Giáo chỉ của hoàng hậu nhanh chóng truyền đạt xuống, đồng ý cho lưỡng phủ làm lễ tế cầu phúc trong Đại Khánh Điện. Được lệnh, Văn Ngạn Bác lập tức điều hành dựng đàn tế, chuẩn bị trướng sạp, qua đêm cùng vài vị tể chấp ở nhà hông mé tây đại điện. Sau khi nói chuyện riêng với Văn Ngạn Bác, Phú Bật cáo ốm xin nghỉ xuất cung, tỏ rõ không tham dự vào chính sự nơi đây.
Hành động này của ông tất nhiên là để tránh hiềm nghi. Kim thượng nói hoàng hậu cùng đại thần mưu đồ bí mật, người xem chỉ e đều đoán ra vị “đại thần” ấy là ai. Hoàng hậu nghiêng về phe đại thần tân chính, đó là điều người trong cung ngoài triều ít nhiều đều cảm giác được, tuy khi nói câu này kim thượng không nhìn đến Phú Bật, song mọi người liên hệ tiền hậu nhân quả cũng có thể nghĩ ra là ông.
Trước sau ta vẫn không yên tâm về Trương tiên sinh, sợ thầy sau đó sẽ còn tự sát, thế nên ngày kế trời vừa tảng sáng, ta đã sang chỗ thầy thăm thầy. Lúc ta đến nơi, thầy đã không còn trong phòng, chỉ có một cậu tiểu hoàng môn đang quét dọn phòng ốc cho thầy.
“Chào buổi sáng, Lương tiên sinh!” Đại khái là nhờ hành vi của ta hôm qua nên cậu ta rất hữu hảo với ta, thấy ta là mỉm cười hành lễ ngay, không đợi ta hỏi đã nói cho ta biết: “Trời còn chưa sáng, Trương tiên sinh đã đi Phúc Ninh Điện hầu hạ quan gia rồi ạ, hiện giờ không có ở đây.”
Ta vẫn hơi lo lắng, hỏi: “Tối qua không xảy ra chuyện gì nữa chứ?”
“Trương tiên sinh rất khỏe, tối qua ăn cháo uống thuốc đúng theo lời thầy thuốc căn dặn, cũng không có trạng thái nào bất thường. Tôi lo lắng trông chừng thầy suốt đêm, cũng không thấy thầy có gì không ổn.” Cậu ta nói rồi nhìn ta, thoáng dừng lại như đang suy nghĩ, cuối cùng vẫn quyết định kể với ta: “Nhưng nếu nói có chuyện gì bất thường thì vẫn có… Giữa đêm, hoàng hậu từng sang đây thăm thầy, dẫn theo Đặng Bảo Cát. Khi đó Trương tiên sinh đã đóng cửa đi ngủ, Đặng đô tri hầu hoàng hậu đứng trong sân, cất giọng thông báo, bảo thầy ra tiếp giá. Nhưng Trương tiên sinh không mở cửa, chỉ ăn mặc chỉnh tề rồi quỳ xuống sau cửa, nói mình đã không còn đáng ngại, không dám làm phiền hoàng hậu hạ cố, mời hoàng hậu về. Hoàng hậu lại gần hơn, nói: ‘Anh mở cửa cho ta xem xem, xem xong ta sẽ về.’ Trương tiên sinh vẫn không đồng ý, chỉ khấu đầu hạ bái, cao giọng nói: ‘Lời dạy bảo của hoàng hậu, thần đã khắc sâu trong tâm khảm, về sau ắt sẽ tận sức hầu hạ quan gia, tuyệt không lười biếng.’ Hoàng hậu nghe vậy, không nói gì thêm. Sau đó, Trương tiên sinh lại nói câu: ‘Thần cung tiễn hoàng hậu.’ rồi rạp mình bái lạy, hồi lâu không ngẩng lên, mãi đến khi tôi nói với thầy trên chấn song đã không còn bóng của hoàng hậu, thầy mới từ từ đứng dậy.”
Ta nghe rồi, không biết nên nói gì cho phải, nhất thời chỉ bặt thinh, ánh mắt phiêu du không mục đích vào phòng. Cuối cùng, một nhành mai vàng cắm trên bàn đã thu hút sự chú ý của ta.
Hoa mai vàng thuần điểm trắng, trong trẻo óng ánh, sắc tựa sáp ong, trạng thái bán trong suốt, mà tâm hoa lại trắng ngần. Tuy không lộng lẫy bằng mai đỏ song nồng nàn thơm nức, hương mai nổi bật. Lúc này, trong phòng đã được tiểu hoàng môn lau dọn sạch sẽ sáng sủa, hương hoa hòa cùng hơi nước chưa khô, càng thêm thanh nhã tươi mát. Loading...
Thấy ta để ý tới mai vàng, tiểu hoàng môn bèn giải thích: “Hoa này là hoàng hậu sai người đưa tới sáng nay… Loài mai vàng này là loài hoa Trương tiên sinh thích nhất.”
Ta gật đầu, hỏi lại cậu ta: “Loài mai vàng này tên là gì?”
Cậu ta trả lời: “Tố tâm.”
Nguyên nhân Trương tiên sinh đóng cửa không gặp hoàng hậu có lẽ rất phức tạp, mà ta chỉ có thể đoán được tầng nghĩa dễ hiểu nhất: tránh hiềm nghi, không để kẻ rình rập ngôn hành của họ tìm ra bằng chứng họ “mưu đồ bí mật”.
Thế nên ta rất bội phục hoàng hậu, đi thăm Trương tiên sinh trong tình huống hiện nay cần phải có dũng khí. Đồng thời, ta cũng cảm khái quyết tâm đóng cửa không ra của Trương tiên sinh, cự tuyệt người tố tâm gắn bó với mình đến thăm hỏi cũng cần một loại dũng khí khác.
Hiển nhiên vẫn luôn có người theo dõi họ sát sao, bằng không kim thượng đã chẳng biết chuyện Trương tiên sinh đi tìm Thập Tam Đoàn Luyện và Phú Bật. Thế nên, tuy Trương tiên sinh và hoàng hậu không gặp nhau nhưng ta vẫn e sợ việc này bị kẻ rình trộm họ chứng kiến, vin vào đây chêm lời.
Quả nhiên có người làm vậy thật, nhưng kết cục rất bi thảm, biến khéo thành vụng, đâm ra bỏ mạng.
Sáng hôm ấy, tin tức Văn tướng công khai sát giới, hạ lệnh xử trảm một tên mật báo truyền khắp hoàng thành.
Kẻ nọ cầu kiến tể chấp qua đêm ở nhà hông mé tây Đại Khánh Điện giữa đêm, tố cáo việc “mưu nghịch”. Văn Ngạn Bác vừa nghe đã lập tức sai người mài mực vào bồn, gọi kẻ nọ qua, tự mình cầm bút bôi mực dày đặc lên mặt hắn, khiến người ta nhìn không ra dung mạo vốn có của hắn, đợi đến lúc mở cửa cung thì kêu thị vệ tới, ra lệnh áp giải kẻ nọ ra ngoài Đông Hoa Môn xử trảm.
Do đó, không ai biết kẻ mật báo này là ai. Hai ngày sau, có người lặng lẽ nói, tiểu hoàng môn dưới trướng Thạch đô tri hình như mất tích. Ta không quen biết người nghe đồn là mất tích ấy nên chẳng rõ là thật hay giả, nhưng bất kể thế nào, sau đó trên dưới cung cấm đều lấy làm nể sợ, không còn lưu truyền lời bàn liên quan đến “mưu nghịch” nữa.
Kể từ khi công chúa ốm bệnh, mỗi ngày ta đều theo Miêu thục nghi tới trung cung, bẩm báo bệnh tình của công chúa cho hoàng hậu. Nhưng một ngày nọ, ta và Miêu thục nghi đang định ra cửa thì thấy trung cung sai người đến đưa tin: “Hoàng hậu quyết định đóng gác ăn chay chép kinh, cầu phúc cho quan gia, thẳng đến khi quan gia khỏi hẳn lên triều. Trong thời gian này miễn lễ vấn an cho mọi người trong cung, bắt đầu từ hôm nay trở đi, Miêu nương tử tạm thời không cần phải đến Nhu Nghi Điện.”
Miêu thục nghi ngạc nhiên: “Ăn chay chép kinh cầu phúc cho quan gia đâu cần phải không gặp người khác? Hoàng hậu vì lẽ gì lại quyết định như thế?”
Người tới không dám trả lời, vội vã cáo từ. Nhưng quan gia ốm bệnh, chư nương tử trong cung dưới mối sầu lo lại càng thêm dỏng tai, cực kỳ nhạy bén với bất kỳ động tĩnh gió thổi cỏ lay nào. Sau, Du sung nghi sang thăm đã kể cho Miêu thục nghi tin tức mình nghe được: “Có hai tay quan viên Ty thiên (*) nói với mọi người là đêm xem sao trời, nhìn ra thiên tử ốm bệnh, quốc gia sắp có dị biến, nếu hoàng hậu học Chương Hiến buông rèm chấp chính thì sẽ đảm bảo được quốc thái dân an. Họ còn viết đơn tường thuật giao cho Sử đô tri, nhờ y chuyển cho Văn tướng công.”
(*) Cơ quan quản lý sự vụ liên quan đến hiện tượng thiên văn.
Miêu thục nghi nghe xong có phần kinh hãi: “Đám đại thần trong triều phiền chán nhất là có ai nhắc đến chuyện Chương Hiến thái hậu buông rèm chấp chính năm đó kia mà. Hoàng hậu mà nắm quyền sao họ chịu bằng lòng?”
Du sung nghi đáp: “Hiện giờ còn chưa rõ thái độ Văn tướng công thế nào. Nghe nói ông ấy chỉ cười với Sử đô tri rồi nhận đơn, không nói gì thêm nữa.”
Miêu thục nghi hỏi nhỏ: “Lai lịch hai tay quan viên Ty thiên đó ra sao? Trước đây có từng tiếp xúc với hoàng hậu không?”
Du sung nghi xua tay: “Ai biết được chứ? Nhưng hai ngày trước, hai người này xin Võ đô tri dẫn họ vào Đại Khánh Điện, sau đó giơ đơn tường thuật ở chỗ lưỡng phủ tụ tập, nói với tể chấp đáng ra quốc gia không nên đào sông ngòi ở phương bắc, thay đổi dòng chảy của Hoàng Hà, khiến thiên tử thánh thể bất an. Mũi nhọn rõ ràng là chĩa vào Phú tướng công, bởi sông là do Phú tướng công quyết định mở… Từ đó có thể thấy, họ hẳn không phải thân với trung cung. Hôm nay nghe chuyện họ kiến nghị hoàng hậu nắm quyền, em còn tưởng họ đột nhiên đổi tính, muốn lấy lòng hoàng hậu cơ…”
Miêu thục nghi hỏi lại: “Thế tức là hoàng hậu tuyên bố đóng gác không ra, không gặp người trong cung là vì chuyện này?”
Du sung nghi đáp: “Đúng vậy. Nghe nói sáng nay Đặng đô tri khấp khởi báo việc này cho chị ấy, không ngờ chị ấy lại biến sắc, lập tức sai hạ nhân truyền lệnh, nói đóng gác ăn chay chép kinh, không ra ngoài cũng không gặp người không phận sự, rõ ràng là không muốn dính dáng đến chính sự.”
Miêu thục nghi như hiểu được phần nào: “Không phải là hai tên này muốn đổ thêm dầu vào lửa ngay thời khắc quan trọng này, khiến đại thần phản cảm với hoàng hậu đấy chứ?”
Du sung nghi mỉm cười, giữ kín như bưng.
Miêu thục nghi hãy còn một thắc mắc: “Nhưng quan viên Ty thiên hẳn không có cơ hội nào gặp mặt hoàng hậu mới phải chứ? Sao lại chĩa mũi nhọn vào hoàng hậu như thế? Chẳng lẽ là có người giật dây?”
Đây cũng là điều ta muốn hỏi, nhưng Du sung nghi không trả lời được câu hỏi của bà, sau cùng, người đưa ra giải thích hợp lý là Trương tiên sinh.
Lúc ta thuật lại chuyện quan viên Ty thiên mời hoàng hậu lên nắm quyền cho thầy khi ấy vừa từ Phúc Ninh Điện trở về, thầy vừa kinh ngạc lại hơi bất an, vội hỏi ta: “Hoàng hậu phản ứng thế nào?”
Ta báo đúng sự thật với thầy, thầy mới thở phào, nói: “Người mà để lộ vui mừng dù chỉ một ít thôi cũng là trúng gian kế của tiểu nhân rồi.”
Ngay sau đó, thầy kể cho ta hay, Giả Xương Triều hiện giữ chức Bắc Kinh lưu thủ (*) căm ghét Phú Bật xưa nay, lại có qua lại với Võ Kế Long, trước đây quan viên Ty thiên phản đối chuyện đào sông, hẳn là do Giả Xương Triều mượn tay Võ Kế Long sắp đặt. Thế nên, họ xin hoàng hậu nắm quyền cũng chẳng phải xuất phát từ hảo tâm, nếu hoàng hậu có ý buông rèm, thứ nhất sẽ làm tể chấp cảnh giác, thứ hai, nếu kim thượng khỏi hẳn, biết được việc này tất sẽ càng thêm phòng bị kiêng dè hoàng hậu, thậm chí hậu quả còn có thể nghiêm trọng hơn.
(*) Chức quan đóng giữ kinh đô khi hoàng đế rời kinh, bồi đô cũng có đại thần lưu thủ, như Bắc Kinh là bồi đô ở đây.