Khắc cuối cùng sửa sang lễ vật, ta do dự, ánh mắt dao động trên cuộn “Lô nhạn đồ” của Thôi Bạch hồi lâu, rốt cuộc vẫn nhặt ra, không dâng lên ngự lãm cùng những bức thư họa khác.
Có thể kim thượng không biết chuyện giữa Thu Hòa và Thôi Bạch, nhưng hoàng hậu thì nắm rõ trong lòng nên ý trong bức tranh này, bà xem ắt sẽ hiểu ngay, mà thân phận của Thu Hòa nay đã khác xưa, dư tình của Thôi Bạch mà bị hoàng hậu phát hiện chung quy vẫn không phải việc tốt lành gì.
Nhóm lễ vật này rất được đế hậu tán thưởng. Lúc công chúa và phò mã vào cung chúc mừng, kim thượng còn đặc biệt nhắc đến những bức tranh này, kim thượng hỏi Lý Vĩ: “Thư họa phủ công chúa dâng lên đều là do con chọn?”
Lý Vĩ gật đầu thưa vâng, kim thượng và trung cung nhìn nhau cười, ánh mắt lộ vẻ khen ngợi, nói: “Đẹp lắm. Bút lực vẽ hoa không xương của Từ Sùng Tự ngày càng tinh tiến, bốn mùa non nước của Quách Hi cũng khiến người ta lạ mắt lạ tai.”
Lý Vĩ không biết việc ta đổi thư họa của hắn, nghe kim thượng nói vậy thì ngẩn người.
Hoàng hậu lại hỏi hắn đúng lúc này: “Chắc hẳn đô úy rất có tâm đắc với bút nghiên đan thanh nên giờ mới chọn được toàn tinh phẩm như thế. Từ Sùng Tự thành danh đã lâu nhưng tác phẩm của y trong cung lại chẳng có mấy, mà tranh của Quách Hi thì hiếm thấy từ xưa, khá là mới mẻ, đô úy tìm được từ đâu vậy?”
Lý Vĩ sững sờ không biết trả lời sao, ta bèn cúi người với hoàng hậu, đáp thay hắn: “Đô Úy từng chiêm ngưỡng họa tác của Hà Dương Quách Hi, thường khen y giỏi vẽ nước non rừng già, gần đây nghe nói y di cư tới kinh sư, bèn lệnh thần hỏi thăm tìm kiếm, nhờ đó mua được tân tác của y.”
“Đô úy nghe nhiều biết rộng, không chọn tranh theo tiếng tăm họa gia mà chọn sơn thủy của người thời nay, ánh mắt độc đáo lắm thay, người thường khó ai bì kịp.” Hoàng hậu cười khen Lý Vĩ, lại hỏi ta: “Tính tình Quách Hi thế nào?” Loading...
Ta đáp: “Ôn hòa khiêm tốn, đối nhân xử thế nho nhã lễ độ.”
Hoàng hậu bèn đề nghị kim thượng: “Non nước Quách Hi vẽ không thua gì chư vị đãi chiếu trong Họa viện, vận bút lập ý xuất sắc hơn người, không bằng vời về Họa viện, để hắn tiếp tục lịch lãm trong đó, qua một thời gian ắt sẽ đại thành.”
Kim thượng gật đầu khen hay, gọi đô tri chủ quản Hàn lâm họa viện tới bàn giao việc này.
Từ trong cung trở về, Lý Vĩ ba phen mấy bận muốn nói lại thôi, lưỡng lự cả một ngày, rốt cuộc, đến bữa tối ngày kế thì đem việc này ra hỏi ta: “Tranh của Từ Sùng Tự và Quách Hi là do tiên sinh thêm vào danh mục lễ biếu?”
Ta thừa nhận, nói với hắn: “Tranh đan thanh không nhất thiết phải sùng cổ. Luận về Phật Đạo, người vật, tố nữ, trâu ngựa thì quả tình kim không bằng cổ nhưng luận về non nước, rừng đá, hoa trúc, chim cá thì cổ không bằng kim, họa sĩ quốc triều hơn tiền nhân rất nhiều, trong đó, hai người Từ, Quách là nổi trội nhất. Chọn tác phẩm của họ cũng có thể được lòng thánh ý.”
Hắn chần chừ, lại hỏi: “Vậy tranh họa ta chọn, tiên sinh có dâng lên cùng không?”
Ta thoáng cân nhắc, cuối cùng vẫn ăn ngay nói thật: “Tranh của Vương Hi Chi, Trương Huyên và Lý Thành vẫn để trong phủ, những bức còn lại thì đưa cả vào cung rồi ạ.”
Lý Vĩ ngạc nhiên: “Sao tiên sinh lại giữ tranh của mấy vị danh gia kia lại? Lẽ nào quan gia không thích họ?”
Nhất thời, ta không biết phải trả lời câu hỏi này thế nào cho uyển chuyển, vừa làm hắn ý thức được vấn đề trong đó, vừa không đến mức khiến hắn khó chịu, nên trầm mặc trong phút chốc, vậy nhưng Dương phu nhân lại nhè đúng lúc này xen miệng, nói ra suy đoán của mình: “Không phải công chúa thấy thích nên giữ lại đấy chứ?”
Công chúa nghe vậy cười xì một tiếng, lạnh mặt nghiêng đầu, mặc kệ bà.
Vẻ mặt nàng tức thì chọc mẹ chồng bất mãn, Dương phu nhân cũng cười khẩy, lấy ta ra phát động công kích: “Nếu không phải công chúa thích thì nhất định là Lương tiên sinh thấy thích nên giữ lại cho mình rồi? Dùng mấy bức tranh chữ rẻ mạt đi đổi đồ cổ con tôi bỏ bao nhiêu tiền của mua về mà vẫn có thể được quan gia và hoàng hậu khen ngợi, Lương tiên sinh thật có bản lĩnh, sau này dạy phò mã chút ít đi, để nó cũng biết đường làm ăn sao cho lợi lộc được vậy!”
Công chúa giận tím mặt, quắc mắt lườm hai mẹ con Lý Vĩ, thẳng thừng quở trách: “Hoài Cát không nói rõ chân tướng ra là vì nể mặt phò mã đó thôi, hôm qua mà không có mấy bức huynh ấy thay vào thì trước mặt cha mẹ ta, phò mã đã mất hết thể diện rồi. Các người đã lấy bụng tiểu nhân đo lòng quân tử còn độc mồm độc miệng như vậy, thật không biết tốt xấu!”
“Chân tướng? Còn có thể có chân tướng gì?” Dương phu nhân lập tức cao giọng phản bác, “Lẽ nào việc có người ngăn chặn bảo bối phò mã hiến lên quan gia lại còn là giả?”
“Việc ấy không giả, nhưng chịu lời ngài đây lại có giả thật đấy.” Công chúa liếc nhìn Bạch Mậu Tiên hầu hạ trong sảnh, ra lệnh: “Tiểu Bạch, ngươi nói cho phò mã và quốc cữu phu nhân nghe xem giả chỗ nào đi.”
Tiểu Bạch lưỡng lự, không dám mở miệng ngay. Lý Vĩ như dần ý thức được vấn đề trong đây, bèn thử hỏi dò Tiểu Bạch: “Mấy bức thư họa đó của ta là giả?”
Tiểu Bạch cúi đầu, ngầm thừa nhận. Dưới yêu cầu của công chúa, cuối cùng nó cũng nhỏ nhẹ cất tiếng giải thích về sơ hở của những bức tranh kia. Lý Vĩ nín bặt lắng nghe, mặt tái mét, đầu cũng càng cúi càng thấp, không nói được thêm câu nào.
Mà Dương phu nhân nghe Tiểu Bạch kể bản gốc “Độc bi khoa thạch đồ” đã được Bùi Tương sưu tầm, hiện đang cất trong Bí các thì lại nói: “Sao các người biết được bản Bùi thừa chế mua là thật còn của con tôi mua thì là giả? Hình vẽ đều y hệt nhau, chẳng nhẽ bức ông ta mua nhiều hơn vài chữ thì có thể kết luận là thật?”
Công chúa không nhịn được nữa, phất tay áo đứng lên, nói với ta: “Hoài Cát, chúng ta đi.”
Kể từ đó, Lý Vĩ càng thêm trầm mặc, rất ít khi qua lại với đám con cháu hào phú trước kia, thay vào đó cơ hồ dồn hết tinh lực vào học tập đánh giá thư họa, thường xuyên giam mình trong thư phòng xem các tác phẩm cất giữ và sách vở liên quan cả ngày lẫn đêm, thỉnh thoảng có ra cửa cũng hơn nửa là đi mua thư họa danh gia.
Một ngày nọ, hắn tới tìm ta, lễ phép hỏi ta có tranh họa của Thôi Bạch không, hắn muốn chiêm ngưỡng.
Hiện giờ, chỗ ta chỉ cất giữ duy nhất bức “Lô nhạn đồ”. Nhưng ta không lấy ra cho hắn xem, chỉ nói: “Chỗ tôi cũng không có tác phẩm của Thôi Bạch, có điều, tôi và huynh ấy là chỗ quen biết nhiều năm, nếu đô úy có ý thì đừng ngại hôm khác cùng tôi tới bái phỏng huynh ấy, đến lúc đó chắc chắn sẽ được thưởng thức họa tác của huynh ấy.”
Ta chưa nói với bất kỳ ai về “Lô nhạn đồ”, kể cả với công chúa. Ta nghĩ Thôi Bạch lựa tranh này đưa ta có lẽ là hi vọng một ngày nào đó Thu Hòa có thể nhìn thấy. Trong thâm tâm, ta cũng hi vọng Thu Hòa biết được, chỉ là thân phận cô bây giờ đặc thù, chuyển vật này cho cô khiến ta phải suy xét rất nhiều, cũng chẳng phải chỉ là băn khoăn cung quy.
Suy xét kéo dài đến hơn nửa năm. Tháng Tám năm Gia Hựu thứ ba, rốt cuộc ta cũng quyết định mượn dịp công chúa vào cung chúc mừng sinh nhật Miêu hiền phi để mang tranh tới trước mặt Thu Hòa.
Ngày ấy công chúa chúc thọ mẫu thân, trước đó đã được đế hậu cho phép, có thể ngủ lại trong cung một ngày. Ta đi theo nàng, nhân tiện cầm tranh vào cung.
Thu Hòa có vẻ bị ốm nhẹ, tinh thần không sung túc, trước tiệc mừng thọ tới chúc mừng sớm Miêu nương tử, biếu quà lễ xong là cáo từ về gác mình luôn.
Ta vội cầm tranh, tiễn cô về nơi ở, cô cũng nhiệt tình giữ ta lại một chốc, uống trà trò chuyện. Thấy trong gác đều là thân tín của cô, ta mới lấy “Lô nhạn đồ” ra, hai tay dâng lên, nói: “Tôi có người bạn cũ, thiện vẽ hoa điểu, gần đây tặng tôi bức họa này, tôi thấy tranh rất thú vị, lại nhớ Đổng nương tử rất thích hoa trúc lông vũ nên mang đến gửi tặng nương tử, mong nương tử vui lòng nhận cho.”
Thu Hòa tiếp nhận, mở ra xem, sóng mắt êm dịu tựa xuân thủy hơi sững lại, hiển nhiên đã tỏ tường hết thảy căn do.
Cô đăm đăm ngắm bức họa, thẫn thờ im lặng không lên tiếng, một lúc lâu sau mới cụp mắt, giấu đi ánh nước len lén dâng lên, cuộn bức tranh về nguyên trạng, giao trả lại ta, nở nụ cười nhạt nhòa: “Tôi học thức thô thiển, vốn không biết phẩm bình thư họa, tặng tranh này cho tôi phí lắm. Hoài Cát mang về đi thôi, giữ lại cho mình hay trả vị tiên sinh kia đều được.”
Ta hơi bất ngờ, những cũng chẳng quá kinh ngạc, bèn nhận lại tranh, gật đầu bằng lòng.
Sau đó, hai ta lại tán gẫu thêm đôi lát, chỉ nói về những chuyện vụn vặt gần đây của mình, không đề cập một câu nào đến Thôi Bạch.
Lúc ta cáo từ, cô đứng dậy muốn tiễn ta, có lẽ động tác quá đột ngột, cô hơi chóng mặt, thoáng lảo đảo.
Ta và thị nữ cạnh cô vội đỡ lấy hai bên. Thấy sắc mặt cô xám xịt, khí sắc ảm đạm, ta bèn ân cần hỏi cô quý thể không khỏe, có muốn mời thái y qua thăm mạch không.
Cô mỉm cười ôn hòa nhìn ta, chẳng hiểu sao lại khiến ta cảm thấy ánh mắt cô thật thê lương, tựa như khoảng thời gian ngắn ngủi này đã làm tuổi hoa tươi đẹp trong cơ thể trẻ trung của cô đột ngột già đi.
“Hoài Cát,” Cô vẫn duy trì nụ cười ngẩn ngơ như cũ, tay phải xoa bụng dưới của mình, khẽ giọng: “Chắc là…tôi có mang rồi.”