Dây khoai lang đỏ cắt xong mang hết tới nhà Đào Đại gia và chồng chất ngoài chuồng bò để cho hai con bò già ăn dần.
Sau khi cắt sạch dây thì chỉ còn trơ luống khoai trơ trụi, bên trong đều là khoai lang, rất nhiều củ còn mọc xiên ra ngoài.
Đào khoai lang đỏ cũng yêu cầu kỹ xảo, một cuốc kia bổ xuống phải lật được đất lên, nhưng nếu sức quá lớn thì sẽ dễ dàng chặt gãy củ khoai lang. Đào Tam gia, Trường Phú và Trường Quý rất quen thuộc trong việc dùng cuốc đào luống khoai, từng dây khoai cùng với rễ bị đào lên và ném qua một bên thành đống.
Lý thị và con dâu ngồi vây quanh đống khoai rũ bớt bùn đất xuống. Khoai lang mới đào hiện ra màu đỏ tím, giống một đám con thoi phồng lên. Bọn nhỏ vui vẻ bỏ khoai lang vào sọt, ngẫu nhiên sẽ có những con sâu khoai béo núc rơi ra. Nữu Nữu sợ tới mức thét chói tai và vọt sang chỗ khác, còn Tam Bảo thì vui vẻ vươn tay bắt sâu béo bỏ vào bình đất mang về cho gà ăn. Hoàng Hoàng ngu ngốc chạy như điên trong cánh đồng khoai, nếu hứng thú nó sẽ sủa gâu gâu không ngừng.
Khi sọt khoai lang đầy Lý thị sẽ gọi Trường Phú và Trường Quý tới cõng về nhà. Khoai lang đỏ rất nặng, một sọt này phải hơn trăm cân nhưng Trường Phú và Trường Quý lại không cảm thấy gì, cứ thế cõng sọt đi phăm phăm về nhà, bỏ ra sân rồi lại cõng sọt không ra đồng.
Trong mỗi nhà đều có khoai lang đỏ chồng chất, cũng chẳng ai đóng cửa cài then, vì chẳng ai lo trộm. Chẳng người nào ở đây làm cái trò đó, quanh năm suốt tháng thu hoạch cái nọ cái kia bọn họ chẳng bao giờ đóng cửa mà cứ thế trực tiếp đặt đồ ăn trong sân trước. Thậm chí nhiều người còn chẳng đóng cửa phòng mà cứ để mở đã xuống đồng làm việc.
Chỉ có một con đường ra vào Đào gia thôn, hai bên đường là nhà của dân, chỉ cần có khách vãng lai tới thì vừa vào cửa thôn đã bị người ta nhìn chằm chằm. Đào Tam gia cũng từng kể cho con cháu nghe chuyện mình từng chứng kiến. Lúc trước có người xứ khác tới Đào gia thôn trộm măng, bởi vì không quen thuộc địa hình nên từ khi vào thôn đã bị người ta theo dõi. Mấy kẻ kia cõng sọt trốn vào rừng trúc, nhưng mới đào được mấy cây măng đã bị người của Đào gia thôn vây lấy. Bọn họ ném sọt chạy ra ngoài thôn nhưng ai biết đã có người chờ sẵn trên đường. Mấy kẻ đó nóng nảy muốn chạy tới chân núi, định lẩn vào núi sâu. Ai biết xung quanh Đào gia thôn đều là núi cao, một khi không quen đường thì căn bản không thể biết được đường lên núi ở chỗ nào. Đang lúc mấy kẻ kia lúng túng ở chân núi thì tộc trưởng mang theo người bắt được.
Nhà Đào Tam gia năm nay trồng nhiều khoai lang đỏ nên cả nhà vội mấy ngày mới thu hoạch xong. So với lúa mạch, lúa nước và ngô thì việc xử lý khoai lang đỏ đơn giản hơn nhiều, chỉ cần cất khoai vào hầm là được. Trong hầm còn có ít khoai cũ của năm trước thế nên Đào Tam gia và mấy đứa con trai lôi đống khoai đó ra để trong nhà kho.
Khoai lang mới đào năm nay còn phải chọn lọc qua một lần, những củ to và không bị tổn hao gì thì cất vào hầm, củ nào nhỏ thì để lại cả nhà ăn, củ nào bị gãy hoặc sâu thì dùng để vỗ béo cho heo.
Hầm khoai lang cũng phải sửa sang lại một chút, lần này tới phiên Đào Tam gia tự mình xuống hầm dọn dẹp đá cát vàng cũ trong đáy hầm ra. Sau đó ông ấy kiểm tra một lượt xác định không có hang chuột cùng tổ kiến thì mới bò lên. Lúc này cửa hầm sẽ được mở mấy ngày để phơi nắng.
Chờ trong hầm khô ráo cả nhà bọn họ bắt đầu công cuộc cất khoai vào hầm. Đào Tam gia ôm mấy bó rơm rạ tới và đốt rồi ném vào trong hầm, khói đặc cuộn lên cửa hầm, ánh lửa hồng rực.
“Ông nội, sao lại phải bỏ rơm cháy vào trong hầm thế?” Tam Bảo hỏi.
“Hô hô! Dùng lửa thiêu như thế thì đám trứng kiến và côn trùng trong động sẽ bị thiêu chết, lúc sau bỏ khoai vào hầm mới để được lâu. Thằng nhóc con mau học cho tốt, sau này chờ ông nội già không làm được việc nữa thì tới tụi bây xử lý hầm khoai lang nhé!” Đào Tam gia vui vẻ giải thích với mấy đứa cháu.
“Vâng!” Tam Bảo gật đầu, “Cháu nhất định học tập thật tốt!”
Đào Tam gia nghe thế thì vừa lòng xoa đầu Tam Bảo.
“Tam Bảo, đứng xa một chút! Gió thổi khói về phía này rồi.” Tứ Bảo cầm tay Nữu Nữu cùng lùi về sau.
Tam Bảo lại không lùi mà trực tiếp nhắm mắt lại, miệng cáu kỉnh: “Cái thứ không biết lớn nhỏ, Tam ca thì không gọi, toàn gọi Tam Bảo!”
Tứ Bảo le lưỡi với hắn nhưng nhất quyết không đổi xưng hô, Nữu Nữu cũng học Tứ Bảo và le lưỡi. Tam Bảo nhắm mắt lại nên không nhìn thấy thế là Tứ Bảo và Nữu Nữu vẫn cứ le lưỡi, không khác gì Hoàng Hoàng.
Đào Tam gia cười tủm tỉm kéo Tam Bảo tới bên cạnh mình, lúc này hắn mới mở to mắt và lập tức thấy cảnh Tứ Bảo, Nữu Nữu và Hoàng Hoàng đứng thành một hàng và tất cả đều đang le lưỡi với hắn. Thế là hắn cũng hăng hái le lưỡi với cả đám kia.
Đào Tam gia mặc kệ bọn nhỏ chơi còn mình thì xoay người đi ngó lửa trong hầm khoai lang. Chờ rơm rạ cháy xong ông mới cõng sọt đi đào đá cát vàng. Đá này là một loại đá màu vàng nâu dễ vỡ, đào về dùng búa gõ thành bột phấn rải dưới đáy hầm khoai lang là đảm bảo thông khí lại phòng ẩm.
Trường Quý và Trường Phú vác khoai lang đỏ tới rồi dùng dây thừng treo cái rổ và thả dần xuống hầm. Đào Tam gia ở bên dưới đón lấy cái rổ và xếp khoai lang theo thứ tự chỉnh tề dọc theo vách hầm. Ba cha con bận cả buổi trưa mới xử lý xong. Lúc này Đào Tam gia dùng nệm rơm rạ che cửa hầm lại rồi đắp đá phiến lên, coi như đã cất xong khoai vào hầm.
Mỗi ngày Lý thị sẽ nhấc tấm đá phiến và rơm rạ đậy cửa hầm lên để hầm khoai lang đỏ thông khí, tới khi đạt được nhiệt độ thích hợp thì sẽ đóng lâu dài.
Người ta thường nói mưa thu một qua là lạnh tới, qua mấy cơn mưa thu nhiệt độ quả nhiên giảm rõ rệt, cả nhà đều thay áo mỏng bằng áo dày.
Thời gian ban ngày càng lúc càng ngắn, sương mù cũng ngày một dày. Sáng sớm đẩy cửa ra liếc mắt một cái chỉ thấy sương trắng mênh mông, trên mặt cỏ toàn là giọt nước lạnh căm căm. Phải chờ mặt trời mọc thì sương mù kia mới chậm rãi tan đi, hóa thành nước chảy tích táp từ lá cây xuống khiến mặt đất ướt dầm dề. Mãi tới buổi trưa sương mù mới hoàn toàn tan ra, mọi người mới có thể cảm nhận được ánh mặt trời ấm áp. Nhà nhà vội vàng dọn chăn đệm và quần áo đã giặt ra phơi.
Trung thu tới gần, thời tiết lại là kiểu ‘tháng tám mưa thối đất thối cát’. Cây cỏ vàng úa, mưa thu liên miên, ngoài rừng trúc và đám tùng bách thì những cây khác đã rụng gần hết lá, chỉ còn đôi chút lá vàng treo trên đầu cành.
Hơn mười ngày liên tiếp trời có mưa phùn, toàn bộ Đào gia thôn như bức tranh thủy mặc, chỗ nào cũng ẩm ướt. Đường đất cực kỳ lầy lội vì thế nếu không có chuyện quan trọng thì mọi người đều rúc ở trong nhà không ra khỏi cửa. Trong thời tiết như thế ra ngoài đúng là cực hình, phải khoác áo tơi, đội mũ, đi guốc gỗ. Sau khi về nhà quần áo cả người cũng không đến nỗi nhưng ống quần sẽ dính đầy nước bùn do guốc gỗ bắn lên. Việc giặt sạch cũng không phiền toái nhưng phiền nhất chính là mưa thu kéo dài suốt ngày, không có mặt trời nên quần áo phơi lên cũng ẩm mốc, mãi không khô được!
Lý thị và con dâu ngồi dưới mái hiên làm giày, nhân lúc nhàn hạ phải làm giày mới cho cả nhà ăn tết. Đại Bảo và Nhị Bảo vẫn đúng giờ tới học đường, Tam Bảo, Tứ Bảo và Nữu Nữu chơi trên giường ở đông phòng. Lưu thị không cho bọn nó ra khỏi phòng mà bắt chơi trong ấy một là vì trong phòng ấm áp, bọn nhỏ không bị cảm lạnh, hai là để tránh tụi nó ra ngoài nghịch ngợm trong thời tiết này rồi bẩn hết quần áo!
“Tháng tám này đúng là chán, mưa mãi không ngừng!” Lý thị oán giận.
“Trung thu năm nay lại không thể ngắm trăng rồi!” Trương thị thở dài.
“Mặt trời còn không thấy huống chi mặt trăng!” Lý thị vừa mài mài kim lên tóc vừa nói.
“Từ cuối tháng trước đã mưa rồi, hơn mười ngày còn chưa thấy dừng, cả người đều mốc meo!” Lưu thị cũng thở dài.
“Mưa thu hàng năm đều dai dẳng, cũng may chúng ta rút kinh nghiệm nên đã trồng ít rau dưa mùa thu trong vườn nhà, đỡ phải ra bờ sông. Quần áo mà bẩn thì giặt cũng không khô được.” Lý thị nói tiếp.
“Nương, chúng ta bóc ít đậu phộng đi, làm bánh trung thu phải dùng tới, trong nhà cũng hết đường đỏ rồi.” Lưu thị nhắc nhở.
“Ừ, mấy ngày nữa là trung thu rồi, ta cũng phải chuẩn bị cho sớm.” Lý thị đồng tình, “Trứng gà trong nhà cũng tích được một ít, để Trường Phú và Trường Quý lên chợ đổi ít tiền mua đường đỏ về. Ta sẽ thương lượng với cha mấy đứa xem mua thêm cái gì nữa!”
“Buổi chiều con sẽ đi giã gạo nếp.” Lưu thị nói.
“Đại tẩu, muội đi với tẩu!” Trương thị vội đề nghị.
“Không cần, có mỗi 10 cân gạo, cũng không phải nhiều!” Lưu thị nói.
“Hai đứa cùng đi đi, làm một lần cho xong việc, đỡ phải chạy qua chạy lại!” Lý thị quyết định thế là hai cô con dâu cũng đồng ý. Lúc này bà mới nói tiếp: “Chiều nay ta sẽ bóc chút đậu phộng, lại ngâm ít đậu đỏ, hạch đào cũng phải tách vỏ. Năm nay làm nhiều bánh trung thu một chút, coi như đồ ăn vặt của bọn nhỏ.”
Lưu thị và Trương thị gật đầu sau đó mẹ chồng nàng dâu nhà họ lại quay qua thương lượng chuyện đồ ăn cho trung thu.