7. Ước nguyện Sang năm sau, hai vị đồng xá châu học từng đến nhà Phùng Kinh làm khách đỗ kỳ thi hương do châu phủ cử hành, chuẩn bị vào kinh thành tham gia thi hội, tức khoa thi của Lễ bộ cống viện. Phùng Kinh một lần nữa mời họ tới nhà, bày tiệc tiễn biệt.
Trong tiệc, Phùng Kinh kính rượu chúc đồng xá thành công khoa trường, một bước lên mây, đồng xá luôn miệng cảm ơn, một trong hai người nhìn Phùng Kinh chăm chú, cảm khái khôn nguôi: “Đương Thế tài hoa cái thế, vượt xa chúng tôi, nếu lúc trước cùng tham gia thi hương thì chỉ e giành giải nguyên cũng dễ như trở bàn tay, hôm nay ba chúng ta đã làm bạn chung đường vào kinh rồi, há lại chẳng vui!”
Phùng Kinh lắc đầu, nói: “Sách vở nhà tôi phủ bụi đã lâu. Huống chi, từ Tùy Đường tới quốc triều đều có quy định, công thương không được làm quan, Kinh chẳng dám lại mong cầu viển vông đòi đi thi thêm nữa. Hai vị huynh đài bộc lộ được tài năng trong thi hương, cởi bỏ áo thô đã trong tầm mắt, tương lai ấn vàng thao tím cũng trong tầm tay, vậy nhưng chẳng coi kết giao với phường công thương tạp loại là sỉ nhục, vẫn cùng bàn cộng ẩm với Kinh, được vậy Kinh đã cảm thấy vinh hạnh sâu sắc, cảm kích lắm rồi.”
Đồng xá nghe thế vội khích lệ: “Sao Đương Thế lại nói vậy? Đó giờ huynh tôi đều là người thường, tuy huynh từng buôn bán một, hai vụ, song cũng chớ nên quy bản thân vào công thương tạp loại. Đương Thế còn trẻ, nếu bây giờ dừng việc làm ăn, tiếp tục đi học, tham gia cống cử lần sau, cũng chẳng coi là muộn.”
Vị đồng xá còn lại cũng phụ họa, nói: “Quốc triều tuyển sĩ không hỏi gia thế, tuy nói công thương không được làm quan nhưng Thái Tông hoàng đế từng hạ chiếu lệnh: ‘Nếu trong công thượng tạp loại có người kỳ tài dị hành, trác việt bất quần, cũng được phép đi thi.’ Thời gian Đương Thế làm kinh thương quá ngắn, lại có kỳ tài, dẫu có kẻ cưỡng ép xếp huynh vào công thương tạp loại, huynh cũng có thể mượn điều lệ này ứng cử. Nếu không ngại thì hãy quay lại châu học, dốc lòng đọc sách, đợi đến kỳ cống cử bận sau.”
Kể từ khi kim thượng lên ngôi, đều đặn bốn năm mới mở một khoa trường, lần kế hẳn cũng là vào bốn năm sau. Phùng Kinh im lặng nghĩ, bốn năm, đủ để rất nhiều chuyện xảy ra và thay đổi… Chắc Nguyên Nguyên cũng sẽ lại sinh được một, hai đứa rồi, cô và con liệu có đều khỏe mạnh, cơm áo không lo, bình an vui vẻ hay chăng?
Nghĩ vậy, chàng ngước mắt, nở nụ cười nhạt nhòa với đồng xá: “Kinh đã hài lòng với cuộc sống hiện giờ, không có dự tính đi thi.”
Đồng xá nhìn nhau không nói, chỉ thở dài. Lát sau, một người lại nói: “Hôm nay Đương Thế khoác áo gấm, ăn cơm ngọc, nhà có kiều thê nên đã vứt hết hào ngôn tráng chí chỉ điểm giang sơn, luận bàn thao lược, thề hẹn trị quốc bình thiên hạ năm xưa của chúng ta ở châu học ra sau đầu rồi ư?”
Phùng Kinh đặt chén rượu xuống, bình tĩnh nghênh đón ánh mắt chất vấn của đồng xá, nói: “Nếu đến vợ con cũng chẳng nuôi sống nổi thì há có thể bàn xằng tới trị quốc bình thiên hạ?”
Lần này, Nguyên Nguyên chấp thuận lời kiến nghị của Phùng Kinh, tuyệt không lộ mặt, chỉ sắp cỗ cùng mẹ chồng ở buồng trong, để tỳ nữ bưng ra. Giữa chừng, Phùng phu nhân đi tới sau màn cửa mấy bận, nghe được vài câu đối thoại giữa Phùng Kinh và đồng xá.
Ban đêm, Phùng phu nhân gọi con trai tới thư phòng, lấy quyển “Thi” chàng học khi còn nhỏ ra, lật tới trang cuối cùng, đưa cho Phùng Kinh: “Hàng chữ này là của cha con tự tay viết năm đó, con còn nhớ không?”
Phùng Kinh nhận lấy, trông thấy chữ viết quen thuộc của cha mình: “Tướng sĩ lang thủ tướng tác giám thừa thông phán Kinh Nam quân phủ sự tá phi Phùng Kinh.”
Năm đó, chàng đọc không hiểu quan hàm này, hỏi cha, cha mỉm cười vỗ vai chàng, nói: “Tương lai con ta mà thi đỗ trạng nguyên thì quá nửa hoàng đế sẽ cho con làm chức quan này.”
Lời nói còn văng vẳng bên tai, xuyên qua hàng chữ ấy, chàng như chạm tới ánh mắt tha thiết của cha mình. Phùng Kinh khép sách lại, ảm đạm cụp mắt.
“Tiếc nuối lớn nhất của cha con đời này là không thể trúng cử làm quan.” Phùng phu nhân chậm rãi nói: “Khi xưa, cha con cũng đi buôn khắp nơi như con ngày nay vậy, bị người đời ghẻ lạnh, sau đó mới nhờ cống nạp gạo kê mà được bổ vào cái chức suông tả thị cấm nhỏ nhặt, nhưng dầu gì cũng coi như đã thoát khỏi hạng tạp loại. Thế nên, ông ấy một mực muốn con học hành tử tế, tương lai thi tiến sĩ, đỗ trạng nguyên, đường đường chính chính làm quan lớn, làm rạng rỡ cửa nhà. Chẳng ngờ giờ đây lòng vòng quanh co, con lại đi lên đường cũ của ông ấy khi đó…”
Lời chưa nói hết, giọng Phùng phu nhân đã nghẹn ngào, ròng ròng nước mắt.
Phùng Kinh quỳ xuống trước mẫu thân, nghiêm túc nói: “Con trai đã phụ lòng kỳ vọng lớn lao của cha mẹ, đúng là bất hiếu. Nhưng năm đó cha cũng từng dạy con, hảo nam nhi phải giữ tín nghĩa, có tinh thần trách nhiệm, Kinh há có thể bỏ mẹ bỏ vợ không quan tâm, chỉ cầu công danh, không nghĩ đến chuyện nuôi gia đình?”
Nghe chàng nói vậy, Phùng phu nhân cũng khó lòng phản bác, cuối cùng lắc đầu thở dài: “Tuy mẹ tuổi đã cao nhưng may mắn thay vẫn chưa bệnh tật gì, thường ngày chi tiêu không lớn, cũng có thể theo con sống cuộc sống nghèo khó. Nhưng sức khỏe Nguyên Nguyên bây giờ không tốt, cần tẩm bổ nhiều… Hay là, bây giờ chúng ta chăm sóc nó thật tốt, qua nửa năm một năm, đợi nó khỏe lên rồi, con lại chuẩn bị ứng cử?”
Nghĩ đến bốn năm đằng đẵng kia, Phùng Kinh không nhận lời ngay, chỉ đáp: “Chuyện tương lai để tương lai hẵng bàn.”
Phùng phu nhân nghe câu này mà thương tâm, lau nước mắt nói: “Nếu muộn mấy năm nữa con mới lấy vợ thì đã chẳng đến nỗi cực nhọc vì gia thất, bị vây khốn trong đó, không thể toại chí như thế này.” Loading...
Trầm mặc một chốc, Phùng Kinh một lần nữa cất tiếng, nói với mẫu thân: “Chuyện Nguyên Nguyên là lỗi của con. Năm đó tính tình con phóng túng nên mới đúc kết nên sai lầm to lớn này. Nhưng nếu không cưới em ấy thì lại là bạc tình bạc hạnh, đánh mất đạo nghĩa, chẳng khác nào sai lại thêm sai. Sai lầm đã đúc thành thì phải dũng cảm gánh vác. Ban đầu là con hại em ấy, mà nay con bằng lòng để em ấy sống đời an ổn, lấy đó bù đắp cho sai lầm từng phạm. Thế nên, kết quả như bây giờ, con cũng cam lòng đón nhận.”
Mẫu thân rời đi rồi, Phùng Kinh vẫn nán lại thư phòng, bần thần ngồi một lúc lâu, buổi đêm chẳng có gì lạ ấy như cũng trở nên đằng đẵng khác thường, chàng lựa chọn một phương thức giết thời gian: một tay xách rượu, một tay vung bút, đau đớn uống rượu nhạt, đưa bút viết thoăn thoắt.
Cuối cùng say túy lúy. Trước khi dựa bàn ngủ thiếp, chàng phất tay áo hất chồng giấy kín chữ trước mặt xuống. Giấy bay xuống lả tả như múa, trên mỗi tờ đều viết cùng một câu thơ: “Hàn Tín phiêu bạt Hạng Vũ bần, tay cầm trường kiếm hớp heo may…”
Nửa đêm mịt mờ tỉnh dậy, thấy trên người đắp áo khoác, mà những tờ giấy tán loạn đầy đất thì đã được nhặt lên, xếp lại ngay ngắn đặt trên bàn.
Nguyên Nguyên đã tới à? Chàng mơ màng nghĩ, nhưng rất nhanh tự phủ định ý nghĩ này: Nếu cô tới thì ắt đã líu lo đánh thức chàng, giục chàng về phòng ngủ rồi.
Có lẽ là tỳ nữ làm. Chàng lười chứng thực, cảm nhận thấy đêm sâu rét lạnh, đầu cũng nhức lâm râm, chàng bèn đứng dậy, lê bước chân nặng nề trở lại phòng ngủ.
Nguyên Nguyên nằm trên giường, quay người vào trong, xem chừng đang ngủ say. Chàng mặc nguyên quần áo, lẳng lặng nằm xuống bên cạnh cô, không muốn kinh động đến cô.
Hôm nay cô yên tĩnh thật đấy. Trước khi chìm vào mộng mị, chàng đã nghĩ vậy.
Mà sau đó, Nguyên Nguyên càng ngày càng yên lặng hơn, càng ngày càng ít lời, dù trên mặt vẫn thường cười rộ, nhưng cũng chỉ là mỉm cười lễ phép, tiếng cười sang sảng trước đây ngày một thưa thớt.
Đến tiếng gảy bàn tính cũng chẳng khoan khoái như trước kia. Phùng Kinh thầm lấy làm kinh ngạc, rốt cuộc không nhịn được hỏi cô: “Nguyên Nguyên, em có tâm sự gì à?”
Cô cười: “Không có.”
Chàng nhìn cô: “Thần sắc em không tốt lắm.”
Cô nghĩ ngợi rồi đáp: “Chắc là bệnh chưa khỏi hẳn… Không sao, ngày nào đó sẽ tốt thôi.”
Lần khó sinh trước quả thật đã để lại cho cô không ít di chứng, đến nay cô vẫn chưa hết bệnh, thường đau bụng đau lưng, quý thủy cũng không đều. Chàng tiếp tục thỉnh y hỏi thuốc cho cô, nhưng hiệu quả quá nhỏ, hơn nữa, cô còn chẳng mấy phối hợp chữa trị, có một ngày, chàng phát hiện ra cô lặng lẽ đổ sạch thuốc cần uống.
Chàng vừa tức vừa cuống, chạy lại chất vấn cô vì sao không uống thuốc, cô mỉm cười với chàng, nhẹ giọng nói: “Thuốc đắng quá.”
Sau đó, cô càng ngày càng ghét uống thuốc, dứt khoát ngang nhiên cự tuyệt, có bắt ép cô uống, cô cũng sẽ nhanh chóng nôn ra.
Cứ thế, bệnh cô càng ngày càng nặng, cuối cùng đã tới mức nằm liệt giường không dậy nổi.
Một ngày nọ, Phùng Kinh đi tới trước giường bệnh Nguyên Nguyên, nhìn cô gầy đét tiều tụy ngủ mê mệt, chỉ duy sắc mặt đỏ gay màu bệnh ốm, tựa đóa phù dung sắp tàn trong đêm, không khỏi dậy nỗi bi thương mà nhỏ lệ.
Nguyên Nguyên tỉnh lại đúng lúc ấy, đưa tay chậm rãi lau nước mắt cho chàng, cô cười yếu ớt, nói: “Kinh, đưa em ra ngoài đi lại đi.”
Chàng kiến nghị đợi cô khỏe hơn đôi chút rồi hẵng ra ngoài, song cô vẫn khăng khăng muốn đi ngay, chàng bèn hỏi: “Em muốn đi đâu?”
Cô đáp: “Có non có nước là được, đâu cũng được.”
Chàng đưa cô đến Hoàng Hạc Lâu, bế cô lên tầng cao nhất, cho cô xem vàng gieo bên Hán ngàn cây hửng, xanh ngắt châu Anh lớp cỏ dày (*).
(*) Hai câu thơ trong bài “Hoàng Hạc Lâu” của nhà thơ Thôi Hiệu, bản dịch của Ngô Tất Tố.
Cô nửa nằm nửa ngồi, tựa vào người chàng, mắt mày ngậm cười, ngắm cánh buồm cô độc đằng xa, ngắm khói sóng hoàng hôn vấn vít, thỉnh thoảng lại ngẩng đầu thủ thỉ với chàng cảnh sắc trước mắt khác giống quê mình ở đâu, cho đến khi mặt trời tắt hẳn, trăng rọi ngập sông.
Cô trở nên trầm mặc, đăm đăm nhìn trăng sáng, trong mắt cũng chẳng có thần, thân thể mềm nhũn yếu ớt hết sức, tựa như tất thảy sức sống đang bị gió đêm thổi tan.
Lòng Phùng Kinh chua xót, một tay ôm cô, một tay khép áo choàng phủ trên người cô, mỉm cười nhủ bên tai cô: “Nguyên Nguyên, nghe nói vào đêm trăng sáng, trên Hoàng Hạc Lâu có thể nhìn thấy tiên nhân. Đêm nay trăng đẹp, em nhìn kỹ chung quanh xem, có khi cũng thấy được tiên nhân đấy.”
Nguyên Nguyên mờ mịt nghiêng đầu nhìn chàng: “Thật ạ?”
Chàng gật đầu, nói: “Thật. Nghe nói binh lính giữ cửa cũng từng nhìn thấy rồi. Đêm đó trăng cũng đẹp thế này, chiếu quang cảnh trước Hoàng Hạc Lâu sáng rõ. Người lính giữ cửa ấy đói bụng đêm, ngủ không yên giấc, đương trằn trọc khó xuôi thì bỗng nghe bên ngoài có tiếng ai chuyện trò vui vẻ, ông ấy bèn đứng dậy xem xét, kết quả phát hiện bên ngoài có ba người, thân bận áo lông vũ, chân đi guốc mộc, đi trên đường lát đá, tiếng guốc mộc lanh lảnh vang vọng từng trận khắp núi non chung quanh…”
Nguyên Nguyên chớp mắt, hỏi: “Họ là ai?”
Phùng Kinh đáp: “Không phải người, cũng chẳng phải ma, họ là thần tiên.”
“Thế sau đó thì sao?” Nguyên Nguyên lại hỏi.
Phùng Kinh đáp: “Sau đó, họ tới bên núi, đối diện với vách đá, đưa tay gõ ba cái, tiếp đó, vách đá mở ra như cửa vậy, họ liền bay vào cửa như một làn khói nhẹ, biến mất trong núi.”
Nguyên Nguyên nhìn một lượt núi xanh trước mặt, truy hỏi: “Là vách đá kia à?”
Phùng Kinh cười: “Không biết… Em nhìn kỹ thêm xem, không chừng tiên nhân sẽ lại hiện thân trước lầu ấy.”
Nguyên Nguyên lại hoang mang hỏi: “Nhìn thấy tiên nhân rồi thì sao?”
Phùng Kinh đề nghị: “Em xin họ thực hiện một điều ước của em đi.”
“Ý kiến hay!” Hai mắt Nguyên Nguyên sáng lên, kế đó tỏ ra được voi đòi tiên: “Nhưng một điều ước thôi không đủ lắm… Ba cái có được không?”
Phùng Kinh giả đò trầm ngâm rồi cười bảo: “Chắc cũng được. Họ có ba người, mỗi người giúp em thực hiện một điều ước hẳn không quá khó khăn.”
“Cả chàng nữa,” Nguyên Nguyên cũng cười nói, “Chàng cũng phải ước ba điều, xin họ giúp chàng thực hiện.”
Phùng Kinh nhướng mày: “Ừm… Dĩ nhiên ta không ý kiến, cơ mà chẳng biết tiên nhân người ta có cảm thấy phiền toái hay không.”
“Không phiền không phiền!” Nguyên Nguyên lập tức nói, quay mặt ra ngoài, như nói với tiên nhân đang ẩn thân giữa núi. “Tiên nhân tất nhiên là đối với ai cũng như nhau rồi, giúp người ta thực hiện ước nguyện quyết không thiên vị, ai thấy cũng có phần!”
Phùng Kinh không kìm được phì cười: “Vậy em muốn ước gì?”
Nguyên Nguyên hỏi ngược lại: “Không phải là gặp tiên nhân rồi mới được nói à?”
Phùng Kinh đáp: “Em nói nhiều như vậy, khẳng định là tiên nhân bị dọa đến không dám hiện thân rồi. Có điều, họ nhất định đang nấp trong núi nhìn em, miễn là em cầu nguyện ở đây, họ đều sẽ biết được.”
Nguyên Nguyên tựa hồ cũng tin, nắm tay chàng, nghiêm túc nói: “Vậy bây giờ chúng ta cùng nhắm mắt, mỗi người ước ba điều, xin tiên nhân thực hiện cho chúng ta.”
Thấy cô hào hứng như vậy, tất nhiên Phùng Kinh sẽ không làm phật ý cô, bèn gật đầu đồng ý. Thế là, hai người đồng thời nhắm mắt ước nguyện, lát sau, Phùng Kinh mở mắt, thấy Nguyên Nguyên cũng đang nhìn mình, bèn nhìn nhau cười.
“Trong điều ước của chàng có liên quan đến em không?” Nguyên Nguyên ân cần hỏi.
“Có,” Phùng Kinh trả lời, “Điều thứ nhất là ước cho em… Ta mong em mau chóng khỏe lại, từ đây hưởng cuộc sống khỏe mạnh vui vẻ, sống lâu trăm tuổi.”
Nguyên Nguyên cười điềm nhiên, hai tay ôm siết hông chàng như muốn tiến thêm một bước rút ngắn khoảng cách với chàng, sau đó nhẹ nhàng nói với chàng: “Điều ước thứ nhất của em là: Sống, ở chung chỗ với chàng; chết, chôn chung huyệt với chàng; đời đời kiếp kiếp, vĩnh viễn ở bên chàng.”
Phùng Kinh xúc động, cúi đầu hôn trán cô, thấp giọng nói: “Được, tiên nhân nghe thấy rồi.”
“Điều ước thứ hai của chàng là gì?” Nguyên Nguyên lại hỏi.
Phùng Kinh hơi chần chừ, nhưng vẫn nói cô hay: “Ta muốn, nếu sau này có cơ hội thì làm chút gì đấy vì dân vì nước.”
“Vậy điều ước thứ hai của em hẳn là hữu dụng đấy.” Nguyên Nguyên cười mỉm nói ra điều ước của mình, “Em mong ngày sau chàng đỗ trạng nguyên, làm quan lớn… Như vậy là chàng có thể làm đại sự vì dân vì nước được rồi nhỉ?”
Hai mắt Phùng Kinh nong nóng, đợi hơi cay trong mũi dịu đi rồi mới nói: “Cảm ơn em, Nguyên Nguyên.”
Nguyên Nguyên hỏi tiếp điều ước cuối cùng: “Vậy cái thứ ba thì sao?”
Lần này, Phùng Kinh nhìn mặt nước gợn sóng lăn tăn dưới ánh trăng, lặng thinh hồi lâu.
Nguyên Nguyên cũng chẳng truy hỏi, vẫn cười như cũ, nói: “Vậy chúng ta cùng cất giữ điều ước thứ ba, tạm thời không nói đi, chắc hẳn tiên nhân biết rồi sẽ giúp chúng ta thực hiện thôi.”
Sau đó, cô vùi đầu vào lòng Phùng Kinh, mệt mỏi nhắm hai mắt lại.
Tinh thần có sức sống lúc ước nguyện của cô là hồi quang phản chiếu. Sau khi về nhà, thế bệnh như núi đổ, ngày kế, thầy thuốc tuyên bố không thuốc nào cứu được, mời Phùng Kinh chuẩn bị thu xếp hậu sự.
Thời khắc lâm chung, Nguyên Nguyên đăm đăm ngắm trượng phu trông nom trước giường bệnh, nói với chàng giọng thều thào: “Lúc ước nguyện, em vẫn quên mất không dặn tiên nhân, kiếp sau khi chúng ta gặp lại, đừng để em thành sai lầm của chàng nữa rồi.”
Thì ra cô nghe thấy. Phùng Kinh bừng tỉnh hiểu ra, đây mới là căn nguyên cô không muốn cầu sinh.
Chàng im lặng nắm siết chăn nệm bên người cô, lòng quặn thắt tột độ.
“Đừng khóc, Kinh…” Cô yếu ớt vươn tay, muốn lau lệ giúp chàng, song làm thế nào cũng chẳng chạm được tới chàng.
Phùng Kinh tự chùi nước mắt đương mấp mé bờ mi, cầm lấy tay Nguyên Nguyên.
Ngón tay cô khẽ cựa, chạm lên làn da mu bàn tay chàng, vẫn duy trì nụ cười, cô nói tiếp: “Không có em, có lẽ chàng sẽ sống tốt hơn… Chúng ta từng cầu khẩn tiên nhân…”
Cô dừng lại, dịu dàng nhìn chàng, đột nhiên hỏi: “Chàng có đoán được điều ước thứ ba của em là gì không?”
Không đợi chàng trả lời, cô lại nở một nụ cười hơi mang đắc ý, nói đứt quãng: “Chắc chắn chàng đoán không ra đâu… Điều ước thứ ba, em cũng muốn ước thay chàng, nhưng lại chẳng biết trừ đỗ trạng nguyên ra, chàng còn muốn điều chi… Sau đó, em nghĩ ra một biện pháp… Em nói với tiên nhân, điều ước thứ ba của em, là mong Kinh thực hiện được mọi ước nguyện của chàng.”
Phùng Kinh thất thanh bật khóc, nhất thời lời chẳng đặng thốt, cầm tay cô đưa lên môi hôn, lệ cũng một lần nữa rơi xuống.
“Em thông minh không?” Nguyên Nguyên khẽ khàng hỏi.
Phùng Kinh gượng mỉm cười, vất vả lắm mới mở được miệng: “Điều ước thứ nhất của ta là mong em khỏe mạnh… Phải, nhất định sẽ thực hiện được.”
Nguyên Nguyên nhẹ lắc đầu, nói: “Lúc chàng ước điều này, hẳn là tiên nhân ra ngoài rồi, không nghe thấy.” Nhưng rất nhanh sau đó, cô lại hé cười, “Cơ mà, chắc chắn họ đã nghe được cái thứ hai, thứ ba, điều ước của chàng, một ngày nào đó sẽ trở thành sự thật.”
Phùng Kinh cúi đầu bặt lặng, sợ đối mặt với cô sẽ làm cô lây nhiễm bi thương của mình.
Ánh mắt cô dời sang sợi xuyến vàng đeo trên cổ tay, nói lên một yêu cầu: “Cái xuyến này có thể chôn cùng em không?”
Phùng Kinh thoáng sững sờ, chần chờ trong chớp mắt, nhưng vẫn gật đầu, nói: “Nó vốn là của em, đương nhiên em có thể luôn đeo theo rồi.”
Nguyên Nguyên lại cười nhẹ rút tay về, tự mình tháo xuyến xuống, đưa cho Phùng Kinh: “Mới rồi đùa chàng thôi, cái này căn bản không phải đồ của em, em mới không cần…”
Phùng Kinh ngạc nhiên, tạm thời chưa hiểu được ý cô, sau đó, Nguyên Nguyên hỏi chàng một câu: “Điều ước thứ ba của chàng có liên quan đến chiếc xuyến này đúng không?”
Phùng Kinh siết chặt sợi xuyến vàng vừa nhận lấy, không lời đối đáp. Mà Nguyên Nguyên cũng chẳng định chờ chàng trả lời, quay đầu vào trong, nói ra câu cuối cùng của cô trong cuộc đời này: “Chủ nhân của xuyến vàng ở trên con thuyền ấy nhỉ?”
Lúc nói câu này, cô vẫn giữ nụ cười mờ nhạt, nhưng giữa lúc quay đầu, một giọt lệ đã trượt qua sống mũi, rơi xuống biến mất trong lớp vải gối chăn lót dưới thân cô.