Quan Cư Nhất Phẩm

Chương 1: Giấc mộng 500 năm (1)



Gió mát hiu hiu, bóng đêm mở ảo, như dải lụa mỏng quấn quanh huyện thành yên tĩnh.

Ánh trăng mông lung chiếu rọi dòng sông trong xanh, nước sông chầm chậm chảy qua cây cầu cong, bên bờ là hai ba tòa tiểu lâu ngói đen nối nhau san sát, nước bắn lên mặt tường loang lổ đầy rêu xanh và dây leo giăng khắp nơi, chỉ lộ ra một ô cửa sổ hướng về phía mặt nước.

Lúc này đã là nửa đêm canh ba, trừ tiếng ếch kêu ở bờ sông, tiếng chó sủa cuối ngõ, thì không còn nghe thấy chút âm thanh nào nữa, chỉ có ánh đèn le lói rọi ra từ trong ô cửa sổ hẹp, còn có tiếng nói mơ hồ truyền tới...

Từ ô cửa mở rộng nhìn vào, ở gần thấy một bộ giường bàn ghế, trên bàn có một ngọn đèn dầu mù mờ, miễn cưỡng chỉ chiếu sáng được ba bước. Trên bàn có một cái bát gốm sứt mẻ đựng đầy một bát đậu . Một nam nhân nhìn chừng 40, mặc trường sam, râu tóc bờm xờm ngồi ở bên giường, vừa để ý tới lò than bên cạnh, vừa nói chuyện với một thiếu niên mười mấy tuổi nằm ở trên giường.

Ông ta nói giọng quan thoại hơi khàn khàn:
- Triều Sinh, con cố gắng lên một chút, đợi vi phu đun thuốc xong con uống vào là có thể khỏi thôi.

Thiếu niên trên giường than thầm: "Ông ấy nói câu này chắc 30 lần rồi?" Nhưng y biết người ta lo cho mình nên cũng không trách gì. Hơi nghiêng đầu qua, thiếu niên nhìn thấy khuôn mặt xa lạ mà thân thiết, đầu đầy mồ hôi và lo lắng. Trong lòng liền thấy ấm áp. Biết ông ta trong thời gian ngắn chưa xong việc được, liền chậm rãi nhắm mắt lại, hồi tưởng chuyện không thể tin nổi xảy ra gần đây.

Y vốn là một phó xử trưởng trẻ tuổi, đang ở giai đoạn đắc ý trong đời, nhưng tự nhiên tỉnh lại nhập vào người thiếu niên hấp hối này, rồi trong khoảnh khắc thần hồn người thiếu niên suy yếu, ù ù cạc cạc dung hợp vào với nhau, có được ký ức và ý thức của thiếu niên này, thành thiếu niên 500 năm trước.

Là Trang Chu hay là Hồ Điệp? Là bản thân ta hay là Thẩm Mặc? Y đã hoàn toàn hồ đồ rồi, tựa hồ đúng tựa hồ sai, hoặc có lẽ y là Thẩm Mặc hoàn toàn mới.

Chuyện hoang đường như thế nhưng lại xảy ra thực, làm y nhiều ngày liền không sao đối diện được với nó. Về sau nghĩ lại, mình chỉ là đứa bé mồ côi không vướng bận gì, sống đâu chẳng là sống? Hơn nữa dùng một tấm thân ba mươi, đổi lấy thân thể của thiếu niên mười mấy tuổi, có vẻ còn lời nữa.

Chỉ là đột nhiên sinh ra rất nhiều tình cảm thuộc về thiếu niên kia làm y không thích ứng được.

Kẻ thích ứng mới sinh tồn được, nên nhất định phải thích ứng. Thẩm Mặc tự nói với bản thân như thế.

~~~~~

Một khi mở mang cõi lòng tiếp nhận thân phận mới, ký ức của thiếu niên kia liền trào tới như thủy triều. Y biết mình tên Thẩm Mặc, nhũ danh là Triều Sinh, mười ba tuổi, là con trai độc nhất của Thẩm Hạ phường Vĩnh Xương huyện Hội Kê phủ Thiệu Hưng.

Nói về Thẩm Hạ, xuất thân nhánh phụ của Thẩm gia ở Thiệu Hưng. Gia cảnh được tính là tầm trung, tử nhỏ học vỡ lòng trong tộc, học vấn rất cao. Mười tám tuổi liên tiếp thi trúng cấp huyện, phủ, viện. Trở thành lẫm sinh mỗi tháng được lĩnh gạo lẫm. Lẫm sinh chính là tú tài, nhưng tú tài không nhất định là lẫm sinh. Bởi vì chỉ có rất ít người đỗ hàng đầu mới được quốc gia nuôi dưỡng.

Kiếm được chức tú tài ăn bổng lộc nhà nước này, Thẩm Hạ làm cha mẹ rất hãnh diện.

Thế nhưng thời vận xoay chuyển, tạo hóa trêu người. Thẩm tướng công từ năm mười chín tuổi lần đầu tiên tham gia thi Hương, liên tiếp bốn lần thi trượt. Đây cũng là chuyện bình thường, vì cả giải Giang Chiết chính là nơi tụ hội nhân văn. Phủ Thiệu Hưng lại hút sạch mạch văn của Giang Nam. Mấy huyện Dư Diêu, Hội Kê, Sơn Âm gần như nhà nhà trẻ nhỏ đọc sách, có thể nói là ngọa hổ tàng long, mỗi năm đều có vô số người đọc sách ưu tú đi thị.

Hạn ngạch có hạn, cạnh tranh khốc liệt, Thẩm tướng công ở nơi khác thì sớm đã thi trúng rồi, nhưng ở nơi như Thiệu Hưng thì chỉ đành thành vật làm nền cho người ta hết năm này sang năm khác. Về sau cha mẹ thay nhau qua đời, ông thủ hiếu liền năm năm, tới khi quay trở lại thi cử thì đã ba mươi mấy, cái tuổi ứng thí tốt nhất đã qua đi ....

Nhưng Thẩm tú tài đời này ngoài đọc sách thì chỉ đọc sách, không đi thi thì làm gì? Ông không cam lòng thất bại, lại thi thêm hai lần nữa, kết quả không nói cũng biết ... Chẳng những năm tháng tươi đẹp mất sạch vô ích, cuộc sống cũng trở nên gian nan, quanh năm chỉ ăn rau dưa, chẳng biết tới mùi thịt.

Mùa hè năm ngoái, vợ Thẩm tú tài bị trúng nắng, tấm thân vốn suy nhược lập tức sụp đổ, vì chữa bệnh cho vợ, ông bán cả nhà đi. Kết quả người ta chèn ép ông cần tiền gấp, căn nhà giá 200 lượng bạc mà ép giá chỉ còn 40 lượng. Thẩm tú tài là nặng tính thư sinh, không chịu mở miệng mượn tiền người thân, chẳng ngờ cắn răng bán nhà, rồi thuê một căn nhà nhỏ giá rẻ trong một cái ngõ xa xôi, bố trí vợ con ở đó, đi tìm thầy khám bệnh cho vợ.

Kết quả tiền cứ chảy đi như nước, bệnh của vợ ông lại ngày càng trầm trọng, tới mùa thu thì nằm bẹp giường, rồi nhắm mắt qua đời. Thẩm Hạ dùng số tiền còn sót lại an táng cho thê tử, rồi phát hiện ra ngay cả nhà rẻ nhất cũng không thuê nổi nữa, hai cha con chỉ đành dựng lều ở tạm.

Đương nhiên với một con người nho nhã như Thẩm tướng công thì phải nói là lấy trúc mộc làm khung, lấy cỏ cây làm ngói, đắp lên một gian nhà cỏ. Mặc dù nhỏ hẹp ấp ướt, nhưng dù gì cũng có cái ổ chui ra chui vào mà phải không?

Nguồn thu nhập duy nhất của nhà là gạo lẫm do huyện phát cho, mỗi tháng sáu đấu. Nói ra nếu mà dè sẻn một chút thì cũng miễn cưỡng có thể trụ được. Nhưng Thẩm Mặc chính đang tuổi ăn tuổi lớn, sắc ăn lớn hơn ông ta, một chút gạo đó làm sao mà đủ? Thẩm tú tái chỉ đành tới hiệu lương thực đổi lấy thứ gạo rẻ nhất, thế là được chín đấu. Thẩm Mặc ra chỗ hoang dã hái rau, bắt cá, thế mới có thể đối phó được cơm ăn cho hai người.

~~~~~~

Tục ngữ nói họa vô đơn chí chẳng sai một chút nào, mấy hôm trước Thẩm Mặc lên núi hái rau, không ngờ bị con rắn độc cắn vào chân, khi được mấy người đi cùng đưa trở về thì mặt đã thâm đen, sắp mất mạng tới nơi rồi.

Chuyện xảy ra tiếp đó thì Thẩm Mặc không biết, khi y mơ màng tỉnh lại thì phát hiện mình đã ở trong một gian lầu gác. Mặc dù trên xà nhà còn treo đầy mạng nhện, trong không khí có mùi hôi thối, nhưng so với cái căn lều cỏ ẩm ướt không đủ che gió chắn mưa kia thì tốt hơn rất nhiều rồi.

Đang nhìn con nhện giăng tơ một cách xuất thần thì Thẩm Mặc nghe phụ thân nói:
- Xong rồi, xong rồi. Triều Sinh uống thuốc nào.

Thẩm Mặc được đỡ dậy, lê người dựa đầu vào giường, nhìn người sau này y phải gọi là phụ thân, chỉ thấy ông tóc tai rối bời, khuôn mặt xanh xao, khóe mắt đã có nếp nhăn, môi có vết thâm, tay chân cũng có vết thương mới. Trường sam trên người vừa bẩn vừa rách, dường như đánh nhau với người ta lại còn bị thua.

Thấy Thẩm Mặc cứ trơ mắt nhìn mình, Thẩm Hạ đầy hưng phấn và vui sướng, kích động nói:
- Không biết phải cám ơn Ân gia tiểu thư ra sao đây, nếu không có cô ấy ra tay cứu giúp, cha con ta đã vĩnh viễn âm dương cách biệt...

Nói tới đó vành mắt đỏ lên, nước mắt tí tách nhỏ xuống.

Nhìn thấy ông khóc, sống mũi Thẩm Mặc cay cay, y muốn cất tiếng an ủi, nhưng cổ họng như bị tắc, không nói ra được một lời.

Chú ý thấy nét mặt con thay đổi, Thẩm Hạ vội lau nước mắt hỏi:
- Sao thế, con thấy chỗ nào không thoải mái à?

Thấy con nhìn về bát thuốc, Thẩm Hạ xấu hổ nói:
- Thiếu chút nữa thì quên.

Rồi cầm bát thuốc lên, múc một thìa thuốc đen, đặt bên miệng thổi vài cái rồi cẩn thận đút vào miệng con.

Thẩm Mặc mày hơi nhíu lại, nhưng không đắng như trong tưởng tượng, ngược lại còn có chút vị ngọt trong đắng. Thấy con giãn mày ra, Thẩm Hạo cao hứng:
- Con từ nhỏ không thích uống thuốc, ta mua một ít mật cho vào, đại phu nói có lợi cho sự hồi phục của con.

Nói xong đút cho con uống hết bát thuốc.

~~~~~

Thẩm Mặc dùng khăn lau miệng cho con, rồi đặt nó nằm xuống giường, ông thở phào một hơi, cứ như làm xong một việc lớn. Lúc này mới đứng dậy, đặt bát thuốc cạn trên bàn, ngồi xuống ghế, mệt mỏi gập người xuống thở hồng hộc.

Thẩm Mặc thấy ông cầm hai ba hạt đậu trong cái bát sứt mẻ lên, do dự một chút bỏ lại hai hạt đậu vào trong bát, cầm hạt còn lại trong tay.

Ông cầm hạt đậu đó rất lâu, nhắm mắt lại, chậm rãi cho nó vào trong miệng, thong thả nhai, động tác rất nhẹ , cứ như cực kỳ ngon lành cứ thưởng thức mãi.

Thật lâu sau Thẩm Hạ mới mở mắt ra, khẽ lắc lư đầu ngâm:
- Tào nga vận lai nha thanh đậu, khiêm dụ đồng hưng hảo tương du ; đông quan thỉnh lai hảo chử thủ, cật đáo chủy lý nhu nhu nhu.
(Tào Nga mang tới đậu xanh ngon, thêm vào nước tương Đồng Hưng; chủ nhà liền mời đầu bếp tới, ăn vào miệng thật mềm ngon)

Thẩm Mặc toát mồ hôi, y chưa bao giờ nghĩ ăn một hạt đậu thôi mà mang tới hạnh phúc lớn như thế.

Thấy con trai có vẻ không tán thành, Thẩm Hạ hơi nhếch miệng lên nói:
- Triều Sinh, con chưa được nếm thử đó thôi, thứ đậu này chín mà không nát, mềm mà không nhũn, nhai rất thích, ngũ hương thơm phức, lại tươi mà đậm, nhấm lâu còn thấy vị ngọt... Nếu có thêm Hoàng tửu, e rằng đến thổ địa cũng phải chui ra mà thử.

"Thổ địa lại thiếu món ngon mà ăn à?" Thẩm Mặc trợn mắt lên, nhưng lại bị Thẩm Hạ tưởng rằng y đang trách mình ăn tham, vội giải thích:
- Không phải là vi phu không chia cho con thưởng thức cùng, mà đại phu có căn dặn, con không thể ăn những thứ lạnh nóng chua cứng, đợi con khỏe rồi hẵng hay.

Thẩm Mắc yếu ớt gật đầu, Thẩm Hạ lại dùng tốc độ như cũ ăn hai hạt đậu còn lại, lau tay vào khăn, uống thêm một ngụm nước, mặt đầy thỏa mãn:
- Cơm tối xong rồi, chúng ta ngủ thôi.

Thẩm Mặc nghe thế mắt tròn xoe, Thẩm Hạ nghiêm trang nói:
- Thánh nhân bảo: 'Sự bất quá tam;, ăn lần đầu là thưởng thức, ăn lần hai là hưởng thụ, lần thứ ba là đỡ đói, còn ăn thêm nữa là tham ăn lãng phí.
Nói rồi háy mắt với con trai, cười:
- Ngủ đi.

Thẩm Hạ thổi tắt đèn, nằm trên bàn ngủ.

Vì trong phòng chỉ có mỗi một cái giường đơn....

*** Lẫm sinh (dùng trong đời nhà Minh, nhà Thanh, Trung Quốc, chỉ những người được hưởng học bổng lộc của các châu, huyện hoặc phủ)

*** Hoàng tửu một thứ rượu của Thiệu Hưng.

*** Tướng công: Ở đây không phải là cách vợ gọi chồng, mà là xưng tôn kính với người đàn ông trưởng thành thời xưa.

*** Điển cố Trang Chu - Hồ Điệp: Trang Chu nằm mơ hóa thành bướm bay lượn khắp nơi, không nhớ mình là người nữa. Rồi bỗng nhiên tỉnh lại thấy mình là Trang Chu không phải là bướm. Không hiểu mình là bướm nằm mơ thấy Trang Chu hay mình là Trang Chu nằm mơ thấy bướm. Điển cố gợi nên vấn đề tâm thức và nhận thức, thực và mộng, cho cả Tây Tàu lẫn ta.