Khương Tú Nhuận đứng ở bên ngoài vườn hoa, rất hài lòng với mấy cước của người thị nữ này.
Nàng kiếp trước không quen biết vị nữ tướng quân này, nhưng được nghe đủ loại truyền kì về nàng ta. Biết được Bạch Thiển là người ngay thẳng, chính trực chứ không phải hạng người gian nịnh a dua.
Một thân đầy sức lực, khi nguy nan cũng không trở thành kẻ đi cướp bóc, mà lại bán mình chôn cha, chứng tỏ là con người có khí khái, để người này ở bên cạnh, nàng cũng yên tâm hơn.
Sau khi sắp xếp xong chuyện trạch viện, giờ tới khoản tiếp đãi khách quý. Khương Tú Nhuận nhớ kỹ thời gian hẹn với Lưu Bội, mặc dù không biết hắn có phải là thuận miệng nói ra không, nhưng khi đó đã nhận lời, liền không thể làm kẻ thất tín được.
Trước thời gian hẹn ước một ngày, nàng sai người đưa thiếp mời tới phủ chất tử Lương quốc, mặt khác sai người mua heo sữa rượu ngon, các loại thịt, rau xanh chế biến thành nhiều loại món ăn để khoản đãi khách nhân.
Bạch Anh trù nghệ thành thạo, heo sữa được nướng vàng ruộm, lại thêm Khương Tú Nhuận chỉ điểm, chế biến thành mấy món ăn mỹ vị của Ba quốc. Trên bàn tiệc là món ăn pha tạp hương vị của Huệ Quốc và Ba Quôc, cũng rất đặc sắc.
Đến giờ hẹn, trước ngõ nhỏ truyền đến tiếng xe ngựa huyên náo. Khương Chi theo đạo hiếu khách, cùng Khương Tú Nhuận tự mình ra cổng tiếp đón.
Nhưng không phải chỉ có một cỗ xe ngựa tới, mà Lưu Bội còn dẫn theo bằng hữu tới đây, phía sau hắn còn ba bốn cỗ xe ngựa khác nữa.
Lưu Bội từ trên xe ngựa bước xuống, chắp tay mỉm cười với hai huynh đệ Khương thị:
- Vốn hôm nay có mấy vị bằng hữu hẹn nhau cùng bình phẩm một cổ tịch, nên ngày hôm qua nhận được thiếp của thị vệ, nhớ tới lời ước hẹn với hai người, nên liền dời hội bình phẩm tới quý phủ, cũng dẫn theo mấy vị bằng hữu lỗi lạc, đều là người có kiến thức sâu rộng.
Khương Chi nghe vậy, cười nói:
- Khách quý tới nhà, thư hương bốn phía, cầu còn không được, còn xin công tử lần sau lại dẫn khách quý tới.
Khương Tú Nhuận đứng ở một bên lại nghe được rõ ràng, hóa ra cái tên Lưu Bội chính là quên mất ước hẹn với huynh trưởng. Hôm nay hắn ta đã có hẹn với người khác, chỉ là sau khi nhận được thiếp mới nhớ ra chuyện này, không muốn trở thành người thất tín, liền lôi cả đám người tới đây, gộp lại làm một.
Nàng cũng không lên tiếng, chất tử Ba quốc ở thành Lạc An cũng chẳng được người ta để vào trong mắt. Lưu Bội thân là vương tử Lương quốc, lại chiêu hiền đãi sĩ, chịu cùng chất tử nước yêu kết giao, ở trong mắt người khác là người hiền đức, nếu lúc này nàng nói ra, sẽ khó tránh khỏi làm người ta cảm thấy vương tử Ba quốc lòng dạ hẹp hòi.
Nhìn về mấy cỗ xe ngựa phía sau, Khương Tú Nhuận rốt cục mới thấy rõ khách tới là ai, lập tức hối hận, nếu biết trước hôm nay trong đám khách nhân có mấy người kia, thì Lưu Bội thất tín cũng có sao đâu.
Ở trong mấy người phía sau, còn có cả đương kim hoàng thái tử Đại Tề - Phượng Ly Ngô!
Mà đứng bên cạnh Phượng Ly Ngô, chính là Tần Chiếu.
Nhưng điều này cũng không có gì kỳ quái, Lưu Bội với Phượng Ly Ngô vốn là huynh đệ, hai người đều đi con đường của riêng mình, trước khi cuộc chiến tranh đoạt thiên hạ diễn ra, thì họ vẫn là huynh đệ tình thâm, chẳng có gì lạ hết.
Khi họ tới gần, Khương Tú Nhuận liền một mặt chết lặng đi theo sau lưng ca ca, vấn an hoàng thái tử, sau mời các vị khách quý nhập phủ.
Phượng Ly Ngô từ trước đến nay là kẻ mặt lạnh, khuôn mặt tuấn tú hại nước hại dân mà lại treo vẻ mặt lạnh như khối băng, cũng không hiểu tâm tình tốt xấu thế nào.
Khi hắn đi qua Khương Tú Nhuận, ngược lại liếc mắt nhìn nàng.
Dù sao trên đại điện, tài tử trình quốc thư tự tiến cử mình chăm lo giường chiếu cho lão cha của hắn cũng hiếm có. Cho dù là một chất tử của Ba quốc không đáng xem trọng, cũng khó tránh khỏi lưu lại chút ấn tượng.
Chỉ là hôm đó rõ ràng lông mày tên này như quạ đen giương cánh khiến lòng người kinh hãi, hôm nay nhìn lại, lại là mi thanh mục tú, là một mỹ thiếu niên.
Như vậy ngẫm lại, liền cảm thấy vị chất tử Ba Quốc này ngược lại cũng không phải kẻ ngu ngốc như biểu hiện trên đại điện.
Khi ánh mắt của Phượng Ly Ngô quét tới, trong lòng Khương Tú Nhuận đều nghĩ muốn bóp chết Lưu Bội kẻ dẫn sói vào nhà. Nếu sớm biết thái tử cũng đến đây, nàng phải dùng bút than tô mi, miễn cho hắn lại chụp mũ "Yêu nghiệt" lên đầu mình.
Mà ngoại trừ Thái tử ra, mấy người còn lại đều là danh sĩ nổi danh kinh thành. Đại bộ phận những người đó Khương Tú Nhuận đều biết mặt.
Dù sao trong mấy năm nữa, nàng chính là người lăn lộn trong đủ loại yến hội ở thành Lạc An, cũng từng ngâm thơ đánh đàn, đàm luận thi từ ca phú với họ.
Lúc trước bởi vì muốn mở rộng các mối quan hệ, nàng cũng dụng tâm lương khổ, vùi đầu vào sách vở, mặc dù chỉ học được chút da lông, nhưng so với đại bộ phận nữ tử ngay cả chữ cũng không biết, nàng đã được coi là người đọc đủ thi thư, khiến rất nhiều nam nhân thán phục.
Mặc dù vậy trong lòng Khương Tú Nhuận biết, những kiến thức kia của nàng, nếu như từ một nam nhân xuất ra, liền có chút nông cạn thiếu căn cơ. Vì vậy sau khi mọi người nhập tọa, lúc uống trà, nàng cũng chỉ ở một bên yên lặng lắng nghe, không dám múa rìu qua mắt thợ, biến thành trò cười cho người ta.
Ca ca của nàng cũng như vậy, sau khi phụ họa cùng họ vài câu, lập tức phát hiện ngày trước khi còn ở Ba quốc tài học của mình quá nông cạn, không thể so được với nho sĩ, cho nên không còn nói gì nữa mà chỉ ở bên cạnh lắng nghe, thi thoảng phân phó bô bộc tới thêm trà đưa điểm tâm để tránh xấu hổ.
Trong những người này có một kẻ tên là Phàm Sinh, là đại nho ở Lạc An, tự phụ bản thân học vấn cao hơn người, không để mắt tới những kẻ phàm phu tục tử.
Vốn dĩ hôm nay hắn muốn tới phủ Lưu Bội làm khách, nhưng lại bị chuyển tới ngõ nhỏ này, trong lòng liền không thoải mái.
Hơn nữa giọng nói huynh đệ Khương thị đặc mùi nhà quê, phát âm không chuẩn, nhỏ thì cúi đầu im lặng, lớn thì nói vài câu xong cũng không tiếp lời được nữa, có vẻ như chưa bao giờ nghe qua mấy chuyện kiểu này, lập tức xem thường huynh đệ Khương thị.
Vài ngày trước hắn có nghe người kể lại chuyện quốc thư gây trò cười trên điện Kim Loan, trong thư viết ra lời hiến tử, khiến cho ngày cả người già ở Lạc An cũng coi thường Ba quốc.
Giờ nhìn hai kẻ trước mặt, bộ dáng ngờ nghệch, quả thực lời đồn cũng không phải là giả.
Lòng hắn xem thường, cho nên nhìn căn phòng chật chội cũng càng trở nên khó chịu.
Khi Lưu Bội muốn lấy cuốn sách cổ hắn mới có được ra cho mọi người chiêm ngưỡng, hắn lạnh lùng hừ một tiếng nói:
- Tại hạ khi có được cuốn sách này, như nhặt được bảo bối. Sau khi tắm gội, thay y phục, ngồi thiền cả canh giờ khi lòng không còn tạp niệm mới mở sách ra, chỉ sợ tâm mình không tịnh, làm bẩn sách thánh hiền. Nhưng công tử lại muốn tại hạ ở phòng nhỏ cũ kỹ này lấy sách ra, lại còn trước mặt mấy kẻ phàm phu tục tử nơi biên cương, tại hạ khó lòng nghe theo.
Tuy rằng ở đây có mặt Thái tử điện hạ tôn quý, thế nhưng những kẻ đọc sách đều có tính cách của riêng mình, trong một số tình huống nếu tỏ ra kiêu ngạo không xu nịnh không khiến trách, mà trái lại càng khiến người ta thấy kính nể. Vì vậy sau khi nói xong, hắn lệnh cho thư đồng thu dọn mấy quyển sách còn lại, định phất tay áo rời đi.
Khương Tú Nhuận vốn luôn yên lặng, chỉ vì một câu nói "phàm phu tục tử nơi biên cương" nàng liền ngẩng đầu lên, trong lòng nghĩ: "Kẻ này thật đáng ghét, từ đầu tới cuối đều khiến người ta không ưa nổi."
Nhắc đến Phàm Sinh, thì kiếp trước hắn ta và Khương cơ cũng có chút mâu thuẫn. Hắn vốn tự cho bản thân thanh cao, cho nên luôn không để một chất nữ xuất thân Hoán Y Cục vào mắt.
Vì thế, trong kiếp trước hắn không ít lần giữa đám đông, lớn tiếng giễu cợt nàng và ca ca.
Hôm nay, thấy hắn tới phủ làm khách, vốn nàng muốn nhịn một chút, do kiếp trước và kiếp này không giống nhau. Nàng hiện tại chỉ muốn cùng ca ca an phận ở đây một quãng thời gian, cho nên không muốn gây thù chuốc oán.
Thế nhưng Phàm Sinh thật sự rất đáng ghét, hắn như con chó, không đụng tới hắn nhưng hắn vẫn muốn cắn người. Nếu hôm nay nàng để cho hắn phất tay áo rời đi, ngày mai huynh muội Khương thị sẽ làm trò cười cho cả kinh thành này.
Tới lúc đó ca ca lại giống như kiếp trước, bị đám nhân sĩ ghét bỏ, làm sao còn mưu cầu tiền đồ gì được nữa?
Nghĩ như vậy nàng nhìn qua mấy quyển sách kia, lạnh lùng mở miệng:
- Chẳng qua chỉ là mấy cuốn sách phóng đáng của đám nhân sĩ tiền triều, cũng đáng để ngươi kính cẩn đối đãi như vậy sao? Nếu ngươi mang đi càng tốt, tránh làm ô uế không khí nơi này... Thiển nhi, múc nước giếng qua đây, phàm là nơi thư đồng kia đi ôm sách đi qua, giội nước rửa sạch ba lần cho ta.
Bạch Thiển vẫn luôn đứng gác bên ngoài, nghe lệnh liền lập tức xắn tay áo, xách một xô nước đầy đứng ở cửa. Vết bớt trên mặt dữ tợn, ánh mắt sáng ngời nhìn chằm chằm vào thư đồng như hổ rình mồi, có vẻ như nếu không rửa sạch sân thì sẽ ấn đầu hắn xuống xô nước đó vậy.
Mọi người đều bị dáng vẻ xách thùng nước của Bạch Thiển dọa cho sợ hãi.
Phàm Sinh cũng bị Khương Tú Nhuận chọc nổi giận cả người run rẩy, quay lại chỉ vào Khương Tú Nhuận quát:
- Kẻ ngu muội nhà ngươi. Đây là sách của Vệ Tử tiền triều, vậy mà ngươi dám nói là làm bẩn nhà ngươi?
Khương Tú Nhuận đương nhiên biết được đó là sách của Vệ Tử. Kiếp trước hắn ta nhiều lần lấy cuốn sách này ra khoe khoang, thậm chí còn viết hơn mười cuốn sách giải nghĩa bản sách cổ này.
Hiện tại, thời điểm này hẳn là Phàm Sinh mới có được bộ sách này, cơ bản còn chưa kịp nghiên cứu sâu về nó, làm sao có thể bằng người trùng sinh như nàng.
Sau khi Phàm Sinh giận dữ mắng mỏ, nàng dứt khoát đổi từ ngồi quỳ chân thành ngồi vắt chân sang một bên, tay cầm chén rượu, ngữ khí ngả ngớn nói:
- Dù chưa từng đọc qua, nhưng chỉ nhìn mấy chữ ngoài bìa sách là có thể đoán được, không phải chính là mấy lời ngôn luận tu thân của Vệ tử sao? Ngay khi quốc gia tràn ngập nguy nan, vậy mà ông ta lại bỏ mặc không quan tâm, để lại mọi thứ cho thứ đệ, trốn vào trong núi theo đuổi cái mà người ta gọi là hiền danh, có gì đáng để ta phải kính trọng?
Năm đó Vệ Tử thân là hoàng tử tiền triều Đại Ngụy, lại nhượng hiền cho thứ đệ khác mẫu. Cho dù đệ đệ có phóng hỏa đốt rừng mời ông ta ra kế thừa vương vị, ông ta cũng không chịu ra, hiền đức tới bực này, vậy mà vẫn luôn được thế nhân tôn sùng.
Mà hiện tại, vị tiểu vương tử Ba Quốc Khương Hòa Nhuận lại đưa ra quan điểm không giống mọi người, không khỏi khiến cho ánh mắt mọi người sáng lên.
Ngay cả vị Hoàng thái tử luôn lạnh nhạt cũng không nhịn được nhìn về phía vị công tử tiểu Khương này.
Phàm Sinh tính tình nhã nhặn, hoàn toàn bị tên chất tử nhà quê này chọc giận, lại ngồi xuống lần nữa, đưa tay lấy ra một cuốn sách, cũng chẳng quan tâm không khí ở trong phòng có uế hay không, cao giọng đọc một đoạn văn trong sách.
Sau khi đọc xong, hắn trừng mắt nhìn Khương Tú Nhuận:
- Nghe lời quân nói, chắc tự cho mình là người có học vấn cao hơn Vệ tử, vậy ngươi hãy nói xem, đoạn ta vừa đọc, phải giải thích như thế nào?
Hắn vừa nói xong, toàn thân Khương Chi đều đổ mồ hôi lạnh.
Cách văn sĩ thời tiền triều Đại Ngụy dùng câu, khác hẳn với các dùng câu của nhân sĩ Trung Nguyên, so với từ ngữ đương thời lại càng cách xa nhau một trời một vực. Mà hắn tuy ở Ba quốc mặc dù tu tâm học hỏi kinh thư thánh nhân, nhưng đối với hành văn của văn sĩ của tiền triều Đại Ngụy lại chẳng hiểu biết nhiều.
Đoạn văn mà Phàm Sinh vừa mới đọc, từ ngữ đều là mấy từ tối nghĩa khó hiểu, hắn nghe từ được từ không, vậy thì muội muội chỉ biết vài chữ của mình sao lại có thể hiểu được cớ chứ?
Hắn đang định mở miệng thay muội muội giải vây, xin lỗi Phàm Sinh, thì Khương Tú Nhuận lại ung dung nói:
- Đoạn này là nói phụ mẫu sinh dưỡng chính là ân nhân của mình, cho nên phải lấy những cực khổ của phụ mẫu thành cực khổ của bản thân, phải đem hết khả năng của mình ra, khiến cho phụ mẫu vui vẻ. Nếu như phụ mẫu chán ghét mà bỏ rơi mình, thì không được tự thương xót bản thân, phải coi mình như loài rắn chuột tránh người, phải tự giác tránh khỏi tầm mắt của phụ mẫu...
Nói đến đây, nàng dừng lại một chút, mắt phượng hơi nhếch lên, khinh miệt nói
- Đây hoàn toàn là lời mà kẻ thiếu hụt tình thương của phụ thân nói ra. Thân là trưởng tử, phụ thân thất đức, chuyên sủng ái thiếp thứ tử, không nhắc nhở phụ thân phải giữ đức hạnh, ngược lại cho rằng bản thân loại rắn chuột trốn mình nơi rừng núi... Không bằng rắm chó, thối không ngửi được! Thiển nhi, tạt nước!