Một buổi tối thứ bảy như thường lệ, Bảo Bình đi làm về trong thời tiết mưa lạnh rét buốt. Cô vừa mở cổng vừa nhìn vào nhà mình, ngôi nhà sáng đèn. Mẹ cô, Bảo Hân và Bảo Huy đã về thăm bà ngoại phải đến mai mới quay lại.
Bàn tay mò mẫm chốt cửa hơi dừng một chút, những lúc như thế này Bảo Bình luôn có một loại xúc động không muốn về nhà. Cô ngẩn người trong gió lạnh, cho đến khi cơ thể run rẩy vì không chịu được nữa Bảo Bình mới giật mình tỉnh táo lại.
Bảo Bình dắt xe vào cổng, chậm chạp lê từng bước một, cố gắng đè nén cảm xúc kháng cự trong lòng, Bảo Bình mở cửa, cởi giày rồi cất giọng:
"Con về rồi."
Không có tiếng đáp lại và Bảo Bình cũng không hi vọng có người sẽ trả lời, bởi vì cô đã quen như thế này rồi.
Ngôi nhà thường ngày đầy ắp tiếng nô đùa chạy nhảy nay lại yên tĩnh đến lạ lẫm. Thật ra, cũng chẳng phải yên tĩnh bởi vì đứng ngoài cửa Bảo Bình vẫn nghe thấy tiếng tivi vọng ra từ phòng khách. Nhưng thứ âm thanh trong trẻo dễ nghe ấy phát ra từ một đám máy móc chỉ khiến cho Bảo Bình cảm thấy căn nhà vô cùng lạnh lẽo.
Bảo Huy, Lăng Bảo Huy, chữ "Huy" vốn đã có nghĩa là ánh sáng rực rỡ, một cái tên này thôi cũng đủ thấy được sự kỳ vọng của bố mẹ như thế nào. Bảo Huy đối với gia đình của Bảo Bình mà nói thật sự là ánh sáng rực rỡ nhất xua tan đi cái không khí u ám suốt bao nhiêu năm qua.
Bảo Bình đi vào trong nhà, bố của cô-Lăng Bảo Quân đang ngồi ở sofa xem tin tức. Bảo Bình cũng không có ý định dừng lại, cô hướng về phía phòng mình vừa đi vừa nói "con chào bố".
Nghe được tiếng con gái nhưng ông Bảo Quân cũng chẳng có phản ứng gì nhiều, một cái liếc nhìn Bảo Bình cũng không có, mấy giây sau mới lạnh nhạt "ừ" một tiếng.
Bàn ăn trong nhà bếp có Bảo Bình, bên ngoài phòng khách có ông Lăng Bảo Quân nhưng một câu nói chuyện với nhau cũng chẳng có, mỗi người tự làm việc của mình. Nếu không phải có giọng nói của biên tập viên trong tivi, ngôi nhà này hẳn là sẽ yên tĩnh đến mức đáng sợ.
Hai người, hai thế hệ cùng sống dưới một mái nhà nhưng lại là hai thế giới song song mãi mãi không có một chút tiếp xúc nào cả. Bảo Bình vừa ăn cơm vừa thấy nực cười, đến cái bát còn có thể va chạm vậy cớ sao cô và bố của mình còn hơn cả người lạ như thế.
Bữa cơm này cũng là Bảo Hân nấu trước khi về nhà bà ngoại, cô có nên thấy may mắn khi ông Bảo Quân vẫn để phần cơm tối cho cô không nhỉ? Đừng có đùa nó chỉ đơn giản là vì bố của cô sẽ không bao giờ động tay vào công việc nhà cả.
Bảo Bình ăn tối xong thu dọn bát đũa chuẩn bị đi lên phòng học bài, gần cửa chính nhà Bảo Bình có đặt một chiếc tủ gỗ tiện cho việc để một số món đồ món đồ lặt vặt như giày dép không đi tới, mũ bảo hiểm, ô, áo mưa... Lúc nãy về cô không để ý giờ mới nhìn thấy trên nóc tủ còn có thêm một chiếc phong bì nữa.
À, là phiếu báo điểm gửi về cho phụ huynh học sinh, đây là truyền thống của trường cấp 3 D.S.
Hôm nay chỉ có ông Bảo Quân ở nhà nên người nhận phiếu báo điểm này là bố của cô. Nhìn phiếu điểm của con gái, ông Lăng Bảo Quân không mảy may quan tâm thậm chí còn tiện tay ném luôn nó ở kệ đựng đồ trước cửa nhà. Bảo Bình tự hỏi mang phiếu điểm này vào trong nhà khó đến như vậy sao?
Bảo Bình cầm phiếu điểm lên thẳng phòng mình, suốt buổi tối hai bố con chẳng nói chuyện với nhau được câu nào, đến một ánh mắt giao tiếp cũng không có.
Gia đình của Lăng Bảo Bình có năm người nhưng từ khi Bảo Bình hiểu chuyện đến giờ trong mắt cô chỉ có mẹ và hai em mới được gọi là gia đình. Bảo Bình chưa bao giờ và cũng sẽ không bao giờ cảm nhận được tình yêu thương của một người bố.
Lăng Bảo Bình không lớn lên bằng những trận đòn roi hay những lời mắng miếc thậm tệ. Tuổi thơ của cô là sự lặng lẽ đến rợn người, Bảo Bình sống trong sự ghẻ lạnh tuyệt đối của bố mình, trong mắt của ông Lăng Bảo Quân, sự tồn tại của Bảo Bình gần như là trong suốt.
Bảo Bình bị bạo hành lạnh bởi chính bố ruột của mình.
Không có những đau đớn về thể xác nhưng những tổn thương mà nó gây ra đủ để ám ảnh và thay đổi cả một con người.
Tại sao à? Đơn giản chỉ bởi vì Lăng Bảo Bình là con gái.
Ông Lăng Bảo Quân là một người đàn ông có tư tưởng trọng nam khinh nữ nặng nề. Bảo Bình không thể nào biết được ngày cô ra đời mẹ cô đã phải chịu đựng những điều gì nhưng cô vẫn hiểu nó đau đớn lắm.
Trong trí nhớ của Bảo Bình, hơi ấm và sự gần gũi của người cha, cô chưa từng có ký ức cũng không bao giờ cảm nhận được những điều đó.
Ngày khai giảng lớp một, Bảo Bình nắm tay mẹ đi đến trường giương mắt nhìn những bạn nhỏ khác cười đùa cùng ba mẹ của mình. Vài năm sau đó những câu mà Bảo Bình hay được nghe nhất chính là:
"Bảo Bình mày không có bố à?"
"Đúng rồi, Bảo Bình là cái đồ không có bố."
"Không đâu, tớ có bố mà."
"Nói dối, nếu mày có bố thì tại sao bọn tao chưa từng thấy bố mày đến đón mày. Ở đây ai cũng có bố đưa đi học chỉ có mày là không có. Mày rõ ràng là đồ không có bố."
"Không phải mà, mẹ tớ bảo bố tớ đi làm mệt nên mới không đón tớ được."
"Bọn tao không tin đâu, bố tao cũng bận nhưng vẫn đến đón tao đấy thôi. Nếu như mày có bố thì nhất định là bố mày không yêu thương gì mày cả."
Hồi ấy, Bảo Bình vẫn còn nhỏ lắm cũng không hiểu hết những điều đám trẻ ấy nói nhưng không yêu thương gì mày cả, không phải thế, mẹ cô nói bố cô yêu thương cô mà.
Kể từ khi Bảo Bình có trí nhớ, có lẽ từ khi đi học lớp một, bố cô chưa từng đến đón hay tỏ ra gần gũi với Bảo Bình như những ông bố khác. Một ngày, Bảo Bình chạy đến muốn ôm lấy bố rồi nói: "Bố ơi bố, mai bố chở con đi học đi."
Từ trên cao nhìn xuống ánh mắt của ông Bảo Quân nhìn con gái mình đầy chán ghét, ông thẳng thừng đẩy con gái ra xa lạnh lùng nói: "Đi mà bảo mẹ mày ấy."
Ánh mắt ấy hoàn toàn không phải ánh mắt của một người bố khi nhìn con của mình, sự tồn tại của Bảo Bình là cái gai trong mắt của ông và cô cũng chẳng đáng giá một đồng. Ông phải chịu biết bao nhiêu lời trỉ trích, rèm pha, nói xấu từ họ hàng chỉ bởi vì không sinh được con trai. Một đứa con gái thì làm được gì chứ, Bảo Bình không nên tồn tại.
Đứa nhóc mới cấp một sao có thể cảm nhận được ánh mắt ác độc như thế, nhưng trẻ nhỏ lại nhạy cảm lắm. Bảo Bình thấy sợ ánh mắt của bố nhưng Lăng Bảo Bình tám tuổi cũng muốn được bố ôm lấy, bế bồng như bạn bè xung quanh.
Bảo Bình chạy lại ôm chặt lấy chân của ông Bảo Quân: "Đi mà bố, một lần thôi cũng được. Các bạn ở lớp con đều có bố đưa đi học mà."
"Tránh ra."
Bảo Bình mếu máo gọi "bố".
Ông Lăng Bảo Quân khi ấy đẩy mạnh Bảo Bình xuống đất, ánh mắt nhìn cô ngày càng hung dữ, tức giận quát: "Ai là bố của mày."
Đó là lần đầu tiên ông Bảo Quân không coi Bảo Bình là người vô hình nữa nhưng lời ông nói ra khiến bạn nhỏ Bảo Bình của năm đó ngơ ngác, sợ hãi đến bật khóc.
Ai là bố của mày, sau ngày hôm đó, Bảo Bình bắt đầu nhận ra bố không thích mình. Các bạn cùng lớp luôn khoe rằng bố sẽ khen khi được điểm cao. Bảo Bình học hành thật chăm chỉ để được điểm tối đa nhưng ông Bảo Quân chưa bao giờ để ý đến cô.
Có lẽ Bảo Hân nhạy cảm hơn chị mình nhiều lắm, từ nhỏ Bảo Bình đã không hề thấy Bảo Hân muốn gần gũi với bố. Nếu Bảo Bình muốn tiếp cận bố bao nhiêu thì Bân Hân chỉ muốn cách ông thật xa.
Khi Bảo Bình lên tám còn Bảo Hân năm tuổi, Bảo Bình cũng đã hiểu được bố đối xử với em gái cũng lạnh nhạt như vậy.
Khi Bảo Bình mười ba tuổi, đó là thời điểm cô trở nên phản nghịch, gây sự, trốn học, đánh nhau, thậm chí còn từng bỏ nhà đi bụi, chỉ để bố quan tâm đến cô hơn một chút. Mắng cô cũng được, đánh cô cũng không sao, tất cả những gì Bảo Bình muốn đó là bố hãy nhìn cô một chút thôi, nói gì với cô cũng được, chỉ cần đừng coi cô như không tồn tại thì Bảo Bình đều có thể chịu được.
Nhưng dù Bảo Bình có như thế nào đi chăng nữa thì bố cô vẫn như thế, thờ ơ lạnh lùng, một cái liếc mắt cũng chẳng muốn ban cho cô. Ngày mà mẹ của Bảo Bình mang cô về từ một gầm cầu bẩn thỉu, bố cô không nhìn cô lấy một cái nhưng lại nói với mẹ cô rằng:
"Đúng là chẳng được tính sự gì, đẻ được đứa con gái vô dụng, nuôi nó cũng chỉ tốn cơm, sao không để nó đi luôn đi, còn đi tìm làm gì."
"Anh có thôi đi không, Bảo Bình cũng là con của anh đấy."
"Tao chưa bao giờ coi nó là con của mình cả."
Ngày hôm ấy, hai mẹ con Bảo Bình ôm nhau khóc rất nhiều, Bảo Bình được mẹ ghì chặt vào lòng liên tục nói xin lỗi với cô. Bảo Bình cũng lần đầu tiên hiểu được tuyệt vọng là như thế nào. Bị chính bố ruột của mình ruồng rẫy và phủ nhận dù không làm gì sai, ai có thể chấp nhận được nỗi đau này.
Bảo Bình nỗ lực nhiều năm như thế, đã từng ngoan ngoãn, cũng từng hư hỏng, tất cả đổi lại được sự khinh thường của bố và những giọt nước mắt đau thương của mẹ. Nếu không phải cô còn có mẹ cho dù Bảo Bình có mất tích cũng sẽ chẳng ai tìm về. Bởi vì trong căn nhà này, hai chị em cô là sự tồn tại vô nghĩa.
Có một ngày, Bảo Bình đến trường đón Bảo Hân, em gái của cô lại phải chịu đựng những gì cô từng trải qua trước đây. Đừng sợ Bảo Hân, chị sẽ thay bố bảo vệ em.
Sự thay đổi lớn nhất trong nhà cô đó là khi Bảo Huy ra đời. Bố cô cuối cùng đã không còn dùng những lời lẽ khó nghe để nói với mẹ cô nữa. Ông vui vẻ luôn tươi cười chăm sóc con trai của mình, tất cả những gì tốt nhất đều dành cho Bảo Huy.
Có lẽ cũng nhờ Bảo Huy mà cuối cùng ông đã nhìn thấy hai đứa con gái của mình, thỉnh thoảng cũng để ý tới hai chị em một chút. Nhưng khi ấy, đã chẳng ai còn cần tới sự quan tâm đó nữa. Vì Bảo Bình hạnh phúc với một gia đình có một người mẹ luôn yêu thương và hai đứa em ngoan ngoãn rồi.
Bảo Bình thương hai em của mình lắm, cũng rất biết ơn Bảo Huy, nhờ cậu nhóc mà không khí nặng nề, u ám từng ấy năm trong nhà đã biến mất.
Khi Bảo Bình học lớp mười, gia đình cô gặp một chút vấn đề về kinh tế. Bảo Bình bị ép phải nghỉ học với lý do vì tương lai của em trai. Cô đã đến tuổi hiểu được nhiều chuyện trong nhà, đúng là khi ấy công việc của bố cô không được thuận lợi, nhưng cũng không đến mức ép Bảo Bình nghỉ học ngay lập tức, đó chẳng qua chỉ là cái cớ mà thôi.
Suy cho cùng ông Lăng Bảo Quân không hề muốn con gái của mình học quá nhiều, đằng nào chẳng đi lấy chồng. Đó là tư tưởng của một người đàn ông có tri thức sống ở thành phố thế kỷ 21, thật quá nực cười.
Không được yêu thương ngay cả quyền đi học hết cấp ba cũng không có. Tất cả chỉ bởi vì Bảo Bình là con gái nên phải chịu đựng những thứ như thế. Chẳng phải người ta nói con nào chẳng là con sao?
Hay là "nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô" (một trai đã là có, mười gái cũng không bằng)
Đó chắc là lần duy nhất Bảo Bình nhìn thấy bố mẹ cô cãi nhau lớn đến như vậy. Bảo Bình đi học là nhờ vào tiền của mẹ cô như thế bố cô mới không thể nói được gì. Sau hôm đó, Bảo Bình cũng bắt đầu tìm việc để làm thêm, giành dụm từng chút một cố gắng tự lo cho bản thân càng nhiều càng tốt.
Công bằng mà nói, ngoại trừ tư tưởng trọng nam khinh nữ ăn sâu vào máu, ông Lăng Bảo Quân vẫn là một người đàn ông có trách nhiệm. Ông đối xử tử tế với vợ của mình, dù có tức giận vì bị họ hàng nói xấu thì ông cũng không bao giờ động tay động chân với mẹ Bảo Bình. Ông chỉ oán trách mẹ cô không biết sinh con trai, không nhắc đến vấn đề con cái thì tất cả mọi người đều vui.
Hơn nữa, từ ngày có Bảo Huy không những là người chồng tốt còn biến thành một người cha tốt nữa.
Bảo Bình có một cô em gái nhỏ hiểu chuyện đến đau lòng, từ ngày cô đi làm, Bảo Hân thay cô phụ trách mọi việc nhà.
[...]
Sáng nay Bảo Bình thức dậy trong không khí rất yên tĩnh, không có tiếng cười đùa của Bảo Huy cũng không có tiếng phàn nàn của Bảo Hân. Nếu là mọi khi cô chỉ muốn ở nhà chơi cùng các em của mình nhưng hôm nay thì không.
Trong nhà chỉ có Bảo Bình và ông Bảo Quân, khó chịu lắm, bố không yêu thương cô còn cô cũng chán ghét bố mình. Bảo Bình quyết định ra ngoài để không phải chịu đựng cái không khí ngột ngạt này nữa.
Bầu trời âm u có cảm giác như sắp mưa, âm lịch năm nay có hai tháng sáu, âm lịch chênh với dương lịch tận hai tháng. Bây giờ là đầu tháng hai dương lịch còn âm lịch thì phải vài hôm nữa mới sang tháng mười hai.
Nói cho dễ hiểu thì là ăn Tết âm lịch xong thì chẳng mấy mà thi đại học.
Sang mùa xuân rồi mà vẫn còn rất lạnh, Bảo Bình mặc một chiếc áo khoác có mũ trùm khá rộng đi trên đường chẳng có mục tiêu gì cả, cứ đi vậy thôi. Hình như đã rất lâu rồi Bảo Bình không cảm thấy cô đơn như hôm nay. Tại sao thế nhỉ? Cô biết đáp án nhưng lại cố tình lảng tránh nó.
Hơi mỏi chân nên Bảo Bình quyết định rẽ vào một công viên nhỏ dành cho trẻ em và những người tập thể dục. Thời tiết không quá tốt nên chỉ có lác đác một vài người đang đi bộ. Bảo Bình ngồi xuống chiếc ghế đá, điện thoại trong túi rung lên.
[Bảo Bình, nay cuối tuần có kế hoạch gì không?]
Bảo Bình hơi cười trả lời lại.
[Không có, tôi ở nhà thôi.]
Lúc này chiếc ghế bên cạnh Bảo Bình có một người đàn ông ngồi xuống. Đương nhiên cô sẽ chẳng quan tâm nhưng khoảng cách hơi gần nên Bảo Bình nghe được rất rõ những gì người đó nói qua điện thoại.
"Con gái à, xin con đấy về nhà với bố đi, thằng đó nó chỉ lừa con thôi. Đừng đi theo nó mà. Bố xin lỗi vì đã nặng lời với con, về nhà đi mà."
Bỏ nhà theo trai à? Cũng to gan nhỉ. Nhưng Bảo Bình lại thấy ghen tỵ, người ta bỏ nhà đi còn có bố tìm về. Còn cô thì sao? Theo quán tính Bảo Bình hơi nghiêng đầu nhìn về phía người đàn ông đó, trùng hợp là ông ta cũng nhìn về phía cô.
Bảo Bình hơi bối rối rời tầm mắt đi, khuôn mặt ông ta buồn so, không lại gần cô nhưng mà lại nói chuyện với cô.
"Cháu gái ra ngoài đi dạo hả?"
Bảo Bình hơi ngạc nhiên nhìn về phía ông ta, chỉ gật đầu một cái, không nói gì.
Hẳn là ông ta cũng không cần Bảo Bình đáp lại, lại tự động nói:
"Nhìn cháu chắc vẫn còn là học sinh nhỉ, con gái chú cũng thế, năm nay nó mười bảy tuổi. Nhưng mà nó lại yêu một thằng không ra gì, bác cấm nó, còn đánh nó nữa cuối cùng nó tức giận bỏ nhà theo thằng kia. Công an cũng chưa có tin tức gì, giờ chú biết tìm nó ở đâu đây."
Thì ra đây là thái độ của những ông bố khác đối với con gái của mình, lo lắng quan tâm, sợ hãi. Đến một người vô tình gặp ngoài đường cũng yêu thương con của mình thế cơ mà. Bản năng của người làm cha làm mẹ hẳn là như thế này nhỉ?
Có lẽ vì lòng đồng cảm nên Bảo Bình mới không đứng lên đi mất, cô muốn nói gì đó để an ủi người này nhưng lại chẳng biết mở miệng ra sao.
"Thực ra chú cũng không hề cấm nó yêu đương gì cả, chỉ cần quen một người tử tế là được. Nhưng có ai ngờ... thế cháu có người yêu chưa?"
Bảo Bình lắc đầu.
"Không sao, tuổi còn nhỏ việc học mới là điều quan trọng nhất. Sau này kiếm người yêu cũng chưa muộn. Không nhất định phải giàu có, nhân cách tốt là được rồi, có chí tiến thủ nữa. Bố mẹ nào cũng mong con gái mình lấy được một người chồng tốt mà."
Tựa như một cái máy, Bảo Bình lặp lại: "Bố mẹ nào cũng như thế sao?"
"Đúng rồi, con cái là khúc ruột của bố mẹ mà, đánh con bố mẹ cũng đau lắm chứ."
Bảo Bình lại ngẩn người, ngay lúc này trước mắt cô xuất hiện một cái bóng, tên đó nắm chặt lấy một tay của cô, dùng sức rất lớn lôi cô đứng dậy, hét lên:
"Con ranh, cuối cùng cũng tìm thấy mày rồi."