Thành Thủy Tinh

Chương 3: C3



Thời gian ấy đang thịnh hành những lời chúc tốt đẹp trên danh sách bạn bè và các trang truyền thông.

Đó là những lời chúc rằng: "Dẫu có trải qua bao giông bão thì mong bạn hãy luôn là chính mình", hay "Dù bôn ba kiếm kế sinh nhai suốt nửa đời người, nguyện bạn vẫn luôn là chính mình"...

Có người nói những lời này được biến tấu từ thơ của Tô Thức, đó là câu "Đi vạn dặm trở về, dung nhan người càng tươi tắn hơn xưa" trong bài thơ Định phong ba.

Sự ân cần và lịch sự ánh lên trong mắt Bùi Vị Trữ gợi Tống Hi nhớ đến câu thơ ấy.

Nó như một công tắc khiến cho cảnh tượng lần đầu gặp nhau của họ ùa về.

Lần đầu tiên cô gặp Bùi Vị Trữ là vào năm 2008.

Đó cũng là lần đầu tiên Tống Hi đến thủ đô. Khi ấy đang là kỳ nghỉ hè tháng 8, xe lửa đông như mắc cửi, hành khách trên xe chen lấn nhau, đứng san sát đến kín chỗ.

Màn hình tivi khổng lồ đang chiếu trận đấu của thế vận hội Olympic, băng rôn khẩu hiệu chào mừng được giăng khắp chốn đâu đâu cũng thấy, có cả người nước ngoài giương lá cờ đỏ nhỏ chạy qua, các tình nguyện viên thì đứng trong đám đông nhiệt tình giúp đỡ cho những ai cần trợ giúp.

Cả thành phố ngập tràn bầu không khí tưng bừng và rộn ràng khiến người ta cũng vui lây, náo nhiệt đến mức tưởng như đang đón năm mới vậy.

Ba của Tống Hi đã có mặt tại trạm để đón vợ con. Sau khi gặp hai mẹ con, ba Tống chủ động xách hầu hết hành lý cho họ.

Ông tay xách nách mang nào túi nào hộp, đoạn ông quay đầu cười hỏi mẹ Tống: "Hai cái người này, định chuyển nhà lên thủ đô luôn đó hả?"

Tống Hi thì đeo chiếc balo cũng nhét đầy ụ, xách cả một chiếc túi vải đi cùng họ.

Thay đổi môi trường sống làm cô thấy lạ lẫm quá đỗi, không kìm nổi sự tò mò nhìn ngó khắp nơi. Bởi vì quá chăm chú nhìn ngắm cảnh vật hiện đại nơi đây mà cuộc đối thoại của ba mẹ cũng trở nên khi gần khi xa, cô chỉ lờ mờ biết mẹ đang dặn ba cái gì mang lên cho ba, cái gì mang lên cho gia đình chú Tống.

Chú Tống được nhắc đến ở đây tên là Tống Gia Quần, trước đây là hàng xóm ở thị trấn của nhà cô.

Nhà ông ấy có một người họ hàng làm giáo viên trên thành phố, từ hồi học cấp hai Tống Gia Quần đã ở nhờ nhà họ hàng và học hành trên này, sau đó thi đại học khá ổn nên chuyển đến thành phố lớn để học, học xong thì lại chuyển lên thủ đô làm ăn.

Công việc làm ăn của ông ấy hết sức suôn sẻ, nói theo cách của người dưới thị trấn là "tài giỏi", "giỏi bươn chải".

Thời Tống Hi còn học tiểu học, có một năm Tống Gia Quần đã về thị trấn vào tết Âm lịch để đón năm mới, đồng thời mang quà đến biếu tặng ba mẹ Tống Hi vì đã chăm nom hộ cụ già nhà mình.

Khi đó công ty của ba Tống Hi vừa cắt giảm nhân sự và không may ông cũng nằm trong số đó, rơi vào cảnh thất nghiệp. Được Tống Gia Quần đề nghị, tết Âm lịch vừa qua ba Tống Hi đã theo ông ấy lên thủ đô, phụ giúp ông ấy làm ăn.


Trong nhà chỉ còn lại mẹ con Tống Hi, mẹ thường kể với Tống Hi với tất cả lòng biết ơn chân thành rằng hai vợ chồng chú Tống vô cùng tử tế, làm lụng ngoài kia luôn hết lòng chiếu cố ba cô.

Lúc ba của Tống Hi dẫn hai mẹ con đến bãi đậu xe của ga tàu, Tống Gia Quần đã xuống xe chờ sẵn. Ông ấy đứng trong đám đông, giơ tay lên trời mà hồ hởi vẫy tay với họ: "Chị dâu, Hi Hi, ở đây, ở đây!"

Tống Gia Quần hô to để thu hút sự chú ý của gia đình họ rồi rảo bước chen lấn qua đám đông, xách túi lớn mà mẹ Tống Hi đang cầm rồi cảm ơn rối rít: "Chị dâu, chị lên thì cứ lên thôi, mang nhiều đồ đạc lỉnh kỉnh thế này làm gì! Trời, sao lại nặng thế này, cực chị quá, cực chị quá!"

"Cực gì đâu, lúc lên xe lửa bọn chị gặp được người tốt, có hai cậu trai xách hành lý giúp rồi. Bọn chị cũng không mang gì nhiều, đều là đặc sản dưới quê cả. Nghe em dâu bảo em thèm cơm quê nên chị đem rất nhiều măng để làm thịt xông khói đây, chút nữa để chị nấu cho cả nhà ăn nhé!"

Trông ra dãy trung tâm thương mại nguy nga, lộng lẫy ngoài bến xe, mẹ Tống trầm trồ: "Thủ đô tuyệt thật, đẹp quá!"

Năm ấy Tống Hi mười sáu tuổi, đó là lần đầu tiên trong đời cô bước chân ra khỏi thị trấn nhỏ bé nơi đất quê chân chất, đi tới một thành phố lớn, nhìn đâu cũng thấy mới lạ cả.

Có điều ở dưới quê đi xe ngựa tròng trành rất mệt, đến thủ đô lại phải đi tàu hỏa hơn bốn mươi tiếng đồng hồ, ra đến đường cái thành phố thì xe cộ đông ken, thắng gấp mấy lần liên tục làm cho dạ dày Tống Hi nôn nao khủng khiếp, đến khi tìm được nhà vệ sinh công cộng gần đó thì cô nôn thốc nôn tháo cả ra.

Tống Hi lên xe thiêm thiếp ngủ một lát, đến khi tỉnh lại thì xe đã lái vào một căn biệt thự đẹp lung linh.

Nhà của gia đình chú Tống rất đẹp, là một căn biệt thự ba tầng, những khóm hoa Swan River Daisy trong khoảng sân trước nhà tạo thành một biển tím violet mộng mơ đầy tươi tắn.

Một người phụ nữ luống tuổi đang mỉm cười ngồi trong sân. Thấy họ, bà ấy đi ra với chiếc bụng lớn, ôm chầm lấy mẹ Tống Hi.

Đó là vợ của chú Tống - Trương Thiến, Tống Hi gọi bà ấy là dì Trương.

"Hi Hi, lâu lắm rồi không gặp cháu, nay ra dáng thiếu nữ quá chừng, cao hơn hẳn! Qua hai năm nữa thể nào cũng cao hơn mẹ cháu cho xem!"

Trương Thiến bẹo má Tống Hi: "Đi xe lửa cực lắm hả cháu? Sao mặt mày nhìn nhợt nhạt thế kia?"

Mẹ Tống kể chuyện Tống Hi bị say xe trên đường đi cho bà ấy biết, Tống Hi thấy ngại ơi là ngại, mặt đỏ bừng cả lên.

"Thế chúng ta vào nhà thôi, trong nhà có điều hòa, hứng gió mát, uống ít nước mát là sẽ đỡ hơn thôi."

Trước khi vào nhà, Trương Thiến giơ tay chỉ lên tầng trên: "Hi Hi, cháu nhìn này, tầng ba là một gác xép nhỏ, từ hôm nay cháu và mẹ sẽ ở đó. Từ khi biết cháu sẽ tới đây ở là chú Tống cháu háo hức lắm, không chịu ngồi yên, mua rất nhiều sách cho cháu, ông ấy cất hết trên kệ sách đấy. Cháu ở đây cứ tự nhiên như ở nhà, đừng câu nệ nhé."

Ngày hôm ấy, họ vào nhà chưa được mấy phút thì Tống Gia Quần và ba Tống đã tất bật rời đi để lo chuyện buôn bán.


Mẹ Tống và Trương Thiến cùng nhau sắp xếp hành lý của họ, những món ăn đặc sản dưới quê lần lượt được lấy ra khỏi túi, bày ra khắp sàn, gỡ túi rồi cất đi.

Trương Thiến ngước lên gọi to: "Tư Phàm, Tư Phàm ơi? Dì và chị tới rồi, xuống đi con!"

"Mẹ đừng gọi nữa, con đang trong trận với bạn! Đừng gọi nữa, phiền chết đi được!"

Trương Thiến nghe tiếng đáp trả ngỗ nghịch của thằng con mà nghẹn họng, bất đắc dĩ than vãn với mẹ Tống Hi.

Trước đây hai vợ chồng họ chỉ lo làm ăn, giao hết mọi việc trong nhà cho giúp việc trông coi. Mặc dù sống dưới một mái nhà nhưng ngày nào họ cũng đi sớm về muộn, chẳng mấy khi có thời gian trò chuyện với con trai.

Mỗi khi báo cáo tình hình trong nhà, người giúp việc luôn lựa lời dễ nghe với hai vợ chồng, khen tấm tắc con trai họ ngoan ngoãn hiểu chuyện, Trương Thiến còn từng vui mừng vì những lời khen có cánh ấy.

"Cũng vì lần này mang thai đứa thứ hai ốm nghén nặng quá nên em mới phải ở nhà nghỉ ngơi, từ sáng đến tối đều gặp nhau mới phát hiện hóa ra thằng bé hư không chịu được, em đau đầu với nó lắm!"

Trương Thiến đang kể thì có tiếng dép đi lạch bạch vọng lại từ tầng trên, tiếp đó là âm thanh "cộc cạch, cộc cạch" bánh xe trượt trên sàn nhà.

Tống Tư Phàm trượt ván tới, dừng lại trước đống đặc sản dưới quê rồi lầm bầm với vẻ chê bai: "Gì mà lắm đồ thế, lộn xộn khiếp..."

Lúc mới vào nhà Tống Hi đã uống cốc nước lạnh nên giờ tươi tỉnh hơn nhiều.

Nghe Tống Tư Phàm nói vậy, cô không kìm được thầm xỉa xói trong bụng: Thằng nhóc láo toét này mà là em trai ruột của cô thì cô sẽ đạp nó không trượt phát nào!

"Tư Phàm!"

Trương Thiến là người miền Nam nên tiếng quở trách vẫn hiền hòa như hát vậy: "Lại đây chào dì! Đây là chị Tống Hi. Chị Tống Hi học giỏi lắm, học kỳ trước thi cuối kỳ đứng thứ hai toàn trường đấy, con hãy học hỏi chị ấy nhiều vào."

Song thằng nhóc lì lợm này không buồn nghe mẹ mình nói gì, trượt ván xuống nhà bếp.

Tống Hi tận mắt thấy cảnh cậu ta bê một thùng nước uống ướp lạnh to đùng ra, mở chốt, đổ thẳng vào mồm mà tu ừng ực.

Mẹ Tống khéo léo phá vỡ bầu không khí lúng túng: "Em cũng biết trường dưới quê rồi mà, học sinh ít lắm, được hạng nhì cũng không to tát như em nghĩ đâu."

Uống được nửa thùng nước, Tống Tư Phàm đột nhiên nhìn chằm chằm vào Tống Hi, phán một câu xanh rờn: "Chị đến từ châu Phi à? Sao đen nhẻm thế?"

Tống Hi mới vượt qua kỳ thi tuyển sinh cấp ba xong, kỳ nghỉ hè này không phải làm bài tập.

Phụ huynh dưới thị trấn không đặt nặng chuyện học hành, cho con em đi học thêm chương trình cấp ba từ sớm như trên thành phố lớn.

Thế nên cô không có bài tập về nhà thì rảnh cả ngày, hôm nào cũng lên núi, ra sông chơi với bạn, phơi mình dưới cái nắng oi bức mùa hè ở đất nam suốt hai tháng liền nên như biến thành cục than vậy.

Lúc ở dưới quê Tống Hi chẳng thấy có gì đặc biệt cả, bạn bè cô ai cũng da ngăm do phơi nắng như nhau, không ai chê ai cả.

Bây giờ đột nhiên bị người khác chế giễu, Tống Hi liếc nhìn gương ghép ô vuông được dán trang trí trên tường phòng khách. So với khung cảnh tráng lệ và đẹp đẽ xung quanh, cô không những da ngăm mà còn gầy như que củi, trông quê mùa cục mịch vô cùng.

Nhưng...

Đen hay không liên quan quái gì đến chú mày?

Chị đây thích vậy đấy, thằng nhóc láo toét!

Tống Hi cũng biết giận, đương nhiên không vui khi bị chê bai như vậy. Thật lòng cô muốn chửi lại cậu ta lắm, nhưng nghĩ lại thì dì Trương và chú Tống thật sự đối xử rất tốt với gia đình cô, bởi vậy Tống Hi chỉ đành vờ như không nghe thấy gì.

Tống Tư Phàm cứ trượt ván đi qua đi lại trong phòng khách mãi, thỉnh thoảng thì lấy điện thoại ra nghịch.

Có lẽ thằng con cứ lướt qua lướt về nhìn đau cả đầu, hoặc có thể lo Tống Hi ở với người lớn sẽ thấy chán nên dì Trương đề nghị: "Tư Phàm, con dẫn chị đi dạo trong khu biệt thự để làm quen đường sá nhé, được không?"

Chẳng biết thằng nhóc đang tuổi nổi loạn khiến người ta tức muốn ứa gan kia bị chập mạch ở đâu mà gật đầu, nhanh nhẹn lướt ván ra ngoài.

Giữa chừng cậu ta ngoảnh đầu lại, ra lệnh với Tống Hi: "Đi đi chứ, người châu Phi."

"p$#%p!@#"

Tống Hi thầm chửi ôn con này xối xả, theo cậu ta ra ngoài trong tâm trạng bất mãn cực kỳ, tức giận đến mức quên cả kính.

Ngoài khu biệt thự vắng tanh không một bóng người, mấy con cá Koi mũm mĩm bơi lội trong hồ nhân tạo, yên ắng đến mức chỉ nghe thấy mỗi âm thanh trong trẻo của tự nhiên như tiếng ve kêu rả rích, hay tiếng chim hót líu lo.

Khác hẳn dưới quê nơi thị trấn nhà cô ở, hễ ra đường là thấy những gương mặt thân thuộc, đi đường sẽ phải chào hỏi từ chú này đến dì kia. Nhà nào cũng xây san sát nhau, cửa sổ trong nhà lại hệt như "kẻ phản bội", tiết lộ tiếng nói chuyện rôm rả cùng với mùi nấu nướng thơm lừng từ nhà này sang nhà khác.

Sau khi ra ngoài được mười mấy phút, cuối cùng Tống Hi cũng biết vì sao Tống Tư Phàm chịu vác xác ra ngoài.


Vốn dĩ cậu ta đâu hề muốn dẫn cô đi dạo, chẳng qua cậu ta muốn tìm cơ hội được ra khỏi nhà mà thôi.

Tống Hi mới để đầu óc trên mây một lát, ngẩng đầu lên thì Tống Tư Phàm biến mất tăm từ khi nào không hay.

Năm 2008, Tống Hi chưa có điện thoại riêng, giờ ra ngoài lại không đeo kính, cô quay đầu dõi về con đường mình vừa đi thì thấy mờ mờ, nhìn sao cũng ra những ngôi nhà tráng lệ ấy ra nhà chú Tống cả.

Tất cả mọi thứ tại nơi đây đều quá đỗi lạ lẫm, lần đầu tiên trong đời cô nghĩ có khi mình bị mù đường.

Trong lòng Tống Hi thừa biết một thằng nhóc trẩu tre, xấu tính như Tống Tư Phàm đã vứt lương tâm cho cún ăn, chạy ra chỗ nào đó chơi từ đời nào rồi, sẽ không có chuyện cậu ta quay về tìm cô đâu.

Cái nóng ở mùa hè phương bắc oi bức, khô hanh, ánh mặt trời gay gắt làm cô tuôn mồ hôi như suối, từng giọt mồ hôi trượt xuống má cô liên tục.

Ve giấu mình dưới tàng cây kêu ra rả không ngừng nghỉ khiến cho ai nghe thấy càng sốt ruột hơn nữa, bực bội đến mức tưởng chừng lồ ng ngực sắp bốc cháy đến nơi vậy.

Tống Hi đang đứng bần thần giữa đường thì bỗng một tiếng động vang lên từ đằng sau, xa xôi đằng kia có một bóng người đạp xe tới.

Lúc người đó thong dong lướt qua, Tống Hi thấy hình dáng người đó rõ hơn chút đỉnh trong một vài giây chóng vánh:

Một cậu con trai lái một chiếc xe đạp có kiểu dáng rất ngầu, cúi thân trên về đằng trước rất thấp.

Anh mặc một chiếc áo thun tay ngắn trắng tinh, đeo túi đựng bóng rổ màu đen trên lưng, khí chất nhẹ nhàng khoan khoái, đeo tai nghe, vẻ mặt thản nhiên...

Vô số suy nghĩ dâng lên trong đầu Tống Hi vào khoảnh khắc ấy, cô muốn gọi anh lại để hỏi đường nhưng lại sợ anh không nghe thấy, sợ cả việc anh sẽ từ chối sau khi nghe câu hỏi của cô.

Và chiếm một phần trong vô vàn nguyên nhân làm cô bối rối ấy là câu "người châu Phi" do Tống Tư Phàm thốt ra.

Rõ ràng cô không mảy may quan tâm đ ến lời chế nhạo của cậu nhóc hỗn xược kia, nhưng chẳng hiểu sao lúc này cô lại nhớ về nó.

Chiếc xe đạp đã đi tới, sắp sửa lăn bánh đi xa.

Tống Hi vẫn còn đang đắm chìm trong nỗi băn khoăn, thế nhưng chủ nhân của chiếc xe đạp lại từ từ dừng lại.

"?"

Người con trai chống hai chân xuống đất, dùng đôi chân dài đạp lên mặt đất vài bước để lùi đến chỗ cô.

Khi thấy rõ gương mặt anh, Tống Hi ngẩn ngơ quên hết cả mây trời xung quanh.

Anh tháo một bên tai nghe ra, tử tế nhắc nhở cô: "Tuột dây giày kìa, cẩn thận kẻo ngã."