Ai Đó (Mỗ Mỗ)

Chương 50: Quấy nhiễu



Số người ở lại trường vào dịp nghỉ lễ Quốc Khánh nhiều hơn những gì Thịnh Vọng nghĩ.

Cậu cứ tưởng sẽ xuất hiện cảnh tượng thảm thiết: cả tòa nhà chỉ còn mỗi cậu và Giang Thiêm cơ, không ngờ ngoài tầng 6 ra thì 5 tầng còn lại không tầng nào trống, chứ đừng nói tới khối 12.

Có hàng nghìn lí do để ở lại trường: vì nhà xa, vì muốn theo kịp chương trình học, vân vân và mây mây, những lí do ấy hết sức bình thường.

Bên cạnh đó có những lí do khá đặc sắc: Ví dụ như phụ huynh quản chặt quá, nghĩ rằng ở lại trường thì núi cao hoàng đế xa; ví dụ như bố mẹ đi chơi hết, ở lại trường ăn bám căng tin….

Rồi ví dụ như muốn được tham quan sân trường vào một ngày nghỉ.

Suy nghĩ cuối cùng này nghe thật độc đáo, nhưng phòng 602 ở sát vách không chỉ có một người nghĩ thế. Học sinh trong phòng kí túc xá 602 đến từ một lớp học khá đặc biệt nào đó của khối 11.

Mọi người đều biết trường trung học trực thuộc chú trọng Lý Hóa, vì thế các lớp Lý Hóa độc chiếm hơn nửa giang sơn, ngoài ra còn có các lớp Lý Sinh và các lớp Khoa học xã hội như bình thường, cùng với 1 lớp xã hội không thường cho lắm: lớp Sử Hóa.

Kỳ thi Đại học ở Giang Tô, tổ hợp xã hội chắc chắn sẽ chọn Lịch Sử; tổ hợp tự nhiên chắc chắn sẽ chọn Vật Lý, môn còn lại thì tùy người học. Vì thế bắt đầu xuất hiện tổ hợp dân tộc thiểu sổ Lịch Sử kết hợp với Hóa Học. 

Thịnh Vọng chuyển tới cái trường này rồi mới biết bên xã hội có cái tổ hợp chết mẹ như thế.

Cả phòng 602 là cái tổ hợp ấy hết.

Học sinh ở lớp này, bàn về học thuộc thì ít hơn bên Xã hội môn Chính trị, bàn về cày đề thì ít hơn bên Tự nhiên môn Vật lý, đặt vào hoàn cảnh sinh tồn trong trường trung học trực thuộc, không thể nghi ngờ là những học sinh nhàn nhã thoải mái nhất cả khối.

Con người ta một khi thoải mái quá thì rất dễ bựa.

Sự bựa ấy của lớp này và lớp A ý tưởng lớn gặp nhau, thế là một lớp ở tầng trên cùng một lớp ở tầng dưới cùng, cách nhau một đường chéo trong tòa nhà Minh Lí, trở thành 2 lớp thân nhau nhất, quan hệ cá nhân của học sinh với nhau rất gần gũi.

Ở phòng 602 có 2 anh em cây khế của Cao Thiên Dương, một người tên là Mao Hiểu Bác, một người tên là Vu Đồng. Quan hệ của cả hai với Giang Thiêm khá ổn, được dịp Quốc khánh ở lại trường mà chẳng mấy đã thành anh em cây khế với Thịnh Vọng. 

Ngày nghỉ đầu tiên, lão Mao và Đồng tử [1] không chịu yên phút nào xông vào cửa 3 lần liền.

[1] Thêm chữ “tử” sau tên là cách gọi thân thiết hồi còn bé, như “Vọng tử”.

Lần thứ nhất là lúc 10 giờ sáng, mỗi người cầm một xấp bài thi xông tới, vừa vào cửa đã bắt đầu khóc lóc tỉ tê: “Anh Thịnh anh Thiêm, lớp các anh có giao bài tập về nhà không?”

Lúc đó Giang Thiêm vừa mới xách bữa sáng từ căng tin lên, Thịnh Vọng đang chậm rãi thổi thổi thìa cháo.

Cậu nghe thấy thế, thuận tay chỉ chỉ trên bàn, ý bảo hai đứa tự xem đi: “Có, để hết ở kia kìa.”

Lão Mao nhìn chăm chăm: “Ấy, dày thế? Bao nhiêu tờ?” 

Thịnh Vọng nhặt từng sợi từng sợi cà rốt trong bữa sáng ra, rồi cầm thìa hớt từng hạt đỗ xanh non mềm lên ăn, hỏi Giang Thiêm: “34 hay 36 tờ ấy nhỉ? Tôi không đếm, chỉ nghe lão Cao rên rỉ thôi.”

“36.”

“Bao nhiêu cơ???” Lão Mao cứ tưởng mình nghe nhầm.

“36 tờ.” Giang Thiêm nói.

Lão Ma và Đồng tử liếc nhau, thôi không khóc nữa, kéo hai cái ghế trống ngồi xuống cạnh bàn.

Đồng tử giơ ngón cái khen Giang Thiêm và Thịnh Vọng: “Được lắm, thánh đúng là thánh! 36 tờ đề đang chờ thị tẩm mà 2 anh còn có thời gian rảnh rỗi ăn sáng à? Nếu là em với lão Mao thì chả kịp chép nữa ấy chứ. Lúc giao bài tập lớp các anh không ai gào mồm à?”

Thịnh Vọng đáp: “Có chứ, tôi gào to lắm luôn. Tôi bảo cứ tưởng là nghỉ đông chứ, nhưng lúc ấy tôi không ở trong lớp nên cô không nghe thấy.”

Lão Mao cười sằng sặc.

“Lớp bọn em giao 19 tờ đề, chỉ bằng một nửa các anh.” Đồng tử kính cẩn rải đề lên bàn và nói: “Hôm nay hai đứa em bám càng ở đây được không? Được gột rửa dưới ánh hào quang của thần đông, biết đâu con đường làm bài thuận lợi hơn.”

“Được chứ.” Thịnh Vọng vui vẻ đáp: “Tôi thích nhất là có người quằn quại cùng tôi.”

“Đâu có, bọn em vẫn quằn quại hơn các anh nhiều.” Lão Mao khách sáo nói.

Hai đứa móc bút ra, chờ hai anh đại học cùng. Kết quả đợi 5 phút đồng hồ, anh Thịnh của họ vẫn đang tự rước việc vào thân mà nhặt nhạnh mấy cọng cà rốt.

Giang Thiêm đẩy sủi cảo hấp sang nói: “Đừng khều nữa, trong đây không có đâu.”

“Cậu chắc chứ?” Thịnh Vọng bán tin bán nghi gắp một cái: “Tôi muốn hỏi từ rất lâu rồi, trường trực thuộc lén thầu hết ruộng cà rốt hay sao hả? Ngày ngày xào ngày ngày nấu, món nào cũng có nó, nếu mà nhồi nhiều thịt như thế thì hay rồi.”

Lão Mao cười ruồi, nói: “Sao mà nhồi nhiều thế được, thịt băm vụn đến mức có thể luồn qua lỗ kim luôn.”

Cả hai trông mong chờ đợi, có lẽ Thịnh Vọng ăn hết hai cái sủi cảo hấp là xong rồi. Ai ngờ ông lớn đây cắn một miếng, đột nhiên chun mũi.

Lại sao nữa….

Đồng tử lo lắng siết chặt bài thi.

Thịnh Vọng chìa nửa cái sủi cảo hấp ra, chỉ vào một chấm cam cam nhỏ xíu trong đống nhân bánh và nói: “Đấy thấy chưa, không đâu không có.”

“Thị lực 5.3 của cậu để soi cái đấy à?” Giang Thiêm đanh mặt đẩy hộp cháo của mình lên, ý bảo Thịnh Vọng thả nửa cái sủi cảo vào đây. 

Đồng tử đờ ra.

Vào giây phút ấy, hắn có cảm giác mình và lão Mao không nên xuất hiện ở đây. Nhưng khao khát học tập đã đập tan cảm giác chớp nhoáng ấy.

Có vẻ Thịnh Vọng cũng khá bất ngờ, nhìn chằm chằm hộp cháo của Giang Thiêm sửng sốt mất một lúc, rồi ngoan ngoãn ăn nốt nửa cái sủi cảo.

Cậu nuốt nửa cái sủi cảo và uống thêm hớp nước ấm, bấy giờ mới bảo: “Tôi trót cắn rồi, lần sau cho cậu cái nguyên vẹn.”

Giang Thiêm nhướng mày, nhưng không nói gì nữa mà tập trung ăn nốt bát cháo.

Trông thấy Giang Thiêm thu dọn hai cái hộp, Đồng tử và lão Mao liếc nhau, trong lòng tự nhủ cuối cùng đã ăn xong. Kết quả ngẩng đầu lên thấy ngay Thịnh Vọng đang gặm một cái bánh trứng.

Ông nội của con ơi….

Lão Mao và Đồng tử sụp đổ.

Vẻ mặt đau đớn của hai người rành rành ngay trước mắt, Thịnh Vọng nhìn mà không dám nuốt. Cậu chần chừ một lúc, chỉ vào hộp cơm nói: “Hai cậu chưa ăn sáng phải không? Hay ăn tí nhé?”

Đồng tử nặn mãi mới ra một câu: “Thôi, chưa đói, bọn em không có thói quen ăn sáng. Chạy đít lai quan trọng hơn, hai đứa em chỉ mong hôm nay làm cho xong, ngày mai được ra ngoài lượn tí thôi.”

Cuối cùng Thịnh Vọng đã hiểu vì sao hai tên này vội thế, cậu phủi phủi vụn bánh trên tay và chế nhạo: “Hai cậu cứ làm trước đi chứ, còn chờ bọn tôi hô bắt đầu nữa à.”

Tuy nói thế nhưng cậu không rề rà nữa, mở màn hình điện thoại lên xem giờ, nói: “Vẫn kịp.”

Cậu dọn hộp đồ ăn vào túi rác và buộc lại, sau đó chìa hai tay ra trước mặt Giang Thiêm, mở lòng bàn tay ngoắc ngoắc: “Nào, đề thi lại đây.” Giang Thiêm đứng dậy vòng qua hai anh bạn sát vách, cầm hai chồng đề thi ở góc bàn và đặt một chồng nặng trĩu lên tay Thịnh Vọng.

Hơn 40 phút vừa qua, ông lớn đây chưa một lần nhấc mông khỏi ghế, mọi thứ được sắp xếp gọn gàng mau lẹ.

Đồng tử nhìn lão Mao, hỏi: “Đây là anh Thiêm mà tao biết ư?”

Lão Mao lắc đầu đáp: “Không phải.”

Thịnh Vọng phì cười, cậu duỗi chân trái quơ quơ dép lê nói: “Thương binh không được đối xử đặc biệt hơn à?”

Đồng tử nói: “Nếu tao đau chân thì có được bạn cùng phòng đối xử thế không?”

Lão Mao phang ngay: “Mơ đê.”

Giang Thiêm cầm đề, lúc đi ngang qua vỗ cho mỗi đứa một cái, bấy giờ mới ngồi xuống, đặt đồng hồ bấm giờ và bảo: “Xàm nữa thì phắn về tự làm.”

Hai đứa lập tức rén ngay, đáp: “Câm mồm câm mồm, không nói nữa.”

Tiến độ học của cả khối 11 không chênh nhau lắm, nhưng mức độ đào sâu thì mỗi lớp một khác. Vì thế đề của lớp A có những chỗ giống với bài tập của lão Mao và Đồng tử, đây cũng là lí do họ phải chạy tới bám càng —–

Nhỡ đâu, à không, hai câu cuối cùng chắc chắn không làm được, đến lúc đó có thể nhờ hai anh đại đây làm hộ. Có hai anh đại chống lưng thì họ sẽ bớt đớn đau.

Nhưng chẳng mấy chốc, cả hai đã nhận ra mình sai thật rồi, sai không vớt vát nổi!

Khi Giang Thiêm ấn lên màn hình đếm ngược, Thịnh Vọng nhìn thoáng qua và bớt hai tiếng xuống còn một tiếng rưỡi.

Đồng tử và lão Mao thầm than học giỏi đúng là học giỏi, bình thường làm đề mà nghiêm túc như đi thi, còn căn giờ nữa chứ.

Thời gian thi Hóa là 1 tiếng 40 phút, bấm giờ thế kia không chênh lắm. Thế là hai người đồng loạt rút đề Hóa ra, kết quả phát hiện Thịnh Vọng và Giang Thiêm rút Toán.

Đồng tử mang theo cái đầu đầy dấu hỏi chấm quay sang nhìn lão Mao, sau đó vội vã đổi thành đề Toán.

Và rồi, cuộc hành xác dài lê thê bắt đầu.

Khoảng 1 tiếng 15 phút, lão Mao và Đồng tử mới làm đến ý đầu tiên trong câu nhiều điểm thứ ba, Giang Thiêm đã đặt bút xuống.

Hắn bẻ các đốt ngón tay và soát lại bài thi, sau đó gõ tay lên bàn.

Đồng tử và lão Mão đồng loạt nhìn hắn, vẻ mặt lo lắng. Giang Thiêm liếc họ và bảo: “Không liên quan gì tới hai cậu.”

Bấy giờ Đồng tử và lão Mão mới vùi đầu làm tiếp.

Từ đầu đến cuối Thịnh Vọng chỉ giả điếc, Giang Thiêm ung dung đặt đồng hồ bấm giờ tạm thời không dùng tới cạnh tay Thịnh Vọng.

Cái tên này xấc láo thèm đòn ghê, Thịnh Vọng lườm xéo, tiện tay cầm một quyển sách ụp lên đồng hồ bấm giờ, tiếp tục viết vèo vèo cho xong công thức cuối cùng.

Cậu quýnh lên, chữ nghĩa bắt đầu vỗ cánh bay cao.

Giang Thiêm ngồi ngay đối diện chứng kiến trọn vẹn mấy con chữ xấu tởm ấy, không nín được bèn nhắc: “Cậu luyện chữ toi cơm à?”

Ngón tay Thịnh Vọng khựng lại, hậm hực thả chậm tốc độ, nắn nót viết cho xong mấy chữ cuối cùng. Cậu đặt bút xuống rồi ấn đồng hồ bấm giờ, nhìn thử, chậm hơn Giang Thiêm 10 phút.

Thịnh Vọng cáu kỉnh tới mức ngửa người ật ra sau, mãi lâu sau mới chỉ chỉ Giang Thiêm cả giận bảo: “Biến thái.”

Giang Thiêm chả thèm chấp cậu. 

Cái từ này phải tùy người, nếu phun ra từ miệng Sử Vũ sẽ thấy rất nhạt nhẽo, nhưng từ miệng Thịnh Vọng nhả ra lại khiến người ta khoái trá. Chủ yếu phải xem người nói có đủ mạnh mẽ hay không. 

“Còn bao nhiêu nữa?” Thịnh Vọng mắng anh mình xong, cuối cùng mới nhớ quan tâm đồng bào dưới đáy xã hội.

Nhưng Đồng tử và lão Mao chẳng mong được quan tâm, hai người họ quýnh tới mức đỏ mặt tía tai, cuối cùng thò hai ngón tay nói: “Còn 2 câu rưỡi!”

Giang Thiêm khó hiểu: “Lúc tôi làm xong đã thấy các cậu bắt đầu làm câu thứ 3 rồi, sao giờ vẫn đang làm câu thứ 3?”

Đồng tử ngước mắt lên, Thịnh Vọng thấy xấu hố và phẫn uất trên gương mặt hắn, cậu quyết định ngăn Giang Thiêm tạo nghiệp.

“Đừng có khinh người, nhìn tôi này.” Cậu vỗ tay thành tiếng kéo ánh mắt của Giang Thiêm về phía mình, chỉ chỉ đồng hồ đếm ngược và hỏi Giang Thiêm: “Làm tờ nào nữa đây?”

“Chẳng phải còn 3 đề Toán đấy ư?” Giang Thiêm đáp.

“Được thôi.” Thịnh Vọng hẹn thời gian đếm ngược mới, rút bài thi ra bắt đầu làm.

Đồng tử thực sự không thể hiểu nổi: “Hai anh làm 3 đề Toán liên tiếp mà không ngán à?”

“Hai đề này tạm ổn, một đề điền vào chỗ trống và một đề phụ.” Thịnh Vọng đáp: “Làm nhanh thôi.”

Đồng tử và lão Mao bị kẹt ở hai câu Toán cuối cùng, mỗi câu thử không dưới 5 mạch suy nghĩ, mạch nào mạch nấy đều chết giữa đường. Chờ tới khi cả hai vất vả xoay xở xong hai ý hỏi đầu tiên của câu thứ 4 và ý hỏi thứ nhất của câu cuối cùng, hai cái tên học giỏi đã hoàn thành bài tập điền vào chỗ trống, đề phụ làm được nửa mặt rồi.

Lão Mao yếu đuối thốt lên: “Bọn nó có ngán không thì tôi không biết, nhưng tôi buồn nôn lắm rồi….”

Hai người họ mượn bài làm của Thịnh Vọng và Giang Thiêm để nghiên cứu, và khi họ hiểu thấu đáo rồi thì hai anh bạn nọ đã làm xong đề phụ.

“Làm tiếp à?” Đồng tử nằm vật ra bàn, sống dở chết dở hỏi.

Thịnh Vọng đáp: “Tùy các cậu thôi, bọn tôi thì chắc chắn phải làm rồi, hơn 30 đề đấy.”

Đồng tử cắn răng nói: “Thế làm thêm một đề Hóa nữa.”

Hắn tự nhủ tổng thời gian thi Hóa chỉ có 1 tiếng 40 phút, chắc chả chênh lệch nhiều đâu, chưa kể hắn là cán sự môn Hóa của lớp, thành tích môn này khá ổn nữa chứ.

Lần này Thịnh Vọng và Giang Thiêm không gây sốc nữa, đàng hoàng đặt đồng hồ bấm giờ 100 phút. Đồng tử và lão Mao an lòng lên đường. 

Kết quả khi đồng hồ đếm ngược chạy về số 0, hai người đồng loạt thốt lên một câu chửi bậy, trong lòng thầm chủ yên tâm cái chim!

Suốt 100 phút, đúng là hai người họ làm xong một đề Hóa thật, nhưng Giang Thiêm và Thịnh Vọng đã làm xong 2 đề….

Trước đây họ biết tốc độ làm bài của lớp A siêu nhanh, cơ mà đờ mờ không ngờ nhanh thế!

Hai người vốn định đắm mình trong ánh hào quang của học sinh xuất sắc, kết quả là cõi lòng vụn vỡ hoàn toàn. Đồng tử vội vã dọn dẹp đề thi, ôm nắm đấm nói: “Cáo từ.” 

Thịnh Vọng dở khóc dở cười: “Về thật à? Không làm bài tập nữa à?”

Lão Mao đáp: “Về về, không về thì chết mất xác luôn.”

Hai người họ chạy đi như chạy nạn, để lại Thịnh Vọng và Giang Thiêm mắt to trừng mắt nhỏ.

Thịnh Vọng vẩy vẩy tờ đề tiếng Anh vừa rút ra, hỏi Giang Thiêm: “Làm nữa không? Cậu đói chưa?”

“Chưa đói, ăn sáng muộn quá.” Giang Thiêm đáp.

Thịnh Vọng cọ cọ đốt ngón tay lên mũi, hơi ngại ngùng. Lí do ăn sáng muộn là vì cậu giả chết nằm ườn, mặc kệ Giang Thiêm đẩy thế nào vẫn cứ ì ra đấy chìm vào giấc ngủ, lúc tỉnh dậy thì đã 10 giờ rồi.

“Làm đề Anh xong bọn mình đi ăn nhé?” Cậu ngập ngừng hỏi.

Giang Thiêm gật đầu nói được.

Quần chúng góp vui đi rồi, Thịnh Vọng vẫn đặt đồng hồ đếm ngược, ban đầu tốc độ của cậu và Giang Thiêm ngang ngửa nhau, chỉ có ngày một nhanh hơn chứ không có chuyện chậm dần trong vô thức.

Cậu liếc mắt nhìn thời gian bắt đầu, rồi cúi đầu làm bài.

Gần như không cần lo lắng gì về tiếng Anh, cậu làm xong trước Giang Thiêm, gỡ hòa bàn thua ở môn Toán. Nếu như hành động đặt màn hình điện thoại bên cạnh tay cậu của Giang Thiêm được gọi là quấy rối theo kiểu thầm kín, thì cậu phải gọi là cợt nhả một cách công khai.

Cậu học theo Giang Thiêm gõ ngón tay lên bàn, người đối diện chẳng thèm nhấc mắt. Ngón tay cậu bắt chước động tác đi bộ, lon ton tiến về phía trước và gõ thêm vài phát nữa.

Giang Thiêm vẫn chẳng để ý.

Ngón tay Thịnh Vọng tiếp tục lon ton, dí thẳng vào bài thi ở đối diện, gõ vài phát lên mặt đề. Quấy rối kiểu này mà bỏ qua được nữa thì đúng mù thật rồi.

Cuối cùng Giang Thiêm cũng chịu phản pháo.

Tay phải hắn không ngừng, vẫn miệt mài điền vào ô trống, còn tay trái đẩy ngón tay phá đám của Thịnh Vọng ra. Hắn đẩy hai phát mà không đẩy được, bèn chộp cả cái tay nọ giữ chặt.

Thịnh Vọng giật mình sửng sốt.

Bàn tay Giang Thiêm áp lên mu bàn tay cậu, ngón tay thon dài đè lên xương cổ tay cậu và mang đến cảm giác man mát.

Cậu cụp mắt dòm cái tay nọ, nụ cười bên khóe môi chậm rãi nhạt nhòa. Xúc giác bỗng trở nên nhạy cảm quá đỗi, cậu toan rụt tay về theo phản xạ, nhưng chẳng biết vì sao mà không nhúc nhích.

Có vẻ Giang Thiêm đã cảm nhận được sự khác thường thoáng qua ấy, Thịnh Vọng thấy hắn dừng bút và liếc mắt sang như đang nhìn tay của hai người.

Cứ thế một hai giây trôi qua, hắn vẫn không nhúc nhích.

Một lúc lâu sau, hắn mới rụt tay về như giật mình hoàn hồn.

Một tay hắn bẻ đốt xương, đặt bút xuống nói: “Tôi làm xong rồi.”