Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc

Chương 33: Áo Tơi Bện Rơm



Tôi chỉ biết mặt ông nội mình qua tấm ảnh thờ đen trắng và vài tấm hình chụp ông và những người khác thời ngang dọc khắp nơi buôn bán gỗ, vải... Ấn tượng của tôi đầu tiên là "oách" vì chỉ mình ông là người lớn mặc comple ngồi ghế, những người khác đứng một hàng xung quanh phía sau, tôi nghĩ ông hẳn là vai trên hoặc là ông chủ. Tấm ảnh chụp ông để làm ảnh thờ thì tôi lại thấy đôi mắt nhìn về phía ống kính khá hiền từ, cái mũi cao mà bà Già hay gọi mà "mũi lõ" và cuối cùng là vầng trán rộng và cao, nhìn là biết hói đầu, ông mặc một cái áo vải màu sáng. Tôi thấy nhiều người sợ hói đầu nhưng tôi thì không, hói là gen trội, con cháu dù trai hay gái đều sẽ di truyền. Tôi bây giờ ít tóc và rồi cũng sẽ hói nhưng tôi lại nhớ lời bà Già bảo rằng hói chứng tỏ mày là người Việt, không phải người Tàu. Tuy tôi không cho là đúng nhưng vì bà nói thế nên tôi cũng nghĩ như thế luôn.

Từ cảm giác thần tượng ông mình qua lời kể của bà, tôi nghĩ đó là một người giỏi giang nhưng hay gặp vận rủi, làm ăn cứ phất lên rồi lại bị cướp, còn giữ được mạng là may mắn. Nhưng nếu việc đó cứlặp đi lặp lại mấy lần thì đó không còn là vận rủi nữa mà chắc chắn có vấn đề, nhưng thắc mắc này không bao giờ có lời giải thích. Ông nội tôi là một người tốt, tôi tin như vậy, vì tôi chưa bao giờ nghe ai trong làng xì xào điều gì về ông nên tôi khẳng định, làm cháu nội của một người tốt cũng đáng tự hào lắm, nhưng có một chuyện tôi ấn tượng mãi khi được nhiều người kể lại.

Khi ấy, ông bà nội đã bị "lên thành phần" cho nên thường xuyên bị lôi ra đầu làng đấu tố rất mệt mỏi, mọi người đều phải chửi, không chửi không được, nhiều người họ hàng hay được giúp đỡ trước đó, ban đêm vẫn lén mang đồ ăn đến cho gia đình tôi hay giúp dựng nhà cũng phải đứng chửi. Ông tôi bực mình vì của cải thì lấy hết rồi, lại còn bị mang ra đấu tố nên mới nghĩ cách.

Một trong những người đứng đầu hay đến nhà tôi để yêu cầu dắt ông đi là một phụ nữ (bà này là em gái bà Trẻ, sau chính là em vợ của ông) nên một lần ông tôi mặc quần dải rút, nới lỏng dây và giữ cạp quần. Khi đoàn người đến gồm nhiều phụ nữ lẫn đàn ông, họ tính dắt ông đi nhưng vừa giữ hai tay thì quần bị tụt, thế là ông tênh hênh trước bàn dân thiên hạ, đàn bà con gái nhìn thấy bỏ chạy hết lượt nhưng ông vẫn bị dắt đi, song từ sau việc ấy thì việc đấu tố của ông giảm rồi thôi, đấu tố không có phụ nữ chửi chắc là chán, vì nếu bị đứng đó để người ta sỉ vả, khả năng lớn quần ông sẽ bị tụt. Tôi không biết việc đó có nên làm không nhưng tôi cứ nhớ đến lại cười, thật quá ư là đỉnh cao. Điều này chứng tỏ ông tôi phải là người thông minh, khéo léo và không "hiền lành" chút nào.

Khi đi học Lịch sử lớp Sáu về người Giao Chỉ, cô giáo mô tả về "bàn chân Giao Chỉ" thì tôi tưởng rằng cô đang tả về bàn chân của bà Già, bà có đôi bàn chân y hệt như được miêu tả trong sách giáo khoa.

- Bà, cô giáo cháu bảo bàn chân của bà là "bàn chân Giao Chỉ", là người Việt cổ đấy.

- "bàn chân Giao Chỉ" là cái gì ? Tao đi chân đất từ bé, đi làm ruộng, gánh mạ, đường trơn thì phải dùng đầu ngon bám chặt xuống đất không thì ngã.
Nhưng bao người khác cũng đi làm ruộng đó thôi? Ở làng tôi cũng thấy một số bà cụ có bàn chân như vậy, nhưng không nhiều.

Chính vì những điều khó hiểu và không ai giải thích cho như là tại sao ông tôi tốt, giàu có lại bị Nhà nước lấy mất tài sản? Tại sao răng bà lại đen và bàn chân kì lạ như thế?... bởi vậy tôi mượn sách Lịch sử của các anh lớp trên để đọc nhưng không có nhiều thông tin, vào năm lớp 6, tôi đã đọc hết sách Lịch sử lớp 10, các lớp cao hơn không biết mượn ai nên thôi. Nhờ có sách và lời kể ít một của mọi người, tôi đã hình dung ra phần nào bối cảnh của đất nước.
Cô giáo dạy Lịch sử đầu tiên mà tôi vẫn nhớ là cô Loan, cô ấy tóc ngắn có chút bạc, gọng kính cận dày, cô khoảng gần năm mươi tuổi và là người khó tính. Cô ấy ngạc nhiên khi có một thằng học sinh bé loắt choắt hay thập thò ở ngoài cửa nghe cô giảng bài ở lớp trên, những giờ thể dục hay thủ công tôi đều tìm cách chuồn đi nếu tôi biết trùng lịch học môn Sử của các anh chị. Tôi nghe lỏm tuy không hiểu được hết nhưng lại thích, và vì thế, sau này cô giáo dạy Sử hay chú ý đến tôi, tôi luôn ghi chép kỹ và hay hỏi thêm những thứ khác, nhưng tôi sợ bị mắng nên chỉ hỏi một câu trong mỗi lần gặp và luôn bắt đầu bằng:

- Thưa cô! Tại sao... ạ?

Đối với tôi khi ấy, cô giáo chính là cái máy biết mọi thứ mà tôi không biết, tôi rất thần tượng các thầy cô nói chung nhưng tôi chưa bao giờ có ý định trở thành giáo viên, tôi là người thích tự do.

***

Hiệu sách Tụ Sâm trở thành địa điểm quen thuộc tôi hay lui tới, quãng đường 8 ki - lô – mét không thể cản trở được sự yêu thích, vui sướng khi nhìn thấy bìa những cuốn truyện tranh. Ngoài Hesman thì tôi cũng thử mua những truyện khác, nhưng phần lớn là đọc kiểu ngang hông rất khó chịu, mong muốn có những tập đầu đúng là xa xỉ. Và vì đọc nhiều truyện nên tôi bắt đầu tập vẽ, từ vẽ một hình rồi chuyển sang vẽ một câu chuyện mà trong đó tôi luôn là nhân vật chính, biết bắn súng, biết bay, biết đánh võ rất giỏi ... nói chung là vô địch thiên hạ, trừ gian diệt bạo là nghề của tôi trong những tập truyện không bao giờ có độc giả nhưng dù sao cuộc sống của tôi cũng có thêm những màu sắc mới.

Mấy ngày liền, tôi hay xuống nhà R9 cùng thằng Chắc Gạo, hai thằng nó có vẻ rất hợp cạ vì có sự hiểu biết uyên thâm về bóng đá. Tôi phát hiện ra Chắc Gạo đặc biệt thích đội Inter Milan, còn R9 lại trung thành Arsenal, chả hiểu chúng nó mò thông tin ở đâu hay bằng cách nào. Tôi không chú tâm, hai đứa nó bàn luận rồi tranh cãi trong khi tôi nằm gác chân đọc truyện, thi thoảng ra uống nước rồi lại đọc tiếp.

- Có lẽ mình cũng nên tìm hiểu về bóng đá, tìm đội nào có thể đè bẹp đội của hai thằng này cho chúng nó bớt nói đi.

Tôi đã từng nghĩ như vậy.

Nhưng cứ gần năm giờ chiều là thằng Chắc Gạo đứng lên ra về, tôi cũng về, nhưng chỉ cần qua cổng thì tách hai ngả, Chắc Gạo không đi về theo lối mà nó đã "nhìn thấy gì đó", còn tôi, nếu đi theo hướng của nó sẽ phải về nhà sau khi đi qua một nửa ngôi làng, tôi thấy không cần thiết nên cứ lối gần mà về.

***

Một tối như nhiều tối khác, lúc này đã vào khoảng giữa tháng Mười hai Dương lịch, cơm nước xong tôi lại xách xe Cá Vàng đạp ra đầu làng tụ hội, luận kiếm chọn anh hùng bằng những chuyện vô thưởng vô phạt. Không khí buổi tối thời gian này bắt đầu lạnh hơn nên quân số cũng vơi nhiều, vẫn là cảnh quen thuộc, các anh lớn ngồi trên bờ tường và đám nhỏ hơn đứng rải rác xung quanh. Tôi ít tham gia vào câu chuyện của mọi người nhưng tôi lại thích có nhiều người rôm rả bên cạnh, tôi không thích sự cô đơn.

Mơ màng nhìn lên bầu trời, trăng lên muộn, chỉ thấy những ánh sao lấp lánh, trời tuy vậy nhìn cũng quang đãng, tôi bất giác nhìn về phía trước thấy có gì đó lạ lạ trên mặt nước, từ chỗ tôi đứng nhìn ra không xa lắm, chưa tới hai mươi mét. Lấp ló trong những khóm bèo tây trôi lững lờ, hình như có người nhưng thoáng lại biến mất, không thấy gì nữa. Chắc tôi nhìn nhầm, dù sao cũng là buổi tối, chả nhìn rõ ràng cái gì, có thể là bóng cây hắt xuống mặt con mương.

Xẹt ! Á a a ! Ùm !

Tiếng động lớn vang lên, đám đông chợt ngưng lại nhìn xung quanh và ai đó nhanh chóng nói lớn.

- Có người ngã xe bên kia, rơi xuống mương rồi.

Từ chỗ chúng tôi hay ngồi chơi cho đến đường Quốc lộ chỉ cách con mương nhưng để đến nơi vụ tai nạn thì phải đánh vòng qua cầu Đình, cả đám nhốn nháo dắt díu nhau chạy đi. Ai đó, là người lớn cũng nhanh chóng nhảy ùm xuống mương ngay từ chỗ chúng tôi ngồi chơi, tôi không biết đó là ai, trời sáng không trăng nhưng cũng đủ để thấy bóng người lao xuống, bơi nhanh về hướng vụ tai nạn, vậy là có người ngã xe xuống mương ?

Lúc này chạy tới, tôi đã thấy một chiếc xe Honda 82 màu xanh đậm nằm chổng ngược hai bánh lên trên, bánh sau vẫn quay cùng tiếng nổ của xe, cái xe máy nằm sát bờ mương, người không thấy đâu. Mấy người khác cũng vội tràn xuống mò và nhanh chóng tìm thấy một người nửa tỉnh nửa mê ngay sát mép nước, những người còn lại mò tiếp thì tìm thêm được một người nữa gần ngay đấy, một đứa bé trai trạc tuổi tôi. Mọi người khẩn trương hô hấp nhân tạo, kiểm tra sơ qua, may quá, hai bố con nhà này còn sống, không bị gãy tay chân.

Tôi đứng trong đám đông, thấy không có người chết là thở phào, tôi tách ra đứng ở ven đường nhìn một lượt con mương, dưới làn nước yên ả kia có cái gì sao, nãy mới thấy giống như có người trồi lên một chút.

- Ùm!

- Ùm!

Hai tiếng động lớn như có ai nhảy xuống mương tắm vang lên, lẫn trong tiếng ồn ào của đám đông, tôi chỉ thấy mấy ngọn tre ven mương, phía trước mặt tôi đang rung rinh trong gió. Dường như tôi đã thấy loáng thoáng hai bóng đen mờ ảo lao xuống nước, chả lẽ là Mẹ Chẽ? Từ chỗ khúc cua này đến chỗ tôi gặp hôm trước cũng phải dài đến bảy tám trăm mét chứ không gần. Hôm trước, chị Ma có nhắc đến lũ du thủ du thực và cảnh báo chỗ này, hẳn là có gì đó thật rồi, có thể nhiều "cái gì đó".

***

Tôi và Chắc Gạo chiều ấy cùng đạp xe lên Hồ mua truyện, chúng tôi mua đứa tập trước đứa tập sau để đổi nhau, về đến làng nó chở tôi rẽ vào nhà R9, bọn nó có họ với nhau nên có vẻ khăng khít lắm, lại chung đam mê môn bình luận bóng đá, nó cũng mua cả báo, tôi cũng mua nhưng là báo Hoa Học Trò và Mực Tím. Mực Tím là tờ báo lạ vì mực in màu tím, khổ giấy khác báo Hoa Học Trò và ở Tp.HCM nên tôi mua, tôi không hiểu sao cứ cái gì có gắn đến nơi đó tôi lại thích và cảm thấy thân thuộc. Người ta thường bị thu hút bởi những thứ khiến họ thấy hấp dẫn, tò mò mà chưa có được. Thấy tôi hay xuống khu Tây chơi, bà Già hỏi nó là con cháu nhà ai, khi tôi nói tên của cụ nó và bố nó ra thì bà bảo.

- Thế thì nó phải gọi mày bằng cậu, bà ngoại nó là gái họ nhà mày, con chú con bác với bố mày đấy, sao lại mày tao?

- Cháu biết đâu.

Quả đúng như thế thật, mẹ nó gọi bố tôi là cậu Tr., cũng khá là gần, nhưng đã quen mày tao rồi nên thôi, tôi cũng không bảo với nó về việc họ hàng dây mơ rễ má. Nhưng sau này tôi nhận ra vai vế của R9 rất thấp, nó toàn phải gọi người nhỏ hơn là anh, là chị, rồi cô, rồi chú... đến ngay con bé học chung lớp với tôi ở gần nhà R9 nó cũng phải gọi người ta là cô.

- Mày còn ở làng này rồi mày sẽ không ngóc đầu lên được đâu, đéo gì bước ra đường cúi chào cũng hết nửa ngày thì làm ăn được cái gì.
Tôi đã từng nói với nó khi lớn hơn một chút, ba đứa tôi quen biết nhau thì R9 nhiều tuổi nhất nhưng vai vế lại thấp nhất, tôi với Chắc Gạo thì không có họ hàng. Ba đứa quen biết nhau đều hiền lành, nhưng hiền và nhịn nhất là R9, còn Chắc Gạo thì thông minh và ma lanh nhưng cũng thuộc dạng không muốn tranh cãi và dễ thỏa hiệp, còn tôi dần thành đứa đầu têu. Càng lớn mức độ đầu têu của tôi càng nhiều, tôi chửi hai thằng suốt, luôn cho rằng mình thông minh nhất nên sẽ quyết định nên làm như thế nào, bắt nạt chúng nó bằng lời nói và hay sai hai thằng. Có đợt hai thằng nó thân với nhau hơn vì tôi toàn đành hanh, tôi chỉ xuất hiện khi tôi cần hoặc chúng nó cần gì đó. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn bắt nạt hai thằng, Chắc Gạo thì tôi lôi về làm cùng công ty, nó vẫn chưa lấy vợ.

- Cô nào rước nó hay mai mối cho người rước nó tôi sẽ biếu hai chỉ vàng.

Tôi phát biểu rất mạnh miệng, thậm chí sẵn sàng lo chi phí cho nó tán gái. Bao nhiêu người đã không vì tiền mà mai mối nhưng cái thằng Chắc Gạo này nhát gái, lại hay thiếu ý chí nên thành ra cũng khó, gia đình có điều kiện lại ngoan mà ế, kể ra phụ nữ không thích đàn ông ngoan như đứa trẻ cũng phải, lấy chồng chứ lấy con đâu. Tôi hư nhất trong ba thằng lại lấy vợ sớm, giờ dạy dỗ hai thằng bạn về kinh nghiệm gia đình bọn nó chỉ biết há miệng nghe không cãi được, cãi thì nên lấy vợ sớm hơn tôi, tôi sẽ nghe.

Bây giờ, nhà Chắc Gạo nằm mặt đường, gần hồ Nam Đồng, tôi chỉ đến cửa là đi chứ không vào nhà, vào đấy ngồi thì mẹ nó sẽ than vãn suốt chuyện nó chưa lấy vợ, tôi sợ nghe phụ nữ than vãn và áy náy nếu không giúp được. Nhưng tôi cảm giác thằng này phải ngoài bốn mươi mới có người rước, cảnh cha già con cọc hiện rõ trong đầu tôi.

Chiều muộn, H. Chắc Gạo đạp xe về trước còn tôi lững thững đi về một mình, vừa đi vừa căng mắt đọc truyện, cái tật xấu này tôi bị nhắc mãi nhưng chưa bỏ được.

- Này cháu! Con cái nhà ai mà vừa đi vừa đọc sách thế?

- A, cháu chào bác!

Đó là một người đàn ông khoảng ngoài ba mươi tuổi, ông ta đang ngồi xổm câu cá cạnh bờ ao, trên người choàng cái áo tơi được bện từ rơm khá lạ mắt, tôi cũng ít khi thấy, bây giờ toàn áo mưa cánh dơi nilon, một số người còn có áo mưa kiểu bộ đội màu tối, nhìn rất đẹp.

- Ta thấy cháu hay qua đây tính nhờ tí việc.

- Bác cần nhờ gì ạ?

- Nhờ cháu mua hộ chai rượu gạo ấy mà.

- Bây giờ cháu phải về ăn cơm rồi, rượu ở đầu làng mình có bán mà bác.

- À, ta biết chứ. Nhưng ta lại không có tiền nên mới nhờ.

- Thú thật là cháu có mang tiền theo nhưng mua truyện mất rồi ạ.

Tôi thầm nghĩ đến mấy ông hay uống rượu lè nhè, hay dụ trẻ con mua rượu hộ, nhưng thật là túi tôi đã hết tiền, lên phố Hồ mà còn tiền mang về mới lạ.

- Vậy lần sau, ta chiều nào cũng ngồi câu cá ở đây. Cứ mua hộ ta, có tiền ta sẽ trả sau được không?

- Dạ được, chỉ rượu thôi phải không bác?

- À, nếu có đồ nhắm nữa thì tốt, ta cũng không đòi nhiều thế, nhưng cháu có lòng tốt thì ta sẽ nhận.

- Bác tên gì ạ?

- Ta tên là Thủ Tùm.

- Nhà bác ở gần đây không ạ?

- Ngay đây.

Tôi quay nhìn mấy ngôi nhà nằm bên bờ ao, phía trước một quãng là cây thị. Tôi còn định hỏi thêm thì ông Thủ Tùm đã đứng lên.

- Thôi tối rồi, về mà ăn cơm đi!

- Vâng, cháu chào bác!

Tôi chào rồi thong thả bước đi, được một đoạn tới chỗ rẽ vòng cung tôi quay lại nhìn, thấy thấp thoáng bóng cái áo tơi bằng rơm đi khuất sau bức tường gạch mới xây.

Trời đã tối không nhìn rõ mặt người.
---
***

Quỷ là gì , quỷ là đồ chơi là vật buôn bán của ta mà thôi