với tình yêu của anh. Anh nhớ lại những gì đã xảy ra, nhớ tới từng chi tiết nhỏ, anh nhớ đã lang thang trong nghĩa địa thế nào, đã mệt mỏi trở về nhà khi gần sáng. Bất giác anh cảm thấy buồn buồn, tiếc thương cho quá khứ. Lòng anh chợt thấy chút gì ấm áp.

- Cô còn nhớ lần tôi đưa cô đến câu lạc bộ không? - anh nói. - Hôm ấy trời mưa và rất tối...

Anh thấy lòng mình dịu lại, anh muốn nói, muốn than vãn với nàng về cuộc sống...

- Ồ! - anh thở dài và nói. - Cô hỏi tôi sống thế nào ư. Chúng ta sống ra sao nào? Chẳng ra sao cả. Chúng ta già đi, béo ra, ngày một đổ đốn. Hết sáng rồi lại đêm, một ngày lại qua, mà cuộc sống thì vẫn trôi đi tẻ nhạt, không để lại một ấn tượng nào, không một ý nghĩ nào... Ban ngày thì kiếm ăn, tối thì lại đến câu lạc bộ, tụ tập với bọn người đánh bài, nghiện rượu, những kẻ tôi không thể nào chịu nổi. Có gì là tốt đẹp đâu?

- Nhưng anh còn có việc làm, còn có mục đích cao thượng trong cuộc sống. Trước đây anh hay nói về nhà thương của mình lắm cơ mà. Còn tôi dạo ấy thật là lạ lùng, tôi tưởng tượng ra mình là một nghệ sĩ dương cầm vĩ đại. Bây giờ thì các cô gái đều chơi đàn dương cầm, tôi cũng chơi đàn như mọi người và tôi cũng chẳng có điều gì đặc biệt hơn người. Tôi chơi đàn cũng như mẹ tôi viết văn vậy thôi. Tất nhiên là dạo ấy tôi đã không hiểu anh, nhưng sau này, khi ở Maxcơva, tôi nghĩ nhiều về anh. Tôi chỉ nghĩ đến anh. Thật là hạnh phúc được làm một bác sĩ giúp đỡ những người đau khổ, phụng sự nhân dân. Thật là hạnh phúc! - Êkatêrina Ivanốpna say sưa nhắc lại. - Ở Maxcơva, khi nghĩ đến anh, tôi đã hình dung ra anh là một người lý tưởng, đầy cao thượng...

Xtarxép chợt nghĩ đến những tờ giấy bạc mà tối tối anh vẫn thích thú lôi ra từ các thứ túi, và cảm giác ấm áp trong lòng anh vụt tắt.

Anh đứng dậy đi về phía nhà. Nàng khoác tay anh.

- Anh là người tốt đẹp nhất mà tôi đã được biết trong cuộc đời, -nàng nói tiếp. - Chúng ta sẽ thường xuyên gặp nhau, phải thế không anh? Anh hứa với tôi đi. Tôi không phải là nghệ sĩ dương cầm, về phần mình tôi không lầm lẫn thế nữa và sẽ không bao giờ chơi đàn, nói tới âm nhạc khi có mặt anh nữa.

Họ vào nhà và khi dưới ánh đèn sáng, Xtarxép nhìn thấy gương mặt nàng, đôi mắt nàng buồn buồn, đầy vẻ biết ơn và dò hỏi đang nhìn anh thì anh cảm thấy ái ngại, băn khoăn. Anh lại nghĩ: “Cũng may mà dạo ấy mình không lấy cô ta”.

Anh cáo từ ra về.

- Anh không được quyền rời khỏi nhà này mà không ăn tối, - Ivan Pêtơrơvíts đưa tiễn anh và nói. - Về phía anh, như vậy là không hay. Nào, Pava, biểu diễn thử xem nào! - ông ta nói với Pava khi ra đến hành lang.

Pava bấy giờ không còn là cậu bé nữa mà là một chàng trai trẻ có ria mép. Pava đứng nghiêm lại, tay giơ cao và kêu lên bằng một giọng bi thảm:

- Hỡi cô gái bất hạnh, hãy chết đi cho rồi!

Những cảnh ấy làm Xtarxép khó chịu. Ngồi trong xe, nhìn lên ngôi nhà và khu vườn tối sẫm trước đây đã từng xiết bao gần gũi thân thiết với anh, anh chợt nhớ lại tất cả - tiểu thuyết của bà Vêra Iôxipốpna, tiếng đàn dương cầm ầm ĩ của Kôchích, những câu chơi chữ của Ivan Pêtơrơvíts, dáng đứng bi thảm của Pava. Anh nghĩ rằng nếu những người mang tiếng là giỏi giang nhất thành phố này lại bất tài đến thế thì cả thành phố này sẽ còn phải thế nào.

Ba ngày sau, Pava mang đến cho anh bức thư của Êkatêrina Ivanốpna.

“Anh không đến chúng tôi chơi. Vì sao thế? - nàng viết. - Tôi sợ rằng anh đã thay lòng, tôi sợ thế và chỉ thoáng nghĩ đến điều đó tôi đã hoảng sợ. Anh hãy trấn an tôi đi, anh hãy đến và nói rằng, mọi chuyện đều êm đẹp.

Tôi rất cần được nói chuyện với anh. Êkatêrina của anh”.

Đọc xong bức thư, nghĩ ngợi một lát anh nói với Pava:

- Này anh bạn, về nói lại rằng hôm nay ta không đến, ta bận lắm. Nói rằng chừng ba ngày nữa ta sẽ đến.

Nhưng ba ngày, rồi một tuần trôi qua, mà anh vẫn không đến. Có lần, khi đi qua nhà Turkin, anh chợt nhớ rằng nên ghé vào một lát, nhưng nghĩ lại rồi thôi.

Và không bao giờ anh đến nhà Turkin nữa.



V.

VÀI NĂM NỮA QUA. Xtarxép càng béo, càng phệ ra, thở nặng nhọc, khi đi đầu hơi ngả ra phía sau. Khi anh ta đi trên xe tam mã gắn chuông rung, mặt mày đỏ gay, người béo phệ và đằng trước là lão Pantêlâymôn, cũng béo phệ, đỏ gay, gáy nung núc những thịt, tay giơ ra phía trước thẳng như khúc gỗ, miệng quát người đi đường: “Nép vào bên phải!”, thì cái cảnh ấy trông thật oai vệ: có cảm tưởng rằng đang đi trên xe không phải là người mà là một vị thần của đạo ngẫu tượng. Anh có rất nhiều bệnh nhân ở khắp thành phố, chẳng lúc nào hết việc mà nghỉ ngơi đôi chút, đã có trang ấp riêng và hai ngôi nhà cho thuê ở thành phố. Tuy nhiên anh vẫn đang tìm thêm ngôi nhà thứ ba, cho thuê tiện lợi hơn. Khi ở Hội tương trợ tín dụng người ta nói tới một ngôi nhà nào sắp bán là anh chẳng nể nang gì đi thẳng đến nhà ấy, qua khắp các phòng, không thèm để ý tới điều rằng đàn bà, trẻ con trong nhà còn chưa kịp ăn vận quần áo tử tế và đang ngạc nhiên, lấm lét nhìn anh ta. Anh gõ gõ đầu gậy vào từng cánh cửa và hỏi:

- Buồng làm việc đây à? Hay buồng ngủ? Còn kia là buồng gì?

Những lúc ấy anh khó nhọc thở và lấy khăn lau mồ hôi trên trán.

Anh rất nhiều việc, nhưng vẫn không từ bỏ chức bác sĩ ăn lương; lòng tham thúc giục anh vừa muốn làm cả hai việc, ở cả hai nơi. Ở Đialigiơ và trên thành phố, dân chúng chỉ đơn giản gọi anh ta là Iônứts: “Iônứts đi đâu đấy?” hoặc: “Có nên mời Iônứts đến họp Hội đồng giám định y khoa không?”

Chắc vì mỡ đầy lên ở họng nên giọng nói của anh cũng thay đổi, trở nên the thé, chói tai. Tính tình cũng thay đổi: khó tính và hay cáu gắt. Khi tiếp bệnh nhân, anh thường cáu kỉnh, nôn nóng đập đập gậy xuống sàn nhà và quát lên bằng cái giọng chát chúa của mình:

- Xin trả lời vào câu hỏi cho. Đừng huyên thuyên nữa!

Anh ở một mình, sống buồn tẻ, không quan tâm đến điều gì cả.

Trong suốt cả thời gian ở Đialigiơ, tình yêu đối với Kôchích đã là niềm vui duy nhất và chắc là niềm vui cuối cùng của anh. Tối tối, anh đánh bài ở câu lạc bộ, sau đó ngồi ăn một mình bên chiếc bàn to tướng. Dọn thức ăn cho anh là Ivan, người hầu bàn cao tuổi và lành nghề nhất. Người ta đem rượu nho lafit No.17 cho anh. Và tất cả mọi người, từ chủ câu lạc bộ cho đến đám hầu bàn, đầu bếp, đều biết anh thích gì, không ưa cái gì. Họ đều cố sức làm vừa lòng anh, nếu không anh lại bất thần nổi cáu và sẽ lại đập gậy xuống sàn.

Khi đang ăn tối, cũng có lúc anh quay sang nói góp vào câu chuyện của mấy người ngồi cạnh:

- Các anh nói gì vậy? Nói đến ai thế?

Cũng có khi nghe mấy người ngồi bàn bên cạnh nói về gia đình Turkin thì anh cất tiếng hỏi:

- Các anh nói về gia đình Turkin nào thế? Có phải về gia đình có cô gái đánh đàn dương cầm không?

Đấy là tất cả những gì có thể kể về anh ta.

Còn gia đình Turkin thì sao? Ivan Pêtơrơvíts hầu như không già đi, chẳng thay đổi gì, vẫn ham trò chơi chữ và kể chuyện tiếu lâm như xưa; Vêra Iôxipốpna vẫn đọc tiểu thuyết của mình cho các vị khách với niềm thích thú như xưa. Còn Kôchích ngày nào cũng chơi đàn dương cầm đến chừng bốn giờ đồng hồ. Nàng già đi rất nhanh, ốm đau luôn và mùa thu nào cũng cùng mẹ đi nghỉ ở Krưm. Ivan Pêtơrơvích tiễn hai mẹ con ra ga và khi đoàn tàu chuyển bánh, ông lau nước mắt, gọi với theo:

- Tạm biệt nhé!

Và vẫy vẫy khăn.



___________

1. Kính không gọng (tiếng Pháp)

2. Trích bản tình ca viết theo bài thơ “Sầu cả” của nhà thơ Nga A.A. Ðenvig (1798-1831), âm nhạc của M.L. Iakốplép.

3. Nhân vật chính trong vở kịch cùng tên của Sếchxpia.

4. Anh bảo họ đem nước chè lên cho chúng ta đi (tiếng Pháp).

5. Một bài hát dân gian Nga.

6.“Ông Ðênix hãy chết đi, về sau ông không thể chơi hay hơn hôm nay được đâu” - câu đánh giá, do nhà hoạt động quân sự và quốc gia Nga nổi tiếng, công tước G.A. Pôchemkin (1739-1791) đưa ra, sau khi xem vở hài kịch nổi tiếng của nhà văn Nga Ð.I. Phônvidin (1744-1792) - vở “Anh chàng ngớ ngẩn”. Về sau, trở thành giai thoại thông dụng.

7. Câu thơ trong bài tình ca “Ðêm” của nhạc sĩ A.G. Rubinstein (1828-1894) phỏng theo câu thơ của A.X. Puskin “giọng nói của tôi với em vừa dịu dàng vừa mệt mỏi”.

8. Pixemxki A.Ph. (1820-1881) - nhà văn Nga.

9. Trích câu trong sách Phúc âm.

10. Trong văn bản người Ðức viết không đúng tiếng Nga.