Sau đó, ta không hỏi lại công chúa về “Ngư gia ngạo”, song chẳng có gì để nghi ngờ, bài từ ấy nhất định đã được đưa đến tay Tào Bình. Nàng đã nghĩ ra cách làm được, có thể là qua Tào nhị cô nương, có thể là sai Trương Thừa Chiếu chuyển đi – hắn vẫn luôn ra sức làm tất cả những gì có thể lấy lòng công chúa bất chấp nguyên tắc… Nghĩ tới đây, ta có phần xem thường chính mình: Thực ra, chẳng phải lúc điền từ thay công chúa, ta cũng là đang làm chuyện bất chấp nguyên tắc sao? Biết rõ nàng và Tào Bình không thể đi đến đâu, để mặc chuyện phát triển sẽ rất nguy hiểm, vậy nhưng vẫn trợ giúp nàng.
Ta khó mà giải thích được hành vi của mình, cũng không muốn nghĩ sâu, sợ dò xuống nữa sẽ chạm tới nguyên nhân mình chẳng thể tiếp thu được.
Tháng Mười hai năm ấy, kim thượng quyết định tuần du học phủ, bèn ngự giá đến Quốc tử giám ngoài Chu Tước Môn, bái tế Khổng Tử, thị sát học xá, đồng thời nghe quan giảng thư giảng kinh.
Quốc triều tôn sùng nho học, chú trọng đào tạo học trò, đó là nghi thức được cử hành hằng năm, nhưng lần này, công chúa lại xin được đi theo nghe Hồ Viện, trực giảng trứ danh của Quốc tử giám, giảng kinh. Kim thượng tức khắc cự tuyệt, nói nữ tử vào Quốc tử giám bái tế nghe giảng là chuyện chưa từng xảy ra, tuyệt đối không thể đi. Công chúa năn nỉ mãi, nói có thể không tham gia nghi thức cúng tế, hơn nữa mọi nơi hoàng đế đặt chân khi tuần du học phủ đều có trướng ngự che đậy, chỗ thánh giá nghỉ ngơi còn dựng bình phong và trướng la vàng, nấp trong đó sẽ không phải sợ bị người khác nhìn thấy, lúc giảng kinh nàng ngồi sau bình phong, không để người ta biết là được.
Kim thượng xua tay không đồng ý, công chúa dẩu môi nhìn phụ thân đăm đăm một lát, chợt thở dài, ủ ê than: “Chuyện con gái tiếc nuối nhất đời này chính là không thể sinh ra làm thân nam nhi, học tập kinh nghĩa thao lược dưới sự chỉ bảo của danh sư, san sẻ trăm mối bộn bề với phụ hoàng.”
Câu này chọc trúng tâm bệnh của kim thượng, hốc mắt ngài bỗng chốc đỏ bừng, sau khi lặng lẽ nghiêng đầu lau hốc mắt, rốt cuộc ngài cũng buông miệng: “Được rồi, con đi theo cha. Nhưng hành động cử chỉ nhất định phải thật cẩn thận, chớ để thất lễ trước Văn Tuyên vương (*).”
(*) Chỉ Khổng Tử. Năm Khai Nguyên thứ hai mươi bảy, Đường Huyền Tông đã tôn Khổng Tử làm Văn Tuyên vương.
Hồ Viện là vị phu tử nổi tiếng nhất quốc triều, hiện đang giữ chức trực giảng Quốc tử giám, ngày thường chưởng quản Thái học viện, học trò có đến ba, bốn trăm người, phàm buổi ông dạy đều có người từ bên ngoài tới xin dự thính, lúc đông nhất thậm chí còn vượt hơn ngàn người, trong điện giảng mà không còn chỗ ngồi, đám học trò sẽ đứng ngoài cửa nghe. Ông dạy dỗ phương pháp hiệu quả, trong chúng đệ tử có rất nhiều người đỗ đạt đăng khoa, đậu tiến sĩ kỳ thi đình gần đây nhất, mười phần phải đến bốn, năm là học trò của ông. Mà y phục cử chỉ của nhóm học trò này thường na ná nhau, bởi vậy nên đi trên đường, người nhìn tuy không quen biết song chỉ cần liếc mắt là nhận ra được ngay họ là đệ tử Hồ Viện.
Tuy nhiên, công chúa khăng khăng đòi đi nghe giảng chuyến này hẳn không phải là thật sự muốn chiêm ngưỡng phong thái danh sư của Hồ Viện.
Học phủ mở công trong kinh đô quốc triều chia làm hai nơi: Quốc tử giám và Thái học viện. Thái học viện thu nhận con em nhà quan viên từ hàng bát phẩm trở xuống và người xuất chúng thuộc tầng lớp thứ dân, còn Quốc tử giám là trường học cho con cháu quan viên từ thất phẩm trở lên đến cầu học – mà Tào Bình thì là học trò Quốc tử giám. Loading...
Ngày ấy kim thượng quả nhiên dẫn công chúa cùng đi Quốc tử giám, sau khi ngồi liễn vào cửa, ngài bảo công chúa đến chỗ nghỉ ở hậu điện nghỉ ngơi trước, bản thân thì lên chính điện thăm viếng Văn Tuyên vương Khổng Tử, dâng hương ba lượt, quỳ gối nhận tước, tế rượu ba lượt, rồi lại hạ bái. Làm lễ xong xuôi mới có thể vào trướng thay y phục.
Hôm đó, công chúa mặc áo xanh cổ tròn, đội khăn chít đầu bằng vải sa quết sơn kiểu nữ, ăn vận rất mực nhũn nhặn, nom như một nữ quan thông thường, lại chỉ hành tẩu trong trướng ngự nên không khiến ai chú ý.
Kim thượng đổi mão miện, khoác áo choàng đỏ, thêm đai lưng ngọc, đi giày tơ, rồi lại lên sảnh chính điện giảng ngồi, phía sau có bình phong, công chúa bèn ngồi vào sau bình phong, ta hầu hạ bên cạnh nàng.
Tể thần tùy hành và quan dạy kinh, quan giảng thư, chư quan viên Quốc tử giám cùng học trò lần lượt bái tấu: “Thánh cung vạn phúc.” Tiếp đó, hoàng đế ban tọa, mọi người đáp dạ, ngoài quan dạy kinh và quan giảng thư ra, ai nấy đều vào chỗ nghe giảng.
Chư học trò đều mặc cùng một kiểu áo dài màu trắng, ngồi trên chiếu đất trong ngoài đại điện, kính cẩn theo hoàng đế và tể thần nghe quan giảng thư Hồ Viện giảng kinh. Lúc ta vào điện đã chú ý quan sát, thấy Tào Bình ngồi ở vị trí dưới hiên ngoài điện.
Hồ Viện năm nay tuổi hạc sáu ba, tóc trắng mày dài, dung mạo cử chỉ đoan chính, công phục đỏ tím trên thân phẳng phiu tươm tất, gần như không chút nếp nhăn. Nghe nói bất kể ngày nắng gắt, khi ông giảng kinh tất sẽ cẩn thận thêm một lớp áo đơn bên trong công phục, ngồi trên sảnh đường, coi đó là lễ nghi của bậc nghiêm sư. Lúc này chỉ mới mở sách giở kinh mà trong ngoài điện đã im phăng phắc, từ kim thượng trở xuống không ai là không nghiêm mặt ngồi ngay ngắn, nín thở kính cẩn lắng nghe.
Nội dung ông giảng hôm nay là chương tiết trong “Dịch”, mở đầu rõ nghĩa rồi tiến hành tuần tự từ cạn tới sâu, hình thức giảng giải tương đối sinh động. Ta đứng sau bình phong nghe say sưa, muốn nghe rõ thêm, bất tri bất giác tiến lên mấy bước, đi tới trước bình phong, khá gần ngự tọa của kim thượng.
Trương Mậu Tắc hầu bên ngự tọa trông thấy, nghiêng đầu ra hiệu bảo ta vào trong, kim thượng lại mỉm cười, chỉ vào bên cạnh ngự tọa, gật đầu với ta, ám chỉ ta có thể đứng đó nghe.
Có lẽ là yêu chim yêu cả lồng, xưa nay ngài đối xử với ta vẫn luôn rất có thiện ý. Ta cúi người tạ ơn, nán lại bên ngài.
Hồ Viện đương nói đến quẻ Càn, liếc nhìn kinh thư trước mặt, ông cao giọng đọc nguyên văn: “Càn, nguyên hanh lợi trinh.”
Lời vừa nói ra, chúng thần tử kẻ sĩ trên điện đều nhìn nhau thất sắc, đến kim thượng cũng không khỏi kinh ngạc – Hồ Viện thế mà lại không tránh tên húy của kim thượng, dõng dạc đọc cả chữ “Trinh”.
Người khiếp sợ nhất hẳn phải là ta. Ký ức u tối nhất khi còn nhỏ cũng là do nói thẳng chữ “Trinh” này mà ra.
Đối mặt với trăm nghìn ánh mắt kinh ngạc, Hồ Viện không hoảng không lo, chỉ chắp tay với kim thượng, giải thích bằng năm chữ: “Gặp văn không kiêng kị.”
Sau đó, ông bình tĩnh giảng tiếp: “Nguyên, tức thiện lành mà trưởng thành; Hanh, tức tốt đẹp mà tụ họp; Lợi, tức chính nghĩa mà hòa hợp; Trinh, tức trung tâm của sự vật. Quân tử có đủ bốn đức này, tự cổ gọi là Càn, nguyên hanh lợi trinh…”
Còn chẳng kiêng dè mà nói liên tục ba lần chữ “Trinh”.
Kim thượng cụp mắt ngẫm ngợi, sau cùng lựa chọn lắc đầu mỉm cười, còn đặc biệt liếc sang ta, ý cười sâu thêm phần nào.
Có lẽ ngài cũng nhớ đến chuyện ta bị phạt vì phạm húy năm đó. Ta một lần nữa khom người vái tạ ngài, cũng mỉm cười, trong lòng ít nhiều sinh cảm kích.
Năm ấy Nhậm Thủ Trung vừa thăng chức, đối đãi với thuộc hạ rất nghiêm, bắt được ta không tránh tên ngự là muốn giết một răn trăm, sau được Trương tiên sinh tương trợ, xin hoàng hậu góp lời với quan gia, khoan thứ cho ta. Sau nữa ta làm nhập nội nội thị, thường xuyên gặp mặt đế hậu, họ cũng từng nhắc tới chuyện này, nhưng đều hời hợt lấy làm bông lơn. Kim thượng xưa nay luôn khoan dung nhân ái, sẽ không thực sự định tội ai vì việc ấy, hôm nay đối với Hồ Viện cũng là như thế, trọng tội trong mắt người đời, ngài chỉ cười xòa cho qua.
Ta đứng thẳng, tiếp tục nghe giảng. Chừng nửa canh giờ sau, Hồ Viện khép sách tạm nghỉ, kim thượng ban thưởng trà nóng cho giảng viên, chúng thần tử và học trò, còn đặc biệt lấy một chung, bảo ta bưng về cho công chúa. Ta nhận lấy, quay trở lại sau bình phong, nhưng lại chẳng thấy công chúa đâu.
“Công chúa quay về hậu điện thay y phục rồi ạ.” Gia Khánh Tử hầu hạ sau bình phong báo ta hay.
Ta bất an, hỏi nó: “Công chúa đi một mình à?”
Gia Khánh Tử đáp: “Dẫn theo Vận Quả Nhi và Hương Duyên Tử ạ.”
Ta đặt chung trà sang một bên, vòng ra ngoài điện kiểm tra trước – Tào Bình quả nhiên đã không còn tại chỗ.
Vội vã lui về hậu điện, cũng không thấy công chúa bên trong, ta tiếp tục rảo bước giữa phòng ốc Quốc tử giám, đi tìm nàng.
Hiện giờ, đến tạp dịch phụ trách vẩy nước quét nhà cũng đứng ngoài điện giảng nghe bài, trong sân trống không, vô cùng tĩnh lặng, ngay cả một người để hỏi thăm cũng chẳng gặp được. Mãi đến khi đi tới tàng thư viện ẩn hiện trong rừng trúc mới trông thấy bóng dáng Vận Quả Nhi và Hương Duyên Tử.
Hai đứa nó ngồi bên vườn hoa ngoài tàng thư viện chơi xóc tiền, thấy ta qua, lập tức đứng nghiêm, đại khái là bị thần sắc của ta dọa sợ, vẻ mặt chúng khiếp hãi, gọi: “Lương tiên sinh.”
“Công chúa đâu?” Ta hỏi.
Hai con bé chần chừ, sau cùng một đứa ngoảnh đầu đánh mắt vào trong viện, một đứa nhẹ giọng đáp: “Công chúa ở bên trong đọc sách…”
Ta đi vào sân. Phòng ốc sảnh đường khép hờ cửa. Ta suy nghĩ hồi lâu, cuối cùng vẫn chậm rãi vào trong.
Sảnh chính không cất sách, nhưng hai mé tả hữu đều có gian phòng sâu dài, dựng đầy từng dãy giá sách. Ánh sáng tối mờ, lại có giá sách che chắn nên chẳng thấy bóng dáng công chúa đâu.
Ta tập trung phân biệt, loáng thoáng nghe thấy trong căn phòng bên trái có tiếng vang nho nhỏ, bèn khẽ khàng đi sang.
Theo bước chân ta di chuyển, những giá sách san sát từ từ lướt bên thân lùi ra sau, trong không khí trôi nổi mùi mực cũ giấy cổ lâu năm, lốm đốm chấm sáng xếp thành hàng có thứ tự rọi vào phòng qua ô cửa sổ, ta lần lượt đi xuyên qua chúng, để mặc vụn sáng lướt qua mặt mình, tâm trạng chẳng khác gì tầm mắt thời khắc này, thoắt sáng thoắt tối.
Sau nữa, ta trông thấy họ, cô thiếu nữ áo xanh cùng cậu học trò áo trắng, đứng nơi sâu nhất trong phòng, mở một quyển trục hoành phi, mỗi người cầm một cạnh, quyển trục vừa vặn che trước mặt họ, như đang đứng chung một chỗ cùng xem.
Thế nhưng, đáng tiếc là họ chẳng phải loại học trò chăm chỉ đến thế. Tay họ run run, quyển trục tuột xuống, chậm rãi để lộ khuôn mặt hai người.
Họ nghiêng đầu về phía nhau, nhắm mắt, mi mày ngậm cười, hai đôi môi chạm vào nhau, khe khẽ nhẹ nhàng, bàn tay không cầm quyển trục quyến luyến đỡ lấy hông nhau.
Ta không sửng sốt như lần gặp phải vụ việc trong Nhu Nghi Điện nhiều năm trước. Suy đoán trong lòng lắng xuống, tâm cảnh cũng theo đó mà khôi phục bình yên, chỉ là nhất thời không biết phải làm sao, đứng lặng trong không gian hai người họ lơ là, hồi lâu sau mới phát hiện ra tay áo mình thấm lạnh.
Cuối cùng, ta quyết định lặng lẽ rời đi. Nhưng vừa quay người lại đã lập tức ý thức được sự tùy hứng của công chúa và Tào Bình hôm nay sẽ phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng cỡ nào.
Có hai người không tiếng động đứng sau lưng ta – Hoàng đế Đại Tống sắc mặt lạnh lẽo, và Trương Mậu Tắc theo hầu.