Lại hơn một năm nữa trôi qua. Cậu hai Sơn đã thực hiện đúng như lời nói của mình, trở về quê giúp ông Lý quán xuyến nhà cửa, có điều nay nhà cậu đã không còn là phú hào năm xưa. Ở cái thời chiến loạn như này, nào ai có giữ được sự giàu sang mãi mãi? Ông Lý nghe lời cậu hai khuyên, hiến ruộng đất cho Đảng, chỉ giữ lại một phần nhỏ cho cả nhà sống thảnh thơi. Ông Lý dù sao cũng thuộc lớp xưa, không muốn con cháu ra chiến trường bởi sợ cảnh đầu bạc tiễn đầu xanh, nhưng cũng có lòng yêu nước vô bờ, nên chủ động dùng ruộng đất coi như góp một phần cho những anh hùng ngoài chiến tuyến chống lại lũ Tây kia, tự mình xoá đi hai chữ “phú hào”, coi như đổi lại cuộc sống bình thường, không lo ăn mặc.
Cậu hai Sơn ngày nào nay đã cao lớn, vẫn trắng trẻo nhưng không còn mềm mại, mà từ bề ngoài đến tính cách đều đã trở nên rắn rỏi. Chỉ khác với lời nói của cậu, cậu sống bình an, nhưng không lập gia đình.
Ông Lý không phải chưa từng hối thúc cậu, nhưng trong thời chiến này, bản thân sống hôm nay chưa chắc đã có ngày mai, ông hối một vài lần không được cũng thôi. Ông lớn tuổi rồi, giờ chỉ thích cầm lồng chim dạo quanh ngắm làng ngắm xóm, sợ sau này chiến loạn kéo tới đây thì chẳng còn gì mà nhìn. Còn cưới sanh ấy thì mặc con cháu tự lo, ông đâu lo mãi được.
Cậu hai Sơn không muốn lập gia đình, bởi lời hứa sẽ chờ anh Dũng trở về. Cậu có linh cảm rằng cái bí mật của anh Dũng cũng giống cái bí mật của cậu, cậu sợ nếu cậu cưới vợ sanh con thì cái bí mật đấy sẽ bị anh Dũng giấu đi, mà cậu cũng hối hận suốt đời.
Nhưng nói là thế, chứ ngày này qua tháng nọ, gần hai năm mà anh Dũng vẫn chưa về. Mấy cuộc khởi nghĩa, mấy cuộc đấu tranh bị đàn áp đẫm máu, mỗi lần cậu nghe được tin báo chỗ này bị Pháp đánh giết, chỗ kia bị Pháp bắt đi thì lại lo đến mất ăn mất ngủ. Mỗi lần cậu hỏi thăm trên tỉnh lại không có nhận được tin tức gì của anh Dũng, mà chỉ có giấy báo tử của những người lính từ chiến trường, cậu lại bắt đầu khấn thần khấn trời rằng trong những tờ đó không có ai tên Hồ Dũng.
Bẵng đến gần cuối năm, anh Dũng trở về trong nước mắt của cậu hai Sơn, nhưng không phải là đi về, mà được khiêng về…
Anh Dũng bị thương nặng sau quãng thời gian bị bọn Pháp tra tấn…
Cái ngày gặp lại, ai cũng tưởng chừng như anh Dũng đã sắp không qua khỏi, vậy mà bằng cái sự kiên cường nào đó, anh lại có thể tiếp tục điều trị và bắt đầu hồi phục.
Những ngày đầu tiên, anh chỉ có thể lẳng lặng nhìn cậu hai Sơn, nhìn cậu dùng hai tay che lại để ngăn đi tiếng khóc, mãi đến vài tháng sau mới có thể mở miệng nói chuyện, nói những từ ngắt quãng, dưỡng thương hơn một năm trời mới có thể nói được bình thường, chập chững đi lại mà không cần ai đỡ tay.
Lại trôi qua vài tháng, cuối cùng anh Dũng cũng có thể hoạt động đi đứng như người thường, cậu hai Sơn cũng có thể trút được cái phiền não trong cả năm nay xuống, hai người lại có thể giống như ngày xưa, đèo nhau trên chiếc xe đạp, cảm nhận cơn gió mùa hạ nhẹ nhàng xuyên qua từng lọn tóc.
“Cậu Sơn có còn nhớ, lúc trước tôi bảo nếu tôi sống sót trở về sẽ nói cho cậu bí mật của tôi không?” Anh Dũng dừng xe lại gác qua một bên rồi chậm rãi đi bộ đến cái gốc cây đa đầu làng, phía sau anh là cậu hai Sơn.
“Tôi vẫn nhớ, chẳng hay anh Dũng có còn giữ?”
“Vẫn còn, và bây giờ tôi đang muốn nói cho cậu Sơn biết bí mật ấy đây.”
Bỗng anh Dũng xoay người lại, nhìn thẳng vào mắt cậu hai Sơn, nhẹ nhàng nói: “Cậu hai Sơn, tôi dùng năm sáu năm nay để nghĩ và nhìn nhận về trái tim này, mà tôi không phải là người lý trí. Tôi vẫn chưa trả xong nợ nước, vẫn chưa báo thù cho gia đình, nhưng tôi sợ nếu không nói thì sau này tôi không còn cơ hội…”
Anh Dũng ngập ngừng một lúc rồi nói tiếp: “Cậu Sơn này, mấy năm nay tôi không có suy nghĩ lấy vợ sanh con, bởi vì tôi không có cái sự thích thú giữa một người đờn ông với một người đờn bà. Điều khiến tôi kiên cường khi nhận đòn roi của lũ thực dân là Cậu Sơn đây. Cậu Sơn, cậu có thể chấp nhận lời thỉnh cầu của tôi, rằng tôi muốn chăm sóc cậu đời này, chăm sóc đến khi tóc cậu bạc trắng, đến khi chúng ta nằm yên trên chiếu không?”
Cậu hai Sơn đã từng mường tượng tới cái cảnh anh Dũng nói lời thương, cậu cũng từng nghĩ cảnh mình sẽ khóc ré lên như một đứa trẻ, hoặc là cười to trong sự vui sướng. Nhưng đến khi chuyện này xảy ra thật, thì cậu lại bình tĩnh đến lạ, mãi một lúc sau mới lên tiếng: “Sau này anh Dũng có tiếp tục đi kháng chiến không?”
“Có… Đảng An Nam Cộng Sản đã hợp nhất với mấy đảng khác thành Đảng Cộng Sản Việt Nam, tôi sẽ tiếp tục theo Đảng Cộng Sản mà chiến đấu…”
Nói đến đấy anh Dũng dừng lại. Anh không biết phải nói tiếp như thế nào. Mình vừa nói muốn chăm sóc người ta, vậy mà tiếp theo lại đi ra chiến trường, vậy thì chăm sóc kiểu gì?
“Tâm anh Dũng còn nặng nợ nước, nào có thể lưu lại mà chăm sóc tôi. Thôi thì thế này, lời nói anh Dũng tôi chấp thuận, nhưng cũng xin tạm lưu lại nơi này, đợi ngày anh hoàn thành tâm nguyện thì quay về đây, thực hiện lời nói hôm nay của anh, chăm sóc tôi đến hết đời. Anh Dũng thấy ý này thế nào?”
Anh Dũng không nói gì cả, bởi mắt anh đã hơi ươn ướt. Anh tiến lại gần cậu hai Sơn, không biết nói gì chỉ đành ôm cậu vào lòng, đôi bàn tay chai sạn vì những ngày tháng cầm súng khẽ luồn qua những ngón tay thon dài của người kia, nắm chặt lại.
“Vậy mong cậu Sơn giữ dùm tôi lời hứa, đợi kháng chiến thắng lợi tôi xin được quay về với cậu.”
…
Một lần đợi, là đợi hơn hai mươi năm ròng rã. Cậu hai Sơn từ chàng trai trẻ trung nay tóc đã lấm chấm muối tiêu, đợi từ cái lúc cây mận còn non đến lúc nó to cao vững vàng, mà anh Dũng vẫn chưa quay về.
Có nhiều người ngỏ ý mai mối cho cậu hai Sơn, nhưng chẳng ai làm cậu vừa ý, không lý do này lại lý do kia, nhưng đa số mọi người đều hiểu là cậu đã có người thương, còn đang đợi người ta quay về, dần dần rồi không còn ai tới làm mai cho cậu nữa. Người ta vừa khen cậu chung tình, vừa thương cảm cậu số khổ. Sao mà không khổ khi đợi một người nào đó hơn hai mươi năm mà chẳng có tí tin tức gì, giờ đã qua tuổi xế chiều, có khi phải sống cô độc mãi đấy.
Nhưng chỉ có cậu hai biết rằng, bản thân cậu không có cô đơn. Cậu lâu lâu vẫn nhận được lá thư bình an do anh Dũng gửi về, đôi khi là kể chuyện chiến tuyến, lúc lại hỏi thăm sức khoẻ cậu, đôi hôm còn viết mấy dòng thư tình tỏ nỗi nhớ mong khiến cậu hai Sơn lúc nào cũng vui vẻ.
Chỉ có mấy năm gần đây, chiến dịch ngày càng căng thẳng, anh Dũng cũng không còn gửi thư về nữa. Ngày ngày cậu không biết làm gì, đành dùng con xe đạp được mua giống y con xe đạp cũ của anh Dũng, đạp vòng vòng quanh làng. Người trong làng bảo cậu đi hóng gió đấy, nhưng chỉ có cậu mới hiểu, cậu đạp thế hy vọng có ngày anh Dũng về, cậu có thể đón anh sớm hơn, tự mình chở anh về nhà.
Và như cậu ước nguyện, có một ngày, Anh Dũng – trong bộ đồ người lính – đã thực sự trở về. Anh không còn là trai tỉnh hay cười như trước, mà cũng như cậu hai Sơn, bị thời gian in hằn lên người những nếp nhăn, chỉ là nụ cười vẫn đẹp như thuở cả hai mới gặp nhau.
“Cậu Sơn, tôi đã về rồi.”
Anh Dũng ngồi phía sau yên xe mỉm cười, đôi mắt in hằn dấu chân chim.
“Tôi biết mà, may mắn quá, thần Phật phù hộ anh bình an trở về.”
“Cậu Sơn này, bây giờ chính quyền Pháp đã ký hiệp định Giơ – Ne – Vơ rồi, lũ hại cha mẹ tôi cũng đã bị tôi tự tay tiễn đi rồi. Bây giờ….”
Bỗng anh Dũng ngưng lại, rồi choàng hai tay qua ôm eo người trước mặt, dịu dàng nói: “Lời nói chăm sóc cậu lúc trước, bây giờ có thể cho tôi thực hiện không?”
Cậu hai Sơn mỉm cười nói: “Có thể.”
Hình bóng hai người trên chiếc xe đạp ngày càng xa cái cổng đầu làng, chỉ để lại dư âm ngọt ngào, của một mối tình không cần nói ra.