Tam Luân

Chương 24: Kẻ ở người đi



Mục Sở ngồi đối diện với Đằng Nguyên ở bàn bát tiên trong nhà, trịnh trọng nói:

- Tỷ phu, lần này trưng binh ta không tránh khỏi, cũng không muốn tránh. Ngặt nỗi trong nhà còn hài tử nhỏ dại, thê tử yếu đuối, mẫu thân lớn tuổi, không thể an tâm ra chiến trường giết địch. Ta mặt dày chạy tới xin tỷ phu chiếu cố Mục gia.

Mục Sở ôm quyền, cúi đầu.

Mục thị, Mục Nhan và Tống thị - thê tử của Mục Sở - sửng sốt.

Mục thị đánh vào vai Mục Sở:

- Hồ đồ. Ngươi nói cái gì? Đằng Nguyên, không phải như vậy… Nghe nói gần đây ngươi đã trả hết nợ, bán thảo dược, săn thú… có của ăn của để. Ta chỉ có một nhi tử là Mục Sở, không muốn nó đâm đầu vào chỗ nguy hiểm mới muối mặt chạy tới cầu xin ngươi. Tế tử, cầu xin ngươi cho Mục gia vay bạc nộp để Mục Sở không phải tòng quân…

Mục Nhan và Tống thị gật đầu lia lịa, mắt nhìn Đằng Nguyên như nhìn tượng thần tiên trong miếu.

Mục Sở chép miệng:

- Mẫu thân… Người đừng hồ đồ. Chỉ khi ta đi khỏi nhà, gia cảnh bần hàn, kho thóc trống rỗng phụ thân mới đỡ đánh bạc. Còn mà ta ở nhà nai lưng làm lụng, bao nhiêu bạc tích cóp được cũng theo gió bay hết. Đừng nói dành dụm tiền trả nợ cho tỷ phu, ngay cả ăn no bụng cũng không thể. Huống hồ ta đi không phải để chịu chết mà muốn lập quân công, mang vinh hoa phú quý, tiếng tăm lẫy lừng về cho Mục gia. Ta không muốn cả đời chui rúc nơi xó thôn bần hàn, cắm mặt xuống ruộng không ngóc đầu lên được.

- Ngươi sẽ chết… - Mục thị rên rỉ, nước mắt lưng tròng, khuôn mặt già nua trông thê lương. – Chiến trường là chỗ nào để ngươi khua môi múa mép như vậy? Ta chạy loạn mà tới Mục gia thôn, đao kiếm vô tình, chiến tranh tàn khốc như thế nào ta đều thấy qua. Ngươi mới hơn hai mươi tuổi đầu, hiểu cái gì…

- Mẫu thân, đây là lần trưng binh đầu tiên. Nếu chiến tranh trường kỳ, lần sau sẽ là cưỡng chế bắt lính. Vậy con thoát bằng cách nào đây?

— QUẢNG CÁO —

Mục Sở lạnh lùng trừng mắt. Mục thị há hốc miệng, tròng mắt mờ đục đảo qua lại, phảng phất nhớ về tình trạng bắt hán tử những năm tháng chiến loạn xưa.

Tống thị rơi nước mắt nhưng tuyệt nhiên không dám hé răng nói nửa lời. Mục Nhan chen vào:



- Mục Sở, đệ thực sự muốn bỏ mẫu thân, thê tử ở nhà? Đệ nghĩ sức nông phu có thể sống sót trên chiến trường sao?

- Tỷ tỷ, nếu là trước kia, đệ thực sự không dám bỏ. Bất quá hơn một năm nay gia cảnh nhà tỷ đã thay đổi nghiêng trời lệch đất. Tỷ phu cũng không phải kiểu người bo bo giữ của phó mặc Mục gia chết đói nên ta cắn răng chạy tới cầu xin. Tỷ nghĩ xem, nếu ta vẫn ở nhà, phụ thân tiếp tục đánh bạc, tình cảnh này sẽ kéo dài đến bao giờ?

Mục Nhan nhíu mày, nắm chặt góc áo, nhìn Mục thị và Tống thị thăm dò. Tuy nhiên cả mẫu thân và đệ tức Mục Nhan đều là dạng nhu nhược, thường ngày không thể tự quyết định cái gì, dựa hoàn toàn vào phu quân và nhi tử nên đến thời khắc quyết định không làm nên chuyện. Việc này vẫn nên nghe theo Mục Sở thì hơn.

Đằng Nguyên gật đầu:

- Được. Nếu ngươi đã quyết tòng quân, chấp nhận mạo hiểm tính mạng mang quân công về thì phải làm cho đến nơi đến chốn. Mục gia cứ để ta lo.

Mục Sở lập tức tươi cười, ôm quyền cảm kích:

- Tỷ phu yên tâm. Ta sẽ không chết dễ dàng, nhất định mang bạc trở về tạ ơn ngươi.

Tạ ơn thì không cần, quân công lấy được hay không còn phải xem bản lĩnh của Mục Sở. Chỉ cần gã có thể sống sót trở về, không bỏ mạng tại chỗ đã phải tạ ơn liệt tổ liệt tông Mục gia. Còn nếu thực sự mang vinh quang trở về, Đằng Nguyên mừng cho gã. Cũng chẳng cầu được báo đáp, coi như hiếu kính song thân Mục Nhan.

Chuyện cứ như vậy định xuống. — QUẢNG CÁO —

Mục Sở nói rõ cho Đằng Nguyên biết tình trạng hiện tại của Mục gia. Kho chẳng còn bao nhiêu thóc, vét năm hộc nộp cho quan binh thì trong nhà chỉ còn chưa đến một hộc. Phúc này đều do Mục phụ thua bạc mà nên. Mùa đông năm nay Mục gia chắc chắn không xong.

Sau khi trưng binh, trưng thu lương thực, kiểu gì giá lương thực cũng tăng chót vót. Mục Sở chỉ mong Đằng Nguyên giúp đỡ Mục gia để không ai phải chết đói giữa mùa đông. Đằng Nguyên miệng đáp ứng nhưng đầu toan tính khác. Hắn phải tìm cách để Mục phụ bỏ hẳn thói đánh bạc, ngày sau Mục thị, Tống thị và hai hài tử đỡ khổ.



Bá tánh tìm đến cửa quan vừa lâu vừa khó, không có bạc sẽ chẳng được giải quyết nhanh; quan binh thu bạc của bá tánh vừa nhanh vừa dễ, chẳng cần đợi lâu.

Đầu tháng mười, binh lính Hồi thành xuống từng trấn, tốp lớp tốp nhỏ cưỡi ngựa tới từng thôn bất kể xa xôi hẻo lánh hay không. Tiếng kêu ai oán dậy đất.

Tụ Sơn thôn có rất nhiều hộ nghèo không đủ lương thực nộp, không có bạc đóng phạt nhưng cũng không muốn bị bắt thêm tráng đinh, khóc lóc ầm ĩ đòi kiện cáo. Bất quá đời nào có nhiều chỗ tốt như vậy. Binh lính Hồi thành cũng không giống dăm ba tên lính tham tiền của Phủ đệ Phủng Tư trấn, không thể vì đút vài lượng bạc mà được tha. Chúng chĩa mũi giáo về phía thôn dân, ai nấy mặt xanh nanh vàng, sợ hãi run rẩy không dám phản kháng.



Trưởng thôn mồ hôi đổ ròng ròng cầm quyển trục đi từng hộ điểm tên tráng đinh, điểm số lượng lương thực. Hộ nào gan lì không nộp, kỵ binh thúc ngựa tới tận cửa, già trẻ lớn bé chỉ biết khóc mà ngậm miệng.

Đằng gia không đến nỗi nghèo khổ, dù Điền thị keo kiệt, ngày ngày nghị luận linh tinh, xúi giục mọi người chống đối nhưng khi thấy kiếm, thương sáng loáng, kỵ binh mũ giáp chỉnh tề thì sợ mất mật trốn trong buồng, tuyệt không dám ló ra. Đằng Nguyên cười nhạo, tưởng có kịch hay để xem hoá ra không.

Hắn bảo mẫu tử Mục Nhan ở yên trong nhà, bản thân đi dọc thôn nhìn tình hình. Các hộ khá giả như Điền gia, Lưu gia, Kiều gia sẵn sàng bỏ bạc ra để con cháu không phải tòng quân. Huynh đệ Điền Đông – Điền Vỹ Thái đã quá tuổi, không cần đi. Lưu Ngọc Lâm bị thương nặng ở tay, dù đã khỏi từ lâu nhưng vết sẹo để lại rất dọa người, nộp mười lượng bạc để ở nhà. Lưu Hoàng Du – đại huynh của Lưu Ngọc Lâm - quá tuổi, đã phân gia, nhi tử mới mười ba, chỉ cần nộp một suất lương thực.

Nhà Lưu Tống, đường huynh của Lưu Ngọc Lâm thì rắc rối hơn. Đại nhi tử đã qua mười sáu tuổi, không chịu để phụ mẫu nộp bạc, đòi tòng quân bằng được. Lưu Tống nhốt nó trong trạch viện không cho ra, tuy nhiên khi kỵ binh tới, nó xông ra chặn đường, lập tức được ghi tên vào quyển trục. Lưu Tống tức đến muốn ói máu, mặt đỏ tía tai trừng trừng đứng nhìn đại nhi tử hoan hỉ khăn gói lên đường tìm chết.

— QUẢNG CÁO —

Liễu gia – hàng xóm cạnh Đằng gia – rất đông tráng đinh, tính lượng lương thực phải nộp nhiều nhất thôn. Nộp hết suất thì chết đói, vậy nên bọn họ cắn răng cắt cử mỗi phòng thêm một người đi lính để giảm lương thực phải nộp. Đồng niên với Đằng Nguyên chỉ còn Liễu Hạng, Liễu Giác Tô ở nhà.

Mộc gia bên cạnh trạch viện của Đằng Nguyên cùng chung tình trạng với Liễu gia.

Đằng Nguyên đút bạc cho một kỵ binh có vẻ ngoài cực kỳ doạ người, moi được chút thông tin về tình hình phương bắc. Trắc phi Hạnh Liên vẫn bặt vô âm tín. Đà Liêu Hầu – Mạn Chu năm lần bảy lượt cử sứ giả tới Vương đô Sa Lục Châu đòi người nhưng chỉ nhận được sự trì hoãn. Đà Liêu Hầu vô cùng tức giận, thư qua lại bắt đầu dùng ngôn từ đe doạ.

Ở biên giới hai Châu, Quận vương Mạn Thổ dàn binh đón Vương cô cô mãi không thấy, nóng nảy xô xát với Khương vệ - quân đội giữ biên giới của Sa Lục Châu. Liệt Dạ quân đóng ở biên giới Đà Liêu Châu không nắm được tình hình, thấy Khương vệ chĩa mũi giáo về phía Quận vương, lập tức phóng tiễn như mưa. Hai bên giao chiến, chết như ngả rạ.

Quận vương Mạn Thổ bị thương nặng khiến Đà Liêu Hầu – Mạn Chu nổi cơn thịnh nộ, giết chết sứ giả mà Sa Lục Châu phái tới giảng hoà. Đà Liêu Châu rục rịch điểm binh, chiến sự sắp bắt đầu.

Kỵ binh nọ chỉ biết sơ sơ tình hình, không nắm được tin tức khác. Đằng Nguyên muốn biết người hàng xóm phương bắc – Đông Tàng Châu – xưa nay vốn giao hảo rất tốt với Đà Liêu Châu có kết đồng minh với Mạn Chu Hầu hay không. Bất quá dù xì thêm bạc, kỵ binh nọ cũng không lấy vì y thực sự không biết.

Lương thực được thu hết, người tự nguyện tòng quân khăn gói rời đi cùng binh lính Hồi thành; kẻ chống đối hoặc không đủ bạc nộp bị lôi đi. Thôn dân than khóc, Tụ Sơn thôn như có đám tang tập thể.

Mục gia thôn nghèo khó hơn, tình trạng thảm hại hơn. Có hán tử vì chống đối tòng quân, tấn công binh lính mà bị chém chết tại chỗ khiến lòng người rét lạnh. Mục Sở hoàn toàn ngược lại, từ biệt gia quyến, ôm theo khát vọng thành danh vui vẻ lên đường. Trước ngày trưng binh, Đằng Nguyên đã kịp dúi cho Mục Sở một ít bạc, một thanh chủy thủ tốt, dặn dò gã đề phòng lòng người hiểm ác. Hi vọng chuyến này không phải bỏ mạng nơi chiến trận khốc liệt.

Tụ Sơn thôn bình yên trở lại, Đằng Nguyên cũng nghĩ ra cách trị nhạc phụ, mở con đường sáng cho Mục gia.