Sống không có niềm vui, chết sẽ chẳng đau đớn, phí tâm sức.
Chuyển ngữ: Mẫn Hạ Trấn
__________
Chủ nhân của Bạch Hạc sơn trang, Liễu Phất Thư, là thiên hạ đệ nhất thần y lúc bấy giờ.
Cách đây vài năm khi thế cục bấp bênh, ông dẫn ba nghìn đệ tử trong gia tộc xuôi nam diệt trừ ôn dịch, lên bắc trị thương cho binh lính, cúc cung tận tuỵ, nhân tâm nhân thuật (*).
(*) Nhân tâm nhân thuật: người thầy thuốc luôn tìm ra những điều tốt nhất có thể làm cho bệnh nhân bằng tấm lòng của mình.
Lúc này đây khi thời cuộc đã ổn định hơn đôi chút, ông lại phải bận rộn chữa thương giúp chư vị đại hiệp giang hồ —— trước đó Võ lâm minh tuyển chọn Minh chủ, cho nên thường xuyên có người bị gãy tay gãy chân nằm cáng được khiêng vào sơn trang.
Người đời vô cùng kính trọng Liễu trang chủ, nếu chỉ bị đau đầu nóng đầu bình thường thì cũng không bao giờ mặt dày tới làm phiền đệ tử Liễu gia, phải biết rằng việc mà người trong toà sơn trang đó làm đều là những việc lớn như giành giật mạng sống với Vô Thường.
"Lần trước ta mắc phải căn bệnh quái lạ rồi thổ huyết, Tiểu Thất Tử đã xem bệnh cho ta."
"Tiểu Thất Tử là ai?"
"Tiểu hoả kế phụ trách mua củi trong Bạch Hạc sơn trang."
Nhìn xem, ngay cả tiểu hoả kế đã lợi hại như vậy, huống chi là mấy vị công tử đứng đắn nghiêm chỉnh của Liễu gia, chỉ cần tuỳ tiện xách ra một người cũng có thể xứng với cái danh "Hoa Đà sống".
Ngoại trừ Nhị công tử Liễu Huyền An.
Y là công tử bột có tiếng trong thành, chơi bời lêu lổng, đã thế còn rất lười. Ưu điểm duy nhất chắc là khuôn mặt, mày tựa núi xa mắt tựa hoa đào, từng động tác nâng tay nhấc chân đều mang sự sang quý phong lưu, vô cùng đẹp mắt. Có điều tuy y như thần tiên bước ra từ trong tranh, nhưng lười tới nỗi cửa lớn không ra, cửa trong không bước (*), suốt ngày chỉ quanh quẩn trong thuỷ tạ xinh đẹp ở tiểu viện của mình, nằm trên ghế mềm ngắm trời ngắm mây, ngắm hoa nở doạ chim tước, nhìn mưa phùn thấm ướt mái hiên.
(*) 大门不出, 二门 不迈: (Đại môn bất xuất, nhị môn bất mại) Vốn để chỉ người con gái trong khuê phòng thời cưa, nay để chi những người tự bế, không giao lưu tiếp xúc với bên ngoài
Liễu Phất Thư đứng ở cửa viện cố thuyết phục đứa con sâu gạo quý giá này: "Con đứng dậy vận động chút đi."
Liễu Huyền An ngoan ngoãn trả lời: "Vâng."
Sau khi 'Vâng' liền chống nửa người trên dậy, lắc chiếc quạt gấp trong tay hai cái, vận động vận động.
Liễu Phất Thư tức tới nỗi choáng váng.
Liễu phu nhân khuyên nhủ con trai: "Giờ này đại ca con đang ở tàng thư lâu, con viết chữ đẹp, sang đó giúp nó chép kinh y đi, không cần lãng phí đầu óc. Sau khi chép xong sẽ được đưa tới Thái y viện, chỗ bọn họ sẽ chỉnh sửa những tập kinh y đó một lần nữa, phân phát cho toàn Đại Diễm, như thế có thể chữa khỏi được nhiều bệnh hơn, cũng như cứu được nhiều người hơn."
Liễu Huyền An không nhúc nhích, cũng không đáp lại, y vẫn nằm trên ghế dựa, nhìn một đám mây trắng nhè nhẹ phía chân trời, một hồi lâu sau chợt thốt ra một câu: "Sống không có niềm vui, chết sẽ chẳng đau đớn, phí tâm sức."
Liễu Phất Thư không nói hai lời, lập tức vớ lấy cây gậy định đánh con trai.
Liễu phu nhân vội vàng ngăn ông lại.
Liễu Phất Thư thổi râu trừng mắt: "Nếu hôm nay con bị bệnh, ta có cứu con không?"
Liễu Huyền An trả lời: "Cứu cũng được, không cứu cũng chẳng sao, đều được hết."
Liễu Phất Thư nổi trận lôi đình, ném gậy về phía y. Liễu Huyền An không tránh, đầu bị đập thành một cái u lớn.
Người ngoài viện nghe thấy động tĩnh liền vội vàng chạy vào khuyên can. Liễu phu nhân lo lắng cho cái đầu của con mình, nhưng lại không muốn khiến người khác cảm thấy mình quá yêu chiều con, cho nên bà lớn tiếng quát: "Còn không mau mau chạy tới tàng thư lâu đi, đi giúp đại ca con!" Sau đó nhân tiện nhìn qua vết thương của y.
Liễu Huyền An vâng theo, chậm chạp đứng dậy, nhưng có thể là do đầu bị đập khiến y hơi choáng váng cho nên y không đi ra cửa lớn mà đi thẳng xuống hồ nước.
"Tùm" một tiếng. Rơi vào hồ.
Liễu trang chủ và Liễu phu nhân đều sững sờ. Hạ nhân trong sân vội vàng hô to gọi nhỏ xông lên cứu người, vừa cứu nội tâm vừa run sợ, Nhị công tử rơi xuống nước sao cũng không thấy vùng vẫy gì vậy, mới đó...... chắc không phải đã...... đi đời rồi chứ?
Cơ mà đương nhiên thì Liễu Huyền An sẽ không chết sớm như vậy, y chỉ nằm sấp trong nước hốt hoảng cảm thán cuộc đời, à, thì ra chết là như thế này, trong lòng cũng chẳng cảm nhận được chút bối rối nào, dù sao thì vốn dĩ con người đâu có sống được ở dưới nước.
Sau khi nhận thức được điều này, y liền nhắm mắt lại, thản nhiên ngất đi trong khi mọi người đang hồ hào cứu y.
Bởi vì sự việc quá hoang đường này, mà rất nhanh sau đó, toàn bộ sơn trang, khắp các ngóc ngách trong thành, thậm chí là người dân trên toàn thể lãnh thổ Đại Diễm, đều biết rằng Liễu nhị công tử của Bạch Hạc sơn trang thà nhảy hồ tự sát cũng không tình nguyện giúp chép sách.
Cái danh lười biếng vang khắp thiên hạ.
Liễu phu nhân thấy không nói nổi con trai mình được nữa, đành phải quay sang khuyên nhủ chồng, gia nghiệp nhà chúng ta lớn, nuôi nó cả đời cũng có sao đâu? Mà lười như thế có khi lại tốt, chứ như trước đây nó rất siêng năng thường xuyên chạy ra ngoài chơi, cuối cùng chạm mặt công chúa đang du ngoạn phương nam, suýt chút nữa thì bị tuyển làm Phò mã.
Chiếu theo mức độ coi trọng của Hoàng thượng đối với Bạch Hạc sơn trang, hôn sự này theo lí là có thể tác thành, nhưng cuối cùng vì sao lại không thành? Chủ yếu vẫn là do đủ mọi loại sự tích vô cùng tuyệt vời của Liễu Huyền An, Hoàng thượng thực sự khó có thể chấp nhận được việc gả muội muội mình cho một nhân vật bất bình thường như vậy, kết quả là Hoàng thượng đích thân khuyên nên chia tay.
Sau khi dân chúng nghe được câu chuyện này đều vô cùng tiếc nuối, suy cho cùng ai mà chẳng có giấc mơ trở thành hoàng thân quốc thích một bước lên trời? Liễu Huyền An cũng thật là, giàu sang phú quý tặng tới cửa rồi mà chỉ vì ngày ngày không học vấn không tài cán, cho nên còn chẳng có được một cơ hội lật mình.
"Các người nói xem, nếu hôm nay Liễu nhị công tử hoàn toàn tỉnh ngộ, chịu khó đọc sách, liệu còn có thể cưới được công chúa không?"
"Chịu khó cái gì, ta nghe nói thậm chí y còn chẳng biết tàng thư lâu nhà mình ở chỗ nào, thời gian tới học đường cộng lại cũng chả đủ hai năm."
Lời đồn đại như vậy cứ truyền dần truyền dần, trong thành liền náo nhiệt một trận.
Thật ra tất cả cũng không phải là giả, đúng là Liễu Huyền An không tìm thấy tàng thư lâu mới được xây dựng ở nhà mình, nơi y quen thuộc là toà cũ phía sau núi đã sụp vào năm kia. Trốn học buổi sáng ba tháng cũng là thật, khi đó y mới bốn, năm tuổi, có trốn cũng không trốn đi nơi khác, chỉ ngồi ở tàng thư lâu lật sách, không chọn thể loại không chọn danh mục, từng trang sách cứ tung bay ào ào, thủ pháp có thể so sánh được với một vị đầu bếp mì sợi ở đất Tấn.
Người bình thường đương nhiên chẳng ai đọc sách như vậy, cho nên tất cả mọi người đều cho rằng Liễu nhị công tử chỉ đang nghịch ngợm. Liễu Huyền An cứ vậy một mình giở hết một vạn ba nghìn chín trăm tám mươi hai (13982) quyển sách, khi quay về học đường, y thấy lão tiên sinh râu dê kia gật đầu đắc ý, vẫn đang giảng về nội dung tương tự như vài năm trước.
Lập tức sững sờ tại chỗ.
Và sau khi y ngồi xuống, thấy người ngồi cùng bàn còn đang vò đầu bứt tai đánh vật với nội dung của vài năm trước, như thể hoàn toàn không hiểu được chút gì, cảm giác kinh ngạc ấy chợt nâng lên một tầng cao mới, do dự mãi, cuối cùng Liễu Huyền An vẫn không nhịn được hỏi người nọ: "Mấy năm nay ngươi làm gì vậy?"
Nhóc ngồi cùng bàn nhìn y một cách kỳ dị: "Đương nhiên là ta đi học, ngươi tưởng ai cũng ham chơi như ngươi chắc, bọn ta thực sự rất vất vả."
Liễu Huyền An muốn hỏi lại, nhưng tiên sinh đã đứng cạnh người y, đứa nhóc không đến học đầy đủ, ban nãy còn với tới chỗ người khác nói chuyện, làm nhiễu loạn trật tự trong học đường, nên phạt.
Liễu nhị công tử vô duyên vô cớ bị bàn tay ai kia đập cho một cái, từ đó về sau không bao giờ chịu đi học nữa.
Cũng không tới tàng thư lâu nữa, bởi vì trong đầu y đã có ba nghìn con đường lớn, có cả một thế giới đang chuyển động vô cùng sống động, ở những đám mây cuộn tròn trên đỉnh đại dương, tầm nhìn của chư vị tiên hiền thượng cổ như những vì sao lấp lánh bất diệt. Dần dần, Liễu Huyền An cũng cảm thấy tư tưởng của chính mình cũng đang rục rịch trỗi dậy, như đại bàng (Bằng) lao vút lên cơn gió lốc, Côn ngao du giữa đông hải (lưu ý 'đông hải' này không phải biển Đông của mình nhá ^.^), tồn tại một cách huy hoàng tráng lệ với trời đất.
So với tư tưởng vĩnh hằng khi trỗi dậy, thì thân xác này thật nhỏ bé làm sao.
Liễu Huyền An thở dài một hơi, nhắm mắt nghe tiếng gió lướt nhẹ bên tai, thể xác và tinh thần thả lỏng đến cực độ.
Nghĩ đến nơi say mê ấy, khoé miệng y khẽ cong lên, giữa hàng nghìn cánh hoa bay lơ lửng còn sót lại một nụ cười động...... động lòng cả hậu viện, bởi vì dân chúng toàn thành hay thậm chí cả đất nước cũng không được nhìn thấy hình ảnh đẹp đẽ này, chỉ có đám tiểu nha hoàn ở hậu viện đỏ bừng mặt, ra sức nắm chặt tấm khăn trong tay, trong lòng thầm nghĩ tương lai nhất định phải cố gắng tiết kiệm tiền, nhỡ đâu, nhỡ đâu có thể gả cho Nhị công tử, mà y lười biếng như vậy, dù sao cũng phải có thật nhiều tiền mới có thể nuôi nổi.
Từng ngày từng ngày cứ thế trôi qua, lúc Liễu Huyền An sắp hai mươi tuổi, lại có một tin tức truyền đến Bạch Hạc sơn trang, vẫn là từ hoàng cung, có liên quan tới hôn sự.
Liễu phu nhân giật mình: "Sao lại tới nữa rồi, vị công chúa kia thật sự yêu thích Huyền An đến thế cơ à?"
Liễu Phất Thư đưa mật thư kia cho bà: "Không phải Huyền An, mà là A Nguyện, trong thư nói, Hoàng thượng có ý định để A Nguyện gả cho Kiêu vương điện hạ."
A Nguyện, đại danh Liễu Nam Nguyện, là tam muội của Liễu Huyền An, năm nay vừa tròn mười sáu tuổi.
Còn Kiêu vương Lương Thú được nhắc đến trong thư là đứa con thứ ba còn lại của tiên hoàng, hiện là Đại nguyên soái chỉ huy đóng quân ở Tây Bắc. Đầu năm mới năm đó khi Liễu trang chủ dẫn theo đệ tử lên Bắc quân tiếp viện, Lương Thú hồi ấy mới chỉ là tiểu thiếu niên tay cầm đoản kiếm, chẳng ngờ nhoáng cái đã đến tuổi đón dâu.
Đối với cửa hôn sự này, Hoàng thượng cũng đã suy xét, bởi vì trước đó đã từ chối hôn sự giữa công chúa và Liễu Huyền An, luôn cảm thấy sự việc này đã quét sạch mặt mũi của Bạch Hạc sơn trang, cần phải trấn an nhà người ta, cho nên Hoàng thượng đã cất công lục lọi một vòng lớn trong triều, cuối cùng chọn ra được...... Tam đệ chưa thú thê của mình, định tác hợp cho hắn và Liễu Nam Nguyện.
Lương Thú tiến cung ngay trong đêm đó: "Hoàng huynh hãy suy xét lại."
Liễu Phất Thư cũng rất muốn để Hoàng thượng suy xét lại, chủ yếu là vì thanh danh của vị Binh mã Nguyên soái này không được tốt, tuy rằng phùng chiến tất thắng nhưng lại thô bạo khát máu, trong chi phí quân đội nộp lên triều đình hằng năm chưa từng có mục "tù binh", vậy những tù binh đó đã đi đâu? Nghe đâu ở phía Tây thành Nguyệt Nha có một mảnh hoang mạc, từng tảng đá lớn hay từng hạt cát viên sỏi đều bị máu nhuộm đỏ sẫm, gió thổi vi vút, tiếng gào khóc văng vẳng không dứt, tựa như quỷ thành trấn áp hàng vạn yêu ma, âm trầm đáng sợ.
Bởi vấn đề đó mà các triều thần thường giảng giải khuyên nhủ, bọn họ uyển chuyển đề nghị rằng mặc dù Tam Vương gia chiến công hiển hách, nhưng loại chuyện như chém giết tù binh này thực sự không được nhân đức cho lắm.
Lương Dục ngồi trên long ỷ, không mặn không nhạt hỏi: "Chém giết tù binh, chư vị ái khanh đã có ai tận mắt chứng kiến chưa?". ngôn tình sủng
Phía dưới đồng loạt tĩnh lặng. Khí hậu Tây Bắc lạnh giá khủng khiếp, chiến sự liên miên, đương nhiên chưa ai tới đó, nhưng Vương gia chưa bao giờ đòi hỏi triều đình chi phí tù binh, nên chắc chuyện này là thật phải không?
Lương Dục kiên nhẫn trả lời: "Bởi vì Tam đệ của trẫm thương cảm cho quốc khố trống rỗng, cho nên nhiều năm nay vẫn luôn chi tiêu tiết kiệm, dùng bổng lộc của mình để nuôi đám tù binh kia."
Mức độ hư ảo của lý do này có thể so sánh với việc tù binh không cần tiêu tiền, ăn không khí cũng sống được, nhưng nếu thiên tử đã nói vậy, đại đa số các triều thần sẽ thức thời không lên tiếng, chỉ có một tên ngốc nghếch còn đang cao giọng thưa rằng: "Nhưng với bổng lộc của Vương gia, dường như không đủ để nuôi nhiều tù binh như vậy."
"Hoá ra Tiền đại nhân cũng biết đây là một khoản chi rất lớn." Lương Dục nhướn mi, vô cùng tốt tính nhìn ông ta, "Nếu đã vậy, ái khanh quyên ra một năm bổng lộc, giúp Vương gia đôi chút."
Tiền đại nhân: "......"
Những vị đại nhân còn lại thấy tình thế không ổn, liền nhanh chóng tìm cớ, tập thể cáo lui.
Mãi cho tới khi xung quanh không còn ai nữa, lúc này Lương Dục mới thu nụ cười giả dối kia lại, rút lấy một cây bút nổi giận đùng đùng bắt đầu viết viết, về sau đừng có mà gây phiền phức cho trẫm nữa! Sau khi viết xong niêm phong thư lại bằng sáp đỏ, kèm theo một xe hoàng kim, ba mươi hũ rượu, phái người chạy suốt đêm gửi tặng tới đại doanh Tây Bắc.
Đoàn xe trùng trùng điệp điệp rời khỏi vương thành, mọi người đều biết sự thiên vị của Hoàng thượng dành cho Kiêu vương điện hạ gần như đã viết rõ ràng trên mặt.
Từ nay về sau không ai dám nhiều lời.
Liễu Phất Thư cảm thấy một người như vậy, bảo vệ biên cương đương nhiên là rất vững chắc, nhưng một khi đã liên quan tới việc thành thân, thì vị này dường như có đôi chút...... Quên đi, không phải đôi chút, mà mà cực kỳ, cực kỳ không thích hợp.
Bản thân Liễu Nam Nguyện nghe xong cũng như sét đánh ngang tai, bởi vì nàng vẫn luôn muốn gả cho một vị công tử nhã nhặn yếu đuối, giờ bỗng biến thành sát nhân cuồng ma, chênh lệch tâm lý quá lớn, vì thế nàng vơ lấy khăn tới tìm tỷ muội thân thiết khóc lóc kể lể, khóc lóc kể lể xong vẫn chưa muốn về nhà, trốn ở trà lâu nghe người ta kể chuyện.
Hoàng hôn xuống, Liễu Huyền An phẩy phẩy chiếc quạt thảnh thơi đi tìm muội muội. Không còn cách nào khác, bởi vì trong nhà chỉ có y là rảnh nhất.
Liễu Nam Nguyện nắm lấy tay nhị ca tố khổ: "Dựa vào đâu mà muội phải thành thân?"
Liễu Huyền An hùa theo: "Đúng, dựa vào đâu."
Liễu Nam Nguyện nói tiếp: "Muội nghe nói hắn ta giết người vô số."
Liễu Huyền An cho rằng điều này rất bình thường, trấn thủ biên giới đất nước, chung quy lại sẽ chẳng thể xuân hoa thu nguyệt, oanh yến vờn quanh như cố sự trong miệng tiên sinh kể chuyện, nhưng y cũng lười giải thích với muội muội, chỉ à à ừ ừ có lệ vài câu.
Liễu Nam Nguyện nói đến chỗ đau lòng, mắt lại như sắp khóc: "Ca, huynh nói xem, nếu huynh là muội, cũng bị gả cho Vương gia, huynh sẽ làm gì lúc này?"
"Nếu ta là muội, phải gả cho một người như vậy", Liễu Huyền An cố gắng nghĩ, "Có thể ta sẽ nhảy hồ."
Dù sao thì từ lần nhảy hồ trước đó, cha nương cũng không nhắc đến chuyện tới tàng thư lâu chép sách nữa.
Liễu Nam Nguyện thấp giọng: "Hữu dụng sao?"
Liễu Huyền An dùng kinh nghiệm của chính mình gật đầu: "Hữu dụng."
"Được!" Liễu Nam Nguyện vỗ bàn, "Vậy chờ muội tìm được ngày hoàng đạo, muội sẽ nhảy hồ!"
Ở một góc cách đó không xa, một nhóm người khác nghe được liền sững sờ, chủ yếu là phó tướng, còn về bản thân Lương Thú ngồi cạnh đó, tư thế thoạt nhìn vẫn lười biếng tuỳ tiện, lông mày sắc bén cũng giãn ra, một ngón tay vân vê miệng chén theo bài ca của ngư dân ngoài cửa sổ, như thể hoàn toàn không nghe thấy cuộc trò chuyện của hai huynh muội ở cách vách. Lần này hắn xuôi nam, không phải vì chiến sự, đương nhiên không cần mặc trọng giáp như trên chiến trường, mà Hoàng thượng ôm tâm lý ngoài người trong chó muốn thân cận, lệnh cho người trong cung gấp rút làm mười bộ đồ mới, sau khi thay xong, tóc đen cài kim quan, hắc bào bóng mượt, trên tay cầm thêm một thanh trường kiếm, hào hoa phóng khoáng như một công tử danh môn giang hồ ra ngoài đi dạo, ngồi ở trà lâu uống một bình nước, đã có ba chiếc khăn thêu uyên ương rơi xuống trước mặt.
Đoàn người này vốn là đến thành Bạch Hạc gặp Liễu trang chủ, bởi Hoàng thượng tin chắc rằng đây là một mối hôn sự vô cùng tuyệt thế kinh thiên động địa, nhất định phải để cho đệ đệ độc thân của mình tận mắt nhìn thấy Liễu tiểu thư.
Lương Thú: "Thần đệ ——"
Lương Dục: "Quân phí giảm một nửa."
Lương Thú: "Ngay mai đệ sẽ tới thành Bạch Hạc."
Lương Thú: "Tốt lắm."
Trên đường đi, một đám thuộc hạ vẫn ríu rít cảm thán, Vương gia của chúng ta, với chiến tích quân sự hiển hách này, với dáng dấp uy nghiêm này, chẳng phải là đã nắm chắc trong lòng bàn tay rồi hay sao? Nhỡ đâu bị Liễu tiểu thư nhìn trúng không thoát ra được, sống chết muốn thành thân thì phải làm sao?
Ây da, buồn lòng, quá là buồn lòng.
Cuối cùng ngàn vạn lần không ngờ tới, đúng là mất công lo lắng, tiểu thư người ta không chỉ không muốn bình thường, mà là loại không muốn đến nỗi thà rằng nhảy hồ tự sát cũng không nguyện ý.
Quá xấu hổ, quá nhục nhã!
Chờ cho hai huynh muội Liễu gia rời đi, phó tưởng mới cẩn thận quay đầu sang, cẩn thận quan sát vẻ mặt ngoài cười trong không cười của Lương Thú hồi lâu, cố gắng điều chỉnh ngữ điệu của mình sao cho vừa trầm thấp mà vừa tận tâm: "Vậy chúng ta còn đi Bạch Hạc sơn trang nữa không?"