Xin Lỗi Phải Là Em!

Chương 10: 10




Một thạc sĩ ngôn ngữ học nào đó có nói rằng: Khi đã từng yêu nhau, một mai cảm xúc có đổi chiều, xin hãy gọi nhau là người cũ, và hãy chia tay một cách tử tế.

Nhưng với Sâm Phol thì không thể.

Anh đã chắc chắn điều đó, khi anh bất ngờ gặp lại Thư.
Tỉnh S là một tỉnh nhỏ nằm ở phía nam sông Hậu, cách thành phố C, nơi em trai anh đang công tác khoảng hơn 60 cây số, nhưng cách nơi anh đang công tác đến khoảng 200 cây chính là quê hương anh.

Ở nơi này, chùa chiền khá nhiều, người dân tộc thiểu số chủ yếu là người Chăm, người Khmer và người Hoa.

Quê anh đặc sắc nhất là các lễ hội hằng năm và sự cổ kính của hàng trăm chùa chiền có từ rất lâu đời.

Văn hóa tín ngưỡng của người dân cũng vì vậy mà phong phú.

Đa phần cư dân nơi này hiếm khi chỉ thờ cúng một cá nhân thần thánh nào, mà thường rất đa dạng.

Có lẽ vì vậy, với truyền thống lâu đời, dân nơi đây đã tự hình thành bản tính chất phác, nồng hậu và giàu lòng nhân ái cho chính họ.
Sâm Phol trở về quê nhà vào đúng dịp lễ hội Ooc Om Boc hay còn gọi là lễ hội Đua Ghe Ngo hay lễ Cúng trăng được tổ chức đua ghe vào rằm tháng 10 Âm lịch.

Cùng với đó là lễ hội Loi - Pro tip.

Đây là lễ hội thả đèn nước trên sông Nguyệt (sông Maspero) dưới hình thức những chiếc ghe được tạo hình như những chùa tháp.

Tất cả diễn ra ở tại trung tâm tỉnh.

Chính vì vậy mà không khí của tỉnh S vào những ngày này vô cùng nhộn nhịp, tấp nập.

Đường phố đâu đâu cũng rực rỡ sắc màu.

Các đường ra vào những chợ càng đặc nghẹt du khách từ khắp mọi miền.

Phố ẩm thực dọc bờ kè ở con phố gần nhà anh cũng vô cùng đông đúc.

Bình thường, các chủ cửa hàng thường bán đến 9 giờ đêm, nhưng dịp này, lễ hội diễn ra, nhu cầu ăn uống tăng cao vì vậy họ đã thức suốt đêm để phục vụ du khách.


Dì Sơrai của Sâm Phol cũng có một quán ăn uống ở phố bờ kè.

Quán ăn của dì chủ yếu phục vụ các món ăn đặc sản ở nơi đây như bò nướng ngói, bún nước lèo, bánh cống, bánh phồng tôm..

Các món ăn được nhà bếp chuẩn bị sẵn và chia phần theo nhu cầu, du khách đến sẽ tự phục vụ như nhóm bếp, nướng thịt, chiên bánh..

tất nhiên và dưới sự hướng dẫn của các đầu bếp và nhân viên phục vụ.
Thông thường, du khách họ thường ghé quán ăn vào cuối buổi chiều sau đó họ sẽ tản bộ dọc theo bờ sông và tham quan một vài ngôi chùa cổ kính gần đó.

Chính vì vậy mà chiều muộn có thể xem là giờ cao điểm của quán ăn.

Để tạo sự thuận lợi cho du khách, đến mùa lễ hội, dì Sơrai thường thuê thêm một số học sinh, sinh viên làm bán thời gian nhằm giải quyết những vấn đề cần thiết.

Và phần lợi nhuận có được trong những dịp lễ như thế này sẽ được dì Sơrai dành một phần gửi quyên góp cho các nhà chùa có nuôi trẻ mồ côi.

Dì nói, đối với mình, nó chẳng là bao nhiêu nhưng đối với người khác, có khi nó mang đến những điều thiết yếu cho cuộc sống của họ.

Dì sinh ra ở nơi này, lớn lên trong không khí chứa đầy khói nhang của hơn hai trăm ngôi chùa có lịch sử lâu đời, thế nhưng dì ít khi đi chùa đốt nhang cầu khấn trừ ngày Tết Nguyên Đán.

Dì cho rằng, đốt nhang có lẽ không thành thật bằng hành động thực tế hằng ngày.

Chính vì vậy mà Dì thường làm việc thiện nguyện.

Nghe dì nói, mùa lễ hội này, dì còn kết hợp với thành đoàn của thành phố tài trợ miễn phí phí ăn ở cho nhóm người thiện nguyện ở miền ngoài vào đây làm công tác xã hội.
Đoàn công tác xã hội do đài truyền hình và phát thanh thành phố Đ tổ chức dưới hình thức lồng ghép nhiều chủ đề.

Đây là một chuyến đi xuyên Việt kết hợp nhằm hưởng ứng chương trình cổ vũ cho du lịch Việt Nam.

Tỉnh S là một trạm dừng chân của họ trên con đường từ thành phố mờ sương vào đến đất mũi.

Thời gian dừng lại khoảng một tuần.


Họ sẽ chụp ảnh, quay phim và phỏng vấn về lễ hội Đua ghe ngo, lễ hội Cúng trăng, đồng thời giới thiệu về nguồn gốc và lịch sử các ngôi chùa của tỉnh.

Cuối cùng là làm công tác từ thiện tại một vài ngôi chùa có nhận nuôi trẻ mồ côi.
Khách sạn dừng chân của họ là khách sạn Trường Diễm nằm trên con đường đối diện phố ẩm thực bờ kè.

Rất thuận lợi để quan sát lễ hội và khám phá ẩm thực miền quê.
Phía sau quán ăn là một khu vực rộng rãi, thoáng mát được bao phủ bởi mái che bằng lá dừa nước tự nhiên, gió từ sông thổi vào mang không khí mát lạnh.

Một nhóm người trong đoàn công tác của đài truyền hình đang gọi thức ăn.

Thư bưng một đĩa thịt bò đã được ướp sẵn, dưới sự hướng dẫn của nhân viên, cô chuẩn bị cho lên bếp nướng, bỗng cô thấy thiếu thiếu:
- Em ơi, cho bên này hai cái gắp tay và thêm một cái kéo nhé.
Tiếng gọi trong trẻo đã gây ra sự giật mình sửng sốt của người đàn ông đang ngồi quay lưng ra ngoài.

Anh đang đánh cờ với em trai của mình.

Buông con cờ xuống, Sâm Phol đứng phắt dậy, nhìn thẳng ra nơi có tiếng gọi.

Gương mặt quen thuộc, mái tóc quen thuộc, dáng người quen thuộc..

mà anh suốt một năm qua không thể nào quên được, đang xuất hiện trước mắt anh.

Nhìn thái độ khác lạ của anh, Sâm Châu nói:
- Đó là đoàn công tác xã hội của đài truyền hình Đ, họ ở khách sạn cạnh nhà mình ấy.

Họ mới xuống tới sáng hôm nay, dì bảo sắp xếp chỗ ăn miễn phí cho họ ở đây.

Nghe đâu họ ở lại một tuần rồi mới đi tiếp xuống phía kia..
Lời của Sâm Châu không còn vào tai Sâm Phol được nữa, anh nghe tim mình đập loạn xạ, giống như ngày đầu nhìn thấy Thư ở trường America.

Không, không đúng, còn hơn nữa, cảm giác như nếu anh cử động, tim anh sẽ nhảy ra ngoài mất.


Anh thật không ngờ, anh tìm kiếm và chờ đợi mỏi mòn thế mà cô lại lạnh lùng như không.

Vẫn còn đủ thời gian và tâm tư để đi chơi đến tận đây.

Đài truyền hình thì liên quan gì đến cô chứ? Cô là giáo viên cơ mà! Thật đáng ghét.

Anh kéo ghế, vẻ mặt tức giận muốn đi đến thẳng trước mặt cô mà chất vấn cái người con gái vô tâm kia.

Nhưng ngay sau đó, anh liền có quyết định khác.

Anh ngoắc tay với nhân viên phục vụ và nhận lấy hai cái gắp tay, một cái kéo sau đó anh bước đến bên bàn, đưa ra cho người ngồi trước mặt.
Thịt bò đã chuyển màu và bắt đầu tỏa hương thơm nhưng vẫn chưa có gắp tay để trở chiều của nó, không khéo sẽ bị khét.

Thư vội vội vàng vàng nhận lấy gắp tay được đưa tới mà vẫn không ngẩng đầu.

Cô vẫn chuyên chú với việc nướng thịt của mình sau khi đã nói xong lời cảm ơn.

Sâm Phol càng tức giận hơn.

Ngay cả miếng thịt bò, anh cũng không bằng! Anh như nghiến răng nói:
- Chúc quý khách ngon miệng!
Âm thanh trầm tĩnh của người đàn ông lại trở thành tiếng sét đánh vào trái tim Thư.

Cô đánh rơi kẹp gắp thịt, ngẩng mặt bàng hoàng.

Anh đứng đó, kế bên cô mà vẻ lạnh lùng xa cách.

Thư cảm thấy tim mình như co rút một cơn đau, đau đến sắp nghẹt thở.

Anh ở đây, anh đang ở đây, thế mà anh làm như không quen cô.

Một năm qua, có bao giờ cô không thôi nhớ về anh.

Ngay cả trong giấc mơ.

Ngay cả lúc cô đau đớn cảm thấy không còn tự tin trước tình yêu của Hà Tuyên dành cho anh.


Cô vẫn không thôi khao khát về anh.

Cô vẫn mơ được ở bên anh, được yêu anh và được anh yêu.

Cô quyết định sẽ làm rõ mọi chuyện với anh sau khi rời khỏi quê hương của Hà Tuyên.

Nhưng khi cô trở về từ thành phố Đ thì nhận được phiếu báo hết hạn gia hạn luận văn thạc sĩ.

Cô đã lao vào nghiên cứu để hoàn thành luận văn.

Rồi bảo vệ luận văn.

Đến khi trở về tỉnh B, tìm anh thì đơn vị đã nói anh nghỉ phép.

Họ không biết anh sẽ đi đâu, có lẽ về quê.

Cô nghĩ, sao bao nhiêu đó việc xảy ra, một cuộc điện thoại không thể nói hết được.

Điều quan trọng là cô không muốn gọi điện thoại cho anh, cô muốn gặp anh.

Muốn ôm anh và nói với anh rằng, "hãy tha thứ cho em, em đã trở về, anh có thể tiếp tục yêu em được hay không?" Thế nhưng bây giờ, ngay cả thốt ra một lời, cô cũng không thể.

Cô chỉ biết ngồi đó, nhìn anh lạnh lùng xoay lưng bước đi.

Bóng dáng đó cô độc đến dường nào.
Cô cảm thấy hoảng hốt, khung cảnh chung quanh dường như mờ nhạt đi, tất cả như bị xóa nhòa đi, chỉ còn lại bóng lưng tàn nhẫn của anh bỏ lại cô.

Cô chỉ có một mình.

Cô không còn gì nữa hết khi anh không nói một lời thậm chí một câu chào hỏi anh cũng không buồn mà thốt ra.
Phải chăng đây là quả báo sao? Ở xứ sở của chùa chiền này, con người như bị nhìn thấu tất cả mọi lỗi lầm và phải trả giá về nó hay sao? Một năm trước cô ra đi, không nói một lời với anh, bỏ mặc anh.

Anh cũng đã từng đau khổ như cô bây giờ chăng? Còn cô, ngay hiện tại, cô đang nhận lại điều mà mình đã gây ra cho anh.
Cô càng hoảng hốt hơn, anh đi như thế thì cô có còn gặp lại anh không? Sẽ như ngày xưa được không? Cô không nghe bất cứ âm thanh nào của người bên cạnh, cũng không ngửi được mùi vị của thịt bò nướng ngói đã cháy khét lẹt và bốc lửa xèo xèo trên bếp.

Cô như rơi vào vực sâu của nỗi thương tâm khi nhận ra câu trả lời cho câu hỏi của chính mình:
- Cô và anh sẽ gọi nhau là người cũ?.


— QUẢNG CÁO —