Bà Nhóc Già Nhà Tử Thần

Chương 62: Cần cù lại lễ phép



Bà cụ Hồ có rất nhiều điều muốn nói:

Ba ơi, hồi nhỏ nhà mình nghèo ghê!

Ba ơi, ba cũng biết nấu cơm nữa à!

Ba ơi, từ nay con không ra ngoài vào buổi tối nữa, ba đừng la con nha!

Những ký ức thời thơ ấu như một luồng ánh nắng rực rỡ chiếu vào, làm lòng bà cảm thấy thật ấm áp.

Cuối cùng, bà chỉ ôm lấy cánh tay của Kim Sân, nói: “Ba ơi, ba không có lừa con thật, con rất là lợi hại, ba cũng rất lợi hại!”

Lúc thức dậy, ông cụ Hồ cảm thấy vợ mình hơi là lạ…

Bà không chủ động dắt tay ông như trước nữa, nói chuyện với ông lại đỏ mặt. Ông ngây người, lấy làm lạ. Bây giờ vợ ông chỉ mới nhớ lại những ký ức hồi nhỏ, sao lại thẹn thùng như thế?

Sau khi đến trường, bà cụ Hồ lập tức thông báo tin tốt này cho bà lão bác sĩ thẩm mỹ – người bạn thân nhất của mình.

“Ba mình còn nói…” Bà đỏ mặt. “Ba mình nói mình và anh Thừa Khiếu kết hôn rồi.”

Thoạt tiên, bà lão bác sĩ rất ngạc nhiên về việc mỗi ngày bà cụ Hồ có thể nhớ thêm một chút ký ức, sau đó thấy bạn mình thẹn thùng thì vui vẻ bảo: “Chúc Chúc, bạn muốn khi lớn lên sẽ kết hôn với ai? Trong tưởng tượng của bạn, chẳng phải người đó là Hồ Thừa Khiếu sao?”

Bà cụ Hồ khá xấu hổ, cứ ngượng nghịu nói: “Nhưng… nhưng mà anh Thừa Khiếu lại không nói với mình chuyện này. Ba nói với mình, sở dĩ anh Thừa Khiếu gọi ông là ba là vì anh ấy kết hôn với mình nên ba mình chính là ba của anh ấy. Nhưng trước đây anh Thừa Khiếu lại nói anh ấy gọi ba mình là ba là vì anh ấy không có ba.”

Bà lão bác sĩ nheo mắt lại. Không hổ là người có thể làm bạn thân với bà cụ Hồ, một câu nói không đầu đuôi thế này mà vẫn có thể lần theo tư duy logic của bạn mình để hiểu được. Bà lão bác sĩ nói: “Cho nên bạn lo anh ấy kết hôn với bạn là vì không có ban nên muốn chia sẻ ba của bạn à?”

Bà cụ Hồ gật đầu đầy rối rắm.

Bà lão bác sĩ nói: “Vậy bạn cứ nói chuyện với anh Thừa Khiếu thử xem. Nói không chừng anh ấy còn có nguyên nhân gì khác thì sao, chẳng hạn như là thích bạn.”

Lúc từ bên ngoài quay trở lại, ông cụ Hồ nhìn thấy vợ mình đang thì thầm to nhỏ với bà bạn, chắc chắn là kể chuyện mình đã nhớ lại. Lòng ông cảm thấy chua xót. Trước đây họ là người thân mật nhất của nhau, có chuyện gì cũng sẽ chia sẻ với người kia trước. Bây giờ bạn già lại gạt ông sang một bên.

Ông ngồi xuống chỗ của mình, đặt bình nước nóng vừa bưng vào lên bàn của bà cụ Hồ.

Bà cụ Hồ do dự một chút rồi quay đầu sang nhìn anh Thừa Khiếu. Hai người bốn mắt nhìn nhau, bà tự nhiên đỏ mặt, cúi đầu xuống, lí nhí nói: “Anh Thừa Khiếu, anh… anh có biết…”

Ông hoàn toàn nghe hiểu bà muốn nói gì nhưng vẫn nhoài tới gần, dịu dàng hỏi: “Anh có biết chuyện gì?”

Bà cụ Hồ lấy hết can đảm, nói: “Anh Thừa Khiếu, anh có biết thật ra chúng ta đã kết hôn rồi không?”

Bà vô cùng xấu hổ làm ông cũng đỏ mặt theo, lắp ba lắp bắp nói: “Biết… Sao thế?”

Bà hệt như một đứa trẻ dự đoán được tương lai, rất tò mò, rất thích thú với tương lai của mình. Trong suy nghĩ của bà, tình yêu và hôn nhân đều là những thứ vừa thần bí vừa làm người ta xúc động. “Người chồng tương lai” đang ở ngay bên cạnh làm bà cảm thấy khá thẹn thùng. “Vậy thì… thì… sao chúng ta lại kết hôn?”

Câu hỏi này của bà không có ý chất vấn hay không bằng lòng. Ông cụ Hồ hiểu điều đó. Tối qua ba nói với bà chuyện khôi phục ký ức, chắc chắn bà đã hỏi ba chuyện kết hôn và ba cũng thành thật trả lời bà.

Ông nhoài tới gần, hôn lên trán bà. “Đợi thêm một thời gian nữa em sẽ biết tại sao chúng ta lại kết hôn.”

Bây giờ ông có nói thì bà cũng không hiểu, phải đợi bà nhớ ra mới được.

Bà cụ Hồ được hôn lên trán, mặt lập tức đỏ bừng, xấu hổ như một thiếu nữ. “Anh Thừa Khiếu…”

Ông cụ Hồ: “Ừ, anh Thừa Khiếu đây.”

Ông không thể che chở, nuông chiều bà như cha vợ nhưng ông có thể ở bên cạnh bà mãi mãi.

Trước kia bà cụ Hồ không hứng thú lắm với hôn nhân của các bạn trong lớp, lúc đó bà thích trò chuyện với mọi người về ba thôi. Bây giờ bà đã biết mình cũng kết hôn nên rất thích nghe mọi người kể chuyện hôn nhân.

Ông lão bác sĩ tâm lý nói: “50 năm trước tôi kết hôn lần đầu, chỉ sau 2 năm là ly hôn. Sau đó kết hôn lần thứ hai…”

Bà cụ Hồ há hốc mồm: “Vậy cũng được nữa hả?”

Ông cụ Hồ ở bên cạnh vội vàng đính chính: “Chúc Chúc, chúng ta chỉ kết hôn một lần, mãi cho đến bây giờ.”

Bà không biết kết hôn nhiều lần hay kết hôn một lần tốt nên không lên tiếng.

“Thật ra bây giờ nghĩ lại kết hôn cũng không có gì hay.” Ông lão bác sĩ nói: “Chẳng qua là cống hiến cho quá trình duy trì nòi giống của nhân loại. Nếu mà lựa chọn có lợi nhất cho bản thân thì không kết hôn vẫn hơn.”

Ông cụ Hồ: “…” Thiệt tình cảm ơn mấy người!

May mà bà cụ Hồ đã có thêm vài năm ký ức, không còn như lúc trước, người khác thấy cái gì tốt là bà cũng thấy cái đó tốt theo.

Bà nói: “Thế à.” Rõ ràng là không để trong lòng.

Bà lão bác sĩ thẩm mỹ bên cạnh cũng nói: “Cũng tùy trường hợp. Nếu thật lòng yêu một người thì kết hôn cũng tốt mà, hai người ở bên nhau, cùng nhau đi đến hết cuộc đời.”

Ông lão bác sĩ hơi ngạc nhiên: “Bà mà lại có suy nghĩ ấy à.”

Bà lão bác sĩ: “Ông tưởng người theo chủ nghĩa độc thân như tụi tôi là phản đối mọi cuộc hôn nhân à? Chúng tôi chỉ phản đối việc mình bước vào cuộc sống hôn nhân, còn lại sẽ không can thiệp sự lựa chọn của người khác.”

Trong cuộc đời, bà lão bác sĩ đã từng bắt gặp rất nhiều ánh mắt không tán thành của mọi người. Họ khuyên bà kết hôn, khuyên bà sinh con, nói bà không kết hôn không sinh con thì về già sẽ không nơi nương tựa, sau này ở nhà có xảy ra chuyện cũng không ai biết. Nói chung là gì họ cũng nói được, phần nhiều là những người muốn can thiệp cuộc đời bà chỉ bằng vài câu nói.

Bà nhìn lại mình lúc này. Đúng là cuộc sống không náo nhiệt bằng những người có con cháu, nhưng cũng vì thế, bà không phải chịu vô vàn những phiền toái khác.

Bà cụ Hồ nghe mà thấy đầu óc rối bời. Ông cụ Hồ rất lo nhỡ đâu bà bị tẩy não nên vội nói: ‘Cuộc sống hôn nhân của chúng ta rất vui vẻ.”

Bà nghĩ ngợi rồi nói: “Em cũng cảm thấy chắc chắn là rất vui vẻ.”

——

Sau khi ngủ trưa dậy, bà cụ Hồ nhớ ra một chuyện rất quan trọng. Trước đó bà nhớ là hình như mình có đứa con trai, mà bây giờ bà già rồi có nghĩa là đứa bé đã trưởng thành như con cái của những bạn học khác.

Bà nghĩ ngợi rồi hỏi anh Thừa Khiếu. “Anh Thừa Khiếu, có phải con chúng ta lớn rồi đúng không?”

Ông cụ Hồ: “…” Việc gì phải đến rồi sẽ đến, có điều nó đến hơi sớm, ít ra bây giờ vợ ông còn chưa nhớ lại chuyện nuôi dưỡng đứa bé.

Ông cân nhắc một chút rồi nói: “Đúng là chúng ta đã có con, bây giờ cũng đã trưởng thành rồi. Nó là một người rất chăm chỉ.”

Ông vừa nói vừa dắt bà đi tìm Hồ Đào. Dạo này Hồ Đào vẫn ở nông trại gà, hàng ngày quét dọn làm vệ sinh.

Bà cụ Hồ nhìn cái người đang dùng đôi bàn tay chăm chỉ của mình để nuôi gà kia, khẽ gật đầu, nói nhỏ với ông cụ Hồ: “Con của chúng ta thật là cần cù.”

“Đúng vậy.” Ông đáp. “Nó lựa chọn dựa vào nỗ lực của mình để xây dựng tương lai, chúng ta là cha mẹ không thể ngăn cản, đúng không nào?”

Bà gật đầu, bảo: “Đúng vậy.”

Ông lại nói tiếp: “Vậy chúng ta đừng làm phiền công việc của nó, nếu người khác biết cha mẹ nó học ở đây thì chắc chắn sẽ không cho nó làm việc nữa.”

Bà nửa hiểu nửa không, gật đầu đáp: “Vậy chúng ta không nói cho những người khác biết chúng ta là cha mẹ nó.”

Tuy nói thế nhưng bà vẫn không kìm lòng được, cứ nhìn người kia hoài. Thì ra đây là con trai của mình. Bà hài lòng nhìn con mình dùng cái xẻng xới đất lên để tìm giun cho lũ gà con. Bà gật đầu, con trai mình đúng là rất cần cù.

Hồ Đào không được tự nhiên cho lắm, anh cởi chiếc áo lao động ra, rửa sạch tay rồi đi đến, bắt chuyện. “Có chuyện gì không ạ?”

Đội trưởng ở gần đó, có mấy bạn học cũng đã cho gà con ăn, bà cụ Hồ nhớ những lời vừa nói khi nãy nên không nói thì khác, chỉ tự hào khen ngợi. “Vừa rồi tôi nhìn thấy cháu xới đất, cháu quả là một đứa trẻ chăm chỉ.”

Hồ Đào chỉ nghĩ bà khen mình như khen người lạ. Anh nhớ đến những ấm ức mà mình phải chịu trong thời gian qua nên khi đối mặt với mẹ, dù bà không còn nhớ mình là ai thì vẫn không kìm nén được, oán thán như trước kia. “Không chăm chỉ thì chỉ có nước bị đói.”

Bà cụ Hồ ngẩn người rồi vội vàng lấy kẹo và bánh quy trong túi ra đưa cho Hồ Đào. “Cho cháu này.”

Hồ Đào do dự một chút rồi nhận lấy, sau đó ngượng nghịu nói: “Con cảm ơn.”

Bà xua tay, cười hì hì đáp: “Không có gì.”

Thật ra trong lòng ông cụ Hồ rất lo sợ. Ai ngờ lúc trở lại, bà nói: “Anh Thừa Khiếu, em cảm thấy con của chúng ta khá tốt đấy.”

Ông cụ Hồ: “Hả?” Tốt chỗ nào? Nhìn thấy cha già là bắt đầu phùng mang trợn mắt giống như ai nợ nần gì nó vậy. Còn sở sĩ tôn trọng mẹ là vì mẹ nó có một người cha rất lợi hại, không dám không tôn trọng.

Bà cụ Hồ cười híp mắt, nói: “Con chúng ta là một đứa trẻ vừa cần cù vừa lễ phép, phải khích lệ nó tiếp tục phấn đấu như vậy.” Bà vẫn nhớ lời nó nói, không chăm chỉ thì chỉ có bị đói nên nhất định phải chăm chỉ hơn nữa.

Ông cụ Hồ: “…” Thôi xong, có lẽ sau khi ông nội giải quyết xong công việc, thằng nhãi này chắc còn bị dạy dỗ thêm nữa.

Trên phương diện dạy dỗ con cái, ông cụ Hồ hoàn toàn bị gạt sang một bên. Nhà có hai vị thần, lời của ông hoàn toàn không có giá trị.