Cô Thành Bế

Chương 58: Tháp Phồn



Sau khi phong ba ốm bệnh lắng xuống, phu nhân Lý quốc cữu vào cung, bóng gió với kim thượng Lý Vĩ và công chúa đã lớn, đã tới thời điểm thành hôn. Kim thượng bèn hạ lệnh trích ngân khố lấy chi phí xây dựng phủ công chúa, giao cho Lý Vĩ trông coi, tiếp đó lại bàn hôn kỳ.Không bao lâu sau, một vài thành phần chỉ e thiên hạ không loạn đã gắng “đánh rơi” một tờ triều báo trước cửa Nghi Phượng Các, bên trên ghi nội dung tấu chương gián quan Phạm Trấn tố cáo phò mã Lý Vĩ: “Nhà phò mã đô úy Lý Vĩ giật dây con em, thu nhận đến bốn, năm mươi cử nhân làm môn khách, đều là hạng vô lại số đỏ con nhà phú hào. Lại xây dựng dinh chính, công dịch thái quá… Lý Vĩ còn trẻ, đương lúc dốc lòng cầu học mà lại để nhiều hạng vô lại số đỏ bên cậu như vậy, xây dựng nhà cửa, xa xỉ quá mức, không phải là điều tốt với cậu…”

Về sau, tờ triều báo này truyền tới tay ta, khi ấy Trương Thừa Chiếu đang ở cạnh ta, sáp lại cùng xem, cười nói: “Thực ra việc này từ lần trước mẹ phò mã vào cung đã khoe khoang ra rồi. Nghe nói bà ta thổi phồng con trai mình lên với quan giá, nói hắn không qua lại với dân thường, bạn bè đều là con em thế gia giàu có, Lý Vĩ giao lưu với họ, chi phí phục sức đều không thua ai, đi đâu cũng có hơn mấy chục người tiền hô hậu ủng, nghiễm nhiên cũng là một quý công tử phong thái thanh cao… Bà ta còn cố ý đòi thêm tiền quan gia, nói phò mã muốn xây sân đánh bóng trong phủ công chúa, quan gia cũng chấp thuận thật luôn.”

Ta hỏi Trương Thừa Chiếu: “Người trong cung có thường xuyên bàn tán việc này không?”

“Lại chẳng,” hắn đáp, “Phu nhân quốc cữu vừa đi, người hầu bên quan gia đã thầm cười nhạo, nói tiền giấy nhà bà ta in biến thành tiền thật, chẳng biết phải tiêu thế nào nên chỉ hận không thể dán lên mặt, đắp lên người, cho tất cả mọi người đều nhìn thấy.”

Ta châm lửa đốt tờ triều báo, lại nhắc hắn: “Đừng bàn tán chuyện này trước mặt công chúa, không thể để người nghe thấy được.”

Hắn luôn miệng đồng ý. Nhưng người biết chuyện này chẳng ít ỏi gì cho cam, chắc chắn đã có vài người lắm mồm để lộ chút tin tức với công chúa, vài ngày sau, công chúa rõ ràng buồn bực hơn hẳn khi trước, ngoại trừ lúc vấn an đế hậu thì đều đóng cửa không ra, thường hay thẫn thờ đã đành, có lúc gảy không hầu, đang đàn thì lác đác nhỏ lệ.

Sau khi quan gia hồi phục, ai nấy đều ăn ý không nhắc đến việc công chúa từ chối hôn sự và về Tào Bình, làm như chuyện chưa từng xảy ra, bao gồm cả chính công chúa, thế nên sự bất mãn của nàng đối với mối hôn sự này chỉ có thể chuyển hóa thành nỗi bi thương thầm lặng, gặm nhấm niềm vui và sức khỏe của nàng như tằm ăn lá dâu, khiến nàng mỗi ngày một tiều tụy.

Miêu thục nghi chứng kiến, tuy rất xót ruột song cũng chẳng thể làm gì, chỉ có thể ngày ngày khấn thần vái phật, thắp hương cầu xin, lần nào miệng cũng lầm rầm, lại nghe không rõ cụ thể bà đang nói gì. Loading...

Một ngày nọ, bà nói với công chúa, trong khoảng thời gian kim thượng và công chúa ốm bệnh, bà từng đi chùa Thiên Thanh, cầu nguyện trước xá lợi của Phật Định Quang, cầu khấn cho phu quân và con gái sớm ngày khỏi bệnh. Bây giờ tâm nguyện đã thành, hẳn là nên đi lễ tạ thần, công chúa cũng nên đi cùng với bà, tỏ lòng thành kính biết ơn.

Công chúa chẳng hứng thú gì với chuyện này, nhưng không cưỡng nổi mẫu thân thuyết phục, cuối cùng đồng ý đi cùng bà.

Chùa Thiên Thanh xây vào thời Hậu Chu Thế Tông, trong chùa có một tháp thờ tên là tháp Hưng Từ, thờ cúng xá lợi Phật Định Quang, nhưng người kinh đô thường gọi nó bằng cái tên thông tục, tháp Phồn. Thân tháp cao ngất, ca dao dân gian Đông Kinh hát rằng: “Tháp sắt cao, tháp sắt cao, đến eo tháp Phồn sao mà cao.”

Ta cùng vài nội thị, nội nhân theo Miêu thục nghi và công chúa men theo lối đi xoay vòng trong tháp Phồn lên trên, leo hồi lâu mới đến được am thờ Phật, tại đây phóng mắt ra ngoài cửa sổ, cảnh tượng trông thấy hệt như những lời Tô Thuấn Khâm vịnh tháp Phồn trong thơ: “Xe ngựa tựa sâu kiến, sông lớn như mương đục.”

Bái tế xong xá lợi, công chúa đưa mắt nhìn quanh, phát hiện ra vách trong khảm rất nhiều viên gạch có hoa văn hình phật, trong đó có một nhóm viên gạch có hình ca vũ quanh Đế Thích Thiên, miêu tả cảnh nghệ nhân tấu tỳ ba, tù và, trống hạt, chũm chọe, sáo ống, tiêu, đường nét rõ ràng, phong thái có hồn, trông rất sống động.

Công chúa dần bị thu hút, xem kỹ từng cái, đúng lúc ấy Miêu thục nghi chợt nói: “Chỗ này cao, gió lại lớn, ta hơi đau đầu, xuống trước đây.”

Công chúa nghe vậy muốn đi cùng bà, Miêu thục nghi lại xua tay, nói: “Con đã thích xem hình vẽ trên mấy viên gạch này thì cứ nán thêm chốc nữa xem cho đã đi. Ta vào đại điện chùa thắp hương trước, lát nữa con xuống cùng Hoài Cát là được.”

Nói đoạn dẫn đám người hầu còn lại cùng phương trượng và tăng nhân tiếp khách rời đi, trước khi đi còn lén nháy mắt với ta, đánh mắt về phía công chúa như có ý giao phó. Ta chỉ nghĩ chắc bà bảo ta chăm sóc công chúa cẩn thận, bèn khom người gật đầu, tỏ vẻ tuân mệnh.

Công chúa tiếp tục xem hình vẽ nghệ nhân tấu nhạc trên viên gạch, cuối cùng ánh mắt đậu lại thật lâu trên hình nghệ nhân thổi sáo, đại khái lại nhớ tới chuyện đã qua, nàng ưu tư ngẩn ngơ, không để ý đến tiếng bước chân vang lên trên lối gỗ trong tháp sau đó, mãi đến khi có người đi tới sau lưng nàng, cất tiếng gọi nàng “Công chúa”, nàng mới bất chợt kinh hãi tỉnh táo lại.

Trong chớp mắt quay đầu lại, nàng chẳng biết là vui hay buồn, nụ cười trên mặt lóe rạng rồi lại tắt phụt, bắt lấy cổ tay người tới như muốn xác nhận sự hiện hữu của cậu, hoặc giả là sợ cậu đột ngột biến mất. Hai mắt hàm lệ nhìn đăm đăm vào cậu, nàng nghẹn ngào khẽ giọng: “Tào ca ca… Chàng có khỏe không?”

Khóe miệng Tào Bình khẽ nhếch, song lại là một nụ cười thê thiết. Đã lâu không gặp, cậu gầy đi nhiều, quầng mắt thâm sạm, ánh mắt đờ đẫn, khác xa dáng vẻ khí phách trước kia.

Cậu nhẹ nhàng rút tay ra, tránh khỏi sự đụng chạm của công chúa, lùi ra sau hai bước, cúi người đáp: “Nhờ phúc của công chúa, thần vẫn khỏe, tạ công chúa nhớ mong.”

Cử chỉ khẩu khí cậu mang cảm giác xa cách rõ rệt, không khỏi khiến công chúa sửng sốt. Ta thầm nghi đó là bởi có ta ở đây làm cậu băn khoăn, bèn tránh ra ngoài cửa, nhưng cũng không dám đi xa, thế nên đứng hầu chờ bên cửa.

Bởi khoảng cách vẫn gần nên có thể nghe được đối thoại giữa họ về sau. Kế đó, người mở miệng trước vẫn là Tào Bình, cậu bình tĩnh lễ phép nói với công chúa: “Công chúa, lần này thần tới là để chào từ biệt người. Thần sắp đi Tị Thủy, trông mộ cho cụ cố, sau này e rằng không còn cơ hội yết kiến công chúa, thế nên hôm nay đến đây nói lời từ biệt, mong công chúa bảo trọng…”

Cậu chưa nói hết, công chúa đã khiếp hãi quá chừng, run giọng hỏi: “Chàng phải rời kinh sư? Tại sao? Là ai bắt chàng đi? Cha ta? Hay là nương nương?”

Tào Bình đáp: “Công chúa đừng đoán mò, là thần cam tâm tình nguyện đi, cũng không phải do ai bức bách.”

Công chúa không tin, trong giọng nói đã nhuốm tiếng lệ: “Tại sao chàng phải đi? Chờ ta, ta sẽ nghĩ cách… Đợi sức khỏe cha tốt hơn chút nữa, ta sẽ xin cha thành toàn cho chúng ta… Cha rất tốt với ta, nhất định sẽ bằng lòng…”

“Công chúa,” Tào Bình ngắt lời nàng, hỏi ngược lại: “Người có chắc chắn rằng dượng sẽ chấp thuận lời thỉnh cầu của người hay không? Người có thể đảm bảo những chuyện không hay xảy ra trước đây sẽ không tái diễn nữa không?”

Công chúa không đáp lại được. Tào Bình buông một tiếng thở dài, nói tiếp: “Trước đây thần từng nghĩ như công chúa, cho rằng dượng yêu thương công chúa, cô còn là hoàng hậu, nếu chúng ta cố gắng, lại có cô khuyên nhủ bên cạnh, dượng nhất định sẽ chấp thuận lời thỉnh cầu của chúng ta. Nhưng, giờ đây khi nhìn lại, là chúng ta đã nghĩ việc này quá đơn giản.”

Công chúa vẫn lặng thinh, Tào Bình lại nói: “Ngày đó từ Quốc tử giám trở về, thần nói chuyện của chúng ta với cha mẹ. Mẫu thân thần cả kinh thất sắc, khóc lóc mắng thần không hiểu chuyện, cha không nghiêm phạt gì thần, chỉ nói một câu: ‘Nếu quan gia bằng lòng gả công chúa cho con thì ngài đã làm thế từ mười năm trước rồi.’ Sau đó, cha xoay người sang thư phòng, viết sớ thỉnh cầu bãi quan chịu tội… Kể từ đó nhà thần bị người Ty hoàng thành giám thị, ai ra vào cũng bị kiểm tra… Dượng không khỏe, thậm chí còn nói ra lời ‘Hoàng hậu mưu nghịch’, tộc nhân nhà thần hay tin, trên dưới đều lo âu thấp thỏm. Tộc trưởng hỏi đến, phụ thân thuật lại chuyện của thần, tộc trường vừa thương vừa giận, bất chấp bệnh nặng trong người, tự mình chống gậy tới trước mặt thần, nói: ‘Lần này mà có sai lầm gì, đừng nói đến trăm năm vẻ vang cụ cố con dành trọn một đời trên lưng ngựa đổi lấy cho Tào thị mà mấy trăm mạng người từ trên xuống dưới tộc họ Tào có bảo toàn được hay không cũng còn chưa rõ đâu!’”

“Cha sẽ không làm vậy!” Công chúa bác bỏ, “Câu nói khi ấy chỉ là lời mê sảng…”

“Lời mê sảng khi ốm bệnh thực ra cũng giống như lời túy lúy khi say rượu vậy, ít nhiều đều có thể để lộ phần nào suy nghĩ nội tâm.” Tào bình nói. Ngữ điệu cậu vẫn chẳng gợn sóng gió, hẳn là mấy ngày nay đã suy nghĩ rất nhiều, lời nói với công chúa lúc này chỉ là kết luận thu được trong lòng, “Cũng phải đến lúc đó thần mới biết được, thì ra cô chẳng hề được dượng tin cậy sâu sắc, ngồi vững trung cung, không thể lung lay như thần từng tưởng. Mà hành vi càn rỡ của thần thì càng khiến dượng hiểu lầm cô sâu hơn, nói không chừng, ngài còn cho rằng là cô bảo thần đi dụ dỗ công chúa…”

Công chúa liên tục phủ nhận: “Không phải, cha không nghĩ như thế…” Song, câu nói không qua suy nghĩ của nàng lại có vẻ vô cùng yếu ớt.

“Người nghe thần nói hết đã, công chúa.” Tào Bình ngăn nàng lại, giọng nói lúc này rất đỗi dịu dàng, phần nào ấm áp hơn vẻ xa cách khách khí trước đó, “Thần không ngờ hành động của mình lại gây ra nhiều ảnh hưởng lớn đến vậy cho gia tộc… Trưởng bối trong nhà lo nghĩ phẫn nộ, phụ thân mặt ủ mày chau, mẫu thân lấy nước mắt rửa mặt, anh em bị cấm túc trong nhà, mà cô em gái từng giúp thần đưa ô cho công chúa thì bị vội vàng hứa gả cho một người em ấy không thích, bởi cha mẹ thần cho rằng, tương lai lỡ có bất trắc, gia tộc người ấy cũng có thể bảo đảm tính mạng cho em… Nhưng người chật vật nhất hẳn là cô, thần không sao tưởng tượng được đối mặt với lời chỉ trích ‘mưu nghịch’ của dượng, cô đã phải trải qua tình cảnh gian nan thế nào trong cung.”

Tạm ngừng một chốc, cậu còn nói: “Thần nghĩ, cảm nhận của công chúa trong khoảng thời gian ấy chỉ có tệ hơn thần. Thế nên, công chúa, hiện giờ mọi chuyện đã qua, vậy hãy duy trì hiện trạng này đi, chúng ta đừng sai lầm tiếp nữa, đừng để lại ảnh hưởng đến những người ta yêu thương.”

“Vậy người chàng yêu thương có bao gồm ta không? Nếu duy trì hiện trạng này, ta sẽ phải lấy tên Lý Vĩ ngu dốt gớm ghiếc kia, đến lúc đó ta sẽ phải sống thế nào?” Công chúa hỏi cậu.

Tào Bình không đáp. Chính lúc này, tâm trạng công chúa thoắt đổi, bỗng tràn ngập hi vọng nói: “Hay là chúng mình bỏ trốn đi, chúng mình bỏ trốn từ đây, đến nơi không ai có thể tìm ra chúng mình…”

“Công chúa!” Tào Bình cao giọng gọi nàng, lấy việc nâng cao âm điệu lên đôi chút để ra hiệu bảo nàng bình tĩnh lại. Kế đó, cậu buông một câu khiến công chúa triệt để câm bặt: “Thần rất thích công chúa, vậy nhưng, thần yêu người nhà của thần hơn.”

Ngữ âm chấm dứt tại đó, trong tháp bảng lảng khói xanh, ngoài thềm mây trôi lững lờ, ta dỏng tai lắng nghe, lại chỉ nghe thấy đứt quãng tiếng gió bị cắt vụn thổi xuyên qua dòng thời gian tĩnh lặng trang nghiêm trước am thờ.

Sau nữa, âm thanh vang lên là tiếng đầu gối chạm đất, Tào Bình bái lạy công chúa: “Thần chúc công chúa bình an hạnh phúc, thọ tựa nam sơn, hưởng phúc muôn đời.”

Lễ xong, cậu sải bước ra khỏi cửa, trước khi xuống tầng, cậu xá ta một vái thật sâu, nói: “Lương tiên sinh, về sau xin tiên sinh hao tâm, chiếu cố thật tốt cho công chúa.”