Sau Khi Thất Nghiệp: Tôi Về Quê Trồng Rau Nuôi Cá

Chương 44



Cố Dĩ Nam nhướng mày, chuyện vụ quýt thì dễ nói, nhưng sao tiền đặt cọc lại tăng lên thế này?

"Trước đó tiền đặt cọc là 3 vạn cơ mà? Sao giờ lại thành 5 vạn rồi?"

Vợ trưởng thôn giải thích: "Lúc trước Tiểu Lý thuê từ 7 năm trước, bây giờ vật giá leo thang, tiền đặt cọc chắc chắn phải tăng lên."

"Nhưng con nghe bà nội con nói, người trong thôn thuê đất thì không cần đặt cọc, sao trưởng thôn lại đòi con tiền đặt cọc?" Cố Dĩ Nam sợ phiền phức, nhưng không phải kẻ ngốc, quy định đột nhiên xuất hiện, cô sẽ không chấp nhận.

Trưởng thôn không ngờ Cố Dĩ Nam lại tìm hiểu kỹ như vậy, ông ta nhanh chóng phản ứng lại: "Hộ khẩu của con vẫn chưa chuyển đi đúng không? Nếu chưa chuyển đi thì có thể làm theo quy định này, còn nếu đã chuyển đi thì không được."

Cố Dĩ Nam mỉm cười nghe trưởng thôn lấp liếm: "Vẫn chưa chuyển đi."

"Ồ, vậy thì không cần." Trưởng thôn nói: "Vậy con chỉ cần nộp tiền thuê của năm sau trước khi kết thúc năm là được."

Cố Dĩ Nam không có vấn đề gì: "Được."

"Con định thuê bao lâu? Hay tiếp tục thuê theo số năm trong hợp đồng của Tiểu Lý?"

Cố Dĩ Nam tính toán số linh thạch của cô, chắc đủ dùng cho hơn chục năm: "Thuê 20 năm đi."

Trưởng thôn nghe vậy thì mừng rỡ không thôi: "Vậy chú gọi điện thoại cho Tiểu Lý, nói họ đến làm hợp đồng."

Trưởng thôn vừa gọi điện thoại xong thì vợ Tiểu Lý đã đến, ngoài ra còn có rất nhiều người dân trong thôn cũng đến, đa phần đều là chủ sở hữu vườn trái cây.

Bà Lưu hỏi: "Nam Nam, con thật sự muốn thuê vườn trái cây hả? Sao trước đó không nghe bà nội con nhắc đến chuyện này?"

Bà nội Cố là người kín tiếng, chưa có gì chắc chắn thì bà sẽ không nói ra ngoài.

Cố Dĩ Nam nói: "Dạ, con mới quyết định ạ."

Bà Văn nắm tay Cố Dĩ Nam: "Con gan to thật đấy."

Bà Lưu nói: "Thực ra chỉ cần chăm sóc tốt thì thu nhập từ vườn trái cây cũng khá đấy."

"Đúng vậy."

Mọi người nói chuyện một lúc, trưởng thôn bắt đầu thông báo chuyện Cố Dĩ Nam thuê vườn trái cây: "Sau này, vườn trái cây sẽ cho nhà họ Cố thuê, nếu mọi người không có ý kiến gì thì đến đây ký tên, lăn dấu vân tay."

Bà Lưu là người đầu tiên hưởng ứng: "Cho nhà ai thuê cũng như nhau, chỉ cần thu được tiền thuê là được."

"Trưởng thôn, những người không có mặt thì sao?"

Trưởng thôn nói: "Tôi đã thông báo với họ trong nhóm Wechat rồi, lát nữa tôi sẽ gọi điện thoại cho từng người một, nếu họ đồng ý thì có thể nhờ người khác ký thay, hoặc đợi mấy hôm nữa được nghỉ thì về ký cũng được."

"Trưởng thôn, vậy tiền thuê là bao nhiêu?"

"Vẫn như cũ."

"Vẫn như cũ?" Bà cụ có quan hệ không tốt với bà nội Cố bỗng nhiên lên tiếng: "2000 tệ là giá của 7 năm trước rồi, bây giờ ít nhất cũng phải tăng lên 500 tệ chứ."

"Lúc trước, 2000 tệ là do bà làm ầm ĩ lên mới được giá cao như vậy đấy, bây giờ vẫn giữ nguyên là hợp lý rồi, còn muốn tăng thêm 500 tệ? Bà còn muốn thế nào nữa?" Bà nội Cố là người đầu tiên không đồng ý.

Bà ta lập tức cãi nhau với bà nội Cố: "Bà không muốn bỏ tiền ra thì tất nhiên là thấy hợp lý rồi, theo tôi thì phải đưa 2500 tệ, nếu không thì tôi sẽ không cho thuê vườn trái cây nữa."

"Bà Mã này, một năm 2000 tệ là cao lắm rồi, bà còn muốn làm gì nữa? Tự bà đi chăm sóc vườn trái cây xem, vừa tốn thời gian lại tốn công sức, một năm có kiếm được 2000 tệ không?"

Bà Mã khịt mũi coi thường: "Sao lại không kiếm được? Nhà họ Cố có rất nhiều tiền mà, mua xe mới thì được, đến lúc bỏ thêm chút tiền thuê đất thì lại không chịu, đúng là keo kiệt."

Bị bà Mã xúi giục, mấy bà cụ vốn dĩ tham lam, thích chiếm lời cũng bị lung lay, bèn hùa theo: "Đúng đấy, chị Cố, nhà chị giờ khá giả rồi, vừa thuê đất, vừa mua xe, cũng phải quan tâm đến những người sống khổ sở như chúng tôi chứ, 500 tệ, nhà chị đổ một lần xăng cũng hết rồi."