Con Nhà Bên

Chương 45: Đường đi học mới mẻ



Nhờ có con nhà bên quyền lực đầy mình tôi an phận sống toàn mạng mấy tháng còn lại của năm lớp chín. Chẳng có thằng nào đến lớp tìm tôi hay hăm doạ gì nữa.

Và thế là tôi và Dương lại cắm cúi học. Ờm, nói thế thôi chứ chúng tôi cũng chả học mấy đâu. Tôi vẫn bị tụi thằng Thắng và Trung rủ rê đi quán net. Học nhóm với Dương cũng giải được đúng một bài toán sau đó lại chứng nào tật nấy bày trò chơi.

Nhưng tóm lại thì tôi cũng đã có cố gắng chứ không buông thả như hồi kì một. Hồi đó đúng là ngoài trên lớp gật gà gật gù tôi chả học gì ở nhà, thậm chí là mấy bài tập đơn giản cũng không thèm làm.

Năm cuối cấp đó tôi cũng chẳng nhớ gì nhiều. Chỉ nhớ mình đã dẻo mỏ đi xin xỏ cô giáo dạy Văn nâng điểm để có thể được cái giấy học sinh giỏi cho bằng bạn bằng bè. Nhưng vì điểm học kì của tôi quá nát, thái độ học tập trên lớp cũng chả ra gì nên dĩ nhiên cô giáo chẳng chút bị lung lay bởi những lời lẽ tội nghiệp tôi bịa ra. Sau đó, thay vì được nghỉ hè chúng tôi phải đi ôn thi vào cấp ba.

Những ngày hè nắng như đổ lửa đó, những ngày mùa đó, công việc rất nhiều nhưng mẹ tôi cố ghánh hết để tôi có thể tập trung vào học.

Nắng gay gắt, nắng như muốn thiêu cháy da thịt con người ta, đi giữa đường cao tốc tuyệt nhiên không có ai. Nếu đi học về đúng mười hai giờ trưa thậm chí còn có ảo giác, đường méo mó mờ loà đi. Tôi và Dương đi học về còn thay nhau tát cái bốp vào mặt nhau để tỉnh táo mà đi về được tới nhà. 

Lại còn rơm rạ! Đây chính là khổ cực hình đối với những đứa đạp xe đạp như chúng tôi. Các bác nông dân cứ đến mùa vụ lại phơi rơm rạ đầy đường không lối thoát. Đạp xe đi trên rạ đó đúng như tựa đạp ngàn cân.

Lại còn gió! Chả hiểu sao tôi đi học hay đi về gì thì đều ngược chiều gió. Đạp muốn đứt cả hơi. Nhiều khi muốn từ bỏ tất cả mà nằm xuống đám rơm dưới chân kia. Con đường về nhà vốn cũng chả dài lắm những ngày hè đó lại tựa như đường sang tây thiên thỉnh kinh vậy. Đôi lúc vài ba cái xe đạp điện phi qua, chúng tôi thèm nhỏ dãi nhìn những "rich kid" đi qua mình một cách kiêu sa.

Sau đó thì chúng tôi khám phá ra một con đường vòng. Đi xa hơn nhưng được cái có nhiều bóng râm, đường lại khá hẹp nên ít rơm rạ phơi. Thế là chúng tôi chọn con đường đó để đi thay vì hành xác trên con đường cao tốc kia. Quả nhiên con đường này mát mẻ hơn hẳn, cây cối mọc tự nhiên hai bên đường, nhà dân cũng khá thưa thớt.

Tôi đi với Dương, chỉ cảm thấy may mắn vì đã thoát khỏi con đường kia thì Dương nó đã phát hiện nhiều tiềm năng về con đường này hơn nữa.

- Việt, Việt ơi! Nhìn cây ổi đó đi.

- Cây xoài này nữa.

- Úi, úi, nhãn nhà ai mà sum suê chưa kìa.

Tóm lại là đủ loại trái cây được Dương săm soi ra. Nhưng hầu hết là cây đã có chủ, không thể làm gì hơn là hằng ngày đi qua nhìn theo đầy vương vấn.

Cũng có khi phát hiện ra một cây ăn trái hoang nào đó. Háo hức dựng xe lại, leo tót lên cây. Xong lại lè lưỡi kêu chát, đắng. Dù sao cũng là cây dại, không có người chăm sóc nên không ngon lành gì cũng phải. Tôi từng nghe nói câu gì đó kiểu như trái ngọt nhờ tay người chăm nữa cơ mà. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cứ thế vặt trụi cái cây ổi dại đó.

Lắm lúc vì đi khám phá thiên nhiên vậy mà không tránh khỏi những tình huống dở khóc dở cười. Ví dụ như có một con sâu róm to đùng trên chân của Dương khi nó nhảy xuống cây.

Khuôn mặt kinh hoàng cùng tiếng hét thất thanh của nó khi đó đúng là khiến tôi cười ngất. Sau đó vừa cười vừa dùng que khều con sâu róm đó ra cho Dương. Nó khóc không ra nước mắt thề hươu thề vượn rằng sẽ không bao giờ leo trèo lung tung nữa.

Rồi đạp xe đến trường trong tâm trạng vô cùng hoang mang, mỗi giây lại ngó xuống chỗ chân vừa bị con sâu róm bò lên với sự lo lắng tột độ.

- Ê, Việt ơi! Sâu róm có gây chết người không nhỉ?

- Mẹ tao chỉ bảo lông nó độc thôi chứ tao làm sao biết. - Tôi trả lời - Mà má, không chết được đâu! Có phải mỗi mày bị sâu róm bò lên chân đâu.

Nhưng tôi không xoa dịu được sự lo lắng tột cùng trong lòng Dương. 

Nó thở dài đầy thểu não với tôi:

- Nếu tao có mệnh hề gì, mày nhớ bảo với bố mẹ tao là tao yêu bố mẹ nhiều lắm. Tiện thể gia tài tao còn hai ngàn đồng dưới gối, tao để lại hết cho mày đấy.

Rồi nó rống lên bài ca quen thuộc thê thiết:

- Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi... ~

Mẹ con điên! Tôi cười, thầm nghĩ.