***
Như vậy là tôi miễn cưỡng đặt chân vào căn nhà nhỏ của bà Còng, trong nhà bày biện rất đơn sơ, ngoài cái giường bằng sắt cũ còn có một cái tủ nhỏ để ngay dưới chân giường là đáng chú ý còn lại những đồ đạc khác tôi không để tâm nhiều bởi phần lớn là xô, chậu muối dưa cà, mấy thùng các tông nhỏ cùng một cái chạn đựng bát. Nói là cái chạn đựng bát cho sang và dễ tưởng tượng chứ thật ra tôi không biết nguyên bản trước đó nó là cái gì, nhìn khá giống một cái kệ đựng giày dép.
Tôi thường xuyên đi qua đi lại trước ngôi nhà nhỏ này trong hơn một tháng qua và chẳng có bất kỳ cảm xúc nào nhưng khi bước chân qua khỏi ngưỡng cửa tôi nhận ra những khác lạ rõ rệt. Căn nhà ẩm thấp, ánh đèn điện bật vào ban ngày cũng chẳng giúp xua đi được không khí lạnh lẽo, u tối. Nền nhà được tráng xi măng tương đối bằng phẳng và cái gốc cây xà cừ nằm giữa căn nhà, bà Còng biến thân cây thành chỗ treo đồ đạc, đủ các loại túi bóng to, túi bóng nhỏ, đủ các màu sắc nhìn rất lộn xộn.
Sơn Ca tự tay đóng cửa, ngay giữa trưa nắng của mùa hè nhưng bản lề cửa khô dầu kêu kẹt kẹt khiến tôi dựng tóc gáy, sởn da gà bởi tôi cảm thấy rất khó chịu khi phải nghe những âm thanh được tạo ra từ việc va chạm hai thanh kim loại.
-Sợ hả cu?
-Sợ gì mà sợ, anh làm gì thì làm mau lên. Em thấy nhà của bà cụ vừa ẩm thấp lại bừa bộn. Người già sống trong này không có bệnh tật vì ma thì cũng sớm quy tiên vì mùi xú uế.
-Sao lại mùi xú uế. Tao có thấy gì đâu nhỉ?
Tôi nói nhỏ giọng vì sợ bên ngoài ai đó sẽ nghe thấy:
-Bà cụ làm gì có nhà vệ sinh, thế anh nghĩ bà cụ đi vệ sinh mỗi đêm ở đâu?
-Mẹ thằng này vừa mới vào đã để ý nhanh thế nhỉ.
-Anh nói buồn cười, nhiều cô bán hàng ở chợ khi cần đi vệ sinh thì chạy về nhà, một số người đi nhờ ở nhà em. Có ai ra vệ sinh công cộng của khu này đâu.
-À, nghĩa là bà cụ đi nhờ ở nhà mày hả?
-Đúng rồi, anh ở nhà em cả chục hôm rồi mà không thấy à?
-Tao đâu có rỗi hơi như mày. Tao còn bận trăm công nghìn việc.
-Thế thì anh làm gì làm mau lên, em thấy không khí trong căn nhà này không bình thường. Ngoài mùi ngai ngái của nước tiểu lâu ngày còn phảng phất cả hơi lạnh, chả lẽ ban ngày ban mặt ma quỷ cũng lộng hành à? – Tôi vừa nói vừa ngó nhìn xung quanh mình – có con nào đứng gần em không?
-Chưa, chưa! Ma quỷ dễ kiếm thế thì tao giàu từ lâu rồi.
Sơn Ca lấy từ trong túi áo ra một tờ giấy màu vàng có viết vài chữ Tàu, chỉ có chữ Tàu mới có những nét vẽ nghuệch ngoạc thế kia. Sơn Ca không nói không rằng dùng băng dính dán lên tờ giấy sau đó dính lên ngực tôi đánh bộp một cái khiến tôi ngạc nhiên.
-Tí tao làm việc thì đừng có giở cái tật lắm mồm hỏi han linh tinh kẻo rước hoạ vào thân nha mày.
-Thế cái này là cái gì? Dán vào người em làm gì? Sao giống trên phim bọn cương thi có đội một cái mũ dán lá bùa màu vàng như này nhảy tưng tưng nên thằng em em nó gọi là ma cà tưng, có phải không? Đây là bùa à?
-Đấy, vừa mới dặn xong đã đâu vào đấy. Mày có thể bớt hỏi đi được không hả. Ừ thì đây là bùa, mày đừng có để lá bùa này rơi ra trong khi tao lập đàn. Mẹ, không cẩn thận ma nó ám mày thì rồi đời nha con.
* Bạn đang đọc câu chuyện dựa trên hồi ức của tác giả Nam Ngủ Yên*
-Anh đừng doạ trẻ con, em còn lâu mới sợ.
-Ờ, cứ nó cứng miệng đi.
Sơn Ca bảo tôi lấy từ trong cái thùng các tông để gần cửa ra đủ các loại vàng mã, phần nhiều là quần áo giấy nhiều màu sắc, thêm cả những tờ giấy tượng trưng cho vàng lá nữa. Sơn Ca dặn:
-Để vào cái chậu nhôm này, khi nào tao ra hiệu thì đốt lửa hoá vàng giúp tao.
Nói xong liền đưa cho tôi một cái bật lửa và cả một ngọn nến to màu đỏ dặn dò tiếp:
-Sau khi đốt vàng mã xong xuôi thì cầm cái nến này đứng lùi vào một góc nhà, nếu tí nữa tao tự châm lửa.
-Cầm trên tay như này á?
-Ừ!
-Nhỡ đâu nến cháy nó chảy ra tay thì bị bỏng chết luôn anh ơi.
-Tự nhận mình là thông minh thì tìm cách nhưng phải cầm trên tay chứ bỏ lên đĩa không ăn thua, hỏng hết việc của tao.
-Có mỗi trăm nghìn mà làm lắm việc thế, toàn việc nguy hiểm đến tính mạng.
-Đàn ông con trai đã bắt tay làm rồi thì đừng có lèm bà lèm bèm như bọn đàn bà con gái lắm lời. Mày được một trăm nghìn, tao thì chả được xu mẹ nào thì kêu ai.
Sơn Ca lấy từ trong ba lô ra một cái chum sành nhỏ, lúc đầu nhìn tôi tưởng vò rượu nhưng không phải. Miệng của chum sành được bịt bằng vải đỏ, mấy cái dây chun mà trẻ con hay chơi hoặc dùng để gói hàng quấn quanh miệng. Trên thân cái chum sành nhỏ có dán hai mảnh giấy, có lẽ lại là một chữ Tàu.
-Anh viết chữ gì mà xấu thế, nhìn như con giun. Cái chum này dùng để nhốt ma hả? Hồi trước em đọc truyện Sôn Gô Ku (thật ra là 7 Viên Ngọc Rồng) thấy ma vương Piccilo bị nhốt vào trong cái chum gần giống như thế này đến mấy trăm năm.
Sơn Ca lườm lườm nhìn tôi không nói. Tôi không để ý, vẫn hỏi tiếp:
-Mà ở đây nhiều ma như thế anh có mỗi một cái chum nhỏ tí như này liệu có bắt được hết không anh? Giúp người phải giúp cho đến nơi anh nhỉ?
-Mày lắm mồm vừa thôi. Để yên cho tao làm, rách việc. Mẹ, tự nhiên vớ phải thằng hỏi luôn mồm, cứ như không hỏi thì sẽ chết không bằng.
Nghe Sơn Ca lầm bầm như vậy tôi đành nhún vai lùi lại vài bước để không làm phiền anh ta. Sơn Ca lấy thêm từ trong ba lô ra một cái chum sành nhỏ nữa, cuối cùng là cái bát hương nhỏ. Tôi chẳng hiểu nổi tại sao anh ta để bát hương trong ba lô mà tro từ bát hương không đổ hết ra ngoài.
Sơn Ca bày biện mọi thứ anh ta mang theo gần gốc cây xà cừ, ngay trên nền xi măng. Bát hương để ở giữa còn hai chum sành nhỏ để hai bên tả hữu. Và sau cùng là thanh kiếm gỗ với những sợi tua rua màu đỏ ở đốc kiếm. Tôi lại không kiềm lòng được hỏi thêm:
-Anh là con trai sao lại trang trí bằng mấy thứ màu đỏ như bọn con gái thế, nhìn cứ kiểu gì ấy. Chọn mấy màu như đen hay xám cho đỡ bẩn mà lại nam tính anh ạ.
Sơn Ca không thèm để ý đến tôi nữa, tôi cũng đành im lặng. Dù sao cây kiếm gỗ của tôi cũng được trang trí mấy sợi tua rua màu đỏ như thế, ma sợ màu đỏ, tôi cho rằng đó chính là lý do.
Sơn Ca thắp ba nén hương rồi lâm râm khấn trong miệng những lời tôi không thể nghe rõ được, một lúc sau anh ta mới ra hiệu cho tôi đốt vàng mã và tôi làm theo. Khói bốc lên từ cái chậu nhôm mù mịt khiến tôi phải ngồi lùi lại phía sau một chút, trời nắng nóng mà đốt lửa thì đúng là nóng nhân đôi. Qua khe hở của cánh cửa, tôi có thể nhìn thấy các cô bác hóng chuyện nhìn vào ngôi nhà một cách chăm chú cũng như đang cố dỏng tai để nghe xem có gì xảy ra trong ngôi nhà, điều này cũng dễ hiểu, khi thị giác không dùng được thì dùng thính giác, vị giác ai cũng vậy cả.
-Hình như trong ấy đang đốt lửa, có mùi giấy cháy khen khét, chắc là đốt vàng mã nhỉ?
Tôi tủm tỉm cười, chẳng biết ai có cái mũi thính thế không biết nữa.
Ngọn lửa xanh, đỏ, vàng cháy bập bùng.
Tôi ngoái lại nhìn đã thấy Sơn Ca ngồi xếp bằng tròn từ lúc nào, tôi không biết anh ta đang nhắm mắt hay mở mắt do chỉ nhìn được phần lưng. Tôi không muốn phá quấy anh ta nữa nên chú tâm đến việc hoá vàng, khi tất cả mọi đống vàng mã mà Sơn Ca bảo tôi đốt phần lớn đã hoá trành tro trong chậu nhôm thì những thứ lạ mắt mới bắt đầu diễn ra.
Đầu tiên là ngọn lửa cháy rực hơn như có gió từ đâu thổi đến, tro bay lả tả khiến tôi lúng túng trong giây lát, định quay sang chỗ Sơn Ca hỏi phải làm sao thì thấy cánh tay trái của anh ta đang múa may quay cuồng, đến khi tôi nhìn lại chậu nhôm thì ngọn lửa đã bao trùm toàn bộ cái chậu. Tôi thoáng sợ hãi, tôi sợ mình là người gián tiếp làm cho căn nhà nhỏ này biến thành than, thế nhưng ngay khi tôi đang phân vân giữa việc dập lửa với hỏi Sơn Ca nên phải làm gì thì ngọn lửa như có ma, ngay lập tức tắt lịm như có ai dội nước ào xuống. Tôi ngồi trố mắt nhìn những tàn tro còn đỏ lửa và không tin vào mắt mình.
Gió! Chắc chắn là gió bởi vì tôi nghe tiếng ù ù bên tai như từ xa vọng lại, gió tụ lại ở chỗ cái chậu, bao nhiêu tro trong đó vì thế mà bị cuốn bay lên cao độ một mét. Tôi đã thấy trường hợp này ít nhất là hai lần nên không còn lạ lẫm gì nhưng không tránh khỏi sự ngạc nhiên.
Tàn tro bốc lên cao tạo thành hình trôn ốc đến là lạ mắt, trong khi tôi còn đang dán mắt vào cơn lốc nhỏ trước mặt thì Sơn Ca đến bên vỗ vai tôi nói:
-Xong việc rồi thì cầm nến lùi lại góc nhà đằng kia, đứng cạnh cái tủ ấy.
Tôi làm theo nhưng vẫn không quên ngoái đầu cố nhìn thêm cơn lốc nhỏ hình trôn ốc đang vần vũ trên cái chậu nhôm.
Đứng dựa lưng vào tường, trên tay cầm cây nến màu đỏ mà không có giá đỡ nên tôi cầm nghiêng về phía trước, nếu nến có chảy thì cũng chẳng dính vào tay, tôi băn khoăn tự hỏi tại sao mình phải đứng ở góc nhà cầm nến để làm cái gì. Tôi rất muốn hỏi nhưng lại sợ Sơn Ca sẽ phát điên lên vì tôi nên đành thôi.
Sơn Ca đứng trước cái chậu nhôm, tàn tro vẫn bay trước mặt anh ta giống như làm ảo thuật. Tôi nhìn lên cái bóng đèn điện treo giữa nhà nhưng tuyệt đối không phát hiện ra cái bóng điện đấy lắc lư dù chỉ là môt chút.
Vậy thì gió ở đâu ra?
Một ngọn lửa bùng lên từ cái chậu nhôm rồi lại phụt tắt khiến tôi giật mình, trong khi tôi còn chưa lý giải được mọi chuyện diễn ra trước mắt mình thì Sơn Ca đột nhiên dùng hai ngón tay ở bàn tay trái chỉ xuống cái chậu rồi nhanh như cắt vung qua hướng tôi đang đứng.
Ngọn nến tôi đang cầm trên tay như có ai vừa châm lửa.
Tôi thật sự hoang mang.
Những gì tôi đang nhìn thấy nằm ngoài sự hiểu biết của tôi, chắc chắn là của nhiều người nữa, chỉ có những tay ảo thuật như David Copperfied mới làm được những điều thần kỳ như thế này.
Tôi có sợ không?
Thật sự tôi cũng chả biết nữa.
Mồ hôi chảy đầm đìa hai bên thái dương vì nóng bức, ngột ngạt trong khi bên tai rõ ràng tôi nghe thấy tiếng gió thổi ù ù.
Tôi nhìn chằm chằm ngọn nến trên tay xem liệu Sơn Ca có giở trò gì hay không, tôi không tin chỉ với một cái phẩy tay mà ngọn nến lại tự cháy như vậy, tôi đứng cách chỗ Sơn Ca đến ba mét chứ có ít ỏi gì đâu.
Tôi chú ý đến ngọn lửa trên cây nến, ngọn lửa cháy thẳng đứng, tôi khẳng định chắc chắn rằng không có bất kỳ ngọn gió nào trong căn nhà nhỏ này.
Sơn Ca bắt đầu múa kiếm, thần thái của anh ta đã thay đổi, chẳng còn chút nào vẻ nham nhở, nửa đùa nửa thật như lúc bình thường nữa. Vì sao Sơn Ca múa kiếm thì tôi không biết, có lẽ để đối phó với quỷ.
Đèn điện chợt tắt ngúm!
Căn nhà lập tức tối đi, ngọn nến trên tay tôi là thứ duy nhất đang toả sáng nhưng ánh sáng cũng chỉ đủ làm tôi nhìn thấy Sơn Ca đang múa may quay cuồng như một người điên.
Những tia sáng nhỏ nhoi lọt từ bên ngoài vào trong căn nhà nhỏ làm cho không gian càng trở nên ma mị.
Tôi cảm thấy lồng ngực mình như bị một thế lực vô hình nào đó đấm thùm thụp, rất khó thở, miệng chỉ muốn há ra để nôn nhưng lại không thể há miệng ra được.
Tiếng thét chói tai ban đầu rất nhỏ, như từ xa vọng lại nhưng mỗi lúc một gần và to hơn. Tôi nhăn nhó vì cảm thấy hai tai mình ê buốt. Tiếng cười, tiếng nói, tiếng chửi rủa, tiếng la hét… của hàng chục con người mà tôi không nhìn thấy mặt tạo thành một thứ âm thanh khó diễn tả.
Bây giờ tôi mới cảm thấy mình đứng bất động từ lúc nào, nến vẫn cháy nhưng cho dù muốn thì tôi cũng không thể cúi đầu xuống hoặc quay đầu sang bất cứ hướng nào.
Sơn Ca múa kiếm mỗi ngày một nhanh, rõ ràng là có bài bản nhất định chứ không phải tuỳ hứng hay ngẫu hứng.
Tôi nghe thấy tiếng động, lúc đầu chưa biết là tiếng gì nhưng sau đó tôi nhận ra đó là tiếng bát đĩa vỡ, một cái bát, tôi nghĩ chắc chắn là một cái bát sứ ăn cơm bay vèo qua mặt tôi đập vào bức tường gạch phía sau tạo ra tiếng vỡ rất đặc trưng.
Thêm một cái đĩa sứ bay qua trước mặt tôi đập mạnh vào bức tường được làm bằng những mảnh ván vỡ làm đôi hoặc làm tư, tôi chẳng thể nào biết được. Tôi nhìn thấy vài cái đũa rồi thêm một cái đũa cả dùng để bới cơm. Bây giờ tôi mới nhận ra rằng những thứ bay qua trước mặt tôi đang quay theo một vòng tròn, ngoài bát đũa còn thêm cả rổ rá… tất cả mọi thứ có thể… bay được thì đã bay lòng vòng.
Tôi còn đang ngơ ngác nhìn và nghĩ mọi việc đang xảy ra chợt bàn tay sáu ngón của Sơn Ca xuất hiện ngay trước mặt cùng với vài tờ giấy màu vàng.
Sơn Ca đốt bùa!
Những tờ bùa vừa mới bén lửa, Sơn Ca nhả tay ra để chúng lẫn luôn vào cơn lốc vô hình, chính nhờ những tờ giấy vừa cháy vừa bay này mà tôi nhận ra quỹ đạo của cơn lốc, rõ ràng Sơn Ca di chuyển đến đâu thì xung quanh anh ta có một trận gió, thanh kiếm gỗ của Sơn Ca không ngừng quay tít trên tay.
Tiếng gào thét lẫn trong tiếng gió, dưới ánh lửa của ngọn nến đang cháy trên tay, trong vài giây ngắn ngủi tôi dường như thấy thấp thoáng vài bóng đen in trên tường rồi lại biến mất rất nhanh.
-Cầm hộ tao thanh kiếm – Sơn Ca nói với giọng khàn khàn – Xoay cổ tay để thanh kiếm vung vẩy, không được để thanh kiếm đứng im một chỗ.
Tôi làm theo lời Sơn Ca như một cái máy, tôi cầm thanh kiếm bằng tay trái múa thử, chẳng có gì khó khăn.
-Thế… thế anh đi đâu?
-Đm bọn này cứng đầu, rượu mời không uống thích uống rượu phạt.
Chẳng biết Sơn Ca lấy ở đâu ra mấy cái đinh sắt, anh ta hơ nhanh trên ngọn nến rồi quay lưng bước nhanh về chỗ thân cây. Tôi không nhìn rõ hoàn toàn mọi hành động của Sơn Ca nhưng tôi chắc chắn rằng anh ta đang đóng đinh vào thân cây.
Sơn Ca đóng đinh rất nhanh trong bóng tối, tôi le lưỡi sợ, tôi tưởng tượng đến lúc cái búa nện vào tay anh ta, như thế thì sẽ rất đau.
Nhưng sự thật là chẳng có cái búa nào!
***
Đọc tiếp phần tiếp theo: Người Giữ Của Ban Duyên