Chuyện Xưa Ở Đào Gia Thôn

Chương 59: Bán heo



Đến tháng 11 đám lái buôn chuyên thu heo bắt đầu xuất hiện, bọn họ tới từng thôn từng hộ bắt đầu chào giá.

Ba con heo của nhà Đào Tam gia đều béo, cũng phải thôi, gần đây tụi nó ngày nào cũng ăn một nồi khoai luộc quấy với trấu sau đó ngủ để nuôi mỡ.

Mấy ngày nay Lý thị đi dạo trong thôn, cùng nói chuyện với phụ nhân khác xem nhà ai nuôi mấy con heo, định khi nào bán và để lại mấy con. Sau đó bà về nhà thương lượng với chồng rồi hai người quyết định nhân lúc còn sớm, người bán heo còn chưa nhiều, giá heo còn cao thì bán cho lái buôn hai con, để lại một con nuôi tới cuối tháng béo hơn chút thì mổ để làm thịt khô ăn cả năm.

Heo sống khẳng định không đắt bằng heo đã mổ, nhưng Đào gia thôn cách thị trấn rất xa, vừa không có quầy hàng lại không có người nên việc làm thịt rồi bán không quá khả thi. Đượi cuối năm làm thịt bán cho người trong thôn cũng không được. Đám lái buôn cũng nhìn chuẩn điểm này vì thế bọn họ thu mua heo từ những nơi xa xôi rồi mang lên trấn trên bán. Có lái buôn quen đường quan đạo còn vận chuyển heo tới nơi xa hơn, giàu có hơn để bán.

Lúc Đào Tam gia lên trấn trên bán gà cũng có tìm hiểu giá thịt, hiện tại giá thịt heo đã tăng lên 80 văn một cân. Năm nay vì hạn hán ảnh hưởng nên giá thịt heo liên tục lên cao, giá heo sống cũng không hề thấp.

Mỗi ngày trong thôn đều có lái buôn tới thu mua heo sống, giá đưa ra cũng không tệ. Đào Tam gia cũng không nóng nảy mà nói chuyện với vài lái buôn khác nhau. Qua mấy ngày tiếp xúc ông quyết định bán heo cho một người tên Vương Thuận.

Đào Tam gia nói xong giá với Vương Thuận thế là có ba người nhanh nhẹn vào chuồng heo trói heo mang ra ngoài cân, làm đánh dấu rồi bỏ vào xe gỗ. Trước hai ngày Lý thị dùng sức cho heo ăn nên bụng hai con heo này no căng.

“Đại gia, hai con heo của nhà thúc đúng là béo, một con 120 cân, con kia cũng 110 cân, tổng cộng là……” Lái buôn móc bàn tính ra đánh hạt châu rồi nói, “Đại gia, tổng cộng là 230 cân.”

Đào Tam gia nhìn hắn gảy hạt châu thấy không sai mới gật đầu.

“Một cân heo hơi là 50 văn, vậy 230 cân là 11 lượng 500 văn.” Vương Thuận chừng 30 tuổi, thân thể cường tráng, cao lớn vạm vỡ, thoạt nhìn là người làm việc nặng nhưng tính bàn tính lại rất thành thục.

Đào Tam gia cười chọc hắn: “Này, ngươi phải tính cho đúng nhé, tính nhiều ta sẽ im lặng nhận còn thiếu thì ta không bỏ qua đâu!”

“Đại gia yên tâm đi, để cháu tính lại cho thúc một lần!” Vương Thuận rất có kiên nhẫn, ngay trước mặt Đào Tam gia hắn lại tính lại một lần, xác định không nhầm mới móc tiền ra nghiêm túc đếm ba lần xác nhận đúng 11 lượng 500 văn tiền mới móc một cuốn sổ có bìa màu xanh ra viết ngày 5 tháng 11, Đào gia thôn, hai con heo nặng tổng cộng 230 cân, một cân 50 văn, tổng cộng 11 lượng 500 văn.

Đào Tam gia nói: “Thằng nhóc này cẩn thận quá nhỉ!”

Vương Thuận cười cất sổ đi rồi đưa tiền cho Đào Tam gia và nói: “Đại gia, người ta đều nói anh em ruột còn phải tính toán rõ ràng, bát cơm này chúng ta chia bốn phần, nếu không ghi nhớ kỹ thì ta lấy đâu ra bằng chứng mà chia tiền, càng không thể vì tiền tài mà tổn thương tình cảm của mọi người được!”

Đào Tam gia gật đầu nói phải.

Vương Thuận cười và chỉ hai con heo trong chuồng gỗ nói: “Đại gia, hai con heo nhà thúc ăn no căng bụng thế là đống cơm heo kia cũng được bán với giá thịt đấy nhé!”

Đào Tam gia đốt thuốc và hít một hơi rồi cười nói: “Giá này bán cho ngươi đã rẻ rồi đó. Hiện tại giá khoai lang đỏ là bao nhiêu? Giá thịt heo là bao nhiêu? Một bụng khoai lang đỏ này lại thêm được bao nhiêu mỡ? Thằng nhóc ngươi cứ chờ mà kiếm tiền đi!”

Vương Thuận giật giật khóe miệng.

Đào Tam gia lại nói tiếp: “Ta tính cho ngươi xem. Một con heo sống ngươi mua về làm thịt bán cũng kiếm ít nhất mấy lượng. Chờ tới tháng chạp người bán heo nhiều nên giá xuống thấp nhưng giá thịt lợn vẫn không giảm, ngươi chờ mà đếm tiền đi!”

“Ai ui đại gia ơi, thúc biết tính quá đó, heo này cháu mua nguyên con, mang về làm thịt phải bỏ nội tạng và máu đi thì còn bao nhiêu cân đâu? Cháu cũng chỉ kiếm chút tiền vất vả thôi, vài người trèo đèo lội suối khuân vác gia súc vừa bẩn vừa mệt, kiếm được tiền lại chia bốn nhà. Chúng ta chẳng qua kiếm chút tiền ăn tết thôi!” Vương Thuận kêu khổ.

“Đào gia thôn cũng xa trấn trên quá nên làm gì cũng không tiện! Nói thật, các ngươi buôn bán trong thời tiết lạnh thế này cũng quả thực vất vả.” Đào Tam gia cũng đồng tình với Vương Thuận.

“Quả thực không tiện, xe kéo và chuồng gỗ đều phải sửa, còn phải có con la kéo đi đường núi, lúc nào ra tới quan đạo mới đỡ hơn!” Vương Thuận nói.

“Đúng, ta thấy cái xe của các ngươi hơi lạ, hóa ra là hẹp hơn bình thường.” Đào Tam gia lại nhìn nhìn cái xe có chuồng gỗ kia.

“Xe này hẹp hơn nên cũng chở được ít hơn, vì thế một ngày chúng cháu chỉ có thể đi nhiều hơn bình thường. Thúc xem, tay cháu đông lạnh nứt hết cả ra đây này!” Lái buôn vươn đôi tay đỏ nâu của mình ra, mu bàn tay đều là vết sẹo nhăm nhúm hồng hồng do nứt da để lại, còn có những vết nứt mới đang mọc vảy. Đợi hắn lật bàn tay lại thì thấy bên trong dày một tầng vết chai, không thể ít hơn nông dân.

“Các ngươi kiếm ăn bằng nghề này cũng vất vả thật!” Đào Tam gia cảm khái.

“Đại gia, thật không dám giấu giếm, quê nhà cháu ít ruộng lại nhiều anh em nên cháu phải sớm ra ngoài tự mưu sinh. Việc gì cháu cũng từng làm, khổ gì cũng từng chịu, hiện tại cuối cùng cũng có nhà có gia đình, tuy không kiếm được bao nhiêu tiền nhưng cũng có thể để vợ và mấy đứa nhỏ ăn no mặc ấm! Nhưng cháu cũng muốn giúp đỡ mấy người anh em trong nhà, có điều lực bất tòng tâm!” Vương Thuận nói.

“Người không sợ nghèo, chỉ sợ không chịu khổ được! Cứ từ từ, ngươi còn trẻ lại có thể chịu khổ thì ngày tháng hẳn sẽ khá dần lên!” Đào Tam gia vỗ vỗ vai Vương Thuận mà cổ vũ, “Lúc này đã qua cơm trưa, các ngươi đói bụng rồi hả?”

Vương Thuận ngượng ngùng cười cười, “Chúng cháu chạy ra ngoài làm việc nhịn một hai bữa có là gì!”

“Chàng trai, thân thể là quan trọng nhất, một nhà già trẻ đều dựa vào ngươi đó!” Đào Tam gia vỗ vỗ tẩu thuốc và nói: “Ta cũng không có thứ gì tốt chiêu đãi, để bà nhà ta nấu cho mấy đứa ít nước đường đỏ với gừng, lại chưng ít khoai lang đỏ, mọi người chắp vá ăn tạm cho ấm người!”

Vương Thuận cảm kích chắp tay cảm tạ Đào Tam gia sau đó gọi ba người khác tới.

Lý thị bưng một âu nước gừng đường đỏ đặt lên bàn và dọn ra bốn cái bát rồi lại xuống bếp bưng khoai lang đỏ tới. Bốn người chắp tay cảm tạ bà, miệng nhắc mãi: “Đa tạ đại nương, đa tạ đại nương.”

Lý thị cười nói: “Không gì thứ tốt chiêu đãi, các ngươi cũng đừng ghét bỏ. Ăn ít khoai, uống nước đường cho ấm người! Trời giá rét mà phải ra ngoài kiếm tiền đúng là không dễ dàng!”

Bốn người uống nước gừng nóng, ăn khoai lang nóng thế là trong lòng cũng ấm áp hơn. Lúc đi Lý thị còn đổ nước gừng vào vại và gói khoai lang cho bọn họ mang theo.

Đào Tam gia đưa tiền cho Lý thị và thở dài: “Đều là người làm cha làm mẹ, nhìn tay thằng nhóc kia nứt da và tràn đầy vết chai ta cũng thấy lòng mình chua xót!”

“Còn không phải sao, trời lạnh thế này ai cũng không dễ dàng!” Lý thị nói, “Ta cũng cố gắng tích chút đức về sau con cái ra ngoài cũng mong có người cho tụi nó chén nước ấm mà uống!”

Đào Tam gia gật đầu, Lý thị thì vào phòng cất tiền.

Đào Tam gia ngậm tẩu thuốc ra chuồng heo xem xét. Ngày xưa chuồng heo chật ních nay chỉ còn một con. Con heo kia nghe thấy tiếng bước chân thì hừ một tiếng bò dậy kêu với Đào Tam gia.

Ông cầm dây củ cải ở sọt bên cạnh chuồng heo ném cho nó thế là con heo kia im luôn, cứ thế răng rắc nhai. Đào Tam gia nhìn một lát lại đi ra khỏi đó và tản bộ tới sân trước, trong lòng tính toán để lại sáu lượng bạc năm sau mua heo giống, phần còn lại bọn họ để dành. Tiền bán gà và trứng đủ để mua hàng tết và quần áo mới. Một năm này tiền trong nhà ra ra vào vào cuối cùng vẫn dư được 7,8 lượng. Và vui mừng nhất là kho lương thực lúc này đầy tràn.

Đào Tam gia xoay quanh sân trước, Tam Bảo, Tứ Bảo cũng chạy tới mỗi đứa ôm một chân ông nội làm nũng. Đào Tam gia mải nghĩ nên cũng mặc tụi nó bám vào chân như con khỉ. Tam Bảo và Tứ Bảo vui vẻ cười tít cả mắt, Nữu Nữu cả người tròn vo cũng chạy tới duỗi tay nắm quần áo ông nội và đi theo phía sau như cái đuôi. Đại Bảo và Nhị Bảo ở trong phòng viết chữ nghe thấy mấy đứa em cười thì tò mò chạy ra xem.

Đào Tam gia tính toán lại các khoản thu chi của cả năm, lại dự đoán tình huống mùa màng của năm sau một lượt. Có tính toán ước lượng thì trong lòng ông cũng kiên định hơn nhiều. Ông định tích cóp tiền xây nhà nữa.

Chờ ông phản ứng lại mới phát hiện hai tay hai chân mình có bốn cái bảo treo trên đó, sau mông còn một quả đào đi theo. Đào Tam gia vui tươi hớn hở hưởng thụ vui vẻ khi con cháu đầy nhà và tiếp tục vòng quanh sân.