Về Thượng Hải, Phó Ngọc Đình qua đường Phúc Hi chơi thăm anh mấy ngày liền, cùng đi rạp chiếu phim, đi nhà sách mua sách cùng với anh, rồi thì đi quyên góp tiền cho quân tình nguyện, lại còn theo ý anh đến tiệm Âu phục may một bộ. Phó Ngọc Đình còn nổi hứng vẽ một bức tranh cá vờn lá sen, mỗi tội vẽ được một nửa thì hỏng, vẫn phải nhờ đến tay Phó Ngọc Thanh chữa lại.
Đã lâu chưa được gặp em trai nên Phó Ngọc Thanh nhớ lắm, bỗng dưng được đoàn tụ, đến cả Mạnh Thanh anh cũng không đoái hoài tới. Anh xin nghỉ những mấy ngày không đi làm, ngay đến người trong công ty mậu dịch cũng nhận ra anh có chuyện vui khác thường, ai cũng hỏi anh có tin gì mừng à, nhưng Phó Ngọc Thanh chỉ cười.
Mạnh Thanh vẫn đưa đón anh sớm tối như cũ, không nhịn được đùa, “Quả nhiên trong ngoài thân sơ vẫn khác nhau.”
Sao Phó Ngọc Thanh không hiểu ý hắn chứ? Anh mới cố tình đáp, “Em là vợ, thằng bé là em trai nên đương nhiên không giống nhau rồi. Chứ không thì chả nhẽ rối cả lên à.”
Mạnh Thanh mặc kệ anh lý do lý chấu, bảo: “Nếu tam gia bận quá không dành ra thời gian được thì viết thư cho em đi, em không cần viết dài gì đâu, viết nhiều cho em như hồi trước là được rồi.”
Phó Ngọc Thanh không ngờ hắn lại nghĩ ra cái yêu cầu thú vị như thế, anh không khỏi phì cười: “Thế mà dám chê tôi hẹp hòi, em đấy…”
Mặt Mạnh Thanh thoáng ửng lên, hắn mới phân bua, “Đã không được gặp thì thôi, đằng này đến cả bức thư cũng còn không cho em thì công bằng ở đâu hả?”
Anh nín cười hứa vội vàng: “Tôi viết, nhất định tôi sẽ viết mà.”
Ngờ đâu Phó Ngọc Đình bỗng Phó Ngọc Đình ra đi không một lời từ biệt. Phó Ngọc Thanh về tìm chẳng thấy cậu đâu, chỉ thấy một bức thư dài cậu để lại. Đọc thư xong, mặt Phó Ngọc Thanh cắt không còn một giọt máu, anh ngã phịch xuống không thở nổi, siết chặt tay Mạnh Thanh.
Thì ra trong thư Phó Ngọc Đình viết sẽ đến chiến trường Triều Tiên, còn bảo anh đừng lo.
Thấy anh quá bi thương, Mạnh Thanh cuống cuồng gọi điện bảo Chấn Ngọc chạy ngay đến ga tàu chặn cậu lại, xong thì kêu bác sĩ, rồi gọi cả một đống bạn bè cũ đi tìm người. Song lúc bấy giờ đã muộn mất rồi, nào nhà ga nào bến tàu, ngay cả người của Liên đoàn Tổng công[1] cũng lùng sục khắp nơi mà chẳng thu hoạch được gì.
1.
Phó Ngọc Thanh bình tĩnh lại, anh hoảng đến suýt gục. Sao anh có thể không lo được kia chứ? Thằng bé là em trai, là cục cưng là báu vật yêu thương của cha, từ bé tí đã dính anh, giờ lại đòi ra chiến trường, đến cái nơi súng đạn không có mắt ấy, nhỡ mà không quay về được thì làm sao bây giờ?
Khi đó đã đồn lên đồn xuống rằng Mỹ sắp tấn công rồi. Lúc Mỹ ra quân đánh Triều Tiên, hạm đội đã đi đến tận eo biển của Đài Loan rồi, tuy chẳng ai nói ra, song ai cũng đều sợ hãi, sợ bị kẹp giữa Mỹ với đảng Quốc dân rồi lại lâm vào chiến tranh.
Nhưng phải trao đổi tính mạng của em trai ư, anh sao nỡ lòng. Anh thừa nhận mình ích kỷ, cũng thừa nhận mình là một tên tiểu tư bản hẹp hòi, cái gì anh cũng sẵn sàng, chỉ riêng mất thêm một người thân nữa là anh không thể chịu thấu.
Sau khi vắt óc nghĩ tới nghĩ lui, anh mới gọi điện cho Lục Thiếu Du để báo trường học và tuổi tác của Phó Ngọc Đình, xin cô giúp đỡ. Lúc đó cuống quá rồi nên cách gì cũng sẵn sàng thử, Lục Thiếu Du quản lý mặt văn hóa nên cũng chỉ giúp được đến một mức nhất định. Sau đó thấy trên báo có Vương Mãn Giang là phó chủ tịch Liên đoàn Tổng công Thượng Hải, anh mới ôm bệnh đến tìm. Vương Mãn Giang là một người rất hiểu lý lẽ, sớm đã hay tin anh về nước, cũng rất thông cảm cho nỗi lo của anh nên đã đồng ý hỏi thăm quân đội giùm anh, còn trấn anh anh rằng đừng lo lắng quá, sinh viên có đi thì cũng chỉ làm phiên dịch mà thôi.
Nhưng anh nào yên tâm cho đặng? Chuyện này đã biến thành một bóng ma tâm lý giày vò anh, bệnh dạ dày lại tái phát, thành thử đến cả việc của công ty mậu dịch cũng không để ý được.
Kết quả nửa năm sau, bỗng dưng có người bên Nam Kinh tố cáo anh là phần tử phản động. Bảo thời kháng chiến anh đã làm Hán gian bán xưởng dệt cho phe Nhật, lại còn tố anh cấu kết với Đảng Quốc dân, mở phiên tòa giả, vì bán xưởng dệt nên đã đánh chết phó quản lý Điền của xưởng dệt.
Bạn bên Nam Kinh nhờ người chuyển tin cho anh, nhắc anh phải cẩn thận.
Sao Phó Ngọc Thanh chịu nổi đây? Anh lo phấp phỏng. Lục Thiếu Kỳ không còn, người của Bộ Tư lệnh phần lớn cũng không còn ở Nam Kinh nữa rồi, ai sẽ làm chứng cho anh bây giờ? Huống chi hồi đó bán xưởng dệt cho Nhật qua ngân hàng còn là một chuyện mà anh cực hối hận, đâu có ngờ bây giờ lại bung bét ra.
Sau đó nghe đâu cục Công an Nam Kinh đã từ chối thụ lý, tên nọ lại chạy đến Thượng Hải tố cáo, cục Công an Thượng Hải mới cho người đến đường Phúc Hi điều tra lấy bằng chứng, anh cố lên tinh thần đi theo, có điều thái độ của đồng chí đến điều tra rất ôn tồn, chỉ là câu hỏi nào cũng khiến anh phát hoảng. Sau khi bọn họ về, quần áo anh đã ướt sũng mồ hôi, môi tím bầm, mặt cũng trắng bệch như tờ giấy.