Đế Thiết Thành gật đầu, tay mở laptop chuẩn bị lên kế hoạch cho chuyến nghỉ mát.
Nghe vậy, Cát Diệp hớn hở đan tay, dáng vẻ cầu xin nom rất đáng yêu:
"Chúng ta sẽ đến châu Âu chứ ạ?"
Đó chính là mong ước cả đời của Cát Diệp.
Mẹ ruột cô từng là một thôn nữ học hành rất chăm chỉ. Bà tài sắc vẹn toàn, năm mười tám tuổi đã đạt được học bổng du học Pháp. Ôm ấp thật nhiều hy vọng, bà đặt chân tới nơi đô thị phồn hoa, chuẩn bị bước lên máy bay để thực hiện chặng đường hải ngoại.
Thế nhưng hồng nhan bạc phận, bà không may gặp phải một người đàn ông ở trước sảnh sân bay, lỡ đem lòng yêu dáng vẻ bảnh bao và phong cách phóng khoáng của anh ta, người mà sau này chính là chồng bà, khiến bà sẵn sàng từ bỏ cơ hội rộng mở phía trước để quay về làm một người vợ đảm bình thường. Những thứ hoàng nhoáng thường kèm theo hạn sử dụng, người đàn ông ấy nhanh chóng sa đọa vào biết bao tệ nạn, đẩy bà tới cuộc sống cực khổ và bị căn bệnh viêm phổi tước đi mạng sống ở tuổi hai mươi lăm.
Trong những năm tháng vô vọng khi ấy, chỉ có đứa con gái nhỏ tên Khắc Cát Diệp là nguồn vui duy nhất của người mẹ đáng thương. Mỗi ngày, bà đều kể cho cô nghe về ước mộng dang dở năm xưa, về nơi được gọi là châu Âu, văn minh, tự do, và tươi sáng.
Cát Diệp mơ về một ngày được đứng trên châu lục tuyệt đẹp ấy đã nhiều năm liền.
Giờ đây cô hồi hộp chờ đợi cơ hội từ Đế Thiết Thành, biểu cảm sinh động bất ngờ khiến anh không nhịn cười nổi.
"Tất nhiên thưa Khắc tiểu thư, mọi chuyện đều nghe theo ý em." anh xoa đầu cô gái nhỏ.
Nguyên ngày hôm đó, Cát Diệp mê mẩn lật dở từng cuốn tạp chí du lịch. Mỗi một trang mở ra, cô lại được trông thấy một chân trời mới lung linh. Và giữa cả núi tạp chí như thế, Cát Diệp thích mê nhất những cuốn về nước Ý, Hy Lạp và Pháp.
Đế Thiết Thành ngồi cạnh học cách tết tóc cho Cát Diệp. Anh loay hoay với lược tròn, lô uốn, dây chun, kẹp tóc,... cố gắng tạo kiểu làm đẹp cho cô búp bê của mình.
Và tất nhiên giống như cách các cậu bé nghịch ngợm phá hỏng đồ chơi búp bê, anh đã biến mái tóc bồng bềnh hoàn hảo kia thành một mớ bòng bong rối bù.
Đế Thiết Thành quả thật cái gì cũng có, chỉ riêng nghị lực và khả năng khéo tay là không.
Anh chẳng thần thánh được như mấy chàng tổng tài bá đạo ở tiểu thuyết ngôn tình. Anh chỉ là một nhân viên bình thường, tận tâm phục vụ bà chủ Khắc.
"Được lắm." Cát Diệp nhìn bản thân trong gương, miệng cười như mếu.
Đế Thiết Thành gãi đầu bào chữa:
"À thì...ai cũng có sai lầm mà."
Cô khổ tâm nhìn mái tóc mình chăm chút bao lâu nay, hồi xưa mẹ cô nâng niu và yêu chúng lắm, thế mà giờ anh dám nghịch ra nông nỗi này, thật muốn tức điên.
Bụp bụp!
Cát Diệp bĩu môi đấm vào bắp tay anh hai phát.
Cô đấm nhưng lại chính cô đau, quên mất rằng Đế Thiết Thành sáng nào cũng đu xà và nâng tạ nên bắp tay anh chính là một khối cơ săn chắc.
"Nếu không làm ca sĩ thì em có thể cân nhắc nghề diễn viên hài hoặc chúa hề rạp xiếc đấy. Có ngày anh sẽ cười đến tắc thở vì sự ngốc nghếch hài hước này mất." anh cong môi nhìn cô đầy ý cười.
Cát Diệp hất cằm không thèm phản bác lại nữa, chỉ biết cắn răng lúi húi khôi phục tóc về lại trạng thái ban đầu.
Bác quản gia đứng phía ngoài, ung dung uống trà ngắm nhìn đôi trẻ.
"Tôi có nên gọi tiểu thư là nữ thần Freya? Có vẻ là hơi khó phát âm nhỉ? Vậy thì gọi là thiếu phu nhân cũng hay..." bác hài lòng tự lẩm nhẩm với chính mình.
...oOo...
Góc giải nghĩa: Freya là nữ thần của tình yêu, sắc đẹp và sự sinh sôi nảy nở trong thần thoại Bắc Âu. Người được mô tả là nữ thần đẹp nhất trong số các nữ thần, con người cầu nguyện Freya để đạt được hạnh phúc trong tình yêu và những ngày mùa tốt đẹp. theo nhà sử học Snorri Sturluson, tên của Freya đã được dùng như một danh hiệu cao quý để gọi các phụ nữ quý tộc. Qua nhiều câu chuyện cổ, thần còn tượng trưng cho hình mẫu của sự thủy chung. Ở đây bác quản gia đã nói Cát Diệp là Freya vì cô đem lại bầu không khí tươi vui cho mọi người xung quanh.