Bóng Ma Trong Mây

Chương 77: Núi David





*Núi Davis là một ngọn núi nhỏ ở điểm cực tây trên đảo Hồng Kông.

Chỉ còn 48 giờ nữa là Phương Lam và Chiêm Đài hết thời hạn thị thực.

Họ phải rời Hồng Kông trước thời hạn này.

Xuống tàu ở ga tàu điện ngầm, băng qua cầu vượt rồi đi qua một con ngõ nhỏ hẹp, sau đó thắp một nén hương cho thổ địa, lại đi dọc theo con đường Hồng Lệ là sẽ đến cửa sau của nhà tang lễ Vạn Quốc.

Chiêm Đài ngẩng đầu nhìn thoáng qua nhà tang lễ lớn sơn màu trắng với làn khói đen mù mịt đang bay ra, và nhớ đến cuộc nói chuyện với tay săn ảnh Sam trước khi sắp rời đi.

Cậu hỏi anh ta: “Nhà vệ sinh nam trong công viên Victoria từ trước đến nay luôn bị đồn là có ma.

Nơi đó từng xảy ra án mạng thật hả anh? Nạn nhân còn là một cô gái mới 15 tuổi, phải không anh?”
Sam lấy làm ngạc nhiên: “Vụ án đó cách đây gần 40 năm, những người biết chuyện đều đã qua đời từ lâu.

Ngay cả hung thủ cũng đã chết trong tù vài năm trước.

Tôi cũng từng đọc bài báo đưa tin về cái chết của hắn.


Rõ ràng là cậu đến để điều tra về vụ án của Ôn Bích Chi, sao lại liên quan đến vụ án đó?”
Chiêm Đài nhướng mày: “Nói vậy thì đúng là có vụ án này sao? Một nữ sinh khoảng 14, 15 tuổi đã bị cưỡng hiếp, sau đó bị giết chết trong nhà vệ sinh công cộng ở công viên Victoria? Anh cho tôi hỏi, năm đó cảnh sát đã điều tra vụ án như thế nào? Họ có mời pháp sư hay bà đồng không? Tôi biết anh có ‘chân trong’ ở mọi ngành nghề xã hội.

Vụ án xảy ra từ 40 năm trước, hung thu cũng đã chết.

Giờ tôi hỏi anh một số nội tình của vụ án, cũng không quá đáng nhỉ?”
Sam ngập ngừng nói: “Cậu đã nghe câu chuyện chiếc gương ma kia chưa? Để tăng lượng tiêu thụ, báo chí đã thêu dệt đủ kiểu.

Sau khi làm nghề này, tôi từng đến ngó cái gương đó, đúng là không phải gương đồng.”
“Cuối cùng vụ án cũng đã được phá, tôi quả thật có biết chút ít tình hình bên trong.

Vụ này hoàn toàn không liên quan gì đến ma quỷ, phù thủy, càng chẳng liên quan đến cái gương.

Thật ra, hồi đó có nhân chứng được cảnh sát bảo vệ.” Sam nói.

Phương Lam cau mày: “Nếu đã có nhân chứng, tại sao cơ quan chức năng lại không hề nhắc tới? Vì sao phải đặc biệt bảo vệ và giữ kín như bưng về nhân chứng này ngay cả sau khi hung thủ bị kết án chung thân? Chẳng lẽ người đó có vấn đề gì sao? Không phải là đồng lõa với hung thủ nhưng đứng ra làm chứng để giảm được giảm nhẹ tội đấy chứ?”
Nhân chứng kiểu đó chỉ thoát được sự trừng trị của pháp luật, nhưng lại không thoát khỏi sự cắn rứt lương tâm.

Người này rất có thể đã vẽ chuông máu trấn hồn lên tường trong nhà vệ sinh kia vì quá hoảng sợ.

Sam lắc đầu phủ nhận: “Không, không phải là nhân chứng đồng lõa, mà là một chị bán tào phớ.

Tối hôm đó, sau khi dọn hàng, chị ta đi đường tắt ngang qua công viên Victoria và đã bắt gặp hung thủ lôi cô gái nạn nhân vào trong nhà vệ sinh công cộng.”
“Lúc ấy, chị ta hoảng quá, không biết đó là một cặp đôi hay là phụ huynh đang dạy bảo con trẻ trốn nhà đi lêu lổng, song lại không hề nghi ngờ rằng đây có thể là kẻ xấu đang giở trò đồi bại với cô gái.

Có điều, chẳng rõ là do nhát gan hay ích kỷ mà rốt cuộc chị ta vẫn ngậm miệng không lên tiếng.

Nghe đâu về sau, chị ta còn đưa ra rất nhiều yêu cầu thì mới chịu ra tòa làm chứng.”
Sam nhíu mày, cẩn thận nhớ lại, sau đó quay sang nói với Chiêm Đài: “Cậu đã đến nhà vệ sinh nam xảy ra vụ án chưa? Có lẽ là xuất phát sự hổ thẹn hoặc sợ hãi, chị bán tào phớ kia lại càng sợ nơi đó, cứ nằng nặc yêu cầu cảnh sát phải tìm thầy phong thủy đến làm phép, cầu siêu cho vong hồn của cô gái nhạn nhân, còn đòi sửa nhà vệ sinh ấy thành hình dạng cỗ quan tài, để cô gái xấu số ngủ yên trong đó.”
Có lẽ, Sam cũng cảm thấy điều này rất bất thường.

Anh ta ngẫm nghĩ chốc lát rồi giải thích: “40 năm trước, mọi người đều chú ý đến những chi tiết đó.

Tối hôm ấy, chị ta đã không thể cứu cô gái, nên cảm thấy rất áy náy.

Không giúp được người sống thì giúp người chết làm vài việc để giảm bớt cảm giác day dứt vậy.”
Những chuyện khác thường ắt hẳn có điểm kỳ lạ.


Phương Lam và Chiêm Đài thoáng nhìn nhau, đồng thời nghiêm túc hỏi: “Chị bán tào phớ kia hiện vẫn khỏe mạnh chứ?”
Chẳng những khỏe mạnh mà còn sống ở đường Bảo Linh, khu Hồng Khám.

Mà, Phương Lam đã mua nước hóa thi trong con ngõ nhỏ bên cạnh đường Bảo Linh, khu Hồng Khám.

Cô tìm đến cửa hàng mà mình đã mua nước hóa thi lúc trước một cách rất thông thuộc.

Một bà già gần trưa mới thức dậy mở cửa hàng.

Bà ta kê một chiếc ghế con, ngồi trước cửa hàng, hướng ra mặt đường và bình thản làm ngựa giấy.

Phương Lam đứng ở cửa, chắn mất ánh nắng trên đường phố.

Bà già ngẩng đầu lên, nheo mắt nhìn cô hai giây, đoạn gật đầu như đã nhận ra cô: “Không sao là tốt rồi.

Cháu gái, tuổi còn trẻ, đừng nghĩ quẩn như vậy.”
Bà ta biết Phương Lam mua nước hóa thi để dùng Bích Trản Vân Lạp.

Bây giờ, thấy cô đứng yên ổn trước mặt mình, đương nhiên là bà ta tưởng rằng cô chưa dùng đến nó.

Nếu không, cô làm sao còn giữ được mạng?
Phương Lam nhe răng cười, đáp lời bà ta bằng tiếng Quảng Đông: “Em đã dùng rồi mà.”
Cô nói năng lém lỉnh, còn hơi nghiêng đầu, sau đó không cất lời chào mà tiến thẳng hai bước: “Chị, em dùng rồi nên mới có thể trở lại đấy.

Chị nhìn xem, chị không nhận ra em à?”
Rõ ràng là một bà già đã lớn tuổi, nhưng Phương Lam lại nở nụ cười xinh tươi và gọi bà ta bằng chị.

Bà già kinh hãi, ngẩng phắt đầu lên thì thấy một cô gái đang mặc bộ váy liền màu trắng, vạt váy dài quá gối, chân mang tất trắng và đi đôi giày da màu đen, mái tóc ngắn mềm mượt được buộc gọn gàng bằng dây buộc tóc màu tím, trông vừa ngoan hiền vừa xinh xắn trong dáng vẻ cô nữ sinh 14 tuổi của 40 năm trước.

Bà ta đã già, mắt đã mờ, Phương Lam lại đang đứng ngược sáng, sau lưng cô dường như có một quầng sáng lờ mờ khiến bà ta không nhìn thấy rõ mặt cô.

Phương Lam đi vào trong cửa hàng.

Bên trong gian cửa hàng nhỏ bày la liệt vàng mã, ngựa giấy, hình nhân và những tòa nhà cao tầng để đốt cho người chết.

Cô tiến lên một bước, con ngựa giấy bên cạnh chợt bùng lên ngọn lửa yếu ớt theo bước chân cô.

Ngọn lửa màu xanh lam bị cô giẫm dưới chân, như thể nữ quỷ chốn địa ngục cực kỳ đáng sợ.


Chỉ là, cô vẫn cười hì hì, vừa đi tới vừa hỏi: “Chị ơi, em với chị không thù không oán, sao chị phải đè chiếc chuông kia lên người em?”
Nói đoạn, cô nhẹ nhàng kéo vai váy xuống, để lộ bả vai và non nửa phần ngực.

Trên bờ vai và lồng ngực trắng nõn lộ rõ vết sẹo rất sâu, ngoằn ngoèo và đỏ như máu, giống như vệt hằn do bị phần dưới của quả lắc đè lên.

“Chị xem, nặng lắm, nặng lắm ấy.

Em không thở nổi, không thở nổi.

Chị ơi, chị nói cho em biết đi.

Em với chị không thù không oán, chị nhốt em trong quan tài chưa đủ hay sao, mà còn phải dùng cả quả chuông lớn để chèn lên em?”
Cô nói từng câu từng chữ rất mơ hồ, lúc thì cười duyên, khi thì lại khóc thảm thiết.

Tiếng nhạc thổn thức không biết từ đâu vọng tới, khơi lên nỗi sợ hãi, ân hận day dứt tận sâu trong lòng bà già.

Bà ta như mơ màng quay trở lại buổi tối của 40 năm trước, khi đang đẩy chiếc xe chở hai thùng tào phớ đã bán hết sạch, đi ngang qua công viên Victoria.

Hai chiếc thùng rỗng va vào nhau, phát ra những tiếng lạch cạch theo nhịp bánh xe.

Tiếng động đột ngột này đã quấy rầy đến hai người đang quấn lấy nhau trên băng ghế phía trước.

Đó là một nam một nữ, người đàn ông hơn 40 tuổi, mà cô gái hình như vẫn còn là nữ sinh, chỉ tầm 14, 15 tuổi.

Cô ấy mặc bộ váy liền màu trắng đã bị kéo xộc xệch và đang giơ tay ra sức bảo vệ mình, cánh tay đỏ thành từng mảng, trông rất đáng thương.

Người đàn ông quay đầu lại, hung dữ trợn mắt nhìn chị ta: “Nhiều chuyện.

Đi đi, đồ bà tám.”
Cô gái vừa khóc nức nở, vừa chực lao về phía bà ta, khuôn mặt nhỏ nhắn giàn giụa nước mắt, cất tiếng kêu thảm thiết đến xé lòng: “Cứu tôi với!”.


— QUẢNG CÁO —