Sau khi được sự chấp thuận của người nhà nạn nhân, thi thể của hai em nữ sinh được đưa về phòng khám nghiệm. Lúc này không còn gì để hóng hớt nữa nên đám đông cũng lần lượt tản đi. Vì phải ở lại hiện trường tìm thêm manh mối, nên Tư Nghị gọi taxi cho Tuệ Ngọc và dì Chương về nhà trước.
Do thời gian làm việc riêng có hạn, anh chỉ kịp cài lại cúc áo khoác cho người thương, rồi dặn dò vài câu:
- Em ở yên trong nhà đừng đi đâu lung tung, ăn uống cho đầy đủ, có chuyện gì thì gọi cho anh ngay, nhớ chưa?
Anh hôn lên chóp cằm lạnh ngắt của cô, rồi ôm siết lấy cô cho đỡ thương đỡ nhớ. Tâm hồn anh lúc này chia ra thành hai nửa, nửa muốn dốc hết lòng vì nhiệm vụ, nửa muốn về nhà trông giữ cô gái nhỏ của anh.
Thật lòng giờ phút này Tuệ Ngọc cũng rất muốn ích kỷ giành lấy anh về cho riêng mình, hoặc là nấp sau lưng anh rồi đi đến đâu cũng được. Nhưng đồng đội của anh còn đang chờ, nhiệm vụ trên vai anh còn đang dang dở, nên cô phải đành gác lại niềm mong mỏi ấy vào tim.
Gạt bỏ nỗi buồn miên man, nở một nụ cười xán lạn để anh yên lòng. Tuệ Ngọc mặc kệ mẹ mình đang ngồi trong xe nhìn ra, cô cả gan quên lời mẹ dạy bất chấp ôm siết lấy anh, nhón cao chân hôn lên môi anh, dịu dàng nói:
- Em nhớ rồi. Anh vào trong đi, đừng để mọi người đợi.
Trong buổi chia tay quá đỗi bình thường này, chẳng hiểu sao anh hay cô đều mang rất nhiều lưu luyến. Có lẽ là không nỡ để phôi phai lần đầu cô dám thổ lộ lòng mình mà không suy nghĩ đắn đo. Hoặc là tiếc cái hôn cuống quýt qua loa chẳng để lại nhiều dư vị, nên lòng bồn chồn, u ẩn, không đành lòng bước ngược về phía nhau.
Chân muốn đi mà lòng người không đặng, Doãn Tư Nghị không muốn quay lưng nên Tuệ Ngọc đành ngồi vào xe rời đi trước. Lúc tạm biệt nhau, môi cả hai đều cười nhưng tâm sự thì viết đầy lên hai vành mắt, có cảm giác như ngăn cách anh và cô lúc này không phải là giao lộ phía trước, mà là sự mờ mịt bao lâu nay sắp hiện rõ thành hình.
…
Suốt quãng đường trở về nhà, Tuệ Ngọc và mẹ không nói với nhau câu nào, bà cũng không hề tức giận khi cô và Tư Nghị cả gan quấn quýt trước mặt mình. Thái độ lạ thường này của mẹ làm cô có cảm giác giống như đây chính là thời khắc yên bình trước lúc bão giông vậy, không biết là khi về tới nhà mẹ sẽ tiếp tục giam nhốt cô như thế nào đây?
Tuệ Ngọc lo lắng đủ thứ chuyện, nhưng cuối cùng lại chẳng thành chuyện nào. Trần Uyển Khanh vừa về đến nhà liền chạy ngay vào phòng lấy một số thứ cần thiết, rồi nhanh chóng ra xe rời khỏi nhà mà không kịp dặn dò con gái điều gì, cửa còn quên không khóa.
Trời còn chưa sáng, rốt cuộc là mẹ định đi đâu? Tuệ Ngọc thẫn thờ một lúc rồi trở về phòng tắm rửa, sau đó cứ nằm dài trên giường không biết phải làm gì để xua bớt đi tâm trạng bức bối hiện tại.
Đến sáng trời lại đổ mưa, mây đen phủ kín cả khoảng trời mênh mông vô tận. Tuệ Ngọc lững thững rời khỏi phòng định đi nấu cơm, lúc đi ngang qua phòng ngủ của mẹ mình chợt cô dừng lại nhìn vào cánh cửa chỉ được khép hờ. Bản tính tò mò trổi dậy, cô ngó ra sân trước chắc chắn là mẹ chưa về liền lập tức mở cửa đi vào bên trong.
Căn phòng vốn luôn sạch sẽ vừa bị mẹ cô làm xáo trộn mọi thứ, Tuệ Ngọc tiến gần những ngăn kéo tủ lớn nhỏ tìm thử xem có thư từ hay bức ảnh nào của mẹ và bác Doãn năm xưa hay không. Cô muốn biết tình cảm giữa hai người họ là mới bắt đầu hay là tình xưa không trọn? Có ẩn khuất nào mà hai mươi mấy năm trời sống gần nhà, cho đến tận bây giờ họ mới thổ lộ tình cảm của mình cho người khác biết?
Sau một hồi lục tung đủ mọi ngóc ngách, Tuệ Ngọc vẫn không tìm được thứ mà mình muốn. Đang định bỏ cuộc thì hai mắt cô va vào chiếc đồng hồ quả quýt kiểu dáng cũ nằm trong hộp đựng trang sức của mẹ.
Cô cầm lên chầm chậm mở ra xem thử, đập vào hai mắt cô là bức ảnh nhỏ của đôi tình nhân trẻ đang hôn nhau thắm thiết. Dù chất lượng ảnh ngày xưa không được rõ nét, nhưng chỉ nhìn sơ qua thôi cô cũng có thể nhận ra người trong ảnh chính là mẹ mình và bác Doãn Minh.
Cô ngỡ ngàng rồi sững sờ chỉ trong nháy mắt, thì ra trước đây hai người họ đã từng yêu nhau, kỷ vật vẫn còn thì chắc là tình chưa phai nhạt, nhưng rốt cuộc vì lý do gì mà họ lại tách rời nhau ra? Chẳng những thế, mỗi người còn sống một cuộc sống khác, thậm chí còn có gia đình khác. Và rốt cuộc là có điều gì khó nói mà họ lại giấu giếm đoạn tình cảm này, mỗi lần được hỏi tới đều lảng tránh hoặc chỉ nói trước đây là bạn tốt của nhau?
Quá nhiều câu hỏi trong đầu không có lời giải đáp, khiến tâm trạng của Tuệ Ngọc đã rối bời bây giờ càng hoang mang hơn. Cô trả chiếc đồng hồ về vị trí cũ, rồi rời khỏi phòng, đầu óc cô lúc này như một mớ hỗn độn loạn rối ren, nhưng cô không dám dừng lại để gỡ nó ra thành từng mảnh, vì cô sợ mình sẽ nhận ra được điều gì đó không nên biết, và nếu có thể thì đừng bao giờ được biết.
***
Trần Uyển Khanh rời khỏi ngân hàng với số tiền tiết kiệm đã được đổi ra hết thành tiền mặt. Sau đó bà lái xe tới bệnh viện khám bệnh, mất thời gian rất lâu mới lấy được loại thuốc mình cần, rồi lại ghé qua nhà họ Châu, gặp Châu Vĩnh Khang bàn chuyện xuất cảnh của Tuệ Ngọc.
Mặc dù không có duyên kết nghĩa trăm năm nhưng Châu Vĩnh Khang vẫn sẵn lòng nâng đỡ Tuệ Ngọc ở đất khách quê người, nhận được cái gật đầu chắc nịch ấy Trần Uyển Khanh mới nhẹ nhõm ra về.
Trời chiều mưa buồn ảm đạm, Trần Uyển Khanh lái xe qua những con đường quanh co, rồi dừng lại trước cổng trường học. Hôm nay chẳng có trò nào lên lớp nữa, hè về rồi, những kỷ niệm trên bục giảng sẽ chỉ còn là nỗi nhớ. Bà thinh lặng mường tượng lại gương mặt những cô cậu học trò mình xem như con, chúng ngoan ngoãn, chúng đùa nghịch, chúng ngây thơ nắn nót từng con chữ.
Rồi đột nhiên sấm sét nổ vang trời, tia lửa sáng nhẫn tâm rạch đoạn ký ức tươi đẹp ấy ra thành nhiều mảnh rồi trộn chúng lại với hình hài đẫm máu không còn nguyên vẹn của Tiểu Hạ và Vũ Ninh.
Trần Uyển Khanh ôm ngực thở thoi thóp, trong ngực truyền tới một trận co bóp dữ dội, lửa hận trong bà càng khuếch đại ra thêm. Bà rũ mắt nhìn xuống lọ thuốc nằm trong túi bóng, hàm răng nghiến chặt lại như đang đè nén mối thù để chờ đến lúc cần phải phát tán.
…
Trần Uyển Khanh về đến nhà đã gần hai giờ chiều. Tuệ Ngọc đang nấu cơm trong bếp, kỹ năng nấu nướng của cô không tốt, chỉ làm mấy món đơn giản mà loay hoay mãi chả xong.
- Để đó cho mẹ làm, con lên lầu soạn giấy tờ đi, lát nữa mẹ đưa con đi làm thủ tục chuẩn bị xuất cảnh.
Thấy mẹ im lặng, Tuệ Ngọc kiên định nhắc lại lập trường của mình:
- Con không muốn ra nước ngoài. Con muốn ở đây với mẹ.
- Mẹ sẽ đi cùng con.
Giọng của Trần Uyển Khanh hạ xuống thấp, trong cổ họng mang theo nỗi day dứt không đành lòng. Bà kéo con gái ngồi xuống gần mình bên bàn ăn, nhẹ nhàng vuốt tóc của con gái, ngắm bảo bối của bà thật lâu, thật kỹ, mới nghẹn ngào lên tiếng:
- Sau này con đi đâu, mẹ đều theo con tới đó.
Kế hoạch không báo trước này khiến Tuệ Ngọc nhất thời sững sờ, cô nắm lấy tay mẹ mình, lo lắng hỏi:
- Mẹ làm sao vậy? Tại sao nhất định phải ra nước ngoài, ở đây không tốt hơn sao?
Câu hỏi ngây thơ của con gái khiến Trần Uyển Khanh càng thêm đau lòng, con gái của bà còn non nớt quá, lỡ sau này va vấp với đời mà không có ai che chở thì phải làm sao đây?
Bà gục mặt xuống, lén nuốt nước mắt vào trong, rất lâu sau mới ngẩng mặt lên, sụt sùi nói:
- Tuệ Ngọc à, mẹ chưa bao giờ trông mong con sẽ thành ông này bà nọ hay giàu có hơn người, mẹ chỉ mong con sống vui vẻ, một đời an nhiên không vướng bận. Sau này con có thể không làm bác sĩ, không chen chúc ở chốn công sở để cầm đồng lương cố định, nhưng con nhất định phải sống thật hạnh phúc với người có thể che chở con cả một đời, và thương con hơn cả mẹ.
- Con đã tìm được người đó rồi…
Trần Uyển Khanh chợt ngẩn ra, đau khổ nhìn ánh mắt đầy chờ mong của con gái, nhưng rất nhanh bà đã quay đi, phũ phàng nói:
- Nó không xứng với con!
Bà đứng lên rời đi, bỏ lại một câu chuyện không có hồi kết và ánh mắt buồn tênh của Tuệ Ngọc. Câu trả lời dứt khoát của mẹ cứ luẩn quẩn trong đầu cô, mẹ nói Doãn Tư Nghị không xứng với cô, nhưng trên đời này ngoài anh ra, còn ai xứng đáng hơn nữa.
Suốt buổi chiều hôm đó Tuệ Ngọc không ra khỏi phòng, mẹ cô gọi như thế nào cô cũng nhất quyết không lên tiếng, thậm chí còn kéo tủ chặn ngay trước cửa để mẹ không thể xông vào. Cô không muốn làm một đứa con ngỗ nghịch, nhưng cái cô cần là một lý lẽ thuyết phục chứ không phải là áp đặt. Mà điều đơn giản ấy mẹ lại không thể làm được cho cô.
Trần Uyển Khanh ở ngoài này gào đến khản cổ, cuối cùng bà bỏ cuộc đi về phòng ngồi thẫn thờ đến tối. Màn đêm tĩnh mịch trải dài buồn bã, khiến lòng người cũng nặng nề theo, chiếc điện thoại bị bỏ xó ở đâu đó reo lên, bà số điện thoại trong màn hình rồi chua chát nhấc máy.
Âm thanh ngọt ngào trong loa truyền tới, có lời âu yếm ám muội được thốt ra, Trần Uyển Khanh siết chặt nắm tay, đáp lại một câu thật ngọt ngào rồi cầm lấy lọ thuốc trên bàn đi thẳng xuống lầu, đổ hết phân nửa thuốc vào bác canh vừa múc.