Vụ án của Thẩm Thiên Việt nhanh chóng được đưa ra xét xử.
Trong số các phạm nhân ở độ tuổi thanh thiếu niên trước giờ chưa từng có ai như người tên Thẩm Thiên Việt này, ngay từ lần thẩm vấn đầu tiên đã cung khai tất cả, thừa nhận hết mọi cáo buộc. Cậu trầm lặng, điềm tĩnh, đến cuối buổi thẩm vấn, thậm chí cậu còn nói: “Cảm ơn.”
Thẩm Thiên Việt bị phán năm năm tù giam.
Vốn dĩ với tội danh này, sẽ có khung hình phạt từ ba đến năm năm, vậy mà cậu lại bị xử tới mức án cao nhất, cậu không mời luật sư cho mình, chẳng ai thay cậu biện hộ cả, mà cậu cũng chẳng kháng cáo.
Thẩm Thiên Việt nói cậu không kháng cáo.
Lúc Lý Sí nghe được tin này, thì sửng sốt mãi không thôi, sau mới nói: “Sao mà khờ dữ vậy! Đáng lý ra đâu có bị xử nặng thế này.”
Trần Bác Văn làm thinh hồi lâu, rồi đột nhiên thốt ra một câu chẳng ăn nhập gì: “Thẩm Thiên Việt bị nhốt ở trại giam số một, thuộc địa bàn của một người chiến hữu năm xưa của tôi.”
Một cuối tuần nọ, Trần Bác Văn ghé đến trại giam số một.
Anh yêu cầu được gặp Thẩm Thiên Việt.
Trần Bác Văn lại lần nữa nhìn thấy Thẩm Thiên Việt, sau hơn một tháng trời không gặp mặt.
Cậu cũng không tiều tụy hốc hác, sa sút tinh thần đến mức dị dạng như trong tưởng tượng của anh.
Tóc cậu bị xén cụt ngủn, mặc bộ đồ tù nhân xám xịt, đứng ngược hướng ánh sáng, khi cậu bước lại gần, trông thấy là Trần Bác Văn, thì thoáng giật mình, sau đó lại mỉm cười chào anh.
Áo tù được làm bằng chất liệu mỏng tanh, Trần Bác Văn còn nhớ cậu có từng nói rằng, cậu rất sợ lạnh, ấy vậy mà trông cậu lúc này lại chẳng có vẻ gì là co ro vì rét cả.
Cậu ngồi đối diện với Trần Bác Văn, tóc hai bên tai bị cạo sát rạt, làm tôn lên đôi mắt nhung huyền của cậu, khiến cậu trông trẻ hẳn ra, trông cứ như một đứa nhỏ. Tay áo rộng thùng thình, ngắn ngủn, để lộ ra hơn phân nửa khuỷu tay.
Cậu gọi anh: “Cảnh sát Trần.”
Trần Bác Văn, trái lại, toát mồ hôi ướt rượt cả gan bàn tay, không biết phải mở lời thế nào.
Thiên Việt nói: “Cảm ơn anh vì đã đến thăm tôi.”
Trần Bác Văn gật đầu hỏi: “Cậu vẫn khỏe chứ?”
Thiên Việt nói: “Khỏe ạ. Quản ngục họ Tô ở đây rất tốt với tôi. Là bạn của anh à?”
Trần Bác Văn nói: “Là đồng đội cũ.”
Thiên Việt trầm ngâm một hồi, mới nói: “Cảnh sát Trần, cảm ơn anh.”
Trần Bác Văn bất giác chẳng biết nói gì hơn, lục lọi trong túi áo, lấy ra một món đồ, nói: “Cảnh sát Lý nhờ tôi mang đến mở cho cậu nghe.”
Là một cái máy MP3 nhỏ gọn.
Thiên Việt cầm lấy, đeo tai nghe lên.
Đó là một bài hát.
Một giọng nam trong trẻo mộc mạc, trình diễn một bản nhạc xưa cũ:
Ổ khoá nào khóa chặt những ước hẹn.
Để giữ lại muôn vẻ dịu dàng của em.
Khúc ca nào hát vang được muôn thuở
Để khi năm tháng nhuộm bạc mái đầu
Em sẽ vẫn nhớ đến?
Nếu yêu nhau sẽ luôn thủy chung son sắt
Khi thề nguyền sẽ luôn trọn đời trọn kiếp
Nếu anh muốn được bên em mãi mãi
Thì mãi mãi ấy rốt cục là bao lâu?
Mà hoa kia nở đến khi nào sẽ tàn
Chim kia bay đến nơi nào khuất bóng
Nếu thanh xuân chỉ vụt qua trong chớp mắt
Thì người ta yêu nhất bao giờ sẽ lìa xa
Chúng ta đều mải tìm một mùa xuân vĩnh hằng
Chúng ta cứ ngóng trông lời hứa hẹn bất diệt
Lại chẳng hay mộng đẹp chóng tàn
Má hồng mau phai
Rồi cũng đành nhìn nhau lệ ứa nhòa [*]
[*] Bài hát này đã được nhắc đến ở đầu truyện, mà lúc đó mình quên chú thích nên ghi lại ở đây cho bạn nào có hứng thú. Đây là bài Hoa nở hoa tàn của Châu Trị Bình, một ca khúc cũng thuộc hàng xưa xửa xừa xưa rồi ^^!
Trong một thoáng ngẩn ngơ, cậu nghe như có tiếng Dĩ Thành đang gọi, Thiên Việt, lại đây, nghe thử bản nhạc này xem.
Thiên Việt đáp, anh còn chưa già, sao đã hoài cổ rồi? Em nghe như có điềm chẳng lành.
Dĩ Thành cười đáp, liên quan gì đến chúng ta đâu.
Trong căn phòng thăm nuôi chật chội ấy, có ánh dương quang hiền hòa rọi vào, vô vàn hồi ức ấy, hòa quyện vào cùng những tia nắng, chưa từng rơi vào quên lãng, ào ạt tuôn trào, sống động như thật.
Thẩm Thiên Việt nhìn vào khoảng không rực rỡ kia, còn có cả những hạt bụi bay là đà trong không trung. Chậm rãi tháo tai nghe xuống, trên gương mặt thanh tú của cậu, nở một nụ cười tươi rói, cậu bảo: “Cả đời này của tôi, đã gặp qua rất nhiều người tốt, Dĩ Thành thì thôi khỏi nói, còn có JO, chị Ninh Khả, bác sĩ Trần, và anh,” – Nói đoạn, cậu lại phì cười, như nghĩ đến chuyện gì thú vị lắm – “Thêm cả cảnh sát Lý nữa.”
Lúc Thiên Việt quay về buồng giam, cậu còn đứng ở ngưỡng cửa ngoảnh lại nhìn Trần Bác Văn một cái, nhoẻn miệng cười, tinh nghịch vẫy tay với anh, rồi bóng cậu khuất hẳn sau cánh cửa nhỏ hẹp.
Chẳng biết làm sao, mà Trần Bác Văn lại sững người ra đó thật lâu, cứ ngỡ rồi cậu sẽ lại xuất hiện từ đằng sau cánh cửa ấy. Phải mất một hồi, anh mới sực tỉnh lại.
Một tuần lễ trôi qua, Trần Bác Văn nhận được một cuộc điện thoại đến từ người chiến hữu năm xưa nọ.
Cũng không biết người kia đã nói gì, mà Trần Bác Văn không đáp lại câu nào đã vội cúp máy.
Kế đến, anh hỏi Lý Sí: “Tiểu Lý, năm nay cậu mấy tuổi?”
Lý Sí cười hí hửng đáp: “Sắp được hai mươi bốn rồi, anh Trần bộ có cô em họ hay em vợ nào định giới thiệu cho em hả?”
Trần Bác Văn nói: “Chà, thế thì Thẩm Thiên Việt hẳn là không lớn hơn cậu bao nhiêu nhỉ.”
Ngừng một lát, anh lại nói tiếp: “Tiểu Lý, Thẩm Thiên Việt, đi rồi.”
Lý Sí trong phút chốc chưa kịp hiểu ra điều gì: “Hở?” – Hắn hỏi – “Cái gì mà đi rồi.”
Trần Bác Văn nói: “Thẩm Thiên Việt, đã mất rồi.”
Thiên Việt, cậu trai Thẩm Thiên Việt như non xanh nước biếc ấy, cậu trai Thẩm Thiên Việt mà lúc bé mới bị ong chích một cái đã sợ điếng hồn ấy, trong nhà lao, đã dùng một cây bàn chải đánh răng được mài nhọn cứa đứt tĩnh mạch trên cổ tay. Tới sáng khi người ta phát hiện, máu đã thấm ra ướt đầm cả tấm nệm mỏng bên dưới lớp chăn, người cũng đã tắt thở từ lâu, song lại trông thật an tường. Chẳng để lại một lời nào. Cứ thế, âm thầm lặng lẽ, đi mất rồi.
Lý Sí chẳng nói gì, chạy tới bàn làm việc sát bên cửa sổ văn phòng của một nữ đồng nghiệp, nói: “Chị Dương, cho em xin gói cà phê với. Thôi lấy hai gói luôn đi, buồn ngủ quá!”
Nữ cảnh sát bật cười đưa cho cậu, lại còn trêu: “Hồi tối làm gì mà không ngủ hả, ban ngày đi bắt trộm ban đêm đi ăn trộm sao?”
Lý Sí cười hềnh hệch, cầm theo một cái cốc ra ngoài chỗ bình lọc rót nước vào.
Nước sôi nóng hổi chảy vào trong ly, mùi thơm ấm nồng đặc trưng của cà phê tỏa ra ngào ngạt. Lệ cay nơi khóe mắt Lý Sí cũng theo đó tí tách rơi xuống.
Thành phố này, như một đại dương bao la, Thẩm Thiên Việt lại chỉ như một giọt nước nhỏ nhoi, cậu chìm nghỉm trong đó, không chút tăm tích, thế mà, chung quy vẫn có người biết đến.
Có một người, trong lúc vô tình đã nghe được tin tức về cậu.
Kế Hiểu.
Hiện tại gã đã làm đến chức cục trưởng ở một cục nào đó. Một cục trưởng trẻ đầy triển vọng, con đường phía trước đã trải sẵn thảm hoa đợi gã bước lên.
Chỉ hai ngày sau khi Thiên Việt qua đời, gã liền có khách đến thăm. Là người mà gã chẳng mong gặp tí nào.
Cừu Đại Đồng.
Cừu Đại Đồng hỏi, chắc cũng biết chuyện của Thiên Việt rồi nhỉ, tôi nói này, chúng ta phải cứu cậu ấy ra, chuyến này hai ta cùng hợp tác, dùng quyền của cậu, dùng tiền của tôi. Không có gì khó cả.
Kế Hiểu lặng người nhìn vào gã đàn ông trước mặt, vẫn cái vẻ ngoài hào nhoáng muôn thuở, hồi lâu sau mới nói, quá muộn rồi. Thẩm Thiên Việt, hai ngày trước, đã mất rồi.
Cậu, mất rồi.
Kế Hiểu có một bộ lịch, đã cũ rồi, từ tận hai năm trước. Gã giữ nó đến tận bây giờ.
Trong đó có một người mẫu quảng cáo, là nam, nét mặt người đó, giống hệt với Thiên Việt.
Kế Hiểu vẫn luôn cất nó trong ngăn kéo phòng làm việc, buổi tối hôm ấy, là lần đầu tiên gã mang nó về nhà.
Gã nhớ ra, không ngờ mình lại chẳng có lấy một tấm ảnh của Thiên Việt, cũng không phải thời họ còn bên nhau chưa từng chụp tấm nào, chẳng qua là gã đã đốt sạch rồi, khi đó ra tay mà chẳng chút nuối tiếc, đó là nhược điểm của gã, gã sẽ không để bất kì ai có cơ hội nắm lấy nó, giờ đây khi nghĩ lại, gã thế mà đã chẳng còn được nhìn thấy nụ cười tươi tắn như làn gió xuân của Thiên Việt nữa rồi, cho dù chỉ là nụ cười bất động đóng khung trong một tấm hình, suốt cuộc đời này, không thể nữa rồi.
Gã ngồi giữa phòng khách rộng thênh thang của nhà mình, vợ chồng gã đã dọn ra khỏi nhà ba mẹ ruột của Từ Thu Y. Ráng chiều chậm rãi nhuộm vàng căn phòng, gã cũng chẳng buồn bật đèn lên.
Trong không gian tối dần ấy, gã đang nhớ về người đã bị gã hãm hại không thương tình kia. Suốt hai năm nay gã chưa từng nhớ tới cậu, gã vẫn tưởng cậu sẽ lặng lẽ sống qua ngày ở cái xó xỉnh nào đó trong thành phố này, mãi cho đến hôm nay gã mới chợt nhận ra, cậu trai trẻ ấy, thế mà vẫn luôn trú ngụ trong trái tim gã, trước giờ chưa từng rời đi.
Người bật đèn lên là Thu Y. Thu Y nhìn thấy Kế Hiểu ngồi thẫn thờ trên ghế sô pha, còn thấy cả quyển lịch mà gã cầm trên tay.
Cô bước tới, bất ngờ hỏi một câu: “Cậu thanh niên ấy, tên Thẩm Thiên Việt có đúng không?”
Kế Hiểu hoảng hốt tột độ.
Thu Y cười cười rồi nói: “Hai năm trước, lúc anh qua lại với cậu ta, anh trai em đã điều tra được rồi. Thật lâu sau đó anh ấy mới nói em biết. Mà khi ấy, anh cũng đã chia tay với cậu ta rồi.” – Thu Y tiến lại gần – “Từ nhỏ, em đã chẳng được lanh lợi như người ta, đến bây giờ vẫn vậy. Chỉ có duy nhất một chuyện, mà trong lòng em biết rõ hơn ai hết, đó là em yêu anh. Kế Hiểu, anh chưa bao giờ chân chính hiểu được tình yêu cả. Thật ra thì em cũng không hiểu, không hiểu được hoàn toàn.” – Cô ngồi xuống cạnh gã, vuốt ve mái tóc vẫn đen nhánh như thuở nào của Kế Hiểu – “May thay, chúng ta vẫn còn thời gian. Vẫn còn rất nhiều thời gian.”
Kế Hiểu vùi đầu vào lòng Thu Y, người phụ nữ mà trước giờ gã chưa từng thật lòng yêu thương, người phụ nữ dành cho gã sự bao dung vô hạn. Thiên Việt, gã nghĩ, cậu trai ấy gã làm gì có tư cách để yêu, cậu trai mà gã sẽ không còn được gặp lại nữa.
Trần Bác Văn đã nhờ vào quan hệ với người đồng chí cũ kia, để thực hiện một việc.
Theo quy định, những phạm nhân không có người thân nào như Thiên Việt, thi thể sau khi chết, sẽ bị âm thầm chuyển đến học viện quân y, xem như hiến xác cho y học, vậy nhưng, Trần Bác Văn thật sự không đành lòng để Thiên Việt bị đối xử như vậy.
Di hài của Thiên Việt, được anh cậy nhờ quan hệ giúp đưa đi hỏa táng.
Tro cốt của cậu, đựng trong một chiếc hũ bằng gỗ màu nâu giản dị.
Trong hũ có để kèm theo một món đồ vẫn còn nguyên vẹn, là người đồng đội cũ kia giao lại cho anh, di vật duy nhất từ Thiên Việt. Hai chiếc nhẫn bạc được buộc lại với nhau bằng sợi chỉ đỏ, bởi vì lâu rồi, nên đã xỉn màu. Trần Bác Văn cẩn thận dùng kem đánh răng đánh bóng lại cho chúng.
Trần Bác Văn nói, Thẩm Thiên Việt, cậu chung quy vẫn chỉ là một thằng ngốc không hơn. Chẳng phải đã nói, thế gian này có rất nhiều người tốt ư? Cớ sao lại không kiên trì mà bước tiếp chứ.
Cuộc sống, đôi khi sẽ vấp váp đôi chút, nhưng suy cho cùng vẫn là được sống.
Mà rốt cục thì cậu, vẫn cứ không chịu kiên cường thêm nữa. Vẫn cứ không chịu.
Trần Bác Văn xin nghỉ phép dài hạn. Suốt hơn mười năm công tác, đây vẫn là lần đầu tiên anh xin nghỉ lâu như vậy.
Vừa qua mùa cao điểm Tết, nên tàu lửa không còn chật như nêm cối nữa.
Trần Bác Văn đưa vợ mình là Hoàng Giai Mẫn bắt xe lửa về quê ở vùng Đông Bắc.
Anh mua vé tàu chậm, giống như đợt trước khi anh áp giải Thiên Việt trở về.
Trần Bác Văn thận trọng cất rương đồ lên giá để hành lý.
Không ai biết được rằng, bên trong cái rương ấy, có một linh hồn an tĩnh, khát khao yêu thương, đồng hành cùng vợ chồng Trần Bác Văn trong suốt chặng đường này.
Ngày xe lửa vào đến trạm Cát Lâm, trời rét căm căm.
Sông Tùng Hoa vẫn chưa đóng băng.
Giai Mẫn nói, sông Tùng Hoa đoạn chảy qua Cát Lâm, mùa đông sẽ không đóng băng, bởi vì ở vùng thượng du gần đó là một hồ chứa nước thủy điện, nước chảy ra sau khi sử dụng xong đều khá ấm nóng, cứ vậy xuyên suốt bốn mùa.
Bởi vì mặt sông vào mùa đông không bị đóng băng, nên vào những ngày đẹp trời, khắp thành phố sẽ được phủ lên một lớp sương giá tuyệt đẹp. Hiện tại vẫn còn rất nhiều loại thủy cầm kiếm ăn trên khúc sông này đến hết mùa đông, chừng nào xuân về chúng sẽ bay trở lại Siberia.
Trần Bác Văn mỉm cười lắng nghe, rồi nói: “Cưới nhau ngần ấy năm rồi, mà tới giờ mới được nghe em kể chuyện này đấy.”
Giai Mẫn cũng mỉm cười: “Thì anh cứ bận rộn suốt còn gì.”
Trần Bác Văn lần bước xuống những bậc thang bên bờ sông. Xoay người lại đỡ lấy Giai Mẫn, mặt đất tương đối trơn trượt.
Bọn họ ngồi sụp xuống ven sông.
Trần Bác Văn mở hũ cốt của Thiên Việt ra, anh thì thầm, Thị Dĩ Thành, Thiên Việt của cậu đến rồi đây, cậu mau lại đón em ấy đi. Anh vốc từng nắm tro cốt, rải đều vào lòng sông.
Đến nắm tro cuối cùng, vốn vẫn còn nằm trong tay anh, thì nước sông âm ấm chợt cuộn trào lên, như mơn man quấn quýt, dịu dàng cuốn trôi phần tro cốt ấy.
Thẩm Thiên Việt, anh nghĩ, chắc cậu đang hạnh phúc lắm nhỉ.
Vì rằng, ở nơi nào đó trên thiên đường, có bóng dáng ấm áp của Thị Dĩ Thành.
Chúc hai đứa, trên thiên đường, mặc sức yêu nhau, tự do vui sướng như như hai chú cá tung tăng lội nước, một con tên Không Xa, một con tên Không Rời.
Trần Bác Văn đứng thẳng người dậy, Giai Mẫn trông theo anh, nhoẻn miệng cười, tháo găng tay ra, dùng tay ấp lên mặt anh: “Ngốc ơi là ngốc, âm mười mấy độ mà anh dám để nước mắt chảy vậy sao?” [*]
[*] Chỗ này tác giả ghi là âm mấy chục độ, cơ mà mình thấy không hợp lý vì nhiệt độ ở Cát Lâm thực tế không lạnh đến vậy, nên mạn phép sửa lại (có lẽ tác giả ghi ngược)
Cô xòe tay ra cho anh xem, trên tay còn vương những vụn băng li ti.
Gương mặt Giai Mẫn được ôm trọn bởi chiếc mũ len dày thật là dày, đỏ thẫm như đóa hồng, được đan thủ công, tôn lên nước da trắng nõn nà của cô, bên tai có lọn tóc mai ngắn vểnh lên.
Trần Bác Văn nhớ, trước kia Giai Mẫn vẫn luôn nuôi tóc dài, mái tóc dợn sóng, xinh đẹp tuyệt trần. Nhưng rồi có một lần, cống thoát nước trong nhà bị tóc rụng rơi vào làm nghẹt mất, thế là anh đã nổi trận lôi đình với cô, kể từ đó, cô bắt đầu để tóc ngắn.
Trần Bác Văn nói, Tiểu Mẫn, à thì, hay là em để tóc dài lại đi.
Giai Mẫn đáp, vâng ạ.
Tần ngần một lúc, Trần Bác Văn lại nói: “Tiểu Mẫn, hai ta đừng chia tay nữa. Anh sai ở đâu, anh sẽ sửa. Chúng mình, bên nhau đến đầu bạc răng long nhé.”
Nụ cười chớm nở trên môi Giai Mẫn.
Được thôi, được thôi, chúng ta, cùng nhau đến đầu bạc răng long nào.