Khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Thái Bình, Cáp Nhĩ Tân, không giống những hành khách đang bắt đầu nói chuyện xung quanh, Tống Mạt vẫn luôn ngồi yên, lặng lẽ nhìn cảnh sắc bên ngoài cửa sổ.
Một lúc lâu sau, cô mới nhắm mắt lại, khẽ khàng thở ra một hơi.
Giờ đang là mùa đông, cũng là cao điểm của mùa du lịch. Trạm dừng chân đầu tiên trong chuyến du lịch xứ lạnh của hầu hết mọi người không đâu khác chính là Cáp Nhĩ Tân. Sau đó sẽ đến làng Tuyết Hương ngồi xe kéo, tới đảo Vụ Tùng, Cát Lâm, hay trượt tuyết ở hồ Bắc Đại,…
Kể cả vào mùa hè thì vẫn có không ít khách du lịch đến Đông Bắc tránh nóng. Hồi tháng 7 khi vẫn còn đi làm, nghe nói Tống Mạt đến từ Đông Bắc, quản lý dự án đã hào hứng nhờ cô giới thiệu vài nơi cho chuyến đi nghỉ mát của mình. Những địa điểm top đầu không đâu khác ngoài sông Tùng Giang, khu thắng cảnh phía Tây dãy Trường Bạch, hai bờ Bạch Hà, thắng cảnh phía Bắc Trường Bạch, hồ Kính Bạch, sông Mẫu Đơn, Cáp Nhĩ Tân.
Thực tế thì đây là lần đầu tiên Tống Mạt đến Cáp Nhĩ Tân.
Bố cô tên Tống Công Cường, xưa từng làm việc trong một nhà máy biến thế. Sau này nhà máy đóng cửa, ông dùng hết số tiền dành dụm để được thông qua kỳ thi nhập chức rồi trở thành công nhân hợp đồng. Mấy năm sau, nhà xưởng không trụ nổi nữa, một đám công nhân hợp đồng lục tục rời đi. Bố cô từng thử buôn bán nhỏ, mở cửa hàng, rồi bán thực phẩm chức năng, sau đó nữa thì mua một chiếc xe máy để chạy xe ôm. Càng về sau cuộc sống càng khó khăn, tiền kiếm được ngày một ít, tới khi mẹ Tống Mạt bỏ nhà đi được một thời gian, bố cô hoàn toàn từ bỏ, xách hành lý đến Cáp Nhĩ Tân làm thuê.
Tống Mạt không biết ông làm gì, dù sao cô cũng chưa nhận tiền ông gửi về bao giờ.
Nếu không phải họ hàng gọi điện thì Tống Mạt cũng không định đến Cáp Nhĩ Tân tìm người bố này.
Kể ra thì hai bố con đã gần bảy năm chưa gặp nhau rồi.
***
Tống Mạt đang chờ lấy hành lý, đồ đạc không nhiều, một chiếc vali 24 inch vỏ vừa mỏng vừa dễ móp, nhưng nó chứa toàn bộ tài sản của cô mấy năm nay. Ngày ấy vội vàng đi, giờ lại lẳng lặng về.
Cô hít sâu một hơi.
Dường như đã cảm nhận được hương vị của băng tuyết trong không khí.
Có điều khởi đầu không ổn chút nào.
Tống Mạt đã mua vé xe buýt trước, bỗng một “nhân viên y tế” đeo khẩu trang cầm một xấp vé trên tay đến, nghiêm túc nói với cô rằng dạo này do ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên một tiếng rưỡi mới có một chuyến xe buýt.
Lúc này trời đã sắp tối, Tống Mạt thì sốt ruột muốn gặp bố, làm sao có thể đợi được. Cô đi trả lại vé xe buýt sau đó lên xe taxi mà “nhân viên” kia giới thiệu. Kéo vali đi được một đoạn, cô càng nghĩ càng thấy sai sai, cuối cùng vẫn kéo vali đi xếp hàng ở bến xe công cộng.
Hành trình đi tìm bố còn rắc rối hơn cả tưởng tượng.
Bố cô ban đầu không nghe máy, cũng chẳng biết ông đang ở đâu, chỉ nghe thấy đầu dây bên kia có mấy tiếng lao xao ồn ào. Mãi mới nghe ra một địa chỉ thì di động của Tống Mạt báo sắp hết pin, cô sốt ruột tính tra địa chỉ vừa nghe được rồi đưa cho bác tài.
Cùng với câu “Cô bé cứ yên tâm, chỗ này tôi biết” của bác tài, di động của cô cũng yên tâm tắt nguồn.
Tối qua Tống Mạt không ngủ được, nay trên máy bay cũng không chợp mắt được mấy. Cô đã quen với cuộc sống như thế này nhưng cơ thể thì vẫn chưa. Bác tài muốn tán gẫu mấy câu mà Tống Mạt không trụ nổi nữa, xe mới chạy được vài phút, cô đã gục đầu ngủ mất.
Giấc ngủ này lại dấy lên một hồi sóng gió.
Lúc xuống xe, cô đã quên lấy vali trong cốp.
Bác tài cũng quên nhắc cô luôn.
Mùa đông ở Cáp Nhĩ Tân gió lạnh như dao cắt, Tống Mạt chỉ mặc một chiếc áo khoác dạ, cầm di động hết pin, mơ mơ màng đi được nửa đường mới nhận ra mình bỏ quên đồ. Điện thoại sập nguồn, trên đường thì toàn người xa lạ, cô hoang mang đứng lại một lúc rồi mới dùng thứ tiếng phổ thông gần như không nhiễm chút giọng Đông Bắc nào hỏi người đi đường đồn cảnh sát gần nhất ở đâu.
Tới khi bước vào đồn cảnh sát thì cô cũng đã lạnh đến phát run, ngón tay lạnh ngắt. Trời đã tối hẳn, chắc do đã đến giờ ăn tối hoặc do đang bận họp nên ở đây chỉ có duy nhất một người trực, đang cúi đầu viết gì đó. Tống Mạt đi tới, giơ di động hết sạch pin ra, run giọng hỏi: “Xin chào, tôi bị mất hành lý, điện thoại cũng hết pin, xin hỏi có thể sạc nhờ ở đây một lúc được không?”
Từ lúc cô vừa lên tiếng, đối phương đã ngẩng đầu lên rồi.
Chỉ là Tống Mạt bị cận nặng, phải đi đến trước mặt mới thấy rõ mặt người nọ.
Một gương mặt quen thuộc.
Tống Mạt đơ người.
Dương Gia Bắc.
Thực ra Tống Mạt vẫn luôn tránh về nhà, và cũng trốn tránh Dương Gia Bắc giống như tránh về nhà vậy.
Hai người là thanh mai trúc mã, cùng nhau lớn lên.
Dương Gia Bắc lớn hơn cô bốn tuổi. Hồi tiểu học, anh dẫn cô bé mít ướt là cô đến trường; lên cấp hai, Tống Mạt bị bắt nạt, Dương Gia Bắc đuổi hết những tên côn đồ bắt nạt cô đi; khi cô lên cấp ba thì Dương Gia Bắc đang học trường Cảnh sát, anh cố gắng nhín chút thời gian nghỉ phép ít ỏi của mình để dạy thêm cho Tống Mạt, kiên nhẫn giảng từng đề một cho cô.
Tính cách hai người khác nhau một trời một vực. Trong mắt Tống Mạt, Dương Gia Bắc tựa như vùng đất bị tuyết phủ lâu ngày, cuộc đời anh cũng giống như những cái cây mọc lên từ mảnh đất này, thẳng tắp, cứng cáp và hữu dụng.
Kỳ thực, Tống Mạt vẫn luôn trốn tránh quê cũ, giống như trốn tránh anh vậy.
Nhưng cô vẫn quay về.
Và vẫn gặp lại Dương Gia Bắc.
Trong đồn cảnh sát, Dương Gia Bắc – giờ đây đã trở thành một người đàn ông thành thục đầy nam tính – đang cúi đầu viết gì đó. Anh mặc đồng phục cảnh sát, hàng mi rủ trước mắt vẫn dày và dài như thế, sống mũi cao thẳng, đôi mắt có màu nâu nhạt, ngoại hình thiên hướng lạnh lùng. Mặc dù có đôi môi mỏng nhưng anh không hề tuỳ tiện, có lẽ là do nghề nghiệp và tính cách, đôi mắt đào hoa và cánh môi mỏng đầy vẻ phong lưu xuất hiện trên gương mặt anh chỉ toát lên được vẻ chính trực nghiêm túc.
Mẹ anh là người dân tộc Nga, chắc cũng vì thế mà anh mới có vẻ ngoài giống con lai như vậy.
Trông anh không giống như quen biết Tống Mạt, ánh mắt hững hờ, anh duỗi tay cầm cục sạc điện thoại theo bản năng nhưng cầm lên rồi mới đưa mắt nhìn di động của Tống Mạt. Thấy không cùng loại, anh lại tìm cục sạc iphone cho cô.
Trong suốt quá trình, anh không hề nói lời nào, như thể cô chỉ là một người xa lạ.
Không, đến người xa lạ cũng chẳng phải.
Đối với người lạ hay người dân cần sự giúp đỡ, Dương Gia Bắc sẽ luôn mỉm cười.
Sau khi đưa sạc cho Tống Mạt, anh trở về vị trí, cuối cùng cũng lên tiếng.
Dương Gia Bắc hỏi: “Tên?”
Tống Mạt đáp: “Tống Mạt.”
Dương Gia Bắc ngẩng đầu, siết nhẹ cây bút trên tay, nhìn cô chằm chằm: “Sao tôi nhớ tên cô là Tống Mạt Lị cơ mà?”
— Tống Mạt Lị.
Lâu lắm rồi mới có người gọi cô như vậy.
Cô nhìn Dương Gia Bắc trong bộ cảnh phục kín mít, nhìn hàng cúc áo sạch sẽ và chiếc áo sơ mi phẳng phiu không chút cẩu thả trên người anh.
Tống Mạt khẽ giật mình.
Trong một khoảnh khắc, dường như cô lại trở về mùa hè oi ả năm vừa kết thúc kỳ thi đại học, trong không gian vừa chật chội lại vừa ngột ngạt khiến cô phải há miệng để hô hấp. Dương Gia Bắc hôn cô nửa kìm nén nửa nồng nhiệt, sau đó vừa đè giọng dỗ dành “Tiểu Mạt Lị đừng khóc, Tiểu Mạt Lị ngoan nào”, vừa mạnh mẽ tiến vào.
Tống Mạt: “Không phải, chỉ là Tống Mạt thôi.”
Cô cắm sạc vào di động, thử hai lần mới thành công. Lúc đang giơ đầu cắm định đi tìm ổ điện, vừa ngẩng đầu đã nghe thấy người nọ gõ bàn.
Cô xoay người nhìn Dương Gia Bắc.
Dương Gia Bắc đứng dậy, ngón tay gập lại, khớp xương ngón tay tì xuống mặt bàn. Mặt anh vẫn không cảm xúc, tay chỉ ổ điện trên bàn: “Cô có thể cắm sạc ở đây.”
Tống Mạt nói: “Làm phiền anh rồi.”
Dương Gia Bắc hỏi bằng thái độ xử lý việc công: “Hành lý bị mất như thế nào?”
Tống Mạt kể lại đầu đuôi sự việc, cũng chẳng phải chuyện gì to tát. Nghe xong, Dương Gia Bắc gọi điện cho công ty taxi, chưa đầy một tiếng đã tìm thấy hành lý bị mất. Tài xế taxi đã mang hành lý tới đồn cảnh sát ở một khu khác, có thể đến lấy bất cứ khi nào. Mắt thấy pin điện thoại nhảy sang màu xanh, Tống Mạt không thể chờ ở đây lâu, bèn khách sáo nói cảm ơn rồi đi ra ngoài.
Dương Gia Bắc đang giao ban với đồng nghiệp, không nhìn cô.
Tống Mạt cầm chiếc điện thoại còn ít pin, quấn chặt áo khoác dạ rồi bước ra ngoài. Vừa ra khỏi đồn cảnh sát, một cơn gió lạnh ập tới, cô hắt xì một cái, ngay sau đó, một chiếc áo khoác kiểu nam đã trùm lên đầu cô.
Mùi không khó ngửi, không hề có mùi thuốc lá hay mùi rượu, vừa sạch sẽ vừa thơm tho.
Dương Gia Bắc nói: “Tôi có xe, để tôi đưa cô tới đó.”
Tống Mạt vẫn còn khách sáo: “Thế thì làm phiền anh vậy.”
Dương Gia Bắc không nói gì, lẳng lặng bước trước vài bước, sau đó mới mở miệng.
“Chăm sóc cô mười mấy năm, thêm lần nữa có hề gì.”
Hết chương 1.
Chú thích:
[1] Làng Tuyết Hương, Trung Quốc: Ngôi làng quanh năm phủ tuyết trắng như trong truyện cổ tích.
[2] Đảo Vụ Tùng, Cát Lâm: 1 trong 4 kỳ quan thiên nhiên của Trung Quốc.