Cất Giấu Một Tấm Chân Tình

Chương 3



Sắc mặt Đình Việt lạnh đến cực điểm, lồng ngực anh phập phồng giận dữ hồi lâu mới thốt ra được một câu: “Cô bớt cợt nhả đi”

“Tôi nói thật đấy”. Hà Phương nhìn thẳng anh: “Cuốn sổ đó có nhiều điều thầm kín của tôi, anh thích thì tôi sẽ vẽ thêm một tấm khác, đảm bảo sắc nét sống động như thật, cho anh tha hồ…”.

Chữ “ngắm” còn chưa kịp nói ra thì Đình Việt đã giơ tay đóng cửa “Rầm” một tiếng. Hà Phương nhìn tấm ván gỗ mục nát ọt ẹp trước mặt đã đóng kín, không nhịn được bật cười.

“Không muốn lấy tấm khác xem thật à? Tấm kia chưa nhìn rõ lắm đâu”.

“…”.

“Tấm đó tôi vẽ tôi năm 18 tuổi”. Giọng Hà Phương có hơi lớn, mấy gian phòng bên cạnh bắt đầu mở cửa ra nghe ngóng, A Văn cũng thò đầu ra, tò mò nhìn về phía bên này. Hà Phương càng tủm tỉm, cố ý hạ thấp giọng: “Lúc đó còn chưa phát triển hết nữa”.

Lần này, bên trong có tiếng người gằn giọng quát ra: “Cô câm miệng”.

“Trả sổ cho tôi. Nếu không tôi hét to cho mọi người biết anh lén xem mấy bức tranh Hentai tôi vẽ”.

“…”

“Tôi đếm đến ba, nếu anh không trả thì tôi sẽ kêu to lên thật đấy”.

“…”

“Một”.

“…”

“Hai…”.

Tiếng “Ba” vừa nói ra khỏi miệng thì cuối cùng cánh cửa cũ nát kia cũng mở ra lần nữa, Đình Việt cầm cuốn sổ nhỏ của cô trên tay, ném thẳng về phía Hà Phương.

Cô nhanh tay bắt lấy, hơi liếc qua đầu mày cau chặt của anh: “Đổi ý rồi à?”

Đình Việt nghiến răng: “Nếu tôi thấy cô làm phiền đến lớp học lần nữa, đừng trách tôi đốt nó”.

“Anh nỡ à?”

“Cô nói xem”.

Dứt lời, anh không chờ cô đáp đã thẳng tay đóng cửa lại lần nữa. Hà Phương lấy lại được sổ của mình cũng không còn hứng trêu chọc, tủm tỉm quay người đi về phòng.

Đêm muộn, trong núi bắt đầu có lác đác mưa rừng, mấy hạt mưa nhỏ rơi lộp bộp xuống mái tranh, làm dịu đi không khí oi bức nóng nực của mùa hè. Bóng đèn duy nhất trong phòng chớp mấy cái rồi tắt ngúm, Hà Phương cầm chuôi bóng xoay vặn mấy vòng. Không thấy sáng nữa mới phát hiện ra mất điện.

Bản A Tứ nằm cách trung tâm xã rất xa, nghe hiệu trưởng nói ở đây thường xuyên mất điện, cô đành thắp một ngọn đèn dầu đặt lên bàn trà bằng nứa, cúi đầu lật giở từng trang giấy trong cuốn sổ nhỏ.

Hà Phương cũng chẳng nhớ mình đã mua cuốn sổ này từ khi nào, có lẽ từ khi cô bắt đầu trở thành nhà văn, cũng có thể là từ cách đây 6, 7 năm. Ngoài những ý tưởng được viết nguệch ngoạc ở mỗi trang, Hà Phương thỉnh thoảng còn vẽ phác họa những cảnh vật ở mỗi nơi cô đi đến, mỗi nét bút hạ xuống lại thêm một phần cảm hứng. Các nhà văn chỉ viết chữ, mỗi riêng cô vừa viết chữ vừa vẽ tranh.

Ngón tay cô nhanh chóng lật giở đến cuối cuốn sổ, ở đó có một bức tranh cô vẽ một chàng thiếu niên, trải qua thời gian dài phôi phai, nét chì trên đó đã nhạt bớt, chỉ có mỗi ánh mắt của chàng trai ấy vẫn vậy, trong sạch sáng ngời và dịu dàng đến yên lòng.

Hà Phương chậm chạp sờ lên gương mặt ấy, cảm nhận giấy dưới đầu ngón tay vẫn cứng cáp phẳng lặng, không một nếp gấp hay một vết rách, cô mới yên tâm thổi tắt đèn dầu, trèo lên giường đi ngủ.

Hôm sau, Hà Phương lại ngủ dậy muộn, mặt trời vừa lên bọn nhóc đã vào lớp hết, Nhã Lam đứng trên bục say sưa giảng bài, hiệu trưởng A Sì Lử không thấy đâu, chỉ có mỗi cô giáo Lương đang băm chuối trong sân.

Hà Phương vươn vai một cái: “Chào cô giáo Lương”.

“Phương dậy rồi à? Có muốn ăn sáng gì không?”

Hà Phương biết ở đây cuộc sống kham khổ, hầu như buổi sáng mọi người không ăn sáng. Cho nên cô có đói bụng cũng không nỡ ăn, chỉ cười: “Không ạ, tối qua em ăn nhiều, giờ vẫn còn no”.

“Ừ, chịu khó nhé. Hôm nay thầy A Sì Lử ra ngoài xã đi họp, chắc buổi tối sẽ có thịt ăn đấy”. Cô giáo Lương tay thăn thoắt nhặt băm nát cây chuối dưới chân: “Nếu Phương đến đây sớm sửa tháng chắc sẽ được ăn thịt gà, nhưng lứa gà trước vừa mới hết rồi, chỉ toàn gà con, chắc phải hơn hai tháng nữa mới ăn được”.

Hà Phương nhớ đến sau ký túc xá có quây một chuồng gà, trong đó chỉ có một đôi gà trống mái và một đàn bà con lít nhít: “Gà ở đây chắc chỉ ăn rau thóc thôi chị nhỉ?”.

“Thóc thì không có, trong núi trồng được ít lúa lắm, mãi ở mạn trên mới có”. Cô giáo Lương tủm tỉm cười: “Chỉ có ăn rau cỏ thôi, nên mấy con gà gầy trơ xương, chậm lớn lắm. Bình thường có con nào lớn lớn một chút thì sẽ làm thịt cho học sinh ăn”.

Cô giáo Lương vừa dứt lời thì trông thấy hai đứa trẻ đi chân đất từ trên con dốc lững thững đi xuống, một đứa ôm khư khư trong ngực mấy củ khoai, đứa còn lại thì xách một xâu chuột.

Sống lưng Hà Phương ngay lập tức lạnh toát, muốn quay đầu bỏ đi nơi khác nhưng hai chân mềm nhũn như ghim chặt xuống nền sân. Cô giáo Lương hình như đã quen với cảnh này nên ngay lập tức đứng dậy, cau mày mắng: “Sao lại đến lớp muộn thế hả?”

“Sáng nay đào mãi mới được chừng này khoai nên con mới đến muộn”. Đứa bé trai khoảng chừng 6, 7 tuổi, mặt mày lấm lem bùn đất mếu máo: “Con đi đào khoai mà”.

“Cô đã dặn ở lớp có cơm rồi, mấy đứa đi học phải đến đúng giờ chứ, các bạn đã học được nửa tiết rồi đấy, không vào học đúng giờ thì sao theo kịp các bạn. Muốn các bạn biết chữ hết còn mình thì mù chữ đúng không?”. Cô giáo Lương vừa mắng vừa cầm nhận lấy khoai, bỏ xuống đất.

Lúc vừa cầm đến xâu chuột thì đứa bé trai lại càng khóc to hơn: “Nhưng cơm ở lớp ăn không no, con đói”.

Đứa nhóc lớn hơn cầm xâu chuột thấy thế cũng khóc theo: “Con cũng đói. Tối qua con đi bắt chuột, sáng nay mang đến ăn cơm mà. Con muốn ăn thịt”.

Cô giáo Lương cũng chẳng biết làm sao, đành vội vàng nhận lấy hết rồi đặt gọn sang một bên, sau đó rút khăn tay ra lau mặt cho từng đứa: “Được rồi, được rồi, nín đi. Trưa nay cô nấu thịt cho ăn, mấy đứa nín đi rồi vào lớp học. Về sau không được đến muộn như thế nữa, ở lớp có cơm ăn rồi”.

Nghe nói thế, hai đứa mới chịu nín rồi nhanh chóng chạy vào lớp. Từ sân ký túc xá đến trường tiểu học A Tứ cách nhau chưa đầy 15 mét, nhưng dốc cao lại trải đầy đá, vậy mà bọn chúng chân trần chạy rất nhanh, chỉ một loáng đã thấy đứng khép nép trước mặt Nhã Lam.

Cô giáo Lương sau khi cất mấy thứ đồ ăn bọn trẻ mang đến, nhìn sắc mặt tái mét của Hà Phương mới cười: “Ở dưới thành phố chắc không thường xuyên ăn mấy đồ này đúng không? Chị nói em nghe, chuột nhìn thì sợ thế thôi chứ thịt nướng lên ngon lắm đấy”

Hà Phương cứng ngắc xoay đầu lại, cố nặn ra một nụ cười: “Thế ạ? Bọn nhỏ ở đây vẫn thường hay mang thức ăn đến hả chị?”.

“Ừ, quỹ trường hạn hẹp, mà ở đây cũng chẳng có chợ búa gì, toàn là tự cung tự cấp thôi”. Cô giáo Lương thở dài: “Hồi đầu chị lên đây không quen, thấy toàn ăn rau ăn cỏ cũng sợ, nhưng dần dần cũng phải quen. Bọn nhỏ ở quê đã khổ, ở trên này còn khổ hơn gấp nhiều lần em ạ. Đi học xa, mà toàn đi bộ, nhà đứa nào có điều kiện thì mang cơm nắm để ăn trưa ở lại, đứa nào khó khăn hơn thì nhịn đói. Sau dần dần thầy hiệu trưởng thương quá nên bảo chị nấu cơm cả cho lũ nhỏ, mà quỹ trường không có nhiều nên nhà đứa nào có gì toàn mang đến góp. Như hôm nay em thấy đấy, bọn nhỏ thức đêm đào chuột với dậy sớm đào khoai mang đến. Không có thịt lợn thịt gà thì ăn tạm thịt chuột cho có chất”.

Trái tim Hà Phương bỗng dưng như bị một thứ gì đó khẽ chạm vào, cảm giác sợ hãi cũng chậm rãi tan đi, chỉ còn một sự xót xa nhẹ nhàng dâng lên trong lòng. Cô rút cuốn sổ ra, nhanh chóng ghi vào đó mấy dòng. Vừa viết vừa nói: “Em thấy lớp học cũng đông, chị nấu cơm có đủ không?”

“Cũng tạm, bọn trẻ con cần ăn nhiều để còn lớn, mình người lớn ăn ít đi một chút là được”. Nói đến đây, dường như cô giáo Lương nhớ ra gì đó nên cười xòa: “À, em thì cứ ăn thoải mái nhé. Em là con gái thành phố, lại không mấy khi lên đây, không cần phải chịu khổ”.

Hà Phương không đáp, chỉ nói: “Chị Lương, nghề của các chị thật cao quý”.

“Cao quý gì đâu chứ”.

Buổi trưa, Hà Phương phụ cô giáo Lương nấu cơm cho bọn trẻ, cô không biết đun bếp củi nên chỉ rửa rau lặt vặt, cô giáo Lương cũng không nỡ để Hà Phương phải động đến thịt chuột, một mình xắn tay cạo lông mổ b.ụn.g chuột, đến khi lũ trẻ tan học thì đã có một đĩa thịt chuột nướng vàng ươm thơm phức.

Mấy đứa nhóc lấp la lấp ló ở cửa sổ nhà bếp, ánh mắt háo hức nhìn đĩa thịt chuột, cô giáo Lương thấy thế mới xua tay: “Mau đi gọi cô giáo Lam, bác sĩ Việt với anh A Văn đi. Mọi người tập hợp đầy đủ là được ăn cơm”.

“Dạ”. Mấy đứa trẻ gật mạnh đầu rồi ngay lập tức chạy đi, lát sau quay về nói chỉ có cô giáo Lam, bác sĩ Việt và A Văn đã vào thôn trong để khám bệnh rồi.

Cô giáo Lương đành bảo: “Thế thì để dành cho hai người một nửa con chuột. Mấy đứa ra rửa chân tay còn vào ăn cơm”.

Bọn trẻ ở đây không chú ý đến vấn đề vệ sinh lắm, ra sân giếng vừa rửa tay vừa đùa nghịch, lúc quay vào vẫn bẩn y nguyên, cuối cùng hai cô giáo phải kéo tay từng đứa ra rửa lại lần nữa. Hà Phương cũng giúp đỡ, túm một đứa gần nhất ra giếng rửa tay.

Đứa bé cô giúp rửa tay là thằng nhóc đến muộn cầm xâu thịt chuột đến ban sáng, từng đầu móng tay của nó vừa dài vừa bẩn thỉu, quần áo trên người dính đầy mủ và bùn đất, quần cũng rách khắp nơi.

Vì được người lạ rửa tay cho nên nó khúm núm mãi không nói gì, Hà Phương mới hỏi: “Con tên gì?”.

“Con tên… Nìu A Sùng ạ”.

“Bao nhiêu tuổi rồi?”

A Sùng ngẩn ra nghĩ ngợi một lúc rồi lại dè dặt đáp: “Bảy tuổi ạ”.

Một đứa trẻ 7 tuổi chỉ cao nhỉnh hơn một mét tý xíu, cả người gầy đét, mái tóc cháy nắng đến hoe vàng. Trẻ con vùng cao đã khổ, ở vùng sâu vùng xa thế này còn khổ hơn nơi khác gấp nhiều lần.

“Cô ơi, cô là cô giáo mới ạ?”. A Sùng lại hỏi.

“Không, cô đến đây chơi thôi”.

“Ồ”. A Sùng nghĩ ngợi một lúc rồi cười: “Con thấy cô vẽ rồi, cô vẽ đẹp lắm ạ”.

Động tác rửa tay của Hà Phương hơi ngừng lại, cô ngẩng đầu nhìn kỹ A Sùng mới thấy nó chính là người đã ngồi sát cửa sổ hôm qua, cũng là đứa không chịu nghe giảng mà chỉ hóng cô vẽ tranh nhất: “A Sùng thấy rồi à?”

“Vâng, đợi khi nào con có bút màu, con tô tranh cho cô nhé?”

Hà Phương bật cười: “Được”.

Lúc này rửa tay đã xong, các bạn cũng đã vào trong cả, A Sùng cũng háo hức, sợ các bạn ăn hết đồ ăn nên tay chân cuống lên, chỉ chờ Hà Phương rửa xong là vội vàng chạy biến vào bên trong.

Khi Hà Phương trở vào thì lũ trẻ đã ngồi ở bàn chờ sẵn, hơn ba mươi đứa mắt dán chặt vào đĩa thịt chuột và tô cơm trắng. Đình Việt và A Văn cũng chẳng biết đã về từ bao giờ, chuẩn bị ra giếng rửa tay.

Lúc ngang qua cô, A Văn cười toe cười toét: “Chào chị Phương”.

“Chào hai người”. Hà Phương liếc qua Đình Việt, hôm nay đi vào trong thôn nên anh không mặc áo blouse, gấu quần dính đầy bùn đất: “Hai người mới vào trong thôn khám bệnh đấy à?”.

“Vâng, có bà cụ bị sốt phát ban, anh Việt vừa mới cho thuốc rồi. Đến chiều lại phải vào lần nữa để cắm truyền”.

“Ừ, mau ra rửa tay rồi ăn cơm”.

Mọi người có mặt đầy đủ, bắt đầu ăn cơm, mấy đứa nhóc ăn rất nhanh, chẳng mấy chốc thức ăn trên bàn đã vơi gần hết, nồi cơm to tướng cô giáo Lương nấu cũng cạn cơ đáy. Hà Phương không ăn nổi món thịt chuột nên chỉ ăn dưa muối, A Văn thấy cô mãi không đụng đến thịt bèn gắp cho cô một miếng:

“Chị Phương ăn thử đi, ngon lắm đấy”.

Hà Phương có hơi mất tự nhiên: “Cảm ơn”.

“Ở dưới phố không có đồ này đâu nhé, đặc sản đấy. Chuột ở đây ăn sạch lắm, chỉ ăn mấy động vật nhỏ, không phải chuột cống như ở dưới thành phố đâu”. A Văn không biết Hà Phương đang nghĩ gì, vẫn thao thao bất tuyệt.

Hà Phương khẽ gật đầu, trong miệng bỗng như mất hẳn mùi vị. Cô liếc qua Đình Việt, thấy anh ta không ăn thịt chuột, nhưng thỉnh thoảng vẫn gắp thịt vào bát mấy đứa trẻ ngồi bên cạnh, vẻ mặt không hề chán ghét thứ thịt này. Nhã Lam ở phía bên kia cũng vậy, bọn họ ăn cơm rất ngon lành.

Nìu A Sùng cũng nhìn cô bằng ánh mắt lấp lánh, nó cũng háo hức muốn cô ăn thịt chuột, giống như háo hức chờ cô nhận lấy thành quả đi đào chuột cả đêm của nó. Rút cuộc, Hà Phương cũng không nỡ để A Sùng thất vọng, cô đành bỏ miếng thịt chuột kia vào miệng rồi nuốt xuống, sắc mặt không biểu cảm gì.

Đình Việt ngẩng lên liếc cô, một giây sau lại ngay lập tức quay đi chỗ khác. Nìu A Sùng thì cười ngoác miệng, lộ ra hai chiếc răng cửa bị gãy: “A, cô giáo Phương ăn thịt chuột rồi kìa”.

Mấy đứa nhóc còn lại cũng ngay lập tức ngước lên nhìn cô, nhao nhao nói: “Thịt chuột A Sùng đào được là ngon nhất, ngày mai A Sùng đào chuột nữa nhé”.

Cô giáo Lương ngay lập tức lên tiếng nhắc nhở: “Không được, buổi tối phải ngủ sớm, ngày mai còn đi học”.

Mặt mũi A Sùng xịu xuống, nhưng cũng không dám cãi cô giáo, chỉ bẽn lẽn nhìn về phía Hà Phương. Cổ họng cô buồn nôn, nhưng vẫn cười tủm tỉm: “Đợi hôm nào được nghỉ thì đi đào chuột”.

“Dạ”. A Sùng gật mạnh đầu, quay sang thì thầm gì đó với đám bạn ngồi cạnh rồi vùi đầu ăn cơm. Hà Phương cũng cố nuốt hết bát cơm đó, xong xuôi lập tức đứng dậy kiếm cớ đi rửa mặt.

Cô kiếm một gốc cây cách xa sân giếng nhất, chống tay lên đó rồi cúi đầu nôn ọe. Hà Phương nôn ra hết bát cơm vừa rồi mình ăn, cả miếng thịt chuột ban nãy, dạ dày chẳng còn gì nữa nhưng vẫn cứ cuộn lên, nôn ra cả mật xanh mật vàng.

Lúc cô quay lại sân giếng thì mặt mày đã tái mét, có một bóng người cũng đang rửa tay ở đó. Đình Việt nhìn thấy cô nhưng không nói gì, Hà Phương cũng không có hứng mở miệng, chỉ lấy nước súc miệng thật sạch. Mãi sau, khi Đình Việt rửa tay xong, cô mới nghe anh nói:

“Lần sau không ăn được thì đừng ăn”.

“Tôi ăn cái gì anh cũng quản à?”. Cô vênh mặt đáp trả.

“Không có hứng quản, nhưng thà để bọn trẻ ăn còn hơn để cô ăn rồi móc họng ra nôn hết”

“Tôi không móc họng”

“Phải không?”. Anh cười mỉa nhìn cô: “Lúc ăn cơm cô vẫn khỏe lắm mà. Sao ăn xong lại ra đây nôn?”.

“Tôi nhịn giỏi”.

“Mặc kệ cô tự nôn hay móc họng, chỗ này không được phí phạm thức ăn. Ở đây một miếng thịt rơi xuống đất cũng không được vứt đi, bọn trẻ sẽ nhặt lên lau sạch rồi ăn tiếp. Cơm cũng vậy. Cô đến chỗ này ăn không ở không, đã tốn một suất cơm còn phí phạm đồ ăn. Nếu không ăn được thì về sau tốt nhất cô nhịn đi”.

Nói đến đây, anh hơi ngừng lại một giây rồi bổ sung thêm: “Hoặc là quay về chỗ của cô”.

Hà Phương nôn xong đã mệt lả, lại bị anh ta mắng thế này thì nổi xung lên: “Đồ khốn kiếp, không phải việc của anh”.

Đình Việt không thèm nói nữa, lạnh lùng xoay lưng đi thẳng vào bên trong.

Dọn dẹp xong, Hà Phương vẫn buồn bực không chịu được, cô định đi ra bờ suối hút thuốc, nhưng lại nhớ đến đôi giày thể thao dính đầy bùn đất của mình, sẵn tiện trời nắng nên mang ra sân giếng giặt để g.iế.t thời gian.

Lúc ra đến nơi bỗng nhưng lại thấy có một bóng người đang loay hoay ở gốc cây ban nãy cô đã nôn, Hà Phương nheo mắt nhìn kỹ mới thấy đó là Đình Việt. Trên tay anh cầm một cái xẻng, xúc đám đất bẩn thỉu vương vãi cơm rồi đi thẳng vào chuồng gà.

Anh đang cho gà ăn!

Lòng Hà Phương như bị thứ gì đập mạnh vào một cái.

Lúc này, cảm giác buồn nôn đã không còn nhưng cô vẫn cảm thấy ruột gan mình cồn cào, lại có chút day dứt. Cô ngẫm lại thấy Đình Việt nói rất đúng, nơi khó khăn này một hạt cơm cũng phải quý trọng, vậy mà cô ăn một bát cơm và cả một miếng thịt chuột lại nỡ nôn ra. Cô phí phạm, còn không biết vào chuồng gà để nôn…

Hà Phương thở dài một tiếng, trước khi Đình Việt quay lại đã nhanh chân quay trở về phòng, ở lì trong đó đến tối cũng không ra ăn cơm.

A Văn ngồi bên mâm cơm cứ thắc mắc: “Sao chị Phương không ra ăn nhỉ? Bữa trưa chị ấy ăn ít mà. Hay là chị ấy không ăn được đồ ở chỗ mình nhỉ?”.

Cô giáo Lương cười: “Chắc là giảm cân thôi. Tôi thấy cô ấy cũng không kén ăn đâu. Buổi sáng thấy A Sùng mang một xâu thịt chuột tới, cô ấy sợ xanh cả mặt. Tôi đoán cô ấy chưa ăn thịt chuột bao giờ nên bữa ăn cũng không dám mời. Thế mà A Văn gắp thịt chuột, Phương vẫn ăn đấy thôi. Con gái thành thị đến con sâu còn sợ, thế mà cô ấy dám ăn thịt chuột, chứng tỏ cũng không kén ăn đâu”.

“Đúng thế”. A Văn gật gật đầu: “Em thấy chị Phương không kênh kiệu như mấy cô lần trước đến. Đợt trước có mấy bà đi từ thiện đó gì, xịt nước hoa thơm lừng, trát phấn dày cộp, bảo ngồi ghế mà không dám ngồi, mời ở lại ăn cơm thì giãy nảy lên rồi bỏ chạy mất dép. Chị Phương là cũng là người từ thành phố mà dễ gần hơn nhiều”.

Đình Việt im lặng ngồi một bên không nói gì, anh nhớ đến bộ dạng Hà Phương mỉm cười bảo A Sùng ‘Hôm nào được nghỉ thì đi đào chuột’, rồi lại nghĩ đến sắc mặt tái mét của cô sau khi nôn xong, lòng bất giác có cảm giác ngứa ngáy buồn bực.

Nhã Lam thấy anh không nói gì mới gắp một miếng cải xanh vào bát anh: “Anh Việt, tối nay có thời gian không, có mấy loại thuốc nam mới hái về nhưng em không nhớ tên, lát nữa em qua chỗ anh, anh hướng dẫn em nhé?”.

“Loại thuốc nào?”. Anh hờ hững đáp.

“Loại hôm trước mình hái ở nguồn con suối ấy, mấy cây na ná giống nhau, em không phân biệt được”.

“Ừ”.

Buổi tối trăng sáng, Nhã Lam mang một cốc trà mới nấu đến phòng của Đình Việt, hỏi han một hồi về thuốc nam xong mới bảo: “Sắp tới được nghỉ 30/4, anh có định về thăm nhà một chuyến không?”.

“Không, được nghỉ 4 ngày, đi về cũng tốn hơn 2 ngày, anh không về”.

“Vâng, em thì định về, nhưng nghĩ quãng đường xa quá nên cũng ngại. Nếu có anh đi cùng thì đỡ”. Nhã Lam bẽn lẽn cười: “Đỡ buồn ấy ạ”.

“Ở đây phương tiện đi lại khó khăn, mọi thứ cũng thiếu thốn nữa. Em chưa có chồng, ở chỗ này lâu cũng không tiện, có cơ hội thì xin về dưới xuôi đi”. Mấy năm nay có rất nhiều giáo viên đến rồi lại đi, hầu hết không ai ở lại, cứ người này thay người khác, đủ 5 năm rồi sẽ về xuôi. Nhã Lam là phụ nữ chưa chồng, ở chỗ này cũng khó mà kiếm được một người vừa ý.

Thế nhưng anh không biết trong lòng Nhã Lam đã sớm kiếm được một người đàn ông mà cô ta muốn gắn bó cả đời rồi, chính là một người cũng ở đây…

Nhã Lam ngước lên nhìn Đình Việt, bóng đèn tròn màu vàng chiếu lên sườn mặt của anh, từng đường nét góc cạnh rõ ràng, anh tuấn và mạnh mẽ: “Tự nhiên ở trên này quen, em lại không muốn về dưới xuôi nữa. Với cả ở đây còn có anh, có mọi người mà. Biết đâu em lại tìm được chồng ở chỗ này thì sao?”

Đình Việt cười: “Cuộc sống ở đây gian khổ lắm, em biết rồi còn gì”.

“Gian khổ mà anh ở được, còn ở tận 6 năm”.

Anh không đáp, chỉ lặng lẽ cúi đầu nhìn nền nhà bằng đất dưới chân mình, khoang miệng ngứa ngáy, rất lâu rồi mới có cảm giác thèm thuốc.

“Anh Việt, anh có nghĩ sẽ gắn bó cả đời ở đây, lấy vợ sinh con ở đây không?”.

Đình Việt chỉ cười, không trả lời!

Chẳng biết Nhã Lam đã rời đi từ khi nào, mãi đến khi anh ngước lên đã thấy phòng ốc trống không. Anh đứng dậy, định ra sân hít thở chút không khí, không ngờ mới đặt chân đến hành lang cũng thấy Hà Phương mở cửa.

Hai người nhìn nhau không nói gì, Hà Phương cũng chỉ liếc anh một cái rồi cầm bao thuốc định ra chiếc bàn ngoài sân hút. Đình Việt lững thững đi theo cô, lúc cô vừa châm lửa xong, anh mới nhàn nhạt cất lời:

“Không ngủ được à?”.

“Ngủ cả buổi chiều, giờ không ngủ được nữa”. Hà Phương nhả ra một hơi khói, hất hàm nhìn lên bầu trời: “Hôm nay rằm thì phải, trăng sáng quá”.

“Vài hôm nữa mới đến rằm”.

“Trăng ở đây đẹp thật”. Ánh trăng từ trên cao tỏa xuống như một màn sương bạc phủ lên khắp cây cối, bản A Tứ ở một vùng đất trống trải, xung quanh là rừng, có cảm giác như bốn phương tám hướng được cây xanh bao bọc, ánh trăng vừa vặn chiếu xuống mái đầu.

“Không có ô nhiễm, tự khắc sẽ thấy trăng đẹp”. Anh ngừng lại một lát: “Khói thuốc sớm muộn gì cũng làm ô nhiễm không khí”.

“Chắc không đâu”. Hà Phương mỉm cười: “Từ lúc đến đây mỗi ngày tôi chỉ hút hai điếu, ở đây rộng như thế, hai điếu thuốc một ngày sẽ không đủ làm ô nhiễm không khí”.

“Cô cũng có lòng tốt bảo vệ môi trường cơ à?”.

“Nào có lòng tốt như thế. Hôm vào đây tôi quên, chỉ mua mỗi một bao Vina, phải hút dè xẻn không chưa kịp đến phiên chợ đã hết thuốc”.

Đình Việt cúi đầu nhìn người phụ nữ ngồi trên băng ghế dài, mái tóc cô đen nhánh, da thịt trắng nõn, chẳng biết đã học thói xấu hút thuốc bao lâu nhưng bờ môi vẫn rất đỏ, hơn nữa, gió từ hướng nam thổi tới, anh không ngửi thấy mùi thuốc nồng nặc trên người Hà Phương, chỉ có hương sữa tắm mùi ngọt lan tràn bên cánh mũi.

Anh định nhắc nhở cô “Hút thuốc có hại cho sức khỏe”, nhưng lại nhớ ra cả hai không thân thiết đến mức đó, nên cuối cùng chỉ đành cúi người đặt một nắm lá nhỏ lên ghế dài rồi quay người đi vào.

Hà Phương hút xong điếu thuốc, quay đầu lại mới phát hiện trên băng ghế có một vật hình tam giác, ban nãy ngồi đây không thấy, chắc hẳn mới được người kia đặt lên đây.

Cô ngẩng đầu, nhìn Đình Việt đã đi đến giữa sân, hỏi: “Cái gì thế?”.

“Bánh. Buổi chiều vào thôn, người ta cho cái bánh này nhưng quên mất không ăn. Để đến ngày mai hỏng, nếu cô thích thì lấy ăn”. Anh không quay đầu, chỉ hờ hững đáp.

Hà Phương không hỏi bánh gì, buổi trưa cô ăn đã nôn hết, tối lại không ăn cơm, giờ rất đói, bèn cầm nắm lá rồi mở ra, bên trong là một thứ giống xôi, tỏa ra hương thơm đậm vị gạo, thơm đến cồn cào gan ruột.

Hà Phương không chần chừ cắn một miếng bánh, vị nếp mềm dẻo tràn vào trong miệng, không mặn không nhạt, ăn rất vừa vặn, cũng rất ngon. Lúc này, Đình Việt cũng vừa vặn đi đến hành lang, đuôi mắt nhìn thấy cô cầm bánh ăn ngon lành mà không buồn chất vấn đây là bánh gì, bên trong có thứ gì, tự nhiên anh thấy những gì A Văn và cô giáo Lương nói đúng.

Cô gái này không kén ăn. Chuyện lúc trưa có lẽ chỉ là hiểu lầm mà thôi.

“Ăn xong nhớ dọn sạch rác”. Anh nói.

“Biết rồi”. Hà Phương gật đầu, ít lâu sau bỗng dưng lại bổ sung thêm một câu: “Sau này tôi sẽ quý trọng đồ ăn”.

Anh dừng bước chân, ngoái đầu nhìn cô, nhắc lại câu ban trưa: “Cái gì không ăn được thì đừng ăn. Chỗ này không như thành phố các cô, không có đồ ăn ngon. Nghĩ cho kỹ hãy cho vào miệng”.

Hà Phương không quá phản cảm việc anh hung dữ với mình như lúc trưa nữa: “Thức ăn nghĩ kỹ mới cho vào miệng, đàn ông ở đây thì sao? Có cần nghĩ kỹ mới tán tỉnh không?”.

Đình Việt không đáp, đi thẳng về phía cửa phòng mình, lúc anh vừa mở cửa, lại nghe cô nói: “Ở chỗ này không có thức ăn ngon như thành phố, nhưng đàn ông thì khá vừa miệng tôi đấy. Bác sĩ Việt, anh cho tôi một cái bánh, tôi lấy thân báo đáp anh nhé?”.