Chuyện Xưa Ở Đào Gia Thôn

Chương 100: Phan chưởng quầy tính kế



Vừa qua mùng 7 là Đại Bảo và Nhị Bảo lại phải lên trấn trên.

Hôm nay Phùng bà tử của cửa hàng tạp hóa Phùng thị ở cùng con phố với Duyệt Lai Phạn Quán tới tìm Phan chưởng quầy tìm hiểu tình huống của Đại Bảo, nói là thân thích nhà bà ta có đứa con gái tuổi xấp xỉ Đại Bảo nên bà ta có tâm muốn làm mai cho hai bên.

Không hiểu sao trong lòng Phan chưởng quầy lại thấy không vui nhưng đương nhiên ông ta không thể hiện ra mặt mà vẫn tươi cười kéo bà tử kia ra một chỗ khác và nói: “Phùng đại nương hỏi ta là hỏi đúng người rồi, chúng ta ở chung con phố nhiều năm như thế nên ta cũng nói thật với bà. Đứa nhỏ này ta thấy cũng tốt, nhưng nhà hắn nghèo khó lắm, một nhà mười mấy người sống chung, ngày tháng trải qua khổ cực. Hơn nữa trong nhà có tận 7,8 đứa cháu trai, chỉ có mỗi thằng bé này tuổi hơi lớn một chút nên phải ra ngoài kiếm tiền nuôi người nhà. Nếu bà làm mai cô nương nhà thân thích cho hắn mà sau này khổ quá thì chẳng phải bà sẽ bị người ta oán hả? Hơn nữa nhà nghèo như thế gặp được một người họ hàng mở tiệm tạp hóa chẳng phải sẽ thường xuyên liên lụy khiến cuộc sống của bà sau này không yên sao?”

Phùng bà tử cười khổ và ngượng ngùng nói: “Ta thấy đứa nhỏ này lớn lên cao gầy, làn da trắng nõn thì còn tưởng nhà hắn không đến nỗi. Không nghĩ tình huống trong nhà hắn lại như thế!”

Phan chưởng quầy giật giật khóe miệng và tiếp tục nói: “Lúc hắn vừa tới khẳng định là bà không để ý, hắn gầy như cái gậy ấy. Ta cũng thấy hắn đáng thương nên mới giữ hắn lại làm việc, mỗi tháng trả 500 văn tiền công. Nhưng hắn còn phải nuôi người nhà nên chẳng giữ được chút nào, quả thực đáng thương! Một ngày ba bữa cơm ta cũng để mặc hắn ăn, nhưng mà hắn ăn nhiều lắm, ta cũng xót ruột. Có điều ta là người hay mềm lòng, bà cũng chẳng lạ gì, thấy hắn đáng thương ta cũng kệ hắn thích ăn bao nhiêu thì ăn. Hắn ở nhà ta ba năm mới dưỡng ra được bộ dạng bây giờ đó.”

Phùng bà tử lại nói: “Ta thấy Hồ thị y quán ở phía sau phố này có tiểu học đồ hay qua lại với hắn, mặt mày cũng rất giống, chẳng lẽ là anh em sao?”

Phan chưởng quầy buồn bực muốn chết nhưng vẫn cười nói với Phùng bà tử: “Phùng đại nương, đó có phải anh em hắn đâu, là thân thích cùng thôn thôi. Ngày thường hắn thường nhờ người ta mang tiền về nhà để nộp thuế ruộng gì đó. Bà cũng đừng hỏi thăm nữa, nếu để người nhà hắn nghe được tiếng gió thì bọn họ sẽ lập tức bò tới bám vào bà đó!”

Phùng bà tử gật đầu cảm kích nói: “May có Phan chưởng quầy, ta mà không hỏi thì cũng không biết được. Vừa hỏi đã hoảng, cửa hôn sự này nghĩ cũng chẳng cần nghĩ nữa, không thể hại cháu gái nhà mẹ đẻ của ta được!”

Phan chưởng quầy cười tủm tỉm tiễn Phùng bà tử đi sau đó nhìn Đại Bảo đang bận rộn thì trong lòng không nhịn được nôn nóng. Vừa tiễn Phùng bà tử đi ông ta lại vội vàng đi tìm bà mối Triệu để hỏi tình hình kén rể.

Bà mối Triệu tươi cười nói với ông ta mấy nhà nguyện ý để con ở rể nhưng vừa mới kể tới gia thế và nhân phẩm thì Phan chưởng quầy đã tức giận đến độ đập nát cái chén. Trong số những người kia có hai kẻ ông ta biết, là đám lưu manh vô lại nổi danh trên trấn này. Cả ngày hai kẻ đó chỉ làm những chuyện trộm cắp, không an ổn làm cái gì. Còn hai kẻ còn lại thì một người tuổi đã lớn, một người chân có tật. Phan chưởng quầy đen mặt nói: “Ta đã bảo sẽ không thiếu tiền công cho bà thế mà bà lại tìm mấy cái thứ rác rưởi thế này à? Con gái thân thích của ta sao có thể gả cho người như thế được, chẳng phải ta đã đưa ra yêu cầu cụ thể cho bà rồi ư? Sao bà không dựa theo yêu cầu của ta mà tìm? Những kẻ không thích hợp cũng đừng nhắc tới với ta làm gì!”

Bà mối Triệu vội vàng cười làm lành và nói: “Phan chưởng quầy, ông bớt giận đã! Ông nghe bà tử ta nói một câu. Tiền thì có ai không muốn kiếm, hơn nữa ông lại ra tay hào phóng như thế thì ta cũng chẳng ngại khó. Nhưng ta chỉ cần mở mồm nói ra chuyện ở rể là nhà nào cũng không vui, ông không biết ta bị đuổi ra khỏi cửa bao nhiêu lần rồi đâu. Hai tên lưu manh này cũng là nghe tiếng gió chủ động tới tìm ta chứ có phải ta đi tìm bọn họ đâu. Còn người tuổi lớn này cũng vì nhà nghèo quá không cưới được vợ, còn người cuối cùng này thì ta không nói ông cũng biết rồi.”

Phan chưởng quầy nghĩ một lát mới nói tiếp, giọng điệu cũng khá hơn nhiều: “Xin lỗi Triệu đại nương, bà đừng chấp cái tính nôn nóng của ta, chỉ cần vừa nóng lên là ta đã không cân nhắc nặng nhẹ, mong bà thông cảm! Aizzz! Cũng trách thân thích nhà ta cứ thúc giục mãi, làm phiền bà lại tìm kiếm thêm đi.”

Bà mối Triệu cười nói: “Phan chưởng quầy cứ yên tâm đi! Ta ăn bát cơm này thì đảm bảo sẽ khiến thân thích nhà ông vừa lòng đẹp ý!” Nói xong bà mối Triệu đứng dậy uống sạch chén trà trên bàn rồi muốn đi. Phan chưởng quầy tươi cười tiễn bà ta ra cửa.

Nói tới Phùng bà tử của tiệm tạp hóa sau khi nghe xong tin tức của Phan chưởng quầy thì đã thêm mắm thêm muối truyền ra ngoài. Những nhà sớm có cùng ý tưởng nghe thấy thế thì lập tức thôi luôn. Đương nhiên những việc này Đại Bảo không hề biết, Phan chưởng quầy thì có nghe nói nhưng trong lòng lại thấy an tâm hơn.

Qua mùng năm tháng năm, Nhị Bảo đã làm ở Hồ thị y quán được ba năm. Lúc này hắn chính thức làm lễ bái sư và thành đệ tử thứ ba của Hồ lang trung. Hồ lang trung râu tóc bạc phơ rồi nhưng chỉ chính thức nhận ba đồ đệ, một là con trai cả của ông ta Hồ Khánh Hoa. Mà bản thân Hồ Khánh Hoa cũng là bị cha bắt đi theo con đường học y này nên chẳng có cách nào khác. Dù sao ông ta cũng là con trưởng, việc kế thừa gia nghiệp đương nhiên phải do ông ta đảm nhiệm. Người thứ hai đã xuất sư và tới huyện thành mở một y quán, nghe nói thanh danh không tồi, người nghe tiếng tới thăm không ít.

Sau đó Hồ lang trung cũng lục tục thu nhận học đồ nhưng phần lớn bọn họ đều không thể kiên trì được thời gian khảo hạch ba năm. Có mấy người kiên trì được nhưng ông ta lại ngại người ta tư chất kém, chỉ có thể làm việc vặt trong y quán chứ chưa thể trị bệnh cứu người được. Những người này sau đó được ông sắp xếp đi bốc thuốc hoặc làm ở hiệu bán thuốc.

Nhị Bảo có thể được Hồ lang trung coi trọng thì trong lòng hắn cũng cực kỳ vui mừng. Hắn nghĩ ba năm bưng trà rót nước làm việc vặt này không hề công cốc, rốt cuộc cũng có thể làm đồ đệ của Hồ lang trung nên âm thầm hạ quyết tâm nhất định phải học cho tốt.

Hồ lang trung vuốt râu cười tủm tỉm nhận trà Nhị Bảo dâng lên sau đó buông chén trà chỉ vào một cái giá chất đầy sách và nói: “Vĩnh Lân à, sách này giờ con có thể đọc rồi. Ba năm trước con xem hơi sớm, hiện tại lại vừa đúng. Trong ba năm này con đã thăm dò hết dược liệu và dược lý, còn thường xuyên quan sát ta vọng, văn, vấn, thiết, và nghiền ngẫm cách ta kê thuốc. Lúc này con đọc sách ở đây sẽ không gặp trở ngại gì, có cái gì không hiểu có thể hỏi vi sư. Hơn nữa, từ ngày mai trở đi việc vặt vãnh trong y quán con sẽ không phải làm nữa, ta sẽ để Khánh Hoa mời thêm hai người chuyên làm tạp vụ tới, còn con chuyên tâm đọc sách là được!”

“Tạ ơn sư phụ!” Nhị Bảo lại dập đầu với Hồ lang trung.

“Vi sư sẽ kiểm tra con bất kỳ lúc nào, nếu không trả lời được thì đừng trách ta phạt!” Hồ lang trung nghiêm khắc dạy.

“Đồ nhi đã biết! Đồ nhi sẽ chăm chỉ học tập, nhất định không phụ sự kỳ vọng của sư phụ!” Nhị Bảo quy củ nói.

“Còn nữa, về sau ta tới nhà ai khám bệnh con cũng cần đi theo.” Hồ lang trung nói xong thì bưng chén trà đi ra ngoài.

Cả nhà Đào Tam gia biết Nhị Bảo đã bái Hồ lang trung làm sư phụ thì đều vui mừng. Đào Tam gia vung tay lên nói: “Ngày mai ta sẽ tới Bồ gia đặt làm ngói, đợi nhà ở xây rồi phải hỏi vợ cho Đại Bảo và Nhị Bảo!”

Lý thị cười tủm tỉm hỏi: “Ông đã tính mua bao nhiêu ngói chưa?”

Đào Tam gia lập tức vỗ trán: “Ấy quên mất, quên mất, ta còn chưa tính đâu!” Nói xong ông lập tức lấy bàn tính ra đánh lách cách.

Nữu Nữu chạy tới nói: “Ông nội, để cháu tính giúp ông!”

“Được, được, quên mất nhà ta có nữ tiên sinh quản lý sổ sách.” Đào Tam gia nhường vị trí cho Nữu Nữu thế là nàng cười hì hì ngồi vào đó. Tam Bảo và Tứ Bảo cũng thò lại gần xem náo nhiệt.

Đào Tam gia nhắc mãi: “Nếu dựa theo kiến trúc của sân cũ thì một khi đám nhỏ tiếp theo lớn lên sẽ không đủ chỗ cưới vợ. Ta nghĩ đông phòng và tây phòng đều xây bốn gian, chiều dài và rộng vẫn theo kích thước nhà cũ này, nếu thêm cả tầng hai bằng gỗ nữa thì sau này chắt trai của ta có cưới vợ cũng đủ ở.”

Đào Tam gia khua tay múa chân báo mấy con số cho Nữu Nữu thế là nàng lập tức gảy bàn tính. Sau đó Đào Tam gia lại suy nghĩ một phen và lại nói ra mấy con số để nàng tính. Ông cháu hai người lại tính thêm vài lần rốt cuộc cũng định ra được số lượng chính xác.

Bồ gia ở cách khá xa nên giữa trưa Đào Tam gia mới tới. Sau khi trao đổi ngã giá với ông chủ và ước định thời gian đưa hàng cũng như giao hàng ông đặt cọc và vội vã về nhà, nhưng tới nơi trời cũng đã tối đen.

Người một nhà chờ ông về mới ăn cơm tối, khi Đào Tam gia nói ra thời gian đưa ngói Trường Phú lập tức hỏi: “Cha, ngài đã mời thợ thủ công chưa?”

“Chỗ thợ mộc ta đã nói rồi, lần trước đi họp chợ ta vừa lúc gặp Tần thợ mộc nên đã cùng hắn ngồi ở quán trà nói chuyện trong chốc lát. Có lẽ sau Trung Thu hắn sẽ tới nhà ta xử lý vật liệu gỗ.” Đào Tam gia nói, “Thợ gạch và thợ đá ta còn chưa nói chuyện, ngày khác ta sẽ đi một chuyến nữa!”

“Cha, ngài ở nhà nghỉ ngơi đi, để con đi là được!” Trường Phú nói.

“Vậy cũng được, ngày mai ta tới nhà Đào lão đại thương lượng đổi chút gỗ của tộc!” Đào Tam gia nói.

Lý thị hỏi: “Lão nhân, rừng của tộc không nhỏ, có mấy cây bách đã lớn, chúng ta có thể chọn nhiều một chút!”

“Đợi ngày mai thương lượng xong rồi nói sau! Hơn nữa, người toàn thôn đều đang nhìn đó, nếu chúng ta chọn hết mấy cây gỗ lớn mà về sau có người muốn làm nhà thì phải làm sao? Đừng vì những việc này mà nháo nhào làm mọi người đều nói sau đó biến chuyện tốt thành chuyện xấu thì thực không đáng!” Đào Tam gia nói.

“Cha nói đúng.” Trường Quý gật đầu, “Con nghe nói vài người trong thôn cũng đang có ý định xây nhà mới, chúng ta không thể để người khác mượn cớ được.”