Hiện giờ Thủy Thời đã không sợ hai con chó sói như xưa, cậu chỉ thấy khó hiểu về việc người đàn ông kia phái chúng đến trông coi mình. Hơn nữa, mắt sói cũng không dữ tợn lắm, cùng lắm là trông lanh lợi và háu ăn thôi...
Nghĩ đoạn cậu cầm dao xương, xẻ mấy miếng thịt tại vị trí vết thương trên cổ con hươu đực, xiên chúng bằng một cành cây vót nhọn rồi nướng chín bằng lửa.
Phải nói là bụng đói cồn cào! Nhưng không dám ăn thịt rắn vì sợ độc, nên cậu chỉ đành ngồi chờ thịt hươu chín trong tâm thế vô cùng nôn nóng. Thủy Thời liên tục lật cành cây, thịt bị thiêu phát ra những tiếng xì xèo, mỡ hươu rơi vào lửa không ngừng khiến lửa bùng lên cao hơn nữa.
Thơm quá đi thôi! Phần thịt bên ngoài đã chín, Thủy Thời liền xẻo ra ăn. Tuy không tẩm ướp thêm gì nhưng sự tươi mới của thịt hươu đã trở thành hương vị tuyệt vời nhất với cái bụng đói meo của cậu.
Thịt cổ còn khá sống, nếm thử thấy vừa thơm vừa dai. Chẳng qua ăn ngấu nghiến kiểu này làm Thủy Thời hơi nghèn nghẹn. Ăn xong khát nước, cậu lại bào một lớp tuyết mỏng và sạch ngay gần kề, đựng trong chiếc bát sứ vỡ mất một nửa, đợi tan rồi uống. Vị của nó không ngọt như vị tuyết trong thôn mà còn mùi lưu huỳnh thoang thoảng, nhưng Thủy Thời thây kệ, cậu cứ thế uống từng hớp lớn.
Bụng dạ vững hơn rồi thì Thủy Thời mới đỡ choáng đầu, tay chân bớt run, bắt đầu có sức làm việc. Việc đầu tiên Thủy Thời làm là nhóm thêm củi nhằm giữ lửa cháy lâu. Sau đó cậu dùng chiếc đao xương hơi mòn để lột da con thú. Vùi đầu mày mò hồi lâu, cuối cùng cậu cũng tìm ra bí quyết.
Cần bắt đầu rạch da từ chân hươu rồi lột dần từ chân lên đầu, vừa làm vừa khía đứt gân và lớp màng gắn giữa da và thịt. Thủy Thời vật lộn cả buổi mới lôi ra được một tấm da tương đối hoàn chỉnh, nhưng vẫn thấy khá tự hào.
Một mình cậu không ăn được nhiều thịt lắm, Thủy Thời đành phải ghì chặt từng khớp xương hươu để cố tách tứ chi, còn việc chặt nhỏ các khúc xương thì con dao cùn của cậu không cáng đáng nổi, cậu cũng vì thế mà bỏ qua luôn.
Nội tạng hươu rừng không dễ bảo quản, song lại giàu chất dinh dưỡng, do đó ngoài hoang dã thì chỉ có các thành viên nòng cốt của bầy sói mới được phép ăn.
Ban đầu Thủy Thời định đào hố chôn nội tạng hươu, nhưng liếc thấy hai cặp mắt sói xanh lè đằng trước, ngẫm nghĩ chốc lát, cậu lại xử lý ruột rồi thả chung số nội tạng lên mấy nhánh dây leo và cẩn thận đẩy về phía hai con sói.
Hai con sói canh này vốn là "nhân vật" bên lề trong tộc nên bình thường không được ăn hàng cao cấp thế. Chưa kể, từ khi phát hiện ra Thủy Thời, người anh em cao quý của Vua Sói đã lệnh cho chúng nó phải trông chừng cậu, thành thử ra bây giờ chúng cũng khá là đói bụng.
Một trong hai con thận trọng lùi về sau mấy bước, thấy Thủy Thời không tiến lên mà chỉ đặt đồ ăn xuống rồi quay lại bên đống lửa, nó mới giật mũi nhiệt tình.
Con còn lại không nhịn nổi nữa, nó nhanh nhẹn tha đồ ăn ra sau bụi cỏ và đánh chén hăng say. Con cẩn thận cũng hết do dự, nhưng nó thông minh hơn, nó cắp một đầu dây leo, thế là kéo theo được toàn bộ số đồ ăn còn lại.
Hai con sói thập thò sau bụi cây bụi cỏ, hai chân trước ôm nội tạng mà nhai sướng híp cả mắt vào. Nhưng chúng vẫn không quên ngẩng đầu lom lom nhìn về phía Thủy Thời qua một khe hở.
Thủy Thời thấy vậy thở phào, chúng ăn no là được, no rồi sẽ không ăn mình nữa! Thế là cậu lại ném thêm mấy khối thịt qua...
Nhác thấy đám sói đã xơi sạch lòng mề, cậu mới vác số thịt hươu được phân chia cẩn thận lên nhà cây, dùng dây leo vừa bền vừa chắc bện sơ sơ thành một chiếc chiếu lớn, rồi dùng chiếu bao lấy số thịt và đặt chúng tại vị trí lạnh nhất phía sau nhà. Tuy không có muối giữ tươi nhưng may sao trời lạnh, vẫn để thêm được một thời gian ngắn.
Lọ mọ xử lý thức ăn xong thì trời đã về khuya. Tiếng kêu của những sinh vật nhỏ không ngừng dội lại từ bóng tối, chốc chốc là tiếng sơn ca, chốc chốc là tiếng dế rả rích liên hồi, tất cả vẽ nên sắc màu nhàn hạ cho bức tranh đêm. Nhưng Thủy Thời biết ẩn giấu đằng sau vẻ yên bình này là nguy hiểm chất chồng.
Cậu ngồi rất lâu bên đống lửa, lượm thêm mấy lượt củi rồi mà vẫn không thấy người đàn ông có cặp mắt sói màu vàng kia quay lại. Suy tư chốc lát, Thủy Thời quyết định không chờ đợi thêm, cậu cần phải nghĩ cách qua đêm trong rừng để phòng tránh bản thân bị chết cóng.
Nhà cây dù an toàn hơn nhưng lạnh quá, chưa kể không thể nhóm lửa trên đấy được. Hiện tại cậu chỉ có một tấm da hươu tươi sống bên mình, rất dễ tiêu đời vì lạnh trong khi đang ngủ.
Thủy Thời nhìn đống lửa đang không ngừng tạo ra tro nóng, có cách rồi!
Nghĩ đoạn cậu vãi tro tàn còn lấp lánh đốm lửa dưới khoảng đất dưới cây cổ thụ, phủ đất lên trên, rồi lại trải lớp da hươu lên trên cùng. Đợi ủ chốc lát là hơi ấm hầm hập như thể một chiếc giường sưởi đích thực.
Hành động này không hao sức, Thủy Thời ngồi trên giường sưởi, dựa vào thân cây, gió lạnh vẫn heo hút xung quanh người cậu.
Thủy Thời gom số cành củi chưa thiêu vào một chỗ và bó chúng lại thành một cây cột trụ bằng dải lụa đỏ trói mình; đoạn giằng ít dây leo, đan thành lưới dày, phủ lên cột trụ. Cuối cùng, cậu trộn lẫn đất sét và lá khô rồi trát lên các mắt lưới còn bỏ ngỏ.
Như vậy là cậu đã làm xong một căn lều tam giác sơ sài. Thủy Thời phì cười, cậu không ngờ nghề đan móc cậu học khi rảnh rỗi lại có tác dụng bây giờ. Nhớ đến đôi găng tay đan dở cho ba mẹ, cậu thấy đáy lòng tiếc nuối và đau thương.
Cậu hít sâu, "Được rồi, nghĩ nhiều vô ích!"
Thủy Thời vực dậy tinh thần. Cậu quan sát cái ổ bé con trước mắt, phủi phủi đất cát và vụn cỏ trên người rồi ướm mình nằm thử, quả nhiên là thư thái!
Hai bên được đất và lá khô che khuất nên không lọt gió, đằng sau tựa thân cây nên cũng chẳng lạnh run. Chỉ có mặt trước là không có gì che chắn, nhưng Thủy Thời mệt quá rồi, thể lực và tinh thần của cậu đều tiêu hao sạch sẽ.
Cậu bò ra ngoài dập lửa rồi dùng cây cỏ đất cát phủ lên những vết máu hươu. Xong xuôi Thủy Thời lại quay về cái ổ, nằm nhoài trên tấm da hươu và ngủ thiếp đi ngay lập tức.
Thủy Thời mệt rũ cả người, trong cơn mơ màng cậu vẫn còn lo lắng, liệu thú hoang có tấn công lều vải của mình không? Mình phải tỉnh dậy và chạy lên nhà cây thôi!
Để rồi cậu lại như người đã nhìn thấu trần gian, chẳng màng sống chết, "Quên đi. Không nghĩ nữa, mình đã cố hết sức rồi, có gì tùy duyên vậy."
Bên kia, sau khi đánh chén no nê, hai anh sói xanh lại ngồi theo dõi cậu thú hai chân yếu đuối đang hì hụi đằng xa trong tâm trạng nhàm chán. Cậu ta cứ đào đó đào đây, cuối cùng còn làm ra một cái ổ. Hai con sói lớ ngớ nhìn nhau, "Thú cái đào hang đẻ con ư!"
Nhưng tiếng ngáy nhỏ xiu truyền ra từ ổ bé đã thông báo với hai con sói đực ngu đần rằng: nào có, đằng này chỉ ngủ thôi mà.
"..." Làm hai con sói rất chi là ngơ ngác.
Hai con sói cho rằng cậu thú ngủ say tuy vừa lập dị vừa yếu ớt, nhưng được cái rất "ngoan"! Cậu ta dâng cho chúng hết thảy số nội tạng tinh hoa, có cả lá gan to oành của con hươu nữa!
Giỏi, đối lang xử thế quá tuyệt vời!
Đã thế thì tạm thời thu làm thằng đệ vậy! Mà nhân danh "đại ca", chúng đành miễn cưỡng bảo vệ sự an toàn cho đàn em yếu nhớt của mình.
Thế là, hai con sói đứng chót bầy, chẳng có gì để kiêu căng, nay ngẩng đầu ưỡn ngực tiến đến cạnh ổ nhỏ của Thủy Thời. Chúng cúi đầu chun mũi, hơi ấm bỗng chốc phả vào mặt chúng.
Hai đứa chúng nó do dự hồi lâu, cho đến khi gió rét thổi qua gây ngứa mũi. Con khôn lỏi hơn nhúc nhích đôi tai, cẩn thận chui vào và trở mình một cách vất vả trong cái lều chật chội. Đầu hướng ra ngoài, nó nằm ườn nửa mình trên tấm da hươu đực.
Con còn lại học theo, cũng cắm chốt ở cửa lều ấm áp. Hai con sói cùng ngủ một hồi rồi bắt đầu thay phiên canh gác và quan sát rừng cây. Đây là thói cẩn thận bản năng của chúng, dù khu rừng thuộc lãnh địa Thần Sói thì cũng không lơ là được!
Thủy Thời ngủ say sưa hoàn toàn không biết đến chuyện này. Hậu duệ của Thần Sói tại vùng rừng núi nơi đây là các thợ săn hàng đầu, chúng có thể lặng lẽ áp sát bất kỳ con mồi cảnh giác nào nữa là một con người chưa có kinh nghiệm sinh tồn ngoài hoang dã.
Thủy Thời chỉ biết rằng, chẳng hiểu sao mà cậu càng ngủ càng thấy ấm. Cảm giác cứ như thể vùi mình trong chăn nệm mềm mềm, một cảm giác vô cùng thư thái.
Cùng thời gian, A Sử Na Phù Ly- huyền thoại giữa bầy sói Đông Sơn, đang cau mày trong ổ sói.
Hắn nhìn hai vợ chồng Vua sói trắng to cao lực lưỡng đang rón rén tha con vào ổ hắn. Tính cả hai con trong miệng chúng thì đây đã là con thứ sáu luôn rồi.
Hắn xoay phắt người, đối diện với hai con sói trắng, cổ họng phát ra tiếng "gừ rừ", sau đó còn nhe răng chớp mắt. Răng hắn vừa trắng vừa đều với hai chiếc nanh sói nhọn hoắt và sáng choang choang.
Về chuyện vì sao lại xảy ra cơ sự này, thì đều có nguyên do cả.
Sói Đông Sơn khác sói thường ở chỗ: chúng cao lớn, mạnh mẽ, nhanh nhẹn, thông minh hơn. Các đời sói Đông Sơn đều do sói trắng đảm nhiệm vai trò sói đầu đàn, sói đầu đàn dẫn dắt các sói ưu tú trong bầy đến cư ngụ tại ổ sói, những thành viên xuất sắc nhất có thể sống trên bốn chục năm. Mỗi đời thủ lĩnh đều phải trải qua huấn luyện và dạy dỗ nghiêm khắc thì mới có tư cách lãnh đạo bầy đàn.
Mà gửi gắm sói con cho kẻ mạnh nhất bầy nuôi dưỡng đã trở thành phong tục vững bền của loài sói.
Phù Ly được Vua Sói tiền nhiệm nhận nuôi từ lúc mới sinh, hắn lớn lên bằng chính sữa của Nữ vương sói, là anh của Vua sói đương nhiệm, nên bảo hắn chăm sóc Vua sói trẻ tuổi từ bé đến lớn cũng chẳng ngoa.
Để dạy dỗ đời sau thì không ai thích hợp hơn người "anh cả" của Vua sói này. Huống hồ, Phù Ly đã trở thành kẻ mạnh nhất bầy, làm bầy sói phải ngả mũ bái phục dù không được trời phú cho thân hình của sói.
Phù Ly nhìn đám "cháu" vừa dứt sữa, còn không ngừng áu áu đằng kia mà cáu bẳn. Thằng em nhà hắn không phải không muốn dạy dỗ Vua sói đời sau, mà là năm nay đẻ quá lắm, không muốn nuôi thôi!
Hắn cũng không nói nhiều, chỉ chọn một con yên tĩnh, nhét vào bộ áo da thú của mình rồi rời ổ sói và băng qua rừng núi.
Vợ chồng Vua sói mới được mười mấy tuổi, hẵng còn trẻ người non dạ chán. Thấy anh mình chuồn mất thì chúng cũng chỉ ngại ngùng tha đám sói con léo nhéo còn lại về hang động.
Vua sói rất tôn trọng "người anh cả" của mình. Tuy là một thủ lĩnh tuổi tráng niên có sức mạnh có trí tuệ, nhưng nó vẫn hơi sợ Phù Ly, mỗi lần nhìn thẳng vào cặp mắt vàng sậm của đối phương là nó lại thấy vừa thân thương vừa nể phục.
Ôm bé sói trắng vào lòng, Phù Ly nhớ đến con thú mà hắn cách đây không lâu hắn nổi hứng cứu sống. Như thợ săn Hạ nói thì cậu ta không gọi là thú, phải gọi là người; giữa ấn đường có nốt ruồi son, khả năng là giống cái. Chẳng trách, chắc tại bé thú này quá yếu nên mới bị thành viên cùng tộc vứt bỏ.
Thợ săn Hạ là một ông lão tự dưng đến núi, rồi ở lại nhà cây sau khi nhận được sự đồng ý của cựu Nữ vương sói. Ông dạy Phù Ly nói tiếng người, bắn tên, tập võ, và dùng công cụ. Chẳng qua chưa được bao lâu thì ông qua đời. Vì vậy vào năm mười mấy tuổi, Phù Ly lại trở về với cuộc sống của bầy sói và chưa từng nói tiếng người từ đấy đến nay.
Hắn khác với các "anh chị em" trong bầy sói, bản thân hắn nhận thức rõ điều này, do đó hắn vừa sống kiểu quần cư, vừa sống kiểu độc lập. Chắc hẳn Vua Sói- thằng em trai cùng một mẹ nuôi lớn cũng sợ hắn cô đơn, nên cứ sểnh ra là lại tha sói con vào hang của hắn. Nhưng nói thật là, phiền.
Nghĩ đến "con người" bản thân nhặt về, lại nhìn oắt con lông trắng trên lồng ngực, Phù Ly cau mày, dạo này hắn phải nuôi nhiều thứ quá.