Sơn Nam Hải Bắc

Chương 13



Năm ấy, vừa thuyên chuyển đến cơ sở điều trị methadone, Trần Dật đã được cử đi tham quan học hỏi tại trung tâm cai nghiện của thành phố.

Trong số hơn mười người đi cùng nhau, có người là nhân viên làm việc trong trung tâm phòng chống bệnh tật (CDC), có người là cán bộ tuyên truyền của đại đội chống ma tuý, có người phục vụ trong các cơ sở y tế điều trị Methadone giống như  Trần Dật.

Trong ‘ngôi trường’ khép kín này, người nghiện ma túy được gọi là học viên, hàng ngày sinh hoạt theo kiểu quân đội, thường xuyên tham gia cải tạo lao động, tiếp nhận tư tưởng giáo dục  sức khỏe, tư tưởng phòng chống ma túy.

Lúc cơn nghiện không phát tác, nhìn bọn họ không khác gì người bình thường, ngoại trừ khi mới vào, hình thể các học viên đều gầy gò như nhau. Sau một tháng được chăm sóc tại đây, hầu hết các học viên đều trở nên béo trắng.

Trong trung tâm có tám bác sĩ, công việc của các bác sĩ luôn trong trạng thái 24/24, quản chế tình hình của bệnh nhân cai nghiện mọi lúc mọi nơi. Họ phải quan sát hành vi, tình trạng tâm lý của tất cả các học viên.

Thời kỳ học viên lâm vào giai đoạn cấp tính là thời kỳ các bác sĩ căng thẳng vất vả nhất. Đêm nào cũng ngủ theo kiểu mắt nhắm mắt mở, sẵn sàng đối phó với các trường hợp khẩn cấp, chẳng hạn như người bệnh tự mình hại mình.

Sự cố cắt cổ tay đối với họ xảy ra như cơm bữa.

Các tầng lầu phòng bệnh được chia theo loại thuốc phiện mà bệnh nhân cai nghiện hút. Người cắn, hút các loại thuốc phiện truyền thống như heroin, người cắn,hút các loại thuốc phiện kiểu mới như đá,.. Được phân thành hai toà nhà khác nhau để quản lý.

Nửa ngày tham quan diễn ra rất suôn sẻ, cho đến lúc gần kết thúc, phòng bệnh trên tầng ba bỗng nhiên náo loạn.

Đứng trong hoa viên ở tầng dưới, Trần Dật nhìn thấy mấy nhân viên bảo vệ tuýt còi xông lên tầng ba, phía sau là một đám bác sĩ mặc áo trắng.

Nghe nói có xung đột giữa các học viên, tranh cãi sau đó ẩu đả.

Phó giám đốc dẫn đoàn người rời đi.

Trần Dật vô tình quay đầu lại, xuyên qua tấm cửa sổ sát đất rào thép kín, cô trông thấy hai bác sĩ đang nhấc một người đàn ông cao gầy lên. Anh ta nhìn xuống, ánh mắt ném lên đám người đứng dưới.

Kết thúc chuyến tham quan, đoàn người tụ tập ở cổng trung tâm, cầm máy quay đi theo trợ lý tuyên truyền. Phó giám đốc trung tâm đứng trước máy quay giải thích về công việc.

“Các bước trị liệu cai nghiện theo y học hoàn chỉnh bao gồm: cai thuốc sinh lý, cai nghiện tâm lý, trị liệu phục hồi và trở về xã hội,... Nhưng đa số những người nghiện đều dừng chân ở bước một. Cho dù có người ý chí mạnh mẽ vượt qua được bước một thì đến bước hai, tác dụng ỷ lại dựa dẫm cả trên tinh thần lẫn tâm lý mà thuốc phiện mang lại là vô cùng lớn, còn dễ dàng phá hủy ý chí con người, dễ dàng làm tan rã, nghiền nát  suy nghĩ muốn cai nghiện ít ỏi còn sót lại của bọn họ”.

“Tôi thật lòng hy vọng, sau khi các học viên rời khỏi bức tường cao trước mặt sẽ không còn tái nghiện nữa, sống cuộc sống bình thường, trở về hòa nhập xã hội. Vì vậy, việc tuyên truyền cai nghiện bên ngoài bức tường này, rất cần các đồng nghiệp đồng tâm hiệp lực”.

Lạ thay, lúc Trần Dật nhớ lại đoạn ký ức đó. Điều đầu tiên cô nghĩ đến không phải câu nói chân tình của phó giám đốc trung tâm, mà là hình ảnh người đàn ông bị hai bác sĩ kéo đi.

Là khinh thường? Tê liệt hay lạnh lùng?

Gương mặt mơ hồ trong trí nhớ của cô, dần hiển hiện rõ ràng ngay trước mắt.

Trần Dật bám song cửa sổ, hỏi: “Anh thấy khá hơn chút nào chưa?”.

Người đàn ông cuộn mình, hai tay ôm đầu gối, trên mặt còn lưu vết nước mắt nước mũi.

Ánh mắt Tiết Sơn mờ mịt yếu ớt nhìn về phía Trần Dật, gật đầu.

Trần Dật đẩy cửa đi vào, quỳ xuống bên cạnh Tiết Sơn, nâng anh dậy, ngồi dựa vào tường.

Toàn bộ cơ thể Tiết Sơn mất hết sức lực, như người bị tháo rời xương cốt. Anh ngồi dựa bức tường lạnh lẽo, nói với Trần Dật: “Bác sĩ Trần, cảm ơn”.

Giọng nói thiếu sức sống nhưng thể hiện rõ sự cảm kích chân thành.

Trần Dật không đáp lại lời cảm ơn của anh, cô nói: “Đồng Đồng không nhìn thấy nhưng có nghe thấy, chắc là đang sợ hãi, vẫn đứng ở cửa không dám vào. Tôi gọi con bé vào đây nhé?”.

Suy nghĩ mất vài giây, Tiết Sơn mới gật đầu: “Phiền cô rồi”.

Trần Dật đứng dậy, đi được hai bước lại lộn lại, ngồi trước mặt Tiết Sơn, bảo: “Anh lau mặt đi”.

Con bé trông thấy bộ dạng này của anh, nhất định sẽ rất buồn.

Tiết Sơn gật đầu, nâng vạt áo phông lên lau sạch mặt. Trần Dật đi ra, không biết ở bên ngoài nói gì với Đồng Đồng. Ngay sau đó, một cái bóng nho nhỏ chậm rãi đi đến, đứng bên cạnh anh.

Tiết Sơn vươn tay, ôm con bé vào trong lòng.

Tiếng khóc khe khẽ khiến lồng ngực Tiết Sơn hơi rung rung, anh giơ tay xoa đầu con bé, dịu dàng và trìu mến.

“Không sao, bố không sao nữa rồi”.

Đồng Đồng thôi khóc, nằm trong lòng anh khẽ gật đầu, vươn tay ôm lấy eo anh.

+++

Bầu trời lại tí tách mưa nhỏ.

Màn mưa dày đặc từ trên trời giáng xuống, Tiết Sơn vẫn duy trì tư thế ngồi dựa tường. Trong lòng anh, Đồng Đồng khóc mệt, dần ngủ thiếp đi.

Trần Dật đi tới, ngồi xuống cạnh anh.

“Bà cụ sao rồi?”. Tiết Sơn hỏi.

Trần Dật trả lời: “Thân nhiệt rất thấp, vẫn đang ngủ”.

Tiết Sơn lẳng lặng gật đầu, Trần Dật cũng trầm mặc.

Một lúc sau, anh quay sang nhìn cánh tay buông thõng của Trần Dật, hỏi: “Có phải bị nhiễm trùng rất nặng không?”.

Trần Dật điềm tĩnh nhìn đám cỏ dại trong lớp học, thoáng nở nụ cười: “Tuy không ổn nhưng không tàn phế được đâu”.

Không biết im lặng bao lâu, Trần Dật đột nhiên hỏi: “Khi dính vào thuốc phiện, anh có nghĩ tới Đồng Đồng không?”.

Anh hút may túy ba năm, tiếp nhận trị liệu một năm rưỡi. Nói cách khác, lúc anh mắc nghiện, Đồng Đồng mới hơn một tuổi.

Qua hai ngày tiếp xúc, Trần Dật có cảm giác Tiết Sơn là một người bố rất có trách nhiệm.

Gặp khó khăn, anh không lo cho mình trước mà không ngại nguy hiểm đi cứu người, tìm người.

Lời vừa ra khỏi miệng, Trần Dật ngay lập tức ý thức mình đã quá vội vàng.

Nhưng cô không có ý định bỏ qua, cô đợi câu trả lời của Tiết Sơn.

Có điều, Tiết Sơn không trả lời.

Để điều chỉnh tư thế ngồi khiến lưng thoải mái một chút nên gương mặt Trần Dật hơi hướng về phía Tiết Sơn.

Không biết bao nhiêu gia đình vì ma túy mà phân tán. Không biết bao nhiêu người vì hút chích mà bỏ vợ bỏ con, tan cửa nát nhà.

Hai mươi năm trước, gia đình cô cũng bị hủy hoại bởi loại thuốc độc này, chỉ vì bố cô là một kẻ nghiện.

Trước mắt cô giờ đây, là một người người bố nghiện ngập giống như thế. Nhưng anh vì một đứa bé mà dốc toàn lực gây dựng cho nó một mái nhà.

Nhìn bộ dạng trầm mặc của người đàn ông, Trần Dật nói: “Tiết Sơn, anh là một người bố tốt”.

+++

Hai chữ người bố đối với Trần Dật mà nói, từng giống như ác ma.

Mùa đông năm ấy, cô hào hứng trở về nhà, chạy vào phòng của bố mẹ, định lấy mấy quả đào làm mắt cho người tuyết thì phát hiện mẹ toàn thân đầy máu nằm sõng soài trên nền đất.

Cô bị dọa đến nỗi không thốt nên lời. Cô muốn gọi ai đó, muốn gọi bố, muốn hét to tìm người giúp đỡ, nhưng bất luận thế nào, miệng cô cũng không thốt ra được một chữ.

Sau đấy, cô nhìn thấy bố mình đang run rẩy, co quắp trong góc phòng.

Mặt ông ta nhòe nhoẹt nước mắt nước mũi, miệng không ngừng hít hà như bị khó thở.

Trần Dật hoảng sợ, toàn bộ cơ thể đóng đinh tại chỗ, không nhấc nổi chân lên.

Cô liếc nhìn người mẹ nằm dưới đất, xong liếc nhìn người bố ngồi trong góc tường, khẽ gọi: “Bố ơi”.

Người đàn ông ngẩng lên, ánh mắt thẫn thờ, vô thức lắc đầu, miệng lảm nhảm điều gì cô nghe không rõ.

Đó là dáng vẻ cô chưa từng thấy bao giờ.

Tiếp theo, cô trông  thấy con dao trong tay bố cô.

Đó là một con dao gọt trái cây, trên lưỡi dao dính đầy máu.

Không biết lấy sức lực ở đâu, Trần Dật chạy ra ngoài. Nhưng cô chưa kịp chạy ra khỏi cửa chính,  đã bị tóm trở lại.

Lý trí của người đàn ông vẫn đang nằm trong ranh giới mơ hồ. Ông ta túm chặt cánh tay Trần Dật, ánh mắt hung dữ như muốn ăn thịt người: “Mày chạy đi đâu vậy? Có phải định đi tìm cảnh sát tới bắt tao không? Hả?”.

Trần Dật nhìn dáng vẻ của bố mình, nước mắt trào ra, khóc váng lên: “Bố, bố ơi…”.

Người đàn ông làm như không thấy, miệng liên tục lẩm bẩm: “Tao biết thừa lòng dạ của mẹ con mày. Mẹ con mày giấu hết tiền trong nhà này đi rồi. Mẹ con mày muốn gọi cảnh sát tới bắt tao, muốn tìm cảnh sát đến bắt tao”.

Ông tay càng nói càng kích động rồi đột nhiên kéo Trần Dật lên.

Trần Dật khóc nấc, gọi ông ta: “Bố ơi, con là Tiểu Dật đây. Bố ơi…”.

Cô bị ném ra ngoài, va thẳng vào tường.

Rơi bịch xuống đất. Cô không kêu khóc, chỉ cảm thấy toàn thân đau đớn, vô cùng đau đớn.

Trần Dật nằm trên mặt đất, nhìn ra khoảnh sân nhỏ trồng đủ các loại trúc.

Cô trông thấy một chú mèo hoang đáng yêu đứng ở sân, đang ngó lăm lăm vào trong nhà.

Cô còn trông thấy cửa lớn mở toang, một bóng người mặc áo khoác vàng chạy qua.

Đó là nhỏ bạn vừa cùng chơi đắp người tuyết.

Cô ấy đang đi tìm hạt dẻ ư?

Xem ra, cô ấy thắng rồi.

+++

Kênh truyền hình địa phương liên tục phát tin liên quan tới ‘cơn lũ lớn ngày 25.7’ của thôn Nhã Lý.

Cách thôn Nhã Lý khoảng 100km, trong một quán ăn, bà chủ quán thu dọn xong xuôi chiếc bàn cuối cùng, sau đó lấy khăn ra, nhanh nhẹn lau chùi.

Chiếc tivi treo trên cao đang phát một số tin linh tinh.

Người đàn ông  ngồi xem tivi, vừa cắn hạt dưa vừa bình luận.

Người phụ nữ thi thoảng quay sang liếc nhìn chồng: “Em bảo anh đổ nước tiểu đi, mà bao lâu rồi chỉ biết ngồi xem tivi”.

Người đàn ông cười ha hả: “Ây dà, xem tin tức thì đã sao, phải quan tâm đến quốc gia đại sự chứ”.

Người phụ nữ thu chiếc khăn lau, cũng ngẩng lên nhìn tivi.

Bản tin đang phát tin về cơn lũ.

Người đàn ông cảm thán: “Ông trời ơi là ông trời, hết động đất lại lũ lụt, có để cho người ta sống hay không”.

Người phụ nữ nói: “Thiện tai, thiện tai, em thấy tai họa hôm nay xem ra không tránh được rồi, là tai họa thì ai mà tránh được chứ”.

“Bà xã nói đúng quá”. Người đàn ông làm bộ nịnh nọt.

Người phụ nữ mặc kệ, định cầm cây lau nhà tới, đi được hai bước, bỗng nhiên nhớ ra điều gì, bước chân khựng lại.

Người phụ nữ chạy vọt tới trước mặt chồng, đoạt lấy chiếc điều khiển, dáng vẻ hấp tấp, ngón tay do dự lướt trên bàn phím, không biết nhấn cái nào.

Ông chồng bị vợ dọa: “Bà xã, em sao thế?”.

Người phụ nữ nhìn chăm chú lên màn hình, quay sang hỏi chồng: “Tivi vừa nói, có một bác sĩ hay khám bệnh cho mọi người trong thôn bị kẹt trong cơn lũ, cô ấy tên là gì ấy nhỉ?”.

“Hả?”. Ông chồng ngơ ngác: “Anh nào có nhớ”.

“Nhưng sao bà xã, em biết cô ấy à?”. Người đàn ông hỏi.

Người phụ nữ vẫn nhìn lên màn hình tivi, không trả lời.

Bản tin thông báo đội cứu viện đang bắt đầu xuất phát. Mười mấy người đàn ông mặc áo vàng cứu sinh lần lượt nhảy xuống thuyền cứu hộ. Trong màn ảnh, bóng họ khuất dần, biến mất trong nước triều vàng.

Sau đó, người phụ nữ xem lại bản tin.

Cô xác định cái tên mình nghe thấy chắc chắn là Trần Dật. Bản tin còn đăng ảnh thẻ công tác của cô ấy lên.

Tuy ảnh chụp không được rõ nét, nhưng người phụ nữ vẫn nhận ra. Cô gái kia, chính là con nhóc chơi ăn gian Trần Dật.

Trong cửa hàng chưa đầy 10m2, cô ngồi một mình, hốc mắt ướt mèm.

Mùa đông năm đó, ngày bọn họ cùng chơi trò đắp người tuyết cũng là lần cuối cùng cô nhìn thấy Trần Dật.

Trẻ con nhìn thấy người chết và máu, sợ tới mức trốn trong nhà mấy hôm không dám ra khỏi cửa.

Sau này, cô nghe người lớn lén lút bàn tán mới biết chân tướng của sự việc.

Người chồng lên cơn nghiện đã giết chết vợ, đánh con gái bị thương, cuối cùng tự tử trước mặt con.

Chuyện cũ kể ngắn gọn mấy câu nhưng cô hiểu, đối với Trần Dật, đó sẽ là vết đen đau đớn suốt đời không thể nào quên.

+++

“Bác sĩ Trần?”.

Hình như có người đang gọi mình.

“Bác sĩ Trần”.

Trần Dật mở to  mắt, trông thấy một bàn tay gần trong gang tấc.

Bàn tay hươ hươ trước mặt rụt lại, ánh mắt mơ màng dần tỉnh táo. Tiết Sơn khẽ hỏi: “Cô gặp ác mộng à?”.

Lúc nãy vừa đói vừa mệt, cô đã ngủ thiếp đi.

Trần Dật lắc đầu: “Tôi ngủ bao lâu rồi?”.

Hỏi xong mới nhớ không có gì để xem giờ, hỏi cũng vô ích.

Tiết Sơn nửa ngồi nửa quỳ trước mặt cô, Trần Dật phát hiện sắc mặt anh vui vẻ hơn trước.

“Sao vậy?”.

Tiết Sơn trả lời: “Đội cứu viện đến rồi”.
— QUẢNG CÁO —