Cáo Sa Mạc

Chương 3



Người khách trong căn phòng 932 rời khách sạn Biltmore lúc 9 giờ 30. Hắn ra Đường 44, rồi đi theo hướng Đông đến Đại lộ. Gió thổi mạnh hất tuyết vào khách bộ hành, họ co rúm người, kéo cao áo che kín cổ.

Thời tiết như thế này rất thích hợp cho hắn, vì sẽ không có ai quan tâm chú ý đến công việc của hắn.

Nơi đầu tiên hắn dừng lại là cửa hàng bán quần áo cũ nằm trên Đại lộ, sau Đường 34. Hắn đã đi bộ qua 14 khu phố, không thèm đi xe đò cứ cách vài phút là có một chuyến. Đi bộ là môn thể dục rất tốt, giúp người ta có cơ thể cân đối.

Cửa hàng trống vắng, chỉ một mình bà già bán hàng đang đọc tờ báo buổi sáng, dáng điệu bà ta trông rất thảm não. Thấy hắn đi vào, bà hỏi:

- Ông cần mua áo quần đẹp, phải không?

- Không, tôi vào xem thử ra sao? - Hắn nhìn thấy dãy áo khoác phụ nữ rồi bước đến gần. Hắn lục tìm trong số áo cũ, chọn lấy một chiếc áo khoác bằng len màu xám đậm, rất rộng, và hắn thấy khá dài. Hắn nghĩ thầm: trông Sharon Martin khá cao lớn đấy. Bên cạnh dãy áo cũ, là kệ bày bán khăn quàng. Hắn lấy chiếc khăn rất lớn có hình chữ nhật, đã phai màu bạc thếch.

Bà già lục trong cái ví bằng nhựa dẻo để tìm tiền lẻ thối cho hắn.

Bên cạnh cửa hàng áo quần cũ này là cửa hàng bán đồ thặng dư nhà binh. Hắn bước sang bên, đến kệ bán đồ dùng đi cắm trại, mua một cái túi hải quân thật lớn bằng vải dày. Hắn lựa thật kỹ để cái túi lớn có thể đựng gọn thằng bé ở trong, và vải dày để người ta không thể đoán được hắn đựng gì bên trong, đồng thời cái túi cũng phải đủ rộng để có đủ không khí khi hắn thắt sợi dây buộc miệng lại.

Hắn vào siêu thị ở Đại lộ, mua sáu vuông vải rộng và hai cuộn dây. Hắn mang tất cả các thứ vừa mua về khách sạn Biltmore. Giường ngủ đã được dọn dẹp ngay ngắn, trong phòng tắm có hai chiếc khăn tắm sạch sẽ và thơm phức.

Hắn đưa mắt nhìn vào cái tủ trong tường, hắn biết chắc người nữ bồi phòng không đụng đến các đồ đạc của hắn ở đây: đôi giày vẫn giữ nguyên vị trí, chiếc này nằm quá chiếc kia một chút, cách chiếc va-li cũ màu đen để trong góc tủ khoảng hai ngón tay, chiếc va-li có khóa kép.

Hắn đóng cửa phòng khóa lại, rồi để các gói hàng lên giường. Với thái độ hết sức cẩn thận, hắn đem cái va-li trong tủ ra để trên giường, lấy chìa khóa trong ví, mở va-li ra.

Hắn kiểm tra tỉ mỉ các thứ đựng trong va-li: những tấm ảnh, bột thuốc nổ, dây điện, ngòi nổ, con dao săn và khẩu súng lục. Vẻ hài lòng, hắn đóng va-li lại.

Hắn mang va-li và cái túi nhựa ra khỏi phòng, lần này, hắn đi ra tiền sảnh ở tầng trệt khách sạn Biltmore, theo dãy thương xá dưới gầm để đến bậc trên của Ga lớn Trung tâm. Các chuyến tàu từ các vùng ngoại ô đến đã hết, nhưng trong ga vẫn còn nhiều người. Họ chen lấn nhau ở các chỗ tàu đến và đi, băng qua nhà ga để ra Đường 42 hay Đại lộ Park, nấn ná ở các nhà hàng trong dãy thương xá, tại các quầy bán vé đánh cá ngựa, tại các gian hàng ăn uống tự phục vụ và ở các sạp báo.

Hắn nhanh nhẹn đi xuống bậc dưới của nhà ga, đến ke tàu số 112, nơi đi và đến của các chuyện tàu từ Mount Vemon. Mười tám phút nữa mới có tin tàu đến, nên ke tàu vắng vẻ. Hắn liếc mắt nhìn quanh, không có người bảo vệ nào nhìn về phía hắn, hắn bước nhanh xuống các bậc tam cấp dẫn xuống ke tàu.

Ở cuối đường sắt, ke tàu quanh vòng có hình chữ u. Bên kia ke tàu, bờ dốc nghiêng dẫn đường xuống tận phần hầm sâu nằm dưới ga. Hắn đi quanh theo đường sắt, xuống bờ dốc nghiêng. Hắn đi nhanh nhẹn, lén lút. Tiếng ồn từ trên vọng xuống. Trên kia, hàng triệu người đi lại gây nên tiếng ì ầm, còn dưới này, máy phát điện nổ rầm rầm, quạt máy chạy ù ù, nước chảy róc rách trên mặt đất ẩm ướt. Những chú mèo hoang ốm nhom lặng lẽ lén lút đi trong đường hầm gần đấy, nằm dưới Đại lộ Park. Tiếng ầm ầm ở khu dường sắt tránh tàu và trở tàu vang lên liên tục, mỗi lần chạy là còi tàu lại rít lên.

Hắn đi xuống mãi cho đến tận chân một cầu thang bằng sắt, rồi cẩn thận bước lên. Thỉnh thoảng có người bảo vệ đến kiểm soát ở đây. Ánh sáng yếu ớt, nhưng người ta không thấy hắn.

Lên đến mặt phẳng hẹp ở đầu cầu thang, có cánh cửa sắt nặng. Hắn thận trọng để va-li và cái túi xách xuống mặt đất, mở ví lấy chìa khóa ra. Hắn nôn nóng tra chìa vào ổ khóa. Móc ổ khóa từ từ chạy, cánh cửa mở ra.

Bên trong tối đen, hắn mò mẫm tìm công tắc bật đèn, nhưng không để mất một giây, hắn cúi xuống kéo va-li và cái túi vào phòng. Cánh cửa đóng lại thật êm.

Căn phòng tối như bưng, nhưng hắn đoán được các thứ trong phòng nằm ở đâu, mùi ẩm mốc bốc lên khắp phòng. Hắn thở dài khoan khoái, thế là đã vào đây yên ổn, hắn lắng tai nghe, cố gắng lắm mới nghe được tiếng động nho nhỏ ở sân ga.

Tất cả hoàn toàn tốt đẹp.

Hắn bật điện, ánh sáng lờ mờ rọi khắp phòng. Ngọn đèn nê-ông đầy bụi chiếu sáng trần nhà và các bức tường lở lói, ánh sáng chiếu vào các góc phòng đầy bóng tối. Phòng có hình chữ L, tráng xi măng, các bức tường treo những bức tranh đã tróc sơn, xám xịt. Phía bên trái căn phòng có hai cái thùng rửa chén bát lớn cũ kỹ. Nước ở các vòi nước làm cho vách thùng rỉ sét thành những đường rãnh trông thật dơ bẩn. Ở giữa phòng, nhiều tấm ván không đều nhau, đâu lại thành hình một cái ống khói dùng làm máy chuyển bát đĩa. Ở cuối phòng, chỗ có hình chữ L, một cánh cửa mở he hé ở phía bên phải, đây là cửa mở vào nhà vệ sinh, rất dơ dáy.

Hắn biết đồ đạc trong phòng này còn xài được. Tuần trước hắn đã đến đây rồi, đến lần đầu tiên từ sau 20 năm. Hắn đã sửa sang lại đèn đuốc và ống dẫn nước. Khi hắn vạch kế hoạch này, có cái gì đó đã thúc đẩy hắn tìm đến đây và cũng có cái gì đó đã nhắc hắn nghĩ đến căn phòng này.

Một cái giường lính cũ ọp ẹp kê sát vào bức tường ở cuối phòng, và bên cạnh có cái giỏ đựng rau quả lật úp xuống nền nhà. Cái giường và cái giỏ làm cho hắn lo ngại. Chắc đã có người nào tìm ra căn phòng này và đã vào ở đây. Nhưng nhìn bụi bám đầy giường và mùi ẩm mốc hôi hám, hắn nghĩ nơi này hẳn không có ai ở, cửa đóng đã từ nhiều tháng rồi, có thể nhiều năm rồi cũng nên.

Hắn không đến đây từ khi lên 16 tuổi, thời gian đã quá nửa đời người của hắn. Căn phòng này trước được dùng cho quán Oyster Bar. Nó nằm ngay dưới nhà bếp của quán, cái máy chuyển bát đĩa cũ kỹ đã từng chuyển hàng đống bát đĩa dơ xuống đây để rửa trong hai cái thùng lớn này, rồi lau khô, và chuyển lên.

Nhà bếp của quán Oyster Bar đã được sửa chữa tại lâu rồi, đã trang bị máy rửa bát đĩa, cho nên họ không dùng căn phòng này nữa. Thế mà tốt. Còn ai muốn làm việc ở cái chỗ dơ dáy bẩn thỉu này?

Nhưng mà nó vẫn còn có ích.

Khi hắn tìm nơi sẽ giấu đứa con của Peterson để đòi tiền chuộc, hắn sực nhớ đến căn phòng này. Đến xem, hắn thấy căn phòng rất thích hợp cho kế hoạch của hắn. Vào thời hắn đang còn làm việc ở đây, hai bàn tay hắn phồng lên vì bột giặt, vì nước bẩn, và vì những nùi giẻ ẩm ướt. Trong khi đó, ở trong nhà ga, người đông đúc nhộn nhịp ăn mặc sang trọng đi xe hơi về những ngôi nhà lộng lẫy, hay ghé vào quán ăn tôm, sò, ba ba, cá nướng, chẳng ma nào thèm để ý đến hắn đang lau chùi mệt nhọc ở căn phòng chật chội, hôi hám này.

Hắn sẽ làm cho mọi người ở Ga lớn Trung tâm tại New York này biết mặt hắn, và cho "cả thế giới" này cũng phải biết tay hắn. Sau ngày thứ Tư, người ta sẽ không quên hắn được.

Đối với hắn, việc đi vào trong phòng này rất dễ, dùng sáp dẻo cho vào ổ khóa sét rỉ làm dấu, rồi dựa vào đấy, hắn rèn một cái chìa. Thế là bây giờ hắn vào ra như chơi.

Đêm nay, Sharon Martin và thằng bé sẽ ở đây với hắn, tại Ga lớn Trung tâm, nhà ga náo nhiệt nhất thế giới, nơi tuyệt nhất trên thế giới để giấu con tin.

Hắn phá ra cười, bây giờ hắn cười được rồi. Hắn cảm thấy minh mẫn, khỏe mạnh, sung sức. Những bức tường lở lói, cái giường ọp ẹp, nước rỉ róc rách và những tấm ván nứt nẻ đã kíƈɦ ŧɦíƈɦ hắn.

Ở đây, hắn là chủ, là người tổ chức, hắn đã tính toán tìm cách để có tiền. Hắn sẽ làm cho cặp mắt nhân chứng kia nhắm lại mãi mãi. Hắn không thể cứ tiếp tục nghĩ đến cặp mắt ấy, hắn không chịu đựng được. Cặp mắt thằng bé ấy đã trở thành mối nguy hiểm thực sự cho hắn.

Thứ Tư, sáng thứ Tư lúc 11 giờ 30, tính cho chính xác thì còn 48 giờ nữa. Hắn sẽ bay đi Arizona, ở đây không ai biết hắn hết. Hắn không còn được an toàn ở Carley nữa. Ở đây nhiều người hỏi han dòm ngó hắn quá rồi.

Còn ở bên đó, với số tiền ấy... cặp mắt thằng nhóc ấy không còn nữa... Và nếu Sharon yêu hắn, hắn sẽ mang cô ta đi theo luôn.

Hắn mang cái va-li đến trước chiếc giường lính ọp ẹp, cẩn thận đặt xuống nền nhà. Hắn mở va-li ra, lấy cái máy ghi âm và máy ảnh, rồi bỏ vào túi bên trái của chiếc áo khoác cũ màu nâu bạc thếch. Hắn bỏ con dao và khẩu súng vào túi bên phải. Lớp vải áo khoác dày cộm, khiến không ai thấy được hai cái túi phồng ra.

Hắn lấy cái túi xách nhựa, tuần tự lấy các thứ bên trong ra để lên giường. Cái áo măng-tô, khăn quàng, dây, băng keo và các dung vải. Hắn tộng hết vào túi xách hải quân. Rồi hắn lấy ra xấp ảnh khổng lồ được cuộn tròn lại rất cẩn thận, hắn tháo ra, trải rộng và vuốt thẳng từng tấm một. Hắn dừng lại nhìn vào các tấm ảnh. Hắn mỉm cười, vẻ mơ mộng, hai môi mỏng căng ra.

Hắn căng ba tấm ảnh lên tường phía trên chiếc giường, lấy băng keo dán bốn góc cho dính vào tường. Hắn ngắm nghía bức thứ tư rồi từ từ cuốn lại.

Chưa treo, hắn nghĩ.

Thời gian trôi qua chậm chạp, hắn thận trọng tắt đèn trước khi mở hé cánh cửa. Hắn lắng tai nghe, không có tiếng bước chân ai ở bên ngoài cả.

Hắn lách người ra ngoài, nhẹ nhàng đi xuống thang sắt, vội vã đi qua cái máy phát điện nổ ầm ầm, qua những chiếc quạt máy chạy vù vù, qua trước miệng đường hầm rộng hoác, đi lên bờ dốc nghiêng, vòng quanh con đường sắt đi Mount Vernon, lên bậc dưới của Ga lớn Trung tâm. Đến đây, hắn hòa vào đám đông, trông hắn có vẻ rắn rỏi của người đang độ tuổi cường tráng, thân trên khum khum, bước đi cứng cỏi. Khuôn mặt hắn lạnh lùng, hai gò má nhô ra, đôi môi mỏng mím chặt, cặp lông mày nhíu xuống che khuất một nửa đôi mắt nhợt nhạt lấm lét nhìn quanh.

Hắn cầm cái vé tàu trên tay, chen chúc trong đám đông đi lên bậc trên, nơi đây hắn sẽ đáp chuyến tàu đi Carley, bang Connecticut.